Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.628
 
Kỷ niệm 180 năm ngày sinh Hoàng Diệu (1829-2009) : Thân thế, tiết nghĩa, di biểu
Nguyễn Tam Phù Sa

Lần giở trang sử bi hùng của dân tộc ở nửa sau thế kỷ 19, đã có biết bao danh nhân tiền bối hy sinh vì sự nghiệp giữ nước, trong đó có các bậc tiên liệt đất Quảng Nam: cụ Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Trần Quí Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thành Tài, Ông Ích Khiêm, Thoại Ngọc Hầu, Lê Đình Dương… Tên tuổi của các cụ luôn gắn liền với lịch sử hào hùng thời chống Pháp và đời đời được truyền tụng, mãi mãi là tấm gương yêu nước của thế hệ con cháu.

 

Tôi đến thăm vơ chồng ông Hoàng Hoa- cháu 4 đời trực hệ với cụ Hoàng Diệu ở 66 Bạch Vân, Q.5, TP.HCM để xin ông cho xem vốn nguồn liệu quí, được lưu giữ, ghi chép cẩn trọng suốt quá trình tộc Hoàng (Xuân Đài, Điện Quang, Quảng Nam) đi tìm nguồn gốc tộc họ ở tỉnh Hải Dương, các huyện, tỉnh trước đây cụ Hoàng Diệu trấn nhậm và từ sử-sách-báo ở nhiều thời kỳ.

 

Kỷ niệm 180 năm ngày sinh Hoàng Diệu (1829-2009) và 127 năm ngày Hà thành thất thủ lần 2 (1882-2009) (1), chúng tôi trân trọng giới thiệu ngắn gọn thân thế, tiết nghĩa và trích toàn văn Di biểu (còn gọi Biểu trần tình) (2) của Tổng đốc họ Hoàng gởi triều đình Tự Đức trước khi mượn dải khăn xanh bịt đầu tuẫn tiết ở Võ Miếu.

 

Theo gia phả tộc Hoàng, ông tổ đời thứ nhất gốc làng Huệ Trù (huyện Nam Sách, Hải Dương) di cư vào Quảng Nam. Thời gian đầu ở làng Đông Bàn (Điện Trung, Điện Bàn; cùng quê với cụ Phạm Phú Thứ), sau định cư hẳn ở làng Xuân Đài. Sinh trưởng trong một gia đình sáu anh em trai đều đỗ đạt- một phó bảng, ba cử nhân, hai tú tài. Thuở nhỏ cụ Hoàng Diệu nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm 19 tuổi đỗ cử nhân, 24 tuổi đỗ phó bảng.

 

Từ năm 1854 - 1882, cụ Hoàng Diệu gánh vác nhiều trọng trách (bị giáng, phục chức nhiều lần): Tri huyện Tuy Viễn (Tuy Phước, Bình Định), Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên), Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên), Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang); An sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh; Tham tri Bộ hình rồi Bộ lại, kiêm Quản đô sát viện, Cơ mật đại thần; thăng Thượng thư Bộ binh, Tổng đốc Hà Ninh. Cụ còn được triều đình cử giữ chức Phó sứ hiệp thương với sứ bộ Tây Ban Nha; đặc biệt được vua Tự Đức tin cẩn giao chức Khâm sai đại thần, cầm cờ tiết và có quền “tiện nghi hành sự” trong việc dẹp trộm cướp, phát chẩn đồng bào Quảng Nam bị trận lụt lớn nhất trong lịch sử thiên tai ở QN (năm 1878). Đây là một trường hợp hiếm thấy trong các triều đại phong kiến, vì người làm quan không được giữ một cương vị nào ở nơi mình sinh ra.

 

Ngay khi đến trấn nhậm thành Hà Nội, cụ Hoàng Diệu thấy rõ nguy cơ ngoại xâm bèn cho xây công sự phòng thủ, thao dược quân sĩ, đưa ra kế sách bảo vệ thành Hà Nội, đồng thời xin thêm viện binh nhưng vua Tự Đức làm ngơ còn ra chiếu khiển trách là quá lo chuyện người Pháp tấn công. Về phần Hoàng Diệu, trước sau vẫn giữ lập trường chủ chiến, một mình dám đơn độc đấu tranh với bọn cơ hội, phe cánh cầu hòa. Ngay khi trận chiến nổ ra, Hoàng Diệu đang bệnh cũng gượng tả xung hữu đột trên mặt thành, quyết chiến bảo vệ Hà Nội. Thế nhưng, lực cùng sức tận trước áp đảo của giặc, thành mất chết theo thành (25.4.1882). Mấy tháng sau (24.8.1882) tộc Hoàng đã đưa hài cốt cụ về an nghỉ ở làng Xuân Đài, trở thành di tích lịch sử tỉnh Quảng Nam. Hà Nội thất thủ lần 2, Tổng đốc họ Hoàng tuẫn tiết, vua Tự Đức mất, các vị vua triều Nguyễn kế nghiệp nhu nhược dẫn tới, mở đầu một thời kỳ thuộc địa tối tăm.

 

Một lần nữa, cho phép chúng tôi đưa lại toàn văn Di biểu của cụ để thấy nhân cách, tiết nghĩa của một đại thần trung quân ái quốc đất Quảng Nam.

Tôi, học vấn thô sơ, ủy dụng rất lớn. Được giao giữ một phương đất nước, gặp khi bờ cõi chưa yên. Một kiếp thư sinh, chưa từng quen lo biên sự; mười năm thương ước, thế nào tin được địch tâm.

Tôi từ khi chịu mệnh đến nay, đã được ba năm. Huấn luyện giáp binh, sửa sang thành trại. Ấy chẳng những lo toan củng cố bờ cõi, mà cũng là phòng bị lòng chúng sài lang.

Nào ngờ tổ chim vừa rào, lòng thú gây biến. Tháng hai năm nay, bốn hỏa thuyền Phú (Pháp) về tụ tập, các đồn binh chúng thêm nhiều quân. Quân kia xa lại, lòng dân nôn nao.

Tôi trộm nghĩ rằng, Hà thành là đất cuống họng của Bắc kỳ, lại là khu yếu hại của bản quốc. Nếu một ngày tan tành như đất lở, thì các tỉnh lần lượt mất như ngói bong. Tôi lấy làm lo. Khẩn tư các hạt, tâu lên triều đình. Xin cho thêm binh, may sớm kịp việc.

Thế mà chiếu thư mấy lần ban xuống: Quở tôi việc đem quân dọa dẫm, bắt tôi tội chế ngự thất thời. Kính đọc lời dạy, thấy rất nghiêm khắc. Quan dân thất vọng, tiến thoái lưỡng nan.

Rất hay rằng tự quyết không tài, há giữ nghĩa đại phu ra cõi; đành tự lấy dạy răn làm sợ, từng kính lòng cổ nhân thờ vua. Hằng ngày, với một hai đồng liêu bàn nghị. Kẻ thì bảo nên mở cửa, mặc cho nó ra vào; kẻ thì bàn hãy triệt binh, để nó thôi nghi kỵ. Những việc như thế, thì dẫu phải tan xương nát thịt, tôi không nỡ lòng làm.

Thu xếp chưa quyết, nó đã bội hòa. Ngày mồng bảy tháng này, trước hạ chiến thư, ngày sau đánh gấp. Quân giặc leo như đàn kiến, súng giặc nổ như sấm ran. Ngoài phố cháy lan, trong thành khí mất. Mà tôi, gượng bệnh ra sức đánh, đi đầu trước quân binh, bắn chết hơn trăm, liều giữ nửa buổi.

Nó đủ, ta kiệt; viện tuyệt, thế cùng. Vũ biền thì sợ giặc mà chạy hằng đàn, văn thần thì ngóng chừng mà tan cả lũ.

Lòng tôi như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống là vô ích; thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Đem thân định quyên sinh, không thể học Tào Mạt hay dọa địch; treo cổ đền trách nhiệm, chỉ mong theo Trương Tuần chết giữ thành.

Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thế bắt buộc. Đất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng nhân sĩ Bắc hà, lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất.

Mấy hàng huyết lệ, muôn dặm quân môn. Nguyện ánh sáng nhật nguyệt soi tỏ tấm lòng son của tôi mà thôi.

 

Tư Đức năm thứ 35, ngày mồng tám tháng ba.”.

(Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn).

 

Ngoài Biểu trần tình, cụ Hoàng Diệu còn Bài ký Ngũ Hành Sơn, Lệnh cấm trừ tệ và một bài thơ thất ngôn bát cú Quá giang tức cảnh. Cho đến nay, toàn bộ tác phẩm văn thơ của cụ bị chiến tranh thiêu rụi, hoặc còn xiêu lạc đâu đó chưa thu thập được. Thật đáng tiếc!

Cảm phục, thương tiếc cái chết bất tử của cụ Hoàng Diệu, sĩ phu, nhân dân Hà Nội đã viết nhiều điếu văn, câu đối và nhiều sáng tác thơ mang tên chung Hà Thành thất thủ ca, Hà thành chính khí ca bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát và thất ngôn bát cú, bày tỏ tấm lòng của nhân dân Hà Nội với cụ Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương- hai Tổng đốc Hà thành đã tuẫn tiết vì đại cuộc.

Hoàng Diệu là tấm gương yêu nước đầu tiên của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, là người con ưu tú của Quảng Nam, và trên tất cả là lòng thương mến, kính trọng của nhân dân Hà Nội, Quảng Nam nói riêng và của cả dân tộc nói chung.

 

 

(1)                 Hà thành thất thủ lần thư nhất năm 1873, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương, nhịn ăn mà chết.

(2)                 Có nhiều bản dịch từ bản chữ Nôm của nhiều tác giả: Hoàng Xuân Hãn, Thái Can, Hoàng Tạo…

 

Nguồn truy cập.

 - Gia phả Tộc Hoàng Xuân Đài do ông Hoàng Hoa cung cấp.

- Việt Nam lược sử (Trần Trọng Kim, 1999)

- Danh nhân đất Quảng (Lâm Quang Thự, Huỳnh Lý, Trần Viết Ngạc, Chương   Thâu, NXB Đà Nẵng, 1987)

- Các văn cổ về Hà thành thất thủ (Hoànng Xuân Hãn, NXB Sông Nhị, Hà Nội, 1950.)

 

 

Nguyễn Tam Phù Sa
Số lần đọc: 3052
Ngày đăng: 12.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Cao Vân : Suốt một đời gian nan vì vận nước - Lê Ngọc Trác
Ngũ Hà Miên , Nhân chứng một thời - Lê Ngọc Trác
Truyền thông và vai trò cảnh báo thiên tai, bảo vệ môi trường - từ góc nhìn lỊch sử - Nguyễn Thị Hậu
Nhân cách Trương Đăng Quế - Trương Quang Cảm
Từ “bãi cát vàng” cho đến “”hoàng sa-trường sa” không phải là “bãi hoang chim ỉa” - Đinh Kim Phúc
Sự Hoang Tưởng về Chủ Quyền Lãnh Thổ của Một Số Phần Tử Dân Tộc Cực Đoan ở Campuchia hiện nay - Đinh Kim Phúc
Đổi tên gọi Biển đông – Cần thiết hay không? - Đinh Kim Phúc
Tăng Bạt Hổ- Tấm Gương Kiên Trung của Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX - Trần Minh Đức
Trạng chết thì chúa cũng băng hà - Đinh Kim Phúc
Đất nước sẽ … - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Ước (thơ)
4 truyện ngăn ngắn (truyện ngắn)
4 truyện cực ngắn (truyện ngắn)