Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.343
 
Xuân Thao, thơ và người
Phạm Ngọc Lư

1.

Những năm đầu thập niên 60, ở các tỉnh miền Trung bỗng rộ lên phong trào “làm văn nghệ” của các cây bút trẻ. Quả vậy, thời đó anh em chúng tôi còn rất trẻ, tuổi đời chưa tròn đôi mươi, còn ngồi ghế nhà trường trung học nhưng lòng đam mê văn chương thì gần như vô bờ, đã tập tễnh cùng nhau dấn bước vào con đường thi ca. Xuân Thao là một trong số những nhà thơ trẻ ấy ở thành phố Đà Nẵng. Ngay đầu năm 1964, anh cùng hai người bạn thân thiết là nhà thơ Phương Tấn và Uyên Hà, tập hợp thêm sáng tác của một số thân hữu khác, nỗ lực xuất bản hai thi tuyển Rừng và Vỡ như một trình diện khiêm tốn nhưng khá tự tin với làng Thơ lúc đó, hơn thế, trong thầm lặng, còn muốn khẳng định sự hiện diện của riêng mình cùng vóc dáng và ngôn ngữ của tuổi trẻ trước thời thế.

 

Ừ, thời thế nhiễu nhương, chiến cuộc lan rộng, bom đạn tàn sát quê hương, ngày ngày máu chảy nước mắt rơi, đêm đêm bóng ma hung ác của chiến tranh há mồm nhe răng vây bủa rình rập chờ cắn xé những mái đầu xanh tuổi trẻ. Tinh thần dằn vặt, tâm thức cồn cào sự phản kháng, Xuân Thao và bằng hữu, trong những giới hạn của vị thế mình, không thể không lên tiếng, bày tỏ thái độ. Vậy là thơ ra đời.

 

Hãy nhìn xuống quê hương nầy khốn khó

Cây không xanh cho lịch sử thêm già

Một dòng sông đen như màu hắc ín

Chảy căm hờn trong từng nỗi can qua

(Xuân Thao - Đất mẹ)

 

Ta đi dưới đám mây đen

Những đám mây chở đầy tin buồn

......

Ta thả đôi chân lang thang cùng khắp xóm thôn

Ta đang đi trên điêu linh vận nước

(Lại một chiều buồn)

 

Như một số bạn bè khác, thời kỳ đầu Xuân Thao làm khá nhiều những bài thơ có hơi hướm “phản chiến” nhưng anh ít phổ biến trên các tạp chí ở Sài Gòn. Sau nầy, anh về dạy học ở Quảng Ngãi, thỉnh thoảng “chơi” với tạp chí Trước Mặt của các nhà thơ Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Khắc Minh... Chính những năm ở Quảng Ngãi, Xuân Thao tìm được rất nhiều cảm xúc từ thực tế để viết. Cũng dễ hiểu thôi, người cầm bút có ý thức không thể bàng quan trước thời cuộc, nhất là khi anh đang phải sống ở một vùng “đất dữ”, đạn bom ác liệt, tang thương tang tóc trùng trùng và sự bất trắc thường trực phủ trùm ngày đêm.Đây là những câu thơ khiến người đọc hôm nay còn hãi hùng ớn lạnh :

 

Núi đứng gầm gừ như hổ đói

Đồi rập rình tia mắt chói chang

Lúa lởm chởm như ngàn chông nhọn

Mừng ta chăng, Mộ Đức tan hoang ?

(Về thăm chốn cũ)

 

Tôi đi qua những rừng dừa cụt đầu cháy nám

Những thân dừa mang đầy dấu đạn

Những tường vôi đổ xuống những tường vôi

(Những rừng dừa cụt đầu ở Tam Quan)

 

Cả trong đêm Noel thiêng liêng, Xuân Thao, như một chứng nhân bất lực, đã thống thiết kêu lên :

 

Việt Nam quê hương tôi đang chìm trong bóng tối

Không có màu sao hồng đào

Không có chùm sao thập tự

Không có hồi chuông giáo đường rộn rã

Không có thánh ca trầm bổng bay cao

Chỉ có những đám mây đen

Chỉ có ánh hoả châu vàng lẹt

Chỉ có tiếng hò hét xung phong

Chỉ có tiếng la thất thanh, tiếng kêu rên đau đớn

Chỉ có tiếng chát chúa súng nổ, bom gầm

Thay cho lời kinh cầu nguyện

(Chúa đã biết /1972 )

 

Đành làm một nhân chứng bất lực, dù tâm thức âm ỉ sự phản kháng, nhà thơ chỉ còn biết im lìm mơ tưởng đến ngày chiến tranh kết thúc, quê hương được hưởng cảnh thanh bình để mở hội trùng tu. Rất hiền hoà, Xuân Thao nằm mơ hoà bình, khao khát hoà bình và anh đã viết Cánh  đồng tương lai, Loài chim hút mật, Có một loài chim,  Một mai em có về quê hương, Sớm mai con dậy, Những sớm mai Việt Nam v.v... Quá thiết tha, sự mơ tướng ấy có lúc dâng trào, bùng lên lời phán quyết, như một khẩu hiệu, khảng khái, dứt khoát:

 

Trên hoang tàn đổ nát, mai Việt Nam trổi dậy

Không một thế lực nào có quyền đánh cướp trong

ý nghĩ sau cùng của ta:

Những sớm mai Việt Nam

( Lẽ ra bây giờ nên thêm một cái dấu chấm than sau câu kết Những sớm mai Việt Nam! )

 

Nhưng Xuân Thao không chỉ làm thơ về khói lửa tao loạn và thao thức với viễn ảnh hoà bình, anh còn một số thơ tình rất dung dị, đằm thắm, nhẹ nhàng, Viết về thời cuộc thì chữ nghĩa anh tràn trề, hả hê, dằng dặc, có thể còn viết dài hơn nữa mà vẫn chưa “đã”, nhưng trong tình tự chúng lại bất ngờ cô đọng, chơn chất, dịu dàng :

 

Em tuổi lúa và dung nhan của gió

Trong lòng tôi mùa gặt đã đơm bông

Loài chiền chiện bay cao theo chiều nắng

Dưới cầu sông... nước lênh láng se lòng

(Dòng nước trong)

 

Hoặc trong bài Cuộc tình:

 

Đêm nâu biển mặn, ô kìa !

Đỉnh non xanh tạm chia lìa nhân gian

Đưa em lên biển rừng vàng

Lược đây xin chải hai hàng tóc mai

. . . . . .

Ngồi buồn bốc mộ lên chơi

Xương tàn cốt rụi một đời yêu em...

 

( Ngồi buồn bốc mộ lên chơi, chắc nhiều độc giả sẽ đồng ý với tôi: đây là câu thơ rất tuyệt, tứ thơ tân kỳ nhưng nhà thơ lại không đẩy tiếp cái tứ thơ đó lên cao chót vót hoặc xuống sâu thăm thẳm của sự bi thương với xương tàn cốt rụi mà đành ôn tồn dừng lại, quay về thề thốt một đời yêu em khiến ta phải tiếc rẻ cho câu thơ và mỉm cười).

 

Thế rôì, 1975, chiến tranh chấm dứt, hòa bình đến, đất nước tràn đầy những hân hoan nhưng cũng lắm cảnh đời dao dác lo âu hoặc ngập chìm trong tuyệt vọng. Còn  Xuân Thao thế nào ? Anh cặm cụi với cục phấn cái bảng, ngày ngày lên trường lên lớp, đêm đêm tù mù với bài vở, giáo án. Thế là yên hàn. Anh giữ liêm sỉ, dứt khoát không làm thơ nữa ! Không một câu. Không một chữ. Không giao không du. Chẳng bạn cũ chẳng bè mới. Chôn vùi bút mực. Đâu còn văn chương, sá gì văn chích. Thời đã thế, thế thôi đành thế !

 

Vậy mà Nghiệp Dĩ, dù không nặng lắm, vẫn vướng víu anh. Hơn 20 năm sau, khi tuổi đời đã ngoài ngũ thập, khi mà cuộc phong trần vật hoán tinh di ầm ĩ đã khác xưa, Xuân Thao lại âm thầm làm thơ, như một số bạn bè thân thiết của anh, với những đề tài và chữ nghĩa chừng mực để giải bày phần nào nỗi lòng của riêng mình.

 

Ta ngồi ru mãi lòng kiêu bạc

Giữa một biển điên sóng lộn trời

(Một thuở xuân thì /1997)

 

Ta tang thương suốt Thu, Đông

Em kêu thương nỗi mất chồng năm nay

.....

Mùa xuân , mùa xuân, xuân ơi !

Đến làm chi để tủi người thiên hương ?

Ta chia em một chút buồn

Thơ ta thay rượu, khói hương, viếng chàng

(Mùa xuân năm ấy 1998)

 

2 .

Thơ là người. Với Xuân Thao, có thể nói thế nầy phù hợp hơn: “người là thơ”. Phải là bạn của anh thì ta mới thấu hiểu ngọn nguồn gốc rễ tính cách thơ anh.

 

Xuân Thao trầm lặng, ít nói, cốt cách cứ như một nhà trầm tư mặc tưởng, ngay cả thời thanh niên. Thường thì những người làm thơ rất lãng mạn, đa tình, bởi hương vị tình yêu dù ngọt dù đắng vẫn là chất liệu cần thiết cho cảm hứng thi ca. Thế mà với khoản nầy Xuân Thao lại rất ít ỏi . Khỏe hơn chúng tôi, anh khỏi phải thao thức tương tư, thấp thỏm chờ đợi, yêu thầm nhớ trộm, khổ đau vì thất tình, hoặc phân vân ray rứt khi phải đoạn tình. Từ đó chúng ta hiểu vì sao anh không sở trường lắm về thơ tình lãng mạn. Phải chăng “người là thơ” là thế ?

 

Xuân Thao có những tố chất mà tôi rất quý: khiêm tốn, chân thật, dung dị, mực thước, điềm đạm, trầm tĩnh, không tham vọng, không xu thời xu thế, không a dua theo đóm ăn tàn, không tự sơn phết mình những hào nhoáng rởm. Và trên hết, đó là lòng tự trọng, là sự liêm khiết của một nhân cách trong sáng .

 

Cuộc đời anh, như sự an bài tiền định, dù trải qua Dâu kia Bể nọ vẫn phẳng lặng yên hàn. Không thăng không trầm, chẳng thành công to nhưng cũng chưa từng thảm bại. Chưa hề có môt niềm vui lớn nhưng không phải khứng chịu nỗi đau khổ quằn quại nào. Sướng thay! Nhưng cũng tiếc thay, một cảnh đời như thế khó có thể mang lại cho tâm hồn mình và cho thơ những suy tưởng phiêu hốt, những cảm xúc mãnh liệt, những hỉ nộ ái ố tột cùng, để từ đó, khai phá những bờ cõi mới lạ của ngôn ngữ. Anh sống gần như khép kín, thầm lặng, ít giao du. Thơ anh ít người biết, ngay trong thời kỳ viết “tới” nhất khi ở Quảng Ngãi, bởi anh không chịu gởi đăng báo nầy báo nọ ở thủ đô Sài Gòn.

 

3 .

Cách nay hơn ba năm Xuân Thao thoát khỏi một cơn bạo bệnh và bắt đầu nghiệm ra lẽ vô thường của cái nhân sinh hữu hạn này. Tôi đến thăm anh lúc sức khỏe anh mới hồi phục, không hiểu sao lại đề nghị anh tu chỉnh và in những bài thơ của một thời để gởi lại đời, hoặc ít ra để lưu dấu với gia đình và một số bạn bè cùng thời cùng cảnh ngộ. Lần đó Xuân Thao đã lắc đầu trước đề nghị bất ngờ của tôi. Giờ đây thì tôi rất vui khi đang viết những dòng tâm sự chân thật dành cho Sóng mòn, tập thơ của một đời thơ Xuân Thao.

 

Cả đời Xuân Thao sống không cầu danh nhưng không vì thế mà buộc thơ mình phải chìm vào bóng tối lãng quên của thời gian, nhất là một số bài thơ, sau hơn bốn thập niên, đã trở thành chứng tích của tâm tình một thế hệ trong một giai đoạn lịch sử đầy rẫy đau thương, Và tôi mong rằng, từ nay bạn tôi sẽ không còn ngậm ngùi bên chén rượu, băn khoăn nhìn bóng chiều tà, thẫn thờ tự vấn:

 

Đời đã quên ta hay ta lãng quên đời ?

Có hề chi chuyện vật đổi sao dời

Ba mươi năm vo tròn trong chén rượu

(Về.../2001 )

 

Đà Nẵng, tháng 9 – 2009

Phạm Ngọc Lư
Số lần đọc: 2261
Ngày đăng: 04.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sơ lược về tác phẩm Thơ đến từ đâu - Khánh Phương
Nguyễn Tam Phù Sa với tập truyện Nơi chim cu ưa gáy - Huỳnh Minh Tâm
Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ - Đặng Thân
Quang Hoài và sự hiện diện tập thơ thứ sáu - Dương Kiều Minh
Ám Ảnh Đêm trong Thơ Ly Hoàng Ly - Trần Hoài Anh
Môt thóang Quang Hoài - Trần Ðăng Khoa
Nét Bình Dân Trong Thơ Bùi Giáng - Nguyễn Thành Giang
Nhà Thơ Trần Hùng và Đôi Cánh Trập Trùng của Ước Vọng - Dương Kiều Minh
Đọc “Refresh cuộc đời” của Phan Thế Hải để hiểu không chỉ một cuộc đời - Phương Giang
Lãng đãng thơ Phan Văn Quang - Mai Thanh Tịnh