Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.040
 
Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Làng
Đỗ Ngọc Thạch

1.Ngày…tháng…năm 19…: Mình tốt nghiệp thì nhận được tin cô em út cũng trúng tuyển vào Đại học Sư phạm. Mình phải về nhà ăn mừng ngay. Thế là nhà có hai chị em cùng nghề Sư phạm, thật là vui. Nhưng buồn nhiều hơn vui vì người anh trai của hai cô em gái yếu ớt từ ngày vào chiến trường đến nay đã năm năm rồi mà không có thư từ gì, mấy người cùng nhập ngũ một đợt với anh đã hy sinh mất sáu người, giấy báo tử gửi về làng, cả làng khóc. Riêng mẹ mình lại khóc rất nhiều. Mẹ bảo: “Cái thằng Nâu hiền như đất, làm việc khỏe như trâu ấy là người tốt nhất, ngoan nhất trong đám thanh niên làng này thế mà lại chết đầu tiên. Cả năm thằng kia nữa, thằng nào cũng là lực điền, là lao động chính của gia đình, thế mới khổ chứ! Ông Trời thật không công bằng! Người tốt sao mà chết nhiều thế, còn người xấu thì cứ sống nhan nhản, suốt ngày nghênh ngang ngoài đường. Như mấy đứa con ông chủ tịch xã, công an xã đó, không chịu lao động, suốt ngày chỉ rượu chè, cờ bạc rồi gây gổ đánh nhau ầm ĩ xóm làng. Thấy chúng nó con phải tránh xa nghe không! Cái thằng Chánh con ông Chủ tịch xã, còn đòi xin cưới con đó! Mẹ nó đã hai lần đến nhà mình xin cưới con và chưa chịu yên đâu!” Mình nói với mẹ: “Mặc xác nó, từ giờ còn đến thì đóng cửa không tiếp, chẳng lẽ mẹ con nó không biết xấu hổ!” Mẹ thở dài, nói nhỏ: “Nếu mẹ con nó biết xấu hổ thì đã không dám mò đến…Mẹ chỉ sợ…”

 

Điều mẹ tôi sợ đã thành sự thật, may mà cô em gái của mình rất thông minh, nhanh nhẹn, không thì đã bị chúng nó đón đường ở chỗ vắng làm nhục rồi! Cô em út vốn hiền lành thế mà đã thay đổi hẳn, nó nói: “Bây giờ loạn lắm chị ạ! Quân tử phòng thân, chị phải học lấy vài miếng võ tự vệ, kẻo gặp chuyện lại lúng túng! Em mới học  được bài Hầu quyền lợi hại lắm, không thì đã tiêu đời rồi!”

 

2. Ngày…tháng…năm 19…: Mình được điều về trường cấp 3 trên thị xã, nhưng phải xin về xã dạy  cấp Một để còn chăm sóc mẹ. Từ ngày bố mình mất, rồi anh trai đi chiến trường bặt tin, sức khỏe mẹ giảm sút rất nhanh!  Nay cô em út đi học xa, nhà chỉ có hai mẹ con, thật là buồn. Chỉ ở vào hoàn cảnh này, mình mới thấy cái ước mơ “con đàn cháu đống” từ bao đời của người Việt thật có lý! Có lẽ mẹ nói đúng, phải lấy chồng, đẻ con cho mẹ có cháu bế, vui cửa vui nhà sẽ bớt sầu não và biết đâu sức khỏe mẹ lại hồi phục!

 

Nhưng chuyện lấy chồng không hề đơn giản. Khi còn học ở trường Sư Phạm, mình không bao giờ nghĩ tới hai chữ lấy chồng, yêu đương cũng không hề dây vào vì mất thì giờ và lắm chuyện lôi thôi! Khẩu hiệu lúc ở trường là: Tất cả cho học tập! Có thế mình mới giành được cái danh hiệu Trạng nguyên chứ! Một kỷ niệm vui!...

 

3.Ngày…tháng…năm 19…: Mình cứ nghĩ dạy cấp Một sẽ dễ dàng hơn rất nhiều dạy cấp Ba, nhưng có lẽ không phải như vậy, mà là ngược lại. Dạy cấp Một như làm nền móng cho ngôi nhà, nền móng có vững chắc thì sau này mới có thể lên các tầng cấp Hai, cấp Ba, rồi Đại học! Thế mà trước đây, việc đào tạo giáo viên cấp Một, cấp Hai lại tuyển toàn những người thi trượt tốt nghiệp Trung học, trượt Đại học! Giáo viên của Trường Làng này quả là giống như cái hình ảnh mà lâu nay người ta vẫn thấy: Là những người Nông dân chính hiệu nhưng không cầm cày, cầm cuốc mà cầm bút, cầm phấn trắng mà thôi! Mà thực ra, trên danh nghĩa thì họ cầm bút nhưng họ vẫn cầm cày, cầm cuốc giỏi hơn cầm bút! Thời gian mà họ đầu tư vào không phải là đọc sách, nâng cao trình độ, nghiệp vụ dạy học mà trồng rau màu, nuôi lợn, nuôi gà…sắp tới còn hùn vốn nuôi một  đàn bò nữa! Việc lên lớp, hình như đối với nhiều người không phải là việc chính, mà chỉ là làm qua loa, nhanh chóng cho xong, bởi đàn lợn, đàn gà và cả đàn con đang đợi họ về giải quyết, mới là việc chính!...Thấy mình không triển khai “việc nhà nông” mà chỉ ngồi đọc sách, soạn giáo án, mấy chị Hiệu Trưởng, Hiệu phó đều nói: “Em mà không lo gầy dựng cái “trang trại” nhỏ cho mình thì có ngày chết đói đấy! Học sinh ở đây nó hiểu rất giỏi cái câu “Có thực mới vực được đạo”, chúng nó cũng phải lo kiếm cái ăn phụ giúp gia đình rồi mới tính đến chuyện học tập! Chúng ta là cô giáo của chúng nó, chẳng lẽ lại không hiểu sâu sắc hơn chúng nó điều đó! Vì thế, học sinh nó không thuộc bài, chưa làm bài tập, hay phải nghỉ học một vài buổi thì đừng có trách phạt nó. Bởi chúng nó phải đi mò cua, bắt ốc, tát cá, mót khoai, mót lúa!...Mà tôi nhớ không nhầm thì chỉ hơn mười năm trước, cô cũng có mặt trong những đội quân kiếm sống tí hon đó?!”. Cô Hiệu trưởng nói rất đúng, nhưng chẳng lẽ ta cứ sống như mười, hai mươi năm trước? Mình đem những suy nghĩ nói với mẹ, mẹ cười bảo: “Con sống xa quê có bốn năm mà đã thay đổi nhiều, vừa tốt, vừa không tốt. Tốt là đúng như quy luật của sự phát triển. Không tốt là con quên mất rằng sự thay đổi, phát triển ở nông thôn không giống như ở đô thị: đô thị phát triển theo đường thẳng, còn nông thôn phát triển theo hình xoáy trôn ốc!...Còn nữa, có nhiều cái, rất tiến bộ, rất khoa học nhưng đưa vào Nông thôn của chúng ta nó không “tiêu hóa” được!...”

 

Mẹ nhìn mình âu yếm, mình cảm nhận được tình cảm mẹ giành cho mình thật vô hạn!...Mẹ bỗng thở dài rồi nhẹ nhàng nói: “Con rất giống bố con lúc trẻ: suy nghĩ nhiều quá, vấn đề gì cũng muốn nghĩ tới cùng, mà không biết rằng, có rất nhiều chuyện càng nghĩ nhiều càng rối! Con nên nhớ rằng chính vì bố con mắc chứng bệnh “cả nghĩ” mà thành ra Tâm thần, rồi phải bỏ Viện Nghiên cứu mà về quê! Nhờ gặp mẹ, một cô giáo Trường Làng giản dị mà sống thêm được chục năm nữa! Nhưng cái bệnh của bố con lại “lây” sang mẹ và “di truyền” lại cho con!... Chỉ đến khi bố con mất đi, mẹ phải lo nuôi ba anh chị em con ăn học thì mẹ mất hẳn cái bệnh “nghĩ ngợi lung tung” ấy! Con người ta phải hành động nhiều hơn suy nghĩ! Đó là điều suy nghĩ cuối cùng của mẹ cho nên sẽ rất đúng! Bây giờ con phải lo lấy chồng đi! Lấy chồng, đẻ con rồi thì con sẽ thấy con người ta phải hành động như đèn kéo quân!”…

 

Mẹ lại nhắc đến chuyện lấy chồng, nhưng mình thấy quả là không hề đơn giản, bao giờ cũng là như vậy! Hay là làm theo lời mẹ, phải hành động nhiều hơn suy nghĩ! Vậy thì mình sẽ đi ra ngoài đường, người nào mình nhìn thấy đầu tiên, mà nói rằng thích cưới mình làm vợ thì sẽ đồng ý liền! Mình liền bước ra cổng, nhìn cả hai phía, con đường làng rợp bóng mát của đủ các loại cây, hoa được người ta trồng làm thành hàng rào, thật là yên tĩnh! Đúng là phong cảnh làng quê thanh bình! Mình bỗng nghe thấy tiếng gõ máy chữ lách tách đều đều từ bên nhà hàng xóm. Nhìn sang thấy anh Liêu, vừa là bạn học, vừa là bạn lính với anh trai mình, bị thương phải cưa một chân, mới về nhà được nửa năm, chính anh Liêu đang gõ máy chữ! Nhớ đến ý nghĩ khi bước ra khỏi cổng, mình thấy bối rối: chẳng lẽ là cái anh Liêu này? Nhưng anh ta đang gõ máy chữ ở trong hè nhà anh chứ có đang đi ngoài đường đâu? Đúng lúc đó thì anh Liêu ngừng gõ máy chữ, ngoái đầu nhìn sang thấy mình thì liền đứng dậy, cầm lấy cái nạng rồi đi ra cổng, tính muốn gặp mình chắc? Quả nhiên anh Liêu đi rất nhanh ra cổng nhà anh thì quay ngay sang cổng nhà mình, nói: “Chào cô giáo Hiền! Đang muốn tìm cô thì thấy ngay! Anh có cái truyện ngắn mới viết xong, “Bạn trường làng” – viết về tình bạn giữa anh và anh trai Hiền. Nhờ Hiền đọc rồi chấm điểm nhé!”. Mình nói: “Em không dám chấm điểm đâu. Nếu có thì chỉ nhận xét chút xíu thôi” và thoáng nghĩ: Chẳng lẽ đây là người mình gặp đầu tiên? Nhưng phải xem anh ta có thích cưới mình không đã? Mình liền hỏi: “Anh đang nghĩ gì đấy?” Anh Liêu nói: “À, anh đang viết truyện ngắn “Kén rể” – có một cô gái đến tuổi lấy chồng nhưng không biết lấy ai? Ai mới là người xứng đôi với cô gái ấy?”. Trời ơi, sao lại có sự trùng hợp như thế? Anh Liêu thấy điệu bộ lúng túng của mình thì liền chào và đi nhanh về nhà!...

 

4.Ngày…tháng…năm 19…: Khi người ta giành nhiều tâm huyết cho một công việc nào đó mà kết quả lại không được như mong muốn thì thật là buồn. Mình chuẩn bị bài giảng rất kỹ, nhưng khi đến lớp thì mình như hóa thành Con Dã Tràng: Lớp học lúc nào cũng vắng non nửa, số còn lại thì đứa ngủ, đứa đang ăn khoai, ăn sắn, đứa thì đang sửa, buộc lại cái giỏ cua để tan học là đi móc cua ngoài ruộng về làm bữa ăn cho cả nhà, v.v.. Chỉ có một, hai đứa là há mồm ngồi nghe cô giáo nói, mà hình như nó không hiểu cô giáo nói gì! Phải chấn chỉnh lại nền nếp học tập! Không biết mình có làm được việc này không, hay là nói qua loa vài câu rồi cho bọn trẻ về sớm như các thầy cô giáo khác? Mình vừa nghĩ đến mấy chữ “cho về sớm”  thì một bé gái đứng lên nói: “Thưa cô, cô cho em về sớm, hôm nay em phải đi mót lúa, nhà em hết gạo ăn rồi!” Mình chưa kịp nói gì thì hai đứa nữa cùng đứng lên tranh nhau nói: “Thưa cô, em cũng phải đi mót lúa!...” Và cuối cùng thì gần như cả lớp cùng tranh nhau nói!...

 

Mình vừa về đến cổng nhà thì thấy hai mẹ con thằng Chánh con ông chủ tịch xã đi từ nhà mình ra, mình vội lùi lại, chạy sang nhà anh Liêu. Anh lại đang ngồi gõ máy chữ ở ngoài hè. Nhìn thấy mình, anh vội ra mở cổng và hỏi ngay: “Em đọc xong cái truyện ngắn của anh rồi à?” Mình nói: “Vâng!... Nhưng bây giờ em muốn nói với anh chuyện khác. Sao anh không sang nhà em xin cưới em đi?” Anh Liêu trố mắt nhìn mình, hỏi lại: “Em nói gì? Xin cưới em? Tại sao em lại nghĩ thế?” Mình nói mà như là có ai chui vào mồm mình mà nói: “Hôm kia, em có quyết định là nếu bước ra cổng mà gặp ai đầu tiên thì sẽ cưới người đó! Lúc đó em đã gặp anh! Thế em chưa nói với anh chuyện này à? Nếu chưa nói thì bây giờ em nói rồi đó, anh sang nhà em xin cưới em đi, mẹ em sẽ đồng ý liền!” Anh Liêu như là chưa hiểu mình nói gì. Anh nhìn ra cổng, thấy hai mẹ con thằng Chánh đi qua thì như là đã hiểu phần nào! Anh ngập ngừng một lát rồi nói: “Để anh nói với mẹ anh đã!...”

 

Song, thật là ngoài dự đoán, từ sau khi Mẹ anh Liêu sang gặp mẹ mình (gọi là dạm hỏi) thì ngày nào cũng có người mai mối đến xin gặp mẹ mình và xin cưới mình chứ không chỉ là dạm hỏi, chạm ngõ nhiêu khê gì đó! Mình nói với anh Liêu: “Anh sang xin cưới đi rồi ta cưới liền!” Anh Liêu băn khoăn nhìn mình, muốn nói điều gì mà như là không tiện nói ra. Mình nói: “Anh em mình biết nhau từ ngày cởi truồng thì có gì mà e ngại. Anh và em sở dĩ chưa nói chuyện cưới xin với nhau chỉ vì chưa tới số thôi. Bây giờ là tới rồi đó! Chúng ta phải cưới ngay kẻo “Đêm dài lắm mộng”!

 

Thế là chỉ một tuần sau, mình đã là “Gái đã có chồng”! Rõ ràng là bọn “Ong bướm rập rờn” đã biến hết, cả thằng Chánh con ông Chủ tịch xã cũng lặn luôn! Khi đã là Cô dâu rồi, mình thấy cuộc sống quả là có khác chút ít với khi chưa là Cô dâu! Và tới khi cái thai trong bụng mình cứ lớn lên từng ngày thì sự khác biệt là rất lớn!...Lớn nhất có lẽ là cái thai, nó đã thu hút mọi suy nghĩ, hành động của ta, nhiều lúc khiến ta quên cả lũ trẻ ở trường học. Giờ mới thấy các cô giáo “Tiền bối” nói đúng: khi có nhiều việc khác phải nghĩ đến thì việc trường lớp, tức việc dạy học thật là nhẹ nhàng, coi như không có, không cần bận tâm, như trò chơi con nít vậy!

 

 

5.Ngày…tháng…năm 19…: Khi mình đẻ đứa con trai đầu lòng thì Mẹ quả là hết cả ốm đau, bệnh tật. Suốt ngày hai bà cháu chơi với nhau thật là vui. Biết thế này thì mình lấy chồng, đẻ con thật sớm!

 

6.Ngày…tháng…năm 19…: Năm năm qua, không hiểu sao mình bỗng không muốn ghi Nhật Ký, có lẽ tại bởi khi sinh đứa con gái thứ hai thì mình quá bận rộn. Khi đứa con thứ hai được hai tuổi thì chồng mình – Anh Liêu, cùng mấy người bạn Cựu chiến binh vào thăm lại chiến trường xưa thì bị tai nạn giao thông ở Tây Nguyên, cả cái xe khách lao xuống vực, thật là kinh khủng! Vậy mà khi tin tai nạn báo về, chẳng nhà nào tin cả! Ai cũng nghĩ là người thân của họ sẽ về!...Trong Lễ truy điệu anh Liêu tử nạn, một người đồng đội cũ giờ làm ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh nói rằng trường hợp của anh trai mình vẫn ở diện mất tích vì chưa có thông tin gì mới!

 

7.Ngày…tháng...năm 19…: Con trai đầu của mình, thằng Làng, đã hơn sáu tuổi, cho nó vào Lớp Một vì nó đã đọc thông viết thạo, làm toán cộng trừ nhân chia rất nhanh. Và thật kỳ lạ, từ khi cho con đi học, mình lại toàn nghĩ về chuyện dạy học, về lũ học sinh trẻ con của mình!...Có lẽ bây giờ toàn bộ sự chú ý  của mình sẽ tập trung vào lớp học vì ở đó có cả thằng con trai và hai tháng sau thì có cả cô con gái em, con Nữ, vì thật bất ngờ, con em ở nhà chỉ “học mót” thằng anh và chỉ sau một tháng nó đã đuổi kịp thằng anh và xem chừng muốn giỏi hơn “ông anh” của mình. Nó gọi anh nó là “Ông Anh” nghe thật ngộ, không biết nó bắt chước ai?

 

8.Ngày…tháng…năm 19…: Ban Giám hiệu, rồi cả Phòng giáo dục Huyện đều đồng ý cho mình thực hiện Chương trình đặc biệt bậc Tiểu học (hệ 12 lớp), từ lớp Một cho đến lớp Sáu. Tuy nhiên, Trưởng phòng GD Huyện nói: “Làm thì cứ làm, miễn sao con em chúng ta nó học tốt, chứ báo cáo lên Sở rồi lên Bộ, đi lên, đi xuống vòng vo, đường xa diệu vợi!” Còn Hiệu Trưởng thì nói: “Em làm gì thì cứ làm cho vui, chứ trường mình là nơi đồng quê thôn dã thì có ai ngó tới mà báo cáo báo cầy mất thời gian! Nhưng dù sao cũng phải làm thế nào để trẻ em nó thích đến trường và có điều kiện đến trường. Nếu em có sáng kiến gì thì nghĩ giùm cho chị vấn đề ấy mới là thiết thực nhất!”. Chị Hiệu Trưởng đã nói đến vấn đề muôn thuở của “đẳng cấp Trường Làng”, thì ra từ xưa đến nay ai cũng nhìn thấy đó là vấn đế nan giải của “đẳng cấp Trường Làng” nhưng giải quyết nó thì..Hãy đợi đấy! Liệu mình có nghĩ ra được cách nào hay ho không?

 

9.Ngày…tháng…năm 19…: Thời gian cứ lặng lẽ, vô tư trôi đi. Thằng  Làng  đã Tám tuổi, con Nữ đã Bảy tuổi, việc học hành của chúng nó tiến triển tốt. Mẹ thì vẫn khỏe nhưng dạo này cứ ngơ ngẩn như người mất hồn, có lẽ tại mẹ nhớ con trai. Còn tin tức về anh trai mình vẫn như cũ: mất tích! Mình chỉ còn biết ngày ngày cầu Bồ Tát phù hộ cho anh nguyên vẹn trở về!...

 

10.Ngày…tháng…năm 19…: Cô em gái của mình tốt nghiệp thì được giữ lại trường, rồi học lên Cao học, rồi làm tiếp Luận văn Tiến sĩ, tính đến nay đã gần mười năm trời! Giờ thì nó lại xin về Sở Giáo dục của tỉnh theo “Tiếng gọi của Quê hương”. Nghe nó nói chuyện thì nó còn nhiều khát vọng hơn cả mình lúc mới ra trường! Tuy nhiên, gần một năm thì nó cưới chồng, chồng nó là một Nhà Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh, chuyên kinh doanh Địa ốc, xây dựng nhà dân dụng! Nghe nó nói mà giật thót cả người: “Càng học lên cao, em càng thấy rõ rằng, cách làm tốt nhất là không làm gì cả, cứ ngồi vào đúng vị trí của mình để “Con tàu thời gian” nó đưa đi theo đúng lộ trình đã định sẵn!” Thì ra nó đã “nhập cuộc”  trước mình, còn mình thì mang tiếng là con cái đùm đìa mà vẫn “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”! Khi nó nói chuyện về tình yêu, vợ chồng, gia đình… thì quả là “dễ sợ”! Cứ như nó nói thì mình mới chỉ “mon men ở ngoài rìa” của những mối quan hệ tưởng như là đã “từng trải” đó!...

 

11.Ngày…tháng…năm 19…: Có một đoàn hơn chục sinh viên do một thầy giáo hướng dẫn về Làng mình sưu tầm văn học dân gian. Sao mình ở đây đã ba đời mà không để ý, còn họ ở tận đâu đâu lại về đây “đào bới, lục lọi” khắp xóm dưới làng trên, và thật kỳ lạ, họ đã moi ra được đủ thứ nào là ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, rồi Thần phả, Thần tích gì nữa cứ gọi là om sòm cả làng ! Không ngờ bà mẹ già ngớ ngẩn nhớ nhớ quên quên của mình lại biết và thuộc nhiều những bài ca cổ xưa, những truyền thuyết cổ xưa đủ loại của làng mình như thế? Đến nỗi ông Thầy giáo hướng dẫn đám sinh viên xin đóng “Đại bản doanh” ở nhà mình và ghi âm, chụp hình bà mẹ già của mình suốt ngày, suốt đêm!...Rồi một buổi tối kia, không hiểu bằng cách nào mà ông Thầy Sưu tầm dụ được mình hát lại những bài ca mà mẹ mình đã hát cho ông ta ghi âm. Hát đến đâu ông ta ghi âm đến đó, và luôn mồm nói: “Thật không ngờ cô giáo thời nay mà hát những bài ca cổ xưa lại giống như là người cổ xưa! Chúng ta như đang lạc vào vườn Cổ tích có rất nhiều phép nhiệm màu!”…Và không biết từ lúc nào, ông Thầy Sưu Tầm đã đưa mình trở về tận những thời kỳ xa xưa nhất của Loài người: thời kỳ Nguyên Thủy, con người còn ở trong những hang động lung linh thạch nhũ!... Ông Thầy Sưu tầm đã kéo mình vào cuộc tình “dân gian” từ lúc nào mình cũng không thể xác định được!

 

Đoàn sưu tầm kéo dài thời gian công tác thêm một tháng. Rồi một tháng cũng trôi qua cái vèo! Ông Thầy Sưu tầm như là không muốn chia tay, muốn cưới mình làm Thiếp như trong phim Tàu! Mình rối trí quá không biết làm sao thì cô em gái về, thấy thế thì kêu mấy đứa “Thợ xây” ở Công ty của ông chồng, nửa đêm gói ông Thầy Sưu tầm vào cái chăn chiên rồi ném xuống ao!

 

12.Ngày…tháng…năm 19…: Sau chuyện của ông Thầy Sưu tầm, lại đến chuyện thằng Chánh con ông Chủ tịch Xă. Có dạo nghe nói nó được chọn đi học công nhân kỹ thuật công nghệ cao ở tận quê hương của Gớt, ai ngờ vài năm nó lại lù lù trở về làng làm ở văn phòng Ủy  Ban Xã. Bẵng đi vài năm không để ý, giờ nó đã giữ cái chức Chủ tịch Xã của bố nó ngày xưa! Một hôm, Chánh đến trường, gặp Hiệu trưởng rồi đòi dự khán giáo viên đứng lớp. Hiệu trưởng dẫn vào lớp mình. Suốt cả buổi, vị Chủ tịch Xã ngồi lim dim như ngủ! Không biết ngủ hay đang tính toán âm mưu gì?

 

Tan học, mình vừa đi về vừa nghĩ: Bỗng nhiên đến trường đòi dự giờ, không thể là chuyện bình thường! Mình liền gọi điện cho cô em, nói lại tình hình. Nửa giờ sau đã thấy hai “Thợ Xây” đến nói là Bà Giám đốc điều tới làm Vệ sĩ cho cô giáo!

 

Nửa đêm trôi qua, mình vừa thiếp ngủ thì thấy có tiếng lục đục ngoài cửa. Mình mở nhìn ra đã thấy hai “Thợ Xây” Vệ sĩ cầm hai đầu cái bao tải to tướng đã buộc chặt miệng bao, đi ra cổng!

 

Một tuần sau, nghe mấy cô giáo nói ông Chủ tịch Xã giờ như người tâm thần, cứ đi tới đi lui ở sân Ủy Ban, không thấy nói năng gì! Ủy Ban đã họp ba ngày để bầu người thay thế mà bầu mãi không được, đang chờ Huyện xuống quyết!...

 

Ngày mai là ngày Kỷ niệm 10 năm làm cô giáo Trường Làng, không biết nên vui hay buồn đây? Mẹ bỗng đến sát người lúc nào mà không biết, giật thót tim! Không hiểu sao, Mẹ lại nói như là mười năm trước đây: “Lo mà lấy chồng đi! Phải thường xuyên tới Tỉnh Đội  hỏi xem tin tức anh trai mày xem thế nào?”… Nghe mẹ nói mà mình bàng hoàng cả người, có hai việc ấy mà suốt mười năm qua mình chưa làm được sao?./.

 

Sài Gòn, Đầu tháng 11-2009

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3513
Ngày đăng: 12.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóc lại màn đêm - Dương Phượng Toại
Ngôi nhà xây cho Tây ở - Vinh Anh
Những mô đất trong vườn - Trương Văn Dân
Chờ bão - Mang Viên Long
Kịp không - Giản Tư Hải
Lão Dậu tò he - Nguyễn Chính
Thầy thuốc búi tó - Khôi Vũ
Dòng sông chảy quanh - Lê Trâm
Giải thoát - Triệu Thế Việt
Cuộc cờ lều Ngộ Vân - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)