Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.232.470
 
Chuyển vai
Nguyễn Bích Hạnh

Cả hai tháng nay, nhà máy hắn cho công nhân nghỉ không lương. Đầu hắn cứ ong lên, phần vì tiền, phần vì rảnh rỗi quá. Tiền học cho lũ con, tiền chợ, tiền sinh hoạt lung tung khác. Mà sao lắm đám cưới đến thế? Hắn lo chạy được một đám đã toát mồ hôi hột, ăn  miếng cỗ thì nuốt không trôi, cứ nhàn nhạt, đắng ngắt. Dăm ba hôm lại có kẻ đến cười cười, nói nói rồi ấn vào tay hắn thứ giấy hồng hồng, thơm thơm mà không thèm đếm xỉa đến bộ mặt của hắn đang tái dần đi và nẫu đến mức nào. Vợ của hắn, một mụ đàn bà chăm chỉ, thương chồng con – cứ quýnh quáng chạy hết chỗ này, đáo chỗ kia. Lắm lúc nhìn vợ, hắn thấy thương thương và trách mình bất tài, chẳng đỡ đần gì cho vợ con...

 

Hắn buồn thấy rõ. Mấy hôm đầu nghỉ việc, hắn còn thấy vui vui. Cả đời cắm mặt, cúi lưng vào máy dệt, chẳng kiếm nổi một ngày rảnh rang. Thế mà nay lại rỗi rãi quá. Lũ trẻ vui lắm. Tan học là chúng về nhà ngay, sà vào lòng hắn mà bô bô đủ thứ chuyện. Hắn cũng tếu táo mấy câu, căn nhà hắn tràn ngập tiếng cười, cơn gió hạnh phúc tạt vào người hắn mơn man, mơn man... Hắn sung sướng vuốt ve những mái tóc tơ mượt cho lũ con, khi kéo cái  xoành xệch của thằng Thảo, khi cặp lại cái bím tóc cho con Hiền. Bọn trẻ cười nói tíu tít cho đến khi mẹ về. Bữa ăn do hắn làm đầu bếp, tuy không ngon bằng mẹ nhưng chúng cứ rối rít khen. Hắn cứ tưởng hạnh phúc gói tròn trong những cử chỉ đẹp đẽ ấy?

 

Vậy mà nó cũng chỉ tồn tại được một tuần. Bảy ngày hắn ngồi chơi nhâm nhi những tách trà rồi chán. Việc thì chẳng có, cái bàn lung lay chân, cái kệ sách bị mọt, cái trần nhà bám đầy mạng nhện. Hắn làm tuốt, căn nhà vốn luộm thuộm, dưới bàn tay hắn bỗng sáng lên, óng ánh trong cái nhìn, cái xuýt xoa thán phục của mấy mẹ con. Đến bữa, hắn chạy ù ra chợ, vợ hắn đón hăn bằng cái mỉm cười hiền dịu và dúi vào tay hắn túi thức ăn căng phồng những rau, thế là hắn tự biên, tự diễn hết xào lại nấu...Thời gian chờ đợi, hắn gác chân lên bàn đọc sách. Nói đọc cho oai, chứ làm cái anh công nhân dệt, chẳng có ham hố gì ngoài việc ngủ. Làm ca, hết ca hai lại ca ba, con mắt cứ trực díp xuống và trễ nải trên khuôn mặt thiếu nắng. Bây giờ, cầm quyển sách, hắn cứ thấy trống trải thế nào ấy?...Thời kỳ bận bịu, ao ước được xả hơi một hôm, giờ thì ... duỗi cả ngày, hắn đâm mệt và chuyển sang cáu bẳn  lúc nào không biết. Cả tuần nay, lũ con hắn bắt đầu khép nép trước bố. Kể cũng tội, nhưng hắn cảm thấy chân tay thừa thãi quá, lủng lẳng đến ghét. Cứ phải chửi, phải quát một câu cho nó vợi đi... Hắn điên lên khi thấy vợ hắn ngồi nhặt nhạnh từng đồng hào lẻ sau buổi chợ. Cái gánh rau quả lại oằn nợ chi tiêu vì bây giờ chỉ trông chừng vào nó. Vợ hắn cứ miệt mài kiếm sống lo cho gia đình trăm thứ tiền này mà chẳng một lời kêu ca, đay nghiến. Hắn thương vợ lắm, nhưng cái thương chỉ ở trong lòng thôi, chứ chẳng biết kiếm thêm tiền bằng cách nào. Từ hồi học cấp hai đến khi đi làm, cưới vợ, sinh con, cuộc sống cứ quay quanh cái vòng tàm tạm tròn, không khá nhưng cũng chẳng đến nỗi chật vật lắm. Nhưng đồng tiền nó cứ vuông trằn trặn như thể chẳng dài ra, to thêm mà cái gì bây giờ cũng đắt đỏ, lũ con hắn càng học lên cao, càng đóng đủ thứ tiền. Có lần, hắn quát tướng lên: “Thằng thầy mày sao sinh ra lắm thứ chuyện vậy?” khiến cho lũ con hắn sợ sệt cúi đầu, im ỉm càng làm hắn điên tiết, mắng xa xả cho bõ tức. Đến đêm, vợ hắn nhẹ nhàng phân tích, hắn chợt thấy mình đáng trách đến nhường nào. Hắn lại vuốt ve chúng, hôn hít chúng và xin lỗi chúng. Đêm... Vâng, đêm đã giúp hắn trở lại con người thực của mình...

 

Hôm nay, vợ hắn tan chợ sớm hơn mọi ngày, nhìn vẻ mặt tươi tắn biết ngay là đắt hàng. Hắn đón gánh và lau những giọt mồ hôi trên trán vợ, mụ sung sướng mỉm cười với hắn và hắn cũng thấy vui vui và dịu đi phần nào. Mụ lôi trong đống giấy một gói chè và bao thuốc lá đưa cho hắn. Khẽ cau mặt, hắn mắng khéo: “Sao mà phí thế, tôi không cần đâu!”. Mụ lại mỉm cười rõ tươi và thỏ thẻ: “Tôi mới tìm được việc thích hợp cho mình, mình làm tạm cho đỡ buồn...”.

- Thế hả - Hắn bật dậy hào hứng- Việc gì đấy, tay chân tôi lóng ngóng thế này kia mà...

- Lóng ngóng thì làm việc lóng nhóng- Mụ dí dí ngón tay lên trán hắn.

- Lo mà - Hắn mỉm cười trước cử chỉ đáng yêu ấy.

Hôm sau, vợ hắn nghỉ cả buổi chợ, dẫn hắn đến nhà một bà khách hàng quen của mụ. Bà ta đon đả:

- Chú xem liệu có thể giúp chị được gì không nhé?

Hắn trầm ngâm gật đầu và quan sát một tá người đang lúi húi bên đống len cao ngất. Thì ra công việc của hắn là khâu áo len, ghép những mảnh đan thành một chiếc áo như một anh thợ lành nghề... “Dễ thôi, chú cứ nhìn xem”, bà chủ nói làm hắn giật mình, ghé sát mắt và theo dõi từng động tác của mấy bà, mấy chị trạc tuổi hắn và hơn cả hắn. Ngường ngượng khi nhìn thấy mình hắn là đàn ông mà lại đi làm thứ việc của đàn bà. Nhưng...bây giờ, hắn đang cần tiền, cái đó quan trọng hơn lòng sĩ hão. Vả lại... Đầu hắn rối lên tiếng xin tiền học của thằng con trai, mà cái trần nhà cũng rách lắm rồi... Hắn dũng cảm nhận lời, khuân về một bọc tướng len rồi hì hục ngồi ghép thân. Xong xuôi, hắn bắt đầu rút chiếc kim bố ra xâu chỉ. “Cha!”, hắn khẽ thốt lên kinh ngạc, sợi len to tổ bố thế này sao xỏ vừa cái lỗ tí hin. Hắn cố tra vào nhưng sợi len thô kệch cứ lùi lũi chệch ra, hắn ngao ngán nhìn đống áo chưa khâu. Biết bao giờ cho xong...? Lúng túng một hồi, hắn quẳng toẹt xuống đất rồi rút thuốc châm lửa đốt. Một lát sau, cái cần mẫn, miệt mài của mụ vợ ăn sâu vào lòng hắn. Thử cố lần nữa xem... Hắn lại ngồi xuống tỉ mẩn xoắn đầu sợi len cho nhỏ lại, nó lại toẽ ra, hắn chuốt nước miếng cũng chẳng ăn thua gì... “À!”...hắn liền gấp đầu len lại rít qua lỗ kim... Thế là xong... Hắn thở phào nhẹ nhõm, hăm hở khâu một lát, tay hắn đã xù xì nham nhở những vết kim đâm đau buốt, hắn tê người khi nghĩ đến cám cảnh cả đời ngồi khâu...

 

Đến trưa, vợ hắn về nhà, nhìn thấy hắn đang ngao ngán trước chồng áo còn dở dang, bừa bộn, vội vàng đi thổi cơm. Lúc sau, lũ con cũng đi học về, chúng ngạc nhiên nhìn đống len to, đẹp trong nhà, rối rít hỏi bố và bình phẩm. Hắn bực mình lườm con, lũ trẻ nhìn thấy bố như vậy vội đi thay quần áo và nép vào bên mẹ. Ăn trưa xong, định bụng ngả lưng một lát thì vợ hắn quều tay hắn và hướng dẫn một cách tỉ mỉ. Chu cha, hắn ngạc nhiên hơn nữa, một người chạy chợ như mụ lại khéo léo đến thế?... hắn thấy sốt ruột, bèn cầm chiếc kim nắn nót khâu từng đường một. Đến đầu giờ chiều, vợ chồng hắn đã khâu những hai cái lận, nhìn sản phẩm mình làm ra, hắn vui mắt lắm, cứ ngắm nghía hoài... Có việc, cuộc sống sẽ đỡ tù túng hơn...

 

Hắn cặm cụi khâu cả ngày. Mới đầu đau lưng lắm nhưng hắn cũng cố, vợ hắn còn chầy mặt ở chợ cả ngày thì sao? Lũ con hắn cũng biết giúp bố, nhất là cái Hiền. Gớm, mới học lớp ba cũng đòi bố cho khâu cầu vai, nhìn con bé chăm chú với công việc, hắn vui ra mặt...

 

Đến ngày thứ tư, cái chồng áo hai mươi chiếc đã hoàn thành gon ghẽ, buộc ở đầu giường. Vợ hắn chép miệng:

- Kể cũng hơi lâu, nhưng còn nhanh chán.

 Hắn cho tất cả vào bao, chở thẳng đến nhà bà Lý- bà chủ len. Bà ta mau mắn đón lấy bao hàng, giở ra kiểm tra. Khẽ cau mặt, chiếc kéo trên tay bà ta cứ cắt, cứ xé, khiến hắn buốt cả ruột. “Làm được thì mất cả ngày mà con mụ lại cắt nát thế này”, hắn bực mình lắm. Khẽ nhếch miệng cười, bà ta ngọt nhạt: “ Với chú, buổi đầu tôi còn giúp, từ sau chú tự cắt tự sửa... Thôi, chú khâu lại đi”.

Hắn tức nổ đom đóm mắt, định khuân tất về nhà, nhưng một bà cùng cảnh như hắn khẽ thẽ thọt: “ Bà ta nói cũng đúng...”. Hắn ngồi phịch xuống mượn chiếc kim, xâu chỉ, khâu đến chiếc cuối cùng. Xong xuôi, hắn chờ bà ta xếp hàng mới rồi về. Bà Lý cười rất tươi: “ Chú chờ chút, hàng len đang rất cần nên được hàng tôi trả tiền luôn...”- “ Thế hả?”, hắn nhếch miệng nói. “ Ờ, đây là hai bốn nghìn, vị chi là nghìn hai một cái. Chú đếm cho tôi...”. Hắn hờ hững cầm tiền, lao động cả bốn ngày trời, có công của cả vợ con hắn mà chỉ có hai bốn nghìn thôi ư! Rẻ mạt quá!... Bà ta đưa cho hắn bao hàng mới, miệng đon đả cười: “ Nhanh nhé chú!”.

 

Hắn đạp xe một mạch về nhà, ngồi thừ người nghĩ ngợi. Vợ hắn đã về từ lâu và đang đợi hắn. Hắn ném mấy đồng tiền còm cõi xuống bàn, miệng đắng ngắt: “Nhiều gớm!”. Vợ hắn- rõ ràng là trời sinh ra để dành riêng cho hắn- vuốt ve lòng tức giận của hắn bằng mấy lời nói nhẹ nhàng, rằng thế này là đúng, rằng người ta làm một ngày những mười lăm, hai mươi cái cơ, mình làm lâu thì cảm thấy vậy... Hắn suy nghĩ lắm, suy cho cùng là hắn còn lười, lười trong cái chăm chỉ của hắn và hắn sẽ khâu được như người ta, ít ra bây giờ cũng phải hơn hôm trước.

 

Giờ thì hắn như con thoi, cả vợ hắn cũng vậy, khi nghỉ trưa, khi tối rỗi rãi đều làm cùng hắn, thế là tăng công suất. Còn chè thuốc thì hắn bỏ, chỉ uống trà xanh thôi, một ngày chỉ tốn hai- ba trăm đồng. Rẻ chán!

 

Vèo một cái đã gần hết hai tháng, hắn khâu được khá nhiều áo len. Và từ hôm đó, tuy chẳng nhận thêm đồng công nào nhưng hắn vẫn nhẩm tính số tiền sẽ có được vào cuối vụ. Thời gian với hắn bây giờ như ngắn lại và nếu có nghỉ một ngày khâu là hắn lại tiếc, lại xuýt xoa đến khổ...

Chiều nay, vợ hắn đi chợ về tươi tỉnh hơn ngày thường. Chị xách một con cá trắm to, nói đãi cả nhà bữa ăn tươi. Hắn nhìn vợ như dò hỏi, vợ hắn bật cười rồi xoè ra một xếp tiền còn mới:

- Họ tạm ứng cho mình một nửa.

- Thế hả?- Hắn nâng niu xếp tiền trên tay, công của cả nhà đây.

Vợ hắn mỉm cười nói tiếp:

- Tôi tính rồi mình ạ. Số tiền này mình sẽ mua một cái máy khâu cũ, mình làm nghề này cũng còn lâu chán... Với lại, mình có đi làm ngày cũng máy được dăm ba cái...

Hắn nhất trí luôn, nhìn mụ với ánh mắt thán phục. Vợ hắn bao giờ cũng là nhất. Bữa tối hôm đó tuy ăn muộn nhưng hắn chẳng cảm thấy đói, người cứ nao nao khi nghĩ đến ngày mai...

Hắn đang tập máy, gớm, cứ nặng chình chịch, hắn trần người xoay quanh chiếc máy khâu đã cũ. Chẳng mấy chốc tiếng tành tạch vang lên...

Bỗng có tiếng hét đầu ngõ, hắn vội chạy ra, bà Tư béo lập cập khuỵ xuống:

-    Chú...Ch...ú, cô Bảo...

-    Mắt hắn mờ đi, tai cứ ong ong tiếng hét của vợ hắn. Hắn vơ vội chiếc quần dài chạy theo bà Tư như một cái máy...

Nhìn vợ băng kín người đau đớn, hắn bỗng oà khóc như một đứa trẻ khiến những người ngồi đó không cầm lòng nổi. Hắn cứ nấc lên, vò đầu, hai mắt đỏ quạch, lã chã những dòng nước đục ngầu...: “Mình ơi!...”.

-    Thôi chú- Bà Tư kéo hắn ra ngoài nói chuyện. Mắt hắn gióng lên lửa giận nhìn người hại vợ mình.

Người lái xe- kẻ đã xô vợ hắn- mặt tái mét, run run nhìn hắn:

-    Anh thông cảm, tôi mới học lái, hôm nay đi thử lần đầu. Cũng tại...thất nghiệp, nên đành...

Hắn nhìn kỹ anh ta, cũng trạc tuổi mình thôi mà, nhìn khuôn mặt ấy hắn chắc rằng cũng trải qua bao đêm như hắn. Lòng hắn cũng dịu đi...

 

Vợ hắn sau một thời gian cũng về nhà, nhìn chiếc chân còn bó bột, chị khóc tủi, cả nhà chị trông vào nó hàng ngày... Hắn tê người khi nghĩ đến những ngày tiếp sau. Cuộc đời dành cho hắn những gì ngoài khổ đau mất mát. Đến một người hiền lành như vợ hắn mà cũng không thương... Hắn với tay lấy chai rượu tu ừng ực. Vợ hắn ứa nước mắt nhìn chồng, chiếc chân dễ đến tháng mới khỏi...

 

Những ngày sau, hắn tất bật chăm sóc vợ, hết nấu cháo lại hầm xương. Hắn nghĩ kỹ rồi, hắn phải đứng thẳng dậy mà sống, con người ta có số, mà vợ hắn cũng cần phải an ủi...

Hắn cần phải kiếm tiền nhiều hơn nữa, vợ con hắn khổ quá nhiều rồi, hắn hăm hở đạp máy, tiếng tành tạch cứ vang lên đều trong đêm.

 

Sáng nay, anh bạn làm cùng tổ dệt đến chơi, thông báo ngày đi làm. Hắn cảm thấy dễ chịu hẳn lên, dù sao, đời hắn cũng gắn bó với nó, tuy vất vả nhưng còn anh em, bạn bè, ối người còn vất hơn hắn...

Mắt hắn nhướng lên rồi từ từ giãn ra. Hắn còn phải làm hết những công việc vặt trước đã. Đầu tiên, mắt hắn dừng lại nơi đống chăn bừa bộn.

...

Đêm đêm, khu tập thể lại vang lên tiếng máy khâu tành tạch, tành tạch lẫn trong tiếng rủ rỉ của đất trời và trong lòng tin của hắn đối với ngày mai.../.

Nguyễn Bích Hạnh
Số lần đọc: 1561
Ngày đăng: 04.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng rừng - Dương Quốc Hải
Dưới trăng - Nguyễn Văn Ninh
Đi trong thành phố có nắng - Kiệt Tấn
Sợi tóc bị vướng - Lâm Hà
Trước ngưỡng cửa của cuộc đời mới - Phạm Nguyên Trường
Mùi của đàn ông - Nguyễn Minh Phúc
Chùm chuyện trào phúng “trường phái” thằng Bờm - Nguyễn Chính
Ăn chữ - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Cánh đồng mùa đông - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyển nhà - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Chuyển vai (truyện ngắn)