Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.783
 
Qúan xe thồ
Khôi Vũ

Đoàn xe thồ lần lượt dừng lại. Hôm nay, tất cả đều chở củi thước đã chẻ nhỏ, mỗi xe tròn trịa một thước. Củi vun lên phía trên hai cây đặt ngang boóc-ba-ga, từ đó xuống tới líp bánh sau cũng có củi xếp gọn gàng cả hai phía. Cầm lái chiếc xe đầu tiên là Hổ trâu điên, mũ tai bèo đội lụp xụp muốn che cả mắt, hai bên má ràn rụa mồ hôi làm cái mặt rỗ của anh ta coi càng thêm dễ sợ.

 

Hổ trâu điên tên thật là Hổ, chỉ là Hổ thôi vì anh ta sinh năm Dần, con cọp, nhưng vì có thời gian Hổ đi lính trong Tiểu đoàn Trâu Điên quân đội chế độ cũ, bạn bè lắp cái biệt danh đó vô. Mà coi tướng anh ta thì cũng đúng: tóc tai luôn bù xù lại thêm hàng ria mép vàng hoe được vuốt cong lên như râu cọp!

 

Điều bất ngờ thứ nhất đối với Bảy Năng là cả đoàn xe thồ đều thồ củi chẻ, coi bộ tụi này coi kiểm soát đột xuất không có gờ-ram nào chắc? Điều bất ngờ thứ hai thì chính là kia: Khi Hổ trâu điên trật cái mũ tai bèo ra cầm trên tay làm quạt phe phẩy quạt cái bộ ngực đã mở hết nút áo lộ đôi vú săn chắc nở nang, thì trên đầu anh ta không còn mái tóc của mọi ngày nữa, thay vào đó là một cái đầu được hớt gọn gàng như một thầy giáo! Đáng tiếc là Hổ vẫn chưa cạo bộ ria mép.

 

Hai... ba... năm... bảy... mười... cả thảy là mười hai chiếc xe thồ củi đã từ dưới chân đồi lần lượt được đẩy lên. Những người lái ăn mặc rất khác nhau. Áo sơ mi trắng ngả màu cháo lòng rách lưng vá vai, áo bộ đội cũ bạc màu, áo kaki xanh công nhân, áo ca rô xỉn màu gạch cua...; quần din cũ, quần kaki đắp dày nơi mông, đầu gối, quần soọc, quần xà lỏn...; mũ tai bèo, nón cối, mũ ni lông, đầu trần... Điểm giống nhau thứ nhì là tất cả đều mồ hôi nhễ nhại trên trán, trên mặt, đẫm lưng và khi đẩy xe tới đầu dốc, dựng chèn đâu đó rồi, họ đều có động tác mở thêm nút áo ngực, ai có nón mũ thì lột ra làm quạt, người đầu trần thì cúi đầu thổi phù phù vô ngực!

 

Tất cả đều vô quán. Hổ trâu điên kêu mười ba ly cà phê đá và một gói thuốc Mai. Cô gái bán quán cười cười hỏi:

- Bộ có một ly không đá, không cà phê, không muỗng hả anh Hổ?

Hổ cười. Hàm răng anh ta đều đặn và trắng muốt khiến nhiều người phải ao ước nó là sở hữu của mình. “Ông trời bù lại cái mặt rỗ của tôi”. Anh ta hay nói thế. Còn lúc này, anh ta chưa đáp lời cô gái ngay mà quay qua đám bạn, kể:

- Hồi cái quán này mới lập tao đã ghé vô uống nước. Giữa chừng thì tao phải kêu cô chủ cho thêm một ly nữa, không đá, không cà phê, không muỗng. Tưởng tao chọc ghẹo, cổ đâu có đem. Tao liền làm mặt nghiêm, kêu lại. Cuối cùng, khi cái ly được đem ra, tao vớt trong ly cà phê đang uống một con muỗi bỏ vô cái ly không đó!

Đám thanh niên cười khoái trá. Hổ cũng cười, ngước nhìn cô gái bán quán:

- Còn nhớ không cô Tám?

Tám cười:

- Hồi đó anh Hổ làm em quê hết sức!

- Nhưng bữa nay thì kêu cà phê thiệt chớ không giỡn đâu.

- Các anh có mười hai người thôi mà.

- Tụi tôi mời chú Bảy một ly không được sao? Ổng đâu rồi?

 

Bảy Năng đang lui hui bên hông nhà nghe hỏi liền đứng dậy. Ông vừa quệt mồ hôi trán vừa quay vô nói với qua cửa sổ:

- Tao đang trồng mấy cây dừa. Đợi chút nghe Hổ.

- Chào chú Bảy. Đất đồi này mà chú trồng dừa hả? Trời! Chú lại lãng mạn nữa rồi!

Khi những điếu thuốc Mai đã cháy gần nửa, có ly cà phê cũng đã cạn phải châm trà, Bảy Năng mới vô quán. Ông bước khập khễnh tới bàn khách. Đám thanh niên nhao nhao lên:

- Chú Bảy ngồi đây nè!

- Con chờ tía nãy giờ đó tía ơi!

- Tía thằng đó có mèo rồi. Tía qua bên con nè!

Bảy Năng khoát tay từ chối tất cả. Ông tự kéo ghế ngồi bên Hổ. Ly cà phê của ông để sẵn nơi đó mà! Hớp một ngụm cà phê, móc túi lấy bịch thuốc ra rê một điếu, le lưỡi thấm giấy quyến, bập bập mồi lửa trên ngọn đèn huê kỳ nhỏ ở góc bàn, Bảy Năng rít một hơi rồi nhả khói coi bộ đã lắm. Ông ngắm nghía Hổ rồi gật gù:

- Được! Được lắm! Vắng mặt mày mấy bữa nay gặp lại thấy có tiến bộ rõ ràng. Có điều cái ria mép của mày coi đểu quá, sao mày hổng thiến luôn đi, hả?

- Cải tạo cái bộ mặt cũng phải từ từ chớ chú Bảy! Thay đổi cái rột thì có khác gì con tắc kè thay đổi màu da, kỳ lắm! Mà bữa nay tụi tôi đãi chú cà phê, chú có biết tại sao không?

- Ờ, tại sao? Tao thắc mắc nãy giờ đây. Bây vắng mặt cả mấy bữa liền rồi bữa nay đột nhiên xuất hiện đông vui thế này. Có chuyện gì vậy?

- Chắc chú Bảy sẽ không ngờ. Chú Bảy còn nhớ cái bữa chú Bảy gợi ý tụi tôi hướng làm ăn mới không? Bữa đó, tôi có nói chú Bảy là người đi trên mây... Hì hì... Vậy mà...

Bảy Năng vỗ đùi đánh đét:

- À... à...Tao nhớ ra rồi... Cha mồ tổ tụi bây chớ...

 

*

 

Công việc của tổ hợp trồng sả cuốn hút Bảy Năng. Mỗi ngày ông đạp xe từ nhà ở tuốt khu trụ sở xã Tiên Phong lên ngọn đồi cao vùng Ông Thức này, đi mất hai tiếng, về mất hai tiếng. Vợ ông rồi con Tám - đứa con gái duy nhất còn sống chung với vợ chồng ông - than vãn và có ý ngăn cản. Chính cái chân cà nhắc cũng lắm khi làm ông bực bội lắm. Nhưng Bảy Năng không kềm lòng được. Lúc đầu là lời mời mọc của ông già Hưởng, cơ sở của ông từ hai chục năm trước, sau đó là công việc lôi cuốn. Ông già Hưởng nói: “Bây giờ đâu còn chiến tranh trên vùng đất này nữa. Nhưng chẳng lẽ bọn già tụi mình lại chịu ngồi không? Đám trẻ có việc của tụi nó, mình cũng kiếm cái gì mà làm. Ở không, tôi cảm thấy mình thừa. Chẳng thà chết quách đi cho xong!”.

Bảy Năng vỗ vai ông già Hưởng khen bạn nói chí lý. Hồi bốn lăm, có ai bắt buộc đâu mà ông vẫn đi theo đoàn người dự mít tinh ở Quảng trường Sông Phố hoan hô cách mạng thành công, đả đảo thực dân phong kiến rầm trời. Có ai bắt buộc đâu mà ông vẫn nhận khẩu mút-cơ-tông chiến đấu cả ngày trời nơi khu chợ Biên Hòa trước khi rút vô Chiến khu Đ. Trận lụt lớn năm Thìn ở địa phương làm nhiều người thối chí lui về làm ăn với gia đình, Bảy Năng vẫn kiên trì cùng các đồng chí. Rồi ông lại bám trụ suốt hai mươi mốt năm trời tại vùng đồi bên này sông, hoạt động sát nách địch. Một lần bị phát hiện, địch bắn rát, ông đã để mặc vết thương nơi chân máu còn chảy ròng ròng mà chạy thoát thân. Dấu tích trận đó là cái chân cà nhắc bây giờ. Bà Bảy ở lại địa phương không theo chồng. Sổ bìa đen của những tên trưởng ấp ghi bà là “Vợ Việt Cộng”. Mỗi lần bà Bảy mang bụng chửa, chúng lại cho bắt lên ấp tra hỏi. Tội nghiệp bà Bảy bị đòn mà có bao giờ chịu khai. Địch hỏi chồng về hồi nào? Bà nói không. Vậy là nó đánh. Nó lại hỏi vậy mày có bầu với thằng nào? Bà lắc đầu. Nó đánh nữa, chửi thề: “Đ.M. Chẳng lẽ mày có bầu với con chó cò?”. Bảy Năng biết chuyện nóng ruột lắm. Sau thằng Tư, con Năm, tới thằng Sáu ra đời vẫn cái trò tra hỏi đó, Bảy Năng liều mạng phóng thư cho thằng trưởng ấp: “Vợ tao còn đẻ tức là tao còn sống, còn có ngày chặt đầu tụi mày trả thù cho bà con. Tụi mày có ngon lành thì cứ rình mà bắt tao. Hà cớ chi phải đánh đập một người đờn bà!”. Có lẽ thằng trưởng ấp tự ái, nó thôi không tra hỏi bà Bảy nữa. Con Bảy, con Tám vẫn ra đời, giống in hệt Bảy Năng. Cấp trên có phê bình ông sao liều gan về địa phương, lại ham đẻ chi nhiều con. Ông nhận khuyết điểm nhưng sau đó lại cười hề hề nói: “Đẻ con nhiều đặng có người tiếp mình chiến đấu chớ!”. Thằng trưởng ấp chỉ được ngó tận mặt Bảy Năng vào một đêm trăng, khi nó đã bị trói tay dưới gốc cây cầy giữa rẫy. Bảy Năng mở khăn bịt mặt nó ra, cùng các đồng chí đọc bản án của Mặt trận cho nó nghe. Nó biết mình không thể thoát chết, chẳng chối cãi tội gì. Rình bắt thanh niên trong ấp đưa đi lính. Ăn hối lộ của gia đình có ruộng rẫy. Làm nhục vợ, con gái cán bộ cách mạng, có trường hợp đã thủ tiêu phi tang. Chỉ điểm cho cảnh sát vây bắt một cán bộ xã của ta. Hống hách. Xa hoa. Nó cố tỏ ra mình là quân tử, hoặc là anh hùng chi đó. Cuối cùng, nó hỏi:

- Tao muốn biết trong số này có đứa nào tên Bảy Năng không? Tao muốn nhìn tận mặt nó.

Bảy Năng bước ra cho nó thấy mặt. Nó rít lên:

- Tao ân hận không ăn gan mày được. Tao chịu thua mày vì tao dở.

Bảy Năng cười gằn:

- Không, mày lầm. Tụi mày không dở đâu. Tụi mày cũng giỏi lắm. Nhưng cách mạng còn giỏi hơn nhiều.

 

*

 

Sau một năm đầu tiên với những thành công khiêm tốn bước đầu của tổ hợp trồng sả, Bảy Năng phấn chấn quyết định lên ở chung với ông già Hưởng tới cuối tuần mới về nhà. Cô Tám theo cha lên chơi, thích quá, về rủ rỉ với bà Bảy, rồi hai mẹ con nhất trí lên đây luôn. vậy là họ bán nhà cũ, dời đi. Cái quán ra đời sau khi Bảy Năng đã tạm ổn nơi ăn chốn ở.

 

Hổ trâu điên có một dĩ vãng khác hẳn. Anh ta vốn dân thành phố, thi rớt tú tài đúng những năm địch tăng cường đôn quân bắt lính. Hổ phải đi trung sĩ Đồng Đế vì có bằng trung học. Ra trường được một năm, Hổ can tội giết chết một thằng chỉ huy vì tên này lường gạt vợ một thuộc hạ chết trận tới có bầu rồi bỏ. Anh ta bỏ trốn, ít lâu sau đăng lính trong tiểu đoàn Trâu Điên. Vô những sắc lính dữ, đó là cách trốn lánh pháp luật hữu hiệu nhất thời bấy giờ!

 

Uống nước trong quán cô Tám, Hổ thừa biết Bảy Năng là cán bộ cách mạng hưu trí. Nhưng anh ta chẳng sợ gì cứ bô bô kể những thành tích cũ của mình. Anh ta kết luận:

- Tôi chẳng cần biết Việt cộng là gì. Nghe rục rịch sắp hành quân thì tôi khai bệnh. Còn lỡ phải ra trận thì đành cầm súng bắn. Chẳng cần hiểu mình đang bắn ai? Trước hết là để cứu mình khỏi chết cái đã. Còn chính phủ quốc gia hả? Cũng mặc xác họ. Thằng cha nào cầm quyền thì mình cũng là con chốt thí cả thôi.

 

Bảy Năng không giận Hổ trâu điên nói năng bạt mạng. Những người ruột để ngoài da như thế thường là người chân thành, dễ đối phó. Ông tâm lý, không nhắc tới chuyện cũ sợ đụng tới mặc cảm của Hổ. Nhưng Hổ lại ưa nhắc chuyện ngày xưa:

- Trời! Hồi trước tụi nó nói Cộng sản réc-lô lắm, cái gì cũng răng rắc, răng rắc mà làm. Tôi lại thấy nhà nước mình có nhiều mặt hiền khô! Cỡ trộm cắp đó hả? Hồi xưa là tù rục xương chớ đâu có giáo dục rồi cho về như bây giờ. Tôi mà được quyền nói, tôi sẽ đề nghị nhà nước đừng có để như vậy, tụi tội phạm nó lừng, được đàng chân nó lân đàng đầu cho coi...

- Chà! Ngày xưa ở thành thị người ta xài bếp điện, bếp ga, bếp dầu hôi chớ ít người đun than, đun củi lắm...

- Tôi nói thiệt, sau giải phóng tôi mới tập đi xe đạp. Chớ ngày xưa tôi chạy Honda rồi đổi chiếc Spring. Chiếc vespa của tôi hồi đó đời EJ, đời chót mới cáu cạnh, lâu lâu về nhà đổ xăng chạy lả lướt với em út thiệt đã. Tức thiệt, mới giải phóng, nghe đồn Cộng sản sẽ tịch thu, đánh thuế đồ đạc, xe cộ, tôi hoảng hồn đem bán có mấy trăm bạc. Phải chi còn để lại tới giờ thì trong tay đã có số vốn hai, ba cây vàng rồi!

 

Bảy Năng thích mình trở thành người chinh phục, đó cũng là một kiểu “thắng trận”. Hổ trâu điên không phải là người xấu, nếu hướng anh ta đi trúng đường thì hay lắm. Ông ưa vẽ ra những viễn cảnh để động viên Hổ:

- Rồi mày sẽ thấy Hổ ơi! Hai ba năm nữa chớ chẳng lâu lắc gì đâu, nhà máy thủy điện Trị An chạy rồi, điện tiêu dùng lại tới hồi thới lai thôi.

Hổ cười khặc khặc:

- Chắc là hồi đó sẽ có lệnh của sở điện lực cho mọi nhà phải xài điện. Đèn điện phải mắc tối đa, máy thu thanh điện phải mở hết cỡ, máy thu hình công cộng thu sóng suốt đêm, nhà nào cũng phải trang bị tủ lạnh, còn bếp thì phải trăm phần trăm là bếp điện. Ờ, mà không chừng ai không xài bếp điện sẽ còn bị phạt tiền nữa chớ, phải không chú Bảy?

Bảy Năng biết Hổ nói móc họng. Ông trợn mắt, bàn tay phải đưa lên ngón trỏ cong run vì giận:

- Mày đừng có ăn nói cái giọng đó. Chớ bộ mày không muốn có điện nhiều để xài, mày muốn bà con cực khổ hoài sao?

Hổ lúng túng trước câu hỏi bất ngờ đó:

- Ờ... tôi... tôi nói chơi vậy thôi mà... Chú Bảy đừng có gài tôi vô cái tội phản động... Tội nghiệp tôi...

Và bẵng một dịp, Hổ không nói chuyện thời sự với Bảy Năng nữa. Anh ta ngán là mình sẽ bị vạ miệng. Bệnh từ ngoài miệng vô, họa từ trong miệng ra mà! Bảy Năng lại trợn mắt:

- Bộ mày nghĩ tao sẽ báo công an tới bắt mày vì cái tội nói bậy hả? Tao thề là tao không thèm làm chuyện đó. Mà nếu như tao có báo, chắc cũng chẳng ai thèm bắt mày. Những người đi theo cách mạng bao nhiêu năm như tao đây mà nói năng bậy bạ thì sẽ mắc tội lớn, đáng đưa ra xử. Chớ mày hả? Mày chưa hiểu, chưa thông thì nói trật lại là chuyện khác. Miễn sao hổng phải mày lợi dụng về cái lý đó mà nói bậy!

 

Dân xe thồ hầu như ngày nào cũng có người qua lại vùng đồi Ông Thức này. Con số xe thồ, Bảy Năng không sao tính xiết, dù rằng cái quán của ông đặt ngay đỉnh đồi, rất thuận tiện cho dân xe thồ dừng chân uống nước. Từ bên này sông, nơi đang xây dựng công trình thủy điện, người ta hạ cây rừng dọn lòng hồ. Trên những chiếc xe thồ khi thì củi tám tấc chưa chẻ, khi là củi bốn tấc, ít khi thấy củi cành. Thỉnh thoảng mới có người thồ nông sản. Đường không phải dễ đi. Sau một quãng lộ lớn có trải nhựa, xe thồ phải băng qua đoạn đường dài, ba lần leo dốc mới tới lộ lớn ở phía nam, nơi có những chiếc xe tải chờ sẵn để mua lại củi. Mùa mưa, nước mưa rồi xe cộ qua lại, phần lớn là xe bò làm con đường đất lở lói. Thỉnh thoảng có chiếc ô tô con có việc cần chạy qua, tới chỗ đất lượn sóng, người ngồi trên xe phải xuống đi bộ cho xe nhẹ mới có thể vượt qua. Không ít xe đã bị sa lầy, một số xắc-xi chạm lườn đất thấy tội. Đường đi gian nan là vậy nhưng không thể đi đường khác. Củi của dân xe thồ chở đều là củi mua lại không hợp pháp, chẳng may gặp “kiểm soát” là bị tịch thu hết. Gần đây, có nhiều chuyến kiểm soát đột xuất đã được thực hiện trên con đường đất này, số củi bị tuôn không phải ít. Lại có một chiếc cam-nhông cũ của một đơn vị thương nghiệp qua lại chở củi bốn tấc chẻ sẵn. Hổ trâu điên than thở:

- Chết cha tụi tôi rồi chú Bảy ơi! Nhà nước quy hoạch vùng khai thác gỗ củi cho các đơn vị. Họ lại tự lo liệu phương tiện vận tải, tụi tôi thu mua khó quá. Chuyển qua thồ nông sản thì lại càng dễ chết nữa. Cái món đó vốn liếng nặng thấy mồ tổ, bị tuôn một chuyến là có chầu uống nước lã luôn. Tuôn hai lần thì chỉ còn cách nhảy xuống sông Đồng Nai mà tự tử!

 

Bảy Năng lợi dụng cơ hội này mà kể cho Hổ nghe chuyện xe thồ trong kháng chiến. Ông tả tỉ mỉ xe thồ trong kháng chiến khác với xe thồ hàng bây giờ ra sao, mục đích thì lại càng khác nhau hơn. Ngày xưa, xe thồ dùng vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường, góp phần vô chiến thắng của cả nước. Còn bây giờ, trăm chiếc xe thồ thì chở hàng lậu đủ một trăm! Thiệt là tủi nhục cho những chiếc xe. Ông kết luận bằng một gợi ý:

- Tại sao tụi bây không biến những chiếc xe thồ thành những chiếc xe phục vụ mục đích cao đẹp. Bây thử liên hệ với một đơn vị nào đó, nhận hợp đồng chở củi cho người ta, vậy là bây khỏi lo bị tuôn, lại trở thành người hợp tác với nhà nước...

Hổ cười vang:

- Chú Bảy nói nghe dễ mê quá! Nhưng chú Bảy quên mất điều này rồi. Chú biết tụi tôi là những ai không? Thằng trước là lính ngụy. Thằng là dân chợ trời lỡ vận. Thằng vượt biên thất bại thồ củi kiếm sống qua ngày. Làm ăn với nhà nước làm sao được hả chú? Chú lại lãng mạn mất rồi!

 

Thực ra Bảy Năng cũng chưa hình dung nổi những thủ tục cụ thể sẽ rắc rối tới đâu. Ông nói hoàn toàn theo suy nghĩ riêng mình, dựa trên nguyên tắc làm ăn chung của nhà nước mà ông biết được. Ông giả lả:

- Thì... thì bởi vậy tao mới nói với bây là... là... bây thử liên hệ coi sao?

 

*

 

Hổ trâu điên lấy trong túi ra một tờ giấy được bao plát-tích đàng hoàng:

- Chú Bảy biết cái gì đây không?

Rồi không cho Bảy Năng coi, cũng không để ông kịp nói, anh ta đã tiếp luôn:

- Đây là bản hợp đồng. Tôi đọc cho chú Bảy nghe. Một bên là Cửa hàng chất đốt X trực thuộc Công ty điện máy, một bên là ông Lê Văn Hổ, đại diện tổ hợp xe thồ, đồng ý ký hợp đồng vận chuyển củi chẻ với các điều khoản sau...

 

Bảy Năng cứ trố mắt nhìn Hổ. Anh ta đọc hết tờ hợp đồng, đọc luôn cả ngày ký, tên của người cửa hàng trưởng và bình luận về chữ ký cố ý ngoặc lên của chị ta, rồi anh ta xoa xoa mái tóc hớt ngắn:

- Bả làm tôi quê quá. Bả ra điều kiện tôi phải đi hớt cái đầu tóc coi sao được mới chịu ký hợp đồng. Bả lên lớp tôi: “Muốn làm ăn với nhà nước thì phải đàng hoàng”. Trời! Chớ bộ trước giờ tôi hổng đàng hoàng sao? Có khi nào tôi uống nước quỵt đâu, phải không cô Tám?

Tám chỉ cười mà không đáp lại. Bảy Năng hỏi:

- Bữa này tụi bây mới đi chuyến củi đầu phải không?

- Thì chú thấy đó, chiếc cam-nhông đâu còn chạy nữa. Nó đậu ở lộ lớn chờ tụi tôi...

Bảy Năng đắc ý cười tủm tỉm:

- Vậy giờ này bây còn kiêu ngạo tao là lãng mạn nữa không?

Hổ đáp:

- Cũng vẫn còn!

- Tại sao?

- Còn tại sao nữa! Chú trồng dừa trên đất đồi. Nghĩ thiệt mắc cười!

Bảy Năng cười thành tiếng, rồi ông đứng dậy nắm tay Hổ kéo ra miếng đất bên nhà, chỉ cho anh ta thấy cái giếng:

- Đó, tám thước có nước, hai thước sâu đã ẩm rồi. Vậy trồng dừa được không?

Hổ gãi gãi tai:

- Ờ... thì... mà cái giếng chú đào hồi nào vậy?

- Mới ba bữa nay thôi. Ai cũng nói là đào giếng không có nước đâu rồi cản tao. Nhưng tao cứ đào. Trời đất! Muốn ăn thì phải lăn vô bếp chớ!

 

Hổ trở nên ít nói từ lúc trở vô bàn nước. Tám đã châm thêm hai bình trà nữa. Dân xe thồ uống nước như voi, thấy mà ghê. Khi có một toán xe thồ khác tiến vô quán, Hổ kêu anh em của mình đứng lên chuẩn bị đi. Anh ta ra trả tiền trong những tiếng “tía, con” rộn rã của các bạn. Bảy Năng thấy Hổ cười cười hỏi con gái mình gì đó rồi Tám trả lời. Chắc cái thằng này lại trổ mòi dê rồi chớ chẳng sai. Cũng tội! Băm mấy tuổi rồi mà vẫn còn lận đận chuyện vợ con chỉ vì cái mặt rỗ!

 

Những cái chống xe bật lên, cây chống củi cũng được gỡ ra. Mười hai chiếc xe thồ bắt đầu lăn bánh xuống dốc. Bảy Năng ra tận ngõ đứng ngó. Ông dự tính lát nữa sẽ quay vô nói cho toán xe thồ mới tới biết chuyện làm ăn của nhóm Hổ trâu điên để động viên họ làm theo, may ra có ích chi chăng. Nắng chưa cao lắm, chỉ cỡ mười một giờ trưa là cùng. Ông ngạc nhiên thấy xe của Hổ dừng lại. Cái mặt rỗ quay về phía ông, hàm răng đều đặn ẩn sau nụ cười. Anh ta đang có điều gì đắc chí lắm thì phải.

- Chú Bảy à, hồi nãy tôi mới chỉ tạm thua chú thôi. Còn bây giờ tôi nghĩ ra rồi. Chú Bảy vẫn còn là người lãng mạn, lãng mạn số dách nữa kia! Chú dạy tôi nhiều điều hay điều đúng, tôi phải bái phục chú làm sư phụ. Nhưng chú lại chưa biết mình còn làm trật một điều. Cha... cha... Chỉ nội chừng đó đã đủ cho tôi thấy là chú quá lãng mạn rồi... hà hà...

- Sao? Cái gì? Mày nói đại tao nghe đi!

- Chú cứ vô hỏi cô Tám thì biết!

Hổ cười lớn rồi tiếp tục đẩy xe đi. Cái thằng đáng ghét chưa. Ăn nói gì cứ lấp la lấp lửng. Bảy Năng lẩm nhẩm và vội vô hỏi con gái:

- Thằng Hổ nó hỏi mày cái gì vậy?

- Dạ, ảnh hỏi con chớ quán mình có đăng ký, có đóng thuế đóng má gì không chớ tổ hợp của ảnh cũng phải đóng thuế lợi tức đó. Con nói thiệt với ảnh là mình đâu có khai báo gì, mình thuộc diện gia đình cách mạng hưu trí mà...

 

Bảy Năng đã hiểu. Thằng Hổ coi vậy mà tinh. Nó nói mình trật là trật chỗ này đây. Cán bộ hưu thì cũng là một công dân, tránh né nghĩa vụ thì đúng là đi trên mây rồi còn gì. Không! Hổ trâu điên à. Bảy Năng này không lãng mạn đâu. Tao nghĩ sai thì bây giờ tao sửa, có chết chóc gì. Đã vậy ngay chiều nay tao sẽ xuống xã đăng ký để ngày mai cho mày coi giấy tờ liền một khi!

 

Bảy Năng nói ý định đó với Tám. Cô gái cười:

- Ba... thiệt là...! Muốn đăng ký thì thủng thỉnh mai mốt con đi đăng ký, làm gì mà ba gấp vậy? Thiệt... mấy ảnh nói ba lãng mạn hổng có sai mà!

Bảy Năng chưng hửng. Bọn trẻ bây giờ dùng từ thiệt khó hiểu chớ! Làm trật chúng cho ông là lãng mạn, mà làm trúng chúng cũng kêu là lãng mạn tuốt. Cái điệu này nếu ông nói với Tám: “Tao coi bộ thằng Hổ có cảm tình với mày lắm. Nó xấu mặt nhưng tốt bụng, được đó con”. Thì chắc Tám sẽ la trời mà cho là ông lãng mạn thấu mây xanh chớ chẳng chơi!./.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2208
Ngày đăng: 12.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóc lại màn đêm - Dương Phượng Toại
Ngôi nhà xây cho Tây ở - Vinh Anh
Những mô đất trong vườn - Trương Văn Dân
Chờ bão - Mang Viên Long
Kịp không - Giản Tư Hải
Lão Dậu tò he - Nguyễn Chính
Thầy thuốc búi tó - Khôi Vũ
Dòng sông chảy quanh - Lê Trâm
Giải thoát - Triệu Thế Việt
Cuộc cờ lều Ngộ Vân - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)