Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.145
123.226.863
 
Truyền thông và vai trò cảnh báo thiên tai, bảo vệ môi trường - từ góc nhìn lỊch sử
Nguyễn Thị Hậu

1. Xin bắt đầu bằng một hiện tượng khá phổ biến thể hiện nét tâm lý đặc trưng của người Việt Nam .

Mỗi sáng sớm tôi vẫn có thói quen nghe dự báo thời tiết, dù Sài Gòn mùa này mưa nắng không đến nỗi thất thường. Từ khoảng hơn hai năm nay tin dự báo thời tiết đã mất đi cụm từ “Tin bão xa”, đồng thời có thêm mục dự báo khá chi tiết cho các đảo và quần đảo trên biển Đông. Còn nhớ trước đây có một số cơn bão mà khi đài mới báo “tin bão xa” thì hàng ngàn ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên biển phải chịu thiệt hại nặng nề… Đến khi “tin bão khẩn cấp” thì bão đã vào tàn phá đất liền…

Bão xa, ấy là vì người “dự báo thời tiết” đang ngồi ở Hà Nội – trung tâm của châu thổ Bắc bộ - nhìn ra biển chỉ thấy mịt mù xa tít tắp, chỉ thấy “tầm nhìn xa trên 10km”, nhưng nhìn thấy cái gì trong 10km ấy thì… Có lẽ chỉ thấy “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa…”, có ai nhìn biển/ hiểu biển như những người ngư dân sống trên biển, như những người đã hàng trăm năm sống kề cận biển hay không? Hơn 3000 km bờ biển (và hàng chục ngàn km2 thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ) từ Móng Cái đến Kiên Giang, sao nói về Việt Nam lại chỉ nói về văn minh trồng lúa nước – mà cũng chỉ là lúa nước (còn lúa nương rẫy của gần 50 tộc người khác thì sao?). Nghề đánh bắt cá hay cư dân sống trên sông nước chỉ có trong cổ tích với những nhân vật như Trương Chi, Chử Đồng Tử… luôn có vị thế xã hội thấp kém hơn người/ nghề khác (biểu hiện bằng những mối tình với tầng lớp trên là tiểu thư con quan/ công chúa con vua). Và tinh thần “kỳ thị” biển rõ nhất chính là ông Vua Hùng đã thách cưới bằng những “đặc sản” núi rừng, tạo điều kiện cho Sơn Tinh thắng trong cuộc đua với  Thủy Tinh vốn từ biển vào. (Vậy mà trước đó: 50 con theo Mẹ lên núi, 50 con theo Cha xuống biển!)

“Quán tính” trong tâm lý người Việt Nam coi văn minh/ văn hóa Việt Nam là “văn minh/ văn hóa lúa nước” là vì lúa nước trồng ở địa bàn đầu tiên/ chủ yếu là đồng bằng sông Hồng, vì vậy có thể nói cơ bản đây là nền văn hóa/ văn minh xuất phát từ/ của châu thổ Bắc bộ. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra nét tâm lý của cư dân châu thổ Bắc bộ: xa rừng nhạt biển, tấc đất tấc vàng… trong đó đất đai trồng trọt có giá trị cao nhất. Dễ hiểu là dù vẫn nói rừng vàng biển bạc nhưng khi lên rừng họ cũng cố gắng tìm/ làm ra đất trồng trọt từ rừng (khai hoang hay là phá rừng?) và ra ngoài biển/ đảo thì… có đất đâu mà quý?! Bao giờ mới thực sự coi tấc rừng tấc biển cũng là tấc vàng? Bởi tài nguyên rừng, tài nguyên biển chính là nguồn sống quan trọng trong tương lai bên cạnh nguồn tài nguyên đất đai đang ngày càng cạn kiệt về cả chất và lượng…

Từ miền Trung vào Nam bộ, yếu tố văn hóa biển đậm nét, từ ẩm thực đến sinh hoạt văn hóa tinh thần, từ ngư nghiệp đến thương nghiệp đường biển. Không cần nhắc lại vương quốc Phù Nam Óc Eo và Chăm Pa là những vương quốc cổ phát triển nhờ buôn bán ven biển và xa hơn. Người Việt từ đồng bằng sông Hồng trên đường vào Nam đã mang theo và làm cho nghề nông trồng lúa nước trở thành ngành sản xuất chính ở vùng đất mới. Vì vậy, văn hóa biển và tâm lý cư dân biển dần dần bị loãng ra, nhạt đi… Hằng số lịch sử văn hóa Việt Nam chỉ là Nông dân – Nông nghiệp - Nông thôn còn Ngư dân – Ngư nghiệp - Nông thôn thì dường như không được quan tâm chú ý.

 Đấy là một nét tâm lý xã hội đặc thù của người Việt Nam, nó góp phần giải thích vì sao những cảnh báo, khuyến cáo, kêu gọi… việc gìn giữ tài nguyên rừng, biển – đống thời là bảo vệ môi trường “từ xa”, “từ gốc” đã không được/ chưa được đông đảo người dân hưởng ứng và thực hiện một cách tích cực. Chừng nào nét tâm lý này chưa thay đổi thì việc cảnh báo thiên tai và bảo vệ môi trường  sẽ còn có những khó khăn nhất định. Hay nói một cách khác, truyền thông không chú ý đến tâm lý này thì mọi biện pháp khó có thể mang lại hiệu quả mong muốn. Phát triển bền vững phải được bắt đầu từ ý thức của từng người dân.

2. Xét từ góc độ lịch sử, trong bất cứ thời đại nào cũng có 4 yếu tố cần và đủ để con người tạo nên sản phẩm vật chất, đó là: chất liệu, kỹ thuật, năng lượng và thông tin. Thông tin giữa vai trò liên kết và xuyên suốt 3 yếu tố kia, vì vậy thông tin luôn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội. Nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội là quyền được thông tin và biết thông tin, Truyền thông không chỉ là “thông tin”, mà còn là sự giao lưu, giao tiếp, còn là sự bày tỏ, thể hiện con người cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng và xã hội. Các kiểu truyền thông trong lịch sử: bằng bản thân con người có âm hiệu – ngôn ngữ; chỉ hiệu – hành động, hành vi; Có thêm công cụ phương tiện: bộ gõ, bộ hơi thay thế cho âm hiệu, các dấu hiệu, ký hiệu, hình vẽ rồi chữ viết ra đời, rồi hệ thống các biểu tượng, biểu trưng văn hóa… Phương tiện truyền thông và phương thức truyền thông thể hiện tốc độ phát triển của xã hội, ngày càng phong phú và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhanh chóng, chính xác của xã hội lòai người.

Xã hội Việt Nam cổ truyền có 2 kiểu thông tin: theo kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”, phần lớn thông tin này là kinh nghiệm dân gian về thời tiết, về kỹ thuật lao động sản xuất, kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng… Lọai này được tích lũy dần theo thời gian, có sự trải nghiệm thực tế và “chuyển giao trực tiếp” từ thế hệ này sang thế hệ khác nên thông tin lọai này có giá trị lâu bền. Kiểu thứ hai là thông tin “chính thống” liên quan đến những việc quản lý nhà nước từ phía chính quyền. Lọai này được thông tin theo kiểu “mõ làng”. Đó là cơ chế chỉ có 1 lọai thông tin từ trên xuống, 1 chiều thông tin về nội dung, người tiếp nhận thông tin “bị động” vì chỉ có nghe chứ không có/ không được phản hồi, không được đối thọai để hiểu và chủ động tiếp nhận thông tin. Cách thông tin này không tạo điều kiện cho người ta giao tiếp, giao lưu để hiểu đúng, hiểu rõ thông tin mình đang tiếp nhận, càng không khuyến khích người ta bộc lộ chính kiến, ý kiến, quan điểm đối với những thông tin ấy. Dễ hiểu, thông tin như vậy nên xã hội cổ truyền VN chậm thay đổi, chậm phát triển, ngay từ nền tảng quan trọng nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, ngàn đời vẫn là “con trâu đi trước cái cày theo sau” (và con người theo sau rốt!), và trên đó là cấu trúc nhà nước phong kiến theo khuôn mẫu có sẵn.

Cả hai lọai thông tìn thì đều có cùng một phương thức chủ yếu: truyền miệng. Cơ chế thông tin truyền miệng có đặc điểm: trực tiếp mặt đối mặt, nói và nghe trực tiếp (“ câu thành ngữ “trăm nghe không bằng một thấy” cũng có hàm nghĩa này), dẫn đến việc tin người nói, chú ý đến người truyền đạt thông tin hơn là chính nội dung thông tin! Điều này có hai mặt: tiếp nhận thông tin ít khi suy xét, nhưng cũng có khi không coi trọng thông tin, nhất là khi không còn tin vào người truyền đạt thông tin. Cả hai mặt đều dẫn đến một cơ chế thông tin không “chính thống”, đó là dư luận. Trong lịch sử VN đã những trường hợp dư luận được tận dụng tạo nên “sấm truyền”, đồng dao của trẻ nhỏ, qua những chuyện đồn thổi… dẫn đến một sự kiện làm thay đổi xã hội.

Vì sao cơ chế thông tin truyền miệng, dư luận tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam cổ truyền? Không thể không nói đến nguyên nhân là do chữ viết không phổ biến, hay nói cách khác, những cách thức truyền thông mới đã không được phổ biến trong xã hội. Điều này còn dẫn đến tình trạng hầu như không quan tâm, chú ý đến thông tin “đọc” mà thường chú ý quan tâm thông tin “nghe”, vì thông tin “nghe” được diễn giải, diễn dịch dễ hiểu hơn (ở đây chưa nói đến mức độ chính xác) cùng với vai trò của “người thông tin” nên càng làm cho cách thông tin này được duy trì lâu dài. Nếu chú ý đến đặc điểm này những phương tiện truyền thông nghe nhìn sẽ phát huy tối đa hiệu quả thông tin. Tuy nhiên, cần lưu ý hiệu quả của thông tin “nghe” phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể phát ngôn (ngôn ngữ vùng miền, âm sắc giọng nói, sự biểu cảm của nét mặt…).

3. Vai trò của truyền thông trong việc cảnh báo thiên tai và bảo vệ môi trường.

3.1 Truyền thông được hiểu là một quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng, tình cảm, suy nghĩ, thái độ giữa hai hoặc một nhóm người với nhau.

"Truyền thông môi trường là một quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp cho những người có liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của chúng và cách tác động vào các vấn đề có liên quan một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề về môi trường".

Truyền thông môi trường không nhằm quá nhiều vào việc phổ biến thông tin mà nhằm vào việc chia sẻ nhận thức về một phương thức sống bền vững và nhằm khả năng giải quyết các vấn đề môi trường cho các nhóm người trong cộng đồng xã hội.

Mục tiêu của truyền thông môi trường nhằm:

  • Thông tin cho người bị tác động bởi các vấn đề môi trường biết tình trạng của họ, từ đó họ quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục.
  • Huy động các kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết địa phương tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường.
  • Thương lượng hoà giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa các cơ quan, trong nhân dân.
  • Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
  • Khả năng thay đổi các hành vi sẽ được hữu hiệu hơn thông qua đối thoại thường xuyên trong xã hội

Truyền thông môi trường được thực hiện chủ yếu qua các phương thức sau:

  • Chuyển thông tin tới từng cá nhân qua việc tiếp xúc tại nhà, tại cơ quan, gọi điện thoại, gửi thư.
  • Chuyển thông tin tới từng nhóm qua hội thảo, tập huấn, huấn luyện, họp nhóm, tham quan, khảo sát...
  • Chuyển thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, tivi, radio, pano, áp phích, tờ rơi, phim ảnh,....
  • Tiếp cận truyền thông qua những buổi biểu diễn lưu động, tham gia hội diễn, các chiến dịch, tham gia các lễ hội, các ngày kỷ niệm...

Về cơ bản, ý nghĩa và phương thức truyền thông cảnh báo thiên tai và bảo vệ môi trường là như vậy. (*)

3.2 Ở nước ta trong những năm gần đây có một số hiện tượng thời tiết bất thường dẫn đến thiên tai bất thường. Đối với bão trước đây thường xảy ra theo quy luật, khoảng tháng 5, 6, 7 xảy ra ở vùng các tỉnh ven biển Bắc bộ; tháng 8, 9 bão xảy ra ở ven biển Trung bộ; tháng 10, 11, 12 xảy ra ở Nam bộ. Thế nhưng bây giờ quy luật đó không còn nữa, mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu có tính thất thường.

Trên thế giới các nhà khoa học đã nghiên cứu và cảnh báo từ rất lâu. Nguyên nhân của bão lũ, thiên thiên là do rủi ro thiên tai và con người làm tăng rủi ro của thiên tai. Đối với thiên tai do nhiều yếu tố cộng lại trong đó có sự đóng góp của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đối với con người trong những năm gần đây nạn chặt phá rừng, làm tăng hiệu ứng nhà kính, tàn phá khu chắn sóng, sống ở vùng nguy hiểm của bão, lũ. Ngoài ra còn do vị trí địa lý của nước ta nằm trong vùng điển hình của bão, lũ hoạt động. Hiện Việt Nam đang đầu tư vào lĩnh vực dự báo và cảnh báo, bản thân cơ quan dự báo và cảnh báo cũng đang từng bước được nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo của mình. Theo quy luật, dự báo trước một ngày chính xác hơn dự báo hai ngày, dự báo trước hai ngày chính xác hơn dự báo trước ba ngày... Tuy nhiên, nếu dự báo được dài ngày hơn thì sự chuẩn bị sẽ tốt hơn. Vẫn biết việc dự báo thời tiết, đặc biệt là dự báo bão, dự báo mưa rất khó... ngay cả trên thế giới, chứ không riêng gì ở nước ta. Cơ sở hạ tầng và vật chất ở nước ta phục vụ cho việc dự báo còn nghèo nàn, lạc hậu.

Từ góc nhìn lịch sử ta đã nhận biết 2 đặc điểm cơ bản về tâm lý xã hội và cơ chế truyền thông có tính truyền thống của xã hội Việt Nam . Hệ thống truyền thông của chúng ta hiện nay vẫn chưa chú ý đúng mức đến 2 đặc điểm này. Vì vậy chỉ nói riêng trong lĩnh vực cảnh báo thiên tai và bảo vệ môi trường  chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Từ hai đặc điểm này truyền thông cần nhận biết: đối tượng quan trọng nhất cần tiếp nhận thông tin cảnh báo là ai? Trong thiên tai nói chung và biến đổi khí hậu toàn cầu, biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói riêng có ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và những người nghèo bởi hai lẽ: một là dân số làm nông – ngư nghiệp của nước ta chiếm 75 - 80%, hai là ngành nông – ngư nghiệp chịu rủi ro của thiên tai lớn. Do vậy biến đổi khí  hậu tác động đến cả hai ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Còn đối với người nghèo thì đúng rồi bởi vì các cơ sở vật chất của họ yếu kém nên bị ảnh hưởng khi bão, lũ thiên tai xảy ra.

Nhận thức về tác hại của thiên tai luôn nằm trong tiềm thức của người dân vì nước ta đã có một hoàn cảnh lịch sử thường bị tác động bởi thiên tai, đặc biệt là lũ và bão. Tuy nhiên, có lẽ vì quá quen thuộc mà ở nơi này, nơi khác lúc này lúc khác vẫn có một số người dân còn chủ quan. Vì thế, truyền thông cần đẩy mạnh thông tin về ảnh hưởng của thiên tai đối với cuộc sống để người dân nâng cao cảnh giác, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Chẳng hạn, khái niệm biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến người dân vẫn còn hạn chế thì phải nâng cao tuyên truyền, nâng cao tập huấn cho người dân nhận biết có sự biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu rấ nguy hiểm. Tuy nhiên đối với từng khu vực cũng có thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau: cư dân nông thôn thường nghe đài, xem truyền hình và cư dân thành thị: đọc báo, xem internet. Trước mắt cần tận dụng thói quen phổ biến này để tuyên truyền và kịp thời đưa tin tức đến cho người dân. Thời gian tới cần nâng cao nhu cầu và trình độ tìm kiếm thông tin bằng những phương tiện hiện đại, như phổ cập internet ở nông thôn.

Hệ thống truyền thông cũng cần thay đổi cách tiếp nhận và truyền đạt thông tin từ cơ quan chuyên môn. Hiện nay việc cảnh báo còn mang tính khoa học vĩ mô, chưa làm cho người dân hiểu rằng những cảnh báo ấy có tác động trực tiếp đến người dân để người dân thay đổi ý thức và hành vi nhằm bảo vệ môi trường. Sự tương tác mạnh mẽ của truyền thông với xã hội làm cho xã hội cùng quan tâm và thực hiện những hành động thực tế bảo vệ môi trường, cũng chính là tham gia vào quá trình hạn chế sự xuất hiện và thiệt hại thiên tai như lũ lụt, lũ quét…

Ảnh hưởng của ngôn ngữ, thuật ngữ về thiên tai và môi trường qua truyền thông đến với người dân là rất lớn. Nếu sử dụng một cách quá “khoa học” thì không gây được sự chú ý vì người tiếp nhận sẽ có cảm giác “xa lạ” với thông tin ấy. Còn nếu không chính xác dẫn đến cách hiểu sai, rồi sẽ ứng xử sai với những hiện tượng thiên nhiên. Ví dụ: người dân miền núi “đốt rẫy” chứ không “đốt rừng”; cư dân đồng bằng Nam bộ vẫn sống và kiếm sống trong “mùa nước nổi” chứ không phải là “sống chung với lũ”. Do “Truyền thông môi trường không nhằm quá nhiều vào việc phổ biến thông tin mà nhằm vào việc chia sẻ nhận thức về một phương thức sống bền vững và nhằm khả năng giải quyết các vấn đề môi trường cho các nhóm người trong cộng đồng xã hội” nên cách thức, phương thức truyền thông với tâm thế của “người trong cuộc” chắc chắn sẽ mang lại sự đồng cảm, thông hiểu và đồng thuận trong xã hội.

Ngày nay. sự thay đổi trong ứng xử truyền thông khi chuyển từ truyền miệng sang truyền thông đại chúng có liên quan chặt chẽ với những thay đổi khác về ứng xử trong hệ thống xã hội. Trong xã hội hiện đại "một hệ thống truyền thông chính là một dấu chỉ đồng thời là một tác nhân của sự thay đổi trong toàn bộ một hệ thống xã hội". Nói khác đi, hệ thống truyền thông đại chúng đã trở thành một trong những động lực của sự phát triển bởi nó thúc đẩy đồng thời là biểu hiện của quá trình dân chủ trong xã hội. Bởi vì những phương thức, phương tiện truyền thông mới  mang lại cho con người thông tin đa dạng, nhiều chiều, phong phú… đồng thời tạo điều kiện cho con người bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân, thể hiện quyền và trách nhiệm của mình với xã hội khi bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình, đồng thời qua trao đổi, tranh luận con người cũng nâng cao hiểu biết và tri thức cho bản thân.

Truyền thông có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay báo nói…. Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin ra xã hội. Trong xã hội cần có nhiều phương tiện thông tin chia sẻ quyền lực này, tức là chia sẻ nguồn thông tin mang đến cho xã hội. Có như vậy truyền thông mới thực sự phát huy tốt vai trò của mình đối với xã hội nói chung và trong lĩnh vực cảnh báo thiên tai và bảo vệ môi trường nói riêng./.

(*) dẫn theo:  http://www.thuvienkhoahoc.com/tusach

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 2969
Ngày đăng: 17.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân cách Trương Đăng Quế - Trương Quang Cảm
Từ “bãi cát vàng” cho đến “”hoàng sa-trường sa” không phải là “bãi hoang chim ỉa” - Đinh Kim Phúc
Sự Hoang Tưởng về Chủ Quyền Lãnh Thổ của Một Số Phần Tử Dân Tộc Cực Đoan ở Campuchia hiện nay - Đinh Kim Phúc
Đổi tên gọi Biển đông – Cần thiết hay không? - Đinh Kim Phúc
Tăng Bạt Hổ- Tấm Gương Kiên Trung của Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX - Trần Minh Đức
Trạng chết thì chúa cũng băng hà - Đinh Kim Phúc
Đất nước sẽ … - Đinh Kim Phúc
Kẻ sĩ chọn cái chết thể hiện chí hướng - Lê Ngọc Trác
Ngôi báu và hai người đàn bà trong sử Việt - Đinh Kim Phúc
“Thất trảm sớ” và nhân cách của một con người - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)