Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.212.848
 
Chiếc huy hiệu cồ
Minh Diện

- Này, sao cái anh truyền hình vẫn chưa về?

Lão Túc hỏi tôi sau khi kéo áo che kín cái chai nhựa đeo lủng lẳng ở bụng. Lão bị bệnh gì chả biết mà bác sĩ phải đút ống cao su vào bụng dẫn nước chảy ra cái chai. Cái chai to bằng cổ chân cứ thòi ra ngoài áo, nước trong chai bốc mùi rất khó chịu, khiến lão Túc cứ phải kéo áo để che giấu. Tôi hỏi lão Túc:

- Anh ta hẹn bao giờ về?

- Đến Tết!

- Tết này là thứ mấy rồi?

- Thứ sáu!

 

Lão Túc húng hắng ho, mặt tóp lại, nhăn nheo y như trái táo khô, cặp mắt đờ ra dài dại. Tôi mời lão ly nước, lão cầm uống ừng ực rồi hỏi trống không, giọng khản đặc:

- Không biết cái anh nhà báo truyền hình ấy à?

- Không!

- Cùng cánh nhà báo mà không biết nhau à?

- Hàng ngàn nhà báo làm sao biết hết được?

- Thế lại phải chờ!

Lão Túc kéo sát hai vạt áo che kín cái chai nhựa rồi lom khom đứng dậy. Lão co ro dò từng bước trên con đường làng xám ngắt chiều cuối đông…

 

Giáp Tết năm kia, khi tôi về quê, lão Túc đã đến hỏi sao không thấy anh nhà báo truyền hình về? Năm ngoái tôi vừa đến nhà thì lão tới hỏi chuyện đó. Rồi năm nay cũng y như vậy. Năm ngoái năm kia lão Túc còn nhanh nhẹn, năm nay đã lệt bệt lắm rồi. Cũng phải, lão đã hơn tám chục tuổi rồi còn gì! Lại ốm đau bệnh hoạn như vậy. Tôi không hiểu lão Túc cần gặp cái anh nhà báo truyền hình để làm gì mà mong ngóng thế? Hỏi thì lão cứ ậm ờ vì đôi tai nghễnh ngãng. Thú thật, tôi cũng  không muốn ngồi gần lão, bởi cái mùi trong bụng lão thoát ra… Nhân mấy ngày nghỉ Tết, tôi tìm hiểu mới biết lão Túc muốn nhờ anh nhà báo truyền hình giúp… Thì ra lão Túc đã có thời đáo để lắm…

 

Cách đây hơn tám chục năm, có hai vợ chồng anh rưu tép từ làng Hệ sang làng Hạ xin cắm tạm túp lều ở bờ đê. Anh chồng gầy như thanh tre bổ đôi, chị vợ mang bầu sắp sinh, bủng beo như chiếc lá héo. Lý trưởng làng Hạ là Chánh - quen gọi Lý Chánh, thương hại cho đất và tre rạ để vợ chồng nhà kia dựng lều. Lều vừa dựng xong vợ đẻ thằng cu, mới được vài ngày đã phải đi kiếm ăn. Anh chồng đóng mỗi cái khố, chị vợ gói đứa con đỏ hỏn vào cái váy đụp, đặt lên khúc chuối rồi kéo theo chồng, bì bõm dưới mom sông.

 

Lý Chánh nhìn thấy, bảo:

- Làm thế thằng bé kchết mất! Bế nó vào nhà, tao nuôi cho.

Vợ chồng anh rưu tép mừng rỡ bế con đến nhà Lý Chánh. Lý Chánh nhìn thằng bé ốm như cái rãi khoai, hỏi:

- Tên nó là gì?

 

Vợ chồng anh rưu tép cúi đầu đáp:

- Thưa, chúng con không chắc nuôi được nên chưa dám đặt tên…

Lý Chánh bồng thằng bé, hỏi:

- Bây giờ tao đặt tên cho nó, ý vợ chồng mày thế nào?

- Dạ được thế thì còn gì bằng ạ!

Lý Chánh suy nghĩ một lát rồi nói:

- Gọi thằng Túc - sung túc! Được chưa?

Vợ chồng anh rưu tép quỳ thụp xuống lạy Lý Chánh.

 

Thằng Túc được thay tã lót tử tế và được bú no nê nhìn phởn phơ ra ngay. Lý Chánh bảo vợ chồng anh rưu tép cứ tự nhiên đến thăm con, và khi nào không muốn gửi nữa thì mang về.  Y lời, vợ chồng anh rưu tép hôm nào cũng đến thăm con rồi mới xuống mom sông.

 

Bẵng ba bốn ngày không thấy vợ chồng anh rưu tép đến thăm con, Lý Chánh ra lều chỉ thấy cái niêu đất và mấy cái bát mẻ chỏng chơ trên đám tro lạnh. Lý Chánh bèn cho người ra mom sông tìm kiếm, thì thấy hai cái xác đã trương phình giữa đám bèo tây. Lý Chánh bỏ tiền làm ma cho vợ chồng người xấu số và nhận cu Túc làm con nuôi.

 

Năm ấy Lý Chánh đã ngoài năm mươi tuổi, vợ chỉ sinh được mỗi đứa con gái. Thầy tướng số bảo Lý Chánh phải nuôi con nuôi thì may ra mới sinh con trai, nếu không sẽ tuyệt tự. Lý Chánh nghĩ trời dun dủi thằng Túc đến với mình.

 

Nhưng vợ chồng Lý Chánh vẫn không đẻ được đứa con nào nữa. Lý Chánh đành dốc lòng chăm bẵm thằng Túc, mong sau này nó thừa tự hương khói tổ tiên.

 

Năm tháng qua mau, Túc lớn lên thành một chàng trai khỏe mạnh khôi ngô, nhanh nhẹn. Bên cạnh Túc là Soan, con gái Lý Chánh cũng trổ mã mơn mởn.

 

Điều vợ chồng Lý Chánh không ngờ là con nuôi và con nuôi mình say nhau như điếu đổ. Tuy không cùng huyết thống nhưng chuyện anh em một nhà phải lòng nhau vẫn là điều tối kỵ ở làng Hạ. Nhất là đối với một gia đình lý trưởng. Bởi thế Lý Chánh phải tìm cách tách hai đứa ra.

 

Lý Chánh nhờ người quen là chỉ huy du kích làng bên đưa Túc ra vùng tự do, cho gia nhập bộ đội chủ lực. Năm ấy Túc mười bảy tuổi.

 

Bốn năm sau, hòa bình vừa lập lại, Túc về quê, cao lớn chững chạc hẳn lên, mặt mũi không còn hiền lành như lúc ở nhà mà câng câng vênh váo. Túc đi qua ngõ Lý Chánh, không thèm nhìn vào, cắm cổ đến thẳng nhà một tá điền nghèo nhất làng… Lý Chánh tưởng con nuôi còn hờn dỗi vì chuyện không cho yêu con gái mình bốn năm trước, ông chạy đến tìm, không ngờ Túc nói:

- Tôi với ông là kẻ thù giai cấp không đội trời chung!

 

Lý Chánh chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, cứ nằn nỉ mãi. Túc đuổi bố nuôi ra khỏi nhà rồi kéo đám choai choai con tá điền tới phát kẹo, thuốc lá…

 

Túc mặc quân phục Thu Đông vải Tô Châu, đi giày Bata Trung Quốc, đội mũ lưỡi trai gắn cái huy hiệu đỏ chót, đứng trên mô đất giữa sân vung chân múa tay kể chuyện chiến dịch Điện Biên, chuyện được sang Trung Quốc học chính trị… Túc phát cho mỗi đứa một chiếc huy hiệu như chiếc huy hiệu của mình - nhỏ bằng cái chũm cau, có hình ba đầu người trên nền đỏ như máu. Túc nói:

- Đây là những thánh nhân dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đến thiên đường…

 

Lý Chánh tưởng thằng con nuôi đi bộ đội bị thương mắc chứng tâm thần vội tìm thầy thuốc… Thầy thuốc tới, Túc dí cái huy hiệu vào tận mắt hỏi:

- Ông có biết cái gì đây không?

 

Không đợi thầy thuốc trả lời, Túc nói tiếp:

- Đây là bửu bối chữa bách bệnh nghe chưa? Không phải cho tôi mà cho cả mọi người.

Con gái Lý Chánh là Soan vẫn mê Túc. Cô nàng oán giận bố chia cắt tình cảm của mình. Thấy Túc về làng mà không về nhà, Soan đứng ngồi không yên, lén đi tìm. Túc dẫn Soan ra bờ đê, ngồi hóng gió sông thổi lên, Túc hỏi:

- Có hai con đường, một theo Lý Chánh, hai theo anh. Soan chọn đường nào?

Soan ngả vào ngực Túc:

- Em muốn cả hai cơ!

- Không, phải dứt khoát!

Soan thẫn thờ không biết nói gì. Túc ngấu nghiến ôm hôn Soan rồi đè xuống bờ đê… Xong, Túc bảo:

- Bây giờ em chỉ còn một con đường thôi!

 

Khi Soan biết mình có thai, cô vội vơ vét dây chuyền, vòng, nhẫn bố mẹ sắm cho làm của riêng, bỏ nhà trốn theo Túc. Túc che lều ở chân đê giống hệt cái lều vợ chồng anh rưu tép ngày xưa để ở. Vợ chồng Lý Chánh đi đâu cũng nghe câu cạnh khóe “nuôi cò, cò mổ mắt”.

 

Không phải Túc giận vợ chồng Lý Chánh cấm hắn và Soan yêu nhau, hắn cũng chẳng bị thương tật bệnh hoạn gì. Túc đoạn tuyệt gia đình bố nuôi vì hắn đã phản tỉnh sau khi học tập về đấu tranh giai cấp. Vì sau khi được huấn luyện, Túc đã nhận nhiệm vụ trở về làng Hạ có nhiệm vụ sâu chuỗi bắt rễ cho cuộc cải cách ruộng đất đánh đổ bọn địa chủ phong kiến sắp tới.

 

Đám thanh niên con tá điền theo Túc mỗi ngày một đông. Đêm đêm chúng tập trung ở đình làng tập võ, tập hát và chia nhau bí mật thao dõi những nhà giàu trong làng. Túc phân công mấy đứa béo tốt đóng vai địa chủ cho mọi người tập đấu tố. Rồi Túc lấy cây chuối hột làm hình nhân địa chủ để tập chém… Làng Hạ đêm đêm nghe tiếng huỳnh huỵch ở sân đình đến tận khuya. Khi tiếng huỳnh huỵch lắng xuống lại nghe tiếng chim lợn kêu eng éc rợn tóc gáy. Điềm gở đang hiện về! Những nhà giàu nơm nớp lo sợ tai họa sắp ập xuống. Có người tìm cách tẩu tán giấu giếm tài sản. Có người muốn ra Hải Phòng tìm đường chạy vào Nam… Nhưng hầu như đều thất bại. Những vệ binh Túc huấn luyện luồn lách vào tận nhà, b1m chặt từng đối tượng. Chúng như cú như cáo rình rập ngày đêm. Nhà Lý Chánh bị Túc giám sát kỹ nhất. Cấp trên đã biết Túc từng là con nuôi nhà ấy, giờ mà để sổng mất đừng hòng thanh minh… Hằng ngày Túc bắt Soan giả vờ về thăm mẹ để theo dõi…

 

Cơn bão ập xuống sau những ngày trở trời!

Buổi sáng ấy làng Hã nóng sôi bởi tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la chũm chọe và tiếng hô đậy đất vang trời. “Hoan hô đội cải cách ruộng đất”; “Đả đảo bọn địa chủ”; “Ruông đất về tay bần cố nông”… Khẩu hiệu viết vào nong vào nia, vào nón lá… dương cao trên đầu người, trên đòn càn, đòn xóc, dao rựa. Đoàn người lớn bé già trẻ chật đường làng. Đội trưởng đội cải cách đứng trên kiệu tám người khiêng phất cờ. Túc cưỡi con trâu đực đi sau đội trưởng, hai bên sườn trâu kẻ khẩu hiệu bằng vôi trắng, đầu trâu gắn cái huy hiệu làm bằng mo cau giống hệt cái huy hiệu của Túc.

 

Cuộc diễu hành từ xóm này qua xóm khác. Đến tối mít-tinh ở đình làng. Đội Châu đọc sắc lệnh cải cách ruộng đất của chính phủ và tuyên bố:

- Bắt đầu từ giờ phút này, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mọi người phải chấp hành vô điều kiện đội cải cách ruộng đất…

 

Túc lên tuyên thệ quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng trong cuộc đấu tranh giai cấp này.

Mấy đêm tiếp theo, đội cải cách tổ chức chiếu phim cho dân xem. Lần đầu dân làng Hạ được xem chớp bóng! Già trẻ trai gái kéo nhau ra sân đình xí chỗ, đánh nhau chí chóe.  Những bộ phim Trung Quốc như “Nam chinh Bắc chiến”, “Bạch Mao Nữ”, “Chinh Tường Lâm” thật ấn tượng! Nhìn trên màn ảnh thấy cảnh người bố trong phim “Bạch Mao Nữ” uống nước vôi tự tử trong khi con gái bị địa chủ Hoàng Thế Nhân hãm hiếp, nhiều người khóc òa lên! Đội Châu giật áo Túc, Túc liền đứng lên hô: “Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác”. Tiếng hô “đả đảo” vang vang lên như sấm. Hứng chí Túc cầm micro đọc thơ:

 

Địa  hào đối lập ra tro

Lưng chừng phản động đến giờ tan xương.

Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay

Lôi cổ chứng nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi…

 

Cuộc cải cách ruộng đất từ màn ảnh của Trung Quốc nhanh chóng biến thành cuộc cải cách ruộng đất ở làng Hạ. Từng đoàn người hừng hực khí thế một mất một còn, theo sự chỉ huy của đội Châu và Túc tấn công vào những gia đình bị quy địa chủ. Theo chỉ tiêu làng Hạ phải có tám địa chủ, trong đó ba địa chủ cường hào gian ác. Đội trưởng Châu quán triệt các đội viên phải luồn sâu bới kỹ, đào tận gốc, trốc tận rễ, thà đánh nhầm chứ không được bỏ sót. Ai tố giác bọn địa chủ được khen thưởng, kẻ nào bao che sẽ bị bắt giam ngay. Con địa chủ nếu cáo bố mẹ và tuyên bố cắt đứt gia đình thì được đứng vào hàng ngũ bần cố nông, ai ngoan cố bắt tuốt.

 

Làng Hạ vốn rất nghèo, theo tiêu chuẩn mười mẫu ruộng trở lên mới là địa chủ thì chả có mỉu nào. Do đó phải hạ tiêu chuẩn xuống và làm theo kiểu “chọn bó đũa lấy cột cờ”. Trong số “cột cờ” ấy Lý Chánh vọt lên đứng đầu. Nhà Lý Chánh có bảy mẫu ruộng, năm con trâu, hai ngôi nhà ngói năm gian… Chánh lại làm lý trưởng từ trước cách mạng, bởi thế Chánh đã bị quy là địa chủ cường hào, bị đấu tô đầu tiên.

 

Hôm ấy cũng gần Tết. Trời rét căm căm, da thịt bọc kín áo đơn kép vẫn buốt như kim châm. Thế mà đội Châu chỉ cho vợ chồng Lý Chánh được mặc mỗi bộ quần áo nâu phong phanh, không khăn không mũ, rồi bắt quỳ dưới nền gạch Bát Tràng giữa sân đình… Lý Chánh đầu bạc trắng rét run cầm cập. Vợ ông không đủ sức phải dựa vào chân một cô du kích cho khỏi ngã. Đội Châu mặc áo “Tôn Trung Sơn”, đội mũ lông cừu gắn huy hiệu như của Túc, tay cầm chiếc gậy gỗ lim, mắt trắng, môi thâm, dữ dằn như đao phủ. Hắn  đập gậy chan chát xuống sân đình ra oai rồi nói với vợ  chồng Lý Chánh:

- Lý Chánh, hôm nay trước mặt ông bà nông dân, mày ngoan thì sống, chống thì chết! Rõ chưa?

- Rõ ạ!...

 

Đội Châu đập thước đánh “chát!”, quát:

- Ai cho mày nói trống không? Phải nói “Thưa đội con rõ ạ!” Hiểu chưa?

- Thưa đội con hiểu ạ!

- Đối với bần cố nông từ trẻ đến già, mày đều phải gọi là ông bà xưng con nghe chưa?

- Bẩm đội con xin vâng ạ!

- Khi trả lời không được ngẩng mặt lên nghe chưa?

- Bẩm đội con xin vâng ạ!

 

Đội Châu xuống nói với bà con nông dân:

- Bao nhiêu năm nay chúng ta bị địa chủ đè đầu cưỡi cổ. Chúng ngồi mát ăn bát vàng, bốt lộc bần cố nông ta tận xương tủy. Nay nhờ ơn Đảng ơn Bác chúng ta thoát kiếp ngựa trâu vùng lên tiêu diệt bọn địa chủ giành ruộng đất áo cơm về tay mình. Bọn địa chủ phong kiến đã đến giờ tận số! Bần cố nông là chủ tương lai của đất nước. Trước kẻ thù không đội trời chung, kẻ nào lập trường tư tưởng không vững vàng sẽ bị đè bẹp trong làn sóng cách mạng…

Dứt tràng diễn thuyết, đội Châu hỏi:

- Bây giờ ai xung phong lên tố Lý Chánh?

 

Làng Hạ ai cũng biết Lý Chánh chỉ hưởng lộc ông bà để lại, bản thân Lý Chánh không ức hiếp ai, tuy làm lý trưởng nhưng vẫn góp của cho kháng chiến. Năm Ất Dậu nước lụt, dân làng này và các làng khác đói nằm la liệt các gốc đa, quán chợ, sân đình… Vợ chồng Lý Chánh nấu hàng chục nồi ba mươi cháo đem ra phát chẩn suốt cả tháng trời. Rồi cái vụ Tây càn quét năm bốn chín, đốt hết thóc lúa. Lý Chánh đã bán ruộng bán trâu sang tận bên Tó, bên Tò mua thóc giống về phát cho từng nhà… Bây giờ bảo lên tố Lý Chánh cường hào gian ác ư? Ai tố được chia quả thực, chia ruộng. Không tố có khi phải vào tù. Nhất đội nhì trời tránh đâu thoát. Các ông bà bần cố nông nhìn nhau xem ai “nổ phát súng” đầu tiên.

- Tôi có khổ có thù với Lý Chánh.

A, lão Túc con nuôi Lý Chánh.

 

Túc mặc bộ quân phục thu đông, đầu đội mũ lưỡi trai gắn chiếc huy hiệu đỏ như máu, nhìn giống hệt chiến sĩ hồng quân Trung Quốc trong phim “Nam chinh Bắc chiến”. Túc ưỡn ngực quát:

- Lý Chánh, có biết tao là ai không?

Lý Chánh ngước mắt lên nhìn Túc cầu cứu:

- Túc ơi sao con nỡ…

- Câm mồm! Ai là con nuôi mày?

 

Túc một tay chắp sau lưng, một tay chỉa vào mặt vợ chồng Lý Chánh vung vẩy như đánh nhịp:

- Tội ác của mày trời không dung đất không tha mà dám nhận là bố tao à? Mày còn nhớ hơn hai chục năm trước, mày đã giết bố mẹ tao để chiếm đoạt tao như thế nào không? Ngày ấy chính mày bóp cổ bố mẹ tao vứt xác xuống sông. Đúng không?

Lý Chánh kêu thất thanh:

- Oan con quá trời ơi!...

Đội Châu thét:

- Đả đảo Lý Chánh ngoan cố không chịu nhận tội!

- Đả đảo!

 

Túc nói tiếp:

- Mày phong kiến! Ngăn cản tình yêu của tao với cô Soan là tội ác. Mày còn chối được không?

Túc nhổ bãi nước bọt vào mái đầu bạc trắng của bố nuôi cho bõ ghét rồi bước ra ngồi cạnh đội Châu. Đội Châu phẩy tay:

- Mời bà Soan lên vạch tội Lý Chánh.

Từ khi theo Túc ra ở chân đê, Soan mặc rách rưới để hòa nhập với con em bần cố nông, nhưng vẫn lén lút ăn ngon bằng tiền bán vàng mẹ cho làm củaa riêng nên nhìn ả vẫn phây phây. Soan đã làm đơn cắt đứt quan hệ với bố mẹ đẻ. Tưởng thế là xong, nào ngờ, đội Châu bảo phải tố cáo tội ác của Lý Chánh thì mới thể hiện rõ quyết tâm dứt bỏ giai cấp địa chủ. Soan nói:

- Tôi có khổ đâu mà tố?

 

Đội Châu chỉ vào cái bụng lùm lùm của Soan, bảo:

- Cứ đổ riệt cho nó cưỡng hiếp cô, vừa gây căm thù vừa bảo vệ uy tín cho thằng Túc.

Soan cau mặt:

- Ông ấy là bố đẻ tôi?

Đội Châu gắt:

- Cô đã viết đơn cắt đứt rồi còn bố con gì nữa? Hay chưa dứt khoát tư tưởng hả?

Chưa dứt khoát sẽ bị tống giam liền. Con địa chủ cường hào gian ác chứ đâu phải loại thường? Đứa con gái duy nhất của Lý Chánh đành nhắm mắt bước qua ngưỡng cửa cuối cùng của sự bất hiếu:

- Lý Chánh, biết tao là ai không?

Soan hỏi câu quen thuộc rồi bỗng ngập ngừng nhìn Túc và đội Châu. Hai cặp mắt như mắt mèo quắc lên, ả vội lắp bắp:

- Mày hãy nhìn bụng tao này, chính mày đã hãm hiếp tao nghe chưa?

Con giun xéo lắm phải quằn! Đứ con gái mất nết bỏ nhà theo trai, giờ trơ tráo làm nhục bố đẻ như vậy còn trời đất nào chứng giám. Uất quá Lý Chánh gầm lên:

- Bà quên rồi… Tôi còn hiếp cả mẹ bà để đẻ ra bà đấy!

Câu trả lời bất ngờ của Lý Chánh làm tiếng cười rộ lên khắp đình. Đội Châu và Túc vội vàng hô đả đảo để khỏa lấp đi.

 

Đêm ấy cả hai vợ chồng Lý Chánh treo cổ tự tử ở nhà giam của thôn. Toàn bộ tài sản của ông bị tịch thu chia cho bần cố nông. Túc và Soan được chia hai gian nhà, một góc sân, một cái mâm đồng, sáu cái bát ăn cơm, hai cái tô, một con dao phay và một cái chổi quét nhà. Túc đóng đinh  vào cái cột giữa nhà, treo cái mũ có gắn huy hiệu ba vị thánh vĩ đại lên rồi chắp tay vái lia lịa…

 

Cuộc cải cách ruộng đất như cơn hồng thủy ập vào làng Hạ. Tám gia đình địa chủ thì một gia đình tự tử, hai gia đình có người bị xử bắn oan, toàn bộ của cải bị mất sạch.

 

Những người được chia quả thực chả mấy chốc ăn tiêu hết thứ của trời ơi, không ai giàu lên, thậm chí còn nghèo mạt rệp hơn. Tình làng nghĩa xóm từng tắt lửa tối đèn có nhau, giờ là kẻ thù.

Khi đội sửa sai về, con cháu hai người bị bắn oan đào mộ bố lên làm lễ an táng lại, rồi xách dao tìm đội Châu và Túc trả thù… Đội Châu là cán bộ miền Nam tập kết chạy lên Hà Nội, còn Túc đưa vợ con lên tuốt Tây Bắc khai hoang.

Ba năm sau thấy yên, Túc lại lần về làng. Thằng con Túc bị câm điếc. Gặp vợ Túc có người hỏi vỗ mặt:

- Này chị Soan, thằng câm điếc là con lão Túc hay con ông Chánh?

Soan cắm mặt nín thinh. Túc chửi:

- Tiên sư quân phản động!

 

Với thành tích đi bộ đội, lại là Đảng viên có khiếu ăn nói, Túc được bầu làm Phó chủ tịch xã phụ trách Văn hóa Thông tin. Để chứng tỏ năng lực của mình, Túc cho xây rất nhiều bia và khẩu hiệu Dọc hai bên đường, bến đò, đầu chợ… chỗ nào cũng dựng bia. Có cái dài chục mét, cao ba bốn mét. Thiếu gạch Túc phá chùa lấy gạch. Không ai dám cản trở việc xây bia khẩu hiệu. Tấm bia nào trên chóp Túc cũng đắp một cái huy hiệu, giống hệt cái của lão, sơn đỏ chót.

 

Lão Túc sùng bái cái huy hiệu còn hơn một con chiên ngoan đạo sùng bái tượng Thánh. Lão bảo cứ đội chiếc mũ gắn huy hiệu đi đêm thì ma quỷ cũng chạy tuốt! Căn nhà lão có chín mười cây cột, chín cây mục ruỗng chỉ còn mỗi cây treo chiếc huy hiệu là mối chưa xông. Có người bảo Túc:

- Chiếc huy hiệu của ông linh thiêng thế sao không mài ra cho thằng con câm điếc uống?

Lão Túc chửi:

- Tiên sư quân phản động!

Hồi còn chức quyền, lão Túc hống hách và tham nhũng chả kém gì các quan lại khác. Từ ngày nghỉ hưu lão lại sống nhờ thằng con câm điếc. Nó toàn đi ăn cắp ăn trộm. Công an bắt lại thả vì nó câm điếc không lấy lời khai được.

 

Cách đây sáu năm, có nhóm nhà báo truyền hình về làng Hạ, tìm gặp những cựu chiến binh tham gia trận Điện Biên Phủ để làm phim. Lão mặc bộ quân phục thu đông để dành mấy chục năm, đội mũ lưỡi trai gắn cái huy hiệu quý giá của lão. Trước mặt các nhà báo lão thao thao bất tuyệt như chính lão chỉ huy mặt trận không bằng. Sau đó, khoe chiếc huy hiệu… Một anh nhà báo thấy là lạ hỏi lão Túc:

- Thưa cụ, cháu chưa bao giờ nhìn thấy cái huy hiệu này?

Lão Túc cười đắc ý:

- Anh bao nhiêu tuổi?

- Dạ hai lăm tuổi ạ!

- Thế bố anh bao nhiêu tuổi?

- Dạ năm mươi tuổi ạ!

Lão Túc dí chiếc huy hiệu tận mặt anh phóng viên trẻ:

- Chiếc huy hiệu này lớn tuổi hơn bố anh cơ đấy!

Anh phóng viên trẻ cầm chiếc huy hiệu ngắm nghía, rồi bảo:

- Đúng là đồ cổ! Có thể đưa vào sách kỷ lục được đấy!

Lão Túc liền hỏi:

- Thế đưa vào đó, tôi có được tuyên dương và tiền thưởng không?

- Tất nhiên rồi!

 

Lão Túc liền bám lấy anh nhà báo, nhờ giới thiệu chiếc huy hiệu cổ của lão vào sách kỷ lục. Anh phóng viên nói quấy quá:

- Đến Tết, cụ nhé!

 

Lão Túc mừng lắm. Lão đi khoe khắp làng. Lão cứ đinh ninh anh nhà báo truyền hình sẽ quay về quay phim chụp ảnh đưa lão lên tivi, và lão sẽ nhận được món tiền lớn. Lão vẫn tin vào các vị thánh trong chiếc huy hiệu cổ.

 

Thế mà đã qua sáu cái Tết rồi, lão vẫn chờ mong điều kỳ diệu xảy ra. Đêm đêm lão vẫn gối đầu lên chiếc huy hiệu mà ngủ. Lão sợ hồn ma ông Lý Chánh và những người bị chết oan về vật chết lão./.

Minh Diện
Số lần đọc: 2079
Ngày đăng: 01.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình nghĩa phu thê - Phạm Thanh Phúc
Ánh đèn trong cửa sổ - Yuri Nagibin
Huyền thọai tình yêu - Trần Quang Vinh
Thiếu phụ và đứa con nhỏ - Vinh Anh
Con trâu thần - Trương Hoàng Minh
Quê Mẹ - Lê Hải*
Tiếng hú - Lê Trâm
Cô gái mặc áo blu trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Mẹ tôi - Minh Diện
Nước vây - Phùng Văn Khai
Cùng một tác giả
Máu Chó (truyện ngắn)
Đêm lạnh (truyện ngắn)
Kên kên (truyện ngắn)
Vết roi (truyện ngắn)
Quả tim heo (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Chiếc huy hiệu cồ (truyện ngắn)
Gã Đớp (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Máu cô gái điếm (truyện ngắn)
Cô Son (truyện ngắn)
Lão Trạch (truyện ngắn)