Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.163
123.203.382
 
Làng gốm Hiển Lễ
Trần Anh Dũng

Nguồn gốc của làng gốm Hiển Lễ

 

Muốn ăn cơm trắng cá trôi

Thì về Hiển Lễ chuốt nồi với anh.

 

Làng Hiển Lễ nay thuộc xã Cao Minh, huyện Mê Linh. Hiển Lễ còn có tên Nôm là Kẻ Dẫy. Làng nằm trên khu đất cao, các mặt phía Đông, Tây, Nam là các dải đồng chiêm trũng và nhánh sông Cà Lồ chảy qua với các bến đò khá nổi tiếng như bến Vam, bến Nam Viêm mà sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi chép. Làng gốm nằm trong trục giao thông thuỷ rất thuận tiện, có thể xuôi về Hà Nội, ngược lên Việt Trì, Yên Bái, Tuyên Quang. Chính vì cận kề với các ngã ba sông nên trong lịch sử, gốm của làng Hiển Lễ đã đến được nhiều vùng , miền trong cả nước. Khu vực này cũng là nơi có các mỏ sét có chất lượng cao để làm gốm.Theo cuốn ngọc phả Hùng Duệ Vương triều, nhất vị đại vương ngọc phả viết về vị thành hoàng của làng là Vũ Trường Sinh- Con trai của ông tổ nghề gốm Vũ Lục và cuốn Bản nghệ thánh tổ ngọc phả viết về vợ chồng Vũ Lục do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (Năm 1572) thì làng gốm này có từ thời Hùng Vương. Những phát hiện về khảo cổ học cũng đã ủng hộ cho bản ngọc phả này. Cách Hiển Lễ chỉ vài trăm mét đã phát hiện được các di vật đồng, dọi xe chỉ Đông Sơn ở đầu Công nguyên và một số đồ gốm thời Hán, mộ gạch thời Đường. Hiển Lễ xưa còn gọi là Bạch Dương xã. Tấm bia dựng năm 1542 mà chúng tôi đã nói đến ở phần trên đã xác nhận rằng, từ thời Trần đã có xã Bạch Dương.

 

Theo các tài liệu kể trên, làng gốm Hiển Lễ có gốc từ làng gốm Sáo Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Chúng tôi cũng đã có dịp vào Thanh Hoá để tìm hiểu thì trong huyện Thạch thành ngày nay không có làng gốm nào mang tên Sáo Sơn mà chỉ có một làng làm gốm là làng Duy Linh, xã Thành Đồng. Làng này còn có tên là Làng Sành.

 

Làng Hiển Lễ cổ xưa không nằm ở vị trí như hiện nay mà ở khu gò cao ngoài đồng, cách làng mới khoảng 400- 500m về phía Đông, nay thuộc thôn Yên Mĩ, phía Bắc Nam là nhánh sông cổ đã cạn dòng, đầu phía Nam nối với ngã ba sông Nam Viêm đã chép trong sách Đại Nam nhất thống chí , đầu Bắc nối nhánh sông đổ về vùng Phù Lỗ. Đầu năm 2003, chúng tôi đã đến đây điều tra và phát hiện ở trên mặt ruộng có khá nhiều đồ gốm hoa lam chân cao lòng viết chữ chính thế kỉ 16- 17, gốm in hoa cúc, gốm men trắng nhờ, cốt đàn, gốm hai mầu men thế kỉ 18, lon sành hình ống thế kỉ 16- Dấu vết của sự cư trú, và đặc biệt là rất nhiều mảnh gốm sành mỏng kĩ thuật rất tinh xảo. Nhưng tiếc là địa điểm này cũng chưa được khai quật để có thể phát hiện ra lớp văn hoá sớm ở đây.

 

Sản phẩm

 

Sản phẩm của làng gốm Hiển Lễ trước đây khá đa dạng, chủ yếu là đồ đun nấu bằng đất nung như : nồi, ấm, chõ, các lọai đồ sành gia dụng như : vại, bình vôi, bát sành, bình, lọ, lọ hoa, ấm tích, ấm chuyên, chén hạt mít, cối giã cua, bát điếu hũ, bình ngưng ( Bình dùng nấu rượu, chum, chĩnh...Riêng nồi đã có rất nhiều loại : nồi rang, nồi đình dùng gánh nước, om cám lợn, nồi bòn dùng nấu cơm canh. Vại và chum chĩnh là các sản phẩm tiếp thu được từ làng gốm Hương Canh vào các năm từ 1960- 1990. Vào đầu những năm 80, có 2 hộ trong làng đã thuê thợ gốm Hương Canh về sản xuất vại, cang , chĩnh theo kiểu của Hương Canh (Vào thời điểm này giờ người ta chuyển sang nung gốm bằng củi và than nên phải thuê thợ Hương Canh ), nhưng do làm ăn thua lỗ nên phải bỏ và quay lại nung theo cách dùng nhiên liệu cổ truyền.

 

Vài chục năm gần đây, các lò gốm Hiển Lễ còn sản xuất thêm ngói, gạch chỉ, gạch lát nền gần giống với loại gạch bát của làng gốm Bát Tràng. Loại gạch này được đóng khuôn và nung theo phương pháp thủ công nên gạch chắc, đanh, già và khá tốt, rất được thị trường ưa chuộng. Sành cổ của làng Hiển Lễ tìm được trong khu vực làng cũ là loại sành mỏng, mịn, màu xám đen hoặc xám xanh, hoặc nâu xẫm, chất lượng rất cao. Khỏang đầu thế kỉ 20 trở đi xu hướng sản xuất chuyên đồ gốm có độ nung thấp. Trong những năm thành lập hợp tác xã lại trở về làm sành, nhất là mặt hàng chum vại, chĩnh.

 

Kĩ thuật sản xuất gốm Hiển Lễ

 

Dụng cụ sản xuất đều mang tính cổ truyền, chúng hết sức đơn giản, bao gồm :

- Bàn xoay:  Là một mâm tròn, được làm bằng gỗ, đường kính 58- 60 cm, được đặt chìm hoặc nổi trên mặt đất.Trước đây người ta dùng bộ trục bàn xoay bằng sứ, nhưng ngày nay đã được thay bằng trục sắt và vòng bi sắt. Trong khi chuốt gốm, bàn xoay được xoay bằng ngón chân cái, hoặc bằng cả bàn chân.

- Giẻ: Một vài tấm vải cũ dùng làm giẻ nhúng nước cho khỏi dính trong lúc chuốt tạo dáng đồ gốm.

- Cái Quẹt: Là dụng cụ làm bằng gỗ, hình dáng gần giống với cái mai, dùng để quẹt đất thừa trong và ngoài đồ gốm khi còn ướt. Nó chỉ được dùng khi tạo các đồ gốm lớn như chum, vại.

- Vòng chuốt: Dụng cụ này được làm bằng tre, giống như hình cái cung. Phần giây cung là tay cầm, còn thân cung là cật tre sắc dùng để cạo và sửa đồ gốm sau khi đã tạo dáng và được phơi se lại.

- Cái cạo: Hình phễu, có tra cán. Lưỡi cạo được làm từ một miếng sắt mỏng , cán làm bằng gỗ hoặc tre. Dụng cụ này dùng cạo sửa những đồ gốm có kích thước lớn.

- Cái bập vân (Dụng cụ tạo hoa văn ): là một nửa của ống tre hoặc nứa bổ dọc, chừa lại một khe hở hẹp. Kĩ thuật tạo hoa văn bằng dụng cụ bập vân  được người Hương Canh truyền lại, ngày nay dụng cụ này cũng có khi được thay bằng một ống sắt ngắn hình lõm lòng máng. Khi tạo hoa văn, ngừơì ta để đồ gốm lên bàn xoay cho quay chậm rồi dùng hai cạnh sắc của dụng cụ này bập đều lên thân đồ gốm thành các đường kẻ dọc hoặc kẻ chéo. Những đồ gốm thời Lí – Trần trở đi đều dùng theo phương pháp này và thường là, những đường kẻ đó lại làm nền cho những hoa văn sóng nước được dùng bằng phương pháp khắc vạch tạo ra. Loại hoa văn được tạo bằng cách bập vân xuất phát từ yếu tố kĩ thuật. Đối với các đồ gốm lớn, thường là thân dày, việc bập các vân đều ở thân tạo cho đồ gốm nhẹ hơn, dễ bay hơi nước hơn, dễ nung chín từ trong ra ngoài hơn và khi bưng bê tránh bị trơn tuột tay.

- Cái văng: Là một thanh tre nhỏ dùng để cắt phôi gốm ra khỏi bàn xoay sau khi đã tạo dáng xong. Đầu thanh tre dùng cắt phôi gốm thì đựơc lột bỏ phần ruột, chỉ để lại phần cật để tạo độ sắc khi cắt phôi gốm. Phần cầm tay thì vót sơ sài để khỏi đứt tay. Khi cắt xong đồ gốm ra khỏi bàn xoay, một tay người thợ bê gốm , một tay ép sát cái văng vào đồ gốm rồi mới nhấc phôi gốm ra khỏi bàn xoay.

 

Chất liệu của đồ gốm

 

Một trong những tiêu chuẩn của đồ gốm sành là khi gõ vào, tiếng kêu phải gần với tiếng kêu của kim loại, đó là thứ sành đã được nung già, chắc, mịn và được làm từ loại chất liệu tốt. Đất làm gốm của Hiển Lễ cũng giống như Hương Canh, được lấy từ  các đầm chiêm trũng như : đầm Bờ Đô, Bờ Dõng, Hợp Nghi, đầm Sen...dưới chân các gò, đồi. Đây là loại đất sét pha cát được tạo bởi trầm tích của các quá trình phong hoá bào mòn của các lớp đất đồi núi phía Bắc của làng gốm này. Lớp đất này có màu giống như màu gan trâu, gan gà, thường ở độ sâu 30- 35 cm, có khi sâu tới 50 cm, hàng năm được bồi liên tục. Người Hiển Lễ gọi đây là lại đất non. Bởi là đất bồi tụ, lắng đọng nên rất dẻo và mịn.Trong trường hợp tỉ lệ cát trong đất quá ít, người ta phải pha thêm cả thổ hoàng hoặc chút ít cát phù sa. Muốn làm được đồ gốm phải, nhất là đối với các mặt hàng chum, vại thì phải có pha thêm loại sét già nữa, đó là đất sét xanh.Loại đất này là dạng đát trầm tích lâu năm, ngày nay thường nằm ở độ sâu tới 4- 5 mét. Nhiều khi khu vực lấy đất nguyên liệu bị úng ngập Chất liệu sét xanh của Hiển Lễ  hơi khác với sét xanh của Hương Canh. Sét xanhcủa Hiển Lễ có màu xanh tím. Tác dụng của nó cũng là tăng độ dẻo, dai và chịu nhiệt của đồ gốm. Đối với một làng gốm có bề dày lịch sử lâu đời như làng Hiển Lễ thì rất nhiều kinh nghiệm và kĩ thuật cổ được tích luỹ. Ví dụ, thời xưa, khi làm đất, người ta đã cho thêm muối vào đất, hoặc khi chuẩn bị lấp cửa lò, người ta cho muối vào cửa lò ( Chỗ đun gốm ) để vừa tăng thêm nhiệt độ, vừa lợi dụng khói muối làm hiện vật trong lò ánh lên màu bóng.

 

Luyện đất

 

Thường thì nguời ta tranh thủ mang đất về để thành đống cho ngấu, nhưng cũng khá nhiều trường hợp mang đất về là làm ngay. Trong trường hợp sau, người ta dùng kéo thái nhỏ đất, đắp thành quả rồi lại tiếp tục thái nhỏ, làm như vậy khỏang 3- 4 lần, sau đó cho vào đạp. Đất chưa làm đến thì cho vào ngâm để lọc tạp chất.

 

Hiện nay đồ gốm đã trở thành đồ vật thứ yêú, còn có khá nhiều chất liệu khác đang thay thế vào vị trí của đồ gốm, nên người ta cũng không còn luyện đất một cách cẩn thận như xưa nữa.

 

Chuốt gốm

 

Chuốt gốm là công đoạn tạo dáng. Chuốt gốm đều dùng phương pháp dải cuộn trên bàn xoay. Trước hết, người thợ rắc lên mâm bàn xoay một ít tro bếp để chống dính, sau đó lấy một thỏi đất nhỏ dùng cườm tay dàn mỏng để tạo đáy đồ gốm trước, sau đó lấy thỏi đất khác dài khoảng 50- 60 cm ( gọi là khoong be xung quanh tạo thành cho đồ gốm tạo thành cái dáng hình trụ. Khi đã tạo đủ độ cao cần thiết,  người thợ dùng giẻ ướt vuốt nhẵn đáy, thành trong ngoài của đồ gốm và tạo vành miệng sau đó dùng vòng chuốt cạo xoá bỏ các vết lồi lõm do đường dải cuộn tạo ra. Khi công việc đã hoàn chỉnh, người thợ dùng cái văng cắt đáy đồ gốm, tách nó ra khỏi bàn xoay và mang đi phơi. Đó là cách tạo dáng cổ truyền của làng Hiển Lễ mà cách đây hơn 10 năm trước người ta còn dùng. Hiện nay người ta đã dùng thơi ( là miếng gỗ tròn đường kính nhỏ hơn đường kính bàn xoay đặt lên bàn xoay và đồ gốm được tạo dáng trên cái thơi này, khi công việc đã xong, khong cần dùng văng cắt đáy đồ gốm nữa mà đem cả thơi trên đó có phôi gốm mang đi phơi.

 

Sau khi phơi gốm trong bóng dâm, hoặc để trong nhà, nơi thoáng đãng cho gốm se lại và khô từ từ, người thợ lại dùng vòng chuốt cạo sửa gốm một lần nữa, tạo độ tròn của đáy gốm, độ sắc cạnh của vành miệng.

 

Lò nung gốm

 

Lò nung gốm ở Hiển Lễ gọi là lồ. Đất làm nền lò lấy ở ngoaì đồng. Đó là loại đất màu xám nhạt có pha cát nhiều. Đất, trộn lẫn với bột và mảnh vụn của lò nung cũ, mảnh gốm vỡ nát để vừa tạo cho nền lò êm, cứng, được đầm, nện chặt bằng vồ, đầm. Khi làm vòm lò ( Gọi là xưởng ), người ta cũng dùng loại đất này,  đồng thời trộn thêm mảnh gốm vỡ, gạch non đập chặt ( Gọi là thét ). Mảnh gốm vỡ trong trường hợp này còn có tác dụng làm cho mưa gió vòm lò không bị rã ra, khi nung nhiều lần, mảnh gốm tự chảy ra tạo độ liên kết chắc hơn. Đất làm vòm được vảy nước tạo độ ẩm rồi mới đập bằng vồ và gậy tre, gỗ để tạo sự liên kết chặt chẽ. Bên trong vòm lò cũng dùng cốt tre chống đỡ. Lò nung gốm ở Hiển Lễ có 2 loại : Lò bầu và lò cóc.

Lò bầu

 

Loại lò tương đối cổ, vốn là loại lò truyền thống của làng gốm Hiển Lễ. Lò cổ được làm dốc nghiêng từ 30- 35 0, độ dài ngắn khác nhau tuỳ theo khả năng của chủ lò, độ dài thường là 5mét, hoặc 7-8 mét. Trong cuộc điều tra của chúng tôi vào năm 1985, một chiếc lò bầu của hợp tác xã gốm Hiển Lễ dài 8,9 mét, bên trên có làm nhà lợp mái che mưa nắng. Các lò cổ đều đắp bằng đất, gần đây người ta đã xây bằng gạch. Ơ làng gốm Phù Lãng, người ta gọi loại lò này là lò ống, tuy nhiên cấu trúc lò cũng có những điểm khác chút ít so với lò bầu của làng gốm Hiển Lễ. Lò bầu có cấu trúc gồm 2 phần : Bầu đốt,  thân lò và các lỗ thoát khói.

 

Bầu đốt: mặt bằng gần với hình thang cân, là nơi cho nhiên liệu vào nung gốm, gồm có các bộ phận: Cửa lò và mắt lò. Cửa lò cổ không gác ghi, nhưng hiện nay cửa lò mới đã có những ghi sắt được gác lên, giống như kiểu ở Hương Canh. Mắt lò nằm bên trên cửa lò. Đó là một lỗ tròn để quan sát vào bên trong lò khi nung gốm. Cửa của lò cổ hình vòm cuốn, thường làm cao 30- 37 cm, rộng nhất là 25cm. Phía trước cửa lò có một hố đào hình chữ nhật sâu 40- 50 cm để ngồi đun gốm.

 

Thân lò ( ở Hiển Lễ gọi là đậu ), hình lòng thuyền, là nơi cho phôi gốm vào nung. Giữa bầu đốt và thân lò tạo thành bậc cao chênh lệch nhau từ 20-30cm. Thân lò cổ không có cửa ra vào lò.

Các lỗ thoát khói  đặt ở cuối lò. Đây là loại ống khói ngang, nằm sát với chân tường sau của lò. Khi vào cho phôi gốm vào lò để nung, người ta vào ta vào từ  cả hai phía đầu lò và đuôi lò. Gốm xếp từ giữa lò giật lùi ra đầu và đuôi lò. Sau khi đã xếp phôi gốm xong thì mới đắp cửa lò, tạo mắt lò và bịt  đuôi lò lại, khi đó mới tạo các lỗ thoát khói. Sau khi nung xong, muốn dỡ gốm ra thì phải phá cửa lò và tường sau của lò cùng các lỗ thoát khói. Chiếc lò của hợp tác xã gốm Hiển Lễ mà chúng tôi đã khảo sát có tới 4 lỗ thoát khói hình chữ nhật, rộng 15- 20cm, cao25- 35 cm. Các cửa thoát khói được xây bằng gạch. Tường hậu của lò thường được dùng các loại gạch hoặc nồi  gốm vỡ để xây bịt lại. Loại lò này lửa đi theo hình cầu vồng và chín từ trên xuống, do đó những đồ gốm ở các hàng sát nền lò thì  độ nung kém hơn. Lò bầu ở Hiển Lễ thường có các cột nống ở cuối lò để đỡ cho vòm lò.

 

Lò cóc

 

Lò cóc ở Hiển Lễ cũng có 2 kiểu giống như ở Hương Canh. Đây là loại lò gần giống với lò Hương Canh : Lò cóc mà thân lò chia làm 2 ngăn và lò cóc có 1 ngăn ở phần thân lò. Lò cóc có 2 ngăn còn đựơc gọi là lò cải tiến và được mang từ Hương Canh về. Ơ kiểu lò cóc cải tiến, người ta đã tạo thêm một số bộ phận khác mà rõ ràng là tiện lợi hơn rất nhiều so với các lò cóc kiểu cổ :

- Một cửa cời than ở sườn bên phải của bầu lò, ở lò cũ cửa cời than cũng chính là cửa đun, khi tro than đầy chiếm mất diện tích của bầu đốt, người ta buộc phải vừa đun vừa cời than.

- Lỗ đính là các lỗ tròn, đường kính khoảng 15- 20 cm đươj bố trí ở hai bên sườn của thân lò. Mỗi bên sườn có 2 lỗ đính. Một lỗ ở sát vòm lò và lỗ còn lại ở gần dáy lò để có thể quan sát được phạm vi rộng hơn trong lò.

- Cửa phụ được mở ra ở ngăn thứ 2, chỗ gần tiếp giáp với ngăn thứ nhất. Với của phụ này, người ta có thể chuyển phôi gốm vào và mang sản phẩm ra dễ dàng hơn. Cửa cao 85 cm, rộng 53 cm. Cửa này cũng còn là nơi cho củi vào rãnh tiếp củi nằm cắt ngang giữa ngăn chính và ngăn phụ. Rãnh này rộng 30 cm.

 

Giữa ngăn thứ nhất (Ngăn chính) và ngăn thứ hai (Ngăn phụ) có một tương ngăn cách. Ơ chân bức tường này, người ta mở 3 cửa thông khói và thông gió cách tương đối đều nhau. Các cửa đều hình vòm cuốn và cao 60cm.

 

Phía sau tường hậu của lò có 3 ống khói cao, hình trụ tròn, cao 1,20 mét, chân ống khói được làm to hơn, nhỏ dần khi lên cao để tạo sự vững chắc, đường kính ống khói ở bên trên là 40 cm.

Với cấu trúc như trên, đường lửa của loại lò gốm này đi theo hình sin, tạo cho thời gian nhiệt, lửa đuợc giữ trong lò lâu hơn , tiết kiệm được nhiên liệu và đồ gốm có độ nung cao hơn.

Xếp phôi gốm vào lò

 

Kĩ thuật chồng lò (Xếp phôi gốm vào lò) ở Hiển Lễ được thực hiện theo nguyên tắc đồ gố to xếp ở dưới, đồ gốm nhỏ xếp bên trên , các đồ gốm đều phải xếp úp miệng. Mỗi một loại hình gốm đều phải được xếp theo hàng dọc tạo thành các cột phôi gốm, không được xếp lẫn các loại hình khác trong cùng một hàng dọc.các cột gốm phải xếp cách nhau, tạo thành khe hở bằng 1/ 2 bàn chân để không khí và gió dễ dàng qua lại trong lò. Đối với loại lò bầu thì phôi gốm được xếp từ từ đầu lò, giật lùi ra cuối lò và kết thúc ở đây. Đối với lò cóc một ngăn có cửa phụ và lò cóc cải tiến thì xếp từ đầu và cuối lò, kết thúc ở chỗ cửa phụ. Khi việc xếp lò hoàn tất thì việc nung gốm mới được bắt đầu.

 

Nung gốm

Công việc nung gốm được giao cho các thợ gốm lành nghề đảm nhận, đó là những đàn ông trong làng. Nung gốm trong lò bầu và lò cóc ở Hiển Lễ  bằng loại nhiên liệu sim mua và cây guột thì phải trải qua 3 giai đoạn sau:

- Giai đoạn thứ nhất được gọi là bỏ lửa. Giai đoạn này kéo dài trong 6 giờ, đun bằng các loại cỏ, rác khô, cành lá nhỏ của các loại cây như guột, sim, mua có rất sẵn ở các đồi thấp trong vùng. Giai đoạn này phải đun nhỏ lửa để làm phôi gốm bay hơi nước từ từ. Kết thúc giai đoạn này, gốm trong lò có mầu xám đen. Người thợ đun ở giai đoạn này phải đun ngồi.

- Giai đoạn thứ hai được gọi là lên ngầu, phải đun đứng và thời gian đun  cũng kéo dài trong 6 giờ , nhưng trong giai đoạn này phải đun to lửa dần lên, tư thế đun đứng,dùng nạng ba chạc đẩy nhiên liệu vào bầu đốt. Kết thúc giai đoạn này đồ gốm lên màu hồng sáng.

- Giai đoạn 3: Gọi là đại hoả, đun lửa thật to bằng loại nhiên liệu có nhiều chất dầu, gần đây người ta sử dụng cành lá thông, cành lá bạch đàn...đun liên tục trong suốt 4 giờ liền người thợ gốm đun đứng. Kết thúc giai đoạn này, gốm trong lò có màu sáng trắng.

 

Kết thúc công việc nung gốm, người thợ lấp bầu lò để om gốm trong lò cho nguội từ từ để tránh nứt nẻ, khoảng hai ngày sau thì dỡ ra.

 

Trao đổi và tiêu thụ sản phẩm

 

Gốm Hiển Lễ xưa thường được các khách buôn đi thuyền đến cập ở các bến dọc sườn phía đông  và nam của làng để cất hàng. Khách buôn của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nam, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nội. ..tới lấy hàng. Các chợ quê trong vùng thuộc tỉnh Phúc Yên cũ đều có mặt gốm Hiển Lễ . Có nhiều phường buôn gốm như phường Thanh Hoá, phường buôn Thạch Đà( Mê Linh, Vĩnh Phúc), phường Đồng Kị( Bắc Ninh), phường Vân Đình(Hà Tây) đi thuyền đến Hiển Lễ mua gốm. Gốm Hiển Lễ chủ yếu là phục vụ tầng lớp bình dân, nhân dân lao động ở vùng quê...Ít nhiều sản phẩm gốm của Hiển Lễ đã từng có thời đóng góp vào sự phát triển của thủ công nghiệp Việt Nam nói chung và sự phát triển nghề gốm dân gian nói riêng. Khoảng cuối thế kỉ 16-18 là giai đoạn phát triển thịnh đạt của làng gốm này. Đình làng cũng được xây dựng vào khoảng thời gian này1.Ngày nay, gốm Hiển Lễ đang bị mai một dần đi, người ta phải nung thêm cả gạch ngói để bán cho các vùng lân  cận.

 

Tổ chức sản xuất

 

Dân số hiện nay của làng Hiển Lễ là 2211 người, chủ yếu là nông nghiệp. Do đất canh tác bạc mầu, điều kiện thuỷ lợi kém, trước cách mạng  tháng Tám, ruộng đất chỉ canh tác được một vụ. Song điều kiện để phát triển  nghề gốm lại khá thuận lợi: gần giao thông thuỷ, giao lưu giữa miền đồng bằng và trung du Bắc Bộ, gần và sẵn có các nguồn nguyên liệu, lại có được nghề gốm cổ truyền từ Thanh Hoá- Một trong những trung tâm của văn minh Đông Sơn, nghề gốm đã từng có lúc khá phát triển, song nhìn toàn bộ tiến trình phát triển của làng gốm Hiển Lễ thì nghề gốm chỉ đóng vai trò là nghề phụ, mang tính chất gia đình. Việc truyền nghề cho các thế hệ cũng diễn ra ở các gia đình.

 

Ở các giai đoạn nghề gốm phát triển, Hiển Lễ cũng đã xuất hiện tổ chức phường lò gồm từ 4-5 gia đình hợp thành. Công việc của phường lò là giúp đỡ nhau xây đắp lò, phân công nhau làm gốm mộc, nung gốm, cho vay sản phẩn mộc, giúp nhau ra lò...Hàng năm đến ngày 26-12 âm lịch thì liên hoan bàn công việc của phường và tiếp các phường buôn ( gọi là ngày chạp ). Đây là tổ chức đơn giản của phường hội cùng giúp đỡ nhau sản xuất và quan hệ giao dịch với các phường buôn.

 

Trong gia đình, vào dịp nông nhàn, đàn ông chịu trách nhiệm khai thác, vận chuyển nguyên, nhiên liệu; Phụ nữ và trẻ em thì chuốt gốm tích dần cho đến khi đủ mẻ nung. Phụ nữ cũng là người chợ búa ngược xuôi các chợ làng để bán và trao đổi sản phẩm.

 

Lệ tục liên quan đến nghề gốm

 

Giấu nghề

Một trong những lệ tục của làng nghề là phải giấu nghề. Lệ làng qui định các thành viên trong làng không được truyền nghề cho dân ngụ cư. Nếu ai truyền nghề cho người ngoài làng sẽ bị cắt ngôi trừ ngoại, nghiã là sẽ không có ngôi thứ  trong làng, dòng họ bị phạt vạ, dân làng xa lánh, khinh rẻ, bị cô lập, cả làng không ai giúp đỡ và tiếp xúc.

 

Các tục lệ khác

Trong nghề gốm, khâu đắp lò và nung gốm là quan trọng nhất. Người ta không tiết lộ bí mật về kĩ thuật xâyđắp lò, kĩ thuật nung gốm. Hai khâu này dứt khoát không được truyền cho con rể và con gái. Khi ra vào lò thì cấm người lạ vào gần vì sợ bị đánh cắp mất bí mật của nghề nghiệp.

Khi đang nung gốm, cấm dàn bà và con gái đi qua vì sợ làm ô uế lò gốm khiến cho đồ gốm trong lò bị hỏng. Người thợ đun log phải tắm rửa sạch sẽ, cúng lễ cầu xin trời phật và tổ nghề, cấm nói tục.

 

Trong tục lệ ma chay, khi đám rước đi qua đình thờ tổ nghề không được đánh trống, thổi kèn, khóc lóc sợ làm kinh động đến đức tổ nghề. Nếu làm dức thánh tổ nổi giận gốm sẽ bị hư hỏng, khi nung gốm sẽ bị sống.

 

Khi cưới xin, bao giờ nhà trai cũng phỉa dẫn cưới cho nhà gái ba đôi quang mây để gánh nước( bằng nồi đình) và để gánh đất làm gốm. Cô dâu còn phải dùng nồi đình( làm bằng đất) gánh nước từ ao đình( nơi thờ ông tổ nghề gốm) về nhà chồng. Việc gánh đất và nước tượng trưng cho sự hoà quyện của nguyên liệu làm gốm, tượng trưng cho sự bền chặt của tình cảm vợ chồng./.


1 Thần tích của làng Hiển Lễ được Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính khởi soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên ( năm 1572, được Hùng Lĩnh Thiếu Khanh quản giám Nguyễn Hiền soạn lại vào tháng tám niên hiệu Vĩnh Hựu thứ sáu (năm 1740)

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3748
Ngày đăng: 20.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nét độc đáo của tín ngưỡng ông Trần - Long sơn, Vũng tàu. - Phạm Quang Minh
Sự hình thành dân cư đông á - Hà văn Thùy
Những phát hiện làm thay đổi lịch sử - Vũ Khánh Thành
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường 2 - Hà văn Thùy
Người Việt có khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước hay không? - Đỗ Kiên Cường
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường I - Hà văn Thùy
Bước đầu phân biệt truyền thuyết và giai thoại - Võ Phúc Châu
Sự phát triển HỆ THỐNG TÍN NGƯỠNG của NGƯỜI VIỆT trong quá trình di cư về PHƯƠNG NAM nhìn từ tục THỜ CÚNG CÁ ÔNG - Đinh Văn Hạnh
Tìm ẩn số Tiên Rồng ..? Qua ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Trần Hạ Tháp
Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)