Tiếng động cơ xe máy nổ toang toác làm vỡ cả màn đêm đã phủ kín mặt hồ . Không gian tĩnh mịch bị xé rách. Đó là tiếng xe máy của “thằng Tây con”đi chơi về muộn. Cả xóm gọi hắn là Tây con bởi hắn còn trẻ. Chắc cũng mới chỉ khoảng ba mươi. Người mình thì coi trọng cái xe. Có thời, cái xe là một vật dụng đáng kể nhất trong nhà vì nó là một tài sản lớn. Thậm chí là lớn nhất, đáng kể nhất. Còn cái thằng “Tây con” này nó có coi cái xe là cái gì. Chắc hết nhiệm kì công tác ở ta thì nó vất cái xe đi. Đó là con “Min”. Con xe này chỉ được người ta dùng ở biên giới, chuyên chở hàng lậu. Vượt đèo, vượt dốc và chạy trốn nhanh, thậm chí nếu bí quá vứt bỏ cũng chẳng đến nỗi tiếc.
Nhà ông nhà văn già ở cạnh nhà nó. Thật ra ở bên cạnh nó thì thoải mái vì yên tĩnh. Cả ngôi nhà ở vị trí đẹp như vậy chỉ có mỗi mình nó thuê. Thường thì nó ở một mình, một cô giúp việc chuyên dọn dẹp nấu cơm. Cô giúp việc làm công theo giờ. Nó chỉ ăn một bữa. Hôm nào nó tụ họp bạn bè đến chơi thì làm thêm giờ, trả lương thêm. Sòng phẳng. Thằng “Tây con” này chắc lương cao nên mới xài sang như vậy. Chứ ông “Tây già” giáo sư, thuê trước đó cũng chỉ ở một mình nhưng chẳng có ai giúp việc. Cũng chẳng hiểu cơm nước thế nào. Ông ta đi cái xe như của người ta vẫn đi. Tiếng xe nó êm, cho nên đi lúc nào không ai biết, về lúc nào chẳng ai hay. Với lại ông ta không ồn ào như thằng “Tây con trẻ ranh” này. Đôi lúc bực mình vì tiếng xe nó cứ làm vỡ toác không gian yên tĩnh, bực mình vì cái tiếng nổ ầm ĩ của con xe, ông nhà văn già thêm vào hai tiếng “trẻ ranh” nữa.
Ông nhà văn già cứ ngẫm, dân mình đến là khổ, khổ đến bao giờ không biết. Nếu cứ như cái ông “Tây già” là giáo sư thì khỏi nói. Bởi nghe cái tiếng “giáo sư”, mà lại là “giáo sư Tây” thì oai rồi. Lương nó cao vời vợi vì cống hiến của nó lớn. Đúng thôi. Những thứ nó nghiên cứu mình mà đụng vào thì cứ là “u tì quốc”. Vậy nó lương cao, cao đến bao nhiêu cũng “mac ke no”. Còn cái thằng “Tây con trẻ ranh” này nó như cứ làm oai mới bực chứ. Nó là kế toán của một bệnh viện nước ngoài. Cái nghề đó thì ở ta ối người làm được, thậm chí còn giỏi hơn ấy chứ. Sổ thật sổ giả, sổ nội bộ, sổ công khai, sổ một sổ hai có mà bố thằng Tây cũng chịu. Vậy mà nó một thân một mình dám thuê cái nhà to đùng những một ngàn đô một tháng, lại còn người giúp việc giặt giũ nấu cơm, lại còn liên hoan ăn chơi mời cả vài chục người mỗi tối. Nhảy đầm, xập xình rức óc. Bực nó thì ít, bực cái cách nó vung vãi tiền của thì nhiều. Nhảy chán xong, nó còn ôm một em suốt đêm. Mà cái việc nó làm nó có dấu diếm gì đâu, kín đáo gì đâu. Làm sao mà chẳng bực.
Ngôi nhà đó ở một vị trí rất đẹp. Mặt tiền của nó phải đến tám mét. Phía trước cổng là hai cây to toả bóng mát hầu như quanh năm. Ngôi nhà nằm ngay mép hồ, những ngày hè nóng bức hơi nước toả lên, bốc hơi xua đi cái nóng và chỉ để lại cái mát do những hạt nước li ti tạo ra. Được ở ngôi nhà như thế có mà sướng cứ như bộ trưởng. Chẳng biết bộ trưởng sống sướng như thế nào, nhưng mà trong đầu ông nhà văn nghèo kiết xác này cũng chẳng có hình ảnh nào so sánh cao siêu và thực tế hơn. Người ta cứ nói là sướng như tiên, nhưng mà làm gì có tiên thật cơ chứ !
Ông nhà văn không có cảm tình với thằng ‘’Tây con trẻ ranh’’ này. Nó bằng tuổi con ông chứ mấy. Vậy mà nó lấc cấc khó chịu lắm. Có lẽ nó cậy nó có nhiều tiền, nếu không thì nó cũng cậy nó từ cái nước văn minh hơn sang ta. Ông thì ông “thèm vào cái nhiều tiền của mày’’. Mày mà làm được như ông, thì ông đã phục! Cái ấm ức của ông nó cứ thế trôi trôi. Ông không thèm nhìn mặt cái thằng Tây con đó và cũng coi như nó không ở bên cạnh ông nữa, nhưng đêm hôm khuya khoắt, tiếng xe của nó nổ phá tan cái màn đêm yên tĩnh của ông thì ông lại ấm ức. Ông lại buột miệng chửi : “Bố cái thằng Tây con đi chơi gái bây giờ mới về…” Ông ấm ức với nó, ấm ức với tất cả các cô gái đến chơi nhà nó, ấm ức với tất cả bạn bè người ta đến chơi. Trong mắt ông, cái thằng “Tây” này không ra gì thì bạn bè của nó cũng vậy thôi. Ông cũng chẳng thèm nhìn mặt tụi bạn của nó nữa.
Ây vậy mà nó sợ ông.
Ngôi nhà của ông khiêm tốn ở bên cạnh nhà nó. Khiêm tốn là nói theo cách nói thời nay, nghĩa là nó bé. Bên cái nhà cho Tây thuê đó thì cái nhà của ông như túp lều mà thôi. Mái nhà của ông lợp ngói phi-bơ-rô xi măng. Cái thứ ngói bây giờ chỉ để lợp chuồng trâu, chuồng lợn, còn sót lại từ cái ngày bao cấp của thế kỉ trước. Cánh cửa còn thảm hại hơn, nó là tấm cót ép cũng còn sót lại của ngày xưa, mạnh chân đạp một cái là cửa thủng ngay. Tuy vậy nó cũng có khoá. Khoá cốt để báo hiệu cho người ngoài biết là ông vắng nhà. Phía trước túp lều là một khoảnh đất rộng cỡ gần trăm mét vuông mà con mắt nghệ sĩ của ông đã khéo léo tạo nên một khu sinh vật cảnh lí tưởng. Đã nhiều lần người chủ thật của ngôi nhà Tây ngỏ lời muốn mua đứt cái túp lều ông ở với giá cao nhưng ông đều lắc đầu từ chối. Cái vị trí đẹp thế này thì mình phải hưởng. Cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, vậy thì tại sao lại không hưởng. Ông cũng không ngờ thời thế biến đổi nhanh thế, chỉ trong vòng có nửa năm, cái túp lều và mảnh đất của ông giá trị tăng lên cỡ vài chục lần, và cũng cỡ gấp non vài chục lần cái giá mà chủ của ngôi nhà Tây trả cho ông. Ông cứ ngẫm mà buồn, con người ta sao mà đối xử với nhau lại quá thể như vậy. Nhà nó giàu ú ụ mà sao vẫn tham. Nó lại định lừa cả mình là một lão nhà văn nghèo kiết xác với “âm mưu”có thêm một khoảnh đất làm đẹp thêm cho ngôi nhà của hắn. Với mảnh đất của ông, chắc lại một thằng Tây khác nhảy vào thuê. Hoá ra cứ chỗ đẹp lại nhường cho bọn nó hết. Còn dân ta lại chui vào một cái ngõ nào đó. Nghĩ vậy ông đâm ra bực mình với chính cả ông và ông tự nhủ “ chúng mày đừng có mà mơ đến mảnh đất của tao!” Nó sợ ông vì cái lí luận đó. Chỗ sướng ông phải được hưởng. Chỗ sướng là của dân xứ ông!
Hình như cái sự nể của tay chủ nhà lây sang thằng “Tây con”. Cũng có thể nhìn mái đầu và nghe tiếng ông là một nhà văn nên nó cũng ngại. Khi có việc gì ồn ĩ là nó đều cho người sang xin phép ông, báo cho ông biết trước và bao giờ cũng giải tán hội chơi rất đúng giờ. Duy có tiếng nổ của cái xe là ông còn khó chịu. Ông nghĩ: “Đành vậy thôi, phải sống chung với môi trường tiếng ồn này vậy. Lỗi đâu phải là của nó, lỗi là do cái ông “Nga xô viết” mà mình hằng yêu quí đấy chứ. Những người tầm tuổi như ông, thì những tấm lòng “quốc tế vô sản” của các chuyên gia Xô-viết vẫn còn nặng lắm. Chẳng cứ gì mấy ông Liên-Xô đâu, cứ mắt xanh, mũi lõ ngày xưa đều được gọi là Liên-Xô hết và đều được quí hết. Cái tình cảm đó bây giờ có vẻ nhạt đi. Ông cứ cay đắng nghĩ tới một ngày nào đó, lớp con cháu ngày nay sẽ quên mất cái sự giúp đỡ đó. Cái sự giúp mà ở thời của ông, người ta gọi là “quốc tế vô sản”.
Vợ chồng chủ ngôi nhà cho Tây thuê là một cặp trẻ, cấp tiến theo một nghĩa chật và đen nào đó. Đại loại là “sống thực dụng” như đa số lớp trẻ hiện nay. Sống ít biết đến hàng xóm láng giềng, ngoài hai gia đình bên cạnh, một ông là nhà văn và một nữa là một cặp vợ chồng già với những đứa con trai cũng rất chi là hiểu “cơ chế thị trường” trong cuộc sống hiện đại, sẵn sàng đối xử với hàng xóm theo cơ chế “thị trường”. Bởi sống chỉ biết có đồng tiền nên cái tình trong cái gia đình trẻ cấp tiến đó cũng không đậm đà gì. Cái tình của cặp vợ chồng cấp tiến này nhạt nheõ lắm, “nhạt nhẽo” đến độ nảy lửa, nộ xung khí huyết, om sòm cả khu bởi những vụ cãi lộn về tình hay vì tiền gì đó mà hàng xóm cũng không rõ. Mỗi lần xảy ra cái chuyện ầm ĩ, ông nhà văn lại cười chua chát và buông một câu nói cổ điển: “Tiền đâu mua được cái sự hạnh phúc và cái sự sung sướng”.
Cặp vợ chồng trẻ chỉ ở trong ngôi nhà mới xây đó được vài ba tháng thì chuyển đi chỗ khác và để ngôi nhà cho Tây thuê. Lẽ đương nhiên cho Tây thuê thì kiếm được nhiều tiền hơn. A vợ bé loắt quắt với một cái nốt ruồi to choán cái mặt gầy và sạm cũng khổ bởi vì yêu cầu của người thuê là “Tây”, tay chồng to cao thì từ buổi chuyển nhà là biến mất tăm. Nghe nói chàng ta đã làm một xuất công tác tại nước ngoài, ít nhất cũng vài ba năm. Mọi công chuyện giao lại cho cô vợ bé loắt choắt. Ông nhà văn nhìn người phụ nữ nhỏ bé tất tả ngược xuôi để đáp ứng điều kiện cho Tây thuê động lòng trắc ẩn: “Rõ khổ!” Rồi lại lẩm bẩm: “Có ông cậu ruột trông coi hộ mà đối xử không ra gì khiến cậu phải bỏ đi thì phải chịu vậy thôi. Dẫu sao cũng nên xem lại cái nết ăn, nết ở với bà con hàng xóm”. Ông buông câu nói giữa trời như vậy. Mấy cậu thợ xây đang nhận cải tạo công trình cho Tây thuê cũng ngao ngán, tiếp lời một cách bí mật: “Thật chẳng có chủ nhà nào như vậy, đến người thân trong gia đình còn bị đối xử như thế thì bọn mình hớp nước cũng không có mà uống là đúng thôi”. Cặp vợ chồng cấp tiến này sống và làm việc theo kiểu Tây. Mọi sự, cô vợ bé loắt choắt bàn với đại diện bên nhận khoán. Cứ vậy mà làm. Xong việc là nghiệm thu. Cũng là một tác phong làm việc. Chỉ phải cái chưa đến lúc áp dụng ở ta, những người thợ trực tiếp làm việc bị đối xử đúng với nghĩa là kẻ đi làm thuê, nhiệt tình không có, tình cảm không có cho nên công trình cứ lay lứt mãi không xong.
Ông Tây đầu tiên thuê là một vị giáo sư. Ông ta chỉ ở một mình trong ngôi nhà ba tầng. Tầng trên đã lợp tôn ốt-nam chống dột nhưng mà vị giáo sư này lại thích một chút cổ điển, một chút dân dã trên cái tầng ba thoáng mát, thỉnh thoảng lên ngồi đón ánh mặt trời và không khí trong lành. Cái cổ điển mà ông giáo sư Tây thích là hai cái quạt trần. Quạt phải mang nhãn hiệu “met-đơ Phơ-răng-xe”chính hiệu từ thời mà các cụ ta còn gọi Tây là đế quốc sài lang ấy cơ. Trên cao lộng gió có cần đến quạt lắm đâu, nhưng phải thoả mãn khách hàng thì nó mới thuê. Vậy là hai ông thợ phải lần mò ra chợ giời tìm cả ngày mới mua được hai cái quạt cũ. Nào đã xong, về nhà lại phải đại tu, trung tu cái hệ thống mô-tơ, vòng bi gì đó ở bên trong nó mới chịu quay. Mà chỉ quay loáng thoáng thôi. Những hôm trời gió, cánh quạt còn quay tít hơn là khi cắm điện. Còn cái dân dã của vị giáo sư thì đúng là dân dã. Dưới mái tôn, ông giáo sư yêu cầu phải được che phủ bằng lá cọ. Như vậy nó mát khi trời nóng, không bị cái hầm hập của lớp tôn toả xuống. Ngài giáo sư Tây quả là vừa là có tiền vừa biết cách ăn chơi. Nói chung mọi sự sau cùng là đều tốt đẹp và hay ho. Khách thuê thì thoả mãn sở thích cá nhân, chủ nhà thì thở phào, ông nhà văn già thì cười thầm và đứng ngoài quan sát cái sự làm thượng đế và làm thuê kiểu thời mở cửa.
Nửa năm sau, ngôi nhà Tây thuê đó bỗng nhiên bị tắc cống. Ông Tây thuê nhà phải sơ tán dài hạn mất cả tháng trời để chủ nhà lật nền nhà lên sửa sang. Chẳng qua là chủ nhà đối xử với thợ xây không khéo. Cái cống thoát nước bị nó đút cho nửa hòn gạch vào. Thời gian trôi đi còn cặn bã đọng lại. Ông nhà văn lại buông câu với vợ chồng ông già có lũ con trai “thương trường”: “Đó là do không biết đối nhân xử thế, quen ỷ vào đồng tiền. Hãy nhớ, dù là người làm thuê hay bất cứ ai, cũng đều phải biết tôn trọng và đối xử với người với tư cách là một con người. Đã là người có văn hoá thì phải biết cách ứng xử có văn hoá, nếu không sẽ bị người đời coi là đồ vô văn hoá và bị xử lại theo kiểu vô văn hoá”.
Sau đận bị người làm công chơi xỏ, ông khách Tây thuê nhà sơ tán dài hạn luôn, ngôi nhà phải đại tu thật sự, lại thấy xuất hiện một ông Tây mới. Ông này chỉ “Tây” về thể hình thôi, nói tiếng ta khá sõi. Ông ta là “người Tây gốc Việt”. Một “ông Tây nội”. Ông ta cũng sống một mình. Sống một mình nhưng rất nhiều bạn bè là Tây xịn. Nghe mấy người làm thuê nói, ông ta còn trẻ lắm, mới gần bốn mươi. So với người A Đông mình thì già thế thôi. Có lẽ bởi ăn cơm Tây, nhiều chất bổ dưỡng từ nhỏ, nên to xác. Ông làm giám đốc một cơ quan nhân đạo thuộc một tổ chức phi chính phủ, chuyên dạy nghề cho các trẻ em lang thang cơ nhỡ. Đôi khi, bọn trẻ tập trung cả chục đứa đến sinh hoạt làm huyên náo cả buổi tối. Ông nhà văn không nhăn mặt vì sự ồn ào ầm ĩ thái quá của bọn trẻ. Nhưng ông nghi ngờ cái tổ chức “Nhân đao” kia: “Đã chắc gì là nhân đạo! Núp danh nghĩa phá hoại ta chăng? Phải cảnh giác!” Ông trao đổi với vợ chồng ông già có lũ con “thương trường” như vậy. Bọn trẻ đó cười: “Không phải đâu bác ơi, người ta “nhân đạo” thật đấy. Bác cứ cảnh giác như vậy thì còn nhiều trẻ con lang thang, cơ nhỡ”. Ông nhà văn im lặng thả sự ngẫm nghĩ vào mênh mông.
Cái nhà cho Tây thuê lại xuất hiện sự cố. Bức tường xây thêm để ngăn cách với hàng xóm có một vết nứt chéo chạy dài từ chân tường lên đến đỉnh. Cô chủ trẻ cấp tiến lại chạy đến chửi đổng: “Lại bọn thợ chết tiệt!”. Dù Tây ngoại hay Tây nội thuê thì vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Người ta vứt cả đống tiền ra thì cũng yêu cầu phải được đáp ứng lại một cách thoả đáng. Vậy là lại phải sơ tán cái ông giám đốc tổ chức “Nhân đạo” này. Khi thanh toán tiền thuê, ông Tây nội này than với ông nhà văn: “Bà chủ này kinh khủng quá, đòi bọn cháu phải trả cả cái bóng điện bị cháy, các vết bẩn trên tường mà các em nhỏ đến chơi vô ý dính lên cũng bị bà ta qui ra tiền và phạt hết. Đáng lí ra, cứ theo cái kiểu phạt đó, em phải phạt lại chị ta vì tình trạng nhà xuống cấp, đến nỗi nguy hiểm cho người thuê nhà, phải không bác? Nhưng thôi, vì mấy ngàn bạc mà mất lòng nhau thì buồn quá…”
Lại một lần đại tu tiếp. Rút kinh nghiệm những lần trước, lần đại tu nhà này, cô chủ trẻ cấp tiến có sang thông báo với hai nhà láng giềng ở hai bên. Ông nhà văn đang đứng ở ngoài vườn nghe tiếng chim hót trên cây khế với những chùm quả nhỏ li ti xen lẫn những đám hoa tím cũng li ti trên cành cây:
- Vậy là lại sửa chữa nhà nữa à. Cái đất đó không hiểu lành hay dữ mà xảy ra lắm vấn đề thế? Đương nhiên là hỏng thì phải sửa, có sửa thì mới cho thuê được chứ, mới có tiền mà làm việc khác chứ, phải không cô? Chỉ tiếc là mảnh đất đẹp, cái nhà cũng đẹp, mà người ta thì không được ở. Với cái vườn và túp lều Bác Tôm của tôi đây, tôi sống thêm được mấy năm nữa đấy cô ạ.
Còn vợ chồng ông già có mấy đứa con trai “thương trường”:
- Thôi thì cứ sửa đi để cho Tây nó ở. Thằng Tây nó quen sướng, nó ăn sướng, ở sướng. Còn ta thì chắt bóp, chắt bóp mãi thôi. Chắt bóp cũng chẳng biết để làm gì nữa. Thế mới biết, đồng tiền nó có sức hút khiếp nhỉ?
Cô chủ trẻ cấp tiến chẳng nói thêm được lời nào với “hai lão già hâm” đó cả, ậm ừ rồi lủi thủi đi về nhà. Bụng bảo dạ: “Thà không gặp còn hơn, gặp rồi chỉ mang cái ức vào thân”. Cô vung chân đá cái lon bia mạnh đến nỗi cái dép của cô cũng văng ra khỏi chân. Cơn bực mình qua đi, lại phải lo sửa cái nhà để còn tích thêm các đồng đô-la vào cái tài khoản càng ngày càng nhiều lên. Thằng Tây con về tiếp quản cái nhà như vậy đó. Nó là người thứ ba thuê trong vòng ba năm. Cũng một thân cô đơn và rất nhiều cô bồ trẻ măng người bản xứ.
Chẳng hiểu cái đất nhà đó ra làm sao mà cứ mỗi lần thay người thuê là một lần phải sửa nhà. Lần nào đất cát trong nhà cũng vất ra hàng đống. Thằng Tây con này mới ở được ba tháng thì bị một trận mưa. Trận mưa cũng to nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt so với các trận mưa khác, vậy mà các phòng của ngôi nhà lênh láng toàn nước. Đương nhiên lại khổ cô phục vụ. Cô ta kể chuyện với ông nhà văn, đã nhiều lần xảy ra cái chuyện nước mưa tràn vào nhà rồi. Lần đầu tiên em tưởng chúng nó uống rượu say, chúng nó đái ra nhà. Thật oan cho tụi nó. Đúng là hôm đó chúng nó có say, nôn thốc nôn tháo và lênh láng nước, nên em không phân biệt được. Những lần sau thì em xác định là do nước mưa hắt vào nhà. Em nói với cô chủ nhiều lần rồi. Cô ta ngại sửa, vừa vì tốn tiền, vừa vì nó mới thuê. Chẳng lẽ lại đuổi nó đi chỗ khác. Mà sửa cái chuyện nước mưa hắt vào nhà là phải thay đổi lại kiến trúc cửa sổ và cửa ra vào. Cũng may mà thằng Tây con thời gian này được về nước nghỉ phép. Cô chủ trẻ cấp tiến gấp rút sửa chữa. Các kiểu “Ơ-rô uyn đâu” từ trời Âu mới được mang vào ta được áp dụng ngay. Tránh được nước mưa hắt vào nhà nhưng có cái điều gì đó nó pha tạp, tân kì nhìn tổng thể ngôi nhà không đẹp như trước nữa. Thằng Tây con cũng nhận ra điều đó. Nó xi xa xí xô với cô chủ trẻ cấp tiến một hồi rồi hai bên chia tay. Sau khi đại tu lần thứ tư thì ngôi nhà đẹp bỏ không. Ông nhà văn già: “Đất của ta thì ta ở, để cho thằng khác ở là nghịch lắm!”
It lâu sau, cô chủ trẻ cấp tiến chuyển giao ngôi nhà cho một chủ khác. Nghe đâu, vợ chồng đã li hôn. Ngôi nhà là một kỉ niệm buồn. Đồng tiền không mang lại hạnh phúc. Ngôi nhà vẫn đóng cửa. Chủ mới của nó đang bận làm ăn nơi trời Tây xa xôi. Vẫn là một ông Tây nội chiếm giữ ngôi nhà. Có điều, ông Tây nội này không cho ai thuê cả. Ngôi nhà trở nên lạnh lẽo. Hai cây cổ thụ tạo nên một vị trí rất đẹp cho ngôi nhà, mỗi lần đến mùa lá rụng, lá rơi đầy sân, làm cho ngôi nhà càng thêm hoang vắng. Vậy mà bên cạnh đó, mảnh vườn nhỏ của ông nhà văn già vẫn cứ đầy tiếng chim./.