Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.210.314
 
Người đọc trong quan niệm của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975
Trần Hoài Anh

Sáng tạo văn học là quá trình nối tiếp giữa nhà văn tác phẩm và người đọc. Song ba yếu tố nầy không phải lúc nào cũng được xem như những giá trị đồng đẳng mà tùy theo từng giai đoạn phát triển của tư duy lý luận văn học, ba yếu tố đó có sự chuyển đổi vị trí trung tâm cho nhau, từ tác giả sang văn bản rồi đến người đọc. Trong quá trình đó, tư duy lý luận văn học đã soi chiếu các yếu tố nhà văn, tác phẩm và người đọc dưới nhiều góc nhìn khác nhau, không ngừng mở rộng, bổ sung cho nhau để ngày càng làm rõ và hoàn thiện hơn tính chất của mối quan hệ mang tính bất biến nầy. Chính vì vậy, việc xem xét mối quan hệ giữa nhà văn, tác phẩm và người đọc là một vấn đề lý thuyết có ý nghĩa cả trên bình diện lý luận và thực tiễn mà mọi hệ thống lý luận văn học dù từ điểm nhìn mỹ học nào cũng quan tâm nghiên cứu. Đây cũng là một trong những vấn đề chủ yếu của lý luận văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 quan tâm lý giải

 

 1. Với lý thuyết tiếp nhận hiện đại, đặc biệt là sự khẳng định vai trò của người đọc như là một đồng sáng tạo với nhà văn trong việc tạo ra giá trị mới cho tác phẩm văn học, tư duy lý luận văn học đã có một sự phát triển. Đó là sự chuyển dịch trung tâm từ tác giả sang văn bản rồi đến người đọc. Với quan niệm này, tác phẩm văn học vừa là sáng tạo của nhà văn, vừa là nơi hoạt động của ngôn ngữ, nhưng đồng thời vừa là nơi tiếp nhận những sáng tạo từ phía người đọc để tạo nên những nét nghĩa mới cho tác phẩm văn học như là hình thức đọc đặc trưng mà lý luận từ phía sáng tác không giải thích được. Và như vậy, xét từ cách tiếp cận này, việc nghiên cứu bản chất của tác phẩm văn học cũng chính là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn bản và người đọc. Do đó, hoạt động tiếp nhận văn học, là một hoạt động mang tính sáng tạo. Đặng Tiến đã nói điều ấy bằng một hình ảnh rất ấn tượng khi cho rằng: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật, giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm” [1]

 

Thật vậy, là sản phẩm mang tính quan hệ, ngay khi xuất hiện, văn bản văn học là đối tượng nghệ thuật đưa ra để được người đọc tiếp nhận. Nó là một hệ thống kí hiệu mang tính “hàm hồ”, là cấu trúc mở hướng đến người đọc. Nói cách khác văn bản văn học không phải là vật thể tồn tại một cách ổn định, bất biến, mà đã chứa đựng trong đó tiềm năng đa nghĩa, một tính chất bất ổn. Đây là tính chất mở của văn bản, là tiền đề để văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học. Vì thế, hoạt động tiếp nhận văn học là quá trình biến đổi theo những biến động xã hội và tầm đón đợi của người đọc. Nói như Đặng Tiến: "Một người không thể đọc được một tác phẩm hai lần cũng như không thể tắm hai lần ở một dòng nước như là một triết nhân Hy Lạp. Vì ở cuối dự định trở về một tác phẩm, người đọc sẽ bắt gặp một tác phẩm khác. Tác phẩm tự nó đã thay đổi ý nghĩa với thời đại và người đọc tự họ cũng thay đổi nhãn quan với thời gian. Niềm vui phóng khoáng mỗi lần khám phá như thế chính là yếu tính của nghệ thuật trong tác phẩm và khả năng lĩnh hội nghệ thuật trong độc giả".[2] Bởi lẽ, tác phẩm văn học không bao giờ là một công trình hoàn tất. Nó "là một sáng tạo không ngừng vì luôn luôn nó có thể mặc những ý nghĩa mới mà người đọc gán cho.”(Nguyễn Văn Trung) [3]

 

Với những cơ sở lý luận nêu trên, rõ ràng trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, hoạt động tiếp nhận của người đọc là một khâu trong quá trình sáng tạo tác phẩm văn học. Hay nói cách khác “Tác phẩm văn học như là quá trình”(Trương Đăng Dung) mà hành trình của nó đi từ hoạt động viết của nhà văn để tạo nên văn bản văn học và khi được người đọc tiếp nhận, mới trở thành tác phẩm văn học. Nói như Nguyễn Văn Trung: "Một tác phẩm văn chương nếu không có người cầm lấy đọc, nó chỉ là trang giấy trắng có những dòng chữ đen vô hồn, trống rỗng vô nghĩa. Tác giả, tác phẩm, độc giả là một hay nói cách khác là những yếu tố cấu tạo vũ trụ văn chương. Nếu không có độc giả, không thể có tác giả, vì tác giả lúc đó là tác giả của ai, đối với ai; ai công nhận và gọi người viết là tác giả? Tác giả chỉ là tác giả vì có độc giả và cho độc giả. Do đó độc giả là một yếu tố cấu tạo của tác phẩm. Gọi là yếu tố cấu tạo vì nếu không có độc giả, thì không thể có tác phẩm được". [4] Hay nói giản đơn như Nhật Tiến:“Một tác phẩm in rồi không đến tay người đọc, khác nào một công trình xây dựng đang bị bỏ hoang phế rồi tàn lụi dần trong sự quên lãng của mọi người” [5]

Như vậy, xét một cách toàn diện, người đọc không chỉ có quan hệ với tác phẩm văn học mà còn có quan hệ đối với nhà văn. Và đây cũng là điều mà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam quan tâm lý giải.

 

2. Khi trả lời câu hỏi, tại sao viết văn, Dương Nghiễm Mậu khẳng định: “Tôi viết văn vì muốn ghi lại những điều tôi nghĩ, tôi thấy... tôi muốn tâm sự với người khác, nói với người khác những điều tôi nghĩ, tôi thấy, tôi ước mơ...” [6]. Còn Vũ Hạnh một cây bút già dặn trong văn học đô thị miền Nam không chỉ ở sáng tác mà còn ở lĩnh vực lý luận phê bình cũng tâm sự: “Tôi viết cho thiên hạ và cả cho tôi nữa đó” [7]. Và Nguyễn Hiến Lê một nhà văn có uy tín đối với đời sống văn học miền Nam khi bàn về "nghề văn" cũng khẳng định: “Nhà văn có thể không cần tiền, cũng không cần vàng, nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu không thì viết làm gì?” [8]. Và theo Huỳnh Phan Anh “trong một ý nghĩa nào đó nhà văn là kẻ qua nhịp cầu của tác phẩm mình, tìm đến người đọc.” [9].

          

Với những ý kiến trên, ta thấy trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, người đọc đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo của nhà văn, là động lực sáng tạo của nhà văn. Vì thế, nhà văn sáng tác là hướng tới người đọc, là tìm về với người đọc, là đối thoại với người đọc như người bạn tri âm tiềm ẩn. Điều này cần nhưng chưa đủ. Bởi người đọc không chỉ là một đối tượng thụ động để nhà văn hướng tới mà còn là người đồng sáng tạo với nhà văn. Theo Huỳnh Phan Anh “Có lẽ không ai phủ nhận rằng, người ta viết để được đọc. Một tác phẩm dường như lúc nào cũng chờ được đọc tới. Nó là lời kêu gọi gởi gắm đến mọi người, như một nỗi dở dang đang chờ được hoàn thành, như một lỗ hổng cần được lấp đầy.” [10]. Có thể nói, người đọc là người sáng tạo nên những ý nghĩa mới cho tác phẩm mà nhiều khi nhà văn, người sáng tạo ra cũng không bao giờ nghĩ đến. Như thế, theo Nguyễn Văn Trung “có thể gọi độc giả cũng là một tác giả. Độc giả không phải là người biết chấp nhận một cách thụ động, nô lệ, nhưng tự do theo tác giả và sự ưng thuận đó là cần thiết để cho tác giả có thể xây dựng tác phẩm. Vì thế tác phẩm là một công trình xây dựng chung” [11].

         

Từ góc nhìn của lý thuyết tiếp nhận, trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, quan hệ giữa tác giả và độc giả là mối quan hệ tương tác có tính chất đối thoại, mang tính bình đẳng, không phải là một quan hệ phụ thuộc, áp đặt quyền uy lên nhau. Đây cũng là một quá trình chuyển hóa nội tại, là sự thẩm thấu vào nhau giữa thế giới của người đọc và thế giới của văn bản được tác giả tạo nên. Vì theo Huỳnh Phan Anh “Người đọc cũng là một kẻ tình nguyện với những đam mê ước muốn, tình yêu thao thức đó, một kẻ tình nguyện như chính người viết, đọc cũng viết, một cách nào đó phải không? ” [12]. Và theo Tô Thùy Yên “Người đọc đúng đắn có bổn phận góp phần sáng tạo với tác giả, một tác phẩm hoàn thành bao giờ cũng chỉ mới xong một nửa, còn một nửa để dành cho người đọc” [13]. Sự hiện hữu của tác phẩm văn học sẽ trở thành hư vô, nếu không có sự tham dự của người đọc. Bởi lẽ, vai trò của người đọc không chỉ được xác lập khi văn bản ra đời, thoát ly khỏi nhà văn để bước vào hành trình của hoạt động tiếp nhận, mà sự tham dự của người đọc đã có ngay từ khi bắt đầu hành trình sáng tạo của nhà văn.

 

3. Nhà văn, tác phẩm, người đọc là một vấn đề lý thuyết mà mọi nền lý luận phê bình văn học đều quan tâm. Mối quan hệ giữa nhà văn, tác phẩm, người đọc là mối quan hệ biện chứng của quá trình sáng tạo văn học. Tuy nhiên, nhận thức về mối quan hệ này luôn biến đổi theo sự vận động và phát triển của tư duy lý luận văn học từ truyền thống đến hiện đại. Nếu lý luận văn học tiền hiện đại đề cao vai trò của nhà văn xem sáng tạo văn học là độc quyền của nhà văn, và khi nhà văn viết xong coi như đã hoàn thành quá trình sáng tạo nên không quan tâm đến sự tiếp nhận của người đọc thì tư duy lý lụân văn học hiện đại và hậu hiện đại rất coi trọng vai trò người đọc xem người đọc là đồng sáng tạo với nhà văn. Chính nhờ sự tiếp nhận của người đọc, văn bản văn học mới trở thành tác phẩm. Không có sự tiếp nhận của người đọc, những gì nhà văn viết ra cũng chỉ là những con chữ vô hồn chết cứng trong im lặng trên những trang giấy lạnh lùng vô cảm.

 

Do chịu ảnh hưởng mỹ học tiếp nhận, lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam  rất đề cao vai trò của người đọc. Đây là một điều khả thủ đáng được ghi nhận. Bởi lẽ cũng trong thời gian này, ở miền Bắc, vấn đề tiếp nhận của người đọc từ điểm nhìn của mỹ học tiếp nhận chưa thấy được nói đến. Trong việc tiếp cận bản chất của tác phẩm văn học vẫn theo quan niệm của tư duy lý luận truyền thống, nghĩa là nhìn tác phẩm văn học trong quan hệ với hiện thực, với tác giả, theo khuynh hướng xã hội học, chưa thấy được vai trò của người đọc trong tiếp nhận tác phẩm văn học. Vì vậy, đã có một thời, chúng ta hiểu tác phẩm theo kiểu áp đặt của lối phê bình quyền uy, dẫn đến tình trạng đơn giản hóa ý nghĩa tác phẩm vốn là một cấu trúc mở mang tính đa nghĩa. Vấn đề này đã được cải thiện khá nhiều từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Cũng từ đây nhiều trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây bước đầu được giới thiệu vào nước ta trong đó có mỹ học tiếp nhận mà một số công trình bàn về lý thuyết tiếp nhận hiện nay là những đóng góp đáng kể trong việc góp phần thức nhận công cuộc đổi mới tư duy lý luận văn học của chúng ta, ngõ hầu đưa nền lý luận phê bình văn học dân tộc ngày càng tiệm cận với tư duy lý luận văn học hiện đại của thế giới trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

 

Chú thích:

(1), (2) Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb Giao Điểm, Sài Gòn, 1972, tr.9, 10.

(3) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn, người là ai? Với ai?, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1965, tr.44.

(4), (11) Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học tập 1, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1963, tr. 227, 229

(5) Nhật Tiến, Câu chuyện văn chương, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr. 110

(6) Dương Nghiễm Mậu, "Trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực văn chương", Tin sách số 47/1966, tr.34.

(7) Vũ Hạnh, "Trả lời cuộc phỏng vấn về quan niệm sáng tác", Bách khoa số 113/1961, tr.106.

(8) Nguyễn Hiến Lê, Nghề viết văn, Nxb Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn, 1969, tr. 206.

(9), (10), (12) Huỳnh Phan Anh, Đi tìm tác phẩm văn chương, Nxb Đồng Tháp, Sài Gòn, 1972, tr. 12, 11, 45-46.

(13)Tô Thùy Yên, "Đi tìm Nguyễn Du", Văn nghệ số 17/1962, tr.1

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 16020
Ngày đăng: 19.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ một câu Ca Dao hiểu câu thơ Hàn Mặc Tử - Trương Quang Cảm
Thơ xứ Huế 2009 - một năm nhìn lại - Lê Huỳnh Lâm
Thơ Inrasara, cách tân theo tinh thần hậu hiện đại - Lê Thị Việt Hà
Lê Đạt với những đối thoại về thơ - Trần Hoài Anh
Inrasara trong Hành Trình Cách Tân Thơ Việt - Lê Thị Việt Hà
Mảnh hồn làng trong thơ Tế Hanh - Trần Hoài Anh
Hành trình khám phá mékong : Mô hình du lỊch cho Đồng bằng sông cửu long - Đinh Văn Hạnh
Charter for Compassion: Hiến chương Nhân ái - Nhiều Tác Giả
Quá trình tiếp nhận EDGAR ALLAN POE - Nhìn từ bức tranh dịch thuật - Hoàng Kim Oanh
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải -Phần 7. - Sam Harris
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)