Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.210.219
 
Gã Đớp
Minh Diện

Ở làng An Hạ, hễ thấy gì chướng mắt chắn lối đi là người ta bảo: “Chình ình như mả gã Đớp!” Và khi nhìn thấy ai đầu tóc rối bù khó ưa, lại ví “bù xù như cu gã Đớp!”

 

Tôi không thấy cu gã Đớp bù xù thế nào bởi gã chết từ tám hoánh rồi. Nhưng mả gã thì chình ình thật. Bởi nó nằm ngay ngã ba đường, chỗ rẽ vào chợ Rọc. Một tay điêu khắc nửa mùa nào đó đã tạc thân hình gã Đớp bằng đá ong xù xì nham nhở, có cái bụng phình ra, miệng há hốc như đang đòi ăn. Nhìn cái miệng ấy ai cũng ghét. Nhiều người qua lại, vớ cục đất ném một phát, thành thử cái mả cứ đầy tú hụ lên, khiến người ta tưởng mả gã Đớp phát. Có người mang rượu thịt ra cúng cầu may...

 

Nghe kể ngày xưa Đẹp - tên gã Đớp bấy giờ - bảnh trai nhất làng An Hạ. Cao to lực lưỡng, mặt mũi khôi ngô, da trắng như bắp nếp. Dù nhà nghèo rớt mùng tơi, gái vẫn mê đẹp như điếu đổ.

 

Năm Ất Dậu, bố mẹ Đẹp lăn ra chết vì đói, để lại hai anh em Đẹp. Tuy cùng máu mủ, nhưng Đẹp bảnh trai, còn Đẹn là em lại bé loắt choắt, đen như cột nhà cháy, mặt mũi vêu vao. Sau Cách mạng tháng Tám, anh em Đẹp mỗi đứa một ngả: Đẹn vào du kích, Đẹp đi lính cho Tây. Nhờ đẹp trai, Đẹp được làm lính hầu điếu đóm cho tên quan ba bốt Vũ Hạ. Mấy năm nhờ bơ sữa Tây, Đẹp càng bảnh bao hơn.

 

Khi hòa bình lập lại, Đẹp lơ láo về làng. Nhờ thằng em du kích giờ là cán bộ xã, Đẹp không phải cải tạo. Đẹp muốn lấy vợ, nhưng dạm hỏi đám nào cũng bị lắc đầu. Bấy giờ con gái không mê đẹp trai, giàu có. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để các cô chọn là đoàn viên, đảng viên. Bởi thế có  câu: “Em xinh răng trắng má hồng. Chỉ mong lấy được tấm chồng đảng viên!” Đẹp không đảng viên, lại là thằng lính ngụy, ai thèm lấy? Hắn chán đời, che túp lều ra ngã đường.

Làng An Hạ lên hợp tác xã. Đẹn được bầu làm chủ nhiệm. Ông anh Đẹp không được vào hợp tác xã vì là lính ngụy, và không có ruộng góp. Đẹn thương hại vời anh lêu lổng về làm chân “điếu đóm” phục vụ ban quản trị. Cái chân ấy các xã viên khinh, chả ai thèm làm, bởi chẳng khác gì thằng mõ. Đẹp cũng biết vậy, nghĩ thầm: “Sĩ! Để rồi xem... mèo nào cắn mỉu nào?”

 

Đúng là các xã viên có tiếng mà không có miếng. Có ruộng có trâu góp vào hợp tác xã đàng hoàng, mà suốt ngày đầu gio mặt muội mới kiếm được mươi điểm. Trong khi Đẹp chỉ nhởn nhơ pha trà, đổ bã điếu vẫn được công hạng A mười hai điểm. Đã thế gã lại chẳng tốn hạt gạo hạt muối nào. Mà lại ăn sướng như Tây trước kia. Bởi ngày nào ban chủ nhiệm cũng bày vẽ họp hành khách khứa để đánh chén. Rượu thịt mua bằng tiền “rút” của xã viên cứ ê hê chả ai tiếc. Một tay Đẹp sắp mâm đĩa tú hụ. Mấy tay cán bộ đảng viên ăn có lúc còn phập phồng lo lắng bởi sợ tai tiếng, còn Đẹp đớp thẳng  rốn, chả lo sợ đếch gì. Bụng cứ phưỡn ra như bụng ông Di Lặc. Gã ưỡn cái bụng ấy ra trước mặt mấy ông xã viên gầy trơ xương mà trêu ngươi: “Các ông chê các nghề nữa đi!”

 

Một lần, lãnh đạo tỉnh chỉ thị cho làng An Hạ tổ chức đón Đoàn nhà báo Liên Xô về thăm. Ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin được cử về trực tiếp lãnh đạo. Ông này vừa háo danh vừa mê hình thức, bắt phải tổ chức thật linh đình. Ông ta nói: “Làng An Hạ thay mặt tỉnh đón nhà báo quốc tế. Bộ mặt của làng An Hạ là bộ mặt của cả tỉnh nhà. Phải nhớ câu tục ngữ “Tốt khoe ra xấu xa đậy đệm!”

 

Người thay mặt hợp tác xã đón tiếp nhà báo nhẽ ra là chủ nhiệm Đẹn. Nhưng ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin liếc qua thân hình bé loắt choắt, đen đúa như cột nhà cháy của Đẹn mà lắc đầu nguầy nguậy: “Chết! Đưa ảnh ông này lên báo, thế giới họ tưởng thằng Mỹ nó đã đưa Việt Nam quay lại thời kỳ đồ đá!”

Chủ nhiệm Đẹn xấu hổ cúi gằm mặt. Ông Trưởng ty chu miệng lại, nói một câu tiếng Nga ra vẻ ta đây: “Giờ-đờ-rát-stơ-vui-tre!” Chủ nhiệm Đẹn trố mắt, dỏng tai, há hốc miệng! Đẹn ngu ngơ hỏi: “Tre hở? Làng em nhiều tre lắm!” Ông trưởng ty văn hóa phì cười: “Con khỉ!”

Đẹp đang pha trà, thấy ông cán bộ tỉnh khinh người gọi em mình là con khỉ, gã ta tức khí sổ một tràng tiếng Pháp bồi: “Chrymoier!” (đồ con nhặng). Ông trưởng ty giật mình ngoái đầu lại, ngắm nghía nhìn thân hình phương phi bóng bẩy của Đẹp, chớp chớp mắt hỏi: “Đồng chí biết tiếng Anh à?” Đẹp ta khinh khỉnh: “Đủ dùng!” - “Đồng chí tên gì?” - “Đớp-sờ-lờ.” Ông trưởng ty không hiểu “Đớp-sờ-lờ” là gì cũng làm bộ gật đầu, trông ngây ngô chả kém gì chủ nhiệm Đẹn vừa rồi.

 

Một cuộc họp khẩn cấp cán bộ thôn xã do ông trưởng ty chủ trì. Sau khi phân tích tầm quan trọng của cuộc đón  tiếp nhà báo Liên Xô, ông ta nói: “Vì bộ mặt của tỉnh nhà, tôi quyết định để đồng chí Đớp-sờ-lờ thay đồng chí Đẹn tiếp đón nhà báo Liên Xô!”  Ông chủ tịch xã tưởng cấp trên nhầm, giãy nảy lên: “Ấy chết! Nó là thằng Đẹp điếu đóm. Không phải cán bộ...”

 

Ông Trưởng ty tỉnh bơ: “Thế à? Không sao. Nó thay mình điếu đó chẳng hơn à? Cho nó đóng vai chủ nhiệm một buổi thôi. Mình chỉ mượn cái mặt nó, hiểu chửa?” - “Nhưng...” - “Thôi. Không bàn cãi nữa. Các đồng chí nên nhớ đây là bộ mặt quốc gia.”

 

Ông thường vụ tỉnh ủy đã quyết thì cán bộ thôn xã có cho kẹo cũng không dám cãi. Hơn nữa, chính họ cũng muốn “đẹp mặt” nên để gã Đớp đóng giả chủ nhiệm hợp tác xã đón nhà báo thay Đẹn. Thế là anh em Đẹp được đi giầy, mặc com-lê (do trưởng ty mượn ở tỉnh về). Nhìn gã bảnh chọe như Tây. Ông trưởng ty mớm cho Đẹp bản thành tích để ăn nói với nhà báo quốc tế.

 

Làng An Hạ sôi sục đón nhà báo Liên Xô. Những đứa bé suy dinh dưỡng phải đưa ra khỏi nhà trẻ, giấu biệt. Những người hay bép xép... bị công an “mời” lên huyện quản lý. Trại chăn nuôi dột nát, trống huyếch trống hoác lập tức được che chắn lại, sơn phết sặc sỡ. Ban chủ nhiệm Hợp tác xã sang tận làng Giành, làng Sổ mượn trâu, bò, lợn, gà về nhốt đầy các chuồng. Ông trưởng ty Văn hóa Thông tin còn điều hàng chục cô văn công xinh đẹp trên tỉnh về, bắt họ tập cấy, tập bắn súng để làm “gái ba đảm đang” của làng An Hạ, thay cho những chị em chân quê đen đủi xấu xí...

 

Khi đoàn nhà báo về, cả làng đón rước linh đình. Mấy ông nhà báo Liên Xô đi từ nhà trẻ đến trại chăn nuôi, rồi ra cánh đồng, nhìn chỗ nào cũng thấy tốt, thấy đẹp, lại thấy ông chủ nhiệm bảnh bao, ăn nói lưu loát nên rất thích, rất nể. Nhất là thỉnh thoảng Đớp lại sổ một tràng tiếng Tây. Mấy nhà báo cứ chìa ngón tay cái ra: “Ô-chin-khra-xô!”

 

Cuộc đón tiếp ấy, Trưởng ty văn hóa thông tin báo cáo kết quả thành công mỹ mãn với lãnh đạo tỉnh. Hình ảnh đưa về sáng rỡ, lộng kính treo cao. Mấy ông nhà báo Liên Xô viết bài đăng ảnh khen ngợi ông chủ nhiệm hợp tác xã Đớp-sờ-lờ... Bí thư tỉnh ủy gửi điện về làng An Hạ khen nức nở rồi ký thư mời “đồng chí chủ nhiệm” lên dự liên hoan tiễn đoàn nhà báo Liên Xô về nước.

Lỡ rồi! Ông trưởng ty vội về làng An Hạ sắm sửa cho Đớp.

Lên tỉnh Đớp được ngồi ăn với bí thư, chủ nhiệm tỉnh.

Ở tỉnh về, mặt Đẹp cứ vênh lên. Gã treo tấm ảnh chụp chung với Bí thư Chủ tịch tỉnh phóng to như cái mo lên tường. Gặp ai lão cũng nói: “Nhờ tao cái làng này mới mở mày mở mặt!” Cán bộ xã tức ứa máu. Ông chủ tịch xã họp nội bộ chỉ thị: “Đuổi cổ thằng điếu đóm ấy ra ngã ba đường cho tôi!”

 

Chuyện đến tai Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh. Ông này hộc tốc phóng về, chỉ tay vào mặt bí thư, chủ tịch xã: “Tôi với các ông đã nhất trí cho nó đóng vai chủ nhiệm. Bây giờ làm thế lộ ra thì chết cả nút?” - “Nhưng thằng Đớp láo quá! Để lâu không ổn!” - “Bình tĩnh nào! Lâu cứt trâu sẽ hóa bùn! Để tôi bảo nó khâu miệng lại!”

Ông Trưởng ty tìm gặp Đẹp, nói ngọt: “Cậu chỉ đóng giả cán bộ, đừng nói năng bậy bạ nữa nhé?” Đẹp xỏ ngay: “Thế chỉ cán bộ thật như ông mới được bậy bạ à?” - “Cậu tên Đẹp mà ăn nói lấc cấc! - Ông trưởng ty trách”. Đẹp nhổ nước bọt đánh phẹt: “Tôi tên Đớp-sờ-lờ.”

 

Chiến tranh kéo dài, làng An Hạ cạn kiệt đàn ông bởi họ cứ nối nhau ra mặt trận, đằng đẵng không về. Trong khi con gái lỡ thì và phụ nữ góa chồng mỗi ngày một nhiều. Ngày xưa không ai thèm lấy gã Đẹp. Bây giờ gã lên nước chẳng thèm lấy ai, cứ đi hủ hóa khắp làng. Sự thiệt thòi của bao người gã chả cần quan tâm, cứ dửng dưng hưởng lợi. Trước nỗi đau của hàng xóm gã lại hả hê. Với sức vóc như con trâu mộng vì được ăn ngon ngủ kỹ, gã tung hoành giữa một thế giới thiếu đàn ông. Gã chẳng dài dòng văn tự, chỉ buông vài lời chớt nhả, rồi sấn sổ nhào tới. Bờ ruộng, góc kho, chân đống rơm đống rạ... chỗ nào gã cũng giở trò ấy được...

Nhiều người tố cáo lão Đớp làm mất phẩm chất chị em phụ nữ làng An Hạ, làm ảnh hưởng chính sách hậu phương quân đội. Bà chủ tịch Hội phụ nữ xã gọi Đớp lên, hỏi: “Anh đã hủ hóa bao nhiêu người rồi?” Gã nhăn nhở: “Không nhớ!...” - “Hủ hóa thế nào?”

Đớp nhìn bộ ngực nẩy nẩy, cặp mắt lúng liếng và hai má hây hây như trái hồng chín của bà chủ tịch Hội phụ nữ... Gã lạ gì bà này. Chồng đi B mười năm không tin tức. Những bữa ăn liên hoan bà phải ngốn rau răm như rau diếp mà hai má vẫn hâng hấng. Giờ cũng vậy. Đôi mắt, gò má kia... Gã liền đặt bàn tay lên đùi non bà chủ tịch. Bàn tay gã như có nam châm hút vào làn da nóng ran phập phòng dưới quần nhíp mỏng. Gã phán đoán không nhầm: Bà chủ tịch phụ nữ nhũn người ra!...

Bà chủ tịch dính với Đớp không dứt ra được. Bà có chửa, bị Đảng ủy kiểm điểm, bắt khai kẻ nào là bố đứa bé trong bụng?

Nhận ngủ với Đớp thì bẽ mặt quá. Đường đường một đảng ủy viên, chủ tịch Hội phụ nữ xã, mà có chửa với thằng điếu đóm? Nhưng các vị đảng ủy cứ kiên trì truy bức, hết ngày đến đêm. Mấy ông già chuyền nhau chiếc điếu cày, vừa hút thuốc lào sòng sọc, vừa căn vặn bà chủ tịch. Thấy người bị kiểm điểm cứ ì ra, ông bí thư đập đập cái điếu, gắt: “Ngủ với ai, đồng chí phải nói ra? Sao câm như hến mãi thế?” Bà chủ tịch Hội phụ nữ đâm cuống, nói bừa: “Cái ... của tôi...  như ống điếu kia, mỗi người hút một chút, một chút, biết khai cho ai?” - “Láo! Láo quá!... Đồng chí dám ví cái...  ấy với cái điếu của tôi à? Láo quá!”

Như bị điện giật, ông bí thư hét toáng lên. Ông hất vội cái điếu ra, lấy mu bàn tay quệt miệng. Làm như “cái ấy” dính vào mép mình. Các đảng ủy viên khác cũng tự nhiên đưa tay chùi miệng. Ông chủ tịch cáu tiết chỉ tay vào mặt bà chủ tịch Hội phụ nữ nói: “Tôi biết tỏng cô ngủ với thằng Đớp. Đứa con trong bụng cô ta là con thằng Đớp. Cái thằng chó dái ấy chạy rông gieo họa khắp làng ta rồi!”

 

Đúng là gã Đớp đã gieo họa. Hàng chục đứa trẻ ra đời không có cha lóc nhóc khắp làng An Hạ. Nhìn có đứa giống Đốp như tạc! Hàng chục phụ nữ trước kia ngẩng cao đầu, giờ mỗi khi ra đường cứ trùm kín khăn mỏ quạ tận cằm che mặt như phụ nữ Hồi giáo. Nhiều ông già, bà già khóc cạn nước mắt vì nàng dâu trót dại, không giữ được chung thủy với chồng ngoài mặt trận. Từ khi ông chủ tịch xã gọi thẳng thừng “Thằng Đớp là con chó dái” thì nỗi đau, nỗi nhục cũng ứa đầy trong lòng những người có con dâu, con gái đẻ hoang. Các cô con dâu, con gái ấy, cũng như bà chủ tịch Hội phụ nữ, không nhận có con với gã Đớp, nhưng mặt mũi những đứa trẻ phơi ra, chối sao được? Rồi miệng lưỡi lắt lẻo xó bếp tuôn ra bờ ao, góc chợ... Hễ nhìn thấy những đứa trẻ ấy nhong nhít ngoài đường là mấy bà “tử tế” mắt tròn mắt dẹt, cứ ngấm nguýt: “Con gã Đớp chứ ai, rồi cũng chó dai như thằng bố nó!”

Gã Đớp không thèm lấy vợ! Gã cũng chẳng quan tâm đến những đứa trẻ kia có thực sự là con gã hay không? Gã chỉ thấy hả hê vì được rửa mối hận ngày trẻ. Ngày ấy gã đẹp trai khỏe mạnh là thế, mà không lấy nổi một con vợ, đánh tiếng hỏi một cô mình lu đít vại xấu như ma mút cũng bị lắc. Trong khi nhiều thằng lưng còng, mắt toét, xấu xí hơn cả thằng Đẹn em gã, vẫn lấy được những cô vợ miệng hoa, da phấn, đẹp như tiên, chỉ nhờ cái mác đảng viên, đoàn viên!...

Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, gã Đớp lại buông một câu chửi thề rất tục, rồi trâng tráo tuyên bố: “Giờ tao làm chồng khắp làng An Hạ đấy!” Nhiều khi hứng chí, Đớp mua bịch kẹo tò vò, rủ bọn trẻ con ra sân kho hợp tác chơi trò rồng rắn. Thèm ăn kẹo, bọn trẻ túm áo nhau chạy vòng vèo khắp sân, hét toáng lên:

Rồng rồng rắn rắn lên mây

Bố Đớp có cả một bầy... con... hoang!

Gã công khai réo nỗi đau nỗi nhục của làng An Hạ lên mà chửi...

 

Một hôm có người đàn ông lầm lủi về làng lúc chạng vạng tối. Bộ quân phục lỏng lẻo trên thân hình cao ngỏng. Cái mũ cối tùm hụp che khuất nửa khuôn mặt lưỡi cày sứt sẹo... Đó là Quýnh - chồng cô Thơm.

Ngày Quýnh đi bộ đội, Thơm mới đẻ đứa con gái đầu lòng. Trong buổi liên hoan tiễn chân hợp tác xã đứng ra tổ chức, Thơm được thay mặt chị em có chồng hay người yêu nhập ngũ, hứa quyết tâm đảm đang việc nước việc nhà, một lòng chung thủy chờ chồng...

Gần mười năm ở mặt trận, hình ảnh tiễn quân huy hoàng ấy lung linh tươi sáng trong mắt Quýnh. Nhưng khi bị thương nặng được đưa ra hậu phượng điều trị, rồi về trại an dưỡng thương binh của tỉnh, Quýnh vô tình nghe tin ở nhà vợ mình đã tòi ra đứa con nữa!?... Vết thương trên da thịt vừa lành thì vết thương lòng toác ra đau đớn hơn, Quýnh xin phép về quê một ngày trong tâm trạng rối bời.

Quýnh dừng chân ở quán nước ngã ba đầu hàng để thăm dò tin thực hư ra sao? Bà bán nước không biết có nhận ra Quýnh hay không cứ vô tình kể: “Gớm! Chị Thơm chồng đi bộ đội mà ở nhà lòi ra thằng cu giống gã Bớp như lột!” Quýnh nén giận, hỏi: “Nó... được mấy tuổi rồi bà? “ - “Năm hay hình như sáu tuổi... Nào tôi có đẻ ra nó đâu mà nhớ!” - “Sao ở làng xã mình, chính quyền lại để cho thằng Đớp hủ hóa lung tung vậy?...” - “Ối dào! Nó là thằng chó dái không đảng không đoàn lấy gì mà kiểm điểm. Mà có bắt được trai trên gái dưới bao giờ đâu?...”

Quýnh nghe mà ngồi thừ ra ở quán từ nhập nhoạng đến lên đèn. Càng lúc ruột gan càng hậm hực cồn cào! Nửa muốn về nhà nửa muốn quay lại trại an dưỡng...

Bà bán nước chợt nghe tiếng trẻ hát “rồng rắn”, bảo Quýnh: “Đêm nay sáng trăng, gã Đớp lại xúi bọn trẻ diễn trò rồng rắn nữa đấy!...” Quýnh nuốt ực nước bọt: “Hừ!...” rồi lầm lủi tìm đến sân kho hợp tác...

Đúng là gã Đớp đang làm trò thật. Lão bảo những đứa trẻ xoắn đuôi áo nhau quây vòng tròn, vừa chạy vừa hát: “Rồng rồng rắn rắn lên mây, bố Đớp đã có một bầy con hoang!” Rồi gã đứng khạng chân cho bọn trẻ chui qua háng mình. Mỗi đứa chui qua lại ngửa miệng lên đớp một cái kẹo mà gã treo lủng lẳng sẵn ở dưới háng. Gã cởi trần, chỉ mặt mỗi cái quần đùi. Cái bụng phưỡn ra chảy xệ như bụng ễnh ương. Cái “vòi” của lão thõng thượt lúc lắc như dái dê...

Máu trong người Quýnh sôi sùng sục: “Hừ! Thằng chó! Chúng tao đi chiến đấu, mày ở nhà đớp cho béo rồi làm nhục vợ con chúng tao!”

Quýnh thét lên một tiếng thật to! Rồi quên cả những vết thương chưa lành hẳn, anh lao ra, xô gã Đớp ngã bổ chửng. Quýnh nghiến răng xé toạc quần đùi gã Đớp, chộp lấy cái “dái chó” của gã mà xoắn. Bàn tay như gọng kìm của Quýnh kẹp chặt, bóp nát và xoắn đứt phăng cái “của quý” của gã Đớp. Gã rú lên như bị chọc tiết, quằn quại giẫy đành đạch giữa sân kho...

... Gã Đớp chết. Không vợ, không con. Chết không có miếng đất chôn. Mả gã vạ vật giữa ngã ba đường...

Ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin lên chức Bí thư tỉnh ủy. Một hôm ông về thăm làng An Hạ, nghe xì xào chuyện gã Đớp, ông mỉm cười, chép miệng: “Cứt trâu để lâu hóa bùn!”./.

Minh Diện
Số lần đọc: 2778
Ngày đăng: 16.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua bờ bắc - Khôi Vũ
Người thứ 79 - Mai Tú Ân
Gã tử tù đáng yêu - Nguyễn Chính
Bến sông xưa - Nguyễn Lập Em
Phố người - Mang Viên Long
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Máu Chó (truyện ngắn)
Đêm lạnh (truyện ngắn)
Kên kên (truyện ngắn)
Vết roi (truyện ngắn)
Quả tim heo (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Chiếc huy hiệu cồ (truyện ngắn)
Gã Đớp (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Máu cô gái điếm (truyện ngắn)
Cô Son (truyện ngắn)
Lão Trạch (truyện ngắn)