Lời tựa của Nhà thơ Giang Nam : Có lẽ, nghề làm báo đã tạo cho những trang viết của Nguyễn Chính mang hơi thở đích thực của cuộc sống đời thường. Những số phận éo le trong các truyện ký của anh (dù mang tên khác hay không) đều có thật. Nguyễn Chính có lối kể chuyện mộc mạc, nhưng có duyên và hấp dẫn. Ở mỗi truyện ký anh đều có cách kết cấu riêng, bám sát chủ đề, không quá lạm dụng sự kiện, nên vừa tránh được sự tản mạn, dài dòng mà vẫn gây được hiệu quả. Câu chuyện có thể có nguồn gốc từ một vụ án dân sự, hoặc hình sự, nhưng rất may tác giả không bị sa vào kiểu chuyện vụ án thông thường, hay ký sự pháp đình. Thân phận con người, nhân tình thế thái trong mỗi truyện ký của anh, luôn làm cho người đọc phải trăn trở, suy ngẫm.
Toàn bộ vụ việc trong “Hoa cỏ dại” , là bi kịch của một nhà khoa học đầu ngành giàu tâm huyết. Câu chuyện nói về một thành quả sáng tạo là chiếc máy gặt đã thử nghiệm thành công trên đồng ruộng, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao, nhưng lại không được triển khai sản xuất hàng loạt, trong khi nông dân đang rất cần và nước ngoài chào hàng máy lạc hậu hơn. Với lối viết nhẹ nhàng, không gay gắt, để cho câu chuyện tự nói lên điều cần nói, tác giả đã phê phán lòng đố kỵ, thái độ ích kỉ sợ người khác hơn mình, từ đó đã dùng mọi thủ đoạn ác độc, những lưỡi dao vô hình, để hãm hại trí tuệ và tâm huyết đối thủ, của một số người. Đồng thời, câu chuyện cũng còn đề cập đến một bi kịch và một nghịch lý khó hiểu khác. Đó là, trong khi chúng ta đang tập trung cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì có những công trình khoa học đích thực có giá trị thực tiễn cao lại bị “xếp xó”. Ký sự “Hoa cỏ dại” của Nguyễn Chính đã được chọn in trong tập tuyển tập “Thập kỷ bài báo hay” NXB Thanh Niên – 1999. GN
“Hạt gạo làng ta, có vị phù sa của sông Kinh Thầy, có hương sen thơm trong hồ nước đầy, có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay…”. Bài hát đã khép lại chương trình “Khách mời ngày thứ bảy”, buổi phát thanh thời sự và âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong chương trình “Khách mời ngày thứ bảy” hôm ấy, PGS-PTS Đào Quang Triệu đã tâm sự với bạn nghe đài về những mẫu máy nông nghiệp độc đáo của ông. Tôi – người viết bài này - vốn sinh ra ở một vùng quê nghèo, thủa nhỏ mỗi khi mùa gặt đến lại cùng bạn bè đi nhặt những chẽ thóc rơi. Ngày ấy, tuổi thơ của chúng tôi làm sao hiểu được những hạt chắc lại thường bị rụng lẫn vào cỏ rác, được chúng tôi dùng những nắm đất dẻo chấm cho dính vào, mang về cho mẹ đãi. Lớn lên, có dịp đi nhiều nơi, tôi mới thấy không chỉ ở quê mình mà ở mọi vùng trồng lúa, mùa thu hoạch vui thì vui thật, nhưng cũng vất vả bội phần. Chính vì thế mà những mẫu máy thu hoạch của PGS-PTS Đào Quang Triệu đã thật sự cuốn hút tôi.
Một chiều cuối thu 1996, tôi tìm gặp PGS-PTS Đào Quang Triệu. Ông không có ở cơ quan, nhưng rất may là tôi đã gặp được kỹ sư Nguyễn Văn Mạnh, một học trò của ông. Mạnh bảo : “Anh muốn tìm hiểu những mẫu máy thu hoạch của thầy tôi à, muộn rồi!”. “Sao vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát được mấy hôm ?”, tôi sửng sốt hỏi lại. Mạnh gật đầu vẻ thông cảm, nhưng vẫn quả quyết: “Cả Đài cũng vậy, quá muộn”. Mạnh người Hải Phòng, sinh viên khoa cơ khí Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, đã ra trường được 10 năm. Anh có dáng người to đậm, chắc nịch. Bằng một giọng buồn, thật buồn, Mạnh giải thích: “Những mẫu máy thu hoạch này, thầy tôi đã nghiên cứu thành công và cho ra đời cách đây hơn mười năm, còn báo chí các anh thì bây giờ mới tìm hiểu về số phận của chúng. Hơn mười năm, những mẫu máy đơn giản với giải pháp kỹ thuật tiên tiến mà người nông dân rất cần này lại không xuất hiện được trên đồng. Trong khi “chúng” còn bị lãng quên một cách oan nghiệt ở đâu đó, thì người ta lại cứ đổ tiền, đổ của ra để nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, rồi lại thử nghiệm, nghiên cứu, chế tạo một máy thu hoạch có công dụng tương tự mà vẫn không xong”. Rồi anh buông một tiếng thở dài : “Ôi ! thật là một tội ác”.
- Vậy anh là … ? - Tôi hỏi.
- Tôi là một trong số những sinh viên thuộc nhóm nghiên cứu, khảo nghiệm các mẫu máy thu hoạch lúa của thầy Triệu ở các tỉnh phía Nam.
- Thế tại sao anh lại cho là muộn?
Mạnh nhìn tôi, giọng anh trở nên trầm lắng : “ Trong khoa học, người ta mong những phát minh, sáng chế được phục vụ cuộc sống sớm đến từng ngày, từng giờ. Đằng này lại để muộn tới mười năm mới nói đến. Các anh là những người cầm bút, người viết… là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội kia mà !”. Tôi lặng im, sự việc không đơn giản như tôi nghĩ. Thì ra, máy cũng bị “oan”, cũng bị “khổ sai” đến mười năm. Mạnh hứa gửi cho tôi những tư liệu mà anh có và sẽ là “cố vấn kỹ thuật” cho tôi, trong phóng sự này. Tôi đã không phải chờ lâu. Trong những tài liệu mà Mạnh gửi đến, có cả một cuộn băng video. Tôi cho băng vào máy, trên màn hình là cảnh một máy thu hoạch lúa đang hoạt động trên đồng, với lời thuyết minh bằng tiếng Anh. Tôi điện hỏi Mạnh, anh giải thích: “Đúng, đó là máy thuộc thế hệ mới nhất Viện Lúa quốc tế (IRRI) chế tạo, theo phát minh của một kỹ sư người Anh, đang được tuyên truyền, phổ biến cho các nước trồng lúa”. Hoạt động của máy được camera quay cận cảnh nên thấy rất rõ những dải lúa rộng khoảng 0,8m được máy vừa tuốt, vừa hớt bông đưa vào thùng gắn luôn trên máy ngon lành. Máy chỉ có hai công nhân, một người điều khiển, một người phụ giúp để khi thùng chứa đầy thì đưa sang máy đập phụ làm cho sạch gié. Mặc dù tỉ lệ thóc gié còn khá cao (từ 50-60%), nhưng lượng rơi vãi rất thấp và với năng suất 0,2-0, 3ha/giờ thì theo tôi đã là lý tưởng lắm. Và tôi nghĩ, vào mùa gặt mà vùng quê lam lũ của tôi có cái máy này thì phải biết … Hôm sau, Mạnh hỏi tôi : “Ông thấy máy của IRRI thế nào?”
Tôi bảo : “Hết ý”. Mạnh bảo : “Thế ông không thấy máy của họ còn nhiêu khê à, tỉ lệ gié trong hạt còn cao nên phải sử dụng thêm máy đập phụ. Có lẽ vì vậy mà nông dân chưa mê lắm”. Tôi liền hỏi vị “cố vấn” : “Thế máy của thầy anh như thế nào?”. Mạnh cười : “Ông cứ tìm hiểu thực tế và đọc tài liệu đi!”.
Năm 1980, sau khi bảo vệ xong luận án Phó tiến sĩ tại Liên Xô (cũ) trở về, ông Đào Quang Triệu đã có chuyến đi công tác dài ngày tại đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó, cả nước đang phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực 21 triệu tấn/năm. Từ thực tế mùa vụ và công việc thu hoạch ở đây, ông Triệu nhận xét : “Đúng là một vựa lúa. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu 21 triệu tấn/ năm, nếu cơ giới hoá được khâu thu hoạch và giải quyết được vấn đề phơi sấy cho vụ hè thu. Vì hàng năm, lượng thất thoát do thu hoạch chậm, do rơi vãi và do mưa lũ … lên đến hàng chục vạn tấn”. Ông trở về Hà Nội với những phác thảo ban đầu về những mẫu máy thu hoạch lúa và hệ thống phơi sấy cho vùng đồng bằng nổi tiếng này. Giáo sư Lê Duy Thước, hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội rất tâm đắc với những dự án đề tài của ông. Bằng tất cả tấm lòng và tâm huyết với sự nghiệp giải phóng sức lao động cho người nông dân, vị hiệu trưởng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu vấn đề thu hoạch lúa ngập nước và sấy lúa hè thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long”, do PGS-PTS Đào Quang Triệu chủ trì, sớm được triển khai thực hiện. Song, rất tiếc, công việc vừa mới bắt đầu thì GS Hiệu trưởng Lê Duy Thước, một người đạo cao đức trọng, được nhiều thế hệ thầy và trò Trường Đại học Nông nghiệp I yêu mến, kính nể , thôi giữ chức hiệu trưởng. Người thay ông là bà Trần Thị Nhị Hường, một đồng nghiệp của PGS-PTS Đào Quang Triệu. Ngay từ đầu, việc nghiên cứu đã vấp phải vấn đề nan giải số một là kinh phí. Với số tiền được duyệt chỉ có 300.000 đồng trong 5 năm (1983-1987), tính ra mỗi năm là 60.000 đồng, vừa phải trang trải cho một núi công việc, vừa phải nuôi một cách dè sẻn 6 kỹ sư mới ra trường, được Bộ Nông nghiệp bổ sung để thành lập nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước này. Mạnh bảo : “Biết bao nhiêu thứ phải chi, như mua vật tư, thiết kế, chế tạo, thử mẫu máy thí nghiệm, tiền ra Bắc vào Nam thử nghiệm máy, ngoài tiền lương cho 6 kỹ sư , còn phải chi phí cho số sinh viên thực tập, mỗi năm từ 5 đến 6 chú, rồi tiền mua lúa thí nghiệm, tiền vận chuyển máy, tiền tổ chức khảo nghiệm, thao diễn … thôi thì đủ thứ. Đó là chưa kể hàng tháng, việc nhận tiền cũng rất chậm, muốn nhận được nhanh, kịp thời và đổi séc ra tiền mặt cũng không phải dễ dàng gì…”.
- Nghe nói chi phí thực tế cho đề tài tới gần 700.000 đồng, vậy tiền ở đâu mà làm? - Tôi hỏi Mạnh.
- Đồ đạc nhà thầy Triệu đã phải lần lượt “ra đi”, như đài, máy khâu, tủ, quà GS-PTS Đào Quang triệu đã gây được sự chú ý của các đồng nghiệp, nhất là trong ngành cơ khí nông nghiệp vì đây là vấn đề khá hóc búa và nan giải, từng thu hút trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nhà phát minh trong và ngoài nước. Rất nhiều bạn bè xa gần đã dành cho ông những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhưng cũng có những đồng nghiệp chỉ hoan hỉ ngoài mặt, với những cái bắt tay đau đến nhăn mặt. Và, thật không may cho “nhà khoa học trên đồng” của chúng ta, những đồng nghiệp có “tấm lòng vàng” ấy lại có chức có quyền – nhỏ thôi, nhưng mỗi “nhật lệnh” hoặc “mật lệnh” của họ phát ra có thể làm lụi tắt ngọn lửa nhiệt tình, thậm chí đi tong cả một sự nghiệp. Mạnh kể : “Họ theo dõi sát đến từng tiến độ nhỏ của đề tài. Lần khảo nghiệm đầu tiên, họ không tham gia, nhưng lại nóng lòng chờ kết quả. Họ hỏi dồn một học trò :
- Máy có chạy được không?
- Dạ có.
- Có tuốt hạt được không?
- Dạ có.
- Có thấy còn sót bông không ?câu xanh rờn như vậy. Trong cơn tuyệt vọng của lòng đố kỵ, họ đã tuyên bố quá sớm. Vì để thành công được, “nó” còn phải lao tâm khổ tứ nhiều lắm. Cũng từ đây bắt đầu hình thành một thế lực ma mãnh vô hình, nhưng không kém phần ác độc. Họ cho rằng, đối với nhà khoa học, chỉ cần “đánh” vào nhiệt huyết, “đánh” vào tế bào thần kinh, thì sự sáng tạo sẽ trở nên tê liệt. Còn thầy tôi thì vẫn vô tư, vẫn tưởng những khó khăn thường nhật liên tiếp vấp phải là do “sự cố khách quan”, do hoàn cảnh của thời bao cấp…
Mở màn là hàng loạt biện pháp để làm tan rã dần nhóm 6 kỹ sư nghiên cứu. Ngay sau lần khảo nghiệm máy đầu tiên (1983), người ta đã “đánh” vào dạ dày của họ. Từ chậm lương một tháng, chậm lương mấy tháng, rồi đến không phát lương, “ăn” vào tiền đề tài, mà tiền đề tài cũng có khi tới gần nửa năm mới được nhận. Vả lại, với số tiền còn lại còn phải đi công tác thì đói dài, làm sao mà nghiên cứu cho được ? Bấu víu vào nhà thầy Triệu mãi, mà nhà thầy Triệu cũng ráng hết sức rồi. Thế là từng người, từng người một phải lần lượt ra đi.
Lực bất tòng tâm, thầy tôi đã không giữ nổi những cộng sự thân thiết của mình. Lúc ấy, ông vẫn đinh ninh rằng họ đã phải sống và làm việc trong điều kiện kham khổ quá, để thông cảm với sự chia tay… Thầy tôi đã không nghĩ rằng nhóm nghiên cứu của ông với một đội hình mạnh như vậy sẽ có thể làm nên nhiều chuyện. Nhưng “người ta” thì giật mình. Và tất yếu là mấy chú kỹ sư này phải đói, để cuối cùng cái gì phải đến đã đến, đó là sự tan rã.
Công việc cấp bách và cũng là đòi hỏi bức xúc của sản xuất là từ nhừng mẫu máy đã khảo nghiệm thành công, phải nhanh chóng chế tạo ra các mẫu máy hoàn chỉnh. Lúc này (1985), vẫn còn hai kỹ sư giúp việc và một số sinh viên đang được ông hướng dẫn thực tập tốt nghiệp. Thầy đã cùng chúng tôi vừa lo chạy kinh phí, vừa lo mua vật tư (vật tư khi đó không sẵn như bây giờ) để những cỗ máy ra đời đúng như dự kiến. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là khi các cỗ máy DT-1 và DT-2,2 vừa hoàn tất, thì Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm thành tựu khoa học-kỹ thuật trẻ toàn quốc tại Vân Hồ (Hà Nội). Anh em rất phấn khởi khi được Đoàn trường đăng ký cho hai cỗ máy này tham gia triển lãm. Tất cả đang náo nức chuẩn bị, thì có tin báo như một gáo nước lạnh dội xuống : “Ban Giám hiệu không đồng ý”. Nhìn chúng tôi thất vọng ỉu xìu, ông bảo : “Các cậu cứ chuẩn bị”. Mấy sinh viên trẻ tròn mắt, nhưng ông quả quyết : “Mình sẽ có cách”.
Vì là đề tài cấp Nhà nước nên cơ quan quản lý là Tổng cục Trang bị kỹ thuật, sau khi nghe thầy tôi trình bày, đã đồng ý cho máy tham gia triển lãm. Hôm sau, khi hai cỗ máy đã nằm yên trên ô-tô, xe chuẩn bị chuyển bánh, thì bà hiệu trưởng Trần Thị Nhị Hường đạp xe xuống. Mọi người nhìn nhau, ai cũng nghĩ chắc bà hiệu trưởng sẽ bắt dừng lại. Nhưng không, bà bảo : “ Ông Triệu xem có cái gì để tham gia triển lãm không?”. Tất cả đều ngạc nhiên. Thầy tôi chỉ hai cỗ máy trên ô- tô. Bà hiệu trưởng xua tay : “Không được, to quá không có chỗ để trưng bày”. Thầy tôi nói: “Vậy thì không có máy nào nữa”. Bà hiệu trưởng vặn lại : “Thế cái máy đẩy tay của ông đâu?”. Chúng tôi không còn tin vào tai mình nữa. Nhưng thầy tôi vẫn ôn tồn: “Đó là cái máy thử nghiệm, là đồ giáo cụ trực quan cho sinh viên, chỉ tuốt được có một hàng lúa, không đúng với yêu cầu của triển lãm…”. Bà hiệu trưởng im lặng giây lát, rồi nói : “Mang ra đây cho tôi xem nào”. Mấy sinh viên vào kho, kẻ đẩy, người kéo thứ “đồ cổ” đó ra ngoài. Quả là nó quá xộc xệch vì đã lâu lắm không ai đụng đến. Nhưng bà hiệu trưởng vẫn không chịu, cứ nhất quyết bảo : “Phải chữa đi mà triển lãm”. Thầy tôi vẫn kiên trì thuyết phục : “Đây là đồ thủ công, có chữa được cũng không ai mang đi triển lãm cái máy này”. Bà hiệu trưởng vẫn nhắc lại, tuy giọng có vẻ nhỏ hơn : “Cứ chữa đi mà triển lãm”. Đến đây, thầy tôi cũng hết chịu nổi, nhưng ông vẫn thản nhiên: “Có triển lãm thì mang hai cái máy to, không thì thôi”. Bà hiệu trưởng không nói không rằng, đạp xe về. Mấy chú sinh viên không sao hiểu nổi, cứ tròn mắt đứng như trời trồng nhìn theo, cho đến khi bà khuất bóng. Thầy tôi mệt mỏi, ra hiệu cho các môn sinh lên ô tô, bảo lái xe chạy thẳng đến khu triển lãm, còn mình thì phóng xe máy sang sau. Đến nơi, ai cũng ngỡ ngàng khi thấy khu triển lãm quá rộng, để bốn cỗ máy cũng vẫn còn thoải mái. Vậy mà bà hiệu trưởng cứ bảo là không có chỗ !
Hai ngày sau, gặp thầy Triệu, bà hiệu trưởng gay gắt : “Tại sao ông mang hai máy lớn đi triển lãm lại không bảo mình?”. Thầy tôi vừa cười, vừa trả lời : “Chị bảo có máy nào đi triển lãm không, tôi bảo có hai máy to, chị bảo đưa máy con đi, tôi bảo máy con không triển lãm được, có triển lãm thì mang hai máy to đi. Nhưng chị đã không ra lệnh là “không”, cũng không ra lệnh là “được”, tức là nhà trường cũng cần có máy đi triển lãm. Chị lo không có chỗ để, mà bên triển lãm người ta lo được chỗ để, thế là đúng ý chị rồi còn gì ?”. Bà hiệu trưởng vẫn gay gắt bắt bẻ thế này thế nọ. Nhưng thầy Triệu vẫn ôn tồn: “Mà thôi, chị cũng đừng lo, không ảnh hưởng gì đến chị đâu, vì máy triển lãm theo đơn vị Tổng cục Trang bị kỹ thuật”.
- Sao ? Tại sao lại là Tổng cục Trang bị kỹ thuật ? Bà hiệu trưởng sửng sốt.
- Vì lãnh đạo trường không cho đi triển lãm theo đơn vị trường, thì máy đi triển lãm theo đơn vị Tổng cục chứ sao.
Nghe đến đây, không hiểu sao bà hiệu trưởng lại trầm ngâm một lúc, rồi hạ giọng : “Không được, máy phải đi theo đơn vị trường”. Thầy tôi bảo: “Máy đã đi theo đơn vị Tổng cục thì không thể lại đi theo đơn vị trường được”. Cứ như thế, hai bên giằng co mãi, không ai chịu ai. Cuối cùng, bà yêu cầu chủ nhiệm Khoa Cơ khí đưa vấn đề ra hội đồng khoa học của khoa, để đi đến quyết định nhà trường cấp tiếp giấy tờ tham gia triển lãm cho hai cỗ máy. Thế là, cùng một lúc Ban tổ chức triển lãm nhận được hai bộ hồ sơ của một “thành tựu sáng chế trẻ”. Còn hai cỗ máy được đặt ở vị trí ngăn đôi giữa hai đơn vị, để quan khách hiểu thế nào cũng đúng cả. Thật là một “sự kiện” mà ai biết cũng phải ngán ngẩm lắc đầu … Từ đây, vâng ! Lại “từ đây”, không biết thầy Triệu của chúng tôi có nhận ra rằng những con đường phía trước với ai thì nhiều vinh hoa danh lợi, còn với thầy lại báo trước những ngoắt ngoéo tai ương …
Cuối năm 1985, kỹ sư cuối cùng trong nhóm nghiên cứu đã ra đi, đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước này. Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu mà Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước và Bộ Nông nghiệp giao, chỉ còn một mình thầy tôi lặn lội vào Nam ra Bắc. Đầu năm 1986, thầy tôi lại vào vùng đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục khảo nghiệm các mẫu máy thu hoạch mà ông tin sẽ rất hiệu quả với vùng đồng bằng bát ngát, phì nhiêu này. Cả ba mẫu máy DT-1; DT-2,2 và T-1 đều đã được khảo nghiệm ở Quảng Ngãi, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam bộ. Máy T-1 (tuốt lúa trên bông và tự chuyển lên thuyền) tỏ ra rất thích hợp với đồng bằng sông Cửu Long về thu hoạch lúa mà thầy tôi đã nghiên cứu, chế tạo. Tháng 5-1987, tại Hội nghị nghiệm thu đề tài, với sự có mặt của những nhà khoa học có uy tín trong ngành cơ khí, Viện trưởng Viện Công cụ Cơ giới Nguyễn Điền đã khẳng định : “Đây là phương pháp mới để giải quyết cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa, phù hợp với xu hướng nghiên cứu hiện nay của thế giới. Nhiều nước như Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Nhật, Philippines … đã và đang nghiên cứu từ hơn chục năm nay, nhưng gần đây Pháp mới thiết kế thành công mẫu máy đầu tiên và đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 1987. Mẫu máy của tác giả (PTS Triệu) đứng hàng đầu vì nguyên lý hợp lý hơn mẫu máy của Pháp và Liên Xô, có năng suất thu hoạch cao, rất đơn giản khi chế tạo và hao phí năng lượng thấp”. Nhiều chuyên gia khác có mặt trong hội nghị cũng đánh giá tương tự. Thực tế, qua khảo nghiệm, các mẫu máy thu hoạch lúa của thầy tôi có mức hao phí năng lượng thấp hơn nhiều lần so với máy của nước ngoài. Cuối cùng, Hội nghị đã kết luận : “ Nguyên lý thu hoạch lúa của tác giả rất sáng tạo, các mẫu máy thu hoạch theo nguyên lý này có triển vọng giải quyết vấn đề cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa ở nước ta”. Tháng 10-1987, thầy tôi đã được cấp Bằng Lao động sáng tạo và bản quyền tác giả. Trong lĩnh vực nghiên cứu hợp lý hoá hệ thống gặt đập liên hợp này, thầy tôi cũng từng được cấp bằng phát minh ở Liên Xô (cũ)… ”.
Trên đây là những sự kiện mà kỹ sư Nguyễn Văn Mạnh đã chứng kiến trong suốt những năm tháng thực tập tốt nghiệp, sống và làm việc với thầy. Có lần, anh tâm sự : “Tôi đã âm thầm ghi lại tất cả những gì xảy ra với thầy tôi, để suy ngẫm, để cố lý giải xem tại sao, vì sao mà một người tài hoa như thầy, nhân hậu như thầy, luôn làm tốt cho người khác, nghĩ tốt cho người khác, lại gặp phải nhiều ngang trái ? Và vì sao những phát kiến của thầy có lợi cho dân, cho nước là thế, lại bị xếp xó?”. Rồi Mạnh tiếp tục kể lại quá trình PGS -PTS Đào Quang Triệu nghiên cứu thành công hệ thống sấy lúa liên hoàn từ 1987 đến 1989 tại đồng bằng sông Cửu Long, mà chúng tôi sẽ có dịp trở lại trong một phóng sự khác. Mấy hôm sau, tranh thủ thời gian còn ở Hà Nội, tôi tìm gặp Mạnh, nhưng anh đã về Hải Phòng thăm nhà. Tôi rất sốt ruột muốn biết những cỗ máy thu hoạch lúa ấy hiện ở đâu. Rất may là vừa ở nhà lên, Mạnh liền tìm đến tôi : “Thế nào, tìm hiểu thực tế và ngâm cứu tài liệu xong chưa, ông “quan” báo ?
- Rồi – tôi trả lời.
- Sao, ông thấy sao?
- Hay ! Này, thầy ông tuổi gì nhỉ ?
- Sửu, thì sao ?
-Tuổi trâu chuyên làm tốt cho người, còn mình chỉ ăn cỏ và những con đường phía sau lắm chông gai là phải.
Tôi nói vậy, không ngờ Mạnh gạt phắt : “Khẳng định như thế là nhầm rồi, nhầm to rồi. Nếu như tôi chỉ ra được có người cầm tinh con trâu mà những con đường phía trước toàn hoa, thậm chí dẫm đạp lên cả hoa để làm tốt cho mình, thì ông bảo sao ?”
- Đã dẫm đạp lên cả hoa để làm tốt cho mình thì tôi thua, chứ còn biết bảo gì nữa.
Không ngờ chỉ mới đấu khẩu vui như thế mà anh chàng kỹ sư trẻ đã trầm ngâm tư lự. Tôi chuyển hướng câu chuyện : “Mình muốn biết những cỗ máy ấy hiện đang ở đâu?”. Mạnh bảo : “Tất nhiên rồi, nhưng ông đã biết chuyện đi làm luận án tiến sỹ của thầy tôi chưa ?”. Tôi bảo : “Chưa, kể đi”.
“Năm 1989, giữa lúc đề tài nghiên cứu hệ thống sấy lúa đang bước vào giai đoạn hoàn tất và việc triển khai ứng dụng các mẫu máy thu hoạch lúa đang được các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hưởng ứng mạnh, thì PTS Đào Quang Triệu có giấy báo đi làm luận án tiến sĩ. Thầy tôi trở về Hà Nội với ngón tay giữa chỉ còn hai đốt : trong một lần khảo nghiệm, ngón tay ấy đã bị chính cỗ máy của ông nghiền nát. Tai nạn xảy ra đúng vào lúc cô (vợ PTS Đào Quang Triệu) từ Hà Nội vào. Vợ chồng chưa kịp hỏi thăm nhau, thì ông phải vào bệnh viện. Là một kỹ sư nông nghiệp rất hiểu công việc của chồng, cô chính là điểm tựa tinh thần của ông trong những ngày tháng khó khăn nhất … Điều rất lạ là thầy tôi làm nghiên cứu sinh bậc một ở Liên Xô (cũ), mà người ta lại xếp ông đi nghiên cứu sinh bậc hai ở Bungari. Thế là ông lại phải mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục chuyển lại, đồng thời người ta lại yêu cầu ông trước khi đi phải nghiệm thu xong đề tài. Thầy tôi gấp rút chuẩn bị cho việc nghiệm thu. Nhưng chờ mãi, một tháng, hai tháng, ba tháng … Và phải mười tháng sau, việc nghiệm thu mới được tiến hành. Đề tài được đánh giá xuất sắc, nhưng việc đi làm luận án tiến sĩ thì đã muộn mất rồi, cả việc triển khai ứng dụng để sản xuất hàng loạt các mẫu máy thu hoạch cũng “nguội” mất rồi. Nhưng thầy tôi không nản, ông vẫn vui vẻ và lại tiếp tục âm thầm lao vào công việc. Trước đòi hỏi rất bức xúc của sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và để có điều kiện đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, khi được Viện Công nghệ mời sang công tác, ông đã đồng ý. Nhưng những đồng nghiệp có “tấm lòng vàng” vẫn chưa chịu buông tha ông. Người trực tiếp, kẻ ném đá giấu tay, đã làm cho ông vừa không được chuyển sang Viện, vừa phải “ngồi chơi xơi nước”, suốt 17 tháng trời bị cắt lương. Song, điều bất hạnh nhất đối với một nhà khoa học là bị “bứng” ra khỏi môi trường sáng tạo. Các báo lên tiếng bảo vệ ông. Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu phải trả lại việc làm cho ông. Khi đã biết làm sai phải sửa, người ta vẫn cố tình kéo dài sự sửa sai, có lẽ để cho nhiệt huyết sáng tạo trong ông chết hẳn. Và, quả có vậy, hơn 30 năm trên bục giảng, ông - người lái đò cần mẫn, nhân hậu, đã nhận được sự kính trọng, lòng biết ơn của bao thế hệ học trò qua sông. Giờ đã hai phần ba đời người, lại rơi vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, phải “nhàn cư”, nhìn lại những nẻo đường phía sau, thầy tôi mới thấy rùng mình. Thầy tôi buồn, rất buồn, suốt những tháng ngày đội đơn đi kêu các cửa, ông không hiểu tại sao và cũng không thể nào lý giải được mình đang đi đâu, làm gì thế này . Mọi phác thảo thiết kế, mọi giải pháp tối ưu cho một số mô hình kỹ thuật và ngay cả lời mời hợp tác nghiên cứu của một Viện lúa bên Pháp … tất cả đều phải xếp lại. Thầy tôi trở nên trầm ngâm, hay suy ngẫm về chuyện đời, chuyện người. Và đến giờ, khi đã thấm cái “sự đời” rồi, thầy mới thuộc hai câu thơ “báo động” từ hơn mười năm trước của nhà thơ Nguyễn Duy :
“ Có những nụ hôn sắc hơn lá mía
Hôn má bên này, tứa máu má bên kia”.
Tháng 9-1996, thầy tôi được gia đình một người bạn mời đi thăm Côn Sơn. Suốt dọc đường đến viếng người Anh hùng Dân tộc, thầy tôi cứ suy nghĩ mông lung. Thủa ấy, giữa sân rồng, sau tiếng phán truyền như sấm sét của kẻ ác, ba tộc nhà Ức Trai đã mắc hoạ. Một vị đại thần đã phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trời không có mắt nên quan hành khiển bị oan”. Thế đấy, sự đời … chưa vào tới đền giải oan, mới đứng trước tượng Nguyễn Trãi, kính cẩn ngước lên Người mà thầy tôi đã nước mắt lưng tròng. Chao ôi, những giọt nước mắt hiếm hoi của một nhà khoa học đã ở tuổi 60. Có lẽ những giọt nước mắt nguyện cầu, chắt ra từ tấm lòng nhân hậu của thầy đã thấu đến cổ nhân, nên sau lần đến viếng Côn Sơn, ông trở nên vui vẻ hơn. Mấy tuần sau, thầy tôi nhận được điện thoại của PGS-PTS Lê Văn Lai, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam:“Anh Triệu ơi, còn nhiệt tình không ? ”.
Thì ra, hơn mười năm qua, vấn đề cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa vẫn rất bức xúc, hiện tại Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề quan trọng này. Tiếp đến, thầy lại nhận được lá thư từ Vientiane, kèm theo một cuốn băng video của một học trò cũ người Lào, PTS ngành cơ khí Viêng Thoong Chanlivong. Thư có đoạn : “Thầy cô kính nhớ, vừa rồi em có dịp tham quan Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) , ở đó em thấy người ta đang quan tâm đến máy thu hoạch lúa kiểu tuốt chải. Có một kỹ sư người Anh đang nghiên cứu để áp dụng ở châu Phi. Em có nói qua với IRRI về mẫu máy của thầy, nhưng rất tiếc em không có bản vẽ. Em phân tích cho họ nghe rằng máy của thầy có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Vậy em đề nghị thầy nếu có thể, thầy nên có một bản giới thiệu cho họ. Nếu thầy có sự quan tâm thì cho em biết, vì từ 10 đến 20-11-1996 này, người của bộ môn cơ khí IRRI sẽ sang Lào làm việc với em”. Còn cuốn băng video là toàn bộ hoạt động của máy thu hoạch lúa do IRRI chế tạo, mà tôi đã gửi cùng những tài liệu cho anh hôm trước. Thầy tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lá thư của PTS Viêng Thoong, về máy thu hoạch của IRRI, về các sáng chế của người Anh, người Pháp, người Nga… Ông tiếc cho mẫu máy DT-1 của Việt Nam. Những cỗ máy ấy bây giờ ở đâu? Hay đã thành sắt vụn cả rồi? Vì có một lần, một số địa phương mà ông gửi mẫu máy để khảo nghiệm điện về hỏi, thầy tôi đã bức xúc bảo : “Các anh cứ bán hết cho đồng nát”.
Máy ơi ở đâu ? Hơn mười năm qua, cỗ máy DT-1 “mô đen đời 86” (1986) vẫn bị xếp xó ở đây, trong cái kho “tả pí lù” những thiết bị phế thải của Khoa Cơ khí Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Những sợi dây cua-roa đã mục dãn, còn các ổ bi thì hoen rỉ, cứng ngắc, phải lấy búa đập mãi mới ra. Nhìn cỗ máy thân tàn ma dại, bụi đóng hàng tấc, ai cũng phải xót xa, lắc đầu. Còn hai bệ máy thì tìm đỏ con mắt không ra. Hai thầy trò tôi phải lặn lội đến cả những bãi thu mua sắt vụn tìm cũng không thấy. Cuối cùng, phải bỏ tiền ra làm lại. Phải hơn mười ngày đánh vật với gỉ sét, chúng tôi mới khôi phục được “sự sống” cho DT-1. Còn bây giờ thì nó đây”. Mạnh mở băng video, trên màn hình hiện lên cỗ máy tươm tất trong màu sơn mới đang thu hoạch lúa trên đồng. Tiếng động cơ nổ ròn rã trong tiếng reo vui mừng của đám sinh viên thực tập. Những hạt lúa óng vàng được máy tuốt trực tiếp trên bông, tự chảy vào bao đặt luôn trên máy. Kỹ sư Mạnh cho biết : “Máy có thể đạt vận tốc từ 3-6km/giờ, để đạt năng suất thu hoạch mỗi giờ 0,2-0,4ha, với độ sót và rơi vãi dưới mức cho phép. Đặc biệt là chi phí nhiên liệu thấp hơn so với máy có cùng công suất của nước ngoài…”. Mạnh tắt màn hình, anh ngồi trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp : “Giữa tháng 11-1996, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát lại hai lần bài báo “Nhà khoa học trên đồng” đăng ở báo Đại Đoàn Kết, và sau đó thầy tôi được là khách mời ngày thứ bảy của Chương trình Thời sự và Âm nhạc. Ông đã tâm sự với bạn nghe đài về qúa trình nghiên cứu những mẫu máy thu hoạch và hệ thống sấy lúa liên hoàn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phải chăng, những giọt nước mắt nguyện cầu bậc Thánh nhân, ở chùa Côn Sơn hôm nào của thầy tôi đã linh nghiệm? Có phải ông đã qua được cơn bĩ cực mà đến ngày thái lai ?”. Tôi không trả lời Mạnh, mà từ trong sâu thẳm cứ thấy buồn man mác. Một nữ đồng nghiệp của tôi đã nhận được giải thưởng lớn báo chí toàn quốc, với bài báo ngắn gọn sắc sảo “Chất sám chảy về đâu?”. Vâng ! Hơn mười năm qua, một phần không nhỏ chất sám - máu của Quốc gia đã chảy mà không trở về tim. Đau là thế. Nhưng sản phẩm của chất sám đã được khẳnh định rồi, đã được cấp bằng lao động sáng tạo rồi, trong khi thực tế sản xuất đang đòi hỏi cấp bách, với một chi phí quá thấp, so với hàng trăm ngàn USD cho một công trình nghiên cứu tương tự của nước ngoài. Nhất là sản phẩm đó, lại có thể giải phóng tới hơn một phần ba sức lao động nặng nhọc từ ngàn đời của người nông dân. Vậy mà để đến 10 năm bị xếp xó, thì quả là một tội ác. Thứ tội ác vô hình, không ai phải chịu trách nhiệm cả ? Nói về những đồng nghiệp “có tấm lòng vàng” trong ký ức của kỹ sư Mạnh, tôi đã đọc cho anh nghe một bài thơ vô đề, viết cách đây 10 năm :
Suốt cuộc hành trình cuộc đời
Ta có thể yêu mình, ghét mình
Nhưng nếu có giây phút ta thấy sợ chính mình
Thì hẳn là:
Từ tâm hồn cỗi cằn hoang mạc
Ta đã thổi vào đời ngọn gió tối đen
Lụi tắt những ngọn đèn
Giết chết cả mầm non của đất …
Đêm cuối thu Hà Nội, gió từ ngoại thành thổi về se lạnh. Đã hơn mười năm rồi, không biết đến bao giờ những cỗ máy thu hoạch lúa của PGS-PTS Đào Quang Triệu thiết kế, mới về được với nông dân ? Tôi chua chát nghĩ về một loài cỏ dại, với những bông hoa trái mùa xám ngắt, vẫn nở bám theo những nẻo đường phía sau của “nhà khoa học trên đồng” tài hoa, đầy tâm huyết ấy. Khác với những hạt lép, gặp nước thì nổi, gặp gió thì bay, những hạt chắc thường bị chìm xuống đáy, hoặc lẫn vào cỏ rác. Đành là vậy, nhưng tôi cứ trằn trọc mãi, về cái nghịch lý ấy ở cõi Người./.
Hà Nội – Nha Trang 12-1996