Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.219.043
 
Cô gái mặc áo blu trắng
Đỗ Ngọc Thạch

1.

 

Trước khi đi trực, bao giờ Lan cũng lẩm nhẩm hát một bài hát mà cô đã hát hàng trăm ngàn lần: “Hôm nay mẹ trực đêm / Bữa cơm chiều ăn vội…Mưa ngoài trời vẫn cứ rơi/ Con thương mẹ vì mọi người…” Và thật kỳ lạ, cứ khi hát đến câu “Mưa ngoài trời vẫn cứ rơi ? Con thương mẹ vì mọi người” thì y như rằng Trời đổ mưa! Thực ra, cứ vào khoảng thời gian cuối buổi chiều là trời mưa và không chỉ tới câu trời mưa thì Trời mới mưa! Và, suốt trên quãng đường đi xe đạp từ nhà tới Bệnh viện gần ba mươi phút, không biết Lan đã hát đi hát lại bài hát đó tới bao nhiêu lần? Nhiều lúc Lan đã nghĩ mình phải đếm xem hát bao nhiêu lần bài hát này thì tới Bệnh viện mà chỉ đếm được đến nửa quãng đường là lại quên luôn!...

 

Lan làm Điều dưỡng (Y tá) ở Bệnh viện Nhi Đồng. Thỉnh thoảng có người hỏi tại sao Lan lại chọn nghề Y tá, cô không biết nói sao. Sau đọc báo thấy mấy ông nhà văn, nhà báo thường nói: “Chúng ta không được lựa chọn nghề nghiệp mà nghề nghiệp nó chọn chúng ta!”, Lan thấy “có lý” và cách nói này cũng hay hay, nên cô trả lời câu hỏi bằng cách đọc lại câu nói đó! Thực ra, Lan làm Y tá là do cô tự chọn, nhưng cô không chọn Y tá mà chọn Bác sĩ! Song, cô thi trượt Đại học Y Dược (chỉ thiếu có Một điểm) nên ai cũng bảo đi học đi học làm Y tá cho lẹ  rồi sau này vừa làm vừa học lên Bác sĩ cũng chưa muộn. Song, khi đi làm rồi, ngày tháng theo nhau đi vùn vụt, bận hết chuyện này sang chuyện kia, lúc nghĩ đến chuyện thi vào Đại học Tại chức  là thấy sao mà xa vời, thế rồi bỏ luôn ước mơ thành Bác sĩ từ lúc nào không hay!...Chính vì thế, Lan rất thích cách nói là “Y tá nó chọn tôi, chứ tôi đâu có chọn nó!” . Tôi chọn Bác sĩ nhưng đâu có được!

 

Khi Lan học xong lớp Điều dưỡng Trung cấp, cô mới hơn hai mươi tuổi một chút. Với chiều cao 1,68 mét, số đo ba vòng là 86-60-89, mấy công ty Thời trang ai cũng lôi kéo cô đến nghề người mẫu Thời trang! Nhưng đúng lúc Lan nhận lời làm ở một Công ty Thời trang nổi tiếng thì mẹ cô bị bệnh, phải vào nằm bệnh viện. Nhà Lan toàn những người đang đi làm, đi học, chỉ có cô là người đang “chờ xin việc” nên ngày ngày, đêm đêm, cô phải vào Bệnh viện chăm sóc mẹ… Và rồi cái “Đêm định mệnh” ấy đã tới. Đêm hôm ấy, chị Lý, Điều dưỡng trưởng của Khoa mà mẹ Lan đang nằm điều trị, đang trực thì người nhà chị báo má chị bệnh rất nặng. Chị Lý biết Lan mới tốt nghiệp Lớp Điều dưỡng từ lúc Lan vào Bệnh viện chăm sóc mẹ, bèn năn nỉ Lan làm thay, Bác sĩ Tân cùng ca trực cũng đồng ý giải pháp đó, thế là Lan không thể từ chối. Chị Lý vừa đi được mười phút thì năm bệnh nhân mới thay nhau vào phòng bệnh. Thế là cô Y tá Lan chưa hành nghề chính thức ngày nào, phải lao vào công việc như đèn kéo quân. Vốn là một cô gái nhanh nhẹn và nắm rất vững những gì đã học, Lan đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ!...

 

Sau cái “Ca trực đêm bất đắc dĩ” ấy, Chị Lý, Bác sĩ Tân và rất nhiều người của Bệnh viện, ca ngợi Lan không tiếc lời và như là cùng hẹn nhau, ai cũng muốn Lan vào làm việc ở Bệnh viện! Vốn tính “cả nể”, Lan đã đồng ý, nhưng với điều kiện là làm ở Bệnh viện Nhi Đồng, chứ không phải ở Bệnh viện Bình Dân này, vì Lan có đến gần chục đứa cháu, Lan đã chăm sóc chúng nó từ lúc mới ra đời và thấy chúng nó cứ bệnh hoài. Mọi người ủng hộ Lan ngay và dắt Lan qua Bệnh viện Nhi Đồng giới thiệu vì những người làm ở đây đều có vợ hoặc chồng làm bên Nhi Đồng.

 

Ở nhà Lan, ai cũng hoan nghênh quyết định đó của Lan. Bố Lan nói: “Làm Người mẫu Thời trang thì chỉ “đẹp mã” mà thôi, chứ vào đó dễ “hư thân” lắm. Nghề Y là nghề nhân đạo, trị bệnh cứu người, theo bố là đẹp nhất!”. Còn mẹ Lan thì nói: “Nhờ con vào Bệnh viện chăm sóc má mà má qua  được căn bệnh hiểm nghèo, thế có phải là Ông Trời đã trao cho con cái công việc cao quý đó hay sao? Và nếu con đi làm Người mẫu Thời trang thì có phải là uổng phí mấy năm học hành không? Thế là tốt rồi, nhà ta từ giờ có ai lỡ bị bệnh mà phải nhập viện thì đã có con Lan lo hết!”. Lời mẹ Lan nói trở thành sự thật - một trách nhiệm nặng nề của Lan: từ họ hàng gần cho đến họ hàng xa, từ người ở Thành phố cho đến người ở nhà quê, cứ đau ốm là lại tìm đến Lan để nhờ Lan “dắt vào Bệnh viện”!

 

 

 

2.

 

Trong tất cả các loại nghề nghiệp, thì nghề Y là nghề mà người ta thường xuyên tiếp xúc với cả hai Thái Cực đối ngược nhau của cảm xúc con người: vui sướng tột cùngkhổ đau vô hạn! Khi bệnh nhân đã lâm vào tình trạng Thập tử nhất sinh mà được cứu sống thì khác nào ơn Tái sinh, còn gì vui sướng, hạnh phúc hơn? Còn khi bệnh nhân đang là trụ cột gia đình, đang tuổi xuân hơ hớ mà bị Tử Thần cướp đi thì còn gì đau  khổ  hơn, còn gì bất hạnh hơn, bởi cái chết đó còn kéo theo muôn trùng những nỗi gian truân khác nữa mà người sống phải đối mặt! Ngày đầu tiên đi làm, Lan đã chứng kiến gần như cùng lúc cả hai Thái Cực đó!

 

Khi Lan để cái xe đạp vào nhà xe xong, vừa đi tới khoảng giữa cái sân rộng sát cổng Bệnh viện, thì thấy có hai Bác sĩ mặc áo Blu trắng đang tiễn đưa một bệnh nhi xuất viện, được gia đình đến đón rất đông vui. Những nụ cười luôn nở trên những khuôn mặt rạng rỡ! Bà mẹ của bệnh nhi còn đang cố đút vào túi áo của hai Bác sĩ mấy tờ giấy bạc lớn mới cứng thì cái sân của bệnh viện vốn luôn rất đông người đi lại, bỗng trở nên náo loạn bởi có một người đàn ông đang cầm con dao chặt thịt to tướng vừa đuổi theo một nữ Bác sĩ vừa la hét om sòm: “Tao phải chém chết mày! Mày phải đền mạng cho con tao!”… Tình huống thật là nguy hiểm bởi người nữ Bác sĩ bị đuổi chém kia dường như biết cách chạy luồn lách vào giữa những tốp người đang đi lại trong sân! Có không ít người bị va đụng ngã lăn kềnh ra sân, kêu la oai oái! Nếu người đàn ông cầm dao mà chém bừa tất sẽ gây thương vong không ít người! Song, mấy người mặc sắc phục Bảo vệ đứng ở cổng Bệnh viện đã can thiệp kip thời: người cầm dao đã bị ngáng chân ngã dụi và lập tức bị khống chế!

 

Khi Lan vào tới phòng bệnh mà mình sẽ nhận việc, chị Lai, Điều dưỡng Trưởng, tươi cười đón tiếp Lan và nói: “Hôm nay em hãy làm quen với chị em trong khoa, rồi dạo sơ sơ một vòng toàn Bệnh viện thì mới có cái cảm giác mình là người của Bệnh viện!... Vừa rồi em đã tận mắt chứng kiến chuyện xảy ra ở sân Bệnh viện rồi đó! Em sẽ phải quen với tất cả mọi chuyện!”. Chị Lai giới thiệu Lan với mọi người trong Khoa, ai cũng chào đón Lan bằng nụ cười thân thiện, cởi mở. Điều đó giúp Lan xóa tan đi cái cảm giác “Thót Tim” khi chứng kiến cảnh đuổi chém náo loạn ban nãy!...

 

 

 

“Ấn tượng mạnh” của ngày đi làm đầu tiên còn chưa tan hết thì ca trực đêm đầu tiên cũng không hề êm ái chút nào!

 

Ca trực đêm đầu tiên của Lan không hiểu sao tình trạng của các bệnh nhi đều có dấu hiệu bất ổn. Có tới năm bệnh nhi đều ở tình trạng rất xấu mà người nhà thì không thấy đâu? Theo như kinh nghiệm của chị Liên và chị Lam cùng ca trực đêm với Lan thì người nhà đã bỏ về, phó thác tất cả cho Bệnh viện, không cần biết con cháu mình sống chết ra sao! Bác sĩ Lĩnh cùng ca trực quyết định giao cho Lan và chị Lam tập trung “chăm sóc đặc biệt” cho năm bệnh nhi bị gia đình bỏ rơi đó. Thế là suốt đêm, Lan và chị Lam phải “đánh vật” với Tử Thần để cứu năm đứa trẻ. Vừa làm việc, Lan vừa nghĩ, tại sao cha, mẹ của những đứa trẻ này lại nhẫn tâm đến như vậy? Nếu như chúng may mắn qua được, sau này lớn lên, chúng sẽ nghĩ về các bậc cha mẹ như thế nào nếu như chúng biết được là chúng đã bị bỏ rơi như thế nào? Nhất định phải cứu chúng nó, không thể để  cho những đứa bé đáng thương này bị Tử Thần cướp đi!...

 

Sau này, mỗi khi nhìn thấy những đứa bé đau đớn rên la vì bệnh tật, Lan lại nhớ đến ca trực đêm đầu tiên ấy. Lan lại có cảm giác Trái tim như có muôn ngàn mũi kim nhọn đâm vào, rớm máu! Và cả cái cảm giác vui sướng vô hạn khi nhìn năm đứa bé dần dần hồi tỉnh, háo hức nuốt những muỗng sữa nhỏ mà Lan và chị Lam đút cho chúng!...

 

3.

 

Lan đi làm được một tháng thì Bác sĩ Lĩnh gửi cho Lan một bức thư có nội dung như sau: “Thân gửi Lan! Tôi là người rất ngưỡng mộ Lan, rất quý Lan và có thể nói rất yêu Lan nữa! Ngay từ ngày đầu tiên Lan đi làm, nhìn thấy Lan, tôi đã yêu Lan rồi, như người ta nói đó là “Tình yêu sét đánh”!... Và còn một chuyện này nữa, ca trực đêm đầu tiên của Lan hôm ấy, vào lúc bốn giờ sáng, khi Lan đang thiếp ngủ, nhìn Lan ngủ sao mà đẹp như một Nàng Tiên, tôi đã không kìm được cảm xúc của mình và đã hôn Lan mấy cái liền! Thấy Lan ngủ say quá, chắc do mệt vì phải làm việc suốt đêm, tôi đã ôm Lan rất lâu!... Đến lúc viết thư này, tôi vẫn thấy như là đang hôn Lan, đang ôm Lan rất chặt vậy! Vì thế, tôi viết thư này vừa là để tạ lỗi với Lan, vừa là để Cầu hôn Lan – Lan đồng ý làm vợ tôi nha! Chúng ta sẽ là một đôi vợ chồng rất hạnh phúc!...Tôi chờ Lan trả lời! Cầu mong Lan không chối từ! BS Trần Lĩnh”…

 

Đọc xong bức thư, Lan bàng hoàng , chết lặng một lúc lâu! Lan không thể phân tích được cảm giác của mình lúc đó! Rồi Lan bật khóc rồi chạy đi tìm mẹ, sà vào lòng mẹ khóc như mưa rào! Mẹ Lan đọc xong lá thư, chờ Lan bình tâm đôi chút rồi thong thả nói: “Nếu nó là người làm ăn nghiêm chỉnh thì cưới nó cũng được. Còn nếu con nghĩ phải cưới người mình yêu thì quên chuyện đó đi, coi như cho cắn mèo cào mà thôi! Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều chuyện phải làm, phải dành nhiều tâm sức cho nó, vì thế không thể để những  “chuyện ái tình” như thế quấy rối!” Lời nói của người mẹ có tới tám người con đã có tác động mạnh đến suy nghĩ của Lan, cô đã làm theo như lời mẹ: chỉ coi đó là chuyện “chó cắn mèo cào” xui xẻo, quăng nó vào cái  “Hố quên”! Tuy thế, từ đó trở đi, Lan đặc biệt “cảnh giác”  với bất kỳ người đàn ông nào và điều đó khiến cho Lan trở nên “Lãnh cảm” với chuyện tình yêu nam nữ!

 

 

 Mười năm sau, Lan tình cờ gặp lại năm đứa bé trong cái ca trực đêm đầu tiên của mình, tại một Trung tâm Bảo trợ Xã hội của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhân ngày Lễ tiễn đưa một số em được vào Đại học, Cao đẳng. Lúc đó chúng đã là những thanh niên mười tám tuổi, vừa thi đậu vào Đại học cả năm đứa. Nếu như anh Lê Trọng Nhân, một Tình nguyện viên rất tâm huyết với việc chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa, không giới thiệu lai lịch của năm đứa trẻ bị bỏ rơi này đã trở thành năm Tân sinh viên Đại học thì Lan cũng không thể nhận ra chúng. Thế là từ đó, Lan có năm đứa con – “Nghĩa tử” và thật không ngờ, chỉ hai tuần sau đó, anh Tình nguyện viên Lê Trọng Nhân đã trở thành “Người thương nhớ” của Lan chỉ vì trong buổi Lễ ấy, anh đã vừa ôm đàn Ghi-ta vừa hát rất hay, rất xúc động hai bài hát “Ruột” của Lan, đó là bài “Hôm nay mẹ trực đêm” và bài “Em về kẻo trời mưa mau”!...

 

*

 

Từ đó, mỗi khi đi trực đêm, Lan không hát bài Hôm nay Mẹ trực đêm nữa mà hát bài Em về kẻo trời mưa mau: Nếu chiều nay không có  anh / Ai sẽ đưa em về / Trời sắp đổ cơn mưa / Sao anh còn đứng mãi / Hãy nói một lời…

Nếu tình đôi ta dở dang / Anh hãy xem như là / Một giấc ngủ chiêm bao!.../.

 

Sài Gòn, 26-10-2009

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3322
Ngày đăng: 28.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước vây - Phùng Văn Khai
Đừng rót trà cho em nữa - Nguyễn Đình Bổn
Kẻ lang thang - Leonid Leonov
Tô tem của tí choai. - Lâm Hà
Ẩn dụ về nhà văn - Karinthy Frigyes
Viết thuê - Trần Kim Sơn
Hoa quý - Khôi Vũ
Miền quê thao thiết - Trần Quang Vinh
Cây mít tố nữ - Đặng Văn Sinh
Hãy nắm chặt tay nhau - Đỗ Mai Quyên
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)