Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.554
 
Hoa quý
Khôi Vũ

Nhìn cái chậu kiểng rơi từ trên đôn xuống đất vỡ làm hai mảnh, củ thiên tuế trồng trong đó vẫn còn dính trong đất nhưng nửa bộ rễ bị phơi ra ngoài, già Mười không nén được cơn giận. Tiện cây chổi trong tay, già quất mạnh vào con mướp. Con mèo bị đòn, "meo" một tiếng rồi phóng thẳng lên cây mít.

 

Vừa lúc ấy ông đại tá về hưu xuất hiện trước cổng với chiếc xe đạp khung ngang và cái túi Adidas cũ quen thuộc.

- Sao lại đánh mèo hả ông bạn già của tôi?

 

Giọng ông đại tá vui vẻ dù sau đó là mấy tiếng ho khù khụ. Thái độ của khách giúp già Mười nguôi giận. Già chỉ cái chậu gốm vỡ, cười xòa:

- Anh Ba coi! Thành tích của con mướp đó!

 

Trong lúc ông đại tá dựng xe, khóa lại theo thói quen, miệng lẩm nhẩm cũng theo thói quen "Cẩn tắc vô áy náy" rồi ho khù khụ, thì già Mười đã ngồi xuống băng ghế đá kê dưới gốc ngọc lan thoảng hương, phân bua với khách:

- Cái con mướp, thỉnh thoảng nó lại làm cho tôi phải bực mình. Nhưng nghĩ cho cùng, lỗi đâu hẳn ở nó. Mèo bắt chuột thì hợp lẽ tự nhiên quá rồi. Còn chuyện vì đuổi chuột mà nó gây đổ vỡ gì đó, thì mình phải chịu thôi. Rốt cuộc ở đời, được cái này thì phải chịu mất cái kia, chẳng bao giờ trọn vẹn được...

 

Ông đại tá ngồi xuống cạnh già Mười, giở cái mũ bộ đội ra làm quạt, gật gù:

- Ông bạn già nói chí phải. Sự đời nó vậy. Nhưng thôi... Hự hự... (Ông ôm ngực ho). Tôi có quà cho ông bạn già đây.

- Anh Ba mượn được cuốn sách "Nghệ thuật Bonsai" cho tôi rồi hả?

- Không! Mà là cái này...

- Ồ! Một củ huệ!

- Phải! Một củ huệ vàng!

- Huệ vàng! Lạ lắm! Tôi chưa hề nghe ai nói có giống huệ vàng chớ đừng bảo là trông thấy nó.

 

Ông đại tá trao tận tay già Mười củ huệ lớn cỡ trái chanh, phía trên không còn chiếc lá nào, phía dưới bộ rễ được xén cẩn thận. Ông kể:

- Cách nay hai tuần, tôi trông thấy nó ở nhà một thằng lính cũ. Thằng nhỏ đó không biết chơi hoa. Nó cũng chẳng biết từ đâu mà nó có cây huệ mọc lẫn với bụi bông dừa tím. Thấy huệ có bông thì nó để chơi vậy thôi. Tôi coi kỹ cái bông rồi: nó nhỏ bằng nửa bông huệ đỏ, kém một chút so với bông huệ trắng điểm hồng. Nhưng nó màu vàng, màu vàng, ông bạn già của tôi ạ. Tôi mê quá, bảo thằng lính để đó chừng nào tiện tôi tới bứng về biếu một ông bạn già có nghề chơi hoa kiểng. Hự hự... (Ông đại tá lại ho). Cũng tại cái bệnh ho dai dẳng này mà tới sáng nay tôi mới tới bứng củ huệ đem về tặng ông bạn già được đây!

 

Già Mười ngắm nghía củ huệ. Với độ lớn này mà đã trổ bông thì chắc chắn nó không phải giống huệ đỏ hay trắng điểm hồng. Nhưng nó có đúng là huệ vàng như lời ông đại tá nói hay không thì chưa biết. Nghĩ vậy, già Mười hỏi gặng ông đại tá:

- Đúng là bông nó màu vàng hả anh Ba?

- Đúng! Đúng màu vàng!

- Thôi được! Tôi cảm ơn anh Ba nhiều lắm. Tôi sẽ cho nó vô chậu, phân tro tử tế. Hy vọng không lâu nữa, tôi sẽ được ngắm bông hoa quí như anh Ba đã được ngắm vậy... Mà anh Ba bệnh sao vậy, ho thường thôi hay là bị phổi?

- Có! Có bị phổi đấy! Nhưng thôi, tôi tới với ông bạn già đâu phải để nói chuyện sức khỏe...

 

Theo thường lệ, cứ chục ngày, nửa tháng, ông đại tá về hưu lại đạp chiếc xe đạp khung ngang và khoác túi Adidas cũ tới thăm già Mười một buổi sáng. Từ sau lần tặng già Mười củ huệ lạ, lần nào ghé thăm, ông đại tá cũng tới coi tình hình tăng trưởng của củ huệ. Khi thì ông đại tá nói:

- Rồi ông bạn già của tôi sẽ thấy! Những bông huệ màu vàng đẹp tuyệt vời!

 

Khi thì ông mơ ước:

- Giống huệ này mà nhân ra cho nhiều người được ngắm thì hay quá!

 

Tấm lòng của ông đại tá với bạn cùng sự nôn nao hy vọng của ông đã ngăn không cho già Mười nói ra một ý nghĩ đã bắt đầu xuất hiện trong ông già từ khi củ huệ ra được hai chiếc lá thon thả màu xanh đậm. Nhưng không nói ra được ý nghĩ ấy thì già Mười lại thấy bứt rứt, không yên.

 

Câu chuyện củ huệ lạ có đúng là giống huệ vàng quí hiếm hay không, còn chưa có câu trả lời thì giữa ông đại tá và già Mười xảy ra một chuyện đáng tiếc.

 

Ông đại tá về hưu từng có mấy chục năm chinh chiến, xông pha nơi lửa đạn hiểm nguy, cống hiến cả đời mình cho cuộc sống thanh bình của đồng bào, vậy mà tới lúc về nghỉ ngơi chỉ được cấp một căn nhà nhỏ trong chung cư, mua được chiếc xe đạp khung ngang bằng món tiền trợ cấp cuối cùng, tháng tháng, sống với đồng lương hưu thường lãnh trễ. Bà vợ tuổi cao sức yếu không còn làm được gì ra tiền, khi hủ hỉ với chồng, khi tới nhà con trai, con gái tìm niềm vui cùng với mấy đứa cháu nội ngoại. Ông đại tá quen với già Mười đầu tiên do lòng tò mò muốn hiểu biết và thưởng ngoạn các loài hoa kiểng có được trong khu vườn nho nhỏ của ông già một đời đi trồng bông, uốn kiểng mướn cho chủ, tới những ngày cuối đời mới gây dựng được cho riêng mình một vườn hoa. Dần dần, qua những câu chuyện trao đổi, hai người phát hiện ra rằng họ có những suy nghĩ về cuộc đời không khác nhau là mấy. Và không biết tự lúc nào, họ tìm thấy ở nhau sự đồng cảm, tình bạn muộn màng.

 

Lần ấy là một buổi sáng ông đại tá ghé thăm già Mười và củ huệ lạ đã lên được năm lá, lại nhảy được một con. Vẫn ngồi bên nhau trên băng ghế đá dưới gốc ngọc lan, ông đại tá hỏi:

- Ông bạn già của tôi tính chừng nào mới nhổ củ huệ vàng đem phơi ép cho nó ra bông?

 

Già Mười khẽ lắc đầu:

- Không! Tôi tính để nguyên nó trong chậu cho nó trổ bông tự nhiên chớ không ép.

- Lạ quá! Sao lần này ông bạn già lại đổi ý?

- Nói thiệt với anh Ba, bỗng nhiên tôi thấy như là cả đời tôi toàn làm những việc trái tự nhiên. Tôi muốn được tự do, nhưng tôi lại đi bẫy chim về nuôi nhốt trong lồng để bắt chúng hót. Tôi thích sự phóng túng nhưng tôi lại uốn từng cành kiểng, bắt cây có dáng theo ý mình. Tới mấy củ huệ, tôi cũng ép chúng phải trổ bông trước tuổi sanh nở của chúng...

- Chà! Tôi có cảm tưởng rằng ông bạn già đã bắt đầu có ý nghĩ chán đời. Mà như vậy thì không tốt chút nào đâu. Là con người, mình phải xông thẳng vô cuộc sống, bắt thiên nhiên, bắt muôn loài phải tòng phục mình chớ.

- Kể cả bắt những người chung quanh phải tòng phục mình nữa à? Để làm gì?

 

Ông đại tá ậm ừ không tìm được ngay câu trả lời. Ông không tự trấn tĩnh nổi mình:

- Ông bạn già của tôi... ông... ông lẩm cẩm quá... Nói chuyện với ông... phát chán!

Rồi ông đại tá mở khóa xe, đẩy chiếc xe đạp khung ngang ra cổng bỏ về...

 

*

 

Già Mười ân hận không phải vì chịu lý của ông đại tá về hưu mà vì thấy tình thân giữa hai người bị sứt mẻ. Sự ân hận khiến già đổi ý. Già nhổ củ huệ lạ lên, ngắt bỏ lá, xén rễ rồi đem phơi nắng mấy bữa. Sau đó già dăm nó trong chậu cát ẩm. Chục ngày sau, củ huệ nhú lên một cái chồi bông.

 

Ông đại tá vẫn ghé chơi như thường lệ, nhưng trong khi trò chuyện với nhau, già Mười nhận thấy giữa hai người đã có một khoảng cách mà nếu không khéo, sẽ ngày một xa hơn.

 

Đã quá hạn mười ngày, già Mười không thấy ông đại tá ghé chơi. Vào những ngày này, cái cuống hoa huệ lạ đã vươn cao đến hai gang tay, lá đài bọc quanh bông đã hé mở. Câu trả lời về củ huệ lạ đã có! Nó chẳng phải là giống huệ vàng quí hiếm như ông đại tá tưởng. Nó chỉ là một củ huệ dại mà nhiều nhà ở nông thôn trồng thành từng luống dưới đất, có nơi đem ra cả nghĩa trang làm đẹp chỗ yên nghỉ của những người đã khuất.

 

Già Mười bối rối với bao toan tính. Ông đại tá giận già rồi chăng? Hay là bệnh phổi của ông trở nặng? Gặp nhau, già sẽ nói thế nào với người bạn về củ huệ? Ngắt bỏ cái bông sắp nở vứt vào sọt rác rồi đổ thừa cho con mướp làm gẫy, rồi vờ tiếc rẻ, chờ lứa bông sau? Hay cứ nói dối rằng đây đúng là giống huệ quí hiếm? Hoặc nói thật?

 

Buổi sáng bông huệ dại thứ nhất nở, già Mười quyết định thả bộ tới nhà ông đại tá để biết vì sao ông không ghé chơi, đồng thời sẽ nói thật với ông rằng củ huệ lạ của ông chỉ là một củ huệ dại, mà ông đã lầm lẫn màu vàng cam của bông nó thành màu vàng.

 

Thì ra ông đại tá bị bệnh phổi hành hạ cả tuần qua. Cơn bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, lúc già Mười tới thăm. Dù vậy, sau lời chào hỏi, người bệnh cũng ráng hỏi khách:

- Củ huệ nở bông chưa hả ông bạn già của tôi?

Già Mười gật đầu. Ánh mắt ông đại tá chợt sáng lên:

- Nó đúng là huệ vàng chớ? Nó đúng là huệ quí chớ, ông bạn già của tôi?

Già Mười lặng đi một giây. Rồi già gật đầu, đáp :

- Đúng! Nó đúng là huệ vàng! Lần đầu tiên trong đời tôi mới được thấy nó!

*

 

Già Mười đã nói dối ông đại tá về hưu, ông bạn quí của già mà lòng không hề hối tiếc điều gì. Bởi vì sau đó ít lâu, ông đại tá qua đời. Chắc chắn, trong những giây phút cuối cùng, nghĩ về già Mười, lòng ông đại tá thanh thản, vui sướng vì đã tìm được và tặng cho ông bạn già của mình một giống hoa quí!./.

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2218
Ngày đăng: 20.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây mít tố nữ - Đặng Văn Sinh
Hãy nắm chặt tay nhau - Đỗ Mai Quyên
Một tiệc giáng sinh và một lễ cưới - Fiodor M. Dostoyevsky
Vế trạng nguyên truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Phong bì trắng - Lương Văn Chi
Một cõi đời riêng - Mang Viên Long
Đò đêm - Trần Quang Vinh
Cuộc chạm trán thứ hai - Xujun Eberlein
Chuyển kiếp - Đặng Văn Sinh
Tình như sương khói - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)