Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.233.189
 
Phong bì trắng
Lương Văn Chi

Vượt qua cái ngã tư vắng, nhìn sang phải thấy có trạm bán xăng, ông Phi ngần ngừ định vào đổ thêm, nhưng thấy đông khách và cái túi quần sau với hơn hai triệu đồng toàn những tờ pô ly me mới tinh, ông nảy ra nghi ngại, liền cho xe đi thẳng.

 

Cái dự định mua hơn tạ sắt sáu, cơi nới thêm diện tích nhà ở, ông đã mua xong. Thực ra ông không cần phải đi xa như vậy, lên mãi thị trấn làm gì, nhưng khi nhìn thấy những đại lý bán sắt xây dựng gần nhà, những cuộn sắt gỉ vàng như những sọt đất đồi trung du, ông lại thôi. Đành rằng, việc cơi nới của ông, chẳng là gì, chỉ 12 mét vuông mái bằng trên khu công trình phụ, nhưng ông phải đợi mãi đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, ông mới có tiền để làm.

 

Bởi vậy nên ông cẩn thận: Cái nhà chứ có phải cái hộp các tông đựng mì ăn liền đâu mà không thích thì bóp bẹp rồi vứt đi.

 

Ông Phi được nghỉ hưu theo nghị định 41 của Chính phủ. Ngoài số tiền 45 triệu được hưởng theo chế độ hiện hành, ông còn nhận được sổ hưu ngay. Cầm triệu rưỡi lương hưu một tháng, ông biết con đường ông đi làm cho  nhà nước của ông quá trọn vẹn và xuôi chèo, mát mái: Cái sổ hưu là “Giấy thông hành về già”, là “Kim bài bớt khổ" cuối đời ông. Từ giờ cho đến chết, dù con cái thế nào cũng không dám nạt nộ ông như đám con mấy ông bạn làm cùng nhà máy, về chế độ một lần hơn chục năm trước. Chả thế mà cứ đầu tháng, khi ông ra phường lĩnh hưu, họ nhìn ông như muốn “hộc” lên vì ghen tị. Bởi khác họ, ông không phải bới tung những cái tóp trong bát điếu, gom nhặt từng sợi thuốc lào còn sót, vo viên thành một điếu mà hút trong lúc quá ghiền. Hoặc dốc ngược cái lọ chè ra lòng bàn tay, được một dúm những cánh vụn như cám mà uống. Họ phải thích nghi với việc mong ngóng và sẵn sàng chìa tay chờ con cái "xón" ra vài nghìn "từ thiện". Với một bố già không có lương hưu thì trà, thuốc là nhu cầu xa xỉ không cần thiết như cơm. Vả lại con cái của những ông bạn già ấy cũng không kiếm được nhiều tiền. So với họ, ông quá là hạnh phúc, là hiện thân của những người lao động, len qua được khúc quanh cơ chế, về đích an toàn.

 

Bây giờ, với 45 triệu đồng xương máu ấy, ông trích phân nửa sửa nhà, tạo cho mình một phòng riêng còn phân nửa dùng làm dấn vốn phòng lúc ốm đau, và … nếu có cơ hội, sẽ tìm cho minh một người đàn bà tương xứng, như lời khuyên của nhiều người “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”.

 

Cái ý định đó ngày càng lớn nhanh, gần như choán hết tâm trí, bởi bây giờ ông đã là tỷ phú thời gian và đều như vắt chanh ngày có 50 nghìn đồng để sống mà không phải làm gì.

 

Qua cây xăng một đoạn và dù mới khoảng 4 giờ chiều, đường vắng, ông Phi vẫn cho xe chạy chậm. Cảnh mới hưu, có gì gấp gáp đâu mà phải vội vàng, hối xế. Phía trước, một người đàn bà vận áo trắng với chiếc mũ vải đen trên đầu, lẹp kẹp đi bộ bên lề đường thỉnh thoảng chị ta lại đưa tay lên giữ vành mũ, mỗi khi có một cơn gió thốc ngược dọc con đường vắng. "Chà, một cái eo coi được" ông Phi trầm trồ, liên tưởng đến mấy bà hàng xóm: khúc giữa thẳng tuột và tròn ung ủng như cái cống bi, sáng sáng đi bộ tập thể dục qua nhà. Ông ngoái đầu nhìn lại các ngã tư nơi có bến đỗ của xe ô tô khách, nơi đó 3,4 gã xe ôm đang ngồi vắt vẻo trên yên, phì phèo nhả khói thuốc lá. "Sao lại phải đi bộ nhỉ?" . Ông Phi tự đặt câu hỏi khi xe ông vượt ngang qua người phụ nữ. Tự nhiên ông quay lại nhìn mặt chị ta như muốn tìm câu trả lời. Không ngờ cái nhìn lại của ông tạo cơ hội cho người phụ nữ, chị giơ tay vẫy gọi rối rít:

- Bác cho em đi nhờ một đoạn!

 

Một loạt ý nghĩa cảnh giác qua nhanh, nhưng không hiểu sao ông vẫn phanh xe, trong lúc người phụ nữ mừng cuống, chạy rướn lên, tay trái lúc lắc cái túi ni-lông đựng mấy khẩu mía và mấy múi bòng. Một khuôn mặt bị bịt kín bằng khăn mùi xoa gấp chéo, hở ra đôi mắt đỏ hoe không biết vì gió bụi bên đường hay trong lòng có tâm sự buồn. Vầng trán tuy trắng nhưng đã có nếp nhăn, áng chừng ngoài bốn mươi tuổi.

- Bác có về đến thành phố không ạ! - Người phụ nữ hổn hển hỏi, trong lúc bộ ngực đâỳ đặn và tròn lẳn sau lần áo của chị ta nhẩy lên vì mấy bước chạy gằn.

 

Ông Phi gật đầu, vội nhìn sang phía khác, sợ người phụ nữ phát hiện ra ánh mắt thiếu tế nhị của ông đang dán vào bộ ngực đang nẩy lên của chị. Người phụ nữ nói như reo:

- May quá, bác cho em nhờ đến ngã tư cầu Mới!

- Nhà cô ở đâu? - Ông Phi hỏi khi cả hai đã ngồi trên yên, chiếc xe chuyển bánh.

- Nhà em ở cái chợ bên kia núi!

- Sao cô không về lối câu Cũ gần hơn? - Ông Phi thoáng nghi ngờ liền ngồi chùng người xuống, để chiếc bóp ở túi sau ép sát bên mông.

 

Tiếng người phụ nữ trầm xuống, trả lời bập bõm trong tiếng gió ngược:

- Em lên Hà Nội thăm cháu gái lớn đang học trên ấy! Có ít tiền cho cháu cả, chỉ giữ lại đủ tiền mua vé ô tô về. Đi lối cầu Cũ thì xa lại khồng có người quen. Em tính về cầu Mới, đúng tầm đi làm về, người làng em ngày ngày ra phố làm đông lắm!

 

Câu giải thích nghe chừng có lý, yên tâm, ông Phi ngồi thẳng người lên, rồi tủm tỉm cười một mình:

- Già rồi, tiết kiệm quá làm gì cho khổ! Cứ gọi xe ôm về nhà, vài chục nghìn, vay ai chả được!

- Khó lắm bác ạ! Nhà quê mà, vả lại em cũng chả kiếm được nhiều ở cái mẹt rau ở chợ!

"Thì ra là con mẹ bán rau". Ông Phi cho xe chạy chậm lại, có ý câu giờ để  khai thác thêm chuyện.

-Thế chú ấy làm gì? Có kiếm được khá tiền không?

Lặng đi một lát như để suy tính, người phụ nữ trả lời nhát gừng:

- Nhà em mất rồi! Bệnh do rượu ấy mà!

 

Câu trả lời của người đi nhờ như mở tung một cánh cổng, dẫn vào một lối đi rộng. Ông Phi chép miệng, thông cảm:

- Hoàn cảnh cô cũng giống tôi. Vợ tôi mất gần hai chục năm rồi, gà trống nuôi con, trầy trật lắm!

Ông buông một câu như lời tâm sự không của riêng ai:

- Tôi cũng như cô! Kiểu gì cũng phải kiếm cho mình một người để nương tựa lúc tuổi già!

- Em chưa tính tới chuyện ấy, cũng không dám chắc ở vậy đến già. Tạm thời mẹ con cứ làm nuôi nhau đã!

Chị trả lời trơn tuột, nhưng đầy đủ thông tin và không đóng kín. Linh cảm như mách bảo ông đã tìm ra sự ăn ý. Một viễn cảnh tương lai đang rõ nét dần trong tâm trí: Biết đâu cuối đời, trời Phật lại run rủi, đền bù cho ông được tốt lành, bắt đầu từ sự gặp gỡ bất ngờ này. Chỉ có điều sau cái khăn mùi xoa gấp chéo kia là một khuôn mặt thế nào?

 

Gần đến ngã tư Mới, người phụ nữ đi nhờ xe nhổm người nhìn đường, chuẩn bị tư thế xuống xe. Thấy còn một đoạn, chị ta lại ngồi xuống. Từ phía sau, ông Phi vẫn cảm nhận được tiếng loạt xoạt của sự lần mò, tháo gỡ một vật gì ngang thắt lưng, nơi có cái bót đựng tiền. Thậm chí, bàn tay chị ta còn đập khẽ vào lưng ông mấy lần khi xe xóc lên vì vấp ổ gà hay chèn đúng hòn sỏi. Sự cảnh giác được nới lỏng ít phút trước trở lại, ông Phi co rúm người không phải vì sự đụng chạm có tính khơi gợi của người đàn bà ngồi sau mà để cái bóp ép chặt vào bên hông, bởi ông không tiện quài tay ra sau để kiểm tra. Rất may, xe đã đến ngã tư. Ông Phi cho xe ép sát vào kè đá vây quanh bùng binh, tắt máy. Người phụ nữ đi nhờ nhảy tọt khỏi xe, chị lộn lên chìa túi ni lông đựng mấy múi bòng và mây khẩu mía trước mặt ông Phi:

- Vừa nãy em chia đều túi quà! Gọi là có chút đền công, bác dùng cho đỡ khát!

 

Ông Phi ngẩn người, chưa biết ứng xử thế nào, khi biết mình đã cảnh giác thừa, trong lúc người phụ nữ bỏ túi quà vào giỏ xe:

- Cám ơn bác nhiều! Em đi đây! - Chị tong tả đi sang vỉa hè bên đường.

Ông Phi ngồi lặng trên xe, hết nhìn túi quà trong giỏ lại nhìn theo những bước đi vội vàng, tất tả của người phụ nữ bên kia đường, trong lòng nôn nao một sự tiếc nuối. Tất cả chỉ vậy thôi sao, mọi thông tin về người phụ nữ đi nhờ cũng như những dự định mới nhen nhóm đều nửa vời, không đâu vào đâu cả. Bản thân ông không thích sự dở dang, vì thế ông mới tránh được, không sa vào cái chế độ một lần, để tuổi già của ông có được ngày hôm nay. Nhưng muốn đi đến cùng sự việc, nếu ông không tác động vào, chờ ngẫu nhiên gặp lại như một cơ duyên thì có lẽ phải chờ đến kiếp sau.

Ông nổ máy,  cắt đường, đuổi theo người phụ nữ đang lẹp kẹp lê bước trên vỉa hè.

- Lên đây! Tôi đưa về tận nhà!

 

Ông Phi nói như ra lệnh, khi xe đã dừng trước mặt chị ta. Người phụ nữ tròn mắt, từ ngạc nhiên đến mừng rỡ:

- Ôi, may mắn quá!

 

Như đã quen thân, chị dùng cả hai tay bám vào sườn ông Phi để lên xe. Sự đụng chạm tự nhiên của đôi bàn tay ấy như một luồng điện mạnh, làm ông thót bụng lại. Một cảm giác nâng nâng, ấm áp, râm ran lan toả tưởng như không bao giờ có được từ ngày vợ ông mất. Ông luống cuống vào số đánh "cạch" một tiếng, chiếc xe chồm lên chuyển bánh. Cả bộ ngực và đôi bầu vú thây lẩy của chị mất đà đè lên lưng, phải mất hơn chục mét, khi xe đã bon đều, thì sự kết dính bất ngờ ấy mới được tách ra.

Qua đỉnh núi hơn cây số, người phụ nữ vỗ vai ông Phi một cách khá thân mật, chỉ vào một ngõ to bên đường. Trong lúc ông Phi quay xe ngoặt vào, chị ta chỉ tay vào gian nhà lợp ngói phía trước, cách đầu ngõ chừng 4, 5 nhà:

- Nhà em kia! Cái nhà có cây me to đấy!

 

Ông Phi dừng xe trong lúc người phụ nữ nhẩy xuống giật giật khóa cổng. Tiếng một bà nào đó vóng sang từ khu vườn bên cạnh:

- Cô Vân về đấy à! Thằng Linh học chiều cơ mà…!

 

Trong lúc Vân - tên người phụ nữ đi nhờ - đang loay hoay với ổ khóa, ông Phi đưa mắt quan sát khu vườn với những cây cam, cây quýt còi cọc, qua những khe chấn song. Hơn chục cây cau đứng xếp hàng, bao quanh bờ tường hoa, ngăn cách với cái sân gạch. Một kiểu nhà cũ kỹ từ thời hợp tác hoá nông nghiệp. Cái ý tưởng chắp nối với người phụ nữ đi nhờ xe được ông Phi hoàn thiện. Trong lòng ông nâng nâng một cảm giác phấn khích rất kỳ lạ mà ông không sao cắt nghĩa ra được.

- Ta ra ngoài kia uống nước, rồi chờ cháu nó về! - Ông Phi chủ động mời, gỡ thế bí cho chủ nhà. Ông quay ra, vừa lúc trong nhà có tiếng rên hừ hừ và tiếng kêu cót két của chiếc giường như ai đó đang gồng mình quẫy đạp. Vân ẩy vội vào lưng ông giục đi:

- Con chó nhà em bị nhốt, thấy người lạ ấy mà!

 

Họ chọn một quán nước bên đường,  đối diện chếch bên cổng chợ:

- Nhà em thì bác biết rồi, hàng ngày em bán rau trong chợ! Trước hết cám ơn bác nhiều! Sau này, có thời gian mời bác sang chơi! - Vừa nói Vân vừa ngồi xuống ghế băng, rồi tháo khăn bịt mặt. Ông Phi ngồi xuống theo, đưa mắt liếc qua khuôn mặt của Vân, trong lúc cô gái bán hàng rót nước cam từ chai ra cốc. Một khuôn mặt dễ nhìn, với hai lúm đồng tiền trên má và những lọn tóc mai quăn hai bên thái dương:

- Bác về đi kẻo muộn! - Vân giục khi hai cốc nước cam đã cạn.

 

Ông Phi quài tay ra sau móc bóp, cái bóp dày khộp, phồng căng, chứa hai mươi tờ pô-ly-me mệnh giá 100 nghìn đồng và mấy chục nghìn tiền lẻ.

Vân vẫn ngồi dưới ghế giơ tay xua trước mặt ông Phi vẻ yếu ớt:

- Đừng, bác để em…!

Ông Phi cười độ lượng:

- Đáng bao nhiêu… Tôi có tiền lẻ mà!

 

Mở rộng miệng bóp, ông nghiêng về phía Vân tìm tiền lẻ. Những tờ 100 nghìn xếp lớp, phẳng căng và trơn tuột, xoè ra như nan quạt ngay miệng bóp. Mắt Vân sáng lên, chị ta nhìn như hút hồn vào sấp tiền, buột miệng:

- Bác giàu quá!

Như bật lò xo, Vân vụt đứng dậy, dùng cả hai tay nắm chặt tay cầm bóp của ông Phi. Mặt thị biến sắc, tối sầm:

- Thế này không phải… bác … cho em vay một tờ… ! Nhà em thì bác biết rồi! Cả cô bán nước này nữa ...!

 

Quá bất ngờ, ông Phi không kịp phản ứng. Mắt ông lồi ra, trợn trừng nhìn người đàn bà tên Vân mà ông vừa giúp. Đây là loại người quái quỷ gì thế này, được đằng chân lân đằng đầu. Thật vô lý! Chả lẽ mụ ta cao tay đến nước, lừa ông lọt vào địa bàn của mụ để xin đểu, thậm chí có thể hô hoán gán cho ông một tội nào đó để lột tiền. Quá ư là trơ trẽn. Nét mặt cô ta không ra ngu độn, cũng không sắc sảo khôn lanh, tuổi tác cũng vào tầm trải đời mà hành động điên khùng.

 

Mọi dự định tốt đẹp để chắp nối với người đàn bà này vừa hé lúc đi đường mà ông mộng tưởng, phút giây đổ ụp.

 

Linh cảm như bị sập bẫy, máu trong người bắt đầu sôi, mấy chục năm làm công nhân, hàng ngày phải đối mặt với sự lừa đảo thành một cố tật đề phòng, mới có ít ngày nghỉ hưu sao đủ thời gian để bốc hơi mà con mẹ nhà quê này dám chụp giật. Ông dứt khoát gập đôi cái bóp, giật mạnh tay mình khỏi tay Vân, đút trả vào túi quần sau, mặc cho mặt thị thuỗn ra vì tẽn tò, môi còn lắp bắp:

- Bác giúp em… em cần lắm… em trả lại sau mà! Em xin thề độc ...!

 

*

Cái khó chịu về hành vi lố bịch, trâng tráo của con mẹ bán rau ám ảnh ông Phi suốt đêm ấy. Ông tự tránh mình là một thằng già dở hơi giữa thời buổi này lại đi tin một mụ đàn bà từ trên trời rơi xuống. Lại còn ra vẻ quân tử, đưa về tận nhà, hòng hoàn thiện kịch bản "chim chuột" trong tương lai. Những giả thiết về một bọn móc túi siêu đẳng, dùng thuốc mê đánh bẫy những người đi đường nhẹ dạ, hoặc dùng "mỹ nhân kế" để cướp tài sản của những tay hám gái cũng được ông gán cho Vân. Ông tự cho mình là tỉnh táo và may mắn, nên mụ ta không kiếm được gì. Đến phút trót, định giở chiêu khốn khó hòng gỡ gạc theo kiểu "sẩy nồi vơ giế", bõ công một buổi chiều sắp xếp,  dàn dựng kịch bản. Cho đến ngày hôm sau, ông cũng chưa hết bực bõ, cứ xâu chuỗi, chắp nối mãi các sự kiện và lời nói. Chỉ có điều ông thấy có cái gì đó không ổn, phi lôgíc trong con người và hành động của mụ ta. Nhất là khi ông thấy trong nhà có tiếng rên của người ốm, mụ ta lại gạt đi bảo là tiếng chó gầm gừ vì thấy người lạ.

 

Sáng hôm sau, ông Phi quyết định trở lại cái chợ bên kia núi. Biết đâu đó cái mẹt rau kia cũng chỉ là phịa.

Đến đầu ngõ, ông dừng xe, dõi mắt nhìn vào cái nhà có cây me to. Một cái bạt bằng tơ dứa có những vạch xanh đỏ phủ trùm từ mái nhà qua ngõ. Ba bốn bộ bàn ghế uống nước kê dọc, ép vào tường bao nhà đối diện. Người đứng kẻ ngồi lố nhố, chứng tỏ nhà có đám.

 

Từ trong nhà bước ra một người đàn bà, vận quần áo tang. Người chị ta rúm ró trong cái áo xô màu cháo lòng. Chị đứng lại giữa đường trao đổi gì đấy với một cụ ông tóc trắng, cùng lúc trong nhà rộ lên tiếng kèn tò te, tiếng trống bung bung và tiếng chập cheng của thanh la, não bạt.

 

Ông Phi dắt xe vào trong ngõ, nhường lối cho mọi người ra vào. Người đàn bà mặc áo xô quay nhìn mọi người bằng đôi mắt vô hồn, ông nhận ra tang chủ chính là Vân. Dựng xe sát tường, ông bắt chuyện với một bà đứng tuổi, đang đứng nhai trầu thuốc:

- Ông này chết vì bệnh gì thế bác?

- Vì mảnh đạn trong đầu phát tác! - Vừa trả lời bà ta vừa đưa một ngón tay vét nước quết trầu sễu ra bên mép.

- Chắc ông ấy là thương binh!

- Được thế đã tốt! Chẳng đi bộ đội, chẳng phải thanh niên xung phong, mà lại có mảnh đạn trong đầu, thế mới oái oăm. Không có một đồng trợ cấp nào vì làm gì có giấy chứng thương…

Nhìn cái mặt nghệt ra vì không thủng chuyện của ông Phi, bà ta giải thích:

-  Hồi bé, ông ta đi chăn trâu. Máy bay Mỹ bắn rốc két vào mấy téc dầu nhà nước chôn phân tán giữa cánh đồng. Dính mảnh găm vào hộp sọ, mảnh nhỏ lắm, chỉ rỉ máu ra ngoài như bị châm kim.  Mấy chục năm nó năm im, bây giờ già yếu mới phá ra. Bác sĩ chiếu chụp cho hay: giờ nó thâm đen như cái trôn bát vùng hộp sọ. Đau đớn lắm, chỉ khổ cô Vân!

 

Vui chuyện bà ta kể tiếp:

- Hôm kia, thấy chồng cô ấy đau đớn vật lộn ghê quá, có người mách cho cô Vân tìm mua một ống moóc-phin chợ đen, tiêm cho ông ấy, dù có chết cũng bớt thương tâm. Vét sạch tiền nhà vẫn thiếu trăm nghìn, cô ấy vội lên thị trấn, nhưng không vay được đồng nào ở chị gái, đành về tay không! - Bà ta phì cái bã trầu đỏ quạch ra giữa ngõ - Thương lắm, phải chịu thêm hai ngày đau đớn nữa mới được chết!

Ông Phi lặng đi khi nghe lời kể của người đàn bà đứng cạnh. Một sự áy náy làm ông câm lặng dù ông biết mình không có lỗi.

 

Ông cau mày, hỏi thêm:

- Chồng đã vậy, mẹ con cô Vân sống bằng gì, cô Vân có lương hưu không?

- Làm gì có! - Người đàn bà nhai trầu nói như gắt. - Trông cả vào cái mẹt rau ở chợ, ăn thua gì. Mấy năm trước, lãnh đạo nơi cô ấy công tác động viên: Nhà gần chợ, về buôn bán, nhường chỗ cho đồng chí của mình…

 

Bà ta hạ giọng, ghé sát mặt ông Phi thì thầm:

- Nhiều người "bị" như cô ấy lắm! - Đảo mắt nhìn quanh không thấy có người lảng vảng, bà ta thấp giọng hơn chút nữa - Thế mà cũng tin ...! Về một cục!

- Chế độ một lần! - Ông Phi giẫy nảy, hét lên như chính mình bị cướp.

Gửi bà nhai trầu trông hộ cái xe, ông lẳng lặng đến bàn tổ chức tang lễ, rút một phong bì. Ông mở bóp, kín đáo bỏ vào trong phong bì một tờ pô-ly-me. Không ghi tên tuổi, địa chỉ, ông bước vào nhà, đến bên linh cữu người đã khuất, thắp một nén hương. Ông đặt phong bì lên bàn viếng, cùng lúc tiếng kèn tò te não nuột, ai oán váng lên giữa cái chắp tay đáp lễ và đôi mắt ngờ ngợ của Vân, trong lúc mấy đứa con Vân, nước mắt đầy mặt, khăn sô, áo sô rã rượi, nhem nhuốc, đang phủ phục dưới quan tài./.

 

TRẠI SÁNG TÁC CÁT BÀ-10/2008

Lương Văn Chi
Số lần đọc: 1919
Ngày đăng: 16.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc chạm trán thứ hai - Xujun Eberlein
Chuyển kiếp - Đặng Văn Sinh
Tình như sương khói - Trần Quang Vinh
Vĩ nhân! - Khôi Vũ
Im lặng - Phùng Văn Khai
Sự đời thế thái nhân tình - Đỗ Ngọc Thạch
Trò khỉ - Khôi Vũ
Lan trinh nữ - Trần Quang Lộc
Kỳ ly - Dương Đức Khánh
Đờn ca tài tử - Nguyễn Minh Phúc
Cùng một tác giả
Kịch độc (truyện ngắn)
Chuyến xe đêm (truyện ngắn)
Cún con (truyện ngắn)
Hiệp Sĩ (truyện ngắn)
Một ngày kiếm việc (truyện ngắn)
Hy râu (truyện ngắn)
Quyền khinh bỈ (truyện ngắn)
Phong bì trắng (truyện ngắn)
Khẩu phục (truyện ngắn)