Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.890
 
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải : Phần 2
Sam Harris

Bản chất của Niềm tin

 

Ta thường lý luận rằng niềm tin tôn giáo, bằng cách nào đó, là một cái gì riêng, khác với những khẳng định khác đến kiến thức của thế gian. Không còn nghi ngờ gì là chúng ta đã xem xét, đối xử với chúng một cách khác biệt - nhất là đến mức độ chúng ta đòi hỏi con người phải minh giải cho những niềm tin của mình trong các bàn luận thông thường – nhưng điều này không mang ý nghĩa các niềm tin tôn giáo là đặc biệt trong bất cứ ý nghĩa quan trọng nào. Chúng ta muốn nói gì khi bảo rằng một người tin vào một điều công bố sẵn có về thế gian này? Như đối với tất cả các câu hỏi về các sự kiện quen thuộc quan trọng về thần kinh hệ, chúng ta cũng phải cẩn trọng để những sự quen thuộc với các phạm trù của chúng ta sẽ không dẫn chúng ta đi lạc. Cái thực tại của việc chúng ta chỉ có một từ cho “niềm tin” không hề bảo đảm rằng sự tin tưởng tự bản thân là một hiện tượng duy nhất. Một phân tích loại suy có thể vạch ra được đối với trường hợp của “trí nhớ”: dù con người hay nói đến sự thất bại về “trí nhớ” của mình, nhiều thập niên của các chứng nghiệm đã cho thấy ký ức con người đến với nhiều hình thái. Không phải chỉ các ký ức ngắn hạn dài hạn của chúng ta là các sản phẩm của các mạch trung tính riêng rẽ, không đồng dạng; tự bản thân chúng còn bị chia ra thành các hệ thống phụ phức tạp[i] Do đó, hiện nay, để đơn giản nói về “trí nhớ” tốt hơn là nên nói về  “kinh nghiệm”. Rõ ràng, chúng ta cần phải chính xác hơn về việc các phạm trù thần kinh của chúng ta có nghĩa gì trước khi muốn hiểu được chúng tầm mức của não bộ. [ii]

 

Ngay cả loài chó, mèo, trong mức độ chúng có thể hình thành được một hình thức giao tiếp qua lại giữa con người, nơi chốn và các sự việc xảy ra, cũng có thể nói được rằng chúng “tin” vào nhiều điều về thế gian. Nhưng đây không phải là loại niềm tin mà chúng ta theo đuổi. Khi nói đến những niềm tin mà con người tán thành một cách có ý thức –“Căn nhà bị mối mọt”,” Ðậu hũ không phải là món ăn điểm tâm”,”Muhammad thăng thiên bằng một con ngựa có cánh”- là chúng ta đang nói đến những niềm tin đã được trao đổi, tiếp nhận bằng ngôn ngữ. Tin vào một tiền đề có sẵn là một sự việc của sự tin rằng nó đại diện trung thực cho một số thực trạng của thế gian, và sự thực này sẽ nhượng bộ cho một số nhận thức trực tiếp thành những chuẩn mực từ những gì mà những niềm tin của chúng ta nên tác dụng.[iii] Nói một cách chi tiết, nó hé mở cho chúng ta thấy tại sao chúng ta không thể làm gì được ngoài sự đánh giá chứng cứ và yêu cầu những tiền đề về thế gian ấy phải liền lạc một cách hợp lý. Những bó buộc này áp dụng đồng đều với tất cả các vấn đề của tôn giáo. “Tự do được tin” (trong bất cứ ý nghĩa nào trừ ý nghĩa về luật pháp) là một điều hoang đường. Chúng ta sẽ nhìn thấy rằng mình không còn được tự do để tin vào bất cứ điều gì mình muốn về Thượng đế hơn là được tự do tiếp nhận các niềm tin không đúng về khoa học hay lịch sử, hoặc sự tự do muốn ám chỉ đến bất cứ ý nghĩa gì khi xử dụng đến những từ như “thuốc độc”,”phía bắc” hay “con số không”. Bất cứ ai muốn đòi hỏi đến những quyền được thực hiện đó sẽ không nên ngạc nhiên khi tất cả chúng ta đều ngừng tai lại không nghe đến y nữa.

 

Niềm tin như những Nguyên tắc cho Hành động

 

Não bộ con người là một cỗ máy xử lý phong phú các niềm tin về thế giới. Thực ra, cái nhân tính nhất trong bất cứ não bộ của một người phần lớn chứa đựng trong năng lực đánh giá những phát biểu mới của các sự thật có tính đề nghị trong ánh sáng của vô số những đề nghị khác vốn đã được chấp thuận. Bằng cách trông cậy vào trực giác về thật và giả, nhu cầu hợp lý và ngược lại, con người có khả năng đan kết những hình ảnh riêng tư về thế giới ăn khớp lại với nhau. Những diễn tiến thần kinh nào nằm bên trong quy trình này ? Một bộ não phải làm gì để tin một tuyên bố có sẵn là đúng hay sai ? Hiện thời chúng ta không hề hiểu được. Dĩ nhiên, xử lý ngôn ngữ chắc phải đóng một vai trò lớn lao nhưng sự thử thách của việc này sẽ ở chỗ khám phá ra việc làm thế nào mà não bộ đem đến được các sản phẩm của nhận thức, trí nhớ, và sự phải trái để quy vào những xác định riêng biệt và chuyển hóa chúng một cách thần kỳ trở thành chính thực chất của đời sống chúng ta.

 

Có lẽ năng lực chuyển động, có được từ một số cơ phận chính khiến lèo lái được sự phát triển về các giác quan và khả năng nhận biết của chúng ta. Ðiều này đến từ sự thật là nếu không một sinh vật nào có thể làm được bất cứ điều gì với thông tin mà chúng nhận được từ thế giới, thì thiên nhiên đã không thể sàng lọc cho những phát triển trong những cấu trúc vật chất thu lượm, tàng trữ và xử lý những thông tin như thế. Do đó, ngay cả một giác quan chính yếu như thị giác có vẻ cũng dựa vào sự hiện hữu của một hệ thống vận động. Nếu bạn không nắm được thức ăn, hoặc tránh cho chính mình khỏi trở thành thức ăn, không trượt khỏi một vực đá, thì có lẽ đã không có lý do gì cho lắm để phải nhìn thế giới trước đã- và chắc cả những cái đẹp, của những thứ có thể tìm thấy ở mọi nơi chốn trong thế giới động vật, sẽ chẳng bao giờ xảy đến cả.

 

Vì lý do này, thật không có gì đáng phải bàn cãi khi bảo rằng tất cả các tình trạng nhận thức ở tầng mức cao hơn (mà các niềm tin là một thí dụ) chính là một phương cách nào đó từ kết quả tự nhiên của năng lực cho hành động của chúng ta. Trong các phạm trù ứng dụng, niềm tin từng hữu ích một cách phi thường. Nói cho cùng, chính nhờ tin vào những xác định khác nhau về thế gian mà chúng ta tiên đoán được các biến cố và cân nhắc được những thứ như hậu quả cho hành động của mình. Các niềm tin là những nguyên tắc của hành động: bất kể niềm tin là gì và ở giai tầng nào của não bộ, chúng cũng được xử lý bởi những gì chúng ta hiểu đúng (hoặc sai) về thế giới được biểu hiện như thế nào và khiến các niềm tin ấy sẵn sàng để hướng dẫn các hành vi của chúng ta.[iv]

 

Quyền lực mà niềm tin áp đặt lên đời sống xúc cảm của chúng ta có vẻ là tất cả. Bởi vì mỗi xúc cảm mà chúng ta có năng lực để cảm nhận, chắc chắn có một niềm tin có thể gợi đến xúc cảm ấy chỉ trong khoẳnh khắc. Hãy thử xem xét một xác nhận như sau :

Con gái của bạn đang bị tra tấn tàn bạo trong một nhà tù của người Anh.

 

Cái gì đó sẽ đứng chính giữa bạn và sự kinh hoảng tột độ mà lời xác nhận này có thể cày xới trong tâm trí và thể xác của một người tin vào điều ấy ? Có lẽ bạn không có một cô con gái, hoặc bạn biết rằng con mình đang ở nhà an toàn, hoặc bạn tin rằng những cai tù người Anh rất nổi tiếng về sự tử tế của họ. Bất kể là nguyên nhân gì, cánh cửa dẫn đến niềm tin chưa hề bung ra bằng bản lề của nó.

 

Mối liên hệ giữa niềm tin và hành vi gia tăng sự hiểm nguy một cách đáng kể. Một số xác định đã quá nguy hiểm đến độ có thể trở nên một sự phải đạo để giết người đối với những ai tin vào những điều ấy. Ðiều này có vẻ như một sự tố cáo nặng nề, nhưng thực nó chỉ thuần đưa ra một sự thật bình thường về cái thế giới mà chúng ta hằng sống. Một số niềm tin đặt những kẻ bám vào chúng ra ngoài tầm giới hạn của mọi phương cách an bình của sự thuyết phục để khuyến dụ người tin vào những hành vi bạo hành lớn lao chống lại người khác. Trong thực tế, có một số người không đàm thoại với ai cả. Nếu họ không bị bắt giữ, và thường thì họ không thể bị bắt, còn ngược lại,người độ lượng có thể được bào chữa trong việc giết họ vì nguyên nhân tự vệ. Ðây chính là điều mà Hoa Kỳ đã phạm phải ở Afghanistan, và chính là điều mà chúng ta và các nước phương Tây khác đang chắc chắc sẽ phạm phải, ngay cả ở một cái giá đắt hơn nhiều cho chính chúng ta, cho những người chung chuyến tàu vô tội, ở một nơi nào khác trong thế giới các quốc gia Hồi giáo. Nói cho cùng, chúng ta sẽ tiếp tục đổ máu cho cái gọi là một cuộc chiến tranh của các ý thức hệ. [v]

 

Cái cần thiết cho sự Mạch Lạc hợp lý

 

Ðiều đầu tiên để chú ý đến các niềm tin là cái chúng phải chịu đựng lũ bè bạn lôi thôi của láng giềng chúng. Các niềm tin có liên quan vừa ngữ nghĩa (semantically) vừa hợp lý với nhau. Mỗi niềm tin ràng buộc, cũng như chúng đến lượt bị ràng buộc, bởi nhiều niềm tin khác. Việc tin rằng chiếc Boeing 747 là máy bay bay nhanh nhất thế giới chính là sự kế thừa của nhiều niềm tin khác vốn căn bản hơn ( như máy bay thì có hiện hữu) và có tính tiếp nối, có nguồn căn hơn ( chẳng hạn như những chiếc 747 thì tốt hơn những chiếc 757). Niềm tin rằng một số đàn ông là người chồng đòi hỏi đến tiền đề một số phụ nữ là người vợ cũng phải được tán thành, bởi vì chính cái ý nghĩa “người chồng” và “ người vợ” đã minh chứng hỗ tương cho nhau.[vi] Thực ra, các ràng buộc có tính hợp lý và ngữ nghĩa cũng giống như hai mặt của cùng một đồng xu, bởi vì nhu cầu muốn hiểu được ý nghĩa của từ ngữ có nghĩa gì trong mỗi một ngữ cảnh mới đòi hỏi các niềm tin của chúng ta không bị mâu thuẫn ( tối thiểu là không mâu thuẩn ngay trong ngữ cảnh ấy). Nếu tôi muốn nói đến cùng một ý nghĩa cho chữ “người mẹ” từ lúc này đến lúc khác, tôi không thể vừa tin mẹ tôi sinh ra ở Rome và cùng tin rằng mẹ tôi sinh ra ở Nevada. Ngay cả nếu như mẹ tôi sinh ra trên một chiếc phi cơ bay bằng một tốc độ siêu âm, thì những tiền đề này cũng không thể đúng được. Có một số lắt léo để áp dụng ở đây-có thể là có một thành phố tên là “Rome” ở một nơi nào đó trong Nevada; hoặc có lẽ chữ  “mẹ” nghĩa là “mẹ đẻ” trong câu này và là  “mẹ kết nghĩa” trong câu kia- nhưng điều này không thể là một ngoại lệ chấp nhận được. Ðể hiểu được một niềm tin có sẵn nói về những gì, tôi phải biết được các từ ngữ của tôi có ý nghĩa gì; để hiểu được các từ ngữ của tôi có ý nghĩa gì, những niềm tin của tôi phải được nhất quán.[vii] Không hề có lối thoát cho sự thật là có một mối quan hệ chặt chẽ giữa những ngôn từ chúng ta xử dụng, giữa các suy tưởng chúng ta suy nghĩ, và cái gì chúng ta có thể tin là đúng về thế gian này.

 

Và những ức chế về cư xử thì cứ như thể thúc ép. Khi đến nhà một người bạn để ăn tối, tôi không thể vừa tin rằng anh ta ở phía bắc đường Main vừa tin ở phía nam đường Main để hành động trên cái căn cứ mà tôi tin. Một mức độ hòa hợp bình thường của tâm lý và thể lý sẽ ngăn ngừa được sự việc tôi có thể cùng một lúc đi về cả hai hướng nam bắc.

 

Bản thân bản sắc cá nhân đòi hỏi đến tính nhất quán ấy: trừ khi những niềm tin của một cá nhân được nhất quán chặt chẽ, y sẽ có nhiều bản sắc như những tập hợp niềm tin không thể cùng tương thích với nhau chạy lung tung trong não bộ anh ta. Nếu bạn nghi ngờ việc này, cứ thử tưởng tượng đến sự chủ quan của một kẻ tin rằng y đã nằm suốt ngày trên giường vì chứng cảm cúm, nhưng đồng thời lại chơi golf; tin rằng tên mình là Jim; là Tom; tin mình có một đứa con trai nhỏ tuổi, lại cũng tin rằng mình không con cái chi. Cứ nhân những niềm tin không ăn nhập gì với nhau này lên đến tận cùng, bất kỳ ý nghĩa nào rằng chủ nhân những niềm tin là một cá thể riêng biệt sẽ biến mất. Có một mức độ của sự thiếu nhất quán một cách hợp lý không tương thích được với khái niệm của chúng ta về tính chất con người.

 

Do đó có lẽ rằng cái giá trị mà chúng ta đặt để vào sự nhất quán hợp lý vừa không sai chỗ cũng chẳng bí hiểm. Ðể lời tôi nói trở nên dễ hiểu cho kẻ khác – và ngay cả, với chính tôi – các niềm tin của tôi về thế gian phải được mạch lạc, ăn khớp. Ðể các hành xử của tôi được cung cấp từ chính điều mình tin, tôi phải tin vào những điều có chỗ cho sự hành xử, ở mức tối thiểu, được xảy đến. Nói cho cùng, một số mối liên quan hữu lý, đường như đã khắc sâu vào chính cấu trúc của thế giới chúng ta.[viii] Chuông điện thoại reo, chắc là anh tôi gọi hoặc không phải anh tôi. Tôi có thể tin vào tiền đề này hoặc một tiên đề khác-hoăc tôi có thể tin rằng tôi không biết-nhưng không thể có trường hợp nào cho phép tôi được tin vào cả hai.

 

Khởi đi từ tính quy phạm, đặc biệt với sự tôn trọng các quy luật về suy luận đưa chúng ta đến việc thiết lập nên những niềm tin mới trên căn bản của những niềm tin cũ, đã từng là chủ đề của rất nhiều bàn cãi và các công trình khảo cứu.[ix] Dù bất kỳ lối hiểu nào được chọn lựa, không ai tin rằng con người là bộ máy toàn hảo về sự nhất quán. Những thất bại không thể tránh khỏi của chúng ta về tính hợp lý có thể ở nhiều dạng, từ sự thiếu nhất quán một cách hữu lý đến tính không liên tục một cách căn bản trong bản thân của tính chủ quan. Chẳng hạn như, hầu hết văn chương về “sự tự lừa dối” cho thấy rằng một người có thể ngầm tin vào một tiền đề, đồng thời vẫn có thể tự thuyết phục mình tin vào phản đề của chính tiền đề ấy (thí dụ như: vợ tôi đang ngoại tình; vợ tôi trung thực), dù tranh cãi đáng kể vẫn vây quanh các câu hỏi về sự việc làm thế nào (hay có hay không có) những nhận thức vặn vẹo như thế đã có xảy ra.[x] Những thất bại khác của các phân tích tâm lý- từ những bệnh nhân bị bệnh “não bộ chia hai” đến các trường hợp bệnh “đa nhân cách”- tối thiểu có thể giải thích được một cách không thiên vị trong các giới hạn của các khu vực xử lý niềm tin trong não bộ khiến đã từng trở nên sự phân chia một cách cơ cấu và/hoặc một cách chức năng từ lẫn nhau.

 

Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ

 

Một trường hợp thích hợp: Trong chuyến du lịch ở Pháp, tôi và hôn thê của tôi đã chứng nghiệm một sự phân chia kỳ lạ trong niềm tin của chúng tôi về tòa đại sứ Hoa kỳ tại Paris:

 

            Hệ thống niềm tin 1: Vì biến cố 9/11 vẫn còn ảnh hưởng trên toàn thế

            giới,chúng tôi đã quyết định khi đi du lịch sẽ cố tránh những nơi có thể

            là mục tiêu của khủng bố. Ðứng đầu xếp hạng của chúng tôi cho

            những nơi chốn ấy là tòa đại sứ Hoa kỳ tại Paris. Paris là nơi cư trú của

            đông đảo người Hồi giáo nhất tại thế giới Tây phương, và tòa đại sứ

            này từng là mục tiêu của một số âm mưu khủng bố từng bị khám phá.

            Tòa đại sứ Hoa kỳ sẽ là điểm cuối cùng mà chúng tôi có thể muốn đến

            thăm trong thời gian ở Paris.

 

            Hệ thống niềm tin 2 : Trước khi đến Paris, chúng tôi rất khó khăn

            trong việc tìm phòng khách sạn ở Paris. Chúng tôi kiểm tra thấy tất cả

            các khách sạn đều đầy khách trừ một khách sạn ở khu Tả ngạn, nơi có

            rất nhiều phòng trống. Người phụ nữ ở bộ phận đăng ký phòng còn

            biếu thêm cho chúng tôi một quà tặng nâng cấp. Bà cũng cho chúng

            tôi được chọn phòng có cửa sổ quay ra các hướng có cảnh đẹp- quay

            ra vườn, hoặc quay ra hướng bên ngoài khuôn viên, nhìn thấy được tòa

            đại sứ Hoa kỳ “Thế theo bà thì nên chọn hướng nào ?” tôi hỏi “Hướng

            nhìn ra tòa đại sứ Hoa Kỳ” bà ta trả lòi “Hướng ấy nhìn rất yên tĩnh”.

            Tôi liên tưởng nhìn ra một khu vườn rộng của toà đại sứ “Hay lắm” tôi

            trả lời “Chúng tôi sẽ lấy hướng đó”.

 

Ngày hôm sau, đến khách sạn chúng tôi mới biết là mình được dành cho một phòng quay ra hướng sân trong. Cả tôi và hôn thê của tôi đều thất vọng. Lẽ ra chúng tôi phải có một phòng quay ra hướng tòa đại sứ như đã được hứa hẹn.

 

Chúng tôi gọi điện thoại cho một người bạn sống ở Paris để báo cho bà ta biết mình đang ở đâu. Người bạn của chúng tôi, một người rất khôn ngoan về các thứ trên thế giới, đã nói như thế này “ Cái khách sạn ấy ngay sát cạnh tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ðó là lý do tại sao họ biếu không cho ông bà chuyện nâng cấp. Ông bà có điên không. Ông bà có biết hôm nay là ngày gì không ? Ngày 4 tháng Bảy đấy “.

 

Sự xuất hiện của mức độ thiếu nhất quán này trong đời sống của chúng ta rất đáng kinh ngạc. Rốt cuộc, chúng tôi đã mất cả nửa ngày để vừa đồng thời tránh đi rồi lại đạt được đúng cái vị trí tương tự trên thế gian. Nhận thức được điều này, chúng ta hẳn không khỏi ngạc nhiên hơn là chuyện mình đang mọc sừng ra.

 

Nhưng cái dường như quá bí hiểm một cách tâm lý có thể lại là rất bình thường trong phạm trù của thần kinh học. Nó cho thấy rằng cụm từ “toà đại sứ Hoa Kỳ” đã được nói lên trong hai ngữ cảnh khác nhau, đã chỉ kích hoạt đến các hệ thống khác nhau về sự liên tưởng trong não bộ chúng ta. Hậu quả là, cụm từ ấy đã có được hai ý nghĩa khác biệt. Trong ý nghĩa đầu, cụm từ này ám chỉ một mục tiêu chính của bọn khủng bố; trong ý nghĩa thứ hai, nó hứa hẹn một hướng ngắm nhìn được ưa thích từ cửa sổ khách sạn. Tuy nhiên, ý nghĩa của cụm từ trên thế gian thì chỉ có một và không thể phân chia, bởi vì chỉ có một toà nhà đáp trả lời được cho cái tên này ở Paris. Cuộc đối thoại giữa hệ thống thần kinh này trở nên không đáng kể nữa; não bộ của chúng ta đã bị phân chia một cách có hiệu quả. Sự mỏng manh của phần phân chia này được hé lộ ra dễ dàng như cách nó xuất hiện. Tất cả những chuyện này khiến tôi phải hợp nhất cái nhìn của hôn thê tôi về chủ đề này là quay lại nói với nàng –người vẫn ngấm ngầm thèm muốn hướng nhìn ra tòa đại sứ Hoa Kỳ - bằng một giọng điệu cảnh giác “Khách sạn này chỉ cách tòa đại sứ có mười feet ”. Khi con số ấy được thốt ra, nàng lặng người đi vì kinh ngạc như tôi vậy.

 

Và rồi, những thực tại không thể hòa hợp được một cách tâm lý là như thế này: trong suốt cái ngày đầy băn khoăn ấy, không khi nào chúng tôi muốn đến gần tòa đại sứ Hoa kỳ và cũng không khi nào chúng tôi không ngưng nỗi thèm muốn được chuyển xuống căn phòng có cảnh tòa đại sứ.

 

Trong khi nhu cầu ngữ học và hành vi đòi hỏi chúng ta tìm sự liền lạc nhất quán giữa các niềm tin của mình ở bất kỳ nơi nào có thể tìm được, chúng ta hiểu rằng sự nhất quán toàn bộ, ngay cả trong một não bộ đã hợp nhất tối đa, cũng khó có thể đạt được. Ðiều này trở nên hiển nhiên rõ ràng ngay khi chúng ta tưởng tượng ra những niềm tin của một người được ghi lại như một danh sách các quyết đoán đại loại như tôi đang đi tản bộ trong công viên, Các công viên thường có những con thú; Sư tử cũng là thú; và tiếp tục như thế- mỗi điều là niềm tin của chính nó, cũng như thể các căn bản khả dĩ có thể hình thành những suy diễn khác và từ đó hình thành những niềm tin khác hơn về thế giới chung quanh( vừa tốt: Có thể tôi sẽ gặp một con thú, vừa xấu: Có thể tôi sẽ gặp một con sư tử). Nếu sự nhất quán hoàn hảo là có thể có được, mỗi niềm tin mới phải được kiểm chứng với tất cả các niềm tin khác, và từ đó kiểm tra tất cả các kết nối để xem xét các mâu thuẫn hợp lý.[xi] Nhưng ở đây, ta gặp phải một khó khăn nhỏ về tính toán: số lượng những so sánh cần thiết tăng thêm hàm mũ cho mỗi khi thêm một tiền đề mới vào danh sách so sánh. Một bộ não hoàn hảo có thể kiểm tra sự mâu thuẫn hợp lý được bao nhiêu niềm tin ? Câu trả lời là một sự ngạc nhiên. Ngay cả nếu có một máy điện toán lớn như vũ trụ được biết đến này, được xây dựng bởi những cơ phận không lớn hơn các hạt lượng tử, với tốc độ chuyển đổi nhanh như tốc độ ánh sáng, tất cả dốc sức song hành từ thời điểm của hiện tượng big bang đến hiện tại, vẫn còn cần phải phấn đấu để thêm niềm tin thứ 300 vào danh sách kiểm tra của mình.[xii] Ðiều này nói được gì về cái khả thi của chúng ta về sự bảo đảm từ trước đến nay của chúng ta rằng thế giới quan của chúng ta hoàn toàn không hề có mâu thuẫn gì ? Ðiều này thực chưa đáng được là một giấc mơ trong một giấc mơ.[xiii] Và rồi thì, với yêu cầu của ngôn ngữ và hành động, vẫn đúng là chúng ta phải phấn đấu cho sự nhất quán, ở bất cứ nơi chốn nào có nghi hoặc, bởi vì sự thất bại ở điểm này đồng nghĩa với sự thất bại hoặc của khả năng hành động hoặc của ý nghĩa ngữ học.[xiv]

 

Các niềm tin như những Biểu trưng của Thế gian

 

Ðể cho ngay cả cái kiến thức căn bản nhất của thế gian cũng có thể khả thi, các tính nguyên tắc trong một hệ thống thần kinh phải phản ánh một cách nhất quán những nhguyên tắc trong môi trường chung quanh. Nếu một tập hợp khác của những dây thần kinh trong não bộ của tôi kích hoạt lên mỗi khi tôi gặp khuôn mặt của một ai, tôi sẽ không bao giờ hình thành được một trí nhớ về kẻ ấy. Khuôn mặt kẻ ấy có thể lúc này là một khuôn mặt người, nhưng là một cái lò nướng bánh ở lúc kế tiếp, và tôi cũng sẽ không có lý do gì để ngạc nhiên về tính không đồng nhất ấy, bởi vì không hề có được một mẫu kích hoạt thần kinh cho sẵn nào để đồng nhất với. Như Steven Pinker đã vạch rõ, chỉ có những phản chiếu có thứ tự giữa một hệ thống xử lý thông tin (một não bộ hoặc một máy vi tính) và các quy luật về sự hợp lý hoặc xác xuất có thể giải thích “làm thế nào để sự hợp lý có thể xuất hiện từ một tiến trình cơ thể không có chủ tâm” ngay tự khởi điểm. [xv]Các từ ngữ được sắp xếp bằng một phương cách có hệ thống, có căn bản quy luật (cú pháp), và những niềm tin cũng tương tự (trong phương cách mà chúng phải mạch lạc hợp lý), bởi vì cả cơ thể lẫn thế gian đều được sắp đặt hết sức chặt chẽ. Thử xem xét câu Có một quả táo và một quả cam trong hộp thức ăn trưa của Jack. Ý nghĩa có tính cú pháp (và từ đấy trở nên hợp lý) của chữ “và” đảm bảo rằng bất cứ ai tin câu nói này đều cũng sẽ tin các định đề sau “Có một trái táo trong hộp thức ăn trưa của Jack”“Có một trái cam trong hộp thức ăn trưa của Jack”. Ðiều này không phải vì những tính chất bí mật gì mà cú pháp đảm nhiệm trong các câu từ; hơn thế nữa, đấy là một hệ quả đơn giản của sự thật mà chúng ta xử dụng các từ chữ như “và”, hoặc vì chúng ta không hiểu được những vật thể như các trái cam, trái táo và hộp đựng thức ăn trưa. [xvi]Nó xảy ra quá thường đến nỗi chúng ta sống trong một vũ trụ mà, nếu bạn bỏ một trái táo và một trái cam vào hộp đựng thức ăn trưa của Jack, bạn tất sẽ có thể lấy trái táo, trái cam hoặc cả hai ra. Có một cái điểm cốt yếu mà ở đó ý nghĩa của các từ chữ, quan hệ cú pháp của chúng và sự chính bản thân sự hợp lý không còn có thể bị ly thân khỏi tính trật tự của các vật thể trên thế gian.[xvii]

 

 

Bất kể các niềm tin là gì, không ai trong chúng ta có thể chứa một con số vô hạn của những niềm tin.[xviii] Trong khi các triết gia có thể nghi ngờ về việc có phải niềm tin là loại sự vật có thể đếm được hay không, rõ ràng là chúng ta có một sức chứa có giới hạn trong não bộ,[xix] một số lượng có giới hạn của các trí nhớ rời rạc và một số lượng giới hạn của ngữ vựng trồi sụt đâu đó không quá 100.000 từ. Do đó, có một khác biệt được phân định giữa những niềm tin tích cực có tính nhân quả,[xx] thí dụ như các niềm tin đã ở sẵn trong đầu chúng ta- và những niềm tin có thể hình thành nên khi có nhu cầu. Nếu sự tin là những gì giống như sự thông hiểu, thì rõ ràng là trực giác của chúng ta về việc có bao nhiêu niềm tin của mình hiện diện bên trong chúng ta ở bất kỳ khoảnh khắc nào có thể không đáng tin cậy được. Thí dụ như, những nghiên cứu về chứng bệnh “mù vật chuyển dịch” đã khám phá ra rằng chúng ta không hề hiểu được hầu như đa phần thế giới chung quanh như chúng ta tưởng mình hiểu được, bởi vì một tỉ lệ lớn của thị giác có thể bị thay đổi thình lình mà chúng ta không hề biết. [xxi]Một suy diễn loại suy về trò chơi trên máy tính cũng là một sự thích hợp: các thế hệ trò chơi điện tử trên máy tính hiện nay không hề tính toán các phần của thế giới ảo của chúng trừ khi một người chơi tạo nên một lệnh chuyển động yêu cầu đến sự hiện hữu của chúng. [xxii]Có lẽ nhiều liên hệ nhận thức của chúng ta cũng giống như thế.[xxiii]

 

Cho dù hầu hết những gì chúng ta tin luôn hiện diện trong tâm thức của mình hay cho dù chúng luôn cần được liên tục xây dựng lại, dường như đa số niềm tin của chúng ta cần được hiệu đính và làm mới trước khi chúng có thể hướng dẫn đến hành vi của chúng ta. Ðiều này được minh chứng mỗi khi chúng ta trở nên nghi hoặc một tiền đề mà chúng ta từng tin tưởng trước đó. Hãy thử nghĩ xem kết quả sẽ là bao nhiêu nếu như ta quên bản cửu chương – 12 x 7 = ? Tất cả chúng ta cùng có khoảnh khắc khi con số 84 nghe như không đúng cho lắm. Ở những lúc đó, chúng ta sẽ phải làm thêm một số tính toán trước khi chúng ta lại đi đến việc tin rằng 12 x 7 = 84. Hoặc thử nghĩ xem sự thể sẽ ra sao khi ta rơi vào mối nghi hoặc về danh xưng của một người quen  (“Có phải tên anh đúng là Jeff ? Có phải đó là tên mình gọi anh ta ?“) Thật rõ ràng là ngay cả mọi niềm tin dù cũ rích cũng có thể đôi lúc không tìm lại được lòng tin trong hiện tại. Những thất bại của sự kiểm chứng sự thật ấy mang lại một gợi ý quan trọng, đến một nơi mà bây giờ chúng ta sẽ rẽ sang.

 

 

Vấn đề của Ðúng và Sai

 

Tưởng tượng bạn đang ăn tối trong một nhà hàng với một vài người bạn thân. Bạn rời khỏi bàn ăn một chốc để vào phòng vệ sinh, khi trở lại nghe các bạn mình thì thào “Khẽ nào. Anh ta không thể nào biết được những chuyện này”

 

Bạn là ai trong câu nói này ? Tất cả tùy vào câu hỏi bạn có tin mình chính là “Anh ta” trong câu nói đó không. Nếu bạn là một người phụ nữ, do đó loại trừ mình ra khỏi câu nói vì cách chọn mạo từ thì bạn sẽ có thể không cảm giác gì ngoài sự tò mò. Khi kéo ghế ngồi lại vào bàn bạn có thể thì thầm “ Các bạn nói về ai thế ?”, Mặt khác, nếu bạn là người đàn ông, thì sự việc trở nên khá căng thẳng. Bí mật gì mà các bạn định dấu diếm mình ? Nếu chỉ vài ngày nữa là sinh nhật của mình, bạn có thể đoán là bạn bè mình định gây ngạc nhiên vinh dự cho mình bằng một bữa ăn. Nếu không phải như thế, nhiều khả năng tựa như kịch bản của Shakespear đang chờ đợi bạn.

 

Dựa vào những ràng buộc nhận thức có trước và những ẩn ý trong ngữ cảnh mà câu thì thầm được nói ra, một số chu trình-được-phép tin bên trong não bộ của bạn bắt đầu xét đoán đến một loạt những điều có thể xảy ra. Bạn sẽ xem xét đến nét mặt của những người bạn. Xem có phải các biểu hiện của họ tương thích với những diển giải ác ý hơn của câu nói này đang xảy ra với bạn ? hay người nào trong số những bạn bè này vừa thú nhận đã ngủ với vợ mình ? Khi nào thì xảy ra cớ sự này ? Luôn luôn có một số nối kết hóa học giữa những điều này…Ðủ để nói rằng bất cứ diễn giải loại nào của những sự cố này khi đã trở thành điều được bạn tin ắt có một hậu quả quan trọng cho cá nhân và sự giao tế xã hội của bạn.

 

Trong hiện tại, chúng ta không hề hiểu biết được điều ấy có nghĩa là gì, ở tầm mức của não bộ, để bảo rằng một người tin hay không tin một tiền đề có sẵn. Ðể tin vào một tiền đề chúng ta phải tán thành tiền đề ấy, từ đó trở nên bị ảnh hưởng về hành vi vào nội dung biểu trưng của tiền đề ấy. Có những nguyên nhân hợp lý để tin rằng quy trình này xảy ra khá tự động, để rồi tùy vào sự khác biệt này, tất cả các hành động và nhận thức sẽ thay đổi theo – và, thật ra, chỉ sự hiểu thấu một ý tưởng mới có thể tương đương với việc tin ý tưởng ấy, nếu chỉ cho một thoáng chốc. Nhà triết học Ðức Spinoza đã nghĩ rằng niềm tin và sự hiểu biết giống như nhau, còn sự không tin đòi hỏi đến một hành vi tiếp theo của sự từ chối. Một số công trình rất hay về tâm lý học đã xác minh được điều này. [xxiv]Hiểu một tiền đề cũng giống như sự nhận thức một vật thể trong một không gian thể lý. Khung cảnh mặc định của chúng ta có thể là chấp nhận những thể hiện như là một thực tại trừ khi chúng chứng tỏ được là một điều gì khác hơn. Ðiều này giải thích tại sao chỉ giải trí với cái phản bội có thể xảy ra của một người bạn cũng có thể khiến tim bạn chạy thình thịch trong khoảnh khắc trước đó .

 

Dù sự cấu thành của một niềm tin là một quy trình thụ động hay chủ động, rõ ràng là chúng ta tiếp tục theo dõi những lời bày tỏ (của cả chính chúng ta lẫn ngưòi khác) để tìm những sai sót về lý luận và sự chân thực. Thất bại không tìm ra những sai sót ấy sẽ cho phép chúng ta sống với sự hợp lý của những điều mà nếu không sẽ chỉ là những câu từ trống rỗng. Dĩ nhiên, ngay sự thay đổi của một từ chữ thôi cũng mang một ý nghĩa khác nhau giữa hành vi ân cần trìu mến và những hành vi thách đố chết người : Nếu nửa đêm, con bạn đến và nói rằng “Bố ơi, có một con voi đứng trong nhà mình” bạn sẽ hộ tống con mình về phòng nó với một khẩu súng tưởng tượng; nhưng nếu cháu nói “Bố ơi, có một ngưòi đang đứng ở trong nhà mình”, chắc bạn sẽ phải mang một khẩu súng thật.

 

 

Đức tin và Chứng cứ

 

Chúng ta không cần đến một kiến thức đặc biệt gì về tâm lý học hay thần kinh học để nhận ra rằng con người thường do dự khi phải thay đổi suy nghĩ của mình. Như nhiều tác giả đã chú giải, chúng ta thường bảo thủ về các niềm tin của mình trong ý nghĩa là chúng ta không hề thêm hoặc loại bớt chúng khỏi kho dự trữ của mình mà không có lý do gì. Niềm tin, trong ý nghĩa trí thức-là, một niềm tin nhằm đến sự thể hiện cái hiểu biết của chúng ta về thế giới-yêu cầu đến việc tin vào một tiền đề có sẵn là đúng, chứ không phải chỉ là chúng ta ước muốn tiền đề ấy được đúng. Một sự gượng ép như thế vào suy nghĩ của chúng ta chắc chắn là một điều tốt, bởi vì một suy tưởng có tính ước ao, thả lỏng sẽ tháo gỡ những niềm tin của chúng ta ra khỏi những quy tắc trong thế gian mà niềm tin có ý muốn đại diện. Tại sao là sai lầm để tin vào một tiền đề là đúng chỉ vì cảm thấy tốt để tin ? Ta chỉ cần dừng lại một chút nơi ý nghĩa của từ “bởi vì” (“bởi” + “vì”) để nhìn ra vấn đề ở đây. “Chữ “bởi vì” cho thấy một liên hệ nhân quả giữa một tiền để được xem là đúng và niềm tin của một kẻ tin như thế. Điều này giải thích cái giá trị chúng ta thường đặt để trên một chứng cứ: bởi vì chứng cứ đơn giản là một giải thích của mối quan hệ nhân quả giữa trạng thái của thế gian và những niềm tin của chúng ta về chúng. (“Tôi tin Oswald bắn Kennedy bởi vì tôi tìm thấy dấu tay của y trên khẩu súng, vì anh họ của tôi nhìn thấy y bắn, và anh tôi không nói dối”) Chúng ta có thể tin vào một tiền đề là đúng bởi vì một điều gì đó trong kinh nghiệm của chúng ta, hoặc từ các lý lẽ của chúng ta về thế gian, đã thực nói lên được sự thực của cái tiền đề bị nghi hoặc.[xxv]

 

Hãy nói rằng tôi tin Thượng đế hiện hữu, và một số người cứng đầu hỏi tôi vì sao tin như thế. Câu hỏi này, thực ra - đã mời gọi, yêu cầu - đến câu trả lời của dạng thức  “Tôi tin rằng Thượng đế hiện hữu bởi vì…”. Tuy nhiên, tôi không thể nói rằng “Tôi tin Thượng đế hiện hữu bởi vì tin như thế là khôn ngoan” (Như Pascal từng muốn chúng ta nên như thế). Dĩ nhiên, tôi có thể nói như thế, nhưng tôi không thể có ý dùng chữ “tin” như ý nghĩa khi tôi nói “Tôi tin nước thực sự gồm hai phần hydro và một phần oxy bởi vì hai thế kỷ của các chứng nghiệm vật lý học đã chứng minh điều này” hay là “Tôi tin có một cây sồi trong vườn vì tôi có nhìn thấy cái cây ấy”. Tôi cũng không thể nói những điều như  “Tôi tin vào Thượng đế bởi vì tin như thế khiến tôi cảm thấy tốt”. Cái sự thật rằng tôi sẽ cảm thấy tốt nếu như có Thượng đế không hề mang lại cho tôi một lý do nhỏ nhặt nào để tin rằng Thượng đế có hiện hữu. Điều này dễ nhìn ra khi chúng ta đổi sự hiện hữu của Thượng đế cho một số tìền đề có tính an ủi khác. Thử nói rằng tôi muốn tin có một viên kim cương to bằng cái tủ lạnh chôn đâu đó trong vườn sau nhà. Thực đúng là tôi sẽ thường không cảm thấy tốt để tin vào điều này. Nhưng tôi có lý do gì để tin rằng thực có một viên kim cương to hơn thế cả ngàn lần mà chưa từng được khám phá ra trong vườn nhà tôi ? Không. Chính ở đây chúng ta có thể thấy sự tại sao sự đánh cuộc của Pascal, hay “cú đột biến của Kierkegaard” về đức tin và những mưu đồ kiểu Ponzi khác về nhận thức luận thực không có ý nghĩa gì cả. Tin rằng Thượng đế hiện hữu là tin rằng tôi đứng ở trong một số liên hệ với sự hiện hữu của Người, rằng bản thân sự hiện hữu của Người là nguyên nhân cho niềm tin của tôi. Phải có một liên hệ nhân quả, hoặc một xuất hiện nào từ đó, giữa sự thực bị tra hỏi và sự chấp nhận của tôi về sự thực ấy. Bằng phương cách này, chúng ta sẽ nhìn thấy rằng những niềm tin tôn giáo, để trở thành những niềm tin về phương cách là gì, phải có được chứng cớ tự cốt tuỷ như bất cứ các niềm tin nào khác.

 

Vào khoảnh khắc chúng ta thừa nhận rằng các niềm tin của mình là những nỗ lực để đại diện cho các trạng thái của thế gian, chúng ta nhìn hiểu được là các niềm tin ấy phải đang đứng trong tương quan đúng với thế gian để chúng được trở nên có giá trị. Cũng nên rõ ràng là nếu một người tin vào Thượng đế bởi vì người ấy có một số kinh nghiệm tâm linh, hay bởi vì Thánh kinh đã tạo nên quá nhiều ý nghĩa, hay bởi vì người ấy tin tưởng vào uy tín của giáo hội, thì người ấy đang chơi trò chơi biện hộ bào chữa mà tất cả chúng ta đang cùng chơi khi chúng ta khẳng định rằng mình hiểu biết hầu hết các sự việc thông thường. Đây có lẽ là một kết luận mà nhiều người tin đạo muốn chống lại; nhưng sự chống lại đó không phải chỉ là sự phù phiếm mà còn là chuyện không đâu vào đâu. Đơn giản là không có hề một không gian hữu lý nào khác để các niềm tin về thế gian chiếm cứ. Chừng nào mà các lời xác định tôn giáo còn hàm ý về các phương cách của thế gian-Thượng đế thực có thể nghe được các lời cầu xin, Nếu bôi nhọ danh xưng của người, bạn sẽ phải chịu các điều xấu v.v..- những loại xác định tôn giáo này còn phải ở trong mối tương quan với thế gian cùng các niềm tin khác của chúng ta về thế gian. Và chỉ có thể với vị trí đúng ấy mà các xác định đại loại như thế mới có thể ảnh hưởng đến hậu quả, suy nghĩ hay hành động của chúng ta. Chừng nào mà một người còn duy trì rằng những niềm tin của y biểu trưng cho thạng thái thực của thế gian (nhìn thấy hay không nhìn thấy được; tâm linh hay trần tục), anh ta còn phải tin rằng các niềm tin của mình là kết quả từ cái phương cách của thế gian. Điều này, bằng sự xác định, sẽ khiến anh ta bị tổn thương bởi các chứng cứ mới. Thật vậy, nếu như không có một sự thay đổi có thể hiểu được nào trong thế gian khiến một người phải tra vấn các niềm tin tôn giáo của mình, sẽ chứng tỏ rằng những niềm tin của kẻ ấy không hề dựa vào bất cứ lưu tâm nào của y về thế gian. Do đó, y sẽ không thể yêu sách rằng, các niềm tin ấy là tiêu biểu được gì cho thế gian.[xxvi]

 

Dù rất nhiều điều có thể được nói đến trong sự bình phẩm về đức tin tôn giáo nhưng vẫn không hề thuyên giảm được sức mạnh của chúng. Ngay cả trong hiện tại, hàng triệu triệu con người sống giữa chúng ta, đang sẵn lòng chết cho những niềm tin không được xác minh ấy của chúng ta, và hàng triệu người khác nữa, sẵn sàng giết người vì những niềm tin như thế. Những kẻ mà số phận phải thống khổ suốt cả đời mình, hoặc những kẻ sống trong ngưỡng cửa của tử thần, thường tìm được an ủi từ hết công bố không căn cứ này đến các công bố không căn cứ khác. Đức tin khiến nhiều người trong chúng ta chịu đựng được những khó khăn của cuộc sống bằng sự bình thản vốn khó đạt được trong thế gian vốn chỉ được thắp sáng bởi lý lẽ. Đức tin cũng tạo ra các hậu quả thể chất trực tiếp như trong các trường hợp khi chỉ dựa vào sự trông đợi, dù tốt hay xấu, cũng chỉ đem người ta đến suy thoái của sức khỏe hoặc cái chết không biết trước được.[xxvii] Nhưng sự thực về việc các niềm tin tôn giáo mang đến các ảnh hưởng tốt cho đời sống không nói được gì về giá trị của các niềm tin ấy. Đối với những kẻ hoang tưởng, tiếp tục với những dằn vặt của ảo tưởng, sự khiếp sợ CIA có thể mang đến một ảnh hưởng mạnh, nhưng điều ấy không có nghĩa là đường dây điện thoại của y đã bị nghe lén.

 

Vậy đức tin là cái gì ? Có phải là cái gì khác hơn một niềm tin không ? Từ ngữ Do Thái cổ ’emunâ (động từ ’mn) bị chuyển dịch thành “có đức tin”, “tin” hoặc “đặt tin tưởng vào”. Kinh Septuagint, bản dịch tiếng Hy lạp từ bản tiếng Do Thái cổ, giữ được nghĩa tương tự như trong ý nghĩa chữ pisteuein(tin,tiếng Hy lạp), và ý nghĩa tương đương của bản dịch Hy Lạp này được xử dụng trong kinh Tân ước. Văn bản Do thái cổ ngữ 11:1 xác định đức tin như “ sự đoan chắc của những điều để hy vọng, sự tin vào những điều không trông thấy”. Đọc đúng cách, câu này dường như đưa đức tin trở thành một sự hoàn toàn tự thẩm định: có lẽ chính cái sự thực mà một người tin vào một điều gì đó vốn chưa được chấp nhận (“những điều để hy vọng”) hoặc cho điều mà không ai có chứng cứ gì (“những điều không trông thấy”) kết thành chứng cứ bởi tính hiện thực của nó (“sự đoan chắc”). Chúng ta hãy xem những điều này hiệu quả như thế nào: Tôi cảm thấy một “sự thuyết phục” khá hồi hộp là Nicole Kidman đang yêu tôi. Dù chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng cảm giác trong tôi chính là bằng chứng duy nhất cho niềm mê đắm của nàng. Tôi nghĩ ra như thế: các cảm giác của tôi cho thấy rằng tôi và Nicole phải có một dính líu gì đặc biệt, ngay cả siêu hình nữa, nếu không thì làm sao mà tự nhiên tôi lại cảm thấy ngay điều này ? Tôi quyết định sẽ cắm lều trước nhà nàng để thực hiện các việc tự giới thiệu cần thiết; rõ ràng, đức tin kiểu này thực là một chuyện rắc rối hết sức.

 

Xuyên suốt qua tác phẩm này, tôi phê phán đức tin trong ý nghĩa thông thường, kinh bản của nó – như niềm tin trong một số xác định có tính lịch sử, trừu tượng và định hướng đời sống. Ý nghĩa của thuật ngữ này, cả trong kinh thánh lẫn trên cửa miệng của những người tin kính, có vẻ hoàn toàn là mơ hồ. Đúng là một số nhà thần học và các bậc tu hành đã có nỗ lực uốn nắn lại đức tin như là một nguyên tắc tâm linh vượt hơn khỏi sự nhẹ dạ hoàn toàn bị xúi dục. Paul Tillich, trong tác phẩm “Các động lực của Đức tin” (1957), đã làm loãng biến mất ý nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ, vứt bỏ đi cái mà ông gọi là “đức tin sùng bái” và, thực ra, tất cả các sự cân bằng bù đắp qua lại giữa đức tin và niềm tin. Chắc chắn là các nhà thần học khác cũng đã làm như thế. Dĩ nhiên, bất cứ ai cũng có tự do để xác định lại thuật ngữ “đức tin” bằng cách nào mà họ thấy vừa vặn để từ đó mang nó đến sự phù hợp với một số lý lẽ hoặc tư tưởng thần bí. Nhưng đây không phải là dạng “đức tin” đã tạo sinh khí cho những người ngoan đạo suốt cả thiên niên kỷ. Dạng đức tin mà tôi mang vào tra vấn thì đúng là cái động tác mà Tillich đích thân chỉ trích như một “hành vi của kiến thức vốn có quá ít chứng cứ”. Nói cho cùng, lập luận của tôi, nhằm vào số đông những người sùng đạo trong tất cả các truyền thống tôn giáo, không phải nhằm vào cái xứ đạo vô tội nào đó của Tillich.

 

Bất chấp những nỗ lực đáng kể của những người như Tillich từng vất vả dấu đi những con rắn dưới mỗi chân bệ thờ, sự thật đức tin tôn giáo đơn giản chỉ là một niềm tin không được lý giải trong những nội dung đáng quan tâm nhất- đặc biệt ở những công bố hứa hẹn những kỹ xảo mà đời sống con người có thể được tha khỏi sự tàn phá của thời gian và cái chết. Đức tin là sự hóa thân của tính cả tin cuối cùng đã đạt được sự thoát hiểm khỏi những ràng buộc của các luận bàn thế gian- những ràng buộc như sự biết phải quấy, tính nhất quán nội dung, sự lễ độ và tính không thiên vị. Cho dù bạn cảm thấy mình đã trốn chạy xa khỏi xứ đạo bao nhiêu (ngay cả như bạn hiện đang điều chỉnh lại kính phản chiếu ở Viễn vọng đài không gian Hubble), bạn vẫn ít nhiều là sản phẩm của một nền văn hóa có một niềm tin được nâng lên, trong khiếm diện của chứng cứ, đến nơi cao nhất trong hệ thống tôn ti của đức hạnh con người. Ngu dốt là tiền tệ duy nhất của vương quốc này-“Phước cho những ai không thấy mà tin” (John 20:29)- và mỗi đứa trẻ con được hướng dẫn rằng, nếu không phải là một nghĩa vụ linh thiêng, thì tối thiểu cũng là một chọn lựa, để cứ tôn kính Thượng đế, người đã ẩn náu trong trí tưởng tượng của cha mẹ chúng, bất chấp đến những sự thực của thế gian.

 

Nhưng đức tin là một kẻ lừa đảo. Ðiều này có thể được nhìn thấy ngay trong phương cách của tất cả những hiện tượng khác thường trong đời sống tôn giáo-tượng Ðức mẹ đồng trinh than khóc, đứa trẻ con ném bỏ cặp nạng tàn tật xuống đất- đã được gìn giữ bởi những người sùng đạo như một sự  khẳng định niềm tin của họ. Ở những giây phút này, những người tin đạo trông như những quý ông quý bà trong sa mạc của những điều không thực được ban tặng cho một ly dữ liệu để giải khát. Không có phương cách nào chung quanh sự thật rằng chúng ta khao khát sự biện giải cho các niềm tin cốt lõi của mình và tin vào chúng chỉ vì chúng ta tin rằng những biện giải ấy, tối thiểu, cũng đang sắp nổ ra. Có người hành đạo Kitô nào ở phương Tây tỏ ra không thiên vị với những thể hiện của các bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi được vốn từng chứng minh cho sự thực của các Sách phúc âm? Thử tưởng tượng nếu như các chất carbon vốn chứng thực được độ tuổi của tấm vải liệm Turin [xxviii]đã chỉ cho thấy tấm liệm này cũ rích như đúng ngày Chủ nhật Easter, AD29: có mối nghi ngờ gì rằng sự khám phá này sẽ sinh ra một cảnh tượng nhiệt thành, sợ hãi và đắc chí về sự giảm tội xuyên khắp thế giới Kitô giáo ?

 

Ðấy chính là cái đức tin tương tự sẽ không chịu cúi mình xuống trước chứng cứ khi nó chẳng có lý do đúng đắn gì để có thể tin được. Tuy nhiên, nếu có một chút bằng chứng ủng hộ nào nổi lên, kẻ sùng đạo sẽ chứng tỏ lòng nhiệt thành với sự kiện ấy như lòng cuồng nhiệt từng có đối với các linh hồn bị đọa đày. Ðiều này minh chứng rằng đức tin không hơn gì sự tự nguyện chờ đợi một dấu hiệu-chính là ngày phán xét cuối cùng hay là một cơn mưa trút nước nào khác của chứng thực. Ðó là cuộc truy tìm kiến thức trong một chương trình trả góp: hãy tin ngay bây giờ, sống với một giả thuyết không thể minh xác cho đến ngày chết đi, bạn sẽ thấy được rằng mình đúng.

 

Nhưng ở bất kỳ bán cầu khác nào của đời sống, niềm tin là tấm ngân phiếu mà ai cũng nhất định phải tiêu xài ở phần mộ phía bên này: viên kỹ sư bảo rằng chiếc cầu chưa thể gãy đổ; vị bác sĩ phán rằng sự nhiễm độc này kháng cự lại với trụ sinh penicillin- những con người này có những lý lẽ có thể thủ tiêu được cho những khẳng định của họ về mọi chuyện của thế gian. Ngài giáo sị Hồi Giáo, vị Mục sư Kitô giáo và thầy tế Do Thái giáo không thể có được. Không có điều gì có thể thay đổi về thế gian, hoặc về cái thế gian mà họ từng trải qua, điều ấy đã minh chứng cái giả tạo của biết bao niềm tin cơ bản của họ. Ðiều này chứng tỏ rằng những niềm tin ấy không sinh ra từ bất cứ thử nghiệm nào của thế gian, hay từ sự thử nghiệm nào từ chính thế gian mà họ từng trải qua. (Chúng chính là, “không thể giả mạo được”, theo ý nghĩa của Karl Popper). Trông như thể ngay cả lò thiêu người Holocaust cũng không khiến nổi người Do thái nghi ngờ sự hiện hữu của đấng Thượng đế toàn trí, toàn năng. Nếu một nửa dân tộc mình bị đẩy lần lượt vào lò thiêu lại không thể xem như một bằng chứng chống lại cái ý tưởng là có một đấng Thượng đế đầy quyền năng chăm sóc đến chúng mình thì thật không thể còn một chứng cứ nào có thể xứng đáng hơn được nữa. Làm sao các giáo sĩ Hồi giáo biết được kinh Koran là từng lời nguyên văn của Thượng đế ? Câu trả lời duy nhất trong mọi ngôn ngữ mà không tạo nên sự chế diễu của từ “hiểu biết” là- ngài giáo sĩ ấy chả hề biết gì cả.

 

Ðức tin của một con người đúng là tập hợp phụ của những niềm tin của y về thế gian: những niềm tin về những sự thể đáng quan tâm bậc nhất rằng chúng ta, như một nền văn hóa, đã bảo y rằng y không cần minh xác những niềm tin ấy trong hiện tại. Ðến lúc chúng ta nhận thấy lối chia nhỏ thù  ghét (balkanization) này của những bàn luận của chúng ta đã bị ứng dụng trật chỗ đến như thế nào. Tất cả kỳ vọng cho kiến thức của thần học giờ nên được nhìn từ bối cảnh của một kẻ vừa bắt đầu một ngày của đời mình trên tầng thứ một trăm của Trung tâm Thương mại Thế giới vào buổi sáng ngày 11 tháng Chín năm 2001, để chỉ tìm thấy những suy tưởng lan man của y-về bạn bè, người thân, về tách cà phê đang cần bỏ đường -bị cướp đoạt không thể tự giải thích được bởi sự chọn lựa của một sự thật trần trụi: hoặc bị thiêu sống bởi chiếc máy bay phản lực hoặc phải nhảy bung ra một ngàn bộ xuống thềm đá bên dưới. Thực ra, chúng ta nên lấy tất cả cái bối cảnh của hàng ngàn người đàn ông đàn bà, trẻ em như thế, những con người bị cướp đoạt mất mạng sống, nhanh chóng hơn họ có thể tưởng tượng ra, trong một nỗi kinh hoàng rối loạn tột độ.Thủ phạm gây ra thảm cảnh hung bạo ngày 11 tháng Chín ấy chắc chắn không phải “những tên hèn hạ”, như chúng được mô tả nhiều lần qua hệ thống truyền thông phương Tây, cũng không phải là những kẻ rồ dại trong bất cứ ý nghĩa bình thường nào. Chúng là những con người của đức tin- một thứ đức tin toàn hảo như đã được thấy, và điều này, cuối cùng phải được nhận là một điều kinh hoàng để mà tìm ra.

 

TÔI TIN CHẮC rằng việc bài bác đức tin tôn giáo ngắn gọn như thế có lẽ nhẫn tâm với nhiều độc giả, đặc biệt là những người đã thấm hiểu được những an ủi của đức tin tôn giáo tự ban đầu. Nhưng cái thực tế của những niềm tin không thể minh xác lại có thể mang một hiệu quả an ủi cho tâm hồn con người thì thật không đáng để được bênh vực. Nếu tất cả bác sĩ bảo các bệnh nhân ốm nặngthập tử nhất sinh của mình rằng họ đang sắp được hoàn toàn hồi phục, điều này có thể mang lại một số yên tâmcho tâm hồn họ với cái giá đắt phải trả cho sự thật. Tại sao chúng ta nên được quan tâm về sự thật ? Câu hỏi này chờ triết gia Socrates của nó trả lời. Trong phạm vi các mục đích của mình, chúng ta chỉ cần nhận thấy rằng sự thật là mối quan tâm tột bực của chính những người sùng đạo; hơn nữa, sự thực của một học thuyết cho sẵn là đối tượng chính cho đức tin của học thuyết ấy. Tìm an ủi bằng cái giá của sự thật chưa bao giờ là động cơ của niềm tin tôn giáo. Bởi vì tất cả các tín điều đều tràn ngập các đề nghị kinh hoàng, những điều được kẻ sùng tín tin theo là những điều không thể an ủi bất cứ ai, bất kể các đau khổ chúng gây nên, để sợ phải để một số góc tối tăm của thực tại không được nhìn nhận đến.

 

Thực tế, những người sùng tín giữ chân lý trong niềm trân trọng nhất. Và họ cũng tương tự như hầu hết những triết gia và các khoa học gia trong ý nghĩa này. Con người của đức tin không đòi hỏi gì ngoài những sự thực có tính thiêng liêng, cứu chuộc và siêu hình : Ðấng Kitô chết vì tội lỗi của chúng ta; Ngài là con trai của Thiên chúa; tất cả con người đều có linh hồn và đều là đối tượng bị phán xét sau khi chết đi. Ðấy là những khẳng định đặc thù đến phương cách của thế gian. Chính chỉ vì cái ý niệm rằng một học thuyết hòa hợp được với phần lớn thực tại mà khiến có thể làm cho đức tin của một ai đó trở thành hữu dụng, cứu vãn được,hay thực ra là khả thi được một cách hợp lý, bởi vì đức tin trong một học thuyết là đức tin trong chân lý của học thuyết ấy. Có gì ngoài sự thực của những điều được dạy bảo có thể thuyết phục được lòng trung thành từ những đứa con hoang của các học thuyết khác ? Các học thuyết dị giáo được tưởng rằng như thế, và được hoà hợp với các biện pháp lành mạnh của sự khinh rẻ, bởi vì không còn lý do nào khác hơn  việc cho họ là giả mạo. Do vậy, nếu một người Kitô giáo không ngầm khẳng định về các kiến thức liên quan đến chân lý theo nghĩa đen của kinh sách, y cũng giống như một người Hồi giáo, Do thái giáo -hoặc một người vô thần-như một môn đệ của Thiên chúa. Nếu y hiểu được (bằng phương cách nào đó khiến y ý thức được một cách không thể chối cãi) rằng đấng Kitô đã thực sinh ra trong tội lỗi và chết như một con vật, thì những phát giác này chắc hắn sẽ là một cú đấm sinh tử vào đức tin của y. Những người sùng tín chưa từng bao giờ được trung lập với sự thực, từ đó, nguyên tắc của đức tin khiến họ không được trang bị để phân biệt được đúng sai trong những sự việc quan hệ đến họ nhất.

 

Có thể tin rằng những người sùng tín sẽ hành xử giống như những người hàng xóm thế tục của mình- có nghĩa muốn nói rằng, họ cũng xử sự tương đối hiểu biết- trong các sự việc đời thường của họ. Khi phải quyết định điều gì hệ trọng, họ có khuynh hướng chú trọng đến chứng cứ và các nguyên bản đích thực của sự thể như bất cứ con người không tin đạo nào khác. Khi những người theo Nhân Chứng Jê Hô Va từ chối sự truyền máu hay khi các nhà khoa học Kitô giáo cùng kiêng cữ các thuốc men hiện đại, họ có vẻ ngoại lệ với quy luật này, nhưng thực họ không như thế. Những con người này chỉ hành động một cách có ý thức trong khuôn khổ những niềm tin tôn giáo của mình. Rốt cuộc, không một người mẹ nào từng chối bỏ thuốc men cho con cái mình từ những nền tảng tôn giáo tin rằng cầu nguyện chỉ là một thực hành văn hóa có tính an ủi. Hơn thế nữa, bà ta còn tin rằng sự cứu rỗi cao cả của bà đòi hỏi đến một số biểu hiện của lòng tin tưởng vào quyền lực và mối quan phòng của Thượng đế, và điều này là một dấu chấm hết cho những gì bà sẵn lòng dâng hiến kể cả phải ký quỹ đến mạng sống của chính con mình. Những hành vi rõ ràng không hợp lý lẽ ấy lại thường ở trong sự phục vụ cho lý lẽ, bởi lẽ nó nhắm vào sự chứng thực có tính kinh nghiệm của học thuyết tôn giáo. Thực ra, ngay cả các diễn đạt cực đoan nhất của đức tin cũng thường hợp lý một cách hoàn hảo, nếu có được những niềm tin cần thiết. Hãy lấy vũ điệu rắn của đạo Pentecostal như một ví dụ đầy màu sắc nhất: trong nỗ lực chứng minh cả đức tin và tính chân thực của đức tin của họ trong ý nghĩa (đen) của Kinh thánh (như trong trường hợp của Mark 16:18 ở đây), họ đã “bắt những con rắn” (nhiều chủng loại rắn rung chuông khác nhau) và “uống bất cứ thứ gì chết người” ( thường là độc dược Stricnin) rồi thử thách đến những nội dung can đảm (vì “sẽ không hại gì đâu”) của lời tiên tri. Dĩ nhiên, một số người đã chết ngay trong cuộc thử nghiệm đó, như số phận của chính kẻ khai sáng George Hensley (chết vì bị rắn cắn, năm 1955)- Chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là không phải chứng minh sự yếu đuối của đức tin của họ mà về hiệu quả có khi từ nọc độc của rắn hoặc từ độc dược stricnin.

 

Niềm tin nào, khi một ai đã tin như một nền tảng căn bản, cũng sẽ trở thành mệnh lệnh sai khiến những gì có vẻ hợp lý vào bất cứ lúc nào. Khi các thành viên của giáo phái “Cổng Thiên đàng” không tìm được con thuyền không gian mà họ tin rằng phải theo sau sao chổi Hale-Bopp, họ bèn đem trả lại chiếc viễn vọng kính 4000 ngàn đô la đã mua để ngắm nhìn vào vũ trụ, vì họ cho rằng viễn vọng kính này bị hỏng.

 

Mặc dù đức tin vẫn phải trả phần lời cổ phần của mình, tuy thế, đức tin vẫn nằm trong sức thuyết phục rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn quá khứ, hay tối thiểu cũng không thể tệ hại hơn. Hãy thử xét đến quan điểm nổi tiếng của Julian of Norwich (1342-1413), người đã chắt lọc thông điệp của Phúc âm trong một câu không thể quên được “ Tất cả sẽ trở nên tốt lành, và tất cả sẽ trở thành tốt lành, và tất cả thứ hạng của mọi sự việc sẽ đều trở nên tốt lành cả”. Cái cám dỗ của mọi học thuyết tôn giáo không có gì bí hiểm và cao siêu hơn sự việc “mọi thứ cuối cùng đều sẽ trở thành tốt lành cả”. Ðức tin được chào mời như một phương tiện để qua đó sự thực của tiền đề này có thể được nhấm nháp cho hiện tại và bảo đảm cho tương lai. Tôi nghĩ, thật là không thể tranh cãi được rằng sự hiện hữu thực sự của cái kỹ xảo đó, cái sự thực mấp máy một số từ ngữ và ăn một chiếc bánh cracker như là những ý nghĩa thực sự của sự chuộc tội, sự đoan chắc rằng Thiên chúa đang nhìn xuống, lắng nghe và chờ đợi để ban phát những ơn sủng đến một ai và tất cả- nói cho gọn hơn, sự xứng hợp theo nghĩa đen của học thuyết với bản thân của thực tại- là điều duy nhất quan trọng đối với những người sùng tín.

 

            Bệnh dịch hạnh khủng khiếp tràn vào thành phố Ba lê tháng Sáu ấy

            (năm 1348), và căn bệnh này đã khiến cả thành phố này điêu đứng

            trong hơn một năm rưõi…

           

            Hoàng đế Philip (VI) đã yêu cầu ngành Y của đại học Paris đưa ra giải

            thích về tai họa này. Các giáo sư đại học đã tường trình rằng các nhiễu

            loạn của bầu khí quyển đã khiến mặt trời nung nóng quá độ vùng biển

            Ấn độ, khiến nước bốc lên các khí độc hại. Ngành Y khoa đã đưa ra

            một số những phương pháp chữa trị. Thí dụ như một loại nước xúp có

            thể chữa trị được, nếu thêm vào gia vị của tiêu xay, gừng và hành tỏi.

            Nói chung nên tránh các loại gà vịt, giống chim nước, thịt heo non, và

            mỡ động vật. Dầu ô liu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tắm rửa

            cũng nguy hiểm, nhưng cách thụt rửa có thể giúp được phần nào. Các

            bác sĩ khuyến cáo rằng “ con người cần phải giữ gìn sự trong sạch,

            nếu biết quý trọng mạng sống của mình”

 

            Nhà vua vẫn lo âu về một cơn giận của thánh thần. Ngài ra một chỉ dụ

            ngiêm cấm các sự báng bổ. Ai vi phạm lần đầu, sẽ bị cắt một bờ môi,

            vi phạm lần thứ nhì, sẽ bị cắt bỏ môi còn lại, lần thứ ba sẽ phải cắt

            lưỡi...

 

            Chính quyền thành phố phản ứng bằng một loạt những biện pháp cứng

            rắn nhằm mục đích chặn đứng sự hoảng loạn. Họ ra lệnh giảm bớt đi

            các tiếng chuông báo tử. Họ đặt để việc trang phục màu đen ra ngoài

            vòng pháp luật. Cấm tụ họp quá hai người tại các tang ma, hoặc

            phô bày các đau buồn ra chốn công cộng. Và để xoa dịu cơn giận

            của Thượng đế, người đã mang lại cơn thảm kịch này, họ cấm không ai

            được làm việc vào các buổi chiều Thứ Bảy, cấm tất cả các trò cờ bạc,

            các sự thề thốt, đồng thời yêu cầu tất cả những ai đang sống trong tội

            lỗi phải lập tức cưới hỏi tử tế. Li Muisis [một cha trưởng tu viện ở

            Tournai] sung sướng báo cáo rằng con số cưới xin tăng lên đáng kể,

            không ai còn nghe thấy các lời báng bổ nữa và tệ cờ bạc cũng giảm

            thiểu đến mức những người sản xuất súc sắc bây giờ phải quay ra

            sản xuất tràng hạt. Ông cũng báo cáo rằng trong nền đạo đức mới            này có 25 ngàn công dân chết vì bệnh dịch và đã được chôn cất trong

            các hầm lớn ở ngoại ô thành phố.[xxix]

 

Các niềm tin tôn giáo của những con người này ngừng lại ở đâu để các niềm tin trần tục của họ được khởi đầu ? Có thế có chút nghi ngờ nào rằng những người Kitô giáo bị vây bủa của thế kỷ mười bốn hằng khao khát đến kiến thức (nghĩa là, những niềm tin đúng đắn và có giá trị) về cơn bệnh dịch, về nguyên nhân và cách truyền bệnh của nó, để từ đấy, hy vọng tìm được một phương cách có hiệu quả để chống lại cơn dịch bệnh ? Có phải cứ trông cậy vào các tín điều của đức tin chỉ là một sự ngu xuẩn không ? Thí dụ như, nếu đã biết được rằng, cơn dịch bệnh này được mang đến từ các thuyền buồm thương mại- biết rằng các giống chuột đã leo lên bờ từ các chổ trú ẩn và mỗi con chuột là cả một quân đoàn bọ chét mang theo các khuẩn dịch hạch- thì những kẽ sùng tín ấy có nghĩ đến việc bỏ bao sức lực của họ ra để cắt lưỡi những kẻ báng bổ, dập im các tiếng chuông báo tử, mặc những y trang màu sáng sủa, và cho xử dụng tự do các thủ thuật thụt rửa? Cách tốt nhất để thắng cuộc tranh cãi với những kẻ bất hạnh này chỉ là dùng penicillin, mang lại không phải từ những miền đất có  “những bối cảnh văn hóa” khác thống trị, mà từ phần cao hơn nữa từ những con dốc của thực tế.

 

Ðức tin và Sự Ðiên loạn

 

Chúng ta đã thấy rằng niềm tin của chúng ta kết chặt vào cấu trúc của ngôn ngữ và cấu trúc rõ ràng của thế giới. Sự “tự do tin” của chúng ta, nếu có từng hiện hữu, chỉ là ở mức tối thiểu. Phải chăng người ta thực sự có tự do tin vào một công bố mà y không hề có bằng chứng ? Không. Bằng chứng (dù thuộc về cảm giác hay thuộc về lý luận hữu lý) là điều duy nhất cho thấy một niềm tin có sẵn là thực sự có ý nói về thế gian ngay tự khởi đầu. Chúng ta có những danh xưng cho loại người có nhiều niềm tin không hề minh xác hữu lý được. Khi các niềm tin của họ trở nên cực phổ biến ta gọi đó là “tôn giáo”; nếu không, chúng nên được gọi là “điên”,”tâm thần” hoặc “ảo tưởng”. Hầu hết những người của đức tin đều lành mạnh tuyệt đối, dĩ nhiên, ngay cả những người gây nên những tội ác từ niềm tin của mình. Nhưng sự khác nhau giữa một kẻ tin rằng Thượng đế sẽ thưởng y bảy mươi hai trinh nữ nếu y giết được nhiều thanh thiếu niên Do Thái, với kẻ tin rằng các sinh vật từ chùm sao Alpha Centauri đã rọi đến y những thông điệp của hoà bình thế giới từ cái máy sấy tóc của y là gì? Chắc chắn có một khác biệt, nhưng đó không phải là điều để đặt đức tin tôn giáo vào trong ánh sáng của tôn vinh.

 

Phải cần đến một kiểu, loại người đặc biệt nào đó để tin vào những gì mà vốn không ai tin được. Bị cai quản bởi những ý tưởng mà mình không hề có chứng cứ gì (do đó không thể minh định được qua thảo luận trao đổi với một người khác) nói chung là một chỉ dấu cho thấy có điều gì rất là không đúng trong suy nghĩ của mình. Rõ ràng, số đông thì sáng suốt. Thế mà, chỉ một tình cờ ngẫu nhiên của quá khứ đã được xem như bình thường trong xã hội của chúng ta để tin rằng Ðấng tạo nên muôn loài có thể nghe được suy nghĩ của bạn, dù nó được chứng mình theo kiểu bệnh thần kinh để tin rằng Người giao tiếp được với bạn bằng những tiếng mưa đập vào cửa sổ phòng ngủ của mình theo mã Morse. Và do đó, dù những người tin đạo không hề loạn trí, thì chắc chắn các niềm tin cốt lõi của họ đã điên loạn. Ðiều này không có gì ngạc nhiên, bởi vì hầu hết các tôn giáo đã từng phong thánh một số sản phẩm của ngu dốt và loạn trí thời trung cổ rồi truyền lại cho chúng ta như thể chúng là những sự thực có từ ban sơ. Ðiều này dẫn đến việc hàng tỉ chúng ta tin vào những điều mà không một người lành mạnh nào có thể tự mình tin được. Thực ra, khó có thể tưởng tượng ra một tập hợp các niềm tin gần với bệnh tâm thần hơn là các niềm tin nằm trong tâm khảm của đa số truyền thống tôn giáo của chúng ta. Hãy thử xem xét một trong những nền móng của đức tin Công giáo :

 

            Tôi cũng công bố rằng trong Thánh lễ, một sự hy sinh thực sự đúng

            đắn làm nguôi giận đã dâng lên Thiên chúa thay cho những người sống

            và kẻ chết, và rằng thân xác cùng máu huyết cùng linh hồn và thần

            thánh của chúa Jesus chúng ta đã thực sự, đúng như thế chứ không hề

            tưởng tưọng đã dâng hiến trong một sự thiêng liêng nhất của phép

            Mình thánh chúa, và phép ấy mang ý nghĩa một sự hoán đổi của chất

            bánh mì thành thân xác, và toàn thể rượu đỏ thành máu, và sự này

            nhà thờ công giáo gọi là sự hóa thể. Tôi cũng công bố rằng tất cả và

            toàn bộ Chúa Jesus cùng bánh rượu lễ đã được tiếp nhận trong từng

            phần dạng riêng.[xxx]

 

Chúa Jêsu, hoá ra, là người sinh từ một trinh nữ, đánh lừa được sự chết và trở dậy về nước thiên đàng bằng thân xác mình- giờ có thể ăn được người trong hình dạng một mẩu bánh. Cùng một vài từ Latin được chua thêm vào rượu ngon Burgundy là bạn có thể uống máu của Người được nữa. Có nghi ngờ gì rằng một kẻ tin vào những niềm tin này nên được xem là bị loạn trí ? Hay nói cho đúng hơn, có nghi ngờ gì là y bị loạn trí không ? Nguy hiểm của đức tin tôn giáo là ở chỗ nó cho phép những con người lẽ ra bình thường thu hoạch hoa quả của sự điên loạn và nghĩ rằng chúng thiêng liêng. Vì mỗi một thế hệ trẻ con mới đều được dạy dỗ rằng các tiền đề tôn giáo không cần phải minh định lại trong cách cách thức như những thứ tiền đề khác, nền văn minh vẫn bị chặt đầu bởi các đội quân lố bịch. Ngay cả lúc này, chúng ta đang giết hại lẫn nhau vì những chữ nghĩa thời cổ đại. Ai có thể nghĩ được đến một điều gì vô lý đầy thảm kịch như thế có thể xảy ra?

 

Chúng ta nên Tin vào cái gì ?

 

Chúng ta tin hầu hết những gì chúng ta tin về thế gian bởi vì những người khác bảo chúng ta tin như vậy. Trông cậy vào uy tín của những người có chuyên môn, hoặc các chứng thực của những con người thông thường, là những thứ mà từ đó các quan điểm về thế gian đã được hình thành. Thực ra, càng có học thức chừng nào, các niềm tin của chúng ta càng đến với chúng ta bằng sự gián tiếp hơn. Một kẻ tin vào những giả định mà mình chỉ có có thể cung cấp được những minh giải bằng cảm giác hay lý thuyết suông sẽ là một người hầu như chẳng biết gì về thế gian; nghĩa là, nếu như y không bị giết ngay lập tức bởi sự ngu dốt của mình. Làm thế nào để biết được rằng té từ một khoảng cách cao xuống là nguy hiểm cho tính mạng ? Trừ khi mình chứng kiến một người nào đã chết vì té như vậy, mình đã nhận được niềm tin này từ căn cứ của một người khác.[xxxi] Ðây không phải là một điều khó hiểu. Ðời sống quá ngắn và thế gian thì quá phức tạp để cho chúng ta có thể đơn độc trong các phạm trù của nhận thức luận. Chúng ta từng trông cậy vào tri thức và sự chính xác nếu không thì là trông cậy vào lòng tốt của những người lạ.

 

Song le, điều này không hề có ý là tất cả các hình thức của căn cứ, uy tín đều có giá trị, ngay cả các căn cứ tốt nhất cũng không luôn luôn đáng tin cậy. Có những lý lẽ đúng, có những lý lẽ sai, có những nhận xét chính xác, có cái không; và mỗi một chúng ta phải là người phán quyết cuối cùng xem nên hay không nên để chấp nhận rước vào mình một niềm tin có sẵn về thế gian.

 

Thử cân nhắc những nguồn gốc thông tin sau :

 

      1. Viên xướng ngôn viên trong chương trình tin tức buổi tối nói rằng một đám cháy lớn đang hoành hành tại tiểu bang Colorado. Một trăm ngàn mẫu khu dân cư đã ra tro và ngọn lửa vẫn còn chưa suy chuyển.

 

      2. Các nhà sinh học nói rằng DNA là các căn bản phân tử cho sự tái tạo tình dục. Mỗi con người chúng ta giống cha mẹ mình bởi vì chúng ta thừa kế một DNA bổ sung từ họ. Mỗi chúng ta có chân, tay bởi vì DNA của mình đã được mã hoá để các chất bổ dưỡng giúp tạo nên tứ chi ấy ngay từ trong giai đoạn mới phát triển.

 

      3. Ðức Giáo Hoàng nói rằng chúa Jesus đã được sinh ra từ một đồng trinh và thân xác đã sống lại sau khi chết đi. Người là con trai của Thượng đế, đấng đã tạo nên vạn vật muôn loài trong sáu ngày. Nếu bạn tin điều này, bạn sẽ được lên nước thiên đàng sau khi chết đi, nếu không tin, bạn sẽ phải xuống địa ngục, nơi bạn phải chịu khổ hình đời đời.

 

Ðâu là sự khác biệt giữa những dạng chứng thực này ? Tại sao không phải tất cả các “ý kiến chuyên môn” đều đáng cho chúng ta tôn trọng như nhau ? Phân tích đến đấy sẽ không có gì khó khăn để tin vào điều 1, điều 2 trong khi phải bỏ đi điều 3.

 

Tiền đề 1 : Tại sao chúng ta thấy bản tin về hỏa hoạn ở Colorado có thuyết phục ? Tin ấy có thể là một chuyện hoang đường thôi. Nhưng còn những hình ảnh truyền hình các ngọn đồi đang bốc lửa và các máy bay đang rải thuốc chữa cháy xuống thì sao ? Hay có thể có một đám hỏa hoạn, nhưng là ở tiểu bang khác cơ. Có lẽ chính ra là Texas đang bị hoả hoạn thì đúng hơn. Phân vân về những giả thiết như thế có hợp lý không ? Không. Tại sao không ? Ðây chính là lúc nhóm chữ “hiểu biết thông thường” bắt đầu hưởng được sự tín nhiệm. Có được những niềm tin về tri thức con người, sự thành công từ các hợp tác rộng rãi của chúng ta với những con người khác, cùng mức độ mà chúng ta vốn tin cậy vào các tin tức, thật hiếm khi mà một hệ thống truyền hình uy tín cùng một người xướng ngôn có lương hậu lại tạo ra một tin nhảm, hay là cả ngàn lính cứu hỏa, các gia chủ kinh hoàng kia lại tưởng lầm Texas thay vì Colorado. Những tiềm tàng ẩn chứa trong các phán xét theo lẽ thông thường kia ẩn náu một hiểu biết về những liên hệ nhân quả giữa các tiến trình khác nhau trên thế gian, những cái có thể đúng của các kết quả khác nhau, tầm quan trọng có liên quan hoặc thiếu sót từ đấy, của những ẩn ý mà chúng ta còn đang phải minh xét. Một người xướng ngôn viên truyền hình chuyên nghiệp được lợi lộc gì để dối gạt về một vụ hỏa hoạn ở Colorado ? Chúng ta không cần phải đi vào chi tiết ở đây; nếu người xướng ngôn viên loan báo có một vụ hỏa hoạn ở Colorado và chiếu cho chúng ta xem những hình ảnh cây cối cháy rụi, chắc chắn chúng ta tin ngay rằng thực đang có hỏa hoạn ở Colorado.

 

Tiền đề 2 : Thế còn các “chân lý” của khoa học ? Chúng có đúng không ? Ðã có nhiều sách vở viết về tính cách tạm thời cố hữu của các lý thuyết khoa học. Karl Propper từng cho chúng ta biết rằng chúng ta chưa từng chứng minh được một lý thuyết nào đúng cả; chúng ta chỉ không chứng mình được là chúng sai mà thôi. [xxxii]Thomas Kuhn dạy chúng ta rằng lý thuyết khoa học chịu đựng những hàng loạt sửa chữa trong từng thế hệ do đó không hội tụ về chân lý được.[xxxiii] Không có gì đã được nói trước về những lý thuyết hiện tại của chúng ta sẽ bị chứng minh là sai lầmtrong một ngày mai, do đó chúng ta tin tưởng các lý thuyết khoa học được bao nhiêu ? Nhiều người tiêu thụ bất cẩn của những ý tưởng này đã kết luận rằng khoa học cũng chỉ là một lãnh vực khác của các bàn luận của nhân loại và do vậy không còn bắm chặt được vào các sự thực của thế gian này hơn văn chương và tôn giáo. Tất cả chân lý đều hoàn toàn nháo nhào cả.

 

Nhưng tất cả các phạm vi của bàn luận đều không ở trên cùng một nền tảng, vì lý do đơn giản là không phải tất cả các bàn luận cùng tìm đến một nền tảng chung (hay bất kỳ nền tảng nào). Khoa học là khoa học bởi vì khoa học tiêu biểu cho các nỗ lực cao nhất của chúng ta để minh định được rằng những trình bày của chúng ta về thế gian là đúng (hoặc tối thiểu là không sai lầm).[xxxiv] Chúng ta thực hiện điều này bằng nhận xét quan sát và chứng nghiệm trong phạm vi nội dung của một lý thuyết. Ðể nói rằng một lý thuyết khoa học có sẵn có thể là sai không có nghĩa là bảo lý thuyết đó sai trong tất cả tính chất của nó, hay là bất kỳ các lý thuyết nào khác cũng hưởng được cơ hội ngang bằng nhau để được là đúng. Có khả năng nào cho thấy rằng DNA không phải là căn bản của sự thừa kế mang tính di truyền ? Ðấy, nếu nó không phải thì chắc ngưòi Mẹ thiên nhiên của chúng ta phải thực hiện rất nhiều giải thích. Thiên nhiên phải giải thích các kết quả của năm mươi năm thí nghiệm, vốn đã minh chứng được mối tương quan đáng tin cậy giữa dạng di truyền và hiện tượng (kể cả các ảnh hưởng có thể tái lập được của các hoán chuyển qua lại đặc thù có tính di truyền. Bất cứ lợi ích nào của sự kế truyền thay thế được các giả định hiện tại của sinh học phân tử sẽ trở thành lợi ích cho cả một đại dương những dữ liệu hiện đang phù hợp với những giả định này. Có thể nào một ngày kia chúng ta khám phá ra rằng DNA tuyệt đối không có liên quan gì với sự di truyền? Hoàn toàn không thể có được.

 

Tiền đề 3 : Chúng ta có thể tin vào uy tín của đức Giáo Hoàng ? Dĩ nhiên là hàng triệu người Công giáo đã tin thế. Thực ra, ông không thể sai lầm được trong các sự việc về đức tin và đạo đức. Chúng ta có thể thực sự nói rằng đạo Công giáo sai lầm khi tin vào những điều ông ta phát biểu ? Chắc chắn chúng ta có thể nói được như thế.

 

Chúng ta hiểu rằng không có bằng chứng nào có thể đủ để minh xác nhiều niềm tin chính yếu của đức giáo hoàng. Làm sao một con người sinh ra trong thế kỷ hai mươi lại có thể biết được là Jeusu thực đã sinh ra từ một người con gái trinh trắng ? Tiến trình suy luận, thần bí hay cái gì khác đã có thể mang lại các sự thực cần thiết về cái lịch sử tình dục của một người đàn bà kiểu Galilê (các sự thực vốn có chiều hướng hoàn toàn ngược lại với những sự thật nổi tiếng về sinh học nhân loại) ? Không thế có một tiến trình như vậy. Ngay cả một cỗ máy thời gian cũng không giúp chúng ta được, trừ khi chúng ta sẵn lòng canh chừng bà Mary hai mươi bốn giờ một ngày trong suốt những ngày tháng chung quanh khoảng thời gian có thể thụ thai ông Jesus.

 

Bên trong hay tự bản thân các kinh nghiệm hão huyền không bao giờ có thể đủ để trả lời cho những tra vấn của các sự thực đã qua. Thử cho rằng đức giáo hoàng nằm mơ thấy Jesus, và Jesus đã đến rõ ràng như từ cọ vẽ của Da Vinci ra thì đức giáo hoàng cũng không thể có được tư cách để nói rằng chúa Jesus trong giấc mơ của ông trông giống hệt như chúa Jesus thật. Sự không thể sai lầm của đức giáo hoàng, bất kể đến bao nhiêu giấc mơ và sức nhìn ông có thể có, cũng không thể ngay cả kéo dài đến việc đưa ra những nhận xét rằng có thể chúa Jesus của lịch sử có hàm râu, chứ chưa nói gì đến việc ông có phải là con trai của Thượng đế, sinh ra từ một người trinh nữ hoặc có thể sống lại sau khi chết. Ðây không phải là những dạng tiền đề mà các kinh nghiệm tâm linh có thể minh xác được.

 

Dĩ nhiên, chúng ta có thể tưởng tượng ra một kịch bản trong đó chúng ta cho ảo mộng của đức giáo hoàng hay cho chính mình sự tin tưởng. Nếu như Jesus đến và nói những điều như “Thư viện của Vatican có đúng ba mươi bảy ngàn hai mươi sáu cuốn sách” và điều đó là đúng sự thật thì chúng ta ắt có cảm giác là, tối thiểu, chúng ta đang nói chuyện được với một người có chút điều để nói về chuyện của thế gian. Cứ lấy số lượng đủ của các trình bày có thể kiểm chứng được, gặt hái trong chín từng mây từ mơ màng của đức giáo hoàng, chúng ta có thể khởi sự nói chuyện nghiêm chỉnh về các khẳng định khác mà Jesus có thể nói đến.  Ðiểm chính là ở chỗ tín nhiệm của ông có thể bắt nguồn từ phương cách duy nhất mà uy tín ấy từng có được- bằng cách tạo nên các khẳng định về thế gian có thể chứng thực được bằng những phán xét khác nữa. Ðối với cân nhắc cho tiền đề số 3, hiển nhiên là đức giáo hoàng không có gì để căn cứ vào trừ bản thân cuốn thánh kinh. Tài liệu (thánh kinh) này không phải là một phán xét đủ cho các niềm tin của ông ta, nếu căn cứ vào những chuẩn mực của chứng cứ vốn lưu hành vào thời điểm kinh sách này được soạn thảo.

 

 

Thế còn về sự tự do gần như vô địch vào các niềm tin đạo giáo của chúng ta thì sao ? Chúng thực chẳng có gì khác với các tự do của chúng ta về niềm tin vào báo chí hoặc vào ngành sinh học- và bất cứ ai tin rằng báo chí truyền thông đang gây ra một âm mưu hỏa hoạn vĩ đại, hay tin rằng sinh học về phân tử chỉ là một lý thuyết có thể minh chứng được là hoàn toàn sai lầm, đã chỉ thực hành quyền tư do suy nghĩ của y như một kẻ ngu dốt. Sự phi lý của tôn giáo đáng dành được một sỉ nhục nặng nề hơn trong các luận bàn của chúng ta, nếu như chúng vẫn còn tồn tại giữa các nguyên nhân chính của các xung đột vũ trang trong thế giới của chúng ta. Trước khi quý bạn đến phần cuối của chương này, chắc có lẽ một người nào khác nữa đã chết vì những điều gì mà ai đó tin về Thượng đế. Chắc có lẽ đến lúc chúng ta yêu cầu những con người đồng loại của mình nên có các lý lẽ khá hơn để duy trì những khác biệt tôn giáo của họ nếu như những lý lẽ đó từng hiện hữu.

 

Chúng ta phải khởi sự phát biểu tự do về những gì thực sự chứa trong các sách thánh thiêng của chúng ta, vượt lên trên các tư tưởng không chính thống bẽn lẽn của nền hiện đại - các vị mục sư đồng tính nam, nữ, các giáo sĩ Hồi giáo từng đánh mất sở thích của mình vì các què cụt của công chúng, hay những người đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật chưa bao giờ đọc thông Thánh kinh. Một nghiên cứu tỉ mỉ những kinh sách này và lịch sử đã cho thấy rằng không có một hành vi tàn ác kinh hoàng không thể bị phán xét được.Chính chỉ vì các hết sức né tránh kiểu nhào lộn nghệ thuật trong các chương đoạn mà các quy tắc kinh điển chưa từng bao giờ ngờ được rằng chúng ta có thể thoát khỏi sự giết hại lẫn nhau triệt để cho hào quang của Thượng đế. Bertrand Russell đã có lý khi ông nhận xét như sau :

 

Những người Tây ban Nha ở Mễ Tây cơ và Pêru thường rửa tội cho các trẻ em thổ dân da đỏ rồi ngay lập tức đập vỡ sọ chúng ra: bằng các phương cách này họ đảm bảo được những đứa trẻ ấy lên được cõi thiên đàng. Không một người Kitô giáo chính thống nào có thể tìm được một lý lẽ gì để đả phá các hành động của họ, mặc dù tất cả thời nay làm như thế. Trong biết bao phương cách không thể đếm xuể cái học thuyết về tính bất tử của cá nhân trong hình thái Kitô giáo của nó đã có những hậu quả huỷ hoại đến đạo lý…[xxxv]

 

Ðúng là đức tin đã chuyển hóa hàng triệu con người để thực hiện được những hành động hy sinh thân mình một cách phi thường cho lợi ích của tha nhân. Sự trợ giúp đem đến cho người nghèo của các dòng tu Kitô trong những quốc gia đang phát triển minh chứng rằng các lý tưởng tôn giáo có thể dẫn đến những hành động vừa cao đẹp vừa cần thiết. Nhưng có những lý lẽ cho sự hy sinh tốt đẹp hơn nhiều so với những lý lẽ mà tôn giáo từng có thể mang lại.Cái sự thật rằng đức tin từng khuyến khích được bao người làm điều tốt lành không thể mang lại ý nghĩa rằng đức tin tự nó là một sự cổ vũ cần thiết (hoặc tốt) cho điều thiện. Thật khá dể dàng và còn hợp lý nữa, để hy sinh mạng sống người này nhằm cứu vớt kẻ khác mà không phải tin vào bất cứ lý tưởng kỳ cục gì về bản chất của vũ trụ.

 

Ngược lại, những tội ác khủng khiếp nhất chống lại nhân loại đã luôn luôn từng được xúi dục bởi những niềm tin phi lý. Ðây gần như là một sự thật quá hiển nhiên. Các kế hoạch diệt chủng có khuynh hướng không phản ánh sự hợp lý của thủ phạm đơn giản bởi vì không thể có nguyên nhân tốt lành nào cho việc giết hại những con người hiền lành một cách bừa bãi. Ngay cả ở những nơi tội ác là chuyện trăm năm mới xảy ra một lần,chúng đã phải cần đến một sự quá đỗi nhẹ dạ của cả xã hội để đưa đến thành công. Hãy nghĩ đến hàng triệu người bị giết bởi Mao và Stalin: dù những bạo chúa này chỉ thừa nhận ngoài miệng đối với lẽ phải, chủ nghĩa cộng sản không có gì lớn lao hơn một thứ tôn giáo chính trị.[xxxvi] Ngay tâm điểm của con bạch tuộc đàn áp và khủng bố ẩn nấp một tư tưởng tàn nhẫn, đến nỗi bao thế hệ đàn ông đàn bà phải hy sinh. Dù các niềm tin của họ không vươn đến được tầng cao hơn của thế gian, họ đều là các loại giáo phái và ngu xuẩn. Ðể dẫn chứng chỉ cần đến một thí dụ: chính cái học thuyết được ôm ấp bởi ngành sinh học “xã hội chủ nghĩa” của Lysenko-như để phân biệt với sinh học “tư bản chủ nghĩa” của Mendel và Darwin- đã giúp dọn đường cho hàng chục triệu cái chết của phụ nữ ở Liên Xô và Trung Hoa trong phầu đầu của thế kỷ hai mươi.

 

Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ mổ xẻ hai hồi đen tối nhất của lịch sử đức tin: thời đại tòa dị giáo và Lò thiêu người Do Thái. Tôi đã chọn thời đại tòa dị giáo làm một trường hợp nghiên cứu bởi vì không có một thí dụ nào mà quá nhiều đàn ông đàn bà bình thường đã loạn trí vì niềm tin vào Thượng đế đến thế, không ở đâu khác có sự đánh đổ lý lẽ quá trọn vẹn hay hậu quả của nó quá khủng khiếp như thế. Lò thiêu người Do thái cũng thích đáng để được xem xét ở đây vì nó từng được xem như một hiện tượng hoàn toàn thế tục. Thực ra không phải như thế. Chủ nghĩa bài Do thái vốn xây nên lò thiêu người từ từng viên gạch một-và vẫn còn phát triển đến ngày nay-đã đến với chúng ta chính bằng phương tiện của thần học Kitô giáo. Dù có được biết đến hay không, chính những đảng viên Quốc xã là các đại biểu của tôn giáo.....

 

 

Lê Quốc Tuấn dịch và giới thiệu



[i] Bằng chứng cho sự thực này chưa khi nào được hùng hồn hơn như khi sự tổn thương não bộ hủy hoại đến một mặt của ký ức con người mà không ảnh hưởng gì đến các phần khác- thật thế, kiến thức của chúng ta về ký ức con người  phần lớn dựa vào những sử liệu được ghi lại từ các bệnh viện (như W. B. Scoville và B. Milner, “Loss of Recent Memory after Bilateral Hippocampal Lesions,” Journal of Neurology, Neurosurgery and Psychiatry 20 (1957): 11-21). Ký ức dài hạn của chúng ta từ đó đã từng vỡ ra thành các căn nghĩa, chương đoạn, trình tự (semantic, episodic, procedural) và các hình thái khác của xử lý thông tin; còn ký ức ngắn hạn (thường được gọi là “ký ức sống”) hiện nay được chia thành âm vị, thị giác, khoảng không, nhận thức, âm vang (phonological, visual, spatial, conceptual, echoic ) và các bộ phận thi hành trung tâm. Các phân tích của chúng ta về hai thể loại ký ức này chắc chắn là chưa đầy đủ. Thí dụ như sự khác biệt giữa ký ức căn nghĩa (semantic) và ký ức chương đoạn (episodic) có lẽ không thể xem như là sự thay thế được cho bản tâm đồ (topographical). (E.A. Maguire et al.,“Reading Routes around London:Activation of the Right Hippocamus in Taxi Drivers,”Journal of  Neuroscience 17 [1997]:7103-10); và ký ức căn nghĩa có vẻ nhạy cảm đến sự chia nhỏ thêm nữa thành các phạm trù-phụ thuộc-đặc biệt, như trong trường hợp ký ức về các vật thể sống đối nghịch với các vật thể không thuộc về sự sống (S. L. Thompson-Schill et al., “A Neutral Basis for Category and Modality Specificity of Semantic Knowledge,” Neuropsychologia 37 [1999]:671-76; R. Hart et al., “Category Specific Naming Deficit following Cerebral Infarction,” Nature 316 [ngày 1 Tháng Tám,1985]:439-40)

 

[ii]  Có những phương cách để giải thích khái niệm về sự “tin” khiến tạo cho nó rời ra ngang bằng nhau. Nếu xử dụng một giới hạn quá lỏng lẻo, nó có thể giống như toàn bộ não bộ bị vướng mắc quá sâu vào việc cấu thành sự “tin”. Thí dụ như, tưởng tượng rằng một người đến cửa nhà mình mà bảo rằng y đại diện cho trò “Rút thăm của các Nhà Xuất bản bán Ðại hạ giá”:

    1. Bạn nhìn nét mặt y, nhận diện nét mặt ấy, và do đó “tin” rằng mình biết ngưòi đàn ông này là ai. Hoạt động trong vỏ não hình thoi, nhất là ở phía bán cầu bên phải, quyết định chủ yếu cho sự nhận biết ấy xảy ra, và một tổn thương y học ở đây sẽ đưa đến chứng mù diện mạo (prosopagnosia), nghĩa là sự bất lực trong việc nhận diện một khuôn mặt quen thuộc, hoặc đúng hơn là nhìn khuôn mặt nào cũng ra như nhau cả. Xử dụng chữ “tin” trong khôn khổ này, chẳng khác nào bảo rằng chứng mù diện mạo đã mất đi những “niềm tin” về các khuôn mặt người khác nhìn giống như thế nào.

    2. Sau khi đã nhận xét diện mạo của y, bạn sẽ định hình sự “tin” căn cứ vào ký ức dài hạn của mình về cả những diện mạo và sự thực chứng tỏ rằng y chính là Ed McMahon, người phát ngôn viên nổi tiếng của Nhà Xuất bản bán Ðại hạ giá. Sự tổn thương đến phần vỏ não chung quanh sống mũi và phần não mang tên perihippocampal đã có thể ngăn cản sự hình thành của sự “tin” này. Xin đọc R. R. Davies et al.,“The Human Perirhinal Cortex in Semantic Memory: An in Vivo and Postmoterm Volumetric Magnetic Resonance Imaging Study in Semantic Dementia, Alzheimer’s Disea and Matched Controls,”Neuropathology and Applied Neurobiology 28, no. 2 (2002):167-78 [abstract], và A. R. Giovagnoli et al.,“Preserved Semantic Access in Global Amnesia and Hippocampal Damage,”Clinical Neuropsychology 15 (2001):508-15 [abstract].

    3. Chưa biết chắc chắn đây là một chuyện hoang đường hay đại loại như thế (có lẽ ông McMahon hiện nay đang làm việc cho công ty Candid Camera) bạn dùng thêm vài khoảnh khắc để nhận diện người đàn ông đứng trước cửa. Bạn định dạng sự “tin”, căn cứ vào âm hưởng giọng nói của y, ánh mắt và nhiều yếu tố khác nữa, để biết chắc y đáng tin hầu từ đó tin vào những gì y muốn trình bày. Năng lực định hình những phán đoán đó của bạn có thể tin cậy được, đặc biệt là năng lực phát hiện ra những gì không đáng tin- đòi hỏi tối thiểu bạn phải có phần não amygdale hoạt động được (R. Adolph et al., “The Human Amygdala in Social Judgment,” Nature 393 [4 Tháng Sáu ,1998]:470-74), vốn là một phần nhỏ, giống như hạt hạnh nhân trong phần trung tâm não thái dương của bạn.

    4. Sau đó, ông McMahon thông báo rằng bạn là người may mắn trúng một “big jackpot”. Trí nhớ của bạn về từ (cần đến nhiều xử lý khác so với trí nhớ về dung mạo) dẫn bạn đến niềm tin rằng mình đã trúng được một số tiền hơn là một loại “pot” nào đấy. Ðể hiểu được ý nghĩa của từ “jackpot” này sẽ cần đến sự làm việc của các nếp cuộn não trong phần thái dương chính và phần giữa, chiếm phần lớn bán não cầu bên trái của bạn. Ðọc  A. Ahmad et al., “Auditory Comprehension of Language in Young Children:Neutral Networks Identified with fMRI, Neurology 60 (2003):1598-605, và M. H. Davis và I. S. Johnsrude, “Hierachical Processing in Spoken Language Comprehension,”Journal of Neuroscience 23 (2003):3423-31.

    5. Sau đó, McMahon trình bày một văn bản và mời bạn đọc. Y làm như thế bằng cách chỉ tay vào. “Niềm tin” của bạn rằng y muốn mình đọc cần đến sự vận hành của cái được gọi là “lý thuyết về ý thức” về phần bạn. (D. Premack và G. Woodruff,”Does Chimpanzee Have a Theory of Mind” Behavioral and Brain Sciences 1 (1978):515-26)- nếu có một nhánh cây tình cờ xoay hướng về phía tờ giấy, bạn sẽ không nghĩ là nhánh cây ấy có  ý  “chỉ trỏ” gì cả. Cuộc mổ xẻ ẩn bên trong xử lý của lý thuyết về ý thức không hoàn toàn rõ ràng trong thực tại, nhưng có lẽ cả vành vỏ não phía trước cùng khu não thùy thái dương và phía trước cho phép bạn quy về các trạng thái tinh thần (bao gồm cả niềm tin) đến những cái khác. Ðọc K. Vogeley et al.,“Mind Reading:Neutral Mechanism of Theory of Mind and Self-perspective” Neurolimage 14 (2001):170-81; C. D. Frith và U.Frith, “Interacting Minds-A Biological Basis”, Science’s Compass 286 (1999):1692-95; và P. C. Fletcher et al., “Other Mind in the Brain:A functional Imaging Study of Theory of Mind in Story Comprehension “Cognition 57 (1995): 109-28.

    6. Xem xét văn bản bằng mắt, bạn nhìn thấy các ký hiệu dính liền vào tên mình :$10,000,000. Một số xử lý liên quan đến chữ số Ả Rập (có lẽ ở bên não thùy đỉnh trái của bạn) – G.Denes và M.Signorini “Door But Not Four and 4 a Category Specific Transcoding Deficit in a Pure Acalculic Patient” Cortex 37, no 2 [2001] 267-77) khiến bạn “tin” rằng văn bản này đúng là một tấm ngân phiếu mười triệu dollars.

 

Dù cho nhiều dòng khác nhau của các hoạt động thần kinh đã quy tụ lại khiến bạn tin rằng mình đã trúng một số tiền cực lớn, chính là ý tưởng này - biểu hiện rõ ràng bằng ngôn ngữ - đã chi phối những thay đổi lướt qua cực nhanh xảy ra bên trong hệ thống thần kinh và trong đời sống của bạn. Có lẽ bạn sẽ giật mình rú lên vì sự độ lượng của Ô. McMahon, có thể bạn sẽ bật khóc. Niềm tin rằng mình vừa trúng số 10 triệu mỹ kim sẽ là tác giả của tất cả các hành vi, cả chủ động lẫn không chủ động như thế này. Đặc biệt, niềm tin ấy còn chỉ đạo đến hành vi theo sau: khi được hỏi là “Có phải bạn vừa trúng 10 triệu không ?” bạn sẽ trả lời “Đúng vậy” nếu bị kích thích bởi sự bộc trực.

 

[iii]  Niềm tin, trong ý nghĩa này, là cái mà các triết gia thường gọi là một “thái độ có tính đề nghị”(propositional attitude). Thực tế, chúng ta có rất nhiều các thái độ như thế, và chúng thường hướng đến bằng một mệnh đề có chứa những từ ngữ  “rằng”; chúng ta tin rằng, sợ rằng, có ý rằng, biết ơn rằng, hy vọng rằng v.v…

 

[iv]  Sự hình thành một số niềm tin nguyên thủy có thể không thể phân biệt được từ sự chuẩn bị một sơ đồ thần kinh vận động.  Ðọc J. I. Gold và M. N. Shadlen “Representation of a Perceptual Decision in Developing Oculomotor Commands” Nature 404 ( ngày 3 tháng Ba 2000):390-94, và “Banburismus và the Brain: Decoding the Relationship between Sensory Stimuli, Decision,and Rewards” Neuron 36, no 2 (2002):299-308, để theo dõi cuộc thảo luận về các phán đoán thị giác và sự đáp ứng của thần kinh mắt (oculomotor).

 

[v]  Chúng ta không cần phải đem tất cả thành viên Al Qaeda “ra công lý” chỉ vì những gì đã xảy ra ngày 11 tháng 9.2001. Hàng ngàn đàn ông, đàn bà, trẻ em tan biến theo đống gạch vụn của Trung Tâm Thương mại Thế giới đã vượt quá sự chịu đựng và khả năng đáp trả của chúng ta, và hành vi trả thù thành công ấy tuy có thỏa mãn một số người nhưng không ai có thể thay đổi được thảm trạng bi đát này. Các phản ứng tiếp theo của chúng ta ở Afghanistan và một số nơi khác được coi là đúng vì những gì có thể xảy đến cho nhiều ngưòi vô tội khác nếu như các thành viên Al Quaeda được tiếp tục theo đuổi các niềm tin kỳ dị của họ. Nỗi kinh hoàng của ngày 11 tháng 9, nên là một động cơ thúc đẩy chúng ta, không phải chỉ vì chúng mang lại cho chúng ta một mối bất bình mà giờ chúng ta phải báo thù, nhưng chính bởi vì nó đã chứng tỏ một số người Hồi giáo của thế kỷ hai mươi mốt này thực đã tin vào những tín điều phi lý và nguy hiểm nhất từ đức tin của họ.

 

[vi]  Việc xem xét đến cấu trúc của ngôn ngữ chúng ta cho thấy rằng đây không phải là một trường hợp đặc thù, bởi vì tất cả các từ và sự xử dụng của các từ ấy đã dẫn chúng ta đến các vòng luẩn quẫn của những lời giải thích lẫn nhau.

 

[vii]  Triết gia Donald Davidson đã khiến nhận thức này phải kinh qua nhiều thử thách trong công trình của ông về “sự diễn dịch căn bản”. Một hậu quả rất hay của mối liên quan giữa niềm tin và ý nghĩa là bất cứ nỗ lực để hiểu một người xử dụng ngôn ngữ nào đều đòi hỏi mình phải giả thiết là y hữu lý một cách căn bản (đây là “nguyên tắc về rộng lượng” [principle of charity] của Davidson)

 

[viii] Tối thiểu là dựa vào cái tỷ lệ “cổ điển” mà chúng ta đang sống. Rằng thế giới quán tính không biểu hiện như thế này giải thích cho việc tại sao không ai có thể cho rằng mình “hiểu biết” được nó trong các ý nghĩa có tính thực tiễn.

 

[ix]  Ðọc D. Kahneman và A. Tversky, “On the Reality of Cognitive Illusions,” Psychologycal Review 103 (1996):582-91; G. Gigenenzer, “On Narrow Norms and vague Heuretics: A Reply to Kahnenman and Tversky, “ibid.,592-96; K. J. Holyoak and P. C. Cheng, “Pragmatic Reasoning with a Point of View,” Thinking and Reasoning 1 (1995):289-313; J. R. Anderson, “The new Theoretical Framework,” in The Adaptive Character of Thought (Hillsdale, N. J. Erlbaum, 1990); K. Peng and R. E. Nisbett, “Culture Dialectics and Reasoning about Contradicition,”American Psychologist 54 (1999): 741-54; K. E. Stanovich and R. F. West, “Individual Differences in Rational Thought, “Journal of Experimental Psychology:General 127 (1998):161.

 

[x]  Ðọc A. R. Mele, “Real Self-Deception”, Behavioral and Brain Sciences 20 (1997):9-102, “Understanding and Explaining Real Self-Deception,” ibid., 127-36, và Self-Deception Unmasked (Princeton:Princeton Univ. Press,2001); H. Fingarette, Self-Deception (Berkeley:Univ. of California Press, 2000); J. P. Dupuy, ed., Self-Deception and Paradoxes of Rationality (Stanford:CsLI Publications, 1998); D. Davidson, “Who is Fooled ?” ibid.,;G. Quattrone and A. Tversky, “Self-Deception and the Voter’s Illusion,” trong The Multiple Self, ed, J. Elster (Cambridge:Cambridge Univ. Press, 1985), 35-37.

 

[xi]  Ðiều này giả định rằng nhiều niềm tin có chung những quy cách, như các niềm tin con người thường có chung như thế.

 

[xii]  Thí dụ này trích từ W. Pounstone, Labyrinths of Reason: Paradox, Puzzles, and The Frailty of Knowledge (New York: Anchor Press, 1998), 183-88.

 

[xiii]  Gần đây, các lý thuyết về vật lý đã tiến đến mức tiên đoán được các tính toán quán tính xuyên qua một con số vô định của các vũ trụ song song (D. Deutsch, The Fabric of Reality [New York:Penguin,1997]) hoặc khả năng là tất cả các sự việc một ngày nào đó sẽ được hệ thống hóa như một siêu máy tính “toàn trí” (F. Tipler, The Physics of Immortality [New York:Doubleday, 1995]) để tự bản thân sẽ sẵn sàng cho một chắt lọc của thời-không kết quả từ sự xụp đổ sức hấp dẫn của vũ trụ. Tôi đã loại trừ những điều này và những huyền bí không thực tế khác ra khỏi cuộc luận bàn hiện tại.

 

[xiv]  Một phương cách khác để đạt đến những gượng ép của ngữ nghĩa và sự hợp lý là bảo rằng các niềm tin của chúng ta phải có tính hệ thống. Tính hệ thống là một đặc tính của những niềm tin thừa hưởng được từ ngôn ngữ, sự hợp lý và ở cả thế gian. Tương tự như hầu hết các từ ngữ tìm được ý nghĩa của chúng từ hiện diện của những từ ngữ khác, các niềm tin cần những niềm tin khác tồn trú trong một biểu trưng tổng thể của một con ngưòi về thế giới. Cái bóng mờ của nhận thức bắt đầu được dệt lên như thế nào vẫn còn là bí ẩn, nhưng dường như không có mấy nghi ngờ gì rằng chúng ta trở nên có tính kiểm soát được bằng vi mạch đến hàng loạt các năng lực có tính ngữ học-nguyên thủy, niềm tin-nguyên thủy (từ chữ doxa, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “tin”) Những năng lực cho phép chúng ta khởi sự diễn giải những xôn xao của giác quan như những sự hợp quy, cân đối của chúng ta trong môi trường chung quanh và trong chính chúng ta. Chúng ta không học một ngôn ngữ bằng cách ghi nhớ một loạt những câu từ liên quan, không hình thành một thế giới quan bằng cách tiếp nhận một loạt những niềm tin không dính dáng gì với nhau, và chúng ta không hình thành một cái nhìn về thế giới bằng cách chấp nhận vào một loạt những niềm tin không liên kết với nhau. Ðể hiệu thêm về cuộc bàn luận đến hệ thống hóa của ngôn ngữ, xin đọc J. A. Fodor và Z. W. Pylyshyn “Systematicity of Cognitive Rrepresentation” trích từ “Connectionism and Cognitive Architecture”, trong Connections and Symbols, ed. S. Pinker and J. Mehler (Cambridge: MIT Press, 1988). Một niềm tin phải được đan kết với các niềm tin khác để trở nên một niềm tin cho tất cả mọi thứ. (Ngay tại đây, tôi gác qua một bên, sự việc có hay không những niềm tin không hề dựa vào bất kỳ niềm tin nào khác để suy đến ý nghĩa của mình. Dù có hay không có hiện hữu của những niềm tin về nguyên tử như thế, rõ ràng là hầu hết các niềm tin của chúng ta không phải là thuộc về loại niềm tin như thế này).

 

Tính hệ thống của lý luận có lẽ được bảo đảm bởi sự thực sau: nếu như một tiền đề cho sẵn là “đúng”, thì bất cứ một tiền đề (hoặc một loạt những lý do) nào ngược lại đều là “sai”. Một yêu cầu như thế có lẽ để phản ánh sự sắp xếp của các sự thể trong thế gian, và từ đó đặt được những kiềm chế mạch lạc vào các hành vi của chúng ta. Nếu một câu nói như  “Những cái bánh ở trong cái tủ bếp” được tin vào, ắt nó sẽ trở nên một nguyên tắc để hành động- ý muốn nói rằng khi thèm ăn bánh, tôi sẽ tìm bánh ở trong tủ bếp. Trong dung mạo của một niềm tin như thế, một phản đề như “cái tủ bếp trống rỗng” sẽ được xem như một sự chống đối lại sự thành hình một kế hoạch hành động của tôi. Ứng xử tìm-bánh một cách tự tin phải cần đến một số liên quan hợp lý trong niềm tin của tôi.

 

[xv] Theo S. Pinker, The Black Slate (New York: Viking, 2002), p. 33.

 

[xvi]   Có một điểm tiếp giáp giữa nhận xét của tôi ở đây và giải thích lý do “các khuôn mẫu tâm thần” (mental models) phát triển bởi P. N. Johnson-Laird và R. M. J. Byrne, Deduction (Hillsdale, N.J.:Elbaum, 1991), chaps. 5-6. Tuy nhiên, tôi muốn ghi nhận rằng, các khuôn mẫu tâm thần của các vật thể trong thế giới cư xử như chúng từng cư xử bởi vì các vật thể cũng cư xử như vậy. Ðọc L. Rips, “Deduction and Cognition,” trong An Invitation to Cognitive Science:Thinking, ed. E. E. Smith và D. N. Osherson (Cambridge: MIT Press, 1995), 297-343, về mối nghi ngờ phải chăng chúng ta có thể học hỏi được gì từ khái niệm về  AND.

 

[xvii]  Dĩ nhiên chúng ta có thể nghĩ đến những thí dụ mà ở đấy một số những câu từ của chúng ta chạy điên loạn ra khỏi sự hợp lý thông thường. Thí dụ như, người ta không thể đặt cái bóng của quả táo và cái bóng của quả cam vào trong hộp đựng thức ăn trưa của Jack, đóng nắp lại rồi nghĩ đến việc cuối ngày sẽ lấy một trong hai thứ ra được.

 

[xviii]  Một đặc tính khác của niềm tin trực tiếp đến từ bản chất của ngôn ngữ: Cũng tựa như không thể có một giới hạn nào cho số lượng của các câu mà một con ngưòi có tiềm năng nói ra được (ngôn ngữ thường được xem như “có sinh sản” là từ trong ý nghĩa này), không hề có sự giới hạn của những niềm tin về thế giới mà con người có tiềm năng hình thành. Bởi vì bây giờ tôi biết rằng không hề có con cú trong tủ áo của tôi, tôi cũng tin rằng không có hai con cú, ba con cú, bốn con cú …và đến vô tận.

 

[xix]  Hầu hết các nhà khoa học về thần kinh học tin rằng chúng ta có vào khoảng 10 lũy thừa 11 đến 10 lũy thừa 12 các dây thần kinh, mỗi sợi thần kinh này trung bình tạo nên 10 lũy thừa 15 đến 10 lũy thừa 16 các giao tiếp với đồng loại của chúng. Do đó chúng ta có khoảng 10 lũy thừa 15 hay 10 lũy thừa 16 các khớp thần kinh. Ðó là những con số tuy lớn nhưng vẫn hữu hạn.

 

[xx]  Theo N. Block, “The Minds as the Software of the Brain,” trong An Invitation to Cognitive Science:Thinking, ed. E.E. Smith and D. N. Osherson (Cambridge:MIT Press, 1995) ,377-425.

 

[xxi]  D. J. Simons et al., “Evidence for Preserved Representations in Change Blindness,” Consciousness and Cognition 11, no. 1 (2002):78-97; M. Niermer et al., “A Bayersian Approach to Change Blindness, “Annals of the New York Academy of Science 956 (2002):474-75 [abstract].

 

[xxii]  R. Kutzwell, The Age of Spiritual Machines (New York:Penguin, 1999).

 

[xxiii] Thử xem xét một niềm tin toán học như 2+2=4. Không chỉ tất cả chúng ta tin vào tiền đề này; mà niềm tin này là một tiền lệ luôn luôn đúng đối với tất cả chúng ta trong bất cứ thời điểm hiện tại nào. Chúng ta không cần phải xây dựng nó như một đảm bảo ngẫu nhiên, hơn là bởi tính cách của những niềm tin sơ khai mà chúng  phải xây dựng từ những niềm tin khác. Thế còn một niềm tin như 865762 + 2 = 865764 thì sao ? Tất cả chúng ta đều chưa từng nghĩ đến số tổng này trước đó, và chúng ta tin vào đấy chỉ từ tính cách xác lập nó theo các quy luật của số học. Hơn nữa, bằng cách ấy, chúng ta có thể tính ra y như là chúng ta thực hiện với tiền đề 2 + 2= 4. Có sự khác biệt nào giữa hai niềm tin toán học này không ? Chắc chắn là có trong các ý nghĩa của khoa nghiên cứu hợp lý hiện tượng học (phenomenological). Thí dụ như, bạn sẽ nhận thấy, mình không dễ dàng nói, hoặc nghĩ một tổng số dài hơn, trong khi hai cộng hai bằng bốn đến với ý thức hầu như chỉ trong một cách phản xạ. Song le, trong phạm vi quan tâm của chúng ta đến các đóng góp có tính trí thức, những niềm tin này đều “đúng” ngang nhau . Thực ra, tất cả chúng ta liều lĩnh với mạng sống của mình vào giá trị những tiền đề toán học phức tạp (do đó ít rõ ràng) hơn nhiều mỗi kho chúng ta đi một chuyến bay hay đi ngang một cây cầu. Ở nền tảng, hầu hết chúng ta tin rằng một phép tính như tính cộng là sự thực được lâu bền, trong loại sự thực ấy, chúng ta có thể lập đi lập lại, với các giá trị lớn tùy ý mà vẫn đến được kết quả đúng. Nhưng câu hỏi vẫn còn là làm sao chúng ta biết được niềm tin 2 + 2 = 4 không xây dựng lại mới mỗi khi chúng ta dùng đến ? Nói một cách khác, làm sao chúng ta biết được mình tin một cách tiền lệ đúng ? Nếu như chúng ta thử nói rằng niềm tin này luôn xây dựng lại mới, chúng ta phải hỏi, xây dựng với cái gì ? Với quy luật tính cộng ? Thật đáng nghi ngờ một người nhận biết rằng y thành công trong phép tính cộng trừ khi y đã tin rằng 2 + 2 = 4. Tuy nhiên, cũng như chắc chắn rằng bạn không thức dậy sáng nay và tin rằng tám trăm sáu mươi lăm ngàn bảy trăm sáu mươi hai công hai bằng tám trăm sáu mươi lăm ngàn bảy trăm sáu mươi bốn. Ðể thực sự thoát ra khỏi não bộ của mình, niềm tin này cần phải được cấu thành, trong khoảnh khắc của hiện tại, trên căn bản của niềm tin trước đó của bạn rằng hai cộng hai bằng bốn. Rõ ràng, nhiều niềm tin khác cũng như thế này. Thực ra, chúng ta không tin vào hầu hết những gì chúng ta tin về thế giới trừ khi chúng ta bảo rằng mình có tin vào.

 

[xxiv]  Ðọc D. T. Gilbert et al., “Unbelieving the Unbelievable:Some Problems in the Rejection of  False Information, “Journal of Personality and Social Psychology 59 (1990):601-13; D. T. Gilbert, “How Mental Systems Believe, “American Psychologist 46, no. 2 (1991):107-19.

 

[xxv]  Ðiều này giải thích tại sao các niềm tin tình cờ đúng không thể cấu thành kiến thức, ngay cả khi chúng được chứng minh. Như triết gia Edmund Gettier nhận xét rất lâu trước đây, chúng ta có thể tin vào điều gì có thể đúng (td. Tôi có thể tin rằng thời điểm chính xác là 12:31 am), chúng ta có thể tin vì nguyên nhân đúng (Tôi đang nhìn đồng hồ và thấy kim chỉ 12:31am), và niềm tin của chúng ta có thể đúng (đúng thực là 12:31 am), nhưng chúng ta có thể không ở trong tình thái của kiến thức về thế giới (bởi vì, chẳng hạn như trong thời điểm hiện tại, cái đồng hồ bị hư và chỉ tình cờ chỉ đúng giờ). Trong khi có quá nhiều chi tiết triết học để mà khám phá ở đây, cái căn bản sự thật là để cho các niềm tin của chúng ta thực sự là biểu hiện của thế giới, chúng phải ở được trong mối quan hệ đúng với thế giới.

 

[xxvi]  Các vấn đề của nhận thức luận như khuấy động ở đây: Nói cho cùng, làm sao chúng ta có thể có khả năng có được kiến thức thực của thế giới ? Tùy vào cách giải thích hai từ “thực” và “thế giới”, những câu hỏi như thế này hoặc là khó vô vọng hoặc là bình thường. Từ đó cho thấy, sự đọc hiểu bình thường cũng đủ cho các mục đích hiện tại của chúng ta. Bất kể thực tế ra sao, trong các ý nghĩa tận cùng, thế giới các chứng nghiệm của chúng ta biều thị những nguyên tắc không thể chối từ. Dĩ nhiên, những nguyên tắc này là từ nhiều dạng thức, và một số nguyên tắc ấy đưa ra những tương quan luật lệ giữa một số biến cố. Có sự khác biệt giữa sự tương quan với phép ghán ghép về các loại mà chúng ta tưởng là thuộc về nguyên nhân. Như triết gia Tô Cách Lan David Hume đã nhận xét là sự kiện này đặt ra một câu đố rất hay, bởi vì chúng ta chưa bao giờ chạm trán với các căn nguyên trong thế giới, mà chỉ chạm với những tương quan có thể tin cậy. Cái gì, chính xác, đã dẫn chúng ta đến việc đóng góp sức mạnh của nguyên nhân đến một số diễn biến, trong khi chiếm giữ chúng từ những diễn biến khác vẫn còn là một sự kiện đang bàn cãi. (Ðọc M. Wu và P. W. Cheng, “Why Causation Need Not Follow From Statistical Association : Boundary Condition for the Evaluation of Generative and Preventative Causal Powers,” Psychological Science 10 [1999]: 92-97). Hơn nữa, một khi chúng ta có các niềm tin về thế gian trong tay, và các niềm tin ấy chỉ đạo hành vi của chúng ta, dường như không có gì đáng bí hiểm để lưu tâm. Và rất thường xảy ra là một số nguyên tắc (những nguyên tắc mà chúng ta cho là thuộc về nguyên nhân), khi chấp nhận chúng như những chỉ đạo cho hành động, phục vụ cho mục đích của mình một cách đáng ngưỡng mộ; trong khi những niềm tin khác vốn có các tính chất tương tự (chỉ thuần liên quan, có tính hiện tượng phụ) lại không. Sự ngạc nhiên ở đây chỉ đơn giản đưa đến sự đánh giá lại về các vai trò nguyên nhân và để hình thành những niềm tin mới.Chúng ta không cần phải vật nhau với Hume để biết được nếu đấy chính là hơi nóng mình cần, thì hãy tìm lửa tốt hơn là đi tìm khói; cũng không cần phải biết rằng tất cả những tiêu chuẩn chúng ta dùng đến trong việc phán xét nguyên nhân để hiểu được quan hệ hành xử và hợp lý của niềm tin rằng A là nguyên nhân của B, trong khi không phải là C. Một khi chúng ta nhận ra chính mình đang tin vào điều gì (dù từ nguyên nhân tốt hay xấu), thì ngôn từ và hành động của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải chỉnh sửa những mâu thuẫn trái nghịch ở bất cứ nơi nào mình tìm thấy.

 

[xxvii]  Ð ọc H. Benson, với M. Stark, Timeless Healing:The Power and Bilogy of Belief (New York:Scribner, 1996).

 

[xxviii]  Tấm vải liệmTurin có lẽ là một di vật được tôn kính nhất của những người theo Kitô giáo, vì tấm vải này được tin là chính tấm khăn liệm thi hài Jesus khi mang chôn. Năm 1988, tòa thánh Vatican cho phép ba phòng thí nghiệm khác nhau được dùng một mảnh nhỏ để xác nghiệm thời gian bằng độ carbon (Ðại học Oxford ; Ðại học Arizona và Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật liên bang Zurich) trong một nghiên cứu kín không ai nhìn thấy phối hợp với Viện bảo tàng Anh Quốc. Cả ba viện nghiên cứu này kết luận rằng tấm liệm này là một miếng vải giả mạo có độ tuổi thời gian giữa năm 1260 và 1390.

 

[xxix]  Theo O. Friendrich, The End of the World:A History (New York: Coward, McCann & Geoghehan, 1982), 122-24.

 

[xxx]  Ðoạn trích dẫn có thể tìm trong The Profession of Faith of the Roman Catholic Church.

 

[xxxi]  Niềm tin rõ ràng này có nền tảng thần kinh và hành xử tuyệt đối, và rõ ràng là một sự kiện của sự thừa kế có tính di truyền của chúng ta. Những động vật cấp thấp sẽ được tự lưu ý trước, không có thói quen trượt chân khỏi vách đá.

 

[xxxii]  K. Popper, The Logic of  Scientific Discovery (1959; reprint, London;Routledge, 1972), và Objective Knowledge (1972. Reprint, Oxford Claredon Press, 1995)

 

[xxxiii]  T. Kuhn, The Structure of Scientific Revolution (1962; reprint, Chicago: Univ. of Chicago Press 1970)

 

[xxxiv]  Cả Popper và Kuhn đều có các điều rất hữu ích và thích thú để nói về triết lý của khoa học và về các vấn nạn mà chúng ta đang đối đầu trong việc khẳng định mình biết được thế giới ra sao, nhưng một ảnh hưởng từ công trình của họ, đặc biệt cho những ai chưa từng đọc, đã sinh ra sự nở rộ của những tư tưởng kỳ khôi trong các sân trường đại học. Trong khi có những vấn đề chân thực của nhận thức luận để nghĩ đến, lại có những thay đổi tiệm tiến của tính hợp lý có thể được trân trọng từ bất kỳ kẻ điên loạn nào. Quả là không phải tất cả khẳng định về kiến thức đều ở cùng chung một nền tảng.

 

[xxxv]  B. Russell, Why I am not a Christian, ed., P. Edwards (New York:Simon and Schuster 1957); 35.

 

[xxxvi]  J. Glover, Humanity, A Moral History of the Twentieth Century (New Haven: Yale Univ.,Press, 1999). Cùng một ghi chú, xem thêm A. N. Yakolev, A Century of Violence in Soviet Russia (New Haven: Yale Univ., Press, 2002).

Sam Harris
Số lần đọc: 2020
Ngày đăng: 01.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cao Bá Quát: Một đời lận đận vì... hoa - Văn Thành Lê
Cái tình trong ca dao Việt Nam - Võ Công Liêm
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải - Lê Quốc Tuấn
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải-Phần 1 - Sam Harris
Thời kỳ Bảo Bình- 1 - Hamvas Béla
Thời kỳ Bảo Bình- 2 - Hamvas Béla
Nhà thơ trong quan niệm của Chế Lan Viên - Trần Hoài Anh
Bàn luận về thơ Tân hình thức - Đỗ Quyên
Từ thầy đến Quân sư - Trần Hạ Tháp
Claude Lévi-Strauss (1908-2009) Với thuyết cơ cấu - Khổng Ðức