Phía Tây vườn Ðịa Ðàng
SO SÁNH với những khủng khiếp của nền chính trị thần quyền thời trung cổ ở Âu Châu, hay các nỗi kinh hoàng dai dẳng ở đa phần các nước Hồi Giáo, ảnh hưởng của tôn giáo ở phương Tây hiện nay trông khá hiền lành. Tuy nhiên chúng ta không nên bị lừa dối bởi so sánh ấy. Mức độ mà các tư tưởng tôn giáo vẫn còn ảnh hưởng đến các chính sách chính phủ - đặc biệt ở Hoa kỳ - đã đem lại một mối nguy hại lớn lao cho tất cả mọi người. Thí dụ như, ai cũng được biết rằng Ronald Reagan nhận thức được cơn bệnh của Trung đông qua lăng kính của các mặc khải từ thánh kinh. Ông đã đi quá xa để hội tụ cả những con người như Jerry Falwell và Hal Lindsey trong các cuộc họp về an ninh quốc gia.[i] Tất nhiên họ không phải là những tâm hồn điềm đạm mà chúng ta nên cần đến để tham vấn về sự xử dụng các vũ khí hạch nhân. Chính sách của Hoa kỳ ở Trung đông trong nhiều năm tối thiểu đã được rõ ràng trong phần bảo vệ đến quyền lợi mà Kitô giáo chính thống sẽ có được trong một quốc gia Do thái tương lai. Kitô giáo “ủng hộ” Do thái thực ra là một thí dụ của loại cay độc tôn giáo hết sức huyền ảo đền nỗi đã phát triển mà không ai để ý đến trong các luận bàn của chúng ta. Kitô giáo chính thống đã ủng hộ Do thái bởi vì họ tin rằng sự hợp nhất sau cùng của quyền lực Do thái trong vùng thánh địa - đặc biệt là công cuộc tái thiết đền thờ Solomon - sẽ đem lại cả sự tái sinh lần thứ hai của Chúa cứu thế cùng sự hủy diệt cuối cùng của người Do Thái.[ii] Những cuộc dự phần hớn hở có tính diệt chủng ấy dường như đã manh động ngay từ những thời điểm đầu tiên của nhà nước Do Thái : sự ủng hộ đầu tiên của cộng đồng quốc tế cho sự trở lại Palestine của người Do thái, Tuyên ngôn Balfour năm 1917 của đế quốc Anh vốn được gợi ý, tối thiểu là một số phần của nó, qua sự tuân thủ một cách có ý thức vào những tiên tri trong kinh thánh.[iii] Sự xâm phạm của một thuyết mạt thế vào nền chính trị hiện đại cho thấy những nguy hiểm của đức tin tôn giáo không thể là một sự phóng đại. Hàng triệu người Kitô giáo và Hồi giáo hiện đang sống trong khuôn khổ của những truyền thống tiên tri vốn chỉ hiện thực được khi các dòng sông máu huyết bắt đầu tuôn chảy từ Jerusalem. Thật chẳng khó khăn chút nào để tưởng tượng ra các tiên tri về một cuộc chiến tranh cốt nhục , một khi ai đó đã thực sự tin vào, có thể trở thành sự thỏa mãn ước nguyện cho chính mình.
Nhà Lập pháp Bất diệt
Hiện nay, nhiều thành viên trong guồng máy chính phủ Hoa kỳ quan niệm các trách nhiệm chuyên môn của họ từ trong các ý nghĩa tôn giáo. Hãy xem trường hợp của Roy Moore, chánh án tối cao pháp đình Alabama. Khi nhận ra tiểu bang mình ở trong danh sách có tỉ lệ giết người đứng thứ sáu trên toàn quốc, quan tòa Moore đã nghĩ rằng thật thiết thực để dựng một bảng đá nặng hai tấn rưỡi có chạm khắc Mười điều răn của Chúa ngay tại nhà vòm chính của tòa án tiểu bang ở Montgomery. Hầu như không hề có ai tranh cãi gì rằng đó chính là sự vi phạm vào tinh thần (nếu không nói là chữ nghĩa) của điều luật “then chốt” trong Tu chính án Thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ. Khi tòa án liên bang yêu cầu quan tòa Moore dẹp bỏ bảng tượng này, ông đã từ chối. Không muốn lộ cánh tay rõ ràng thực sự dính dáng vào sự phân cách giáo hội và chính quyền, quốc hội Hoa Kỳ đã tu chính một sắc lệnh thích hợp để bảo đảm rằng ngân quỹ của liên bang không được đem xử dụng vào việc tháo gỡ bảng tượng này[iv]. Bộ trưởng Tư Pháp John Ashcroft, người vốn có công việc chính là thi hành luật pháp quốc gia, đã giữ im lặng ngoan ngoãn trong suốt thời gian ấy. Điều này không có gì là đáng ngạc nhiên, nếu cứ nhìn vào những khi ông cần phải phát biểu – ông ta có thói quen thường hay phát biểu những điều đại loại như “Chúng ta là một đất nước được ơn kêu gọi để bảo vệ tự do- nền tự do không phải được ban phát từ bất cứ chính phủ hay văn bản nào – mà là tài sản từ Thiên chúa cho chúng ta”[v]. Theo một thăm dò của viện Gallup, Ashcroft và quốc hội có lý lẽ vững chắc theo đúng như quan tâm của dân chúng Mỹ, bởi vì 78 phần trăm người được thăm dò đã chống lại việc tháo dỡ bảng tượng Mười điều răn của Chúa. [vi]Chắc ta phải tự hỏi phải chăng Moore, Ashcroft, quốc hội Mỹ và ba phần tư dân chúng Mỹ không muốn nhìn thấy những sự trừng phạt vì dám tháo dỡ các điều răn thiêng liêng vốn đã được nhấn mạnh bằng đá hoa cương tại chốn công đình của nhà nước này. Vậy, cuối cùng thì, hình phạt gì sẽ dành cho tội cứ kêu tên Chúa một cách bất kính ? Tội chết (Leviticus 24:16). Làm việc vào ngày Sabbath thì tội gì ? Cũng là tội chết (Exodus 31:15). Thế tội gì khi nguyền rủa cha mẹ người khác ? Cũng là tội chết (Exodus 21:17). Tội ngoại tình thì sao ? Ngươi hiểu rồi đấy (Levicitus 20:10). Vì các điều răn rất khó nhớ (đặc biệt là bởi vì chương 20 và 34 của sách Exodus cung cấp cho chúng ta những danh sách không giống nhau) thành ra hình phạt cho sự vi phạm đơn giản là chính những điều răn ấy.
Các thí dụ đương đại về lòng mộ đạo của chính phủ có thể nhìn thấy ở mọi nơi chốn. Nhiều đảng viên Công hòa nổi tiếng thuộc Ủy ban Chính sách Quốc gia, một nhóm Kitô giáo bí mật được tài trợ bởi nhà chính thống Tim LaHaye (đồng tác giả các tiểu thuyết nhiều tập về ngày tận thế có tựa đề “Bị bỏ lại”). Tổ chức này hội họp mỗi bốn tháng để thảo luận tìm hiểu xem ai biết được những gì. George W. Bush đã đọc diễn văn riêng với Uỷ ban này vào năm 1999, sau khi Kitô giáo cánh Hữu ủng hộ cuộc tranh cử của ông.[vii] Thực tế, hơn 40 phần trăm những cử tri thực sự bầu cho Bush là những người truyền đạo da trắng.[viii] Bắt đầu bằng sự đề cử John Ascroft làm Tổng trưởng Tư Pháp, tổng thống Bush sau đó đã không ngừng trả ơn tổ chức này. Các bộ Tư pháp, Phát triển đô thị, Y tế ,dịch vụ Nhân sự và Giáo dục hiện nay vẫn thường xuyên ban hành các chỉ đạo làm mờ nhạt sự phân biệt giữa giáo hội và chính quyền. [ix]Trong các “sáng kiến có căn bản từ đức tin” của ông, Bush đã thu xếp việc tuôn hàng chục triệu tiền thu thuế của dân chúng trực tiếp vào các tổ chức hội đoàn giáo hội, để họ tùy nghi xử dụng.[x] Một trong những chỉ định của ông ở bộ Thực phẩm và Dược liệu là bác sĩ W. David Hager, một bác sĩ thai sản chủ chương chống phá thai từng công khai tuyên bố rằng có thai trước hôn thú là một tội lỗi và bất kỳ nỗ lực nào nhằm phân định “chân lý Kitô giáo” với “chân lý thế tục” là “nguy hiểm”[xi]. Tướng William G. Boykin, vừa bổ nhiệm vị phụ tá Thứ trưởng bộ quốc phòng về tình báo tại Ngũ giác đài, một sĩ quan lực lượng đặc biệt có nhiều huân chương cao quý, ông Mullah Omar, ông là người hiện thảo ra các chính sách trong việc lùng kiếm Osama bin Laden và tất cả các kẻ thù của Hoa kỳ đang còn lẩn trốn. Kết quả, ông cũng là một đối thủ sôi nổi của quỷ Satan. Khi phân tích một bức ảnh Mogadishu sau một trận đánh đầy tan tác chết chóc của lực lượng ông năm 1993, Boykin nhận xét là một số bóng mờ trên tấm ảnh lộ ra “những quỷ vương của bóng đêm…những hiện diện quỷ quái trong thành phố ấy mà Thiên chúa đã cho tôi nhìn thấy trong hình dạng những địch quân”[xii]. Về các lãnh vực của cuộc chiến tranh chống khủng bố, ông khẳng định là “kẻ thù của chúng ta là một gã có tên là Satan”[xiii]. Dù những nhận xét này gây ra nhiều phê phán trong giới báo chí, hầu hết người Mỹ đều cho qua. Nói cho cùng, 65 phần trăm dân Mỹ tin chắc rằng quỷ Satan có hiện hữu.[xiv]
Những con người nhiệt tình làm việc Chúa cũng được bầu cử vào các bộ phận của chính phủ Liên bang. Tom DeLay, lãnh tụ đa số tại quốc hội đã cho thấy các thâm thúy như “Chỉ có Kitô giáo mới mang lại một lối sống đáp ứng được với những thực tế mà chúng ta đang đương đầu trên thế giới. Chỉ có Kitô giáo mà thôi”. Ông khẳng định mình đã đi vào chính trường “để cổ vũ một thế giới quan theo Kinh thánh”. Cảm thấy rõ ràng là mình không thể phát biểu điều gì ngu dại trong khi phục vụ thế giới quan này, ông đã quy những vụ bắn nhau ở trường trung học Columbine ở Colorado vào sự kiện trường học này giảng dạy về thuyết tiến hóa.[xv] Hẳn chúng ta phải băn khoăn tại sao những lối tuyên bố phi lý hoa mỹ này không khiến ông ta bị khiển trách hoặc cách chức khỏi công việc.
Những sự thực này có thể liệt kê dài đến mức không có dòng cuối – và đến cả sự bực mình cho cả người viết lẫn người đọc. Tôi xin viện dẫn thêm một chuyện nữa thôi, bây giờ là chuyện ở nhánh luật pháp : Tháng Giêng năm 2002, Chánh án Tòa tối cao Antonin Scalia, một tín đồ Công giáo ngoan đạo, đã đọc diễn văn tại trường Ðại học Chicago Divinity School về chủ đề án tử hình. Tôi dẫn chứng những điều Scalia nói khá dài, bởi vì các nhận xét của ông cho thấy chúng ta đang sống giống với kiểu chính trị thần quyền đến mức nào :
Ðây không phải là kinh Cựu Ước, tôi nhấn mạnh, nhưng mà chính là từ Thánh Paul…Trọng tâm lời dạy của ngài là chính phủ đã có được thẩm quyền đạo đức của mình chính từ Thiên chúa- quý vị muốn giới hạn khái niệm này đến mức nào cũng được – … Thực ra, dường như đối với tôi, một đất nước càng Kitô giáo chừng nào thì càng không quan niệm án tử hình như một sự phản đạo đức…Tôi cho rằng điều ấy từ một sự thực là, đối với những người tin Kitô, cái chết không phải là một điều gì lớn lao cho lắm. Cố tình giết hại một người vô tội mới là hệ trọng. Ðó là một tội trọng, tội có thể khiến một người mất linh hồn. Nhưng mất đi đời sống này, để đổi lấy đời sống kế tiếp…Còn đối với những người không tin đạo, tước đi mạng sống của một con người là chấm dứt hiện hữu của y, thật là một hành vi kinh khủng làm sao !
Phản ứng của con người của đức tin đối với xu hướng của dân chủ để che khuất đi thẩm quyền thần thánh sau lưng chính phủ không nên là sự cam chịu mà chính là giải pháp để chiến đấu hiệu quả hơn. Chúng ta đã từng hành động như thế trên đất nước này (mà lục địa châu Âu chưa từng hành động được như vậy) bằng cách duy trì nhiều nhắc nhở rõ rệt trong đời sống công cộng rằng – trong chính lời phán của một Tòa án tối cao từ những năm 1940 – “chúng ta là một dân tộc có tôn giáo, một dân tộc có nền móng đã hàm chứa một Thượng đế”… Như tôi đã nói, tất cả những điều này là rất không giống như Âu châu, và tất cả những điều này giúp giải thích được tại sao dân tộc chúng ta có khuynh hướng hiểu biết hơn, như thánh Paul đã từng hiểu biết, rằng chính phủ của chúng ta mang một thanh gươm như “Người thừa hành của Chúa” để “khai triển cơn thịnh nộ” đối với “những kẻ bất lương hiểm ác”.[xvi]
Tất cả những điều này chắc phải làm kinh hoảng những ai tưởng rằng lẽ phải đáng lý phải chiếm ưu thế trong những phòng làm việc kín đáo của quyền lực ở phương Tây. Scalia thật đúng khi nhận xét rằng điều gì con người tin sẽ xảy ra sau khi chết đi định đoạt đến quan điểm của y- và từ đó định đoạt đến luân lý của ông. Mặc dù là một người Công giáo, quan điểm của Scalia khác với Ðức Giáo hoàng về tội tử hình, và đa số dân Mỹ cũng vậy (74 phần trăm) [xvii]và ngài chánh án Scalia đã ứng dụng thẳng thừng điều này vào đặc tính tôn giáo của chúng ta. Có lẽ chúng ta nên ngừng lại một giây lát trong nội dung này, để băn khoăn xem vị trí độc đáo của chúng ta trên thế giới này thực sự có phải là cái thành quả đạo đức mà Scalia tưởng tượng ra như thế không. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng không hề có con người nào tự tạo được chính yếu tố di truyền (gene) của mình hoặc tự tạo được các kinh ngiệm tuổi thơ của mình, thế mà hầu hết chúng ta tin rằng những yếu tố này ảnh hưởng đến tính cách của một người suốt đời. Có lẽ cũng đủ sự thật để bảo rằng những người đàn ông, đàn bà trong khám tử hình hoặc là có yếu tố di truyền xấu, hoặc có cha mẹ xấu, có tư tưởng xấu hoặc kém may mắn. Trong số những tính cách này, họ chịu trách nhiệm cho cái nào ? Cầu cạnh đến các phán xét của kinh thánh cho hình phạt tử hình không làm được gì để hóa giải cái kiến thức luôn tăng trưởng của chúng ta về hạnh kiểm con người với khát vọng muốn trả thù công khai với những tội ác kinh khủng nhất. Chắc chắn đã có những tranh cãi quan trọng mang tính thế tục về tính đạo đức của án phạt tử hình, nhưng thật rõ ràng là chúng ta đã phải suy luận ra từ những cội nguồn vốn cho thấy những hiểu biết lớn lao hơn về trí thức nhân loại và xã hội hiện đại hơn là những bằng chứng từ thánh Paul.
Nhưng những con người như Scalia - những con người tin rằng chúng ta đã có được sẵn chiếu chỉ của Thiên chúa trên giấy tờ - đã được chủng ngừa để chống lại các nghi ngờ vể chủ đề này hoặc, còn hơn cả thế nữa, để chống lại những sắc thái của một thế giới quan khoa học. Không có gì ngạc nhiên chính Scalia là loại quan tòa mà Tổng thống Bush đã tìm để tiến cử vào hệ thống tòa án liên bang.[xviii] Scalia ủng hộ việc xử dụng án tử hình ngay cả trong những trường hợp can phạm được nhìn nhận là bị ảnh hưởng bởi bệnh tâm thần. [xix]Ông cũng ủng hộ các luật về quan hệ tình dục bất thường (trong trường hợp này, ngay cả khi áp dụng luật vào các trường hợp ngoại lệ và rõ ràng về đồng tính luyến ái)[xx]. Không cần phải nói gì hơn, Scalia đã tìm ra những lý lẽ hợp pháp để nhấn mạnh rằng tòa tối cao không hề làm lên men sự võ đoán về tôn giáo của chính quyền, những chắc chắn là ông đã trông cậy ở thánh Paul, và có lẽ cả tác giả man rợ của sách Leviticius, để hướng dẫn mình trong các sự việc này.
Cuộc Chiến với Tội lỗi
Ở Hoa kỳ và đa phần còn lại của thế giới, hiện nay việc tìm kiếm một số lạc thú vẫn bị xem là bất hợp pháp. Tìm kiếm lạc thú bằng một số phương cách bị cấm đoán ngay cả trong chốn riêng tư ở nhà mình cũng sẽ có người mang súng tông cửa vào tận nhà mà mang mình bỏ tù. Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất về tình huống này là sự không ngạc nhiên khi ta tìm thấy một trường hợp như thế. Y như trong hầu hết các giấc mơ, chính cái khả năng lẽ ra phải thông báo cho mình tính kỳ lạ của những chuyện trong mơ này lại thường không chống nỗi cơn buồn ngủ.
Các hành vi như xử dụng ma túy, mãi dâm, tình dục khác thường và xem những phim ảnh tục tĩu được liệt vào những loại “tội phạm không có nạn nhân”. Dĩ nhiên, xã hội chính là nạn nhân hiển nhiên rõ rệt của hầu hết những gì con người hành động - từ chuyện gây ồn ào đến việc các hãng xưởng thải ra các chất rác hóa học - những ở trong một số giới hạn, chúng ta chưa từng coi những việc ấy là một tội ác . Ðặt định ra những giới hạn này luôn luôn là một công việc dính líu đến rủi ro. Người ta có thể lập luận rằng điều ấy chính là, ở mức tối thiểu, có thể hiểu được là một số hành vi có tính cách riêng tư như xem những hình ảnh bạo dâm có thể khiến đưa đến việc một ai đó sẽ phạm vào tội ác đến một kẻ khác. [xxi]Do đó, có một sức căng giữa cái tự do cá nhân và cái rủi ro của công cộng. Nếu có một loại ma tuý, một cuốn sách, cuốn phim hoặc một tư thế làm tình nào đó có thể khiến 90 phần trăm những ai đã dùng, đã xem đến sẽ nhảy bổ ra đường để khởi sự giết chóc bất kỳ ai thì mối quan ngại về các lạc thú riêng tư chắc chắn phải nhường lại cho các an toàn công cộng. Chúng ta cũng có thể khuyến khích rằng không ai muốn nhìn thấy các thế hệ trẻ con được nuôi lớn trong các chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc kiểu Maquis de Sade. Xã hội trong tính cách là một tổng thể , có quan tâm về sự phát triển của trẻ em, và các hành vi riêng tư của các bậc cha mẹ, song song với các nội dung của truyền thông, rõ ràng có một vai trò trong sự việc này. Nhưng chúng ta phải tự hỏi mình, tại sao lại có những người lại muốn trừng phạt kẻ khác vì đã làm những hành vi rõ ràng không gây ra một nguy hại gì đến bất cứ ai ? Thực vậy, sự đáng kinh ngạc của ý niệm về loại tội ác không nạn nhân chính là ngay cả khi chính hành vi bị kết tội đã thực sự không có nạn nhân, nhưng tính chất tội phạm vẫn được khẳng định bởi những kẻ cố tình muốn kết tội. Ðó là ở trong những trường hợp mà các tính chất thực ẩn dấu sau nhiều luật lệ của chúng ta lộ ra. Ý tưởng về một tội ác không có nạn nhân chính là điệp khúc về sự trừng phạt bởi thiên chúa của quan niện Kitô giáo về tội lỗi.
Không phải tình cờ mà những con người của đức tin thường muốn lấy bớt đi những tự do cá nhân của người khác. Sự thôi thúc này không có liên quan gì nhiều đến lịch sử của tôn giáo mà chính là từ ngay từ cái logic của tôn giáo này, bởi vì ngay ý tưởng cá nhân riêng tư đã không tương thích với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu như Chúa nhìn thấu và hiểu biết mọi sự, lúc nào cũng như một con người quá hẹp hòi như thể bị xúc phạm đến luân lý từ một số hành vi tình dục hoặc trạng thái suy nghĩ, thì những gì con người hành động ở chốn riêng tư trong nhà riêng của mình, tưởng như không thể có một dính líu nhỏ nhặt nào đối với hành vi của mình trong chốn công cộng, vẫn là một việc hệ trọng của quan tâm công cộng đối với con người của đức tin.[xxii]
Nhiều quan điểm tôn giáo về điều sai trái có thể nhìn thấy cùng đồng quy ở đây – các quan tâm về quan hệ tình dục không nhằm mục đích sinh sản và đặc biệt là những hình thức quan hệ tình dục khác thường – chính những quan điểm này cho phép nhiều người có được cái ý thức rằng việc trừng phạt một người khác, thường là nghiêm khắc, về những hành vi trong chốn riêng tư không hại đến một ai, là một hành vi đạo đức. Như trong các bằng chứng hết sức tốn kém đến những phi lý, nơi hạnh phúc của con người đã bị phá vỡ một cách mù quáng qua nhiều thế hệ, vai trò của tôn giáo ở đây vừa có tính nền tảng vừa triệt để. Ðể nhìn thấy các luật lệ của chúng ta đối với các “thói hư tật xấu” thực sự không làm được gì để giữ con con người khỏi các thương tổn về tâm lý hoặc thể chất, và tất cả những chuyện không làm Chúa buồn giận, chúng ta chỉ cần nhìn sự việc giao hợp bằng miệng và hậu môn giữa hai người lớn với nhau vẫn còn bị xem là một vi phạm hình luật ở mười ba tiểu bang. Bốn trong số các tiểu bang ấy (Texas,Kansas,Oklahoma và Missouri) nghiêm cấm những hành vi tính dục này giữa các cặp đồng tính và từ đó có tác dụng như một sự nghiêm cấm đến đồng tính luyến ái. Chín tiểu bang còn lại (Alabama, Florida, Idaho, Lousiana, Mississipi, North Carolina, South Carolina, Utah và Virginia) [xxiii]cấm các loại giao tình khác thường (sodomy) đối với tất cả mọi người. Ta không cần phải là một nhà nhân khẩu học để hiểu được là động lực để phán xử những người đã ở tuổi có thể kết hôn được ấy về những hành động giao tình không có mục đích sinh sản thường có liên quan đến các đức tin tôn giáo nhiều hơn.
Ảnh hưởng của đức tin trong luật hình sự của chúng ta đã ở một cái giá khá đắt. Hãy nhìn vào trường hợp về các loại ma túy. Như chúng ta thấy, có quá nhiều loại khác nhau-nhiều trường hợp nghiện đã xảy đến một cách tự nhiên- sự xử dụng các chất kích thích ấy chỉ dẫn đến những sảng khoái thất thường ngắn ngủi. Và đúng là thỉnh thoảng cũng dẫn người xử dụng đến những trạng thái đau khổ nhất thời nữa, nhưng chắc chắn sự khoái lạc là nguyên tắc chính, nếu không thì con người đã chẳng có được nỗi thèm muốn liên tục để xử dụng đến các chất ấy trong cả nghìn năm nay. Dĩ nhiên, khóai lạc đúng là cái vấn nạn của các chất kích thích này, bởi vì khoái lạc và lòng mộ đạo luôn luôn có một mối quan hệ không vui vẻ với nhau lắm.
Khi nhìn vào các luật lệ về ma túy- thực ra là cùng nhìn vào các luật về thói hư tật xấu của chúng ta – tính chất cấu thành duy nhất khiến có thể tạo cho chúng có ý nghĩa chính là bất cứ cái gì có thể khiến át hẳn lời cầu nguyện hay các quan hệ tình dục chỉ có mục đích lạc thú không nhằm mục đích sinh sản đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tất. Đặc biệt, bất cứ loại ma túy nào (LSD, messalin, psilocybin, DMT, MDMA, marijuana v.v…) mà các hậu quả về tôn giáo và tâm linh quy tội được cho người xử dụng đều bị ngăn cấm. các quan tâm về sức khỏe hoặc về năng lực sản xuất cho công dân của chúng ta, là những sự đánh lạc hướng trong cuộc tranh luận này, khi tính hợp pháp của rượu và thuốc lá được mang vào cuộc thảo luận.
Cái thực tế của sự việc thiên hạ bị truy tố, bị bỏ tù vì xử dụng marijuana, trong khi rượu vẫn còn là một thương phẩm chính, rõ ràng là một phương pháp bác bỏ luận đề của bất cứ quan niệm nào cho rằng các luật về ma túy của chúng ta nhằm giữ cho dân chúng khỏi gây tổn hại đến chính mình hay kẻ khác.[xxiv] Rượu chắc chắn là một chất gây nghiện nguy hiểm nhiều hơn. Rượu chưa từng bao giờ được chấp thuận xử dụng trong y học và rượu rất dễ dẫn đến việc dùng đến các liều lượng gây chết người. Vai trò của rượu trong các tai nạn giao thông thì khỏi cần phải bàn cãi. Cái đặc tính mà rượu có thể lôi kéo người xử dụng khỏi sự tự chế đã góp phần vào các bạo lực, thương tật, thai nghén ngoài kế hoạch và gieo rắc các bệnh tật về tính dục. Rượu cũng là thứ dễ gây nghiện nhất. Uống nhiều rượu trong một thời gian dài có thể đưa đến các tổn hại về não bộ, bị xơ gan hoặc tử vong. Riêng tại Hoa kỳ, hàng năm có hơn 100.000 người chết vì uống rượu. Rượu mang đến nhiều độc hại cho một thai bào đang phát triển hơn là bất cứ dược chất hoặc ma túy nào khác. (Thực tế, “crack babies” cho thấy đúng là hậu quả của hội chứng thai bị nhiễm độc rượu)[xxv]. Không một quy kết nào như thế có thể công bằng với marijuana. Marijuana được coi như một dược liệu, đã đóng góp một cách độc đáo vào một số ứng dụng y khoa đồng thời chưa từng bị xem là một dược liệu gây nghiện chết người. Trong khi các phản ứng từ các dược phẩm như aspirin và ibuprofen dẫn đến khoảng 7600 trường hợp tử vong (và 76000 trường họp phải vào bệnh viện chữa trị) chỉ riêng ở ở Hoa Kỳ hàng năm, còn marijuana không hề gây tử vong đến một ai.[xxvi] Vai trò của marijuana như một “dược liệu cổng vào (gateway)” hiện nay trở nên ít hợp lý hơn bao giờ (và nó sẽ không bao giờ được hợp lý cả).[xxvii] Thực tế, Hầu như tất cả những gì con người thường làm – như lái xe, đi máy bay, đánh golf- đều nguy hiểm hơn là hút marijuana nơi chốn riêng tư trong nhà mình. Bất cứ ai muốn nghiêm chỉnh tranh luận là marijuana đáng bị nghiêm cấm bởi vì nó mang lại các hiểm nguy cho con người sẽ thấy là các quyền năng của não bộ con người đã đơn giản không làm việc được.
Thế mà, chúng ta đã đã đi quá xa khỏi cái găng tay mờ ám của lý lẽ khiến có người vẫn tiếp tục bị tù chung thân không có cơ hội giảm án vì trồng,buôn bán,xử dụng những thứ thực ra chỉ là những cây trồng tự nhiên.[xxviii] Các bệnh nhân ung thư và tê liệt đã bị kết án, bỏ tù trong mấy thập niên qua vì xử dụng marijuana. Chủ các cơ sở buôn bán vật liệu cây trồng cũng bị các xử phạt tương tự bởi vì một số khách hàng của họ bị bắt vì xử dụng hoặc chứa marijuana. các Làm sao giải thích được sự lãng phí tài nguyên và năng lực con người một cách đáng kinh ngạc như thế này ? Lời giải thích duy nhất là cuộc bàn luận của chúng ta về chủ đề này chưa từng bao giờ có bổn phận phải hiệu quả trong các giới hạn của sự hợp lý. Dưới các sắc luật hiện thời của chúng ta, thật an toàn vô hại để mà phát biểu rằng, nếu một dược liệu được làm ra mà không đem đến nguy hiểm nào về cơ thể hoặc sự nghiện ngập với người xử dụng nhưng mang lại một cảm giác ngắn ngủi của sự sung sướng và một phép lạ nào đó cho tâm hồn của 100 phần trăm người dùng đến, thì dược liệu này chắc chắc sẽ là phi pháp và người xử dụng chắc chắn sẽ bị trừng phạt không thương xót.
Chỉ có mối lo lắng về tội thờ bái ảnh tượng như trong thánh kinh mới có thể tạo được một ý nghĩa cho khao khát muốn báo thù này. Bởi vì chúng ta là những con người của đức tin, được dạy dỗ để chính mình phải lo lắng cho các tội lỗi của hàng xóm, do đó chúng ta đã trở nên rộng lượng cho việc xử dụng một cách phi lý quyền lực nhà nước của chúng ta.
Việc ngăn cấm một số dược chất của chúng ta đã đưa đến việc hàng ngàn những người đàn ông, đàn bà lẽ ra hữu ích trở thành bị cầm tù ngắn hoặc dài hạn trong nhiều thế hệ qua. Con cái của họ trở thành những kẻ phải được nhà nước trông nom. Nếu như những mối kinh hoàng tầng tầng lớp lớp ấy chưa đủ làm phiền mình thì các loại tội phạm về bạo lực – như giết người, hãm hiếp và các thứ lợi dụng trẻ em - thường được tha khỏi tù để tạo thêm chỗ chứa cho chúng.[xxix] Chính ở đây chúng ta đã đi quá cái sáo nghĩa của điều ác và nhảy vào trong chiều sâu của sự ngu xuẩn.[xxx]
Các hậu quả của sự phi lý trong mặt trận này quá lớn đến mức phải xem xét kỹ hơn. Hàng năm, hơn 1.5 triệu đàn ông đàn bà bị bắt giữ ở Hoa kỳ vì luật ma túy của chúng ta. Vào ngay lúc này, vào khoảng trên dưới 400.000 người đang mòn mỏi trong các nhà tù Hoa kỳ vì những tội phạm xử dụng ma tuý không gây hậu quả bạo hành[xxxi]. Một triệu kẻ khác đang ở trong các loại quản chế. Nhiều người bị tù đày vì các vi phạm về ma tuý không bạo hành ở Hoa kỳ hơn những người bị tống giam vì bất cứ nguyên nhân gì ở cả tây Âu (vốn có dân số lớn hơn). Các chi phí cho những nỗ lực này, chỉ riêng ở tầng mức liên bang, là gần 20 tỉ mỹ kim hàng năm.[xxxii] Tổng chi phí cho luật ma tuý của chúng ta – khi các yếu tố về phí tổn của chính phủ và các chính quyền địa phương cùng số thiệt hại về thuế thu nhập bị mất bởi sự thất bại trong việc quản lý dược liệu của chúng ta - dể dàng vượt quá 100 tỉ dollar hàng năm. [xxxiii]Cuộc chiến tranh chống ma tuý của chúng ta tiêu hao chừng 50 phần trăm thời gian của chúng ta cho các phiên tòa xét xử cùng năng lực làm việc toàn thời gian của hơn 400.000 cảnh sát.[xxxiv] Đây là những trữ lượng lẽ ra nên dùng vào việc chống lại bọn khủng bố và các loại tội phạm bạo hành khác.
Trong phạm trù của lịch sử, đã từng có đủ tất cả mọi lý do để mong cho một chính sách ngăn cấm như thế ấy nên thất bại. Thí dụ như ai cũng biết rằng cuộc thử nghiệm về luật cấm uống rượu ở Hoa kỳ đã không làm được gì hơn sự thúc đẩy đến một sự khôi hài vô cùng của sự gia tăng việc uống rượu, các tội phạm có tổ chức và sự thối nát của ngành cảnh sát. Điều thường không được nhớ đến là các luật cấm chính là một thực hành tôn giáo rõ rệt, là sản phẩm liên kết của Liên đoàn Phụ nữ Kitô giáo hạn chế uống rượu và cuộc vận động hành lang nhiệt thành của một số hiệp hội truyền giáo Tin lành.
Vấn nạn của các ngăn cấm với bất cứ thứ hàng hóa đáng thèm muốn nào là đồng tiền. Liên Hiệp Quốc đánh giá trị các buôn bán ma túy vào khoảng 400 tỉ mỹ kim một năm. Con số này vượt quá ngân sách hàng năm của Bộ quốc phòng Mỹ. Nếu con số là này là đúng, sự nghiệp buôn bán ma túy cấu thành 8 phần trăm của tất cả các thương mại quốc tế (trong đó buôn bán vải vóc là 7.5 phần trăm và ngành buôn bán xe cộ chỉ có 5.3 phần trăm).[xxxv] Thế mà, bản thân của sự ngăn cấm chính là cái đã khiến ngành sản xuất và buôn bán ma túy trở nên vô cùng lợi nhuận. Những kẻ sinh sống bằng nghề này có thể kiếm được từ 5000 đến 20.000 phần trăm tiền lời có được từ cuộc đầu tư của mình, không phải trả thuế. Các chỉ dấu hiện nay của ngành buôn bán ma túy - gồm mức độ xử dụng ma túy và các ngăn chặn, ước tính số liệu sản xuất, tinh chất của ma túy bán trên đường phố v.v… cho thấy chính phủ không hề làm được gì để ngăn chặn sự buôn bán bất hợp pháp này chừng nào lợi nhuận còn tồn tại được (thực ra, những lợi nhuận này là từ những thối nát tham nhũng cao độ của việc thi hành luật pháp trong bất cứ trường hợp nào). Tội phạm nghiện ngập, để có đủ tiền trang trải chi phí quá cao cho mức sống của y, và tội phạm của người buôn bán ma túy, để bảo vệ khu vực kinh doanh và hàng hóa, cũng đều là hậu quả của luật cấm. [xxxvi]Một mỉa mai chung cuộc, xem ra cũng đủ là công việc của chính bản thân Satan, chính là cái thị trường chúng ta đã tạo nên từ luật ma tuý của chúng ta đã trở thành một nguồn lợi vững chắc về tiền tệ cho các tổ chức khủng bố như Al Qaeda, Thánh Chiến Hồi giáo, Hezbollah, nhóm Con đường Khai sáng và nhiều tổ chức khác nữa.[xxxvii]
Ngay cả nếu chúng ta nhìn nhận việc ngăn chặn xử dụng ma tuý là một mục tiêu xã hội chính đáng, làm thế nào mà phí tổn cho cuộc chiến chống ma tuý của chúng ta lại là một thách đố khác mà chúng ta phải đương đầu ? Hãy thử nghĩ đến việc chỉ cần chi một lần 2 tỉ dollar để có thể bảo đảm được cho các hải cảng của chúng ta khỏi các vụ nhập lậu các loại vũ khí hạch nhân. Hiện nay chúng ta chỉ mới dành được 93 triệu dollar cho mục đích này mà thôi. [xxxviii]Công cuộc ngăn cấm xử dụng marijuana ( với chi phí hàng năm là 5 tỉ mỹ kim) của chúng ta trông sẽ ra sao nếu một ánh dương mới cứ luôn mọc lên ở cảng Los angeles ? Hay thử nghĩ về trường hợp chính phủ Mỹ chỉ có thể kham nổi 2.3 tỉ mỹ kim hàng năm để tái thiết Afghanistan. Taliban và Al Qaeda hiện nay đang tái tụ trở lại. Các tướng lãnh đang cai trị những khu vực bên ngoài giới hạn thủ phủ Kabul. Ðối với chúng ta việc nào quan trọng hơn, lấy lại vùng đất này cho các lực lượng văn minh hay tiếp tục chiến đấu với marijuana ? Việc xử dụng ngân sách chính phủ của chúng ta hiện nay cho thấy một độ tuột dốc - thậm chí có thể nói là loạn trí - về các ưu tiên quốc gia của chúng ta. Sự phân bổ ngân quỹ một cách quái quỷ như thế chắc chắn sẽ khiến Afgghanistan trở thành hoang phế trong nhiều năm sắp tới. Và nó cũng sẽ không mang đến cho nông dân Afghanistan một chọn lựa nào ngoài trừ việc trồng nha phiến. Sung sướng thay cho họ vì luật pháp của chúng ta với ma túy vẫn còn khiến cho công việc này là một kiểu kinh doanh có lợi nhuận cao. [xxxix]
Bất cứ ai tin rằng Thiên Chúa đang quan sát chúng ta từ những thiên hà xa xôi sẽ cảm thấy rằng việc trừng phạt những người đàn ông, đàn bà hiền lành vì những lạc thú cá nhân của họ là hợp lý. Chúng ta hiện đang ở thế kỷ hai mươi mốt. Có lẽ chúng ta nên có những lý lẽ tốt hơn để dí súng mà lấy đi những tự do cá nhân của hàng xóm chúng ta. Cứ nhìn mức trọng đại của các vấn nạn thực sự đang đối đầu với chúng ta - nạn khủng bố, sự tăng trưởng của vũ khí hạt nhân, sự bành trướng của các tật bệnh truyền nhiễm, sự đổ nát của hạ tầng cơ sở, sự thiếu hụt ngân sách cho y tế và giáo dục v.v…- cuộc chiến với tội lỗi của chúng ta đã quá dại dột một cách tàn bạo khiến trở nên xem thường những lời bình phẩm hợp lý. Làm sao mà chúng ta có thể trở nên quá đui mù đối với các quyền lợi quan trọng hơn của mình đến thế ? Và làm sao chúng ta đã có thể đạt đến việc để ban hành những chính sách ấy với quá ít các tranh luận quan trọng lẽ phải có ?
Thượng đế của Thuốc men
Mặc dù chắc chắn đã có sự đối nghịch giữa đức tin và lẽ phải, chúng ta còn thấy là không hề có liên quan gì giữa lẽ phải và yêu thương cũng như lẽ phải và tâm linh. Căn bản của khẳng định này rất đơn giản. Các kinh nghiệm con người trải qua có thể chấp nhận được những thảo luận hợp lý về nguyên nhân và hậu quả (hay chính từ đó về sự ngu xuẩn của mình). Mặc dù điều này để lại nhiều chỗ chứa cho các điều kỳ lạ, nhưng không hề có chỗ chứa nào cho đức tin. Cũng có thể có những lý do chấp nhận được để tin vào những hiện tượng đồng bóng, đời sống ngoài hành tinh, học thuyết về tái sinh, năng lực chữa lành bệnh bằng sự cầu nguyện hoặc bất cứ thứ gì khác – nhưng sự cả tin nhẹ dạ của chúng ta phải được cân đo bằng chứng cứ. Học thuyết về đức tin từ bỏ điều này. Từ quan điểm của đức tin, thà là cứ bắt chước hành vi của tiền nhân đi trước hơn là tìm ra một phương cách sang tạo nào nhằm khai mở những chân lý mới trong hiện tại.
Dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân phi lý khác hơn là đức tin tôn giáo, nhưng không một sự phi lý nào từ những nguyên nhân khác đã tán dương vai trò của mình trong sự uốn nắn các chính sách công cộng. Công lý của Tòa Tối cao không có thói quen tán thưởng đất nước chúng ta vì sự tin cậy vào chiêm tinh học, vì các phong phú trong việc ngắm nhìn các UFO, hoặc vì các minh chứng về những thành kiến khác nhau mà các nhà tâm lý học đã tìm ra khiến ít nhiều có tính cục bộ đến loài người chúng ta.[xl] Chỉ các chủ nghĩa giáo điều tôn giáo dòng chính nhận được các hỗ trợ bất chấp đến sự hội đủ tiêu chuẩn hay không từ chính phủ. Do vậy, đức tin tôn giáo đã che khuất đi những điều không chắc thực ở bất cứ đâu có những hiển nhiên ấy, để cho phép những điều không biết, những việc không đáng tin, và các loại giả mạo rành rành đạt được những giá trị ưu tiên vượt quá các sự thật ấy.
Hãy thử suy nghĩ về cuộc tranh luận hiện nay về các tế bào phôi con người. Vấn nạn của cuộc khảo cứu này, theo quan điểm của tôn giáo đơn giản là vì một khảo cứu như thế sẽ dẫn đến sự hủy hoại các phôi thai. Cái phôi thai vốn bị đặt vấn đề là những thứ sẽ được cấy trong ống nghiệm (chứ không lấy từ bụng thai phụ) và được để cho phát triển trong ba đến năm ngày. Ở giai đoạn phát triển này, một phôi thai được gọi là blastocyst, chứa đựng khoảng 150 tế bào được xếp trên ống kính hiển vi. Nội tạng của một blastocyst là một tập hợp của khoảng 30 tế bào phôi (embryonic stem cells). Những tế bào này có hai đặc tính khiến chúng có những lưu tâm đáng trông đợi từ các nhà khoa học : trong trạng thái là một tế bào phôi, chúng có thể duy trì trong tình trạng không chuyên môn hóa, tự sinh sản thông qua sự tự phân chia trong một thời gian tương đối dài (tập hợp của những phôi bào sống trong một môi trường cấy như thế được nhận biết như là một dòng tế bào), các tế bào phôi đó có năng lực sinh sản, nghĩa là chúng có khả năng trở thành bất cứ tế bào chức năng nào trong cơ thể con người – như các tế bào não, các tế bào cột sống, các tế bào sinh sản ra insulin cho tuyến tạng, các tế bào cơ bắp cho tim và nhiều loại khác nữa.
Đây là những gì chúng ta biết. Chúng ta biết rằng có nhiều điều sẽ học hỏi được từ các khảo cứu về tế bào phôi. Đặc biệt là một cuộc khảo cứu như thế có thể sẽ mang lại cho chúng ta các hiểu biết sâu sắc hơn về quy trình tự phân chia của tế bào và sự phân biệt của các tế bào. Những hiểu biết này chắc chắn sẽ mang đến một ánh sáng mới mẻ cho các điều kiện y học, như bệnh ung thư và các sinh sản bị khuyết tật, vốn có lẽ chỉ vì quy trình sản sinh tế bào này đã không được như ý muốn. Chúng ta cũng biết được là một khảo cứu về tế bào phôi cần đến sự hủy diệt của một phôi thai con người ở giai đoạn phát triển đến 150 tế bào. Tuy vậy, không có một lý do tối thiểu nào để tin rằng, những phôi thai ấy có năng lực biết đau, khổ hoặc trải qua một thứ kinh nghiệm chết chóc trong bất cứ hình thức nào. Điều không thể tranh cãi được là có hàng triệu con người đang có những năng lực này, và đang phải chịu đau đớn từ những tổn thương nặng nề đến não bộ và cột sống. Hàng triệu người khác đang khổ đau vì các chứng Parkinson và Alzheimer. Hàng triệu người khác nữa phải chịu đau đớn vì các chứng đột trụy, tim mạch, phỏng nặng, tiểu đường, các chứng tê thấp, chứng tế bào Purkinje bị thoái hóa, bệnh loạn đường bắp thịt và các chứng liên quan đến thị giác cũng như thính giác. Chúng ta biết được rằng các tế bào phôi hứa hẹn một nguồn lực mới cho khả năng tự tái sinh của các mô và cơ phận khiến có thể giảm nhẹ những đau khổ ấy trong một tương lai không xa lắm.
Mang đức tin vào cuộc tranh luận: hiện nay chúng ta đang thấy mình sống trong một thế giới có các nhà chính khách có học vị cao đẳng sẽ lao những vật cản vào để ngăn chặn các khảo cứu ấy bởi vì họ lo lắng cho số phận của chỉ một tế bào đơn độc. Quan tâm của họ không phải chỉ từ một tập hợp của 150 tế bào phải chịu sự huỷ hoại. Mà hơn cả thế, họ tin rằng ngay cả một hợp tử (một cái trứng đã thụ tinh) của con người cũng nên phải được đồng lòng bảo vệ như một con người đã hoàn toàn phát triển. Vì một tế bào như thế, cuối cùng sẽ có được khả năng trở nên một con người phát triển đầy đủ. Thế nhưng nếu nhìn vào những tiến bộ mới của chúng ta trong sinh học tạo giống (cloning), rất nhiều điều đã được nói đến về mọi tế bào trong một cơ thể con người. Trong phạm vi về tiềm năng của một tế bào, mỗi khi ngài tổng thống gãi mũi mình là ngài đã dự phần vào việc chà xéo một cách độc ác vào biết bao linh hồn.
Từ sự tôn trọng đến các tín lý vốn chi tiết và nghèo nàn của học thuyết Kitô giáo (nói cho cùng, không có gì trong nội dung thánh kinh dạy rằng giết hại một phôi bào con người, ngay cả một bào thai con người là tương đương với sự giết hại một mạng người cả), Quốc Hội Hoa kỳ đã biểu quyết cấm chỉ các khảo cứu về tế bào phôi vào ngày 27 tháng Hai năm 2003.
Không một tiếp cận hợp lý nào đến luân lý có thể dẫn chúng ta đến một bế tắc như thế. Chính sách về tế bào phôi của chúng ta hiện thời đã bị bóp méo bởi những niềm tin vốn đã ly dị khỏi tất cả những trực giác hợp lý mà chúng ta có thể hình thành được từ những kinh nghiệm khả thi của các hệ thống sự sống. Trong phạm trù của khoa thần kinh học, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều đau khổ trên địa cầu này từ việc giết một con ruồi hơn là giết hại một blastocyst người chứ chưa cần bàn đến việc giết hại một hợp tử (bởi vì con ruồi, xét cho cùng, chỉ riêng trong não của chúng đã có 100.000 tế bào). Dĩ nhiên, cái mục đích mà chúng ta muốn đạt đuợc về nhân loại tính, về năng lực chịu đựng đau đớn của chúng ta vẫn còn là một câu hỏi chưa giải đáp được. Nhưng bất cứ ai cứ khăng khăng một cách võ đoán rằng những điểm này phải nảy sinh ra trùng hợp với khoảnh khắc thụ thai không có gì để đóng góp vào cuộc tranh luận ngoài chính sự ngu xuẩn của y. Những ai chống lại việc khảo cứu tế bào phôi vì những căn cứ của tôn giáo tạo nên một tương đương sinh học và luân lý học của một xã hội thời còn tin quả địa cầu có dạng hình phẳng dẹp. Cuộc luận bàn của chúng ta nên phản ánh điều này. Chỉ riêng trong lãnh vực chính sách công cộng, các tiện lợi mà chúng ta tạo ra cho đức tin sẽ chẳng làm được gì hơn ngoài việc trân trọng cất vào giáo đường cả một cõi bao la của khổ đau nhân loại cho nhiều thập niên nữa.
Nhưng những nhánh leo của phi lý còn bò lan xa hơn nữa. Tổng thống Bush mới đây đã quyết định cắt khoản tài trợ dành cho các tổ chức kế hoạch hóa gia đình ở hải ngoại nếu biết được họ có tiến hành phá thai. Theo tờ Thời Báo Nữu Ước, việc cắt giảm ngân sách này “đã cắt đi hoàn toàn các dự trữ cung cấp bao cao su cho 16 quốc gia, giảm số lượng cung cấp đến 13 quốc gia khác, bao gồm những quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm bệnh AIDS cao nhất thế giới”[xli]. Dưới ảnh hưởng từ các quan điểm Kitô giáo về tội lỗi trong những trường hợp quan hệ tình dục không hôn thú, chính phủ Hoa kỳ đã yêu cầu dành ra một phần ba ngân quỹ dành cho việc phòng chống bệnh AIDS cho Phi châu để dành vào việc giáo dục các sự kiêng cữ tình dục hơn là dùng đến bao cao su. Thành ra, hoàn toàn không cường điệu chút nào khi nói rằng hàng triệu con người có thể phải chết trực tiếp từ hậu quả riêng từ sự đơm hoa kết trái của chủ nghĩa giáo điều tôn giáo này. Như Nicholas Kristof vạch rõ, “quan hệ tình dục, cũng như sự e thẹn đoan trang này đã giết người”.[xlii]
Thế mà, thậm chí những người đã nhìn thấy tất cả những vấn nạn này trong tất cả hãi hùng của nó cũng cho rằng không thể chỉ trích đến bản thân đức tin. Đơn cử Kristol như một bằng chứng : ngay chính từ hành động phô bày tính trung cổ đang thắng thế trong chính phủ Hoa Kỳ, và chắc chắn có ảnh hưởng đến quốc ngoại, ông vẫn tiếp tục đánh luôn những ai dám đòi hỏi người mộ đạo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về niềm tin của họ :
Tôi có khuynh hướng không đồng ý với các nhà rao giảng phúc âm hầu như trong tất cả mọi điều, và tôi cũng nhìn thấy không có vấn đề gì trong sự kiên quyết vạch ra những hậu quả đau lòng của các ảnh hưởng tôn giáo đang tiến triển này. Thí dụ như, mối bực bội của các nhà truyền giáo về việc xử dụng bao cao su và giáo dục tính dục đã dẫn chính phủ đến các chính sách khiến gần như đưa nhiều nạn nhân đến cái chết vì bệnh AIDS hơn ở quốc nội và quốc ngoại, chưa tính đến sự tăng trưởng của các vụ mang thai và phá thai.
Nhưng các chỉ trích phóng khoáng dường như thường không chỉ dừng lại ở sự miệt thị, vốn là một sự thẳng thắn, đến các chính sách ủng hộ những nhà truyền giáo, nhưng còn có giọng điệu diễu cợt đến bản thân Kitô giáo bảo thủ nữa. Sự châm chọc đức tin tôn giáo như vậy là không thể tha thứ được. Đồng thời những người tự do đôi khi còn hiếu kỳ một cách trí thức đến tôn giáo ở Afghanistan hơn là hiếu kỳ như thế về tôn giáo ở Alabama, lại thích đọc kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishad) hơn là đọc các sách Kinh Khải Huyền.[xliii]
Đây là các lý lẽ trong lụi tàn. Kristol đả phá “những hậu quả đau lòng” của đức tin nhưng lại vinh danh cái nguyên nhân của chúng.[xliv] Đúng là các luật lệ về luận bàn dân sự đang đòi hỏi nàng Lý lẽ phải mang một cái khăn che mặt mỗi khi nàng du hành trong công chúng. Nhưng các lề luật về tranh luận dân sự phải thay đổi.
Đức tin chia rẽ luân lý và khổ đau. Ở những nơi một số hành vi không hề gây khổ đau gì, những người giáo điều tôn giáo vẫn cứ xem chúng như sự ác đáng phải bị trừng phạt (các quan hệ tình dục khác thường, việc xử dụng marijuana, chứng đồng tính luyến ái, sự giết hại các blastocyst v.v…) Thế nhưng, khi đau khổ và tử thần được tìm ra từ trong cả đống những nguyên nhân thường cứ được cho là tốt lành (như việc rút lại các ngân sách cho các kế hoạch hoá gia đình trong các nước thứ ba, truy tố những người vi phạm vào việc xử dụng các loại ma tuý không gây bạo lực, ngăn cản các khảo cứu về tế bào phôi v.v…) Sự đảo ngược các ưu tiên này không chỉ khiến người vô tội trở thành nạn nhân và hoang phí năng lượng vốn hiếm hoi mà còn là sự bóp méo đến tận cùng nền luân lý của chúng ta. Đã đến lúc chúng ta tìm được cách tiếp cận hợp lý hơn để trả lời những câu hỏi về đúng và sai.
[i] Trong một bữa ăn tối, Reagan đã nói với James Mills, nhà làm luật ở California, rằng ‘tất cả mọi việc đều ở đúng vị trí cho cuộc chiến đấu về ngày tận thế và ngày tái sinh xuống trần lần thứ hai của Chúa’. Vị tổng thống này đã cho phép Jerry Falwell được tham dự các cuộc họp về an ninh quốc gia và tác giả cuốn sách Ngày tận thế Hal Lindsay đến nói chuyện về chiến tranh hạch nhân với Nga cho các chiến lưọc gia hàng đầu của Ngũ giác đài”. Trích từ F. Johnson “Grace Halsell’s Prophecy and Politics: Miltitant Evangelists on the Road to Nuclear War” Journal of Historical Review 7. No. 4 (Mùa đông 1986)
[ii] Đọc G. Gorenberg, The End of day:Fundamentalism and The Struggle for the temple Mount (Oxford: Oxford Univ. Press, 2000) để có một bản phân tích đầy đủ.
[iv] “Justic Roy Moore’s Lawless Battle” editorial to New York Times, ngày 17 tháng Mười hai, 2002.
[v] Theo Frank Rich, “Religion for Dummies” New York Times, ngày 13 tháng Tư 2002.
[vii] Đọc Rich, “Religion”. Và F. Clarkson, Eternal Hostility:The Struggle between Theocracy and Democracy (Monroe, Maine: Common Courage Press, 1997).
[viii] Theo E. Bumiller “Evangelicals Sway White House on Human Rights Issues Abroad” New York Times, ngày 26 tháng Mười 2003.
[ix] Theo C. Mooney “W.’s Christian nation” American prospect, ngày 1 tháng sáu, 2003. Đồng thời xin xem website của Americans United for Separation of Church and State (www.au.org)
[x] Một trong những quan tâm trong việc tài trợ các tổ chức tôn giáo là những tổ chức này không bị ràng buộc bởi các quy chế về sự bình đẳng khi tuyển chọn lao động vốn phải áp dụng cho tất cả các tổ chức bất vụ lợi khác. Các hội nhóm của giáo hội có thể ngăn cấm tuyển dụng những người đồng tính, những kẻ đã ly dị hoặc tái hôn, những người đã quan hệ hôn thú giữa các chủng tộc, v.v…và vẫn tiếp thục nhận được tài trợ. Họ cũng tìm ra được những cách thức rất sáng tạo để xử dụng những khoản tài trợ này cho các việc nhập đạo. Việc ban phát các tài trợ ấy trước hết đã đặt chính phủ liên bang trong một vị trí phải quyết định cái gì là, cái gì không phải là một tôn giáo đích thực - vốn là một trách nhiệm mang đến quá nhiều khó khăn cho chính mình.
[xi] Theo M. Dowd “Tribulation Work Patience” New York Times, ngày 9 tháng Tư, 2003.
[xii] Theo W. M. Arkin, “The Pentagon Unleashes a Holy Warrior” New York Times, ngày 9 tháng Tư, 2003.
[xiii] Theo J. Hendren, “Religious Groups Wants Outspoken General Punished” Los Angeles Times, ngày 16 tháng Mưới 2003
[xiv] Theo G. H. Gallup Jr., Religion in America 1996 (Princeton:Princeton Religion Research Center, 1996).
[xv] Theo Paul Krugman “Gotta Have Faith” New York Times ngày 27 tháng Tư, 2002.
[xvi] Ðọc A. Scalia “God’s Justice and Ours” First Thing, tháng Năm 2002, tr. 17-21.
[xvii] www.gallup.com/poll/release/pros0519.asp
[xviii] Theo Mooney, “W.’s Christian Nation”.
[xix] Ðọc phán quyết bài bác quan điểm của Scalia đối với Daryl Renard Atkins, Petitoner, v. Virginia, trong lệnh tái thẩm lên Tòa án Tối cao Virginia, ngày 20 tháng Sáu 2002.
[xx] Ðọc phán quyết bài bác quan điểm của Scalia đối với John Geddes Lawrence and Tyron Garner, Petitioner v. Texas, trong lệnh tái thẩm lên Tòa án Tối cao Virginia, ngày 20 tháng Sáu 2002.
[xxi] Trước khi bị hành quyết, Ted Bundy khẳng định rằng các hình ảnh bạo dâm đã hằn sâu không thể loại bỏ được trong trí óc của y. Đọc R. Shattuck, Forbidden Knowledge : From Promentheus to Pornography (New York: St. Martin’s Press, 1996).
[xxii] Có một phân biệt giữa các tự do riêng tư và công cộng mà tôi chú giải thêm ở đây. Rõ ràng, có vô số những hành vi không đáng chê trách trong chốn riêng tư nhưng chúng ta lại ngăn cấm trong hầu hết những nơi công cộng, đơn giản bởi vì chúng gây phiền đến người khác. Nấu ăn trên lề đường, cắt tóc trên máy bay thương mại hoặc mang con rắn nuôi trong nhà của mình vào rạp cine là những thí dụ trong muôn vàn thí dụ về những tự do cá nhân không thể đem ra chốn công cộng được.
[xxiv] Nhận xét các vấn nạn của ma túy từ bối cảnh của sự chăm sóc sức khỏe : luật lệ của chúng ta về việc cung cấp cho người nghiện các mũi kim chích sạch đã gia tăng các trường hợp lây nhiễm AIDS, viêm gan siêu vi B, và các loại bệnh lây nhiễm về máu khác. Bởi vì liều lượng và chất lượng của các loại dược liệu bất hợp pháp vẫn còn là sự phỏng đoán của người xử dụng, do đó tỉ lệ nhiễm độc và dùng quá liều thường cao một cách không cần thiết (như đối với rượu trong thời có luật cấm rượu). Éo le thay, việc ngăn cấm luật hình đối với ma túy thực đã khiến tạo dễ dàng hơn cho thiếu niên tìm đến ma túy. Bởi vì thị trường cho chúng đã được điều hành bí mật. Luật pháp giới hạn việc xử dụng y học của chất opiate giảm đau chả làm được gì khá hơn là khiến những kẻ đau thực phải chịu đựng hơn trong những tháng cuối của đời mình.
[xxv] Theo L. Carroll, “Fetal Brains Suffer Badly from the Effects of Alcohol” New York Times ngày 4 tháng Mười một, 2003.
[xxviii] Những biến cố này được mô tả trong Reefer Madness:Sex, Drugs and Cheap labor in the American Black market của E. Schlosser (New York:Houghton Miffin, 2003).
[xxix] Khoảng 51 phần trăm tổng số những người phạm các tội bạo lực được thả ra sau khi chịu án khoảng 2 năm hoặc ít hơn, 76 phần trăm được thả sau bốn năm hoặc ít hơn (www.lp.org). Ở mức liên bang, thời gian chịu án trung bình của một người phạm các tội về ma túy là 6.25 năm ( theo ONDCP Office of National Drug Control Policy) Drug Data Summary,
www.whitehousedrugpolicy.gov)
[xxx] Thế mà, những cái không thể lường được này vẫn tăng cao hơn. Trong nhiều tiểu bang, một người chỉ cần vi phạm vào một cáo buộc liên quan đến ma túy có thể bị tịch biên nhà cửa, và người nào cung cấp được những thông tin giá trị về y có thể được thưởng đến 25 phần trăm giá trị tài sản bị tịch biên ấy. Tất cả những phần còn lại chảy vào ngành cảnh sát, vốn hiện nay vẫn trông dựa vào các tài sản bị sung công này để cân bằng ngân sách của mình. Đây đúng là sự xếp đặt các loại khuyến khích để dẫn đến những thối nát trong thời Tòa dị giáo (nếu không muốn nói là cả một quy trình như thế đã là một sự “thối nát”). Giống như những người bị kết tội dị giáo, kẻ bị bắt vì tội ma tuý không có hy vọng gì ngoài việc phải trao đổi thông tin để được giảm nhẹ án phạt. Kẻ nào không thể (hay không muốn) ám chỉ đến ai rõ ràng không tránh khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc. Do đó, các tin tức khai báo trở nên vô cùng giá trị, đến nỗi trong thực tế đã mọc ra một thị trường chợ đen cho những thông tin này. Những người bị kết án không có tin tức để trao đổi có thể mua những tin tức liên quan đến ma túy từ những người khai báo chuyên nghiệp (và những thông tin như thế này thường không rẻ chút nào). Kết quả cuối cùng của tất cả những sự việc này là các ban bộ cảnh sát quay ra học hỏi cách chú ý vào tài sản địa ốc hơn là nhằm vào tội phạm. Nhà cửa có thể bị tịch biên và tước đoạt ngay cả khi người vi phạm cuối cùng được tìm ra là vô tội. Một cuộc khảo sát trên toàn quốc cho thấy 80 phần trăm các nhà cửa bị tịch biên đã thực hiện mà không phải là hậu quả từ bất cứ cuộc truy tố hình sự nào cả (www.drugwarfacts.com) . Chính nhờ các luật lệ tỏa sáng kiểu này, nhiều cặp vợ chồng trong tuổi 80 đã bị mất nhà mất cửa vì cháu nội, ngoại mình bị bắt vì xử dụng marijuana. Muốn biết thêm những sự thật này xin đọc Reefer Madness của Schlooser.
Cuộc chiến về ma túy rõ ràng đã thực hiện quá đáng đến mức ăn mòn các tự do dân sự của chúng ta. Nhất là, trong các tiêu chuẩn về khám xét và bắt giữ, tạm tha chờ ra tòa, và những cân nhắc của luật pháp trong việc xét xử đã được cải biến lại tât cả trong nỗ lực làm cho cuộc chiến không thể thắng này được dễ dàng hơn trong việc truy tố. Vì các tội phạm về ma tuý được phán xét ở địa phương, tiểu bang rồi liên bang, dân chúng đã bị xử tòa nhiều lần vì cùng một tội phạm-có những người được xử vô tội ở tòa cấp này, lại bị xử chung thân ở một cấp tòa khác. Đã hơn một lần, các thành viện Quốc hội từng đưa ra biểu quyết dự luật phạt tử hình bất cứ ai bị bắt vì buôn bán ma túy. Thật không ngạc nhiên chút nào là, những nỗ lực để trừ tiệt nguồn cung cấp ma tuý ở các nước khác đã lại còn gây thiệt hại hơn cho quyền tự do dân sự của nhiều người khác. Tại châu Mỹ la tinh, chúng ta trở nên kẻ làm việc nghĩa không mỏi mệt cho các vi phạm về nhân quyền. (Đọc thêm bằng chứng tại: www.hrw.org.)
Trong các ý nghĩa về môi trường sinh thái, cuộc chiến chống ma túy không có thuận lợi gì hơn. Những chuyến phun thuốc xịt cỏ của chúng ta từ trên không đã đẩy nhanh tiến độ hủy hoại các khu rừng nhiệt đới cũng như làm ô nhiễm nguồn nước, mùa màng và con người. Chính phủ Mỹ gần đây đã tìm cách chuẩn y một loại kỹ thuật gây giống mang tên “nấm sát hại”, nhằm tấn công vào các nơi trồng marijuana trong nội địa cùng cây coca và cây thuốc phiện ở hải ngoại. Ngay thời điểm này, một số quan ngại rõ rệt về môi trường đã ngăn chặn đến việc xử dụng loại kỹ thuật này. ( Xin đọc: www.lindesmith.org.)
[xxxi] Từ ONDCP Drug Data Summary (tháng Ba 2003). Cuộc chiến chống ma túy cũng trở thành một bộ máy vĩ đại của sự bất bình đẳng về chủng tộc, bởi vì trong khi người da đen chiếm 12 phần trăm dân số Mỹ và 13 phần trăm của tổng số người xử dụng ma túy, chiếm 38 phần trăm tổng số người bị bắt nhưng có đến 59 phần trăm bị kết án về tội ma túy là người da đen. Luật bài trừ ma tuý của chúng ta đã đóng góp vào thảm cảnh không cha mẹ trong cộng đồng da đen, và điều này – song song với các lợi nhuận và tính tội phạm trong việc buôn bán ma túy – đã tàn phá nội tình các thành phố của chúng ta ( Xem www.drugwarfacts.com).
[xxxiii] Theo M. S. Gazzaniga, “Legalizing Drugs:Just Say Yes” National Review, ngày 10 tháng Bảy 1995. Tr.26-37, đã có những ước tính tương tự. Thiết tưởng không cần phải nói, chi phí chỉ tăng trưởng theo thời gian.
[xxxiv] Theo W. F. Buckley Jr. “The War on Drugs Is Lost” National Review ngày 12 tháng Hai, 1996
[xxxvi] Lần cuối cùng mà có người đã phải giết nhau vì các thương vụ về rượu và thuốc lá bị thất bại là khi nào ? Chúng ta có thể tự tin là một tính cách bình thường tương tự sẽ đạt đến nếu ma túy được quản lý bởi chính phủ.Ngay khởi điểm của “cuộc chiến tranh về ma tuý” hiện đại, nhà kinh tế Milton Friedman nhân xét rằng “hợp pháp hóa ma túy sẽ lập tức giảm thiểu số tội phạm và tăng chất lượng thi hành luật pháp”. Sau đó, ông mời độc giả “nghĩ ra bất cứ biện pháp nào giúp củng cố và ổn định luật pháp tốt hơn” (Friedman, “Prohibition and Drugs”, Newsweek, ngày 1 tháng Năm 1972). Cái gì đúng vẫn là đúng sau 3 thập niên của sự cai trị ngoan đạo tồi; tội phạm kết hợp với sự nghiệp buôn bán ma túy là kết quả không tránh khỏi của chính bản thân luật chống ma túy của chúng ta.
[xxxviii] Theo S. Weinberg, “What Price Glory”, New York Review of Books, ngày 6 tháng Mười một 2003 tr. 55-60.
[xxxix] Tất cả những sự điên rồ này vẫn tiếp tục, ngay cả nếu việc hợp pháp hóa và quản lý việc buôn bán ma túy có thể hiệu quả đến mức có thể giữ cho thiếu niên không với tay đến được (lần cuối cùng bắt được một kẻ bán rượu vodka trong sân trường là khi nào ?), triệt các tổ chức tội phạm đến tận gốc, giảm chi phí hàng năm trong việ thi hành luật pháp xuống hàng chục triệu, tăng thu thêm cả hàng tỉ mỹ kim khi đánh thuế thương vụ mới này và giải tỏa được hàng trăm ngàn viên chức cảnh sát để đi chiến đấu chống khủng bố và các tội phạm khác. Ðối nghịch với những phúc lợi rõ rệt này là nỗi lo sợ rằng việc hợp pháp hóa và quản lý ma túy sẽ dẫn đến cơn dịch bệnh của sự nghiện ngập và lợi dụng thuốc. Rất dễ hiểu, cũng như sự so sánh giữa Hoa Kỳ và những nơi như Hòa lan, cho thấy nỗi lo sợ này là không có cơ sở. Với hơn 100 triệu trong số 108 triệu người Mỹ từng xử dụng các loại ma túy bất hợp pháp có thể làm chứng, nghiện ngập là một hiện tượng rõ ràng khác biệt với việc xử dụng, và việc xử dụng chỉ đòi hỏi đến các thông tin tốt để khỏi rơi vào nghiện ngập. Dĩ nhiên, chứng nghiện ngập cần phải được điều trị - cái mà hiện nay chúng ta không có đủ ngân sách.
Ðiều này không phải để chối bỏ rằng một tỉ lệ phần trăm nhỏ của một số người dùng các ma túy (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) có cuộc sống bị đổ vỡ vì chúng. Chúng ta thường nghĩ về vấn nạn này như thể có hai mặt nghiệt ngã:”lạm dụng” và “nghiện ngập”. Tuy vậy, vẫn đúng là đa số người xử dụng ma túy không lạm dụng nó, và nhiều nguồn ma túy bất hợp pháp không sẵn sàng để trỡ thành nguồn nghiện ngập ngay cả chúng ở sẵn trong tay người xử dụng (như marijuana, LSD, psilobin, mescaline v.v…). Bảo rằng ma túy dễ gây nghiện ý muốn nói là con người phát triển cả sức chịu thuốc và sự khoan dung với nó (do đó cần đến các liều càng cao hơn để đạt được hiệu quả tương đương) cùng các triệu chứng chịu thua việc ngưng xử dụng. Không khó khăn để mà nhìn thấy tại sao những người có thiện ý phải lo ngại cho kẻ khác có thể trở nên loại nô lệ không chủ tâm của tính chất hóa học như thế. Trong khi thuốc phiện và các phó sản của nó (như heroin và morphine) là những bằng chứng cổ điển của ma túy các loại, nicotine và rượu cũng có thể được xếp vào danh mục này (tuỳ theo liều lượng xử dụng). Tuy nhiên, Theo luật lệ của chúng ta, đối với tất cả những người xử dụng ma túy trái phép - bất kể là có khác thường hay không, nghiện ngập hay không - đều bị xem là tội phạm, là đối tượng bị bắt giữ, bỏ tù, tịch biên tài sản và các hình phạt khác của tiểu bang.
Luật về ma tuý của chúng ta đã tạo nên sự phân biệt tùy tiện và không rõ ràng giữa các tinh chất hóa học trong khi làm giảm nhẹ đi những loại có gía trị. Không ai nghi ngờ việc xử dụng một số ma túy có thể hủy hoại đời sống của một số người. Nhưng cũng có thể nói đến cùng một ý nghĩa tương tự như vậy với nhiều mặt hàng khác. Con người phá hủy đời mình và cuộc đời những người lệ thuộc mình chỉ đơn giản từ một việc là ăn quá nhiều. Năm 2003 Trung Tâm kiểm soát Tật bệnh công bố rằng chứng béo phì trở thành một lo ngại lớn nhất cho sức khoẻ công chúng ở Mỹ, thế mà ít có ai trong chúng ta tưởng tượng đến việc bộ luật hình sự mới của chúng ta cần phải soạn về sự kiểm soát việc ăn cheeseburger. Bất cứ ở đâu có vấn đề về ma túy, chính là các vấn đề về chính sách giáo dục tốt và hệ thống y tế tốt hơn chứ không phải là chuyện bỏ tù. Chỉ cần đơn giản quan sát dân chúng trong đời sống công cộng vốn không đủ khả năng để có những thảo luận hợp lý về những sự việc này (bắt đầu từ JohnAscroft trở xuống), bạn sẽ thấy rằng đức tin tôn giáo đã làm hết các phần việc thông tin các quan điểm về thế gian của nó.
[xl] Đọc, thí dụ., D. Kahneman and A. Tversky “On the Realty ofCognitive illusions”, Psychological Review 103 (1996): 582-91.
[xli] Đọc “Misguided Faith on AIDS (Editorial), New York Times ngày 15 tháng Mười 2003.
[xlii] Đọc N. Kristof “When Pudery Kills” New York Times, ngày 8 tháng Mười, 2003.
[xliv] Kristof cũng đã hiểu sai câu phát biểu nổi tiếng của Einstein “Khoa học không có tôn giáo là què quặt, tôn giáo không có khoa học là đui mù” để cho rằng Einstein đã bày tỏ sự tôn trọng đến tính cả tin đạo giáo. Khoa học không có tôn giáo là què quặt, chỉ có nghĩa là “khoa học chỉ có thể được sáng tạo bởi những ai hoàn toàn thấm đẫm bởi những khao khát về chân lý và hiểu biết. Tuy nhiên, nguồn gốc của cảm giác này, có được từ vũ trụ của tôn giáo”. Trong khi tôn giáo mà không có khoa học là mù lòa bởi vì tôn giáo không có được lối vào chân lý- nghĩa là, theo suy tưởng của Einstein, không có gì khác hơn “nguồn cảm giác” này, nỗ lực cho một điều gì vĩ đại hơn này không thể tự mình được đánh giá có tính khoa học. Đức tin, do đó, chỉ là kẻ đói khát, trong khi lý lẽ là thức ăn của nó.
Einstein có lẽ quan niệm đức tin không khác gì hơn một hoạn quan được dùng vào việc canh giữ hậu cung khi những kẻ khôn ngoan bận giải quyết những vấn đề của thế gian. Từ cách lấy cớ là tôn giáo có thể tiến hành mà không hề cần đến một khát vọng tri thức nào, ông cũng an ủi cho khả năng phạm lỗi lầm của tôn giáo. Đây không phải là cái đức tin khiến các nhà rao giảng phúc âm, hay bất cứ người theo đạo nào, từng thực hành. Đọc Einstein, Ideas and Opinions (New York:Wing Books. 1954) 41-49....