Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.224.428
 
Lời của thác
Khôi Vũ

Tôi lại đi trên con lộ 24 dọc sông Đồng Nai. Nhưng khác với những lần trước, lần này tôi ngồi trên xe đò cô đơn vì thiếu ba tôi. Lộ 24 là một con lộ nhỏ, nó trườn qua nhiều nương đồng, đồi núi, vẽ trên bản đồ một nét mỏng manh cạnh nét màu xanh lớn hơn của dòng sông. Cảnh quan miền Đông hiện ra hai bên đường với những bụi tre um tùm nhiều đe dọa của gai góc, rắn rít, muỗi mòng; với những cây cầy, cây dầu, cây sao đơn độc giữa đồng, sừng sững giữa trời; với những dãy đồi trọc nhấp nhô lơ thơ ba thân cổ thụ còn sống sót sau những đợt thuốc khai quang của giặc; với những gốc buông như những chiếc lục bình khổng lồ cắm lá rẽ nan quạt. Nếu có một chút gì đó hình ảnh của miền Tây thì chỉ có thể là liên tưởng từ những con suối cạn hay những dòng suối sâu tận nơi xa xôi nào đó trong đất liền tìm đường len lỏi ra sông lớn, cắt ngang lộ 24 in bóng những cây cầu sắt, cầu gỗ, cầu đúc, đủ dạng hình.

 

Chiếc xe đò ghi nơi góc trên tấm kính trước lộ trình là “Biên Hòa - Cây Gáo” nhưng hiện nó được gọi bằng cái tên ngắn hơn “Xe đò Trị An”. Lộ 24 nay tấp nập hơn xưa chính vì có nhiều người cần đến với nơi ấy. Trị An! Khách đi xe gồm đủ thành phần. Dân Cây Gáo đi Biên Hòa sắm đồ đạc về. Dân Biên Hòa lên Trị An kiếm gỗ, làm củi. Công nhân lâm trường, công nhân xây dựng nhà máy thủy điện. Cán bộ đi công tác. Người du lịch... và tôi. Hôm nay tôi trở về Trị An. Chiếc xe như con đò chở khẳm, khách ngồi kín lòng xe, khách bám càng sau xe, khách leo cả lên mui ngồi lẫn với xe đạp thồ, bao bố đựng hàng hóa, lưỡi cưa xẻ, can nước mắm, giỏ trái cây... Chiếc xe gầm lên mỗi khi leo dốc. Bác tài bóp còi xe inh ỏi mỗi khi qua một xóm đông dân. Cứ vậy, chiếc xe chạy chậm chạp, nhẫn nại. Phải chăng nó cũng giống như những người già, mọi hành động đều trở nên chậm chạp, như họ nhẫn nại trong công việc biết bao! Cái khác của chiếc xe với con người, nỗi bất hạnh của nó, là chẳng bao giờ nó có thể kể lại thời trai trẻ oanh liệt của mình.

 

Hạnh phúc của tôi là đã được nghe ba tôi kể nhiều về thời trai trẻ của ông. Ba tôi sinh năm 1925, và thời trai trẻ của ông được ông tính từ năm mình mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi của tôi cách mười lăm tuổi của ba tròn ba mươi lăm năm. Năm đó miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng. Những ngày cuối tháng Tư, tôi được đặc biệt cho theo ba tôi cùng bộ đội xe tăng tiến về Biên Hòa. Ba tôi là người địa phương nên được cử làm hướng dẫn. Ông đập đập tay lên trán như làm vậy là những hình ảnh cũ có thể hiện ra rõ ràng hơn trong trí nhớ. Hồi ba tôi ra đi năm 1945, thành phố Biên Hòa còn nhỏ lắm. Trên lộ 1, nó mới mở tới Dưỡng trí viện cách khu trung tâm hơn hai cây số, còn từ đó trở đi, hai bên đường toàn là rừng. Ba chục năm sau trở về, mới nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên của vũng Hố Nai (mà sau này ba tôi mới biết là còn cách Biên Hòa những hai mươi cây số) ba tôi đã la lên mừng rỡ:

- Sắp tới rồi! Sắp tới rồi anh em ơi!

Ba tôi mừng hụt. Tôi mừng hụt. Các chú, các anh lính xe tăng mừng hụt. Đoàn tăng đi hoài mà chẳng thấy cái Dưỡng trí viện nuôi nhốt người điên ba tôi giới thiệu là chỉ cách đó vài trăm thước đâu cả. Ông nhíu mày lẩm nhẩm: “Sao lạ vậy kìa? Sao lạ vậy kìa?”. Đoàn tăng tới ngã ba chợ Sặt, gương mặt ba tôi lại rạng rỡ lên. Ông chỉ tay về phía ngôi nhà thờ lớn và nói:

- Đây đúng là nhà thờ Biên Hòa rồi!

Nhưng sau đó, ba tôi chẳng thể nào nhận ra đâu là công trường Sông Phố, đâu là tòa Hành chánh tỉnh, đâu là những chòm cây dầu lâu năm. Làm sao có những hình ảnh ấy ở một nơi còn cách Biên Hòa gần chục cây số nữa! Ba tôi đã lầm lần thứ hai. Hai mươi mốt năm tạm chiếm, địch đã lập ra một vành đai lớn xóm làng người công giáo di cư để bảo vệ dinh lũy, cơ ngơi của chúng. Chúng muốn xóa nhòa những hình ảnh cũ nhưng cũng chỉ lừa được trí nhớ của một người như ba tôi trong khoảnh khắc. Ai xóa nhòa nổi kỷ niệm của những con người tha thiết yêu mến quê hương!

Khi đoàn tăng về tới công trường Sông Phố, trung tâm của Biên Hòa đã thực sự là đây rồi, ba tôi đã ôm tôi trong đôi tay gầy mà khóc. Ai đó đã cắm lá cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng trên dinh tỉnh trưởng ngụy. Lá cờ bay phần phật trong gió sông ấm hơi nước. Ba tôi nghẹn ngào kể: “Ba chục năm trước, lá cờ đỏ sao vàng cũng đã bay phất phới ở nơi đây và ba từng có mặt trong đội bảo vệ các đồng chí lãnh đạo”.

Ba tôi say sưa kể cho tôi nghe tuổi mười lăm của mình đã rời đất Biên Hoà theo ông nội tôi lên rừng Cây Gáo, Trị An làm hầm than. Ba tôi làm quen với một người bạn trẻ người dân tộc. Anh ta có một con ngựa nâu cao lớn nên thường cho ba tôi cùng cỡi đi rảo quanh các hầm than, đôi khi phóng vào rừng sâu theo đường kiểm lâm với sự hồn nhiên của tuổi trẻ và lãng mạn hơn, một ước mơ làm tráng sĩ.

Có ai đó nói rằng thác Trị An mùa nước lớn vang dội tiếng rừng gào thét thịnh nộ. Ba tôi mỉm cười nói rằng người nào đó đã quá tưởng tượng. Sông Đồng Nai là một con sông đặc biệt Việt Nam vì nó sinh ra từ một vùng đất cao trong lãnh thổ Việt Nam chứ không phải từ một nước khác. Nó là sông của đất mẹ, sinh ra từ lòng đất mẹ thì có bao giờ  là sông dữ! Những thác ghềnh sông phải chảy qua phải đâu là phong ba bão tố trong đời, chúng chỉ giúp sông vững vàng hơn khi xuôi về đồng bằng ra biển cả. Độ cao của thác Trị An, bậc thang cuối của dòng sông không sinh ra từ thế đất chênh lệch đột ngột mà thác kéo dài hàng cây số với những gộp đá giăng ngang sông, rải dài thành một cảnh nên thơ, nước róc rách thì thầm mùa kiệt, ồn ào hơn vào mùa mưa như nỗi vui con trẻ vỡ òa. Ba tôi biết nhiều truyền thuyết về con thác ấy. Tôi nghe kể, chỉ thích và nhớ mãi truyền thuyết về chàng tráng sĩ Chăm tên là Sa Trí Giả. Ba tôi kể lại rằng vào thế kỷ thứ 5, thứ 6 vùng Trị An ngày nay thuộc lãnh thổ Phù Nam, dòng sông còn mang tên cũ là Phước Long Giang. Tráng sĩ Sa Trí Giả một mình một thuyền rời khỏi đất nước Chăm, xuôi dòng Phước Long Giang đến vùng đất đẹp mà lạ lùng này. Chàng bị vua Phù Nam bắt giữ vì nghi ngờ là do thám của nước Chăm. Chàng một mực kêu oan và bằng tài năng cùng lòng chân thật của mình chinh phục lòng tin của nhà vua. Chàng lại có cơ may cứu công chúa thoát chết bởi trăn rừng. Công chúa thọ ơn, xin cưới chàng làm chồng. Vua Phù Nam thương con gái, quý con rể, lòng ông lo sợ Sa Trí Giả một ngày nào đó vì thương nhớ quê hương sẽ theo đường sông Phước Long mà trốn đi. Vua họp quần thần rồi sai dân lấy đá lăn xuống ngăn sông. Quả nhiên ít lâu sau, Sa Trí Giả không nén được lòng nhớ thương cố quốc. Đường sông đã bị ngăn, chàng bèn liều lĩnh vượt cầu đá linh Tsien, nơi thờ thần Vishnu của người Phù Nam mong tìm đường về nước Chăm. Chàng bị bắt giữ, bị đưa ra cầu đá linh xử tội chết. Công chúa ngày ngày ra đó khóc than chồng cũng bị bức tử theo. Họ chết đi để muôn đời sau, nước len lách qua bao gộp đá vang vang lời kể một câu chuyện tình thương cảm.

 

Chính tại một gộp đá nào đó giữa sông, biết đâu lại chẳng là cầu đá linh Tsien ngày xa xưa, ba tôi đã trở thành một tráng sĩ như lòng hằng mong ước. Chẳng phải tiếng thác gầm dọa nạt, mà chính những con cá tai tượng, những đàn cá lòng tong bơi lượn giữa những vũng nước trong leo lẻo, chính những bụi nhong xanh bám rễ trên các gộp đá, chính bầu trời cao lồng lộng gió rừng đã chứng kiến ba tôi đặt tay lên ngực trái, quả tim nồng nàn lòng yêu nước thốt ra lời thề hy sinh vì nghĩa lớn của một chiến sĩ vệ quốc đoàn.

 

Năm 1978, gần bốn mươi năm sau, đến lượt tôi trở thành tráng sĩ! Tráng sĩ của những năm trong thập kỷ 80 này giản dị mà hiện đại. Thuở ba tôi còn cỡi ngựa, thời tôi đã có bao loại xe cơ giới. Thuở ba tôi còn sử dụng thanh mã tấu, gậy tầm vông, súng trường nạp đạn bắn từng viên, thời tôi là AK, là B40 có sức công phá cả sắt thép. Tôi mặc quân phục xanh cây rừng, lòng đầy ắp niềm tin chiến thắng mỗi khi cầm súng đối đầu với kẻ thù. Tôi cũng chiến đấu trên đất miền Đông như ba tôi từng chiến đấu. Khác chăng, nơi tôi đuổi giặc thù không phải là những cánh rừng chiến khu Đ của một thời kháng Pháp, chống Mỹ. Đó là những cánh rừng biên giới Tây Nam. Đất rừng biên giới có nơi là đất xám, có nơi là đất đỏ, cây rừng, dây leo, thảm thực vật dưới rừng, tất cả chen chúc nhau, quấn quít nhau chìm đắm trong sự hỗn loạn hoang sơ. Những cánh rừng le lọt vào là không còn phân biệt nổi thời gian và phương hướng, bóng râm sẫm phủ lên những ụ mối đêm đêm nghe hàng vạn, hàng vạn con mối nạo đất rào rạo đến rợn người. Có những buổi sáng ở nơi đó bất ngờ mọc lên hàng trăm mũ nấm màu ngà, chỉ cần đổ nước suối, thêm chút muối đã có nồi canh ngọt hơn bất cứ món canh bằng thịt nào. Nhưng cũng chính tại ụ mối đó, có những đêm bọn giặc áo đen ẩn nấp sau chúng mà bắn lén bộ đội ta. Tôi đã cùng đồng đội chiến đấu trong rừng le, từng băng qua bao trảng trống chỉ rậm một loại cỏ tranh, qua bao nương mì, rẫy bắp của bà con đang lên xanh tốt phải bỏ hoang vì giặc tràn đến. Những con suối hiền lành bị rải thuốc độc trở nên nguy hiểm. Những hố bom B52 của giặc Mỹ như những vết lở chưa kịp lành da đã lại bị loét thêm. Tôi cầm súng với lòng tự hào. Tôi chiến đấu với kỷ niệm một câu chuyện về ba tôi. Hồi đó, khi được gợi ý của lãnh đạo nhận một nhiệm vụ quan trọng, ba tôi đã từ chối vì xét mình không đủ năng lực làm việc đó và bày tỏ nguyện vọng được làm một người bảo vệ rừng để đáp lại tình thương yêu đùm bọc của rừng bao năm dài ông đã chiến đấu. Tôi muốn được góp sức với ba tôi cùng bảo vệ những cánh rừng quê hương...

 

***

 

Ba tôi đã qua sông đưa tôi tới giới thiệu với chú Năm, gởi gắm tôi cho chú. Trong quyền hạn của mình, chú Năm đã đưa tôi vào biên chế đội lái máy ủi. Vậy là so với những người bạn cùng trở về sau khi thi hành xong nghĩa vụ quân sự không phải là không gặp khó khăn đi tìm một vị trí công tác mới, tôi hạnh phúc hơn họ nhiều. Tôi đã có ba tôi lo lắng.

Vậy mà tôi lại không vui!

Ít lắm là có ba người cùng có chức vụ công tác dưới quyền chú Năm đã làm quen với tôi cùng những lời cầu thân “Hồi trước anh là lính của chú Tư, em về nhắc, thế nào chú Tư cũng nhớ ra anh. Công tác ở đây, có anh, em khỏi lo, cần gì, em cứ nói một tiếng!”. Một người sau đó đã nói thật với tôi: “Với sự quen biết của chú Tư, em có thể kiếm một chỗ nào đó tốt hơn mà công tác. Sao lại đâm đầu vô làm một anh công nhân lái máy ủi?”.

Những lời nói như vậy đã tác động thêm vào một ý nghĩ sâu kín tận đáy lòng tôi. Ba tôi có biết đâu hồi nghe lời ông đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, tôi đã phải nén đi một nỗi buồn và lòng tự ái tuổi trẻ. Ba tôi nói:

- Ba thấy con đậu phổ thông chật vật quá. Tuy nhiên con vẫn có thể được chấm đậu vô đại học nhờ thuộc đối tượng ưu tiên. Ba nghĩ rằng như vậy không nên chút nào. Hoặc là quá trình học, con sẽ bị loại ra vì không đủ năng lực. Hoặc là con vẫn được chiếu cố cho tới khi ra trường để sau đó trở thành một người có bằng cấp mà không có thực tài, điều này còn tệ hơn điều trước...

May mà tôi chẳng đến nỗi để mình buông xuôi theo số phận. Dù không vui khi trở thành bộ đội nghĩa vụ, tôi vẫn luôn nhớ mình là ai, ba má mình là ai, mình cần phải làm gì để xứng đáng với truyền thống gia đình và lòng tự hào của bản thân. Tôi đã là một chiến sĩ dũng cảm mà đó là một trong những động cơ. Ba tôi đã rất hài lòng về tôi. Và có thể vì nghĩ rằng tôi luôn tuân theo ý kiến mình, ông đã đưa tôi đến với công việc lái máy ủi dọn mặt bằng cho các công trình phụ trợ tại Trị An, một lần nữa, tôi nén lòng mình chịu đựng. Tôi ngồi trên buồng lái, đưa chiếc xe ủi Fiat màu vàng cam bám đầy bụi đỏ tiến lên. Tôi đã gặp lại ước mơ ngày còn là chú thiếu niên mười lăm ngồi trên xe tăng, thì thầm với ba “Con muốn được làm bộ đội lái xe tăng”. Và ba tôi đã mỉm cười nói nhỏ: “Con còn phải học và chờ lớn lên đã chớ!”. Đất trời Trị An những ngày đó màu xanh của cây trộn cùng màu đỏ của bụi. Những giọt mồ hôi của anh em lái máy ủi chúng tôi trộn bụi trở nên màu hồng. Dưới nắng trưa gắt bỏng, những giọt mồ hôi ấy đã quyến rũ một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Buổi lễ xuất quân chính thức được tổ chức trọng thể có mặt một đồng chí lãnh đạo cao cấp nhà nước tới dự. Đồng chí ấy nhận ra ba tôi trong hàng ghế đại biểu. Khi được ba tôi giới thiệu xem tấm hình tôi lái máy ủi, mồ hôi lấp lánh dưới nắng, đôi mắt rực niềm tin nhìn về phía trước, đồng chí lãnh đạo đã reo lên:

- Đẹp lắm! “Thằng nhỏ và công việc của nó”!

Tôi và các bạn đứng gần đó nắm tay nhau san sẻ nỗi xúc động, tự hào. Chung quanh chúng tôi, những người thợ điện nối đường dây trong một thời gian kỷ lục, những công nhân giao thông sửa chữa lộ 24 về trước thời hạn... tất cả đều tươi cười. Chúng tôi đều còn trẻ. Công trình thủy điện này là của tuổi trẻ chúng tôi...

 

Thật đáng tiếc là tôi vẫn chưa bằng lòng với những gì mình làm được ở công tác một người thợ lái máy ủi. Một hôm, tôi đã qua phà về với ba má tôi phía bờ bắc dòng sông. Tôi năn nỉ má tôi xin ba tôi cho nghỉ lái máy ủi. Tôi có nghề sửa cơ khí, không giỏi nhưng tạm được, có thể xin một việc gì đó ở khu công nghiệp Biên Hòa. Tôi nói khiêm tốn vậy chứ thực ra tôi đã tự liên hệ được một vị trí công tác không phải xoàng. Tôi nói với ba tôi nỗi lòng mình.

- Con muốn được cống hiến nhiều nhất!

 

Ba tôi chỉ lặng thinh trước ly trà đặc và điếu thuốc rê trên tay cháy sém gần hết. Tôi sợ những phút giây im lặng đó. Tôi nghĩ rằng ba tôi sẽ cất tiếng la rầy hoặc ít ra cũng có những lời khuyên bảo, động viên, thuyết phục tôi. Bất ngờ quá, ba tôi lại gật đầu:

- Thôi được! Con đã muốn thì ba không cản. Cứ coi đây là một dịp để con thử sức đi. Nếu ở vị trí công tác mới, con cống hiến được nhiều hơn thì đó là điều đáng mừng...

Chú Năm thông cảm với tôi. Anh em lái máy ủi chia tay tôi không tránh được bịn rịn. Họ chúc tôi thành công trên bước đường mới. Tôi từ giã chiếc Fiat màu vàng của mình một buổi sáng sớm khi trên mình nó còn những giọt sương màu bụi. Tôi nhớ lại tấm hình chụp tôi với những giọt mồ hôi tương tự thế dạo nào mà tôi nghe nói người nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp nó đã được trao một giải thưởng cao. Tôi rùng mình có cảm tưởng mình là người có lỗi với chính mình, người thợ lái máy ủi trong tấm hình ấy.

Dẫu sao, tôi cũng vẫn xa Trị An. Tôi tới khu công nghiệp Biên Hòa, tới một xí nghiệp mà giám đốc là đàn em của ba tôi thời chiến đấu. Với lý lịch gia đình cách mạng, với uy tín riêng của ba tôi, với quá trình bản thân, sau ba tháng công tác như một cán bộ bình thường nhất, tôi được đề bạt làm phó phòng kỹ thuật. Trưởng phòng là một anh kỹ sư người Sài Gòn.

Tôi bắt đầu tiếp xúc với những bản quy trình sản xuất đầy hình vẽ, con số và những dòng ghi chú. Nó là những cánh rừng le mà tôi đi trong tay không có địa bàn.

 

***

 

Trưởng phòng kỹ thuật tên Tước là một kỹ sư giỏi. Tôi chỉ mang ấn tượng về anh, cho rằng đó là một con người tự cao và thiếu tế nhị. Chúng tôi không có những mâu thuẫn lớn. Tước vẫn tôn trọng ý kiến của tôi về các mặt công tác tổ chức, học tập và sinh hoạt, Ngược lại, tôi ủng hộ anh trong các công tác chuyên môn. Tất nhiên, tôi giấu Tước cái lỗ khuyết về kiến thức của mình khi thì bằng sự né tránh phát biểu trực tiếp, khi thì bằng những hiểu biết mới học hỏi được qua tài liệu. Có lẽ Tước đã nghĩ tôi là một cán bộ vững vàng về chuyên môn vì càng về sau, tôi thấy anh bỏ bớt đi rồi chấm dứt hẳn cái trò tạo cớ để thử tài tôi. Người hiểu tôi hơn cả trong xí nghiệp là giám đốc, một hôm đã vỗ vai thân mật bảo tôi:

- Cháu cừ lắm! Vừa học vừa làm mà vẫn tạo được uy tín với trưởng phòng. Tước đánh giá cao về cháu đó!

Tôi bối rối trước lời khen chân tình ấy. Tôi thực sự có khả năng không? Hơn ai hết, tôi biết những đối phó của mình đã tạo cho mình một cái vỏ đáng tin cậy. Vậy thì năng lực của tôi chính là sự khéo léo biết đối phó? Tay tôi run lên trong bàn tay nắm chặt của giám đốc và lời chúc mừng của ông.

Trong tâm trạng bối rối ấy, có lần tôi đã trở về với ba tôi những tưởng có thể thú thật với ông sự hổ thẹn trong lòng mình. Tôi đã sống giả. Tôi không còn là tôi nữa rồi. Tôi đánh mất chính cả lòng dũng cảm khi không thốt được một câu thực lòng với ba tôi. Tôi chỉ nói dối:

- Con về, muốn được thăm coi công trình thủy điện thi công tới đâu rồi!

Bạn bè tôi, những người lái máy ủi và luôn cả những người trẻ tuổi ở các công tác khác trên công trình, đã làm thay đổi từng ngày bộ mặt của vùng ven thác Trị An. Có thể sự thực là đúng như trong truyền thuyết, nghĩa là quả thực ngày xưa vua Phù Nam đã sai khiến thần dân của mình chuyển đá lấp dòng sông cản đường về của tráng sĩ Sa Trí Giả, rồi thác Trị An được gọi từ tên chiếc cầu đá linh Tsien ngày ấy ra đời, chính là một công trình nhân tạo kỳ vĩ. Nhưng công trình ấy, cho dù đã loại trừ tính chất phong kiến lạc hậu của nó đi, vẫn làm sao sánh được với những đổi thay trước mắt tôi kia. Những dãy nhà xây dựng kiên cố. Cầu phao. Cầu cứng nối đôi bờ. Đường mới mở ôm vùng lòng hồ xe lại qua tấp nập. Còn trong vùng đất trũng kia... Kia! Những chiếc xe máy ủi đang làm việc để hoàn tất khu bể áp lực chứa nước trước khi cho nước chảy vào ống dẫn làm chạy máy phát điện. Những chiếc xe máy ủi ấy, từ đỉnh cao của Trấn Biên Hùng, đứng quay lưng về hố móng nhà máy điện đang thi công dưới sâu vài chục thước, tôi thấy chúng như một đàn kiến chăm chỉ tha mồi dọn tổ. Trong số ấy, đâu là chiếc Fiat của tôi ngày trước?

Tôi trở lại xí nghiệp với lòng day dứt và ước muốn tìm được sự bình tâm. Tôi bàng hoàng đón nhận tin Tước được giám đốc cử đi học lớp quản lý kinh tế sáu tháng. Tôi chạy ngay lên phòng giám đốc, nắm tay ông:

- Chú! Chú đừng cho anh Tước đi học!

Giọng giám đốc ngạc nhiên:

- Sao? Cháu ganh tỵ với Tước? Cháu muốn được cử đi học thay Tước? Hay là cháu sợ gặp khó khăn trong công tác khi vắng Tước?

Tôi thẫn thờ đáp:

- Không! Cả hai lý do đó đều không đúng. Có lẽ cháu mới đi xa về mệt nên mất bình tĩnh... Xin chú thứ lỗi cho...

Tước vắng mặt sáu tháng. Trước mắt, tôi phải thay anh chủ trì nghiên cứu quy trình chế tạo loại máy kéo X5 phục vụ cày đất lẫn đá đặc biệt của miền Đông. Quy trình này đã qua giai đoạn một xác định hình dáng tổng thể, kích cỡ các bộ phận chủ yếu. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, phòng kỹ thuật phải đề xuất được phương án chế tạo tối ưu các chi tiết sao cho vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa hạ giá thành tới mức thấp nhất. Tước bảo tôi:

- Chi tiết gay nhất là trục máy. Điều kiện hoạt động của máy X5 không phải bình thường. Nó sẽ thường xuyên va chạm với đá cứng lẫn trong đất và ta hoàn toàn không thể lường được chuyện gì sẽ xảy ra cho toàn khối máy sau đó. Anh nên thận trọng khi quyết định phương án thực hiện.

Tôi đi vắng nhưng vẫn suy nghĩ, có gì mới, tôi sẽ về trao đổi với anh ngay. Ngược lại, tôi mong anh cũng đừng tự quyết...

Tước như vậy đó, thẳng thắn, thực lòng. Cho nên tôi đã hết sức khó chịu vì sự thiếu tế nhị của anh. Trong đầu tôi nảy ngay ra một câu đáp thầm: “Đừng mong! Tôi sẽ tự quyết mà chẳng cần đến ý kiến của anh đâu!”.

 

Với lòng tự ái, với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, cả việc lấp lỗ trống về kiến thức của mình với thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất, tôi lao vào nghiên cứu. Tôi tranh thủ ý kiến của các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật thuộc quyền, tranh thủ ý kiến bạn bè ở các xí nghiệp khác. Phần trục máy, tôi gút lại hai phương án. Phương án một : “Tiện trục 2cm bằng thép nhập đã thử nghiệm 4 giờ quay có va chạm, kết quả tốt”. Còn phương án hai: “Tiện trục 2,5cm với thép tự luyện, thử nghiệm 4 giờ quay có va chạm cũng cho kết quả tốt”. Tôi làm một phép tính nhân để biết được số tiền tiết kiệm được nếu chọn phương án hai đem ra thực hiện. Con số kết quả không phải là nhỏ thúc đẩy tôi tiến tới quyết định. Tôi có nghĩ đến việc nhắc Tước để cùng bàn lần cuối về việc này nhưng rồi tôi lại thôi. Tôi nghĩ mình đã làm việc cần cù, nghiêm túc, thận trọng và sẵn sàng chịu trách nhiệm cũng như sẵn sàng chia sẻ thành tích với chính Tước. Tôi cho rằng mình đã suy nghĩ chín chắn nên dứt khoát hạ bút ký tên dưới bản quy trình sản xuất máy X5 trình lên giám đốc.

 

*

 

Vừa đặt chân lên con phà để qua bờ Bắc, tôi đã nghe anh lái xe tải của lâm trường kể chuyện về ba tôi. Đây là đoạn sông đầu thác Trị An, mặt nước phẳng lặng êm ả trôi chứ không phải len lách qua những gộp đá lớn nhỏ lắm hình thù. Từ giữa dòng, tôi nhìn về phía thác, thấy cây cầu cứng bắc ngang sông ở đoạn sẽ đắp đập. Xe qua lại trên cầu với nhịp độ khẩn trương. Sự ồn ào trùm lên dòng nước lặng lẽ, chỉ như thoảng tiếng thì thầm con sóng nhỏ. Giọng kể của anh lái xe sôi nổi:

- Đang ngồi trên xe đi kiểm tra, nghe tiếng cưa máy chú Tư ra lệnh dừng lại, cắt rừng tới tận nơi liền. Bọn ăn cắp gỗ có ba đứa sử dụng cưa máy, xe bò và đeo “boa nha” làm vũ khí. Bọn nó nhận ra chú Tư, một thằng nhỏ chạy lại nhưng hai thằng còn lại rút “boa nha” chống cự. Chú Tư rút súng ngắn bắn đuổi theo thằng chạy. Nó dừng lại, sợ hãi giơ tay đầu hàng. Đồng bọn của nó hung hăng hơn, mỗi thằng xông vô một người. Tay bảo vệ đoạt “boa nha” của đối phương không khó vì có sức khỏe hơn. Riêng chú Tư bị thằng kia đâm trúng tay cầm súng. Thằng nó khôn, nó biết chú Tư không nỡ bắn chết người nên mới dám mạnh tay. Nhưng nó cũng là một thằng ngu, nó tưởng chú Tư là một ông già gần hết “xí quách”. Bởi vậy, nó mới bị lãnh mấy cú song phi vô bụng, vô ngực sụm luôn...

 

Người kể chuyện đang hào hứng, vỗ vỗ vai tôi rồi giơ ngón cái bàn tay phải lên, miệng suýt xoa lên:

- Số một! Chú Tư số một!

 

Lòng tự hào không nén nổi sự lo lắng của tôi. Bức điện khẩn tôi nhận được ngày hôm trước ghi vắn tắt: “Ba bệnh mong con về”. Anh lái xe xác nhận đúng là ba tôi đang bệnh. Nhưng không phải vì vết thương thằng ăn cắp gỗ đâm hôm nào. Tôi hỏi thăm thêm nhưng anh ta không biết rõ ba tôi bệnh gì.

 

Má tôi ôm lấy tôi mà khóc từ ngoài ngõ. Trong nhà vọng ra tiếng ba tôi khàn đục nhưng cương quyết:

- Để nó vô gặp tôi chút. Bà đừng làm nó lo chớ!

Ba tôi ngồi trên giường chứ không nằm. Tôi dễ dàng nhận ra ông gầy đi nhiều so với trước, nước da vàng nhợt nhạt. Tôi ngồi bên ông, nắm cánh tay gầy hỏi:

- Ba bị sốt rét trở lại sao?

Ba tôi lắc đầu:

- Đầu tiên thì bác sĩ cũng đoán vậy.

- Vậy chớ thực ra ba bị bệnh gì?

Ba tôi lại lắc đầu:

- Có lẽ con cứ tạm biết là ba đang mắc một bệnh nguy hiểm.

 

Má tôi định chen vào câu chuyện nhưng ba tôi đã ngắt ngang bằng cách hỏi tôi về tình hình công tác. Tôi nghe lặng ngắt cả người. Tôi có dám nói sự thực không? Sự thực về bài học đau đớn tôi vừa nhận chịu, trả giá cho những ngày sống với vòng hào quang thành tích không thực của mình. Tôi đã quyết định sai khi nghiêng về mục đích tiết kiệm vật tư, hạ giá thành sản phẩm, thay vì đúng ra phải hướng về sự đảm bảo kỹ thuật. May cho tôi là chiếc máy X5 đưa thử nghiệm thực tế chưa được quảng cáo rầm rộ. Giám đốc an ủi tôi: “Không sao! Thất bại trong vòng thử nghiệm là lẽ thường thôi”. Tước cũng viết thư về nói với tôi như vậy. Nhưng với tôi, đó có phải là một chuyện bình thường?

 

Tôi đáp câu hỏi của ba tôi với mặc cảm một kẻ tội lỗi:

- Con vẫn công tác bình thường...

Ba tôi im lặng như đang nhìn vào một ý nghĩ bất chợt nào có sức lôi kéo mãnh liệt. Khá lâu, ông mới thở ra một hơi dài mà nhẹ, rồi ông nuốt khan hỏi tôi:

- Khi người ta nói dối vì cần thiết phải nói dối thì có đáng chê trách không con?

 

Tôi nghe đầu mình bốc lửa còn toàn thân lại băng giá cóng lạnh. Tại sao ba tôi lại hỏi tôi câu hỏi ấy? Ông đã biết chuyện xảy ra ở xí nghiệp tôi công tác rồi chăng? Ông đã đọc được hết những ý nghĩ, dằn vặt, suy tư của tôi thời gian này rồi chăng? Ông muốn tự tôi đánh giá, kết luận về hành động thiếu dũng cảm, thiếu trung thực của mình chăng?

 

Tôi im lặng chờ nghe những lời giận dữ la rầy của ba tôi. Nhưng ông chẳng nói thêm điều gì nữa.

 

*

 

Chiếc xe đò dừng nơi bến ấp 2 Cây Gáo. Bác tài nhảy khỏi buồng lái, tay đóng ập mạnh cánh cửa xe, càu nhàu:

- Cái xe mắc dịch bữa nay bò như rùa!

Tôi xốc ba lô lên vai, đứng lặng thinh một chút giữa những hành khách khác đang xuống xe, người đón hành lý từ trên mui đưa xuống, người dáo dác kiếm bà con... Tôi muốn thu thật nhiều hình ảnh vào trong đôi mắt và ký ức mình ngày hôm nay, buổi trưa nay, vùng đất này tôi trở lại.

Trước khi rời khỏi xí nghiệp, tôi đã nhắn được Tước về để gặp anh, nói với anh điều làm mình băn khoăn mãi: “Có thực là anh tin tôi có khả năng không?”. Tước bóp mạnh vai tôi, khẽ lắc đầu: “Tôi xin lỗi đã không trung thực trong việc này. Đúng là tôi không tin anh có đủ trình độ kỹ thuật để đảm đương nhiệm vụ. Nhưng một phần tôi thông cảm, một phần tôi bị chinh phục bởi chí tiến thủ của anh. Tôi không nỡ...”. Phần giám đốc, tôi cũng nói hết với ông tâm sự của mình. Tôi không thể chịu đựng mãi cảnh sống giả của mình. Trên đời này, người ta làm hàng giả, thậm chí người giả nữa, không lẽ đến lượt tôi tạo ra cái gọi là tài năng giả để tô vẽ cho đời mình? Giám đốc ôm lấy tôi, giọng bồi hồi: “Cháu rất xứng đáng là con của anh Tư. Chú chỉ tiếc là lúc này, anh Tư không còn nữa...”

 

Ba tôi không còn nữa. Vâng. Đó không phải là giấc mơ dữ. Mà là một sự thực đau lòng. Ngày ba tôi nhắm mắt, tôi chưa về kịp. Má tôi kể lại rằng ba tôi đã thiếp đi rồi lại hồi tỉnh đến ba lần, mỗi lần sức sống trở lại, ông chỉ hỏi một câu: “Thằng nhỏ về chưa?”. Ôi! Thằng nhỏ! Cách gọi ấy làm trào lên trong tôi bao kỷ niệm ngày xưa khi tôi còn ở tuổi thiếu niên không mê học mà chỉ thích lén trốn theo các chú, các anh đánh địch. Không lâu lắm, đồng chí lãnh đạo cấp cao về dự lễ khởi công công trình thủy điện Trị An cũng đã gọi tôi như vậy. “Đẹp lắm! Thằng nhỏ và những công việc của nó”. Một thằng nhỏ trước mắt, trong lòng ba tôi. Tôi vẫn còn rất bé bỏng trong suy nghĩ của ông. Và tôi càng nhỏ nhoi đi trước một sự thật không bao giờ tôi tưởng tượng đến. Tình thương của ba tôi dành cho tôi đâu chỉ là tình thương của một người cha mà còn cao hơn thế, một đồng chí đi trước với thế hệ đi sau. Má tôi sụt sùi kể:

- Ba con mất vì bệnh ung thư máu, hậu quả của thời gian bị nhiễm độc hóa học trong rừng chiến khu Đ. Chất độc ấy cũng khiến ba con không thể có con. Con ơi! Con đừng khóc, con trai của má! Đúng là như vậy đó. Ba má đã nhận nuôi con sau khi ba má ruột của con cùng hy sinh trong một trận bom của giặc thả xuống rừng này...

 

Tôi đi về hướng bờ sông. Cái ba lô trên vai tôi chợt trĩu nặng hơn. Tôi xốc nó trên vai, thẳng lưng. Tôi có cảm tưởng mình vừa được lớn lên bất ngờ, tự hào với bao trách nhiệm sắp tới mà mình đủ bản lĩnh gánh vác./.

 

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 1943
Ngày đăng: 07.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu
Mèo con yêu dấu - Mang Viên Long
Tai qua nạn khỏi - Huỳnh Văn Úc
Chùm truyện ngắn ngắn : Ngẫm sự đời - Đỗ Ngọc Thạch
Cúc muộn - Vũ Thảo Ngọc
Chuyển vai - Nguyễn Bích Hạnh
Ngồi trên bậc cửa - Phạm Thị Duyên
Tiếng rừng - Dương Quốc Hải
Dưới trăng - Nguyễn Văn Ninh
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)