Vào những năm 60 của thể kỷ 20, ở miền núi Ấn sông Trà, có một người đã chiết tự tên của mình làm bút hiệu khi sáng tác thơ văn. Đó là Ngũ Hà Miên. Ông tên thật là Nguyễn Văn Hàm, sinh năm 1930 tại làng Thi Phổ, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Cách "chiết tự" tên thật thành bút hiệu là nghệ thuật "mê tự"... Có lẽ, trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Văn Hàm – Ngũ Hà Miên là người thứ hai chiết tự tên mình thành bút danh, sau nhà văn Khái Hưng – Trần Khánh Giư (?).
Trong cuộc đời của mình, Ngũ Hà Miên hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Ông từng là giáo sư, giảng dạy ở các trường trung học và đại học ở miền Nam, ông còn tham gia hoạt động chính trị (Trước năm 1975, có thời ông là dân biểu quốc hội của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ông là người đảm nhiệm nhiều chức vụ: Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, phó ban tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh...). Nhưng, trước sau Ngũ Hà Miên vẫn là một nhà thơ. Và, là một người nghiên cứu văn học. Trong cuộc đời viết sách, làm thơ, Ngũ Hà Miên đã xuất bản:
- Giảng luận chinh phụ ngâm (biên khảo – 1958)
- Việt Nam thi ca cận đại (biên khảo – 1962)
- 10 năm (thơ – 1963)
- Thời gian (tuyển tập – 1962)
- Bão loạn (truyện dài chưa xuất bản)
Hiện đang sống trong một đất nước thanh bình, chúng ta đọc lại những nhà thơ viết về chiến tranh, cũng như đọc thơ Ngũ Hà Miên, chúng ta mới thấy hết những đau khổ, mất mát của một thời đã qua. Và, càng yêu hòa bình. Phần lớn những bài thơ trong thi phẩm "Mười năm" của Ngũ Hà Miên là một bức tranh đầy đau khổ của quê hương bị chiến tranh tàn phá. Trong thơ của mình, Ngũ Hà Miên đã trở thành nhân chứng của một thời "... đá tan, rừng biển động / Lửa loạn ly đốt vèo bao giấc mộng".
"Mười năm" là khoảng thời gian ước lệ trong thơ của Ngũ Hà Miên khi nói về những tang thương, chết chóc của quê hương suốt một thời máu lửa:
"Cô hàng xóm nhỏ giã từ son phấn
Lên xe hoa một sáng rộn pháo hồng
Nhưng rồi một đêm súng nổ mịt mùng
Nàng quấn khăn tang, mắt đầm lệ khổ
Tay dắt con, áo phất phơ chiều gió
Nhân loại ơi! Bao giờ hết chia lìa..."
(Mười năm – Thơ Ngũ Hà Miên)
Giữa cái chết hãi hùng nhất của thời chiến tranh, Ngũ Hà Miên đã nói lên tâm trạng hoang mang, không lối thoát của những người cùng thời:
"Anh bảo cuộc đời có lý hay không?
Đây quán nửa khuya cà phê nguội buốt
Khói thuốc nào lên mù mịt cả căn phòng
- Lũ chúng tôi còn chới với giữa vô cùng
Trả lời hộ hỡi hồn ma kẻ chết."
Và nỗi niềm cô độc của một thế hệ:
"Trống rỗng cuộc đời nên ta ngao hát
Ngơ ngẩn nhìn ta hàng cây bên đàng..."
Cùng với những bài thơ viết về sự bi thương của chiến tranh, những nỗi niềm cô độc trong cuộc đời, ta bắt gặp trong thơ Ngũ Hà Miên khát vọng tình yêu:
"Không có em cuộc sống sẽ khô cằn
Nắng úa hết những vòm trời dĩ vãng
Chiều đã xuống tuông bóng đen tinh loạn
Khiến con người kinh hãi trước hư vô"
Trong thơ Ngũ Hà Miên không chỉ có "khổ đau, ly tán" mà còn có những hạnh phúc rực hồng của những người đang yêu nhau:
"Bỗng em đến, vườn xuân tràn ngập nắng
Mặt trăng, mặt trời với những vì sao
Mở tiệc cùng anh vui ngày hội ngộ
Từ đó hết tháng năm buồn vò võ
Đôi lứa chúng mình đi giữa vô cùng
Trong gió cát mà chẳng hề cô độc"
(Không có em – thơ Ngũ Hà Miên)
Nhắc đến Ngũ Hà Miên, những người yêu thơ thường nói đến thi phẩm "Mười năm" của ông. Chính sự thành công của thi phẩm "Mười năm", các nhà phê bình văn học đã xếp Ngũ Hà Miên cùng với Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Trần Tuấn Kiệt, Trần Thỵ Nhã Ca... vào ngôi đền những nhà thơ hiện đại của miền Nam trước đây.
Theo thời gian, với tác phẩm của ông, Ngũ Hà Miên thật sự là vì sao trong nhiều vì sao trên bầu trời thi ca của quê hương miền núi Ấn sông Trà thân yêu.
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Mười năm (thơ Ngũ Hà Miên)
- Những nhà thơ hôm nay (Nguyễn Đình Tuyến, 1967)