Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.230.699
 
Nắng hanh vàng
Nguyễn Văn Ninh

Chiều, gió ù ù, mây đen nặng trĩu, sầm sùi rồi mưa rả rích suốt đêm. Cơn mưa kéo dài đến sáng ngày vẫn chưa tạnh. Tôi ngủ vùi trong chăn và giật mình tỉnh dậy bởi tiếng quát của bố.

“Chúng bay! Đứa cạo khoai, đứa hái rau, nấu cơm ăn”.

 

Tôi hé mắt nhìn ra thấy đùi bố gác lên đùi mẹ. Cơn gió thổi thốc qua phên liếp, đưa cái lạnh tràn vào. Chợt nghĩ, thế là mình sắp có thêm em nữa.

 

Tôi lồm cồm ra khỏi giường, xuống bếp. Anh cả và chị hai răm rắp làm. Anh ba cười vô tư nhăn nhở như khoai cạo. Chị tư và anh năm, người ngồi trong xó cối, người bó gối trên mảnh chiếu rách. Anh ba bận chiếc quần lót rách xí xớn chạy di chạy lại cười hềnh hệch. Không biết trong nhà no hay đói. Mà kể ra, anh cũng vô tư, bởi anh đâu có đói. Anh là người thích nghi với khoai sắn, ăn no được. Còn tôi phải ứa nước mắt mới nuốt trôi được một miếng. Những lúc đó mẹ tôi chép miệng, thở dài “cùng một nhà ma chúng cũng khác nhau”.

 

Mùa mưa năm sau, mẹ tôi sinh em thứ chín. Bố đặt tên là Vượng. Không biết mẹ có đẻ thêm nữa không, chứ những cái tên bố đề ra, để đặt cho con là: Phú, Quý, Vinh, Hoa, Hoà, Thuận, Là, Thịnh, Vượng thì đã hết. Mỗi lần gọi tên con, người ở xã đến tưởng nhà tôi giàu lắm. Biết nỗi khổ này bà tôi bảo cứ gọi theo thứ tự là được.

 

Mẹ ở cữ được ba tháng thì đến mùa khô. Mẹ tôi bồng bế em đi đóng gạch thuê. Tôi xách giỏ đi theo để trông em cho mẹ. Con đường từ nhà đến xưởng gạch cách ra hàng chục cây số. Tiếng gió thổi qua hàng phi lao vi vút. Buồn thảm đạm! Gió hanh khô thổi quay quắt gốc rạ. Nước chảy chân ruộng trong veo, lạnh lẽo. Cỏ ốc mọc xanh rì rầm. Giữa cái nền bàng bạc của cánh đồng, một đàn cò trắng phau vươn cổ dài ngẫu nghện. Xa xa là cánh rừng. Người tiều phu nấu cơm, than vương vãi, gió thổi lửa bén lá khô cháy loang lổ.

 

Đi được một quãng đường thì chân mỏi. Tôi giải khuây bằng cách nhìn xuống dòng nước ven đường. Những con cua ôm bùn nằm im. Tôi thò tay khẽ bắt thường  cứ bốn con mới có một con sống. Bắt mãi cũng chán tay. Tôi lần ngần đưa lên mũi ngửi. Thối hoắc! Sát gần hết bánh xà phòng mới đỡ mùi. ở được hơn tuần thì chị tư tới. Nước mắt chảy rã rượi, khóc vì nỗi cực nhọc phải bế em. Tôi thương chị lắm, nhưng hai tay tôi cũng bận rồi! Mẹ tôi mắng mỏ, chị gạt nước mắt ra về.

 

Gần tết cả nhà được sum họp, tôi thích thú được kẹo. Những chiếc kẹo vừa bóc giấy đã tan ra thành bột, bụi mốc trắng xoá. Đưa vào đầu lưỡi chua chua.

 

Năm đó bà cũng về ăn tết. Một ngày bố và các anh chị đi vắng. Chỉ còn bà, mẹ và tôi với ba cái mũi dài. Đang chơi vui thì mụ Thuyên tất tưởi chạy sang. Mụ ới mẹ tôi giúp mụ, gọi bà đỡ đẻ cho em dâu mụ. Bà tôi than thở nói:

- Gớm! …Đẻ gì mà nhiều thế…

Mụ Thuyên phởn phơ nét mặt:

- ấy! Để càng đông, càng sướng, lỡ các cụ có nằm xuống con cháu đến nhà mới đông đúc. Tha hồ chít khăn.

- Nhưng mà đông thế lũ trẻ học hành làm sao?

- Chẳng cần học cao. Biết chữ là được. Khối người có học mà họ bạc bẽo bỏ xứ. Quanh năm cứ biền biệt ở đâu không thấy.

 

Mẹ ra đi chỉ còn tôi với bà. Bà lại lẩm bẩm: “ở cái làng này nhà nào cũng lắm con. Nhà mẹ Mai Uyển đẻ mười một đứa, hai đứa cuối đặt là yến, Oanh.. Nhà ông Hoà đẻ mười, đứa cuối đặt là Nghĩa, Lý. Nhà cô Sương đẻ đứa thứ bảy đặt tên là Bình, đứa thứ tám đặt tên là Tĩnh. Hầy dà, tám đứa con mà vẫn còn bình tĩnh…”

 

Tôi không thích nghe nhưng khi bà nói đến đó tôi cũng buồn cười. Sao họ không đặt tên là dứt bữa hay đói rách để ghi lại cái thời này…

 

Gia cảnh nhà tôi quanh năm rau, tứ mùa độn củ. Nhà tranh vách đất, mạng nhện giăng giăng trắng hoa cả mắt. Mảnh vườn quanh năm rau mọc, chẳng có hoa hòe gì mách bảo sự no ấm. Năm được mùa rau gánh gãy lặc lè, bán rẻ như cho. Năm mất mùa trông đất cũng cằn cỗi đá ong to bằng nắm tay lăn lóc.

 

Anh cả lấy vợ đẻ ba đứa rồi mà vẫn chưa có bếp nấu. Vợ chồng con cái của anh chui rúc trong hai gian nhà tranh. Trong nhà chỉ có hai cái xoong đen sỉn đen sạm, vung to hơn nồi, nằm lăn lốc nơi cái bếp bắc bằng ba cục đá. Mòng hóng xám đen, hệt như ổ chuột. Giường làm bằng sạp tre, trên lót vạc nứa. Đặt đít vào là nghe tiếng kẽo kẹt, ran rát, ta cẩm cùng số phận. Trước nhà anh là khoảnh đất bạc phơ phếch có vài luống khoai, trụi. Vài đứa cháu lớn suốt ngày ngậm thìa mà bụng vẫn đói, trông chúng gầy guộc xanh xao. Vợ chồng anh hết lui cui dưới ruộng nước lại lên ruộng khô. Hết xuống sông mò cua, bắt ốc lại lên rừng chặt củi đốt than.

 

Cứ đến mỗi bữa bà tôi lại ăn sau. Nguyên cớ sau này tôi mới biết bà ăn rất ít, nhường phần mình cho mấy đứa con anh cả. Rồi một ngày bà ra đi như chiếc lá vàng trút xuống. Bà chết vì đói, xác bà khô queo quắt. Mặt bà bình thản như vừa trút đi gánh nặng cõi trần. Tin bà mất loang ra. Thím ba bưng mặt khóc từ nhà, vừa khóc, vừa chạy, thím vừa kể lể.

- ối! Bà ơi,là bà ơi! Hu..hu… Bà nuôi chồng mười ba năm, con nuôi bà mười tám năm. Nay bà mới về nhà anh cả được vài năm. Bà đã ra đi…Quân mạt kiếp, quân chó người. Hạng bay ăn ở thế à?

 

Cứ thế thím bù lu bù loa. Làm như nhà tôi giết bà ấy. Tôi níu tay thím và bảo.

- Sao thím lại khóc như thế. – Thím vùng vằng nói. – Không, tao phải vạch áo cho người ta xem lưng mới được. ối bà ơi…

Thím xoã tóc bứt quần, xé áo. Miệng rống lên như con ngộ.

 

Con cháu nghễu nghện dắt đến đầy nhà. Mẹ tôi sai chị hai nấu một nồi cơm đầy và một nồi canh mênh mông là nước, múc đến sướng tay. Đám ma bà xong, cha tôi bơ phờ rã rượi. Chưa được đầy tang bà thì ông cũng ra đi. Bầy con lít nhít trở thành mồ côi. Chị hai có vài đám ngấp nghé. Nhưng chị thương mẹ, chị ở nhà đỡ đần giúp mẹ, nuôi em. Khi mọi người đã lớn, chị có thể đi được, thì chẳng còn ma nào nhìn đến. Chị cứ ở thế, già cắc. Thế rồi chị theo một nhóm người đi Trung Quốc. Họ bảo sang đó lấy chồng Tầu, giầu lắm. Không biết có thật không mà nhiều năm không có tin tức gì.

 

Mảnh đất quê đã nghèo lại thiếu ruộng cày. Mỗi người chỉ được một sào. Ai khéo làm thì đủ ăn. Ai vụng thì đói. Đừng nghĩ chi đến làm giàu. Những tháng nông nhàn, họ kéo nhau lên rừng chặt củi, ra thành phố làm cửu vạn. Anh ba nhà tôi theo một số người vào Tây Nguyên làm mướn. Các anh, các chị lần lượt ra đi. Tôi trở thành người lớn ở lại nhà giúp đỡ mẹ, suốt ngày trông ra, ngóng vào đến mụ cả đầu.

 

*

Dẫu cuộc sống đói khổ là vậy mà lũ trẻ con làng tôi vẫn ra đời đều đặn, đứa nào cũng gầy guộc ốm o. Mùa hè thì cháy khô khét vì nắng. Mùa đông thì bẩn như chó nằm trong tro. Suốt ngày chỉ chơi bời đất, canh rác rưởi. Tối lại chân tay không rửa bưng bát cơm ăn, rồi chui vào chăn nằm ngủ, bụng vểnh lên, như bụng ễnh ương, đít teo như quả vải héo, đôi mắt như hai hạt nhãn lúc nào cũng lồi ra trơ trơ nhìn đời. Làng tôi xưa kia thưa thớt, thế mà giờ đây đã ra một làng mới, lại thêm xóm mới, xóm tân rồi Hựu Tân…

 

Mái tranh nhà tôi mãi mà chưa thay được. Những cơn mưa râm ri rả rích cả vào nhà. Nước chảy tong tong xuống nền. Mấy mẹ con phải huy động xô, thùng, xoong, chậu…ra hứng. Sau mỗi đợt mưa mái nhà lại mọc xanh bời bời, những thứ cây gieo hạt nhờ gió.

Lại một mùa khô đến. Cái mùa khô là mùa rét. Rét để người ta phô giàu có. Và rét làm lộ cái nghèo. Ngồi trong nhà rét cắt da, cắt thịt. Trông ra ngoài sân trời nắng vàng ấm áp. Cái nắng níu kéo người ta ra sưởi.

 

Anh ba ở trong miền Nam về, cả nhà phấn khởi. Anh kể huyên thuyên những chuyện ở núi rừng Tây Nguyên. ở đó với sức lực cơ bắp của anh cũng làm ra khối tiền. Anh nói: “Tiền nhiều nhưng xài hết. Đến ngày gần về mới dồn lại mua cái đài”. Mẹ tôi thở dài: “Con đã vội vàng mua sắm, giá để tiền đó cho mẹ làm vốn”. Tôi chêm vào: “Anh ba nhà mình chưa chín đã đỏ”.

 

Bạn bè anh đến đông lắm. Anh mờ nhạc “rốc en ron”. Nó đạp uỳnh uỳnh. Mái tranh bay xào xạc xuống sân, tôi huơ chổi quét theo tiếng nhạc, vã mồ hôi. Bỗng nhiên mất điện. Tôi được nghỉ, liền chui vào gầm giường nhặt nửa rổ khai đem luộc.

 

Khoai chín, mẹ tôi bảo gọi anh xuống ăn. Tôi thẹn thùng nói rằng: “Anh ở trong Nam toàn xài với nhậu, chắc quên khoai rồi”. Mẹ quát tôi và gọi anh xuống. Tôi cứ đinh ninh là mình đúng. Té ra mẹ đúng. Anh ăn khoai ngon lành, cứ trông cái kiểu ăn ấy thì anh không bỏ khoai được. Mà anh đang muốn ở lại tây Nguyên, nơi đó nhiều đất lắm. Anh sẽ đẻ nhiều con cho coi. Mẹ tôi lại con đàn cháu đống như bà hồi xưa.

 

… Anh ở nhà được hơn tháng thì đi. Có mỗi việc cho tôi đi mà ba mẹ con phải bàn đến nát sự. Mẹ bán đàn gà, mấy con chó và đôi lợn, vừa đủ tiền vé. Khi tôi bước chân lên xe, mẹ tôi kéo vạt áo thấm nước mắt mà dặn rằng: “Chỉ có đất Tây Nguyên con mới kiếm được việc làm, vì nơi đó vẫn cầm dao, cầm cuốc…”./.

 

Mùa đông 1998

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 1899
Ngày đăng: 07.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu
Mèo con yêu dấu - Mang Viên Long
Tai qua nạn khỏi - Huỳnh Văn Úc
Chùm truyện ngắn ngắn : Ngẫm sự đời - Đỗ Ngọc Thạch
Cúc muộn - Vũ Thảo Ngọc
Chuyển vai - Nguyễn Bích Hạnh
Ngồi trên bậc cửa - Phạm Thị Duyên
Tiếng rừng - Dương Quốc Hải
Dưới trăng - Nguyễn Văn Ninh