Ông già Hưởng co vóc dáng mà nhiều thanh niên phải thèm thuồng. Người tầm thước, vai gấu, mắt sáng, giọng nói rổn rảng như tiếng chuông đồng. Không ít người mới gặp ông lần đầu đã có ý nghĩ rằng mình đang đứng trước một võ sư có hạng. Kỳ thực, đó chỉ là một nông dân có cái đầu búi tó cổ lỗ sĩ, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu, thỉnh thoảng còn bốc ít thang thuốc nam cho bà con trị bệnh.
Vùng đồi Ông Thức là một vùng đất sóng. Từ trên ngọn đồi cao nhất người ta dễ dàng nhận ra điều đó khi phóng tầm mắt về nhiều phía. Những nóc nhà, nóc giáo đường, viền xanh đậm của vườn cây thấp thoáng phía tây và phía nam. Con sông Đồng Nai vòng một cánh cung từ hướng mặt trời lên hướng bắc trước khi trườn mình theo hướng tây nam. Từng vồng xanh nhiều sắc độ đậm nhạt của rẫy mì, rẫy đậu phộng, ruộng lúa, rừng tràm bông vàng.
Lần đầu tiên đến vùng này theo người bạn công tác ở xí nghiệp sản xuất tinh dầu, đơn vị chủ quản của tổ hợp Thần Nông, Cẩm đã được ông già Hưởng dẫn đi lọt vào vùng xanh của ruộng sả. Những bụi sả Java cao hơn thước, lá to dài xanh mượt, phần hành màu phớt tím, lúc đó đang được cắt lá đợt hai đem ra xe tải chuyển về xí nghiệp. Bước đầu, người ta đã phải làm như thế trong khi kế hoạch lâu dài là sẽ xây dựng lò chưng cất tinh dầu ngay tại chỗ để hạ giá thành sản phẩm.
Cây sả. Cỏ sả. Hương mao. Cymopogon citratus Stapf. Họ lúa Poaceae. Cẩm lẩm nhẩm trong miệng rồi mỉm cười một mình. Anh nhớ đến kỷ niệm học năm thứ ba trường Dược của mình. Khi ấy Cẩm là một trong ba đại diện lớp, được phân công theo dõi, ghi chép và ấn hành “cours” dược liệu. Cái môn học về cây thuốc này Cẩm khá thích vì nó giúp anh có nhiều kiến thức, nhiều khám phá bất ngờ, thú vị. Được học rồi, Cẩm mới thấy cây cỏ chung quanh sinh động hẳn lên. Cây đinh lăng lá nhỏ trồng làm kiểng của ông nội anh té ra lại có thể dùng rễ làm thuốc bổ chữa cơ thể suy nhược, thân và cành chữa tê thấp, đau lưng, lá thì làm rau ghém với nhiều món ăn. Còn những cái tổ rồng bám trên thân mấy cây cổ thụ trong sân trường dược lại chẳng phải là loài thực vật ký sinh trang trí cho những cặp sinh viên ngồi trên ghế đá nhìn ngắm. Người ta gọi nó là bổ cốt toái, thân và rễ được dùng chữa thận hư, chấn thương và đau nhức. Cả tới cây rau má bán trong quán giải khát nhà ông thư ký trường dược cũng có tác dụng nhuận gan, tả lỵ, thậm chí có người còn đang nghiên cứu tác dụng chữa bệnh hủi và bệnh lao của nó! Tuy vậy, thích là một đàng, đàng khác Cẩm lại không sao mê được môn Dược liệu này. Đơn giản vì nó chẳng phải là một môn học “dễ nuốt trôi”. Mấy trăm loại cây thuốc khác nhau mà phải phân biệt hình dáng, cách trồng, cách thu hái, phần tử dược dụng, thành phần hoạt chất, công dụng, kiểm định... của từng loại. Cẩm muốn điên lên dú đã ỏ công làm bảng so sánh từng nhóm cây thuốc theo công dụng. Bởi thế đến cuối năm học, câu thứ ba của môn thi Dược liệu chỉ có vỏn vẹn hai chữ: Cây sả, Cẩm đã không làm được đầy đủ. Anh viết khá ngon trớn phần đầu: “Sả là loại có mùi thơm phát hiện ở nước ta trước thế kỷ thứ V có chép trong Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh...”. Anh đã mô tả cây sả theo sự tưởng tượng về một vật quen mắt, nhưng đến phần tác dụng thì trí tưởng tượng đó mất... tác dụng. Sả để nấu nồi xông giải cảm thì chắc là không sai rồi. Nhưng chẳng lẽ chỉ có thế? Dường như nó còn làm ấm bụng và chữa tiêu chảy nữa thì phải? Bực quá! Không biết nó có thể dùng để tẩy uế hay sát trùng? Chẳng lẽ lại viết: “phần củ sả thường dúng nấu cà ri, nấu hoặc ăn sống với... thịt chó!”. Kỳ thi ấy, môn Dược liệu Cẩm chỉ được tám điểm trên hai mươi. Lại khổ nỗi tổng số điểm các môn, anh thiếu mất một điểm so với điểm đậu tối thiểu. Cẩm toát mồ hôi khi nghĩ đến kỳ thi lại, nếu vẫn không qua được thì anh phải học đúp một năm. Mà cái năm thứ ba ở trường Dược thì... trời ơi! Đó chính là năm học khó nhất mà bất cứ sinh viên nào nếu vượt qua được cũng nắm chắc đến tám mươi phần trăm tấm bằng dược sĩ. Cẩm thầm rủa cái cây sả đáng ghét. Nếu làm trôi chảy phần tác dụng, phải, chỉ cần thêm phần đó thôi chứ chẳng cần đến những phần sau, Cẩm đã có thêm một điểm - một điểm phù du - khỏe cả người! Anh nghĩ cách gỡ “nạn”. Cuối cùng, anh đánh liều tìm gặp vị giáo sư dạy môn Dược liệu trình bày xin thầy vớt cho số anh chị em thiếu một điểm. Để ra vẻ khách quan, Cẩm đã ghi một danh sách không có tên mình và chỉ sau khi thầy độ lượng ý đồng ý, anh mới điền tên mình vào số thứ tự cuối cùng. Cẩm đã thầm rủa mình là không lương thiện. Nhưng, biết làm sao hơn!
Lên năm thứ tư, trong kỳ vận động bầu đại diện lớp, một ứng cử viên đã tố cáo Cẩm là không đủ tư cách vì đã đi xin điểm để được lên lớp. Cái đầu có tiếng là thông minh, nhanh nhạy của anh lập tức nghĩ ra câu trả lời: “Vâng, tôi xin nhận là mình có xin điểm thầy. Nhưng tôi đã xin cho mười mấy anh chị em cùng lớp chứ đâu phải riêng tôi. Nếu phải mất tư cách vì tập thể bạn bè thì tôi xin sẵn sàng!”. Bạn bé vỗ tay hoan nghênh Cẩm với câu trả lời đầy bất ngờ và kết quả là sau đó, rất nhiều người đã dồn phiếu giúp anh đắc cử. Cẩm rất đắc ý với triết lý sống của mình. Ở đời phải biết ứng đối nhanh với câu nói thông minh nhất nâng cao vị trí, vai trò của đám đông lên thì vẫn có thể chuyển bại thành thắng ngay lập tức!
Giữa ruộng sả ngày ấy, ông già Hưởng đã hỏi Cẩm:
- Ông Cẩm hiện đang công tác ở đâu?
Cẩm ném con châu chấu kết bằng lá sả xuống đám lá mới cắt gần đó, trả lời:
- Tôi công tác ở bệnh viện quận V từ hồi đầu năm nay...
- Còn trước đó?
Cẩm cười cười bứt một ngọn sả ngậm dưới lưỡi. Tinh dầu sả the ấm, dễ chịu. Anh đáp nhỏ:
- Khá nhiều đơn vị: Hội chữ thập đỏ, Hội trí thức yêu nước, Phòng y tế quận...
Ông già Hưởng chợt cười ha hả, vỗ vai Cẩm:
- Thật là thú vị! Tôi và ông có điểm giống, lại có điểm rất khác. Ông là thầy thuốc. Ờ, thì dược sĩ cũng là thầy thuốc tây phải không nào? Tôi thì bốc thuốc và trồng cây thuốc cũng có thể gọi là thầy thuốc nam dược. Nhưng tôi thì từ hồi nào tới giờ cứ quanh quẩn ở vùng Ông Thức này, có đi xa lắm cũng chỉ tới thành phố liên hệ giấy tờ nọ kia. Trong khi đó ông coi bộ là một tay khoái bay nhảy. Tướng của ông đúng không phải là tướng công chức ngồi bàn giấy an phận thủ thường. Có thể cuộc đời của tôi và ông sẽ bổ sung cho nhau khá hợp đó ông Cẩm à. Nếu ông không chê tôi quê mùa, không chê tổ hợp của tôi còn nghèo, đãi khách chưa có chi coi là được, thì tôi xin mời ông bất cứ lúc nào rảnh rang cứ ghé lại đây chơi, nếu có hứng thú thì ở lại đôi ba ngày cũng được...
Quan hệ của Cẩm và ông già Hưởng bắt đầu như thế!
Họ trở thành đôi bạn tri kỷ. Có lúc ông già Hưởng đã bắt tay Cẩm, cái nắm tay của ông rất chặt biểu tỏ lòng chân thành và quý mến khách. Ông gọi Cẩm là “ông Cẩm tri kỷ của tôi”. Cái từ “Ông” mà lúc đầu Cẩm nghĩ là khách sáo tiểu tư sản của những nông dân quen đối phó với kẻ quyền thế và giàu có, đến lúc đó mới được anh hiểu chỉ là cách gọi quen miệng của ông già Hưởng đối với mình. Anh vui mừng vì đã chiếm được lòng tin của người bạn già.
Họ đã có những đêm bù khú tâm sự. Cẩm hỏi vì sao ông già Hưởng thích ăn trầu. Ông già liền kể cho anh nghe một loạt truyện cổ tích về trầu cau. Nào truyện nhiều người biết là chuyện anh em nhà Tân, Lang giống hệt nhau đến nỗi có lần vợ người anh đã nhận lầm người em là chồng mình, Tân ghen Lang bỏ đi, chết hóa thành tảng đá vôi. Tân đi tìm em chết bên tảng đá vôi, hóa thành cây cau. Người vợ đi tìm chồng cũng chết hóa thành dây trầu. Nào truyện ít người nghe kể như truyện anh em Xanh, Trắng cùng đi săn bắn, Trắng hóa đá cứu anh hỏi bị hổ vồ, Xanh khóc em hóa thành cây cau. Vợ Xanh đi tìm chồng hóa thành dây trầu.
Ông già Hưởng kể rồi vỗ vai Cẩm theo thói quen của ông già, rồi ông kết luận:
- Ăn trầu là một tập tục hay đẹp của người Việt ta. Nó nhắc nhở mọi người nhớ đến đạo lý làm người phải chân tình, thủy chung với nhau...
Cẩm thấy hứng thú. Anh đòi được nghe nhiều chuyện cổ tích khác. Ông già Hưởng đáp ứng yêu cầu của anh không mấy khó. Ông già là cả một kho tàng cổ tích mà! Ông kể và có phân tích nội dung rút ra nhiều kết luận. Những kết luận của ông có thể chưa thật đúng nhưng Cẩm chẳng lấy làm quan trọng. Những điều ông nói có cái tình, cái lý rất rõ. Như chuyện Tấm Cám, ông cứ thắc mắc hoài: tại sao cô gái nết na trong truyện ở miền Bắc gọi là cô Tấm, còn trong Nam lại gọi “con Cám khổ”? Già Hưởng kết luận: hai cái tên đều có nguồn gốc nông nghiệp. Tấm là hạt gạo bị bể vụn, còn Cám là lớp ngoài của hạt gạo. Rồi ông cho rằng bà con miền Nam trúng: cám là vật phẩm kém giá trị hơn tấm nên là tên của cô gái đáng thương thì hợp lý hơn.
Một lần, ông già Hưởng bỗng đòi nghe về cuộc đời trôi nổi của Cẩm. Ông cứ gọi như thế: “Cuộc đời trôi nổi”. Cẩm đành kể cho ông nghe từ cái thời sinh viên nghèo cực, anh phải nhận đi chia báo hàng ngày trên các chung cư, leo lên leo xuống không biết mấy trăm bậc thang một uổi. Chuyện tình cảm bồng bột của anh với người bạn gái học dưới anh một lớp trong chuyến đi nghỉ mát Nha Trang, đến nỗi chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp mà anh vẫn phải lo gấp cái đám cưới cho kịp trước khi cái bụng của cô bạn lớn lên. Rồi tới chuyện anh lo mua hồ sơ giả để trốn lính. Chuyện anh công tác ở Hội Chữ thập đỏ, đấu tranh với một thủ trưởng ra sao (anh đã sắp xếp lại tình tiết để phần phải thuộc về mình). Cuối cùng là chuyện anh và vợ đang sống ly thân, vợ anh nuôi một đứa con, anh nuôi một đứa.
Già Hưởng khen Cẩm đã có hành động đúng là lo chạy trốn lính. Nhưng ông tỏ ý tiếc về sự rạn nứt tình cảm của vợ chồng anh. Ông gạn hỏi anh về lý do bất đồng giữa hai người. Cẩm giấu, nói quanh co. Anh tự nhận là mình đã phụ lòng tin của già Hưởng. Nhưng, lỗi lầm ấy...
... Đúng là phần lỗi thuộc về Cẩm. Những năm các cơ quan đang rầm rộ làm ba lợi ích, Cẩm đang công tác ở Hội trí thức yêu nước. Dịp tình cờ anh được một người bạn giới thiệu xí nghiệp X nọ có dư một số hóa chất dược trị ho. Anh liền đề nghị cơ quan cấp giấy giới thiệu để mua số hóa dược đó đưa về gia công dập viên ho, đem bán các nơi thu được kha khá. Anh đưa một phần lớn vào quỹ ba lợi ích cơ quan, còn bao nhiêu là của mình. Đợt đó Cẩm sắm được cái ti vi mới. Anh dấn thêm bước thứ hai nhưng xí nghiệp X chỉ còn số lượng nhỏ hóa dược kia. Anh bèn nảy ra ý kiến giảm phân lượng để tăng số viên ho. Tất nhiên anh chẳng dại gì báo cáo số lượng viên thuốc thật sự anh có. Đợt này, Cẩm sắm chiếc Honda mới tinh và còn mua tặng vợ cái nhẫn. Loại viên ho có uy tín với người dùng, các hiệu thuốc hỏi mua thêm. Cẩm cảm thấy bở quá nên đã làm liều. Anh cho sản xuất một loạt thuốc không có một chút hóa dược trị bệnh nào. Cẩm cũng lường trước hậu quả nên chỉ làm một số lượng vừa phải. Nhưng hậu quả vẫn xảy ra. Từ khiếu nại của một cán bộ mua thuốc uống mà không khỏi bệnh, người ta cho kiểm nghiệm viên thuốc, điều tra nơi sản xuất và phát hiện ra việc làm của Cẩm. Anh bị ba năm tù giam. Vợ anh vẫn thăm nuôi chồng rất chu đáo nhưng sau khi anh được về, chị đã đưa đơn xin ly thân. Tòa hòa giải không được nên chấp nhận cho hai người chia tay.
Già Hưởng nói với Cẩm:
- Tôi buồn ông Cẩm đó! Ông còn giấu diếm tôi, nghĩa là chưa thực bụng tin tôi. Nhưng tôi tin là có lúc ông sẽ kể cho tôi nghe. Điều gì giấu mãi trong lòng sẽ làm cho người ta bứt rứt khó chịu lắm...
***
Khu lán trại tổ hợp trồng sả những ngày này coi khang trang, sạch sẽ và vui mắt hẳn lên. Một mùa thu hoạch mới sắp đến trên vùng đồi Ông Thức đang được phủ xanh. Những khóm thọ trồng dọc lối đi về khu lán đầy búp no tròn, lác đác có cây đã nở bông. Thọ đơn, thọ kép, vàng cam, vàng chanh, thọ cờ nhụy vàng cánh đỏ... đủ loại. Hai cây mai rừng ứng từ bên kia sông đem qua trồng được hai năm đã bén rễ, báo hiệu một mùa hoa Tết sắp tới sẽ thật rực rỡ. Trong ngày, bụi bông phấn, bụi dạ lý hương khiêm tốn với những cánh hoa khép chờ đêm xuống. Ớt sừng trâu gồm toàn loại chỉ thiên trồng cả luống lớn trước dãy lán dành cho khách trọ khoe trái đỏ tươi roi rói trên nền cây lá xanh đậm. Cả hai phòng khách nam, nữ đều đông người: Cẩm và mấy người bạn đến ở.
Gần đây, ông già Hưởng ngỏ ý nhờ Cẩm liên hệ mua giùm ít báo chí các loại để tổ hợp phát hành cho bà con trong vùng đọc. Đời sống văn hóa ở đây thực sự còn nghèo lắm. Đâu có bao xa, nếu tính theo đường chim bay thì chỉ hơn chục cây số, về một phía là khu dân cư sát quốc lộ có đường dây điện hạ thế, có đèn đường, đèn nhà sáng rực, còn về phía kia là công trình thủy điện Trị An, thế mà ở đây, vùng Ông Thức này, bà con vẫn phải dùng đèn dầu trong đêm. Cả vùng đồi, ánh đèn vàng vọt lúc đêm về như những ánh sao mờ trong buổi tối vừa ngừng cơn giông lớn. Những lần ở lại đêm thật buồn. Cẩm ngồi uống rượu nhắm với thịt rừng cùng ông già Hưởng, nghe cải lương từ cái máy cát-xét chạy pin hay nghe giọng ầu ơ của chị lối xóm ru con tuy có cái thú của nó, nhưng nói chung vẫn cứ là buồn. Câu ca của ai đó phản ánh cái hậu quả của sự nghèo nàn về đời sống văn hóa:
- Sớm mơi đi chợ Gò Vấp, mua một xấp vải, về con Hai nó giặt, con Ba nó cắt, con Tư nó may, con Năm nó viền cổ, con Sáu nó đơm nút, con Bảy nó làm khuy... Anh bước chơn ra đi, con Tám nó níu, con Chín nó trì... Bớ Mười ơi sao em để vậy còn gì áo anh?
Ông già Hưởng cười khà khà:
- Người ta đẻ như gà vậy đó! Chớ ông nó, đêm hôm không có gì giải trí, làm sao cấm cản bà con tình cảm vợ chồng với nhau... Phải không ông Cẩm?
Cẩm nhận lời mua giùm báo cho ông già Hưởng. Anh lại gợi ý ông chịu cho anh môi giới một nhóm chuyên chiếu Vidéo có cả máy đèn Honda loại nhỏ lên chiếu phim phục vụ bà con. Ông già Hưởng hồ hởi nhận lời ngay:
- Ông Cẩm cứ tin nơi uy tín của tôi với bà con nơi này. Thầy thuốc Hưởng chữa bệnh không ăn tiền, làm phước giúp bao nhiêu người thì chẳng lẽ nói một tiếng bà con lại không ủng hộ sao? Lại nữa bà con rất đói sinh hoạt văn hóa. Ông Cẩm cần biết: có lần Đoàn cải lương tỉnh về diễn đằng xã cách đây cả chục cây số, vậy mà bà con vẫn lội bộ rần rần tới coi. Trời mưa lâm râm, mọi người mặc kệ, cứ đứng đội mưa mà coi tới hết tuồng...
Kết quả hết sức khả quan. Ngay ngày đầu đoàn chiếu phim của Cẩm đã chiếu được hai suất sáng, một suất chiều và hai suất tối. Buổi trưa và chiều, Cẩm phải mượn xe chạy ra phố mua thêm xăng cho máy đèn. Bà con yêu cầu đoàn nên ở lại mấy bữa. Cẩm nhận lời không chút đắn đo.
Khuya hôm đó, mọi người đi ngủ hết rồi mà ông già Hưởng vẫn nhất định rủ cho bằng được Cẩm thức cùng ông để làm hết xị đế. Đêm trăng thật gợi tình. Nhân nói về trăng sao, Cẩn hứng thú kể cho ông già Hưởng nghe mấy câu chuyện thần thoại Hy Lạp mà anh thích. Già Hưởng tỏ ra khoái nghe dù dường như ông đang muốn nói với anh điều gì đó. Cẩm kể hết chuyện thần Dớt cùng nữ thần Hê-Ra sống trên đỉnh núi Ô-lem-pơ ra sao, lại kể chuyện thần A-pô-lông với cây cung bạc vô địch, chuyện Héc-Quyn ra đời trong cơn ghen của Hê-Ra. Vị nữ thần chủ trì việc sinh đẻ này đã cùng nữ thần lừa dối A-tê ngăn sự ra đời sớm của Héc-Quyn để chàng không được làm vua theo lời nguyền của thần Dớt. Khi hay biết sự việc, thần Dớt đã nổi giận túm tóc A-tê ném xuống đất. Từ đó, nữ thần lừa dối sống với loài người...
Hết xị đế, sắp dẹp chén đũa, ông già Hưởng mới lè nhè hỏi:
- Tôi hỏi ông Cẩm điều này, ông Cẩm đừng cho là tôi thất lễ nghen?
Mồi ít, rượu nặng, Cẩm đã thấy chếnh choáng. Anh lắc lư cái đầu như có ngàn cân chì trong đó mà đáp:
- Tri kỷ với nhau có gì phải khách sáo hả ông Hưởng. Ông cứ hỏi đi mà...
- Là về mấy cuốn phim đó thôi. Tôi có coi hai cuốn, thấy kỳ! Một cuốn là phim chưởng, đánh đấm dã man quá. Còn cuốn kia thì toàn là hát hò nhảy nhót loạn xạ...
- Ôi, tưởng gì! - Cẩm muốn thấy tỉnh cả rượu vì anh buộc phải nói sao cho ông già Hưởng tin tưởng - Đó là tại ông ít lên thành phố nên không hay biết. Bây giờ nhà nước ta mở cửa cho dân được thưởng thức các loại đó rồi. Thời buổi văn minh này, ta nên tiếp thu cái mới, cái lạ của thiên hạ thì mới mong bằng chị bằng em được chớ...
- Có thể ông Cẩm nói đúng. Nhưng hồi chiều này tôi lại nghe thằng cháu trai nó kể là nó được coi cuốn phim chiến đấu vừa có bắn súng ác liệt, vừa có tình yêu mùi mẫn lắm. Vậy... vậy là sao hả ông Cẩm?
- Chẳng sao cả! - Cẩm đã tỉnh hẳn rượu - Bởi vì tất cả phim đem chiếu ở đây đều đã được nhà nước kiểm duyệt rồi...
- Ông Cẩm nói thiệt chớ?
- Ông phải tin tôi chớ! - Cẩm nói mà tự thấy hổ thẹn - Bạn tri kỷ với nhau, tôi có thể moi ruột gan ra cho ông coi còn được nữa là...
Chia tay nhau đi ngủ, ông già Hưởng đã siết tay Cẩm rất chặt, rồi ông lại vỗ vai anh:
- Tôi tin ông Cẩm!
Xuất chiếu buổi đầu ngày thứ nhì, Cẩm tính mời ông già Hưởng lên coi một cuốn phim đặc biệt. Cuốn phim đó anh còn để trong hộp, bây giờ quyết định đem chiếu. Đây là một cuốn phim quay về những người hư hỏng ở các trại Phục hồi nhân phẩm. Nhưng không chỉ có vậy, những người quay phim lậu đã quay thêm một số đoạn do họ dàn dựng rồi ráp nối với bản chính có nội dung minh họa quãng đời hư hỏng của các cô gái. Chà, gần ba phút phim đó mới đáng đồng tiền bát gạo...
Già Hưởng đang chỉ dẫn cho công nhân thu hoạch sả giống sẽ giao cho khách tỉnh bạn sáng hôm sau. Ông già từ chối lời mời của Cẩm và hẹn tới tối sẽ coi. Cẩm đành chịu, quay về phía hội trường dành cho bọn anh làm nơi chiếu phim. Anh vui vẻ huýt sáo một bản nhạc nước ngoài.
Về gần tới nơi, Cẩm bỗng đứng khựng lại. Bà con tới coi phim trong hội trường đang túa ra giải tán. Sự cố gì đây? Anh chặn một cậu trai đi ngang chỗ mình đứng để hỏi:
- Có chuyện gì vậy em?
- Có mấy ông ở xã xuống kiểm tra đột xuất rồi không cho chiếu phim nữa. Mấy ổng nói phim đồi trụy nhà nước không cho phép lưu hành. Mấy anh chiếu phim đang bị xét giấy tờ trong đó đó...
Cẩm rịn mồ hôi đầy trán. Anh bối rối chưa biết phải xử trí ra sao. Anh nhớ tới ông già Hưởng. Phải rồi! Cớ sự này thì chỉ có ông ta mới đủ uy tín cứu gỡ cho bọn anh. Có thể bọn anh sẽ phải chi kha khá cho mấy tay trên xã, thậm chí phải chiếu phục vụ riêng họ một phim thật “ác liệt”. Nhưng dẫu sao vẫn phải có tiếng nói của ông già Hưởng...
Ông già Hưởng bương bương tới phía Cẩm. Có lẽ ông đã được báo tin và đang hối hả về để giúp anh. Anh mừng rỡ:
- Kẹt quá ông Hưởng ơi! Có một sự hiểu lầm...
Ông già Hưởng đứng lại trước mặt Cẩm, bất ngờ vung bàn tay phải có những ngón tay dùi đục tát mạnh vào mặt anh. Cẩm nghe lùng bùng lỗ tai. “Thầy thuốc búi tó” trừng mắt nói trong khi hai bàn tay bấu chặt lấy hai vai Cẩm:
- Ông Cẩm! Bây giờ thì ông phải nói thực với tôi. Mình là tri kỷ với nhau mà. Ông đem phim ảnh xấu tới chiếu cho bà con tôi coi để làm chi? Để thu lợi riêng cho ông hay để đầu độc bà con tôi? Hay là vì cả hai? Không! Ông đứng hòng bỏ chạy. Mà ông có chạy thoát khỏi tay tôi thì ông cũng bị anh em du kích xã bắt lại thôi. Họ đã tới đây theo yêu cầu của tôi. Đúng! Tôi đã yêu cầu họ tới. Không! Tôi không phản bội tình bạn của chúng ta đâu. Chúng ta đều là thầy thuốc chữa bệnh cho bà con mà. Đất Ông Thức chúng tôi bị nhiễm chất độc hóa học khiến cây chết trụi bao nhiêu năm qua, giờ đang được hồi sinh. Ông lại muốn đem tới gieo rắc một thứ chất độc mới hả? Ông coi chừng! Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu! Cái chất độc ông muốn gieo rắc đó đã ngấm vô người ông bao lâu nay rồi đó...
Cẩm đứng chết trân. Trước mặt anh bỗng hiện ra thật rõ, không phải là ông già Hưởng - thầy thuốc búi tó - mà chính là thần Dớt trong cơn giận dữ sắp túm tóc nữ thần A-Tê.../.