Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.039
 
Trở mình ngoạn mục
Nguyễn Văn Ninh

(Tập truyện ngắn K6.com, NXB Hội Nhà văn- Công ty Truyền thông Hà Thế)

 

25 tác giả, 25 truyện ngắn trong tập truyện K6.com là sáng tác mới của các cựu sinh viên khóa 6. Sau 6 năm ra trường, đây là tập sách kỷ niệm khóa học cuối cùng mang tên trường Viết văn Nguyễn Du.

 

30 học viên Viết văn Nguyễn Du (khóa 6, 1999-2003), có 10 người làm thơ, 20 người viết văn xuôi. Sau thời gian ra trường có nhiều người viết văn cũng làm thơ in trên các báo, vài người đã ra tập riêng. 10 người trong tổ thơ ngày ấy, 8 người chuyển sang viết văn xuôi. Chuyện những người làm thơ chuyển sang viết văn xuôi không phải sau ngày ra trường mà ngay khi đang theo học, họ đã có những bước “trở mình” đầy ngoạn mục. Phạm Kim Anh là như vậy, với truyện ngắn Bong bóng bay đã nhận giải thưởng Hồ Xuân Hương (báo Tài Hoa trẻ). Lê Thu Hiền năm đó mới bước sang tuổi 19 đã viết truyện ngắn Lời cuối (báo Người Hà Nội) đã khiến nhiều độc giả nam xót thương một cô gái vừa ra chốn đô thành đã vấp váp tình yêu ngang trái. Nàng không yêu một sinh viên nà đó, một bạn trai nào đó còn tân xuân mà đem lòng yêu một anh đã có vợ. Cuộc tình không đến mức trái ngang nếu nàng không phát hiện ra anh, nàng vừa hạnh phúc chen lẫn khổ đau và trong đêm thâu, trong ngày mới lúc nào nàng cũng chỉ muốn nói một lời rất cũ: Lời cuối!

 

Trong tập truyện ngắn K6.com này sẽ gặp lại Phạm Kim Anh với truyện ngắn Chuyện của P., và Lê Thu Hiền với Man dại vẫn là tình yêu nhưng đã có những trải nghiệm và viết khác xưa đó là hãy chấp nhận nó như nó vốn có trong cuộc đời này, mọi cái có mở đầu hân hoan thì ắt sẽ có những đổ vỡ đớn đau nhưng hãy đón nhận nó mà đừng trách vì đó là tình yêu.

 

Đi tiếp mạch đập núi rừng, Dương Quốc Hải đã từng thành công với truyện ngắn Con thú (giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ trẻ- 1997), là chuyện tình tay ba đặt trong bối cảnh hoang dã. Truyện ngắn Tiếng rừng in trong tập này, Dương Quốc Hải đã lách vào góc khuất tâm hồn người ít đón nhận ánh sáng văn minh và từ đó hóa giải nỗi đau vật vã. Tiếng rừng đặt trong bối cảnh xã hội hôm nay chúng ta cũng nhận thấy Tiếng rừng không phải câu chuyện vùng rừng núi mà ngay trong thành phố hiện tại vẫn có tiêng gọi thất thanh.

 

Đặt trong cả tập truyện ngắn, chưa tính đến nội dung mà tên truyện như sự đối xứng hay cách nhìn nhiều chiều về một sự việc đó là tình yêu. Sau những truyện ngắn Tiếng rừng (Dương Quốc Hải), Tình yêu cổ phần (Vinh Huỳnh), Cuộc tình (Ngô Hồng Nga), Bến bờ monh manh (Minh Ngọc)… tên truyện ngắn Và tình yêu hát (Đinh Thu Hương), ngoạn mục thanh thoát. Tình yêu đang bay lên, đang hát mặc dù tiếng hát đó chất chứa, trĩu nặng yêu và được yêu. Hình bóng Giao và tiếng cười vẫn lẩn khuất đâu đây trong tâm trí anh… Hiện tại  của anh là Lam. Anh cần có Lam như cây kia cần có nắng”.

 

Thông qua câu chuyện để gửi gắm một ý tưởng, một thông điệp gì đó cho độc giả là một khát vọng của người viết. Vinh Huỳnh luôn luôn có ý nghĩ như vậy, truyện Tình yêu cổ phần ngay từ cái tít đã hài hước đến nội dung câu chuyện cũng được viết bằng giọng giễu nhại, giả trang, mặc dù vậy đọc xong vẫn thấy có cái gì cay cay. Vinh Huỳnh là học trò của cố Nhà văn Vũ Bão bất cứ chuyện gì cũng biến thành chuyện cười, khai thác tối đa. Đọc xong truyện của anh người ta vui, người ta mang những câu văn trong ra ngoài đời để nói nhưng không hề là câu chuyện bông phèng. Tính phiếm chỉ trong nội dung, lối ngắt câu đầy ngẫu hứng, hiệu ứng kể chuyện khiến người đọc nhảy nhót tâm hồn.

 

Người đan bà tuổi ngoài bốn mươi vẫn yêu và vẫn rơi rơi trong tình yêu: “Biển xanh, trời xanh và đáy mắt người con trai ấy cũng trong xanh”, truyện ngắn Huyền thoại Cồn Mang của Quỳnh Vân, như nhớ về tình yêu một thuở không gọi thành tên và lấp lánh. Vân mài mòn trái tim mình cho tình yêu và viết. Và viết về tình yêu, Cuộc tình của Ngô Hồng Nga trong trẻo, đôi chút xót xa cho thân phận của người thứ ba.

 

Bỏ mặc nhân gian (Đào Bá Đoàn), là một câu chuyện buồn về làng quê. Một người hấp hối được chở lòng vòng trong đêm đen kịt, mịt mùng. Không ai nhận trách nhiệm. Phạm Thị Duyên với truyện Ngồi trên bậc cửa thấy ao chuôm, đất nâu, lúa vàng hòa quyện, mộc mạc, ấm áp. Và bức tranh quê đẹp đang bị xáo trộn bởi đô thị hóa. Chỉ có người yêu quê hương lắm mới đủ cảm xúc để viết nên những dòng này. Tác giả  Vũ Thảo Ngọc đã có 10 tập sách in riêng. Ngay từ cái tựa Gã thầu khoán nghiệp dư, giọng văn lộ thái độ châm chích của người viết. “Nhìn đôi mắt gã tha thiết, cái miệng gã như muốn trút bầu tâm sự- tôi không nỡ… cười nhạo! Nhưng nhìn bộ ria con kiến của gã tôi đâm ra nể gã”. Xóm nhỏ, Vũ Kim Chi viết dung dị, đằm thắm, thương yêu. Những mảnh ghép cuộc sống đời thường được tác giả sắp đặt hợp lý, không khiên cưỡng.

 

Sáng tạo văn chương là khát vọng, với một người bình thường viết văn đã nhọc nhằn, nhưng với Trần Thị Ngọc Lan đã tròm trèm trên 10 tập sách in riêng, là thành quả lao động đáng khâm phục. Vũ điệu mười ba, Lan rất khéo đặt tựa truyện. Ngay đầu tiên, người đọc sẽ dừng lại băn khoăn tự hỏi, vũ điệu cho ai, người hay ngày mười ba?. Câu chuyện đọng lại ký ức tuổi thơ trong trẻo, vui, buồn, dữ dội, đau đớn, tiếc nuối, lắng chìm kỷ niệm không bao giờ mờ phai. “Vũ điệu  nghẹn ngào ấy là tất cả những gì em muốn nói…”.  Hẹn hò, chống chếnh, tiếc nuối, nhiều lúc không biết hẹn để làm gì, truyện Trưa vắng (Trần Hoàng Thiên Kim), Khúc dời (Nguyễn Lê Chung), Khúc sông (Khiếu Thị Hoài), Gió ngược Đồng Vai (Nguyễn Thị Thu Hiền), Ngày mai, tôi sẽ gọi (Kim Uyên)… cuộc sống vô định, không đích đến. Chuyển vai (Nguyễn Thị Bích Hạnh), Con mọt tủ (Viễn Sơn), Hoa bất tử (Hạ Giang), Gió hoang (Kha Thị Thường), Người khóc mướn (Dương Thị Ngọc Bích), là truyện ngắn mà nhiều trang viết giàu nhạc điệu. Với Oan nghiệt (Phùng Văn Khai), mông lung, tăm tối. Từ bóng tối mới hiểu rõ giá trị ánh sáng cuộc đời.

 

Tuyển tập chưa hẳn là những truyện ngắn mà các tác giả ưng ý, đây cũng là giao điểm giao thời của internet. Nhận diện tập truyện ngắn này, không còn lối viết hay tư duy kinh điển như các khóa trước, cũng không phải là những ném mình trên gấy như các truyện ngắn của thế hệ sau.  Tập hợp 25 truyện ngắn là lát cắt của giai đoạn như vậy, cuộc sống chỉ cách nhau 5 hoặc mười năm cũng là khoảng cách xa trong cách viết.

 

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2083
Ngày đăng: 14.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bùi Công Thuấn đọc lại : LỜI NGUYỀN HAI TRĂM NĂM - Bùi Công Thuấn
Tản mạn với Huỳnh Duy Hiếu quanh “Giấc Mơ Thời Gian” - Nhị Ka
Phạm Thiên Thư, Người đi tìm "bụi đỏ" - Trần Hoài Anh
Cuốn sách – đời người - Vũ Ngọc Tiến
Thử “giải mã” một số kết hợp từ lạ trong thơ Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Trương Nam Hương và cuộc “Tìm mình’ - Dương Kiều Minh
Mai Văn Phấn và khúc biến tấu Hôm sau - Đặng Văn Sinh
Đắng & Ngọt – Hương Vị Cuộc Đời. - Trần Hữu Dũng
Xuân Thao, thơ và người - Phạm Ngọc Lư
Sơ lược về tác phẩm Thơ đến từ đâu - Khánh Phương