Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.172
 
Bàn luận về thơ Tân hình thức
Đỗ Quyên
Xin giới thiệu cùng độc giả Văn Chương Việt, các lời bình luận từ blog, email cá nhân về 3 bài thơ tân hình thức“Tay trái thơ tay phải núi”, “Chúng mình thiệt tình”,“Nước Mỹ rộng em đẹp” của Đỗ Quyên đã đăng ngày 19/10/2009:

 http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=11254&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=1825

 

 

- Trao đổi 1:

 

+ Do.honza (Hà Nội):

 

Sao đọc khó thế? Tôi chưa hiểu đâu. Cách gieo vần thế nào nhỉ? Xưa nay thấy kiểu gì lạ cũng xông vào, nhưng lần này chịu thua đấy!

 

+ ĐQ (Vancouver):

 

Đây là thể thơ Tân hình thức (New Formalism). Quả là khó đọc, và cũng hơi khó hiểu trong các lần đầu. Cái món này phát sinh ở Mỹ hồi 1980-90. Nó lan sang thơ Việt, do Tạp chí Thơ / nhà thơ Khế Iêm khởi xướng và cầm chịch với cả lý thuyết lẫn thực hành, tạo ảnh hưởng ngoài và trong nước từ năm 2000 đến nay; hồi năm 2004-05 đã tạo trận tranh luận triền miên trong thi giới.

1) Đặc trưng: Không vần, nhịp điệu khác hẳn thơ "bình thường"; Hai kỹ thuật chính là vắt dòng (tùy loại 4-5-6-7 chữ và cả lục bát) thì xuống dòng theo số chữ, và lặp lại; Tứ thơ - điểm quan trọng - thường theo một câu chuyện, tức là có tính truyện; Ngôn ngữ: dân dã, đời thường, có thể thông tục; nhất là không cần tu từ.

2) Mục đích: đưa thơ ca lại gần cuộc sống thường nhật.

3) Tác dụng: Thật ra, thơ tân hình thức không thể phổ cập được; như một loại “đặc sản" (bún mắm Sóc Trăng chẳng hạn!), chỉ hợp ở một số rất ít cấu tứ mà thôi; nhất là ở trạng thái thi cảm nhất định của người viết, người đọc. Âu cũng là điều bình thường trong sáng tạo: "Cao thủ võ lâm" như haiku Nhật cũng còn phải vậy cơ mà!

4) Mời ghé thăm trang mạng Thơ Tân hình thức Việt:

http://www.thotanhinhthuc.org/index.html

 

+ Đỗ Võ Cẩm Thạch (Sài Gòn):

 

Tân hình thức là một thứ trò chơi kỹ xảo của những thi sĩ nhàn cư, nếu ở tay "cao thủ" thì vẫn là thơ, nhưng rất ít, còn phần lớn là vô bổ! Khi thi sĩ thiếu hụt tầm trí tuệ và cảm xúc trước cuộc đời (lãnh cảm) thì tân hình thức là "nhà trọ" thích hợp nhất. Coi cho biết chớ không nên làm theo! Với ĐQ, có thể trở thành “cao thủ” nếu phần suy tư, cảm xúc mạnh và rõ hơn.

 

+ ĐQ:

 

Cám ơn phê bình rõ ràng và bài bản của ĐVCT. Vài năm trước, trong các tranh luận căng thẳng về tân hình thức Việt, cũng có nhiều ý kiến như vậy (dzà còn hơn dzậy nữa!) Điều đó, có lẽ, khiến “giáo chủ” Khế Iêm cùng các “môn đồ” của thi phái này không chịu “ngồi yên như núi”? Năm 2006, ở Mỹ, KI và bạn bè đã lao tâm khổ tứ cho ra đời một tuyển tập tân hình thức song ngữ rất “hoành tráng” tên là Thơ Không Vần – Blank Verse, gần 300 trang, Đỗ Vinh chuyển ngữ tiếng Anh, gồm 65 tác giả cả trong lẫn ngoài Việt Nam; Đặng Tiến viết lời giới thiệu mang tên “Tân hình thức nhịp đập của thời đại” - có thể đọc ở địa chỉ http://thotanhinhthuc.org/Thokhongvan/Introduction.html. Và năm nay dự tính sẽ in ở Việt Nam một tuyển tập khiêm nhường hơn về tầm vóc, nhưng – KI cho biết - sẽ mang cái tên tiếng Việt còn tân hình thức hơn: Thơ Kể. Dự kiến sẽ in hàng năm, nếu có... mân-nì!

 

- Trao đổi 2:

 

+ Mai Văn Phấn (Hải Phòng):

 

Vô tình đọc ba bài thơ của ĐQ trên vanchuongviet.org, thấy tân hình thức không chỉ là tính truyện, mà kết hợp được những thời khắc vụt hiện mơ hồ trong cảm xúc, tạo một xung động mới cho thể loại này (“trái núi tách ra nhà thơ/rời chuyến tàu nhanh tay phải”). ĐQ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa bí ẩn phương Đông với thực dụng của phương Tây.

 

+ ĐQ:

 

Thời khắc vụt hiện mơ hồ trong cảm xúc” là một hiệu quả quan trọng của tân hình thức. Tính bất ngờ (“xung động”) của loại thơ này gần như trong truyện cực ngắn, nhưng chưa hẳn là chỉ bằng sự bất bình thường. Nhờ có kỹ thuật lặp lại nên cái mơ hồ được lớn dần và vụt hiện. Còn kỹ thuật vắt dòng thì làm đong đưa cái mơ hồ. Hai điều mâu thuẫn đó góp phần tạo ra sự “khó chịu” của tân hình thức ở những độc giả không chịu loại thơ này.

 

+ Mai Văn Phấn:

 

Theo ý tôi, tân hình thức của ĐQ đã tạo đường biên mới, phong phú hơn so với lý thuyết do nhà thơ Khế Iêm quảng bá. Hãy đọc email của một bạn thơ khác: “Đọc thơ ĐQ thấy ngâm nga như khúc ca du mục anh ạ. Cảm giác như đang nghe một tay thảo khấu, hảo hán hát khúc dân ca trên con sông của núi non Lương Sơn Bạc. Có âm thanh. Chất của bạn anh tạo cảm giác ‘leng keng’ khác hẳn anh.

 

+ ĐQ:

 

Cách tôi làm, về bản chất thi pháp, không khác với “lý thuyết Khế Iêm” đâu! Nhưng có thể bị/được nhịp đi của trường ca co kéo nên cái tôi làm đã khang khác với tân hình thức của một số tác giả khác chăng? Để tôi nhìn lại xem sao...

MVP cám ơn dùm người bạn đó đã nhìn ra đôi điều tôi may mắn thực hiện được trong ba bài thơ trên: “Ngâm nga như khúc ca du mục” - tức là thể hiện được hồn phách của tân hình thức, khi mà loại thơ này được xem như “ca dao thời hậu hiện đại”; “Một tay thảo khấu, hảo hán hát khúc dân ca” - nghĩa là mang độ phóng túng, khí bi hùng của trường ca (sở trường mà ơn Chúa nhờ Phật tôi có được!) nén vào thể thơ thường là ngắn gọn, dân dã này; “Có âm thanh... tạo cảm giác leng keng" - ấy là đại phúc cho những người làm thơ tân hình thức, vốn hay bị phê bị chê là tiêu âm vần diệt nhạc điệu.

 

+ Khánh Phương (Hà Nội):

Thơ cũng được đấy. Nhưng nếu cứ viết như thế này riết thì chẳng khác nào thơ có vần và không vắt dòng! Dù ĐQ vắt dòng, thế nhưng có cảm giác câu thơ chưa tự do, cấu tứ vẫn bị bó vào cùng một kiểu liên tưởng, cùng một khuôn suy tưởng và dịch chuyển khái niệm quen thuộc. Cũng có thể tôi chủ quan chăng?

 

+ Nguyễn Đức Tùng (Vancouver):

 

Bài thơ thứ hai của ĐQ rất thú vị, nhưng bài thứ ba mới thật mới. MVP nói đúng, vì ba bài này có vẻ như thuyết phục hơn các bài tân hình thức khác, của nhiều người.

 

+ Mai Văn Phấn:

Không vần, vắt dòng, có tính truyện, ngôn ngữ đời thường: Có thể coi như luật bằng trắc trong thơ lục bát, hay “Nhất tam ngũ bất luận / Nhị tứ lục phân minh...” trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Hình thức thơ, kể cả những khuynh hướng tiền phong nhất hiện nay, cũng chỉ nên coi như cái áo khoác bên ngoài “hồn vía” nhà thơ. Cơ thể ốm yếu, bệnh tật cố chạy theo “mốt mát” có ngày chết đứ đừ. Nhưng, những nhà thơ tài năng nên chọn những kiểu áo mới, đẹp nhất mà ăn diện.

 

Vancouver, 19/11/2009

ĐQ biên soạn

 

 

 

Phụ lục:

 

TAY TRÁI THƠ TAY PHẢI NÚI

 

 

nhà thơ có việc vội phải

đi chuyến tàu nhanh tay trái

cầm theo bài thơ vừa làm

xong chưa kịp đọc tàu nhanh

 

chạy len qua những trái núi

như mọi ngày mây vẫn đánh

đai quanh sườn núi như mọi

lần nhà thơ cảm thấy một

 

trái núi tách ra nhà thơ

rời chuyến tàu nhanh tay phải

một trái núi tay trái còn

nguyên bài thơ chưa kịp đọc

 

 

CHÚNG MÌNH THIỆT TÌNH

 

 

chúng mình chỉ xem tranh paul

gauguin chúng mình cũng chỉ

xem tượng henry moore

cùng lắm chúng mình cũng chỉ

xem ảnh nghệ thuật của mấy

tay tân cổ điển sao chúng

mình không xem chúng mình bộ

chúng mình không là tranh là

tượng là ảnh nghệ thuật trong

mắt chúng mình sao thiệt tình

 

 

NƯỚC MỸ RỘNG EM ĐẸP

                                                                                

nước mỹ rộng quá ta

qua ba lần sao không

hết em đẹp thế ta

yêu bao lần cho thấu

 

ta hỏi bàn chân ta

hỏi con tim nhưng ta

không hỏi nước mỹ và

cũng không hỏi em nước

 

mỹ rộng quá biết đâu

mà hỏi em đẹp thế

biết sao mà hỏi cũng

vì ta đã có bàn

 

chân đã có con tim

 

Vancouver, 19-8-2009

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 3951
Ngày đăng: 20.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Claude Lévi-Strauss (1908-2009) Với thuyết cơ cấu - Khổng Ðức
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -1 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -2 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -3 - Nguyễn Ước
Lyotard với chủ nghĩa Hậu Hiện Đại - Khổng Ðức
Mỹ học của Thuyết Giải Cấu Derrida - Khổng Ðức
Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế! - Phạm Toàn
Ðại cương Thiền tông - 1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Thiền tông - 2 - Nguyễn Ước
Ðại cương Thiền tông - 3 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)