Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.209.084
 
Tản mạn với Huỳnh Duy Hiếu quanh “Giấc Mơ Thời Gian”
Nhị Ka

Huỳnh Duy Hiếu khởi viết từ lâu, trước 1975 đã có thơ cộng tác với tạp chí Văn, Văn Học, Tiểu Thuyết Thứ Năm…, sau này tuy bận bịu công chức anh vẫn tiếp tục dành thời gian cho thơ, anh đã từng có tặng thưởng của Hội Văn Học Nghệ Thuật Phú Yên cho thành tựu 2001 – 2005.

 

Từ thời gian “Một Dòng Lặng Lẽ” (2004) đến quí 3/2009 anh xuất hiện thêm một dòng khác “Giấc Mơ Thời Gian” (*)

.

Hãy nghe anh tự bạch:

“Tôi chỉ là một gã chân quê

Cõng thơ hoài không mỏi”

 

Đúng là anh mê thơ thật, mê nên chạy theo thơ hoài, mê nên cõng thơ hoài (nhưng thơ có đoái hoài tới anh không lại là chuyện khác, của thơ và người luôn luôn có cự ly không thể chạm đến được); cũng như anh hướng với theo mê mẩn phụ nữ, nhưng chắc gì nàng có hướng ngoảnh đầu lại đồng qui; thơ nặng như núi, cõng thơ trên vai hao tổn nhiều trí lực, coi chừng bị đè nặng như Ngũ Hành Sơn chụp lên người Tề Thiên Đại Thánh, phải năm trăm năm sau mới có Đường Tăng đến gỡ lá bùa giải thoát, còn nhà thơ thì có ai gỡ bùa giải thoát cho chăng? Chờ đến một ngày đẹp trời có người nữ nào dũng cảm đến gỡ, sau đó bị cánh tay ngà ám xuống còn trĩu nặng hơn, tù túng hơn.Có phải không?

 

Bây giờ thử xem trong “Giấc Mơ Thời Gian”, Huỳnh Duy Hiếu cõng sự trăn trở đi về đâu? Một bước tới của Giấc Mơ suốt Thời Gian vô chừng, hành trình đi qua những khuôn mặt bạn bè, người mình yêu, trầm tư trước thiên nhiên, xao xuyến với quê nhà.

Đối với bạn bè thì tri kỷ nhiệt tình:

 

“Bạn bè cư xá còn bao đứa

Sống hết cho mình trọn cuộc chơi”

 

Cái này thì tôi biết và làm tôi nhớ sự “dại gái” của hắn (người bình thường đã dại gái huống hồ nhà thơ thì còn si dại hơn). Khi xưa tôi học Đại học Nông Lâm Súc, hắn vào “tị nạn” trà trộn ở cư xá 45 Cường Để (bây giờ là Đinh Tiên Hoàng) nơi cư trú của sinh viên, địa chỉ  này cũng chính nơi tôi đứng trồng cây si, khi còn học tại trường tôi có “dại gái” một em cùng lớp, nên  làm bài thơ với tựa “ Trước cổng 45 Cường Để” có những câu thơ hơi bị “sến” như “ Trên solex mỗi ngày dăm ba chuyến.Trước cổng  trường xin đứng đợi nghe em”; tuy dại, nhưng sĩ diện lãng mạn sinh viên nên không dám bày tỏ liều mạng thẳng thừng mình dại như Huỳnh Duy Hiếu:

“Bạn bảo có lần ta dại gái

Si mê tiếng guốc buổi tan trường”

Mà “dại gái” thì có gì không hay đâu nào, có khi còn được xem đó là “thành tích”. Tôi đã từng nghe một người con gái nói: “Anh dại gái với ai chứ anh không chịu dại với em?”

Đó là ngày xưa, bây giờ thì hắn tư kiểm:

Ta giờ tóc đã phai màu bạc

Chẳng còn mê gái kiểu ngày xưa”

Vậy thì mê gái kiểu nào đây hở nhà thơ lão tướng? Sợ không còn khả năng mà “dại gái” nữa bạn hiên ơi!

 

Đối với tình yêu thì sao? Vừa bùi ngùi vừa dữ dội; cô đơn đi trên con đường một chiều (dĩ nhiên là có bảng cấm) hơn tung tăng trên con đường hai chiều, rất tha thiết:

 

“Ơi chiều hãy nhẹ nhàng rơi

Cho anh trọn cuộc luân hồi bên em”

Buồn nhận nhiều hơn vui cho:

“Xin chiêm bao tự thuở nào

Xưa cho hoan lạc giờ trao nhọc nhằn

Và tôi xin chút muộn màng

Để yêu em đến ngỡ ngàng buồn đau”

 

Và đau đớn nào hơn:

 

“Tôi đốt cháy linh hồn em

Để nhớ

Như rượu ngon thiếu bạn

Những câu này làm nhớ đến một đoạn trong hồi ký của nhà thơ Xuân Sắc khi đề cập về nhà thơ Thu Bồn :..Thu bồn đã rót rượu lần thứ hai, rồi vỗ đùi bố vợ :

- Con gái bố đã ngon. Rượu của bố còn ngon hơn, mời bố!

( Xin lỗi hương hồn nhà thơ Thu Bồn khi trích những dòng này)

 

Có hai câu lục bát về tình yêu trong bài thơ “Lời tỏ tình trong đêm” gây sự chú ý:

“ Lần đầu anh nói yêu em

Ngàn con đom đóm xách đèn chạy rong”

 

Hai câu này thoáng làm người ta liên tưởng đến hai câu nổi tiếng của nhà thơ Trần Dạ Từ: “Lần đầu anh ghé môi hôn. Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang” (Trong bài Nụ hôn đầu,Tạp chí Văn, số 193 tháng 1/1973); mới đọc qua ngỡ  bút pháp ảnh hưởng thơ của Trần Dạ Từ, không phải vậy, thao tác chữ của Huỳnh Duy Hiếu  không hiện hữu giữa ban ngày “hôn” công khai thơ mộng ngọt ngào gây chấn động côn trùng mà lại ở trong không gian của bóng tối chỉ “nói” thôi mà làm giật mình một tập họp ánh sáng nhỏ nhoi bùng lên sự chạy rong lạ lùng tốc độ.

 

Bỏ lại sau lưng tình yêu & bè bạn để xem hắn đứng trước thiên nhiên suy nghiệm về cõi người:

 

“Ba ngàn thế giới không hề chật

Ta chỉ là ta hay mênh mông

 

Từ cõi người lại khao khát đến “Tìm cõi vô sầu”:

 

Tiên phong tìm kiếm cõi vô sầu

Nếu hết kiếp này chưa thấy được

Tiếp tục đầu thai hẹn kiếp sau”

 

Điều gì khiến hắn quyết liệt đến vậy, trong khi đó tại cõi lòng lại vướng:

 

“Đã nghe thấm đẫm lời kinh kệ

Mở mắt nhìn tâm bỗng ngả nghiêng

 

Đừng có mà mơ, không dễ đâu, nhìn xuống mặt đất đi.

Và quay lưng lại , hướng phía trước không rời hiện thực quê nhà, quay quắt chiêm ngưỡng nơi mình đang sống, từ núi Nhạn biểu tượng của Tuy Hòa, nhìn ra “Tự tình tháp cổ”:

 

Như một vết chấm trên hòn núi Nhạn

Ngôi tháp đã theo ta đi suốt cuộc đời”

 

Đến các địa danh không thể nào quên như sông Ba, sông Chùa, Đà Rằng, Cầu ông Chừ, Đại Lải…:

 

Sông Ba vẫn đó êm đềm chảy

Núi Nhạn nằm đây ngóng bạn về”

 

Và:

“Bên hồ Đại Lải chiều rơi

Hình như có tiếng ai cười ngõ xa”

 

Đi qua hết tập thơ, không thấy kẻ si tình tuyển bài “Khi về với Thu Hà”, sáng tác này đã đăng trên tạp chí Văn (trang web vanchuongviet.org có trích đăng lại), tạo nên một ghi nhớ khi nhắc đến thơ Huỳnh Duy Hiếu, không biết là do nhà thơ khi sáng tác phải chủ động bỏ lại những gì đã đi qua trên con đường thơ hay đơn giản là sự quên lãng, quên lãng không phải hình ảnh của hân hoan  Tiếng sáo hân hoan bỗng cất dị thường. Mở những cửa thiên đường đang khép chặt”; tôi không dối lòng mình để xác tín nâng giá trị bài thơ lên cao, nhưng công bình “Khi về với Thu Hà” đúng là một điểm rơi trong đời thơ, một điểm rơi là tất cả, tất cả là một điểm rơi; sự có được này tra vấn giới hạn không gian thơ Huỳnh Duy Hiếu mà sự trả lời đi theo cái nghĩa không vượt qua giới hạn, không vượt qua bản thể, nói cho cùng mọi thứ ở cõi người ta đều là hữu hạn.

 

Vì sao người viết bài này nhắc đến cái tên Thu Hà: Bởi cách đây không lâu tôi nhận tin nhắn nhầm vào điện thoại di động “Thu Hà ơi! Anh nhớ em nhiều lắm”, biết phía bên kia nhầm tôi bấm tin đùa trả lời “Anh hãy quên Thu Hà đi”, cũng vì mẩu nhắn tin này cộng với việc nhà láng giềng có người thường nghêu ngao câu “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi!” của nhà thơ Kiên Giang, hay “Võ Đông Sơ dành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà”; ngoài ra tôi có người bạn tên Ba Phong yêu người và được người yêu cũng tên Thu Hà, nhưng không biết lý gì chàng bị nàng bỏ rơi ra đi tìm người khác ở hải ngoại nên bèn có thơ “ Em đã xa và đã xa thật. Chuyến bay mang vội một lời thề”, lại còn bị bạn bè nhái lời bài hát “Ảo ảnh” của Y Vân châm chọc “ Vắng Thu Hà/(con tàu) Ba Phong/(sân ga) buồn héo hắt”, cộng thêm tên ca sĩ Thu Hà thường hát nhạc Trịnh Công Sơn, cộng thêm diễn viên Thu Hà gây chú ý với Đơn Dương trong phim “Canh Bạc”; tổng cộng quá nhiều tên của phụ nữ này, làm sao trí não tôi không bị ám ảnh Thu Hà; rất tiếc, trong khi đó bạn ta lại để tên một người mình từng quan tâm lui vào quá khứ, dành ưu tư cho một công án khác mà bước qua dấu ấn:

 

“ Mai về sống ý thơ điên

Hết mê gái đẹp lại ghiền nam mô”

 

Sao mà tham thế nhà thơ? Vừa muốn hiện diện bám vào thế gian lại còn mơ với tay tới niết bàn nữa à.

 

Xin được nói thêm, bài viết này không phải là bài bình thơ, chỉ là một tản mạn như cái tựa  đã ghi, nên chữ nghĩa không xoáy vào trung tâm tập thơ mà chỉ mượn những câu thơ cài đặt những suy nghĩ quanh quẩn ở ngoại biên. Mong người xem hiểu cho./.

 

(*) Nhà xuất bản Trẻ ấn hành

- Những chữ in nghiêng là thơ Huỳnh Duy Hiếu

Nhị Ka
Số lần đọc: 2337
Ngày đăng: 10.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phạm Thiên Thư, Người đi tìm "bụi đỏ" - Trần Hoài Anh
Cuốn sách – đời người - Vũ Ngọc Tiến
Thử “giải mã” một số kết hợp từ lạ trong thơ Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Trương Nam Hương và cuộc “Tìm mình’ - Dương Kiều Minh
Mai Văn Phấn và khúc biến tấu Hôm sau - Đặng Văn Sinh
Đắng & Ngọt – Hương Vị Cuộc Đời. - Trần Hữu Dũng
Xuân Thao, thơ và người - Phạm Ngọc Lư
Sơ lược về tác phẩm Thơ đến từ đâu - Khánh Phương
Nguyễn Tam Phù Sa với tập truyện Nơi chim cu ưa gáy - Huỳnh Minh Tâm
Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ - Đặng Thân