Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.222.640
 
Thơ vài khắc của Nguyễn Hồng Nhung
Phương Giang

Tôi đọc Thơ vài khắc..[1]. của chị, chợt thèm viết một cái gì đó.

Như một sự thôi thúc vô hình. Chuyển màn hình chát, tôi viết... Trong lúc chị vẫn tiếp tục gửi YM.

 

Màn hình chát rực màu vàng sáng. Màu vàng - màu của chị với một chàng, mà chị luôn vui khi trò chuyện văn chương. Chị đã bảo tôi thế, qua chat...

 

Tôi thích cái cách vào đề trong thơ và văn chị. Tự nhiên đến kinh khủng. Viết mà như chẳng viết. Có chủ ý mà lại như không.

 

 Văn chương, thơ ca mà thực đến từng giây, từng phút như đời thường...

 

Ba giờ đêm

Không ngủ được, dậy dịch thơ Petri György

 

Chuyện chẳng có gì, giản dị như đời ta vẫn hít thở, ăn..., ngủ..., sống... Là ba giờ đêm, hay đơn giản hơn:

 

Năm giờ sáng

lũ bạn ùa vào màn hình đòi chat

bốn năm cửa ô mở cổng cùng một giây.

 

Chẳng nhiều người vào đề thơ tung tẩy như thế. Câu chữ cứ như được nhả ra từ con tằm cuộn kén dệt tơ.

Người say văn chương chứng thực mình khi câu chữ thoát khỏi đầu. Ấy là sáng tạo... Quà của tạo hóa.

 

Thức dậy lúc ba giờ đêm... Tôi sẽ làm gì?

 Đứa con nhỏ uống sữa ban tối gọi mẹ dậy đưa vào toalet. Ông chồng uống rượu say gần sáng nảy ý muốn quờ quạng???...

 

Chị khác tôi. Chị không ngủ lúc ba giờ đêm...

 

Cười rúc rích thấy Petri Gyorgy cũng mệt mỏi sống

mệt mỏi yêu,

mệt mỏi uống

cũng tự hỏi: ”mình thích cái cóc gì?”

 

”Mình thích cái cóc gì?” – Nào có nhiều nhà thơ lại làm thơ như thế!!!

...Hí,hí,hí, hi…

....hihihi-hehehe…

 

Đọc thơ chị tuổi năm mươi sao thấy thêm yêu đời quá đỗi. Thèm điệu cười máy tính lạc quan”...

Để rồi đằng sau niềm lạc quan ấy là nỗi đau đáu vời vợi.

Đau với đời, với người, với văn chương, với chất chứa nỗi niềm, với những câu hỏi chẳng bao giờ dứt:

 

...vì sao ba giờ đêm thức dậy

ở một xứ sở không hiểu tại sao ta rơi vào

ở những mớ bòng bong trong con tim hấp hối,

vì sao, vì sao con người lại yêu nhau?

 

Hay....

 

Tại sao cái gì mình thích đều rõ xa?

tại sao các chàng già đáng yêu đều có

một mụ vợ ẩm ương bên cạnh?

tại sao anh dám gặp em,

khi chẳng sống một mình?

....

Đọng lại dường như là một nỗi đơn côi thăm thẳm.

....

-Kệ chứ, tao biết làm gì hơn

yêu dễ hơn chăng?

buồn dễ hơn chăng?

tao phải sống…

 

Phải chăng, mọi phút giây của chị đều ngưng đọng để thăng hoa thành chất liệu thơ văn?

Khác với tôi, quay cuồng 24 giờ, bon chen bộn bề tiền bạc, chồng con, tủn mủn, vụn vặt... Tôi nào có được...

 

Lang thang, thả từng bước dưới chân cầu

mắt rõi theo lũ hải âu vờn gió

 

để rồi sau lang thang...

 

chán tận tủy những khắc giờ mong nhớ

mong nhớ vu vơ  khát vọng tận cùng

 

Tôi thấy thơ chị hay tả cảnh để biểu đạt tình.

Đặc biệt là màu sắc.

 Hình như chị thích Xanh – Trắng, màu của sự bắt đầu...

 

Một giờ chiều

lảo đảo ra đường, vuốt lại tóc tai, dụi mắt

mây trắng bay vẩn vơ trên đầu

tháng chín mùa  thu xanh ngắt

...

chàng cười long lanh biếc xanh đôi mắt

như mực Cửu long, ngày xưa tao hay chấm, thuở học trò

 

 và...

 

„ dòng sông xanh cuồn cuồn sóng

trôi về đâu…”

lòng lẩm bẩm dạo khúc xanh Đanuýp

 

Màu xanh của chị khác màu ghi của tôi. Màu xanh của sự sống.

Màu ghi buồn quấn quyện, da diết mà đau đớn.

 

Trong chị luôn có sức trỗi dậy dai dẳng, màu của lạc quan.

 Mặc dù sau tất thảy luôn là một triết lý sống khiến mỗi ai đọc thơ chị cũng phải trầm mặc suy nghĩ:

 

Rồi, tạm đủ nỗi thương thân,

quay lại chàng postmodern cùng ta than thở:

„Khi không làm thơ: không là tôi

 đúng hơn, rơi rụng như móng tay và tóc,

một cái gì lớn lên tiếp tục,

nhưng KHÔNG CÓ AI” – Petri

 

hoặc cô đơn hơn...

 

có tận cùng được không người hỡi

bến đỗ sương xa

hắt một kiếp long

 

và triết lý hơn...

 

hương cafe đậm hơn khói thuốc

đằng nào mình chả đầu độc nhau?

hihihihi…               

                                              

Cứ vào đề nhẹ tênh để rồi trói người đọc bằng nỗi xót xa với đời và những triết lý mênh mang, thơ Nguyễn Hồng Nhung cuốn tôi theo dòng suy tư của chị, đắm mình ngẫm nghĩ, thấu và hiểu chính mình hơn./.

 

( Hà nội 2009. 10. 10)

 

THƠ VÀI KHẮC…

NGUYỄN HỒNG NHUNG

 

 

 1.   Ba giờ đêm….

 

Ba giờ đêm

không ngủ được, dậy dịch thơ Petri György

không vì ham làm việc, vì yêu thích văn chương

vì muốn thành người dịch thơ nổi tiếng…

đơn giản

không ngủ được

vào hồi ba giờ đêm.

 

Cười rúc rích thấy Petri Gyorgy cũng mệt mỏi sống

mệt mỏi yêu,

mệt mỏi uống

cũng tự hỏi:” mình thích cái cóc gì?”

 

Bâng quơ nhìn ra trời đêm, nơi một ngôi sao đang lấp lánh

như muốn ưu phiền,

nhưng không nổi, sao ơi!

 

Vứt Petri sang một bên, dạo quanh thế giới

màn hình lúc nhăn nhở cười,

lúc đầy những câu hỏi: vì sao?

vì sao ba giờ đêm thức dậy

ở một xứ sở không hiểu tại sao ta rơi vào

ở những mớ bòng bong trong con tim hấp hối,

vì sao, vì sao con người lại yêu nhau?

 

Rồi, tạm đủ nỗi thương thân,

quay lại chàng postmodern cùng ta than thở:

Khi không làm thơ: không là tôi

 đúng hơn, rơi rụng như móng tay và tóc,

một cái gì lớn lên tiếp tục,

nhưng KHÔNG CÓ AI” –Petri-

 

Ba giờ đêm tỉnh dậy,

ba giờ đêm…

 

      

2.   Năm giờ sáng…

 

Năm giờ sáng

lũ bạn ùa vào màn hình đòi chat

bốn năm cửa ô mở cổng cùng một giây.

 

Kiến trúc sư gửi nụ hồng  xơ xác

Nỗi niềm vui ngơ ngác: Ơ! Nhung?

 

Phó giáo sư + kiêm chủ nhiệm khoa đại học

kiêm người mẫu xổ hình: mày đấy à?

đọc bài phê bình của mày tao sướng!

Hí,hí,hí, hi…

 

Nàng nhà xuất bản: chị ơi, sao bản thảo

không có phần mục luc?

 

Em U. đang ở Sài gòn:  bà chị này

em  có một anh,

 nhưng chỉ làm trái tim em âm ấm

làm thế nào bây giờ, em ước điên cơ?

 

Năm giờ sáng

tách tách tách ban mai sương rơi bàn phím,

hihihi-hehehe…

điệu cười máy tính

ngỡ một đêm hoan hỉ

lúc năm giờ….

 

 

 

3.   Một giờ chiều…

 

 

Một giờ chiều

lảo đảo ra đường, vuốt lại tóc tai, dụi mắt

mây trắng bay vẩn vơ trên đầu

 tháng chín mùa  thu xanh ngắt.

 

Tại sao cái gì mình thích đều rõ xa?

tại sao các chàng già đáng yêu đều có

một mụ vợ ẩm ương bên cạnh?

tại sao anh dám gặp em,

khi chẳng sống một mình?

 

Chen bở hơi tai lên một chuyến tàu đông,

thêm vài bến metro, tìm thấy mình trong hiệu sách

 

chàng cười long lanh biếc xanh đôi mắt

như mực Cửu long, ngày xưa tao hay chấm, thuở học trò.

 

-Thế à, mày kể chuyện nước mày cho tao nghe đi,

 

-Không, tao muốn hỏi mày pojaca là cái gì hả?

 

Chàng nhẫn nại giải thích lòng vòng cho cái đầu gật gật

 

-Tao hiểu rồi, thế mới gọi là đám đông

đám đông mông muội, thế kỷ con người lộn ngược

 

-Mày dịch cuốn đấy à? Chẳng dễ đâu

 

-Kệ chứ, tao biết làm gì hơn

yêu dễ hơn chăng?

buồn dễ hơn chăng?

tao phải sống…

 

Không chỉ lúc một giờ chiều…

 

  

4.    Sáu giờ tối…

 

Lang thang, thả từng bước  dưới chân cầu

 mắt rõi theo lũ hải âu vờn gió

 

„ dòng sông xanh cuồn cuồn sóng

trôi về đâu…”

 

lòng lẩm bẩm dạo khúc xanh Đanuýp

 

„sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng trôi về đâu…”

 

trôi về đâu sóng ơi

 cho ta trôi theo với

ra biển đi em

ta chán đất liền rồi.

 

ta chán những ngày tha phương,

chán tận tủy những khắc giờ mong nhớ

mong nhớ vu vơ  khát vọng tận cùng

 

có tận cùng được không người hỡi

bến đỗ sương xa

hắt một kiếp lòng.

 

5. Chín giờ tối

 

Lại một đêm thong thả đến,

lại một đêm.

 

Giá mày là con cú lang thang

giương mắt gật gù trong tối đen hoang vắng

ngẫm nghĩ sự đời

rồi vù cánh, bay đi

 

Giá mày là chiếc lá mảnh mai

đậu bên thềm nhà

đợi tình nhân mở cửa bịn rịn chia tay

mày ùa vào lòng người

nức nở…

 

Không, không thể

lại một đêm

 

hy vọng thắp

trang sách chờ

bàn phím mải mê tanh tách

 

hương cafe đậm hơn khói thuốc

đằng nào mình chả đầu độc nhau?

hihihihi…                                                             

                                                                          

(Budapest. 2009-09-11)

 



[1] . Thơ vài khắc – Nguyễn Hồng Nhung

Phương Giang
Số lần đọc: 2025
Ngày đăng: 15.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điểm sách :Tạo dựng tương lai * - Phạm Toàn
Nháp, những vần thơ đêm trắng bạch - Lê Vũ
Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn - Nguyễn Hoàng Đức
Hoàng Vũ Thuật, một chặng đường Thơ - Yến Nhi
Giai điệu trầm quê hương của Trần Vạn Gĩa - Lê Khánh Mai
Vấn đề con người trong tiểu thuyết Hư thực của Phùng Văn Khai - Trần Thị Ngọc Lan
Mai Văn Phấn, Hai tập thơ, Hai mảng màu hiện thực - Lê Vũ
Ngô Thị Thanh Vân – Vĩ thanh lụa và thơ - Nguyễn Thị Anh Đào
Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn - Dương Kiều Minh
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee. - Nguyễn Thị Minh Duyên