Bên những đại lộ cuồn cuộn sôi réo ngày đêm không dứt như những dòng sông mùa lũ, đã cuối thu rồi. Ở một khoảng không gian yên tĩnh những bông hoa dâm bụt vẫn hiện lên tươi đỏ thật quyến rũ, cái quyến rũ toả ra từ sự trong trẻo và bình thản. Trong cái không gian bảng lảng sương khói mùa thu, hiện lên những câu:
Chủ nhân của đồng quê
những chú chim hồng hạc đang thư thái bay về trong núi
đôi cánh bay vào trời chiều giai điệu thanh bình
chắc mọi buổi chiều từ ngàn xưa vẫn thế
hoàng hôn choàng lên những đỉnh xanh tấm khăn voan mỏng mảnh
đắm chìm trong hương cỏ dại
quê tôi phảng phất đâu đây
các bạn thiếu thời chắc đang chờ tôi bên chén rượu gạo
sau khóm tre xanh trong những ngôi nhà ngân nga khói toả
(…)
những chú hồng hạc chủ nhân của đồng quê
đang thư thái bay về những đỉnh xa xanh
đôi cánh mê hoặc buổi chiều
tôi chấp chới muốn bay cùng những chú hồng hạc
(Những chú chim hồng hạc)
Đấy là những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, trong tập thơ Mùa thiêng, xuất bản năm 1995. Tuần trước, anh Nguyễn Văn Vịnh, một người bạn của chúng tôi, một tiến sĩ Triết học, tìm vào Hà Đông lúc cuối chiều chạng vạng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh nhắc đi nhắc lại đầy khoái cảm với chúng tôi rằng: Thu vãn mà không tìm được người để nói một điều gì đó, thì thật vô lý, thật không chịu nổi! Cái mục đích tìm vào Hà Đông của tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, chỉ vì thu vãn, chỉ vì lý do thời tiết, là những ngày thu sắp hết, thật sự gây sự chấn động nhẹ trong tôi. Trong cái đời sống chảy xiết của cuộc mưu sinh, của danh lợi này, thử hỏi có mấy ai tìm đến nhau chỉ vì mục đích thu vãn, chỉ vì tiếc cho thời tiết của một năm khi mùa thu sắp hết. Có lẽ, tôi cũng có cái cảm xúc gần với tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, người bạn của chúng tôi chăng? Mùa thu năm nay trong lòng tôi rộn lên thôi thúc với ham muốn đọc lại thơ của bạn bè, nhất là những người nhiều năm cách biệt mà tôi chưa dành thời gian cần thiết để đọc và ngẫm nghĩ về thơ của họ. Có lẽ đó cũng là dấu hiệu của tuổi già tràn đến, và ham muốn lấp bớt cái khoảng trống mà mình đã từng lơ là với bạn hữu chăng. Và, ẩn sâu dưới ham muốn này, đó có lẽ là việc tìm lại những giá trị đích thực vào một giờ khắc nào đó đã tạm thời bị bỏ qua.
Những chú sáo đen mỏ vàng không về cùng ta nữa sao
tuổi thơ bỏ ta các chú cũng bỏ ta đi nốt
bao năm nhoè nhoẹt trên những nẻo mê hoặc
ta luôn nhìn về chân trời quê tìm bóng dáng sáo đen
(…)
sáo đen ơi chiếc mỏ vàng ngân nga mãi trên đầu ta khúc kinh khai sáng
phải chăng cuộc hành hương nào cũng được một ánh sáng đến sớm dẫn dắt chỉ những linh hồn (Sáo đen mỏ vàng)
Khi mối tâm sự sâu xa nhất của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu được gửi cho loài chim và thiên nhiên, việc ký thác này đồng nghĩa với việc con người đã hoà đồng cùng trời đất rồi vậy. Nhân gian thật rộng lớn, nhưng nhân gian cũng thật hẹp. Mối tâm sự và ước vọng của nhà thơ đành thoát ra gửi vào loài chim, trong sự “chấp chới muốn bay cùng những chú hồng hạc”.
Tôi đang đọc lại bốn tập thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong bốn tập thơ, có ba tập thơ được xuất bản từ năm 1991 đến năm 2000, và bản thảo một tập thơ mới chưa xuất bản.
Tôi còn nhớ quãng năm 1986, tôi thường được nghe cố nhà thơ Quách Ngọc Thiên nói về bài thơ Đôi mắt nai của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Sau đó, vào cuối năm 1991 hoặc đầu 1992, tôi được cố nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc giới thiệu tập thơ Chùm mơ tiên cảm. Trong một lần nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc rủ tôi cùng đi ngao du thăm bạn bè, có ghé qua thăm tác giả tập thơ Chùm mơ tiên cảm. Tôi còn nhớ khi ấy nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đang ở tầng 2 một khu nhà chung cư cũ ở Thanh Xuân, chúng tôi phải len lách qua cầu thang và hành lang chật chội, khi đó hình như phu nhân của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đang mang bầu. Qua trò chuyện qua lại, tôi nhận thấy nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có quan hệ khá gần gũi thân thiết. Đấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu qua nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, sau đó nhiều năm tôi và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cũng chỉ gặp nhau đôi lần thoáng qua ở những chỗ đông người. Tôi thật sự tiếp xúc sâu với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cách nay cũng chỉ dăm ba năm, qua những người bạn của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, họ đều là những người làm công tác nghiên cứu triết học, công tác ở viện Triết hoặc ở một vài cơ quan khác. Tính về số lần gặp giữa tôi và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, có lẽ chưa đếm hết mười đầu ngón tay.
Tôi thật sự có ấn tượng đối với thơ Nguyễn Linh Khiếu, là chùm thơ của anh viết về vùng đất Nam bộ cùng những bài thơ Nguyễn Linh Khiếu sáng tác trong thời gian này. Bài thơ Đôi mắt nai mà cố nhà thơ Quách Ngọc Thiên hay nhắc đến, được in trong tập thơ Chùm mơ tiên cảm, xuất bản năm 1991, thành thực mà nói trước đây tôi có đọc và nay đọc lại bài thơ này, không thấy ấn tượng gì. Tập thơ Chùm mơ tiên cảm đã để lại dấu vết những ký ức của cố thơ Nguyễn Lương Ngọc với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã vẽ bìa và trình bày tập thơ này, trong tập thơ có in ba phụ bản do nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc vẽ. Cầm tập thơ Chùm mơ tiên cảm, tôi thấy bồi hồi đang được sống lại trong không khí bạn bè những năm 90 thế kỷ trước. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã mất lâu rồi, còn đây những câu thơ thật trong ngần của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.
đến tháng Tư
mọi chuyện tưởng xong rồi
chớm chút trời xanh thoáng hè non nớt
chiều nay ngọn gió bất ngờ
cơn mưa bất chợt
nắng sau mưa óng ánh đến nghi ngờ
tôi như cây sau bất chợt cơn mưa
(Tháng Tư)
Có ai biết sau mưa tuổi dậy thì của đất
sau mưa mặt trời nồng nhiệt sẽ hiện lên
những giọt mưa đến sớm
trước mùa xuân
tin tưởng bay giữa không gian khô khát
những hạt giống tinh tường
cựa mình trong đất
(Những giọt mưa đến sớm)
Vẫn đây bến bờ của tôi
những cánh buồm bay trên chân trời nước
trời ơi những cánh buồm
trời ơi chân trời nước
mồng năm
con nước
mùa xuân
(…)
lại non dại cồn cào mùa xuân con nước
những đứa trẻ khi thuỷ triều dâng đến
sốt ruột bay vút lên
(Mùa xuân con nước)
Tôi yêu sự mong manh này của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong lành đến vậy, khát vọng đến vậy, và tinh tế đến vậy. Những câu thơ được hiện lên qua bộ lọc của tâm hồn nhà thơ tràn trề nhựa sống và khát vọng. “Những cánh buồm bay trên chân trời nước”, “những đứa trẻ khi thuỷ triều dâng đến/ sốt ruột bay vút lên”. Chỉ tiếc rằng những dòng thơ như vậy, quả là quá ít ỏi trong tập thơ Chùm mơ tiên cảm, và cả trong những tập thơ sau này của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Chúng ít ỏi đến độ, dễ cho cảm giác chúng bị lẫn, hoặc hoà tan vào những cảm xúc cũng như những mối quan tâm khác của nhà thơ.
Như tôi đã nói, ấn tượng đầu tiên của tôi về thơ Nguyễn Linh Khiếu là từ chùm thơ anh viết về vùng đất phương Nam, cùng một số bài thơ anh viết trong thời kỳ này. Đọc bốn tập thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, ấn tượng này của tôi vẫn giữ nguyên. Đó làm cảm xúc được thi triển trên một vùng đất mới của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu:
Những công tử nổi danh sở hữu đại đồn điền đã rời xa xứ sở
chỉ còn những hậu duệ ham chơi mang rượu đãi khách xa
đêm Bạc Liêu những sân chim lác tác bay vào bàn nhậu
(…)
bao la đồng lúa bao la cá tôm chim thú bao la rượu thơm quý hiếm
ta uống và truy phong các danh sĩ các anh hùng các công tử các nương nương đặc sản của đất trời.
giữa bao la ta uống và ngợi ca những bậc tiền nhân hăm hở mở đất mở rộng mãi nỗi niềm xa xứ
giữa đất đai màu mỡ thênh thang ta cầu xin những vụ mùa bội thu và sinh sôi đông đúc
đêm phương Nam những hậu duệ phong lưu nhậu và ca hát mưa thuận gió hoà và các sinh linh mắn đẻ
cường tráng và dịu dàng dẻo dai đồng hành cùng đất mới
(Uống rượu ở Bạc Liêu)
anh cúi xuống vốc lên nước mát lành. Mê Kông đang mùa sinh nở. Nước không tuyên ngôn cứ thế chu du khắp thế gian tạo lập những bến bờ (…). Nước con cái của đất trời. Sinh sôi sinh sôi vô cùng gần gũi.
(…)
anh cúi xuống vốc lên nước mát lành Mê Kông. Hình như có một cái gì. Hình như … anh biết là có một cái gì anh chưa từng biết. Những đỉnh xa xanh hiển hiện trong lòng tay anh phảng phất ký ức xa xôi. Tuyết đang tan mây khói đang bay hân hoan mùa sinh nở.
(Bến nước Cần Thơ)
cây ngô đồng mọc ở phương Nam. Ta ngồi mạn thuyền gõ nhịp trần gian ca bài khấp khởi. (…) cây ngô đồng – thuyền độc mộc lao chao – rượu đế ngân nga da diết. Phương Nam mang mang mây nước. Ngô đồng bảng lảng nhịp trần gian ta hát mung lung.
Cây ngô đồng cây ngô đồng sao mà tươi tốt ơi cây ngô đồng.
(Bài ca cây ngô đồng)
Những dòng thơ mang khí lực thật sung mãn, vạm vỡ, hào sảng, tràn trề sinh lực. Đúng là những dòng thơ “cường tráng và dịu dàng dẻo dai đồng hành cùng đất mới”. Đọc những bài thơ sáng tác trong thời kỳ này của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, trong ý nghĩ tôi hiện lên chân dung Nguyễn Công Trứ, người anh hùng khai khẩn mở mang mảnh đất vùng duyên hải Thái Bình – Và, Nguyễn Linh Khiếu chắc hẳn là hậu duệ của nhà thơ có công mở đất này. Tôi nghĩ, sở dĩ nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có cảm xúc tươi mới với vùng đất phương Nam, có lẽ vùng đất này đã gợi lại ký ức về châu thổ sông Hồng, trong đó có vùng đất mới là quê hương của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong một bài thơ viết sau này, trong tập thơ mới chưa xuất bản của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, đã hồi tưởng lại ấn tượng của nhà thơ về vùng đất phương Nam: “Xa đất Mũi đã lâu nhưng không sao quên được mùi hương ngai ngái của sa bồi. Cả một vùng nước non nồng nàn hương đất. Phù sa non ngút ngát tươi rực vừa rười rượi vừa chan chứa như da thịt của ai (…) quả là đất mới sức trẻ dồi dào (…) nghe nhịp điệu châu thổ hào hứng như vô vàn cánh tay thiếu nữ phơi phới vươn lên” (Tiếng tràm).
Cái cảm xúc mới mẻ về một vùng đất mới tràn trề sinh lực này, được nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu thi triển trong một số bài thơ tiếp theo in trong tập thơ Hoa Linh (xuất bản năm 2000). Tôi nhận thấy cái khí lực thi ca ở một mức độ nào đó vẫn được duy trì cùng độ sôi trong huyết mạch của đam mê.
mùa nước sinh đang hổn hển trở về
(…)
phù sa non đầm đìa tươi mê
lộng lẫy chảy như đàn bò cái đang mùa động đực
tiếng gọi thống thiết ở miền lúa nước
những cánh đồng hôn phối bồn chồn lưu vực dòng sông
(…)
những đám mây trứng cá trứng tôm rực rỡ bồng bềnh bay lượn
các nàng lúa nước ngây ngất thụ thai trong vòng tay phù sa nóng hổi
khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh
châu thổ náo động nhịp điệu truyền giống thiêng liêng
thế hệ mới đang hun đúc đang hân hoan dạt dào bờ bến mới
lộng lẫy phù sa căng tròn và hùng dũng như đàn bò cái
trườn lên trườn lên tươi rói và hổn hển
(Phù sa sông Hồng)
(…) châu thổ nồng nàn với những cánh đồng phì nhiêu
phóng khoáng và nhân hậu quanh năm bộn bề gặt hái
nơi lũ trẻ nhà quê suốt tuổi thơ nghe đất đai vỗ về và dạy dỗ bài ca hoà thuận
có phải mùa xuân đã về rồi không nghe tưng bừng giai điệu cưới xin từ phía những cánh đồng
ta xin diện áo the khăn xếp cùng mọi sinh linh nhập vào đoàn rước lùng tùng đưa các nàng vào ngày mồng Một đầu xuân
(Những nàng chuột đồng)
Nhà thơ của những tâm hồn rượu mạnh
đám thực khách sành điệu đang sốt ruột ca cẩm
Khi những ngọn xuân rạo rực bay về
(…)
Những người mẫu thời trang ròng ròng xuân sớm ròng ròng
thịt da ròng ròng mắt môi ròng ròng hứa hẹn khả thi
đất xuân chan chứa hương trời đầm đìa tươi mới
đã đến lúc chúng mình ngân lên cùng bầu bạn tâm hồn rượu mạnh bài ca quyến rũ bài ca mịt mù bài ca vất vả của nhà thơ
(Nhà thơ và người mẫu)
Trong cuộc gặp gần đây nhất, tôi nhận thấy nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có băn khoăn về việc mới – cũ trong sáng tác thơ. Tôi tự nghĩ, thử hỏi có gì cũ hơn cuộc đời; nhưng cũng thử hỏi, có gì mới hơn cuộc đời. Cái cuộc đời cứ chảy tràn miên viễm từ đời này sang đời khác, từ thời này sang thời khác, sao ta vẫn thấy vô cùng mới mẻ, và lúc nào cũng vậy thật rất khó mường tượng được cuộc đời ở phía trước. Theo tôi, vấn đề mới – cũ trong thơ cũng như các ngành nghệ thuật khác, là ở chỗ cái nền cảm xúc và tư duy của chủ thể sáng tạo có trùng lặp với người khác không. Mới – cũ là nằm ở đó.
Hiện tôi thấy những bài thơ được nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu thi triển cảm xúc trên những vùng đất mới tràn trề sinh lực và đam mê này, chưa tạo thành mạch chủ trong lộ trình thơ của anh. Do vậy, nhiều khi dễ dẫn đến cảm giác là những mảng thơ khác với cảm xúc và mối quan tâm khác của nhà thơ lấn át. Hình như nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu vẫn còn do dự phân vân một điều gì đó. Điều này tôi không được rõ lắm. Nhưng, hình như ở trường ca Ban mai Diêm Điền, tôi bắt gặp một điều gì đó, có thể tiết lộ cho ta bí mật gì chăng.
“Cảm ơn Người vô cùng sáng suốt
không lỡ để thêm một lớp trẻ nữa sống trên đời mà vô ích như con
nếu trong lũ trẻ có đứa nào dở hơi đi tìm sách
tìm những mộng mơ hư ảo chúng sẽ học được những bài học xương máu khi đối diện với những luật lệ nghiệt ngã của thị trường
(…)
ta là nhà thơ quê mùa đã lỡ học hành đôi chút nên văn hoá vã ra ròng ròng như mồ hôi
có phải chất nông phu còn sánh vàng và sôi động trong máu huyết
ta đang ở giữa thời tiền bạc
có phải ta quá nhà quê quá dở hơi cứ vẩn vơ giữa văn hoá và tiền”
(Ban mai Diêm Điền)
Đó phải chăng là sự lựa chọn đã được đặt ra, giữa cuộc mưu sinh và “những mộng mơ hư ảo”, “giữa văn hoá và tiền”. Sự lựa chọn này được đặt ra đã có tác động quyết định không nhỏ đối với sáng tác của nhà thơ. Và, hình như câu chuyện của thi ca không chỉ liên đới tới các quyết định đó nằm ở phía nào.
Một mảng thơ có thể coi là chính yếu, là những bài thơ viết về những kỷ niệm nơi vùng quê ven biển Thái Bình của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, cùng với những kỷ niệm thuở học trò và thời sinh viên của nhà thơ. Đó là những kỷ niệm nằm trong ký ức, với những sự việc và con người cụ thể, có thể gọi tên và kể lại một cách rõ ràng. Những bài thơ viết về kỷ niệm, là nơi nhà thơ bộc bạch gửi gắm mối tâm sự cùng những suy tư sâu lắng nhất của lòng mình. Viết về những cây mận trong vườn nhà, do nhà thơ đã tự tay trồng từ thuở nhỏ “ta đi trong vườn mận ngày khai hoa hồn mình bỗng thanh sạch thảnh thơi và trắng muốt/ thoảng mùi hương như một ý nghĩ nếu một xuân nào ta không về với khu vườn những cây mận già nua chẳng biết có buồn không” (Vườn mận)
Sự chua xót cô đơn đến vậy là cùng cực không hơn được nữa. Nhà thơ đã nói ra cái điều thiêng liêng nhất của một đời người như một lời trăn trối chỉ với cây mận già nua. Tâm sự đến thế hẳn là cùng tận rồi vậy.
Trường ca Ban mai Diêm Điền là nơi hội tụ những cảm xúc, ý tưởng của một mảng thơ khá đậm đặc về kỷ niệm, hồi ức được nhà thơ ký thác vào trường ca này. Những bài thơ khác là những vệ tinh bay lượn xung quanh khối cầu lớn đó, chịu sức hút của khối cầu thi ca này.
Trường ca Ban mai Diêm Điền làm sống lại đời sống của cái thị trấn vùng biển nửa cuối thế kỷ XX. Đó là cái “thị trấn như một con thuyền nhỏ bồng bềnh giữa mơn mở sắc màu của lúa”. Nhà thơ “thức dậy với những ban mai Diêm Điền ban mai thần tiên đẫm hương biển đẫm xa xăm bé thơ”, tìm trong ký ức “người bạn gái thuở thiếu thời ở đâu/ hai mươi mấy năm trời vì sao ta không gặp lại”, và “ai đó khóc con phà hay khóc mối tình ta phong phanh nơi mép nước”.
Với Ban mai Diêm Điền, nhà thơ “đã về với ban mai đời mình”:
trong ban mai rưng rưng bến nước Diêm Điền
nghe hơi biển mang mang nghe tâm hồn trong suốt
Ba mươi năm trở về đối diện với biển ấu thơ
(…)
Ta thương nhớ những cánh buồm tinh tươm phơi phới bay trên biển biếc
những cánh buồm của nhà thơ những cánh buồm của ngư dân thuần phác lay động
(…)
bao nhiêu năm mê muội lưu lạc khốn đốn chạy theo những chân trời nước nay trở về đứng trên mảnh đất của mình bỗng nhiên ta hồi sinh tràn trề sinh lực và vô cùng cường tráng.
*
Trong những ngày tháng cuối của buổi mãn thu, bên những dòng sông chảy xiết của thời cuộc, đọc bốn tập thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tôi được sống lại bên bạn bè và không khí văn chương thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Đó là bầu không khí trong sạch, đam mê và say đắm. Giờ ngoái lại, tựa như một cái gì thân quý ta vừa tuột tay để rơi mất. Mười năm cuối cùng của thập kỷ ấy, nay người còn người mất, đời sống diễn ra biết bao biến động, mà chúng tôi là lớp người không chỉ là người chứng kiến, mà là chủ thể trải nghiệm, chứng nghiệm. Ở vào tuổi chúng tôi, thật không lỡ nói với nhau những lời khoa trương hoa mỹ và trống rỗng, để làm gì.
Sống trong thế giới thơ Nguyễn Linh Khiếu, tôi theo nhà thơ rơi từ từ từ tầng trời cao nhất đến tầng trời cuối cùng. Từ sự trong sáng nồng nhiệt đến run rẩy của khát vọng, đến sự thất vọng chua xót tận cùng của tâm thế. Tôi vẫn thấy bay vượt lên trên tất cả là “những cánh buồm”, “những chân trời nước”, nơi “non dại cồn cào mùa xuân con nước”, “những đứa trẻ khi thuỷ triều dâng đến,/ sốt ruột bay vút lên” (Mùa xuân con nước).
Trong bốn tập thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, tên của từng tập thơ cũng gợi cho ta những bí mật nào đó mà nhà thơ “yểm” dưới nó. Tập thơ đầu tay với cái tên “chùm mơ tiên cảm”, cách đây ít ngày nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có kể với tôi rằng, khi đặt tên tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc có khuyên nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu bỏ hai từ “chùm mơ” và chỉ nên giữ lại tên tập thơ là “tiên cảm”. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu nói, nếu ngày ấy phe lời khuyên của Nguyễn Lương Ngọc thì tên tập thơ đúng hơn và hay hơn.
Tập thơ thứ hai, với cái tên là “Mùa thiêng”. Tập thơ thứ ba có cái tên là “Hoa Linh”, theo nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho biết, hoa Linh tức là hoa Linh Thảo, một loài hoa do nhà thơ tưởng tượng và đặt tên. Tập thơ thứ tư, đây là tập thơ mới chưa xuất bản, với cái tên “Nước trời”.
Việc đặt tên cho các tập thơ của các nhà thơ, là một câu chuyện dài, và không phải lúc nào cũng có thể lý giải một cách sáng tỏ. Với tên bốn tập thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu mà tôi vừa liệt kê, có gợi cho tôi cảm nhận một điều gì đó thuộc về ước vọng về một cảnh giới siêu phàm nào đó nằm trong tâm thức của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Phải chăng đó là cõi miền của cái siêu thức, với một thế giới của những gì thiêng liêng, sự thiêng liêng này mang tính thần linh, mặc khải. Dù sao, đó cũng chỉ là sự đoán định của tôi, mà đã là sự đoán định thì xác suất không phải bao giờ cũng cao.
Cách đây ít ngày, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tâm sự với tôi một điều, điều này tôi đã được nghe nhà thơ tâm sự không dưới hai lần. Đó là quê hương Mỹ Lộc của anh là vùng đất thuộc châu thổ sông Hồng, anh là nhà thơ sớm viết về châu thổ. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu còn lưu ý tôi về bài thơ phù sa sông Hồng được viết xong ngày 15-3-1995. Theo nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho biết, tiếp theo cái lộ trình thơ của mình, anh vẫn đau đáu về dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của châu thổ sông Hồng, với tất cả những gì mà vùng đất thiêng liêng mới mẻ và cường tráng này, đã sinh sôi, đã trăn trở, đã sáng tạo và khai sinh ra cả một nền văn minh lúa nước.
Dù cảm xúc ở cấp độ nào, hoặc nói gì, tôi vẫn nhận thấy ấn tượng duy nhất của tôi về thơ Nguyễn Linh Khiếu là những sáng tác về vùng đất mới phương Nam, có lẽ ở vùng đất ấy phảng phất bóng dáng của châu thổ sông Hồng trong ký ức của nhà thơ. Việc thi triển cảm xúc trên những vùng đất mới, đã tạo nên dáng vóc thi nhân của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Đó là một vùng thơ mới mẻ và dồi dào sinh lực. Châu thổ sông Hồng như là một cõi thiêng trong tâm thức thơ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, bên dòng sông Chao-Pay-A của nước bạn, nhà thơ vẫn thấy hơi thở toả lên từ dòng sông Hồng nước Việt:
“mỡ màu và nở nang như thể sông Hồng quê ta
phù sa rực hồng muôn vàn thịt da thiếu nữ
cuồn cuộn mải miết đi đâu
có phải những cánh rừng rậm xứ sở nồng nàn vẫy gọi
có phải những làng quê đông đúc hồn nhiên náo nhiệt vẫy gọi
có phải những cách đồng phì nhiêu tưng bừng mùa màng sinh sôi vẫy gọi
(…)
khoả bàn tay đa tình vào nước
rười rượi và nồng ấm da thịt của ai”
(Dòng Chao - Pay - A)
Tất cả những gì là ảo giác đều chất chứa ước vọng. Trong lộ trình thơ của mình, tôi cầu chúc nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tiếp tục cuộc đa tình với vùng châu thổ đầy bí ẩn và đam mê của anh, hướng đến cái “ta muốn” trong cái “ta có”. Vào lúc này đây tôi cũng tự hỏi, cùng với sự thuần khiết của cảm xúc thì điều kỳ diệu của sáng tạo thi ca có lẽ cũng không ra ngoài bốn từ này chăng?./.
Hà Đông, ngày 30 – 10 – 2009