Cuốn sách Thơ đến từ đâu của nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng bao gồm 21 bài phỏng vấn dành cho 21 nhà thơ có phong cách và thành tựu thơ độc đáo hoặc khác lạ, ở trong nước cũng như trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, thực hiện từ năm 2003 cho tới nay, gần nhất là ngay tháng 11 năm 2009; và bài ghi lại cuộc trò chuyện đầy bất ngờ, lý thú khi một số đại diện của các nhà thơ ấy, cùng tác giả cuốn sách, không hẹn mà nên, được ngồi bên nhau trong ngày nắng đẹp Sài gòn tháng tư năm 2007.
Phỏng vấn, trò chuyện, như một thể loại đặc thù báo chí có ưu điểm cập nhật thông tin trực tiếp, chính xác, trực diện mổ xẻ vấn đề, có thể dẫn tới những tranh luận không khoan nhượng, làm rõ nhiều góc cạnh cũng như diện mạo tổng thể của vấn đề được nêu ra. Phỏng vấn, trò chuyện được Nguyễn Đức Tùng mượn lấy để khám phá thế giới sáng tạo của thơ, trong một thái độ vừa chân tình, đồng cảm ( vì ông vốn là một nhà thơ ) vừa gai góc, sắc bén ( của người nghiên cứu khoa học ), thể hiện tâm thế vừa khách quan nghiêm cẩn vừa đầy đam mê, thái độ vừa tôn kính thiêng liêng vừa đầy tinh thần trách nhiệm với phẩm cách nghề nghiệp, phẩm cách công dân và con người. Không chỉ dùng mỹ cảm văn chương và liên tưởng sáng tạo của bản thân để khám phá nét đặc thù trong tạo lập hình ảnh, cấu tứ tư duy, cảm xúc và phong cách của các nhà thơ lớn như Hoàng Cầm, Lê Đạt, các tên tuổi đã gây dựng được thành tựu cá nhân ấn tượng: Trần Nghi Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Đăng Thường, Thận Nhiên, Inrasara, Hoàng Vũ Thuật…; ông còn vận dụng tri thức về tâm lý sáng tạo và thực hành ngôn ngữ, xuất phát từ chứng nghiệm riêng của chính mình, để trao đổi và làm sáng tỏ những vấn đề mang tính lý luận như mối tương quan giữa chủ thể nhà thơ với đời sống, mức độ riêng tư và phổ quát của cảm xúc, tính chất bất ổn định của ngôn ngữ và tâm lý tiếp nhận ngôn ngữ, các hình thái tư duy thơ và diễn tiến của nó, đặc sắc nhất là trong các bài trao đổi với các nhà thơ Đỗ Quyên, Khải Minh, Đỗ Kh., Dương Tường…
Những câu hỏi chung ông thường đặt ra với các nhà thơ là: “ Có sự kiện chính trị đời sống lịch sử văn hoá nào là động lực trực tiếp để anh ( chị ) viết một bài thơ hay không?”, “ Nếu phải đọc một bài thơ trước đám đông, anh ( chị ) sẽ chọn đọc bài nào của mình?”, “ Bài thơ nào anh ( chị ) thường nhớ tới trong những giây phút riêng tư sâu kín nhất của mình?”, “ Bài thơ nào anh ( chị ) hài lòng nhất?”, “ Thế nào là một bài thơ hay?”, “ Anh ( chị ) không làm thơ nữa có được không?”, “ bài thơ của anh bắt đầu ra sao?”, “ Thơ có thể tham gia làm biến đổi bộ mặt đời sống của một xã hội hay không?”... Trong khi đây là những câu hỏi có tính chất “ trắc nghiệm”, cho bạn đọc hình dung sự tương đồng và đa dạng trong quan niệm của các nhà thơ cũng như mối tương quan giữa chủ thể người viết, với các mặt đời sống xã hội, thì các câu hỏi dành cho từng nhà thơ lại thể hiện sự am hiểu sâu sắc và phân tích sắc bén những vấn đề thơ ca nói chung cũng như từng phong cách cá nhân; và thái độ dấn thân trung thực, tận tâm dốc lòng theo đuổi, kiếm tìm các giá trị.( Ví dụ: câu hỏi “ Trường ca Đỗ Quyên và một số nhà thơ khác, hình như chưa hề có yếu tố tự sự- narrative- và để mặc cho giọng điệu trữ tình- lyric- lấn át. Đây là sự lựa chọn thủ pháp từ ban đầu hay là kết quả sự buông lỏng của quá trình sáng tác? “ dành cho nhà thơ Đỗ Quyên hay câu hỏi “ Thơ tự do của Hoàng Cầm thường có đặc tính là tận dụng các thể thơ có vần. Anh cũng tìm cách làm rối, làm lệch đi các cấu trúc văn phạm thông thường. Đó là sự phá vỡ về hình thức. Nhưng càng đọc Hoàng Cầm, tôi càng nhận ra một cái gì đó miên man, thu hút rất mạnh, có mặt nhiều nơi. Các quy luật về không- thời gian thông thường bị phá vỡ. Một hệ thống quy luật khác được thay vào. Ta con bê vàng/ lạc dáng chiều xanh. Đó là một hiện thực khác” dành cho nhà thơ Hoàng Cầm.)
Bạn đọc còn có thể gặp được trong tập sách này những câu thơ đặc sắc nhất của các tác giả quen thuộc mà Nguyễn Đức Tùng đã đọc và chọn lọc, dẫn chứng, như một cuộc trưng bày đầy dụng ý: thơ của Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Quyên, Trần Hữu Dũng, Lê Vĩnh Tài…
Thơ là thế giới mênh mông, không thể rạch ròi nơi bắt đầu cũng như nơi kết thúc của nó. Bởi vì nó phụ thuộc vào thế giới nội tâm vốn là vô bờ bến và không thể ước định trước của con người. Nhưng tìm ra những dấu hiệu, những cơ sở, thậm chí những nguyên lý, về mặt mô tả cũng như giá trị của thơ là việc làm tất yếu và hữu ích cho nền lý luận thơ vốn còn chưa hề được manh nha cũng như cho những ai muốn bước đầu ra khỏi một thứ ước đoán chung chung, mờ mịt về lĩnh vực này. Nguyễn Đức Tùng là người sớm đặt ra vấn đề tìm hiểu lý luận thơ một cách nghiêm túc, sinh động và ấn tượng như ở tập sách bạn đang có trong tay./.