( Nhân đọc ngẫu nhiên chùm thơ Văn chương Việt trong tuần từ 1/11-7/11)
Một nền văn chương “sạch” và mùa bội thu những vần thơ “mới mẽ & có ý nghĩa” là nỗi niềm của rất nhiều người quan tâm đến “ văn hóa đọc” hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, người đọc ngoảnh mặt với thơ, với văn học vì đây đó còn đầy vần vè sáo mòn dung tục thô thiển, là quẩn quanh cái tôi gào khóc buồn chán với mưa nắng dục tính thác loạn, là những trang thơ báo chí truyền thống tụng ca đến quẹo lưỡi, bỏ quên hiện thực cứ như là …, rồi những điểm sách phê bình cứ tung hê lên mây chín tầng những sáo mòn, nhảm nhí …làm người đọc cứ ngơ ngác hoài nghi rồi chán phèo !
Và tôi bó gối ngồi thu lu buồn nhưng sáng mai nay, gõ phím vào
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/trang_chu.asp
đọc ngẫu nhiên chùm thơ trong tuần từ 1/11 -7/11, một cơn phấn khích run rẩy chạy qua từng tĩnh mạch và tôi, bỗng thấy nhen nhúm hy vọng về một mùa bội thu những vần thơ hôm mai . Đọc lại và làm bảng sơ đồ lứa tuổi, giới tính : 6 nam, 5 nữ trong đó chỉ có 4 người trên ngũ tuần; đặc biệt có 4 nữ thế hệ 8x ( Tiểu Anh, Thúy Hằng, Linh & Đoàn Quỳnh Như) . Hy vọng vì đã có lớp trẻ kế thừa, hy vọng hơn là thơ đã MỚI , CÓ Ý NGHĨA & SẠCH .
Thơ đã MỚI trong cảm thức, tư duy, trong ngôn ngữ hình tượng, thể loại, tiết tấu, mới
cả từng con âm …
1- Trương Phước Lai, sống giữa Paris ánh sáng, đã biện bày một cái “bàn là” mấy ngàn kilowatt trong tầm nhìn về những nếp quăn queo của thời đại :
Có bàn là không em,
ủi hộ anh nhăn nhăn trán, nheo nheo mắt, cau cau mặt
môi mím gì như khóc
mơm mớm hộ anh một nụ cuời ( Đẩy thôi đổi thay)
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11361&LOAIID=1&TGID=1595
Nhiệt huyết tuổi trẻ là không thể nằm ì mà phải “ đẩy” để “đổi” đồng thời không thể bó mình trong mớ giáo điều cũ mèm vì :
tự do
tự do
ôm mớ giáo điều
tự sát ( tự do )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11335&LOAIID=1&TGID=1595
Tự do bằng tự sát nếu cứ giáo điều lầm lụi . Đ rồi T, những phụ âm đầu cứ ong óng kêu vang một đổi mới tức khắc và thơ nghe như một nỗi niềm nhưng nhức . Với cái hình tượng bàn là, thơ TPL là tiếng nói ly khai chống lại sự lãng phí từ ngữ và sự thừa thãi điên rồ của chữ in. (Lawrence Ferlinghetti) . Không hề cũ. .
2- Trần Trình Lãm, đã ở ngưỡng tri thiên mệnh, vẫn nhìn cơn mưa và em với một cảm quan tươi rói đầy sắc màu phố thị hiện đại hóa .
Tôi như cây trụ điện cho em đứng tựa
Trong lúc chờ xe buýt ( Mưa chan từ cuối phố)
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11371&LOAIID=1&TGID=1982
Không có trăng sao mộng mị nhưng là cơn bão, xe buýt, trụ điện & em, hiện thực thậm phồn của thời đại kỷ trị đuợc chưng cất mến yêu.
3- Tiểu Anh tuổi con chuột ( 1984), quá trẻ nhưng tư duy đã mấy phần chín dạn khi nghĩ về mệnh bạc đàn bà :
mẹ ,chị ,những con sâu rí ri
những con tốt lông lốc lăn trên vỉa hè mù khói
chờ chi, đòi gì
bàn cờ mục ruỗng
ván chơi cuộc người
hoàn
tay trắng tay ( Cuộc cờ người )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11355&LOAIID=1&TGID=1747
Đàn bà “ những con sâu, con tốt” của hôm nay không có bến trong & bến đục vì cuộc cờ người tàn rồi, tay vẫn hoàn trắng tay. Một cảm thức rất đời, rất người, xót và đắng khi đầy đường hiện tiền những khủng long đạo đức vung vãi tinh dịch già nua lộ thiên ngực trẻ* .
4- Ta lại gặp nữ sĩ Nguyễn Kim Anh với một Phan Thiết ngổn ngang đi qua chiều dài lịch sử. Phan Thiết, từ “ cô bé lượm vỏ ốc trên bãi biển” quay về người thiếu nữ Sion trong Thánh Kinh đến con điếm hạng sang là bức tranh vân cẩu vẻ người tang thương của một xã hội tiêu thụ, người thành món hàng :
Phan thiết, người thiếu nữ Sion
Niềm hãnh diện của dân tộc
Con cháu của tổ tiên
Hay con điếm sang cho trọc phú đa quốc gia hay Ma fi a quốc nội
say sưa với bọn cướp đất dân nghèo
dâng đôi gò bồng đảo cho chú Ba Bụng Bự ? ( Phan Thiết )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11346&LOAIID=1&TGID=2029
Ở đây là đôi gò bồng đảo nhưng không hề kích dục nhảm nhí vì hình tượng đối lập với chú Ba bụng bự thành ra đau rách mắt . Ngày đã nghe eo óc, nhao nhác với xộc xệch .
5-Trần Anh, thi sĩ tóc bạc miền biến cát Cam Ranh lại để tang cho một cội mai già bị bức tử trên Đà Lạt :
thôi mưa trở lại chùm nhớ thoảng
có áo màu tung phủ
từng hạt tàn khô cánh lá mùa thừa
miếng da thơm mùi quế ( Hoa và cánh tung mù )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11334&LOAIID=1&TGID=1433
Thơ đã thoát ra cái nhịp điệu cũ nhàm của Đường Luật, của 2-2-3 khi vận dụng các thủ pháp vắt dòng nên “ chùm nhớ thoảng, lá mùa thừa…” nghe cứ lất phất chiêm bao trong niềm hoài nghi về “ Le Jeu est fait” ( cuộc thế cứ là) vì miếng da thơm mùi quế cuối cùng là mộng mà thôi . Những con chữ nghe chừng dịu dàng nhưng tâm thức vẫn rất hiện đại nên “ ngày trườn loang lỗ như rắn” .
6- Và, sáng chủ nhật đọc “ Chủ nhật không chủ nhật” của Vũ Trọng Quang, một thi sĩ lão thành, ngày bất chợt thành cánh cửa hẹp để bóng tối đầm đìa bóng tối . Ba khổ thơ mở khép sáng trưa chiều với cái điệp khúc ing oang Sớm mai xem báo xăng tăng giá là cái thanh vận tròng trành lột xột hòa với giai âm của buổi thuyết trình về Herta Muller vắng khách, của tiếng khóc đói bầy con người đàn bà lái xe ôm, của tiếng súng leo thang trong dạ dày rỗng, của âm sầm bão và gió :
con voi nước chui qua lỗ kim
những cái lưỡi và sách báo trôi lềnh bềnh không ai nhặt
con chó vừa bơi vừa ngậm khúc xương
cà-vạt hốt hoảng báo cáo anh yên tâm mọi người đã đồng tâm
báo cáo anh bão đã xa trung tâm( Chủ nhật không chủ nhật )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11339&LOAIID=1&TGID=679
Thế đó, thơ đã bày biện hiện thực với những góc nhìn đa chiều, hoài nghi và phản biện là thái độ thực sự tích cực để cuộc thế này tốt đẹp hơn . Ý nghĩa những con chữ nằm ở đây chứ không phải ở kia, một xếp đặt trình diễn thơ với tung hô tính dục & bạo loạn kiểu các nhóm mang nhãn mác HHĐ .
7- Trần Hồ Thúy Hằng, một cô bé xinh đẹp sớm làm thi sĩ khi lập trình cả một chiều dày đất nuớc trong 5 nhịp thở, 5 lệnh ( từ restore, lock, đến on, stop đến quit…). Lập trình bao gồm từ những “ vay mộng câu hỏi nuớc pháp quyền, cơn đau giáo dục”, đến “phẩy tiếng của trí tuệ”; đau đáu cái nhìn về tương lai với những “mỹ từ đuợc khoác lên những hình nhân sinh động”, cả nổi trầm tư chiêm niệm về quá khứ bóng Huyền Trân lời giao kết hiến thân Chiêm Thành . Cảm thức hoài nghi được đẩy đến tận mút cùng của bản thể sự vật . Này đây là trưa lời hứa, sắc màu định dự, tiếng kêu loài sói giữa phố ngày, dự án phá sản màu xanh, điều luật bên vỏ chai mê loạn. Mỗi con chữ hình ảnh treo lên một dấu hỏi, một ẩn ức tâm thức với cách dùng từ ấn tượng.
là ai
gặm nhấm sắc màu định dự
hoài nghi tiếng kêu loài sói
đẩy chiếc bóng hướng đến giao thời
âm hưởng nồng mùi khoái lạc
trưa lời hứa
qui hoạch dự án phá sản màu xanh nơi đất
kéo dài điều luật bên vỏ chai mê loạn
vị thời gian là độc dược ăn mòn tận tủy
không bào chữa ( Lập trình )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11347&LOAIID=1&TGID=2023
Khép lại bài thơ bằng lệnh quit, Thúy Hằng còn chia sẻ một trăn trở về thơ :
xưa yêu thơ trong lăng kính mơ hồng
nay yêu thơ trăn trở phóng nhìn
hiện thực ở đâu
phếch mù tâm hạnh phúc ( Lập trình )
Một khuôn mặt rất trẻ với ngữ ngôn hiện đại , một bài thơ rất già với tư duy đa chiều & sâu đến bất ngờ …
8- Tôi đồng thời cũng gặp lại kẻ hành nhân đơn độc tít Phương Tây xa lắc : Đỗ Quyên với Phụ lục về trường ca Lòng Hải lý . Canada lạnh mười mấy độ âm âm nhưng tài tử họ Đổ không chịu ủ chăn ấm mà vẫn lang thang tìm sự thật :
Sự thật không ở chân trời,
chân tường,
hay chân đàn bà...
Sự thật không ở cuối,
càng không ở đầu!
Những hành nhân đơn độc nghĩ rằng
Sự thật ở trong lòng hải lý
ngang mỗi bước chân. ( Phụ lục )
Và có thể nhà thơ gây shock cho người đọc bảo thủ khi mà ngữ ngôn cứ nhảy lên tung hê, không dấu diếm vì hiện thể đang truồng, đen trắng bất phân :
Nhân loại bốn loại người:
sợ và không sợ Sự thật,
biết và không biết Sự thật.
Đập tảng băng tập quán, rèm chủ thuyết, ô giả dối được thiêng hóa
bằng chiếc cu trần
sẽ giết tiệt cái giả Sự thật.
Những chiếc cu trần có thể là cha đẻ đám con mang họ tên Sự thật
nhưng mãi mãi chỉ có thể là người cha không cho các con mình người mẹ.
Với tôi, cu trần và sự thật là hai mặt của một vấn đề . Dùng “ cu trần” ở đây, trong văn cảnh này chẳng hề rêu rao tính dục mà là một cách thế nhại diễu đậm chất HHĐ nên thơ vẫn sạch và có ý nghĩa đồng thời mới ( cả về hình tượng diễn đạt và lối tư duy ). Điều này là hoàn toàn khác với các nhóm HHĐ khi cho rằng dùng tiếng chửi thề như một phản biện với cái bẩn của xã hội, hay nhân danh cái thực mà phải đem vào thơ nguyên văn những bộ phận sinh dục đúng tên của nó theo kiểu làm tình thì phải đ… với đ …, không cần ẩn dụ .
9- Đoàn Quỳnh Như( vừa lên xe hoa thì phải ) vẫn không băn khoăn ái tình với sự nghiệp mà trải lòng ra với Huế quê nhà dưới một góc nhìn không mơ mộng kiểu Huế đẹp và thơ mà lặn cặn nghĩ lo những cơn mưa mấy mùa lụt bão và nhất là :
Ngày xưa rồi cũng mai một đi dần
Tôi sợ rồi sẽ có một ngày không xa về Huế mà ta không còn thấy Huế
Bởi Huế già nua Huế mất đi như sự tồn tại tự nhiên hay đó là do sự góp tay của con người
Như công việc trùng tu đã tốn nhiều giấy mực,
À mà thời này tốn công ngồi gõ phím nhiều hơn
Trùng tu hay phá hoại qua ư mỏng manh
Trùng tu phải như thế nào
Hay nhìn vào mà trơ cảm
phô trương màu mè
phản tác dụng
phản nghệ thuật
phản giá trị ( Có lẽ bây chừ )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11382&LOAIID=1&TGID=1854
Trùng tu hay phá hoại chỉ là một lằn ranh mỏng hơn cọng tóc nên đoạn thơ không hề là một nghịch lý, có tác dụng mở ra những khả thể để ngẫm ngợi . Không dừng lại ở Huế, tản văn thơ còn mở ra chín phía chân mây với giã giã thật thật, với khủng hoảng kinh tế, thất bát mùa màng, dịch cúm …Và tôi thiết nghĩ, giá như những cây bút trẻ, biết cất bớt cái tôi của mình mà nhìn & nghĩ về những mặt người thì thơ sẽ là món ăn tinh thần cần thiết cho trăm họ trong buổi nước bỏng dầu sôi này.
10- Bên cạnh Đoàn Quỳnh Như là một Linh, xuất hiện lần đầu trên Văn chương Việt nhưng Đôi khi đã làm lay động người đọc khi thực, thực trong cả những phút mềm lòng trai gái :
Đôi khi
Sợ hãi phát hiện ra bản năng của một người đàn bà đang vùng vẫy
Đòi yêu
Khoảnh khắc những ngón tay đàn ông chạm lên da thịt
Cơn giằng xé đột ngột dữ dội rồi đột ngột nhẹ bẫng
Rồi đột ngột dữ dội, yêu...
Chợt một ngày sợ hãi phát hiện ra nỗi nhớ đã làm mình rơi nước mắt
( Đôi khi )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11379&LOAIID=1&TGID=2032
Tính dục và bản năng đuợc phơi trải nhẹ nhàng vừa đủ để tiến đến một rưng rưng nỗi nhớ đã làm mình rơi nước mắt. Nhưng cô gái trẻ và đôi khi không dừng lại ở đây , với riêng tư mà giăng mắc vào ngày sống với nỗi hoài nghi Ngày trở nên vô nghĩa/Từng khuôn mặt lướt qua như những chú hề mắc kẹt trong chiếc mặt nạ sơn /vẽ đầy mầu sắc và cả nỗi hân hoan về những cánh đồng hoa :
Những cánh đồng dã quỳ vàng rực rỡ
Những cánh đồng tam giác mạch biêng biếc
Những cánh đồng cúc trắng nghiêng nghiêng
Những cánh đồng đã được cả đất trời nuôi dưỡng và gió nâng niu
Để nở đầy khao khát được bay ( Đôi khi )
Có lẽ những sắc hoa vàng trắng xanh sẽ mọc mầm trong lòng mỗi chúng ta và nở bùng với niềm hạnh phúc, một ban mai mặt trời mới nhú . Đó là cái nghĩa lý cuối cùng của Đôi khi .
11- Khép lại chùm thơ trong tuần là ba bài của Nguyễn Lãm Thắng miền Đất Quãng .
những âm thanh hóa thạch trên vách núi già nua
đang tri hô một loài ngôn ngữ lạ
dòng suối thản nhiên róc rách dự cảm mùa vui
tiếng chim cắn vỡ một ánh mắt nhìn sâu hút
anh rơi vào trong biển hương em ( Trên cao nguyên mùa đông )
Và :
anh vò buổi chiều trên tay nhão nhoẹt
mùa đông đóng băng trên từng sợi tóc
anh đóng băng trong câu thơ viết về em
chỉ có trái tim anh đang lên cơn sốt. ( Họa khúc nhớ )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11378&LOAIID=1&TGID=1652
Trong tuần, đây là ba bài thơ đậm chất trữ tình, nhưng không đến nổi vần vè nhàm cũ . Thơ đã có tiết tấu mới, hình tượng đẹp chỉ tiếc một số ngôn từ còn sáo và cũ kiểu “ dự cảm, biển hương em , hồng hoang, khói sương huyền ảo …” và hơi thơ khá là màu mè yêu với nhớ !
Nhìn một cách tổng quát, chùm thơ Văn chương Việt giới thiệu trong tuần đi theo hướng mới, có ý nghĩa và sạch và lực lượng người viết hơn 60% thuộc thế hệ 7-8x, trải ra khắp trong và ngoài nước. Điểm danh, chúng ta thấy ngoài hai thi sĩ lão thành Vũ Trọng Quang và Đỗ Quyên, còn lại là những tác giả vô danh, thậm chí mới viết nhưng thơ đã có TẦM, có TÂM và mới . Tiếc rằng, theo tiêu chuẩn của báo chí truyền thông, các loại thơ này khó đuợc chọn đăng trên các tạp chí trong nuớc khi nhuốm màu nhân sinh. Chúng ta còn hy vọng thi ca Việt sẽ vắng mặt loại thơ bẩn và dung tục , cả loại thơ lảm nhảm yêu & đương ra rả ngâm trăng vịnh nguyệt để đỡ tốn giấy mực và thời gian của người đọc .
"Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". (Biêlinxki). Nếu bỏ quên quay lưng với hiện thực thì thơ thiếu lửa thiếu sinh khí chỉ thở phì phọp chờ chết mà chẳng lay động lòng ai. Xin mượn nhận định của Lawrence Ferlinghetti để khép lại bài viết “Thơ, là ngọn hải đăng quay tròn chiếc loa tăng âm của nó trên biển” . Và muốn làm ngọn hải đăng cũng như để tăng âm thì không thể cũ nhàm và bẩn .
Cam Ranh 11/11
* Thơ Vĩnh Phúc
Theo : http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8928
Nguyễn Kim Anh là nam sĩ và là một Linh Mục .VCV xin đính chính cho LV