Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.088
 
Cúc muộn
Vũ Thảo Ngọc

Tôi về Hà Nội khi mùa cúc vừa vãn.

Mãi mới quen được lối sống chung cư.

Mọi thứ đều thông qua ví điện tử. Lạnh lùng đến tàn nhẫn.

 

Vợ tôi nói chuyện với hàng xóm qua khe song sắt cửa bảo hiểm. Cô ấy bị bệnh, không dám mở cửa đi đâu chơi, thèm hơi người thì ới để mấy bà giúp việc của nhà hàng xóm nói chõ vào vài câu cho khuây khoả.  Hôm qua, bên nhà CT4 có ông giáo sư vừa ra ra khỏi nhà, bọn mất dậy lao vào bà bà, con con với phu nhân giáo sư, một hồi sau thân mật rồi xảy ra án mạng. May bà cụ chưa chết. Bọn mất dạy chỉ kịp lôi đi cái ti vi và ít đồ lặt vặt thì bị công an khu vực đi tuần tóm được. Hôm kia, bên dưới rặng liễu thơ mộng có đôi tình nhân đang say đắm bên nhau mới có tám giờ tối thôi, thế mà bọn mất dạy cũng nẫng mất chiếc xe máy và cái ví tiền. Trước khi chạy hút vào màn đêm bọn mất dạy còn bảo, chúng mày sung sướng ra đây mà đú đởn, cho chúng mày chết.

 

Những căn nhà chọc trời, vô hồn. Con gái bảo, bố quá khổ rồi, hưởng thụ chút đỉnh có sao đâu mà lúc nào cũng như người mắc lỗi thế. Con gái hăm lăm, cử nhân kinh tế, làm và nói như những con số.

 

Tôi im lặng.

Không những con số thì còn gì nữa nào, CT4, CT6 và nhiều CT nữa. Tôi bảo đó là công thức dở ẹc của thời đại văn minh cuối thế kỷ hai mươi. Thiếu  gì chữ nghĩa mà không cho nó cái tên tử tế, bình dị như muôn vàn cái tên cây cỏ khác hiện hữu trong thế giới này, lại cứ là CT (cao tầng 1 đến cao tầng 10, vô nghĩa đến bực mình )

Nó cãi. Bố hay biện luận lẩm cẩm.

 

Thì thôi. Cánh đồng bên làng kia sao còn bé xíu. Nhìn mà thắt ruột. Mấy ô ruộng bám ven chân làng như sự hờn dỗi của cô bé con với chàng hoàng tử là những toà nhà chọc trời mang tên chung CT.

 

Tôi thèm được đi giữa cánh đồng làng chân lúa ken dầy, thơm lựng mùi no ấm. Cánh diều, con cò, mấy bộ gàu sòng, gàu giai bì bụp tát nước lên ruộng, rồi những chiếc vòi rồng thay thế, nước chảy trắng xoá, lênh láng cả một vùng đồng mỡ màu.

 

Dòng sông Tô chỉ còn ngấn nước đen ngòm nhìn đến phát hãi.

Chỉ cách dòng sông khoảng non nửa trâm mét là ngôi nhà tôi ở. Gió từ sông thổi về ngờm ngợp mùi xú uế. May thay có khoảng hồ phía trước khu CT nên cũng góp phần làm bạt vía hơi hướm của dòng Tô mỹ miều trong huyền thoại.  (Hôm lụt bất chợt đầu tháng mười một năm hai ngàn không trăm lẻ tám, nhìn sông Tô ăm ắp nước, nghĩ mình đúng sống ở cõi tiên, đúng là trở về thời huyền thoại, trên bến dưới thuyền tất bật. Một bên là dòng sông thơ mộng chảy, nước trong veo, một bên cánh đồng màu mỡ, thú vị quá. Nhưng đó chỉ là giấc mơ bé bỏng, lụt đi, sông Tô trở lại đúng như bây giờ, đen ngòm và hôi thối).

 

Giữa trùng điệp người trong một chung cư gọi là hiện đại nhất thành phố. Quay mặt đi thì những sự choáng lộn bày ra trước mắt. Ngoảnh mặt lại thì những làng xóm nhếch nhác hiện hữu.

 

Nhà tôi bảy mươi mét vuông, có ban công nhìn ra phía ngôi làng cổ. Tiếng chuông chùa ngày ngày điểm nhịp thong thả. Ngọn tháp bút lừng lững mười lăm tầng lấp lánh ngọn đèn như một ngôi sao nhỏ đầy mê lực. Tương truyền có thầy đồ nho nổi tiếng đất này, khi xưa bực bõ chuyện làng không công nhận tài danh- vì đây chỉ là quê mẹ thày đồ- ông đã bực mình bèn vung bút ném xuống dòng sông Tô mênh mông nước mà rằng. Nếu nước sông chảy ngược thì làng này mai sau mới có nhân tài. Dòng sông không chảy ngược. Ngọn bút ông vứt xuống mất tăm cùng hằng hà sa số những rác bẩn, những tù đọng trôi ra dòng sông Cái như nó vẫn chuyên chở hàng ngày.

 

Bây giờ dân làng nhớ ông, vì sau bao nhiêu thời đại biến thiên, nghoảnh đi, ngoảnh lại mới thấy khoảng trống của làng, hoá ra từ lời nguyền của ông thầy đồ dạo ấy đến giờ  mà làng tịnh không có một nhân tài nào thực. Các bô lão trong làng bèn bàn nhau lập đàn cúng vái và quyết xin xây cây tháp bút để nhớ ông thầy đồ nho, để giáo dục con cháu vươn lên.

Chuyện đó là về sau tôi mới được nghe.

 

Những buổi chiều tôi về sớm thường ngồi trước ban công sau căn hộ để ngắm nhìn về phía làng. Thực chất tôi cũng sinh ra ở một ngôi làng cổ. Nhưng do mưu sinh, do thời thế, tôi lại đến đây sinh sống nên nỗi nhớ làng vẫn còn ghê gớm. Nó luôn xoáy vào tâm can tôi những vòng xoáy quặn thắt. Nơi đó tôi được mẹ chôn nhúm ra ở gốc tre đầu ngõ. Nơi đó cha tôi thường chăm chút khóm cúc vạn thọ vàng hanh thơm lừng vào những buổi chiều. Không hiểu từ bao giờ, tình yêu cúc vạn thọ từ cha đã truyền sang cho tôi. Có thể thời đó, không có nhiều hoa như bây giờ nên người chỉ thích môi loài hoa thơm nồng hắc ấy. Tôi bảo vậy thì cha bảo. Thơm chứ con. Tôi hít hà và gật đầu, cũng thơm thật. Cuộc đời đưa tôi đi nhiều nơi, ba lần chuyển nhà, ba vùng đất khác nhau. Tôi kêu trời vì cuộc đời mình thật bất hạnh. Một đồng nghiệp bảo, đời anh ta còn chín lần chuyển nhà cơ. Từ biển lên núi. Từ núi về đồng bằng, rồi từ đồng bằng lại lên một thị trấn vùng núi, rồi lại trở về thành phố đồng bằng. Các cụ xưa bảo ba lần chuyển nhà thì thành ra thất nghiệp. Nhưng anh bạn bảo, mình nghèo nên không thấy mất gì.! Nói vậy thôi, chứ đời người đến tuổi tri thiên mệnh rồi mà nhà cửa có ra cái gì đâu. Hăm nhăm mét vuông trong một chung cư cũ của thành phố thời mở cửa, hễ có khách ở quê ra là cứ lo rúm lại. Không biết ăn ngủ thế nào. Con cháu gái ở nhờ vài bữa chờ thi đại học đã ca thán, cháu không hình dung nơi bác ở được. Sao không? Nó như một bao diêm. Nhưng bác chỉ có thể cố gắng đến thế. Mà này, bác còn được ở tầng trên, người ta ở tầng dưới còn khổ hơn. Bác đúng là lão AQ. Cái con này. Thì còn không à, nhà chật nhưng còn được được ở trên đầu kẻ khác. Con cháu phì cười rồi thản nhiên. Mai kia cháu sẽ có nhà ở Hà Nội, sẽ có hộ khẩu Hà Nội, cháu sẽ có mà thôi. Nó cười khúc khích. Anh bạn kể xong rồi cười khùng khục. Tôi bảo, còn sướng lắm đấy mà cười. Nhà thì bé, người thì béo, thời dinh dưỡng thừa mứa, cứ núc ních phát khiếp. Nhìn từ dưới đất lên, căn hộ nhà ông khác gì tổ chim sẻ ri, chứ làm sao được gọi là chuồng chim. Anh bạn bảo, ừ đúng đấy. Mình cứ sĩ diện thế, chứ nhiều lúc cũng thắt ruột thật. Mấy chục năm đời người, cũng có vai vế trong xã hội hẳn hoi, không to tát gì, nhưng cũng làm cấp “thứ trưởng tỉnh lẻ”- cứ vào cấp phó ở tỉnh bọn công chức mẫn cán thường bèn phong lên thế. Phó gì chứ, phó văn hoá xã hội thì cũng chỉ tùng tiệm thế thôi, ở quê nghe mình là này nọ ai cũng lác mắt. Nhưng khi ghé thăm cứ hỏi đi hỏi lại, sao thế này, sao thế kia. Mình bảo, làm cán bộ hoài sao giầu, phải làm con phe mới nhanh phất. Có người bảo, đầy ông giám đốc ở tỉnh lên đây mua nhà biệt thự, chắc chú giấu thôi, ở như thế này cho nó liêm khiết chứ gì. Về hưu ra biệt thự ở nhớ cho chúng tôi biết địa chỉ còn tới thăm nhé. Anh bạn cười khùng khục rồi rít hơi thuốc lào rõ dài.

 

Tôi không chín lần chuyển nhà như anh, nhưng cũng tới ba lần, từ chỗ bé lên chỗ vừa vừa, từ chỗ vừa lên chỗ to hơn một chút, nhích dần từng bước một. Sắp đến tuổi lục tuần rồi nhưng cũng gọi là tùng tiệm đủ để có thể thu xếp được cuộc sống tạm gọi là ổn thoả. Vợ tôi bị chứng pakinsơn, chân tay co giật chẳng làm được gì. Có ba cô con gái  đều phương trưởng cả. Tôi định về quê, nhưng con út chưa lấy chồng và  cả ba đứa đều nhủ ba mẹ phải ở gần chúng con. Nhỡ ra có điều gì thì còn dễ bề xử lý tình huống. Nghe các con và cũng thương bà xã cuối đời lại bị bệnh nên tôi đành tự chấp nhận cầm tù bản thân mình trong căn hộ bảy mươi mét vuông này để chiều chiều ngắm vạt cúc vàng dưới mảnh ruộng bên cạnh khu chung cư.

 

Chiều nào cũng vậy, có một dáng khom khom nhỏ nhắn chăm tỉa mảnh ruộng rất kỹ, nào cuốc bờ, nhặt cỏ, tưới rau. Nhìn từ xa, đám hoa cúc không phải là công việc chính của thôn nữ. Vì ruộng đất ở đây ít nên việc trồng rau là chính để sinh sống. Đất trồng hoa thì lại hết, nên càng nhìn đám hoa nỗi nhớ làng của tôi càng có cơ bùng lên. Con gái út có hôm thấy tôi ngồi bên ban công ngắm nhìn cảnh vật, thấy tôi dõi theo bóng thôn nữ gánh nước lui cui bên vạt hoa cúc nó khích nhẹ vào sườn tôi và bảo, mai con mua về cho bố một chậu cúc đẹp. Tôi cầm tay con và cảm ơn cái sự chia sẻ của nó. Hôm sau, nó mua về thật. Một chậu cúc vàng tươi, cách trồng tỉa khéo léo, nên cúc chậu mà cứ như cúc ngoài vườn. Tôi rất bằng lòng. Đúng là con gái bao giờ cũng chăm chút bố như một đứa trẻ. Nếu là con trai chắc gì nó đã. Tôi ấm lòng với chậu cúc cảnh. Chiều nào tôi cũng dành vài chục phút chăm sóc nó. Nhưng tuyệt nhiên nó không thơm. Tôi lại thấy chán. Cái mùi hoa nồng nồng hăng hắc một thời tôi biết đã biến mất nhờ kỹ thuật mới. Cúc có màu, có sắc nhưng không có hương. Nhiều khi ngồi bên cạnh chậu cúc mà thấy vô vị. Vì nó chẳng có  ý nghĩa gì. Tôi vẫn chăm chút chậu cúc và vẫn ngắm nhìn mảnh ruộng có khóm cúc của thôn nữ.

 

Một buổi chiều tôi thủng thẳng tản bộ xuống khu ruộng ngóng gió. Vì con đường liễu rủ nằm sát ngay khu chung cư là cập đến khu ruộng rau của ngôi làng cổ. Vừa chạm chân tới mép đường cũng là lúc mảnh ruộng có khóm cúc thôn nữ đang cắt cỏ, cạnh đó là đôi quang gánh và chiếc nón mỏng manh nằm bên vệ cỏ xanh. Tôi tìm một chỗ thuận lợi để ngồi. Một khoảng đủ để có thể ngắm nhìn được mảnh ruộng có khóm cúc. Những chiếc ghế đá đầy lá liễu rơi. Mặt hồ phẳng lặng soi những áng mây trôi qua, thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy, chợt nhớ thơ Nguyễn Khuyến. Chiều xuống. Bóng thôn nữ và khóm hoa cũng nhập vào bóng đêm vừa chợt xuống. Tôi cứ bần thần. Hình như mùi cúc vạn thọ còn đâu đây.

 

Tôi chậm rãi từng bước trở về căn hộ bảy mươi mét vuông ở tầng bẩy. Cầu thang máy, căn phòng có điều hòa nhiệt độ, mọi thứ của nền văn minh hiện đại, ngăn nắp đến vô cảm rực rỡ hiện ra dưới ánh đèn. Tôi bần thần hình như mình vừa đánh rơi món đồ gì. Tôi bước ra ban công, Cánh đồng đã bước vào màn đêm đen đặc. Không mảy may gợi lên điều gì. Con gái giục giã:

- Bố ơi, mình ăn cơm đi để con còn đi dự sinh nhật bạn con.

- ờ, bố vào đây. Tôi đáp nhanh chỉ sợ nó đọc được ý nghĩ của mình. Con gái vừa sắp sửa mâm cơm vừa liến thoắng:

- Bố ơi, chậu cúc con mua cho bố được đấy chứ. Bố có thích không?

- Rất được con ạ, nó có màu sắc rõ tươi thắm, con gái bố thật khéo chọn.

Nét mặt nó hân hoan:

- Con phải nhờ người bạn bên viện nghiên cứu cây trồng chọn đó, bố thích là con mừng rồi.

- Bố cảm ơn con.

 

Bữa cơm thong thả như nốt nhạc trầm cũng kết thúc. Lòng tôi nhấn nhá. Đêm dài. Giác mơ cụ cựa. Một ngày sau chiến tranh. Mảnh đất khét lẹt mùi thuốc súng sau trận giao tranh. Trạm xá dã chiến tuềnh toàng gió. Tôi men theo mùi hoa cúc nồng nồng. Đang lẩn thẩn theo hướng mùi hoa cúc bông giật mình vì có tiếng quát nhẹ nhưng sắc:

- Ai, đi đâu mà đêm hôm thế này.

 

Tôi quay trước quay sau không thấy ai. Định bước tiếp thì tiếng quát lúc nãy nhắc lại từng từ rành rẽ, sắc lạnh.

- Anh quay lại ngay, đang có báo động, thương binh gì mà cứ lớ xớ đi lại lung tung.

Tôi dừng bước, đau đớn ôm cánh tay bị thương cất lời:

- Tôi là bệnh nhân ban chiều mới đến, đang ở phòng đầu hồi.

- Anh quay lại phòng đi, đây không phải lúc đi ngắm hoa

 

Tôi giật mình, cứ như thể cô ấy đoán định được điều tôi cần đến không bằng. Nhưng lệnh rồi, mình cũng không nên cố chấp mà làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ của cô ấy. Nghĩ vậy nên tôi ngoan ngoãn quay ngược mùi hoa nồng nồng đó. Lòng thầm nghĩ mấy cô trạm xá tiền phương này hách ghê, Hết đánh rồi, làm gì mà nguy hiểm đến thế. Chắc chỉ  vài bước nữa là tôi có thể đến hái được bông cúc đó. Tôi tin là khóm cúc chỉ ở gần đâu đó, và chỉ vài bước chân thôi là. Lâu lắm rồi không được hít hà nó. Không biết cha tôi dạo này thế nào. Bệnh hen suyễn của ông có bớt không. Mười tám tuổi nhập ngũ, chưa kịp lấy bằng trung học. Sau này trong một lá thư bố tôi viết là nhà trường đã gửi bằng tốt nghiệp về gia đình, có dấu trúng tuyển đặc cách cho tất cả đám con trai trong trường nhập ngũ cùng con. Tôi đã khóc mãi, úp mặt vào lá thư như dậy lên mùi hoa cúc vạn thọ hăng hắc. ánh mắt bố tôi ấm áp như đang nhìn tôi, hốc mắt sâu do người ốm quanh năm mà không có tẩm bổ gì. Môi lần nhìn vào đôi mắt đó là tôi tin cậy bước tiếp những bước đi của cuộc đời nhiều chông gai, kể cả sau ngày đã ra quân, về công tác tại một đơn vị dân sự, ánh mắt của bố tôi luôn là điểm tựa tinh thần vô biên cho thằng trai đa cảm như tôi. Tôi luôn tin, ánh mắt bố tôi luôn đi cùng tôi. Bố tôi rất chăm viết thư. Tôi là người nhận được nhiều thư nhất đại đội. Mấy thằng lính tò te cùng đại đội bảo, mày sướng thật hay nhận được được thư nhà, chả bù cho bọn tao, bố mẹ là nông dân ít chữ nên chẳng thư từ gì cả. Thật ra bố tôi chỉ là giáo viên tiểu học. Ông cũng vẫn làm thợ cầy, làm ruộng cùng mẹ tôi chứ có được an nhàn như ông thầy giáo thời nay đâu.Thư nào bố cũng viết, câu cuối cùng, đề chữ tái bút hẳn hoi, mong con về vào mùa cúc vạn thọ nở, con sẽ thấy nó thơm thế nào.

 

Đêm đó, có tin trạm xá sẽ bị bọn địch đánh vào. Chúng tôi cùng cánh y tá di chuyển vào sâu rệ rừng hơn. Đêm trăng nhờ nhờ, lấp loé pháo sáng của địch bắn vu vơ. Cô y tá có giọng sắc lạnh-tôi đoán cô này hồi tối đã quát tôi- đi sau chúng tôi rành rẽ từng câu, sắc gọn đưa anh em vào nơi trú ẩn an toàn. Sau đó thấy bảo cô đã quay trở lại trạm xá cùng đơn vị chốt chặn để đánh lạc hướng địch, bảo vệ đám thương binh chúng tôi. Nửa đêm từng cụm lửa bùng lên chính nơi chúng tôi vừa rút đi. Tôi  chợt bưng mặt, những quầng lửa như những vồng cúc vạn thọ vàng rực hất lên màn đêm khắc nghiệt. Sớm hôm sau nghe tin quân mình thương vong nhiều, một nữ y tá hy sinh tôi rùng mình, trời ơi, nếu đúng là cái dáng người chắc gọn trong bộ bà ba đen có giọng nói sắc gọn ấy. Khoảnh khắc đời người ít có ấy đã làm tôi hoang mang, ý nghĩ trong đầu loé lên, sao không là mình mà lại là cô ấy. Tôi đã dằn vặt điều này mãi. Cuộc chiến kéo dài, mọi người đã quen với sự hy sinh, quá quen với mất mát của đồng đội. Nghe mấy anh nằm trạm xá trước tôi kể, cô y tá đó là một cô gái ngoan, nhưng cũng có hoàn cảnh lắm. Nhà có hai chị em gái, bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ chết vì bom Mỹ rải thảm năm Bảy Hai. Cô ấy là con gái Hà Nội. Chưa có gì. Nghĩa là chưa có một mảnh tình lận lưng. Nếu đứa nào còn sống, lấy địa chỉ của cô đó về lấy em gái nó, chắc cũng xinh xắn chẳng kém y tá Loan đâu. Một tên khác chêm vào, đâu có, tao nghe nói cô đó có người yêu là đại trưởng bên vận tải. Đang hẹn nhau tháng mười này tổ chức. Đẹp đôi lắm nhá, anh đại trưởng, nàng y tá. Biết chọn nhau ra phết, bao giờ cánh mình mới có diễm phúc thế. Một giọng trầm khác chen ngang. Thôi mấy bố, người ta chết linh hồn chưa kịp  bay về trời, mình cứ nói lăng nhăng. Để cô ý siêu thoát đi mấy bố trẻ ạ.  Đêm mặt trận im ắng đến lạnh lưng. Trên trời, những vì sao đêm hình như dày lên, vài chòm sao chụm nhau lại, tôi chợt hình dung, nhìn chòm sao đó nghĩ tới mái tóc của cô gái tên Loan- mà lúc này tôi mới biết tên cô. Dáng người chắc gọn thì chắc mái tóc của cô cũng đẹp và dài nữa. Tôi thích những mái tóc dài, nó làm cho con người thanh thoát hơn thì phải. Mẹ tôi, dì tôi tóc đều dài đến khoeo chân, đen óng, khi gội thường phải đứng thêm một bậc để gỡ tóc. Những lọn tóc chảy dài như suối khiến lòng ta như được bù đắp thêm một nỗi niềm sâu kín.

 

Hoá ra, do biết tình hình không bình thường, nên khi tôi men theo mùi hoa cúc, cô đang cảnh giới đã quát tôi quay lại. Làm sao và không bao gìơ tôi biết được điều gì xảy ra trong cái đêm chiến tranh đầy bất trắc ấy. Nếu cô không quát tôi, biết đâu tôi đã chẳng dấn bước đến nơi không bình yên ấy… Thế là từ hôm đó, trong cuốn nhật ký của tôi có xuất hiện thêm tên Loan. Tôi cứ ước trên đường hành quân, có thể gặp được người yêu cô, một anh chàng đại trưởng nào đó để có thể chia sẻ cùng anh ta về người yêu mình đáng được tuyên dương lắm. Nhưng con đường hành quân dài dặc, tôi đã không có cơ may để gặp người con trai có may mắn và cũng đầy không may mắn đó…

 

*

Vùng này ngày xưa là trận địa pháo bảo vệ Hà Nội anh ạ. Nếu nhìn từ căn hộ của anh ra phía Đông anh sẽ thấy sông Hồng lừng lững chảy, mà B52 thì cứ bổ nhào về phía ấy. Khu đô thị anh đang ở chính là trận địa của chúng em, từ bên đó chạy bộ về làng ăn vội bát cơm để thay ca nhau trực chiến. Anh biết không, quãng đường ngắn thôi nhưng làm gì có điện sáng như bây giờ, hai bên toàn cỏ hoang lút đầu người, vừa đi vừa chạy vì.... sợ ma nữa anh ạ. Nghĩ lại thấy vừa buồn cười và vừa ngạc nhiên. Sao ư, ngạc nhiên vì sợ ma thế mà lại bắn rơi “thần sấm, con ma” của Mỹ. Lại bắn bằng pháo tầm thấp. Mà sau này em mới nghe nói thế, chứ dạo đó, được đứng trong trung đội trực chiến với khẩu pháo ấy là  oách lắm. Em có tấm ảnh chụp cùng trung đội đây này, cười tươi rói nhá, ai cũng biết, nhiều nhà báo hỏi thăm lắm đấy nhé. Em khác các chị em khác ở chỗ, em là con liệt sĩ, mất mẹ chính do lũ “thần sám, con ma” nên lòng căm thù được nhân lên bội số.

 

Dạo đó là cánh đồng hoa chen lúa bạt ngàn. Trận địa của chúng em núp giữa cánh đồng hoa ấy phải nguỵ trang kỹ lắm mới không để địch phát hiện. Mười bảy tuổi em đã vào nhà máy cơ khí làm việc và khi chị Loan đi bộ đội thì em cũng được đứng trong trung đội tự vệ. Em là pháo thủ số một hẳn hoi đấy. Trông em bé thế, nhưng rất lanh lẹ và em còn cộng với sức mạnh của chị Loan gửi lại nên em đã đứng vào mâm pháo rồi thì quên hết mọi chuyện. Chỉ có nhằm thẳng quân thù mà bắn. Ngày chị lên đường, chị dặn em, phải cố gắng làm nhiều việc để trả thù cho bố và mẹ. Em đã ôm chị ấy khóc mãi không thôi. Giờ nghĩ lại vẫn còn cay con mắt. Không ngờ chị Loan đi và không bao gìơ trở lại. Đất làng cũng như hẹp đi,  trận địa pháo đã trở thành khu đô thị mới và công viên sinh thái. Làng em cũng không còn nhiều đất lắm. Chỗ này không bao lâu nữa sẽ là vườn hoa, bây gìơ mỗi sào ruộng đã là bạc tỷ chứ không còn giá vài triệu bạc như mấy năm trước nữa. Nhiều nhà vì đất mà mất anh em đó. Anh ở chung cư thì nhất rồi. Cái gì cũng tiện lợi. Em làm ruộng không có ruộng là chết. Nhiều khi nhớ ruộng lắm, nên cứ tha thẩn ra vạc bờ, nhặt cỏ cho nó đỡ nhớ. Xung quanh đều trở thành cái khác rồi. Không biết sau này thì bọn em làm gì để mà sống khi đất ruộng không còn. Anh bảo làm dịch vụ ư, bọn em chân lấm tay bùn quen rồi, làm sao làm được những công việc khác với sự quen thuộc. Học hành thì không được là bao. Hôm trước có cô em họ làm bên khu quản lý chung cư anh ở đó, đã nhăm nhe cho em đi làm công ăn lương, nhưng em chịu thôi, bàn tay quen cấy rau, trồng cà rồi, làm những việc đó, khó lắm.

 

Mà thôi để lúc đó hãy hay. Sao em thích hoa cúc ý à, chuyện cũng trẻ con thôi, chẳng mỹ miều gì đâu. Nói rồi cô dấm dứt khóc..

 

Tôi ngồi im lặng như bị thôi miên. Giọng em kể nghe như giọng Loan ngày nào, sắc, gọn, rành rẽ. Cuộc đời như định mệnh không thể biết trước quả đất xoáy mình về hướng nào. Cúc vẫn dấm dứt khóc và như nói với Loan, chị ơi, em vẫn dành một ít đất để chăm khóm cúc mà chị thích. Mẹ bảo khi đẻ em ra, chị đã xin đặt tên cho em. Mẹ bảo tên gì, chị bảo tên Cúc cho nó thơm tho. Mẹ cười và đồng ý. Bố chỉ đọc thư mẹ biết em tên Cúc, chứ bố có biết mặt em đâu. Chị ơi, giờ có người đồng đội của chị về đây, em cầu cho linh hồn chị thanh thoát nhé. Chị ơi, là chị ơi. Khóm cúc em trồng để mãi nhớ chị đó. Bạn chị bảo, anh ấy cũng rất yêu hoa cúc. Nếu chị còn sống, chị và anh ấy sẽ rất đẹp đôi.

 

Nghe Cúc nói thế, tôi lạnh người, làm sao tôi được Loan yêu, làm sao tôi có được, không! Nhưng  thôi,  mình cứ coi như là bạn chiến đấu của Loan, cứ là như thế, đừng nói gì cả.

Căn nhà Cúc ở tuềnh toàng chẳng có đồ đạc gì đáng giá. Anh chồng làm xe ôm bữa đực bữa cái đang nằm khàn ở nhà ho khụ khụ. Thấy tôi vào, anh nhỏng dạy vồn vã mời ngồi, mời nước.

 

Lâu dần tôi thành người quen thân của gia đình Cúc.

Những buổi chiều rảnh vào mùa cúc vạn thọ nở, tôi thường ghé qua cánh đồng nơi Cúc chăm rau và cô thường ngắt một bó hoa cúc vạn thọ cho tôi mang về. Con gái tôi bảo, bố đúng là dở hơi, loài hoa dại ấy đã tiệt chủng rồi còn đi nhặt về, nồng hắc kinh người. Ngoài siêu thị hoa có cả tá loài cúc vàng, trắng, xanh, đỏ, bố muốn chọn loại nào thì chọn, nó ít thơm nhưng bền màu và bảo quản cũng lâu hơn.

 

Tôi cười thầm và bảo con gái, bố tiện qua cánh đồng người ta cho thì xin về, đây là loài cúc nở vào đúng tháng mười, nhưng năm nay rét quá nên nó nở muộn. Nhưng con có biết không,  mùi nồng hắc nhưng nó là một vị thuốc rất hiệu nghiệm đó con à. Con bé trân trối nhìn tôi./.

 

Thanh Đàm, những ngày lụt  11/2008

Vũ Thảo Ngọc
Số lần đọc: 1589
Ngày đăng: 05.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyển vai - Nguyễn Bích Hạnh
Ngồi trên bậc cửa - Phạm Thị Duyên
Tiếng rừng - Dương Quốc Hải
Dưới trăng - Nguyễn Văn Ninh
Đi trong thành phố có nắng - Kiệt Tấn
Sợi tóc bị vướng - Lâm Hà
Trước ngưỡng cửa của cuộc đời mới - Phạm Nguyên Trường
Mùi của đàn ông - Nguyễn Minh Phúc
Chùm chuyện trào phúng “trường phái” thằng Bờm - Nguyễn Chính
Ăn chữ - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Cùng một tác giả
Cúc muộn (truyện ngắn)