Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.143
123.227.092
 
Lão Hậu
Nguyễn Chính

Lão Hậu thức giấc bởi tiếng đuổi nhau chí chóe của những con chuột nhắt ở bồ thóc bên cạnh. Lão thở dài, ngán ngẩm nhớ đến mấy lỗ thủng ở cái bồ quên không bảo vợ bịt kín lại. Lão lấy tay đập đập vào thành giường. Lũ chuột im bặt. Nhưng chỉ được một lúc, tiếng chí chóe lại nổi lên. Bực quá, lão cố ngồi dậy, rút cái cọc màn, nằm xoay đầu lại, lấy cọc màn chọc chọc vào cái bồ. Góc màn cũ, lâu không giặt, chẳng thơm tho gì trùm lên mặt lão. Mặc kệ. Lũ chuột còn làm lão khó chịu hơn nhiều. Gian nhà ngoài vẫn im lặng, chắc vợ lão đang ngủ say… Lão Hậu ốm đã lâu. Thực ra ở cái tuổi sáu mốt như lão chưa thể gọi là già. Nhưng trông lão tiều tụy, da thịt nhăn nheo, cóc cạnh. Từ ngày lão ốm, vợ lão bỏ ra nằm ở nhà ngoài. Mấy hôm đầu, lão cũng bực mình, hậm hực mãi. Sau thấy mình “lực bất tòng tâm”, chả làm được gì, lão mới chịu xuôi đi.

 

Người đàn bà ấy kém lão đến hai chục tuổi, có dáng người tròn lẳn, quyến rũ với khuôn mặt đẹp lúc nào cũng đỏ dừ, vẫn còn giữ được những nét sáng sủa, thông minh thời con gái. Ngày ấy, ở cái thị trấn nửa thành phố, nửa thôn quê này, thị nổi lên như một thứ của hiếm. Là con của một chủ đồn điền, nhưng thị ít chịu ảnh hưởng của gia đình. Và tuy là “con gái rượu”, thị cũng từ chối mọi sự nuông chiều thái quá của người thân. Ngày ấy, ở cái tuổi đôi mươi thị còn mơ mộng, cao giá lắm. Vậy mà thị lại bị lão Hậu chinh phục. Nói đúng hơn thì chính thị đã tự nguyện đến với lão, mê mẩn lão, rồi ngoan ngoãn ngã vào vòng tay ôm ấp của lão. Ngày ấy, nơi đây náo loạn bởi bọn cướp đến bằng thuyền gắn máy, có vũ khí, lại liều lĩnh. Chúng vào thị trấn giữa ban ngày, mặc sức cướp bóc, chém giết không gớm tay những người dám đứng ra tự vệ. Nhà nào, nhà nấy cửa đóng im ỉm suốt ngày. Cả thị trấn chìm trong nỗi khiếp sợ. Chính quyền cũng bất lực và nghe đâu còn o bế cho chúng lộng hành. Vậy mà từ đâu lại xuất hiện anh chàng Hậu. Hệt như thần thoại, anh chàng khá điển trai, võ nghệ cao cường, lại có tài kêu gọi. Mấy tháng sau đám cướp đại bại. Anh chàng lọt vào mắt xanh của cô con gái gia đình chủ đồn điền nọ. Ông bố, bà mẹ kiên quyết không chịu. Nhưng không làm thế nào được, họ đành buông xuôi thở dài: “Hắn là kẻ có công, cả thị trấn này mang ơn hắn, nể sợ hắn. Vả lại hắn có ép buộc gì con gái mình đâu, thôi thì cũng đành…”. Vậy là đám cưới được tổ chức với đầy đủ lễ nghi, nhưng chỉ thiếu họ nhà trai. Anh chàng giải thích như phường tuồng: “Tôi chỉ là người đi ở, lưu vong nơi đất khách, lâu nay vẫn coi bố mẹ là trời, đất, các cụ và em có thương cho thì được nhờ…”. Cho Hậu ở rể được ít lâu, một hôm, vợ chồng chủ nhà gặp riêng con gái. Người cha nói rành rẽ: “Ta xem, thằng này tướng ác, khác người, tên Hậu mà không có hậu. Cơ sự đã rồi, nhưng kể ra vẫn còn chưa muộn. Hay con dứt bỏ mà theo cha mẹ đi khỏi xứ này?”. Nghe thế, cô con gái đang yêu, khóc rống lên, giãy nảy: “Trời ơi, sao lại như thế được? Cha mẹ bỏ chúng con mà đi đâu?”. Bà mẹ nghẹn ngào: “Cha mẹ nào có bỏ con. Nhưng phải bỏ nó, kẻo sau này lại hối không kịp”. Và, họ đã quyết định ra đi trong một ngày mưa bão. Nước từ khắp nơi đổ về, như phút chốc muốn nuốt chửng cả cái thị trấn, cùng thằng Hậu và đứa con bất hiếu của họ…

 

*

 

Buổi sáng, khi mở then cửa buồng bước vào (gần đây mụ vợ lão Hậu có thói quen cài then cửa buồng phía ngoài, trước khi đi nằm), thấy lão Hậu vẫn ngủ, cổ ngoẹo sang một bên, tay vẫn khư khư cái cọc màn, thị hoảng hồn hét lên:

- Ông làm cái trò gì thế này? Lão Hậu giật mình tỉnh giấc, trả lời nhát gừng:

- Đuổi, đuổi chuột đấy mà. Hôm nay mình nhớ lấy giẻ đút nút mấy lỗ thủng ở cái bồ lại cho tôi.

Thị gắt:

- Bộ đút giẻ mà nó chịu à? Bịt chỗ này, thì nó cắn chỗ khác. Bảo đánh bả cho nó tiệt giống đi, thì ông lại sợ lũ mèo nó chết lây.

 

Nghe vợ nhắc đến mèo, lão mới nhớ ra, mấy hôm nay hai mẹ con “con mi mi”, thường vẫn được lão vuốt ve, không còn meo meo và nằm khoanh tròn ở đuôi giường lão nữa. Vậy là chúng cũng bỏ lão mà đi rồi. Theo thói quen, thông qua mụ vợ, lão lại cắt đặt công việc trong ngày cho những tá điền, lâu nay vẫn làm mướn trên những thửa ruộng được coi là của hồi môn của bố mẹ vợ để lại. Nhưng vợ lão chỉ ậm ừ, ậm ừ, chẳng ra đồng tình cũng chẳng ra phản đối. Thị nghĩ khốn nạn cái thân lão. Từ ngày biết chính xác là lão không còn đi ra ngoài được, tức là không còn hét ra lửa và tung ra những miếng chưởng ghê người được nữa, thì họ đâu còn chịu sự răn dạy, chỉ đạo theo lối áp đặt của lão. Họ đã làm theo ý họ. Vậy mà thị lại thấy họ có ăn, hơn là cứ phải răm rắm rập theo cái khuôn công việc, mà nhiều khi mới chỉ kịp lóe lên như một tia chớp trong đầu lão. Họ sợ lão là phải, bởi họ đã được thấy bao nhiêu gương nhỡn tiền. Lão Bê là một tri điền, có con Tây học. Anh con trai nho nhe đôi câu, ba sợi về dân chủ, cùng bố rủ thêm mấy gia đình kéo đến nhà lão đòi trả ruộng. Vậy là lão cho biết ngay thế nào là lễ độ. Cha con lão Bê, cùng đám tá điền đã phải bò lê bò càng, báo hại vợ con phục thuốc hàng tháng trời. Thị biết, những ngày đầu nghe lão Hậu đổ bệnh, họ kéo nhau mang quà cáp đến thăm, chẳng qua là để xem thực hư thế nào, chứ trong thâm tâm, họ nào có thương xót gì lão. Từ lâu họ đã muốn thoát khỏi lão. Nhưng quen thói an phận, lại dễ nghe lão phỉnh phờ, thế là họ cứ giơ cái sức ì ra, răm rắp làm theo lão như một cái máy. Mặc cho lão hối thúc, vắt nặn. Thì ngay như thị đây, tiếng là có học hành mà cũng còn chậm hiểu nữa là. Ngày cưới, thị được lão tưng tiu như hòn ngọc. Vậy mà sau khi bố mẹ thị bỏ đi, trong cách đối xử, thị đã thấy lão có ý khang khác. Lão xét nét thị từng tí. Làm như toàn bộ ruộng đất, gia sản bố mẹ thị để lại là thành quả của lão không bằng. Công việc trong nhà, ngoài đồng, trước đây bố mẹ thị giao cho người quản lý du học từ Pháp về, bị lão xới tung lên, lộn tùng phèo. Đến độ, nhìn vào cung cách quản lý của lão, người quản lý kia cũng phải chào thua và xin nghỉ việc. “Cũng được! Tin thế đ… nào được cái hạng người này”. Lão văng tục ra một câu gọn lỏn. Từ ngày phải chúi mũi vào công việc của người quản lý, vốn rất xa lạ với cái đầu lâu nay chỉ quen với những miếng võ hiểm, lão Hậu giao cho thị, phải trông nom phần hồn cho đám tá điền. Nghĩa là, phải thuyết phục thế nào cho bọn này yên tâm, gắn bó với cơ nghiệp của lão. Phải nói sao cho họ hiểu rằng, cơ nghiệp của lão mà nên, thì họ cũng sẽ có phận được đổi đời... Nhưng vốn dễ xúc động lại nhạy cảm, thị thường triển khai công việc không theo ý của lão. Có khi quá bức xúc, thì còn dám đòi thoát khỏi sự đè nén, áp đặt của lão. Vậy là lão ra tay ngay với thị. Tuy ít chữ, nhưng lão cũng ranh ma lắm. Lão dạy cho thị một bài học theo cách đặc biệt, chỉ dành riêng cho những người thuộc đẳng cấp của thị, sao cho không để lại một dấu vết gì, còn tay lão thì vẫn sạch. Đó là điểm huyệt. Mỗi lần như vậy, thị buốt đến tận óc, chân tay tê dại, bọt mép sùi ra, không kêu được một tiếng. Hàng xóm có chạy sang, lão bảo thị trúng gió. Thế là xong. Từ chỗ sùng bái lão như anh hùng, như cứu tinh của mọi người, tin yêu lão hết mình, tưởng có thể chết vì lão cũng được, nay thì thị căm ghét lão “như xúc đất đổ đi”. Thị không có con với lão. Vậy là lão đã tuyệt tự. Thế mà lại hay. Nghĩ vậy, mặt thị bỗng đỏ rựng lên.

 

*

 

Không biết lão Hậu ốm vì bệnh gì mà thuốc nào cũng không khỏi, chỉ bớt được một thời gian rồi lại nặng thêm. Lão bị buốt đầu, bước đi lảo đảo mất phương hướng như người say. Bác sĩ bảo lão bị thiếu máu và rối loạn tiền đình. Nhưng nếu bệnh chỉ đơn giản có vậy, thì làm gì đến mức cả cái cơ nghiệp này, lão đã phải bán đi chạy thuốc mà vẫn vô hiệu. Có người cho là lão bị bệnh đen não, phải mổ. Lão gạt phắt và nghĩ “Dẫu danh y Hoa Đà của nước Tàu có sống lại, tao cũng không chịu . Vì đục đầu, cạo não thì còn chó gì là người”. Cùng với tình yêu nhanh chóng lụi tắt của vợ, là những tài sản lâu nay lão ki cóp, vắt nặn của đám tá điền đều lần lượt đội nón ra đi. Giờ lão chỉ còn lại hai gian nhà tranh và cái bồ thóc thủng. Từ ngày lão không còn đi ra ngoài được, vợ lão phải hầu lão như hộ lý trong bệnh viện. Được cái thị vẫn vui vẻ. Và, dạo này trông thị lại như đẫy đà hơn, trẻ ra. Lão Hậu đâm nghi cái con người mấy chục năm ăn cùng mâm, nằm cùng giường, mà lão chưa bao giờ hiểu hết này. Lão nghi là phải. Vì suốt ngày chết dần trong buồng kín, lão làm sao mà biết được sự đời. Toàn bộ sinh lực của lão bây giờ được dồn vào đôi tai. Hồi còn trẻ, có người xem tướng bảo, tai lão to nhưng lại lệch, không cân, nên đoản sự nghiệp và kém thọ. Mặc kệ! Miễn là bây giờ nó phải giúp lão, phát hiện cho lão...

 

Từ ngày “chỉ đạo” cho vợ bịt những lỗ thủng ở cái bồ thóc, lão Hậu vẫn chẳng thấy lũ chuột nhắt chịu buông tha cái gian buồng tối om. Đêm đêm, chúng hết thi nhau cào quèn quẹt vào cái bồ, lại đuổi cắn nhau, kêu chí chóe. Những tiếng động này cứ lặp đi lặp lại hàng đêm, nên lão đã quá quen thuộc rồi. Vậy mà đêm nay, những tiếng động nghe khác lắm. Không phải từ phía bồ thóc. Không phải từ trên những cái kèo nhà. Cũng không phải từ mấy cái hốc tường, mà từ đó vẫn phát ra tiếng chí chí của lũ chuột nhắt mới đẻ. Tiếng huỳnh huỵch, xen lẫn tiếng rên khe khẽ lại từ phía gian nhà ngoài vọng vào. Lão khẽ nhỏm dậy, căng mắt trong đêm, trừng trừng nhìn ra phía cửa buồng. Tai lão dỏng lên. Tim đập thình thịch. Đúng rồi, làm thế nào bây giờ? Nhưng chợt thần kinh lão chùng hẳn xuống. Biết đâu, vợ lão ngủ mê thì sao? Thỉnh thoảng thị chẳng hay nằm mơ, nói lảm nhảm là gì. Nghĩ vậy, lão thở phào, người nhẹ hẳn đi. Nhưng rồi lão lại nhíu mày, phải kiểm tra lại cho chắc ăn. Vừa lúc ấy mấy con chuột lại đuổi nhau dưới chân. Lão đập tay độp độp vào thành giường và khàn khàn réo tên vợ.

- Ông làm cái gì mà ầm lên thế, không nằm yên được hả. Ngày mai tôi sẽ đánh bả cho tiệt giống đi! – Vợ lão gắt.

 

Vậy là ban nãy thị ngủ mê. Lão khẽ nhếch mép cười. Nhưng một lúc lâu sau, hai tai lão lại dựng lên, vì rõ ràng ngoài nhà đang có tiếng động lạ. Lần này thì không thể nhầm được, đó là tiếng giày. Phải rồi, tiếng giày. Lão nghiến răng khẳng định, khi nghe rõ tiếng giày đang nhỏ dần, nhỏ dần từ chỗ giường của vợ lão ra phía cổng.

 

*

 

Suốt ngày hôm sau, lão Hậu không chịu ăn uống gì. Tha hồ cho cô vợ nài nỉ, lão cũng không chịu nuốt lấy một thìa cháo. Lão chỉ thều thào đòi thị nói cho lão thằng đàn ông đi giày tối hôm qua là ai. Chẳng lẽ cứ để lão lè nhè mãi. Vả lại, giờ thì lão chẳng còn đủ sức mà áp chế thị nữa rồi. Nghĩ vậy, thị nói luôn một hơi tỉnh bơ: “Anh Tư Bản, anh ấy yêu tôi lâu rồi, tôi sắp có con với anh ấy!”.

- Sao? Thằng Tư Bản hả? Trời ơi!

Lão Hậu vục dậy, rít lên những tiếng khàn khàn, đưa hai bàn tay xương xẩu bứt bứt vào đôi tai lệch.

- Thằng Tư Bản con lão Ba Đô chứ gì ? Trời ơi là trời! Cái thằng ba đời làm con buôn ấy! Ông nó, bố nó muốn phá tao mà đâu có được. Bây giờ thì trời ơi là trời... Con đĩ, lại đây, lại gần đây...

 

Không tìm cách trốn khỏi đòn trừng phạt của lão, thị tiến đến gần lão, giơ ra cái chỗ mà trước đây lão vẫn thường bấm vào, bằng những ngón tay hộ pháp. Chỉ đợi có thế, ngón tay phải của lão bắt đầu hành động. Mồ hôi lão vã ra, hai mắt trợn ngược, trắng dã. Nhưng nét mặt người đàn bà vẫn bình thản. Lát sau, thị gỡ tay mình ra khỏi bàn tay đã trở nên cứng đờ, lạnh ngắt của lão. Từ cái hốc nhỏ trên tường, chỉ còn nghe thấy phát ra tiếng chí chí của lũ chuột nhắt đói ăn./.

 

Nha Trang, tháng 1 năm 1992

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 1929
Ngày đăng: 02.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà thiện xạ! - Phùng Thành Chủng
Chiếc huy hiệu cồ - Minh Diện
Tình nghĩa phu thê - Phạm Thanh Phúc
Ánh đèn trong cửa sổ - Yuri Nagibin
Huyền thọai tình yêu - Trần Quang Vinh
Thiếu phụ và đứa con nhỏ - Vinh Anh
Con trâu thần - Trương Hoàng Minh
Quê Mẹ - Lê Hải*
Tiếng hú - Lê Trâm
Cô gái mặc áo blu trắng - Đỗ Ngọc Thạch