Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.558
 
Kỳ ly
Dương Đức Khánh

Trong nhóm anh em viết lách, Trần Lĩnh là người ít tuổi nhất; cậu là cây bút mới vào nghề, luôn sôi nổi, hăm hở…

 

Một đàn anh mỗi lần gặp bế tắc trong chuyện sáng tác thường hứng thú kể về lão nhà văn tài ba nọ. Nhiều lần, để kịp một bài tùy bút hay cái truyện ngắn cho tờ tuần báo nọ,  lão thường cuốc bộ tới tòa soạn với  tệp giấy trắng trơn và lao luôn vào xưởng in. Cứ thế, lão hì hụi ngồi viết trong tiếng máy in chạy rầm rầm, xong trang nào lão quăng ngang cho người biên tập, rồi thợ xếp chữ, in luôn! Tài!...

 

-Tưởng gì, chưa ăn thua! – Trần Lĩnh nói - Em từng phải viết bằng xong một bài văn trong tình huống thế này: Xoảng! Cửa kính vỡ toang. Tiếng quát kinh hồn cùng một gương mặt râu ria hùm hổ lao qua cửa sổ và dằn xuống trước mặt cái “cốp”…một quả lựu đạn!...Chuyện thật trăm phần trăm! Thề. Không đùa!...

 

Hôm nọ Trần Lĩnh đến thăm bác nhà văn K. Ngôi nhà mới nâng cấp lên hai lầu. Phần bác là một tầng riêng biệt gồm bốn phòng sáng tác được bố trí bài bản theo từng thể loại : Phòng tiểu thuyết, phòng truyện ngắn và thơ, phòng văn học thiếu nhi, phòng thư viện…Cứ như là cái “viện văn học” không bằng!. Chưa hết, bác còn đưa cậu ra phía sau, qua một khoảng vườn hoa là căn gác biệt lập, xinh xắn - một “nhà sáng tác” nữa, bác vừa mới dựng từ khoản tiền một giải thưởng!. Kể cũng xứng với cái sự nghiệp văn chương gần ba chục đầu sách như bác!...Vậy mà vừa rồi, giữa trưa nắng như đổ lửa cậu thấy bác một mình nê cái bụng “bí rợ”, vác ba lô to đùng tất tả, dáo dác giữa bến xe đò liên tỉnh đầy khói bụi; vừa đi vừa tháo cặp kính cận dày cộp, lau lau. Gặp cậu bác bảo, tớ phải đi V. ngay cậu ạ! Chắc phải nằm ngoài đấy độ vài ba tuần để…hoàn tất bản thảo tập thơ!...Ra đấy tớ thường xuyên khóa máy, bảo anh em thông cảm nhé!...

 

Quái!...Làm cái nghề cao quý danh giá là thế, được bao người ước ao, trọng vọng…Lại còn, này nhé Tài năng văn học là vốn quý của dân tộc! Nghị quyết trung ương khẳng định giấy trắng mực đen ràng ràng. Phải chuyện chơi đâu! Vậy mà cái hành vi hành nghề của các bác thì cứ lấm lét, bí mật như Việt gian phản động không bằng!...

 

Cậu bỗng nhớ câu thơ ngất ngưỡng, tài hoa của lão thi sĩ họ Bùi: Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ/ Những thằng thi sĩ còn...kỳ ly hơn!

 

Tháng trước tại nơi cậu công tác, cũng một chuyện “kỳ ly” nữa:

 

Cơ quan cậu nằm trên con đường khá yên tĩnh ngay trung tâm thành phố. Buổi sáng, chiếc Camry màu mận chín bóng loáng, êm ru đỗ trước cổng. Người đàn ông trạc ngoài năm mươi, trắng trẻo phương phi, dáng vẻ trông rất Tây nhưng gương mặt có nét hơi lãng đãng, bước vào với chiếc samsonite to đùng cùng cô vợ vừa trẻ vừa xinh như hoa hậu. Nhìn lối xã giao đầy “yếu tố nước ngoài” của cô vợ, cậu đoán chắc một đối tác nặng ký! Nhưng sếp giới thiệu ngay: “Đây là nhà văn M., sẽ đến đây ở làm việc một thời gian để…hoàn thành một cuốn tiểu thuyết!”...

 

Cô vợ tranh thủ nhờ cậu đưa lên xem căn phòng trên tầng hai rồi hoa tay xen những câu tiếng Anh; vẽ qua một loạt ý tưởng đầu tư thiết kế lại gian phòng bằng trang thiết bị hiện đại…Ước trên ba chục!. Nhưng cái “kỳ ly” là ở chỗ, xếp cậu vừa cho biết: cơ ngơi của họ, một toà cao ốc cũng ở gần đây, ngay phường này!

 

Cuối cùng là một bản hợp đồng được ký. Tất nhiên là với giá “xử dụng văn phòng” được tính bằng đô la/mét vuông!

 

Cậu khấp khởi sắp được gần gũi một nhà văn tầm cỡ và một tác phẩm sắp ra đời, chắc chắn sẽ cực kỳ hiện đại! Nhưng qua hồi chuyện trò cậu được biết, chủ đề nội dung cuốn sách của nhà văn M. chỉ xoay quanh một nhân vật thời chiến, bối cảnh là giai đoạn Mậu Thân!

 

*

Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ!

 

Mậu Thân! - Với cậu đó là một buổi sáng, mà nếu được sống thêm kiếp nữa, cậu cũng không thể quên. Năm ấy cậu khoảng tám, chín tuổi.

 

Đang mải mê chặt ống hóp làm đạn cho khẩu súng tre thì mẹ  nắm tay kéo cậu vô hầm. Cậu vung văng. Mẹ chỉ tay ra phía đồng- từng tốp lính Mỹ đang túa ra từ bụng mấy chiếc trực thăng…

 

Vô hầm là chuyện cơm bữa. Nhưng lần ấy, ngoại cậu chủ động làm  chuyện lạ lùng khiến cả nhà cười nôn ruột. Ai đời, dì Lụa, dì Mơ của cậu đang mơn mởn như hai nụ bông hường trước sân. Vậy mà ngoại cậu “hoá phép” một hồi thành hai mụ già trùm khăn, má bôi vôi, xấu như phù thủy! Cậu và hai đứa em cứ bò lăn ra mà cười! Rồi ngoại làm “bùa hộ mạng” cho cậu. Ngoại nói, “bùa” này chỉ có con trai với người già mới được mang, phụ nữ, con gái như mẹ và hai dì là không được! Đó là cái ống tay áo cũ, bên trong có mấy miếng gì cưng cứng hình chữ nhật cỡ ba ngón tay, ngoại buộc ngang bụng cậu rồi dặn kỹ, cấm tuyệt không được mở!...Nhiều năm sau này cậu mới biết đó là “của kín”, là những miếng vàng lá!

 

Gần trưa, súng lớn súng nhỏ nổ long trời. Căn hầm rung lên, đất rớt ào ào như sắp sập. Ngạt mùi khói đạn!. Hai đứa em bấu áo mẹ gào lên kêu khát nước!...

 

Chờ thưa tiếng nổ, cậu lén đẩy bao trấu đậy miệng hầm chui ra. Hai gian nhà trên đã thành đống gạch vụn. Cậu bò lum khum xuống bếp tìm ấm nước, tay vẫn kè kè khẩu súng tre buộc quai bằng dây bẹ chuối. Sờ túi áo, cậu tiếc mấy viên đạn hóp vừa rớt ra đâu mất…Vừa lúp xúp chui vào chưa kịp kéo lại bao trấu bỗng có tiếng giày thình thịch và một tràng tiếng Mỹ quát lên như ra lệnh! Trước mắt cậu là một thân hình khổng lồ và cánh tay đầy lông lá cầm quả lựu đạn dứ dứ vô miệng hầm! Cậu giật nẩy mình ú ớ: “Ơ, hàng! Hàng!”. Cậu dong hai tay lên với khẩu súng tre và…toét miệng…cười! Cứ như mỗi lần chơi bắn nhau ngoài vườn gặp lúc hết đạn!...Cặp mắt xanh lè và cái mồm đầy râu cũng…tròn o! Bàn tay lông lá bỗng khựng lại, chùng xuống, bàn tay kia xoè ra vẫy vẫy…Cười!...

Cả nhà cậu lần lượt chui ra khỏi hầm…

 

*

 

Bốn năm sau, trong kỳ thi vào trung học, cậu gặp đề bài văn: “Em hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ nhất trong khoảng đời tuổi thơ của mình”…Cậu cắm bút say sưa kể về cái buổi sáng Mậu Thân “ly kỳ” ấy…Mải mê đến gần hết giờ vẫn chưa tới dòng kết.

 

Kỳ thi được huy động cả lực lượng cảnh sát bảo vệ khá nghiêm ngặt, vậy mà lúc sáng thi môn Toán, cảnh xông xả  ném tài liệu vào phòng thi cứ hỗn loạn như giặc, thấy phát khiếp!...Trống điểm hết giờ!. Cả phòng thi còn mình cậu với thằng Kha cùng bàn. Từ đầu giờ, cu cậu mới viết  được mấy dòng, cứ ngồi cắn bút - Nó là cậu quý tử của ông đại úy biệt động quân, sáng nào đi học cũng xe jeep đưa tới tận cổng trường. Hôm nay nó cũng được cả tốp lính biệt động đưa đi thi.

 

- Đã quá giờ quy định, yêu cầu thí sinh nộp bài! - Giọng vị giám thị vang lên.

 

Choảng! Cửa sổ bị giật tung, vỡ toang! Một bóng rằn ri vẻ mặt đầy sát khí lao vào phòng thi với quả lựu đạn dứ vào mặt giám thị:

- Đứng yên! Khoan thu bài!...

 

Ngay lúc đó trong đầu cậu, một ý tưởng của câu kết luận cũng vừa nẩy ra, đầy văn vẻ, triết lý “ …Trước nụ cười trẻ thơ, mọi cái ác sẽ biến mất!...”./.

 

26/9/09

Dương Đức Khánh
Số lần đọc: 2239
Ngày đăng: 10.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bà Nội - Đỗ Ngọc Thạch
Cuộc cá cược lạ kỳ - Anton P. Chekhov
Hơi điên điên - Trần Đức Tiến
Thằng nhà quê - Huỳnh Văn Úc
Ông Trời có mắt, nhưng còn đợi - L. N. Tolstoy
Đầm ma - Trần Quang Vinh
Tình mèo - Khôi Vũ
Putois - Hiếu Tân
Quả tim heo - Minh Diện
Kòn Trô - Lý Văn Sâm