Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.208.839
 
Phạm Thiên Thư, Người đi tìm "bụi đỏ"
Trần Hoài Anh

Cũng như nhiều người, tôi mê tình khúc Ngày xưa Hoàng thị do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ của Phạm Thiên Thư từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường trung học ở miền Nam trước 1975. Và cùng với những bản tình ca  Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa tình sầu, Em lễ chùa này, Ngày xưa Hoàng thị... thơ Phạm Thiên Thư, do Phạm Duy phổ nhạc đã trở thành một sự cộng hưởng nghệ thuật lạ lùng ở miền Nam trong thập niên bảy mươi. Sự cộng hưởng nhiệm mầu ấy không chỉ là sự hòa hợp diệu kỳ của cuộc hôn phối giữa thi ca và âm nhạc mà còn ở sự chiếm lĩnh thế giới tâm linh của bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Lời thơ ấy, âm nhạc ấy đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi với biết bao người trong cuộc đời mà nhiều khi chỉ một dấu chân bé nhỏ của ai đó thuở nào cũng hằn sâu trong tâm thức để rồi suốt đời tìm kiếm mỗi khi nhớ về những buổi "tan trường"

 

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ

Dưới cội hoa vàng...

(Ngày xưa Hoàng thị)

 

Thật vậy, tình yêu bao giờ cũng chứa trong nó sự huyền diệu của khát vọng kiếm tìm. Cái đẹp của tình yêu vì thế cũng là cái đẹp của sự đam mê khám phá và tìm kiếm. Phạm Thiên Thư cũng thế !? Ông cũng đã yêu, đã sống, đã hạnh phúc và khổ đau giữa cõi đời và cõi yêu. Vì thế tình yêu trong thơ ông bao giờ cũng gắn với những hoài niệm nhiều khi rất cụ thể. Đó là một chùm hoa "ép từ hạ cũ", là một "đường mưa nho nhỏ" ngày em tan trường, là "Chúng mình ngày nọ / ngó mây lang thang", là "con đường sầu đông / em đi guốc tía", là "em nhớ gì không / cái chiều hạ nọ"... Chính những kỷ niệm tưởng như bình thường mà rất thiêng liêng này là nguyên nhân tạo nên nỗi khát vọng kiếm tìm trong tâm hồn thi sĩ.

 

Tình yêu bao giờ cũng dệt bằng kỷ niệm. Kỷ niệm là phép màu tạo nên sự bất tử của tình yêu. Thế nên, khi yêu nhau người ta yêu bằng kỷ niệm và lúc xa nhau người ta cũng nhớ nhau qua kỷ niệm. Vì vậy, sự tìm kiếm trong tình yêu cũng là sự kiếm tìm thế giới của kỷ niệm, của nhớ mong. Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là tình yêu của sự kiếm tìm kỷ niệm với những nỗi nhớ mong nhiều khi đến nao lòng

 

Rồi em về đâu

Nhớ chi con cầu

Riêng ta ngồi mãi

Dưới tàng hoa ngâu

( Qua Cầu)

 

"Rồi em về đâu", một câu hỏi như một lời tự vấn. Đó cũng là nỗi xót xa khi nhận ra sự hiện hữu của tình yêu ngày nào chỉ còn là những giấc mơ trong hoài niệm của bến bờ hư tưởng

 

" Bây giờ hoa cũ

Rụng hoài trong mơ "

(Giàn mơ )

 

Tình yêu luôn đồng hành với nỗi nhớ. Và nỗi nhớ bao giờ cũng chứa trong đó những chiêm bao nên sự kiếm tìm trong tình yêu cũng chính là sự kiếm tìm những giấc chiêm bao diệu kỳ mà Tế Hanh có lần đã thảng thốt, bàng hoàng :

 

Chiêm bao bừng tỉnh giấc

Biết là em đã xa

Trên tường một tia nắng

Biết là đêm đã qua

(Chiêm bao - Tế Hanh)

 

Phải chăng khi sự hiện hữu của tình yêu chỉ còn là những hoài niệm thì con người cũng chỉ biết tìm tình yêu trong mộng mị vô thường. Cứ thế, thực và mộng, nhớ và quên, hạnh phúc và khổ đau, mãi vận chuyển như kiếp luân hồi.

 

Đợi em dài một luân hồi

Thêm vài giờ nữa mình ngồi có sao

Đợi em như đợi chiêm bao

Biết đâu chiêm mộng có vào đêm nay

(Đợi chờ)

 

Chính vì vậy, bước vào cõi yêu trong thơ Phạm Thiên Thư, ta luôn bắt gặp nỗi ám ảnh của một con người đi tìm "bụi đỏ" mà ai đó đã vô tình mang đi. "Bụi đỏ" chính là dấu tích của tình yêu đã xa mờ trong quá vãng. Nhưng cũng là hạt bụi của phận người trong cõi phù sinh mà một thi sĩ đồng thời là một tu sĩ Phật giáo như Phạm Thiên Thư đã cảm nhận từ trong vô thức của mình.

 

Mốt mai em nhớ bao giờ

Bãi dâu vẫn mộ cho dù sắc không

( Động hoa vàng)

 

Vì Vậy, nỗi ám ảnh "bụi đỏ" đó không chỉ hiện hữu ở bài thơ Ngày xưa Hoàng thị mà còn bàng bạc trong nhiều bài thơ khác của Phạm Thiên Thư như một vết hằn trong tâm thức. Để rồi vết hằn ấy trở thành nỗi đau trong tâm cảm thi nhân.

 

:         Thôi còn gì đâu

dặm trường bụi đỏ

(Tái ngộ).

 

Mặc dù vậy thi nhân vẫn yêu đến vô cùng hạt bụi ngày ấy, tuy giờ đã quá xa xăm với một tình yêu miên viễn, một tình yêu lặng lẽ, vô ưu và độ lượng. Một tình yêu mà ở đó không có những vụ lợi tầm thường, chỉ  có tiếng gọi thổn thức từ trái tim lặng lẽ

 

Anh lặng nghe bằng tim

Thấm từ lời mật đó

Anh thành con còng nhỏ

yêu hạt bụi vô cùng

(Giọt mật)

 

Thơ tình của Phạm Thiên Thư là thơ được dệt thành từ những mộng mị vô thường. Nói như Joseph Huỳnh Văn: "Có phải những ngày sầu đưa, những sắc vàng nhạt, những động hoa vàng là cõi thơ của Phạm Thiên Thư ? Xa thì từ muôn thuở, muôn nơi, mà gần thì ở chính ngay lòng thi sĩ; cho nên tuy thân thiết, lời thơ vẫn mang cái vẻ ngậm ngùi xa vắng''. Bởi, cái khát vọng trong tình yêu của thi nhân thật giản dị, chân thành và trong sáng đến hồn nhiên như một giấc mơ.

 

Bây giờ ta đã gặp nhau

Thì xin đừng để nghìn sau ngậm ngùi

( Chiêm bao)

 

Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã để cho Kim - Kiều thốt lên một điều dự cảm mà mỗi khi đọc lên ta luôn thấy se lòng:

 

Người ơi gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không ?

 

Có lẽ, chính vì sự dự cảm duyên phận bẽ bàng ấy mà dẫu trải qua mười lăm năm lưu lạc truân chuyên, Kiều vẫn không quên Kim Trọng. Và chàng Kim dù sống an phận với Thúy Vân vẫn không nguôi thương nhớ Kiều, vẫn mãi đi tìm cho được người tình ngày ấy của mình.

 

Phải chăng khát vọng kiếm tìm là một yếu tính của tình yêu. Và khi nào còn khát vọng tìm kiếm thì tình yêu vẫn còn nguyên giá trị; vẫn mãi mãi là một tiếng gọi thao thiết trong cõi tâm linh của mỗi con người. Đó cũng là điều ta bắt gặp trong thơ Phạm Thiên Thư, một con người suốt đời đi tìm "bụi đỏ" khiến chúng ta không khỏi thấy se lòng. Để rồi cũng như thi nhân ta cứ mãi:

 

Tìm xưa quẩn quanh

Ai mang bụi đỏ

Dáng ai nho nhỏ

Trong cõi xa vời.

Tình ơi!... Tình ơi!...

( Ngày xưa Hoàng thị)./.

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 4023
Ngày đăng: 08.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuốn sách – đời người - Vũ Ngọc Tiến
Thử “giải mã” một số kết hợp từ lạ trong thơ Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Trương Nam Hương và cuộc “Tìm mình’ - Dương Kiều Minh
Mai Văn Phấn và khúc biến tấu Hôm sau - Đặng Văn Sinh
Đắng & Ngọt – Hương Vị Cuộc Đời. - Trần Hữu Dũng
Xuân Thao, thơ và người - Phạm Ngọc Lư
Sơ lược về tác phẩm Thơ đến từ đâu - Khánh Phương
Nguyễn Tam Phù Sa với tập truyện Nơi chim cu ưa gáy - Huỳnh Minh Tâm
Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ - Đặng Thân
Quang Hoài và sự hiện diện tập thơ thứ sáu - Dương Kiều Minh
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)