Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.331
 
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ
Văn Thành Lê

Tôi có hạnh phúc được thăm đền Thần Nông, nơi diễn ra ngày hội của trẻ em mục đồng. Tôi rất thích hình tượng sừng trâu trên mái đình. Lễ hội Mục đồng rất độc đáo, có thể là duy nhất trên đất nước Việt Nam - GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Phong Lệ có tên gốc là xứ Đà Ly, sau chia làm hai làng là Phong (Lệ) Bắc nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, và Phong (Lệ) Nam thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây có một xóm Hến chuyên nghề xúc hến và một xóm Đồng nổi tiếng về tài xem tướng trâu, chọn trâu: Ai về Phong Lệ thì về/ Phong Lệ có nghề bán hến, chọn trâu. Vào các năm Tý Ngọ Mẹo Dậu, nghĩa là ba năm một lần, dân làng lại tổ chức một lễ trọng: Lễ Rước mục đồng.

Chuyện kể rằng, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm có đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm, nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn lan ra là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là Lễ Rước mục đồng.

Lễ Rước mục đồng có từ bao giờ, chẳng ai biết.

Cụ Ngô Tấn Nhã là người "lão làng" hiện nay của Phong Lệ, tuổi đã trên 90. Ngày trước cụ giữ chức Tư lễ, lo việc tế lễ hội hè trong làng nên người ta còn gọi cụ là Tư Nhã. Theo lời cụ, ngày trước có lệ cứ đến các năm Tý Ngọ Mẹo Dậu, nghĩa là cách 3 năm, làng lại tổ chức Lễ Rước mục đồng một lần. Sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm mới tổ chức lễ một lần. Trong đời mình, cụ Tư Nhã đã tham dự Lễ Rước mục đồng được 4 lần, lần cuối cùng là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Lần đó, xe lửa đi ngang qua làng dừng lại xem lễ rước rất lâu.

Từ hạ tuần tháng ba âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất và hạt lúa no mẩy đã nằm yên trong vựa, là lúc các công việc sắp đặt cho lễ hội được bắt đầu. Các điền chủ từ trung nông trở lên, nghĩa là có vài mẫu ruộng và vài ba con trâu, trực tiếp đứng ra cáng đáng mọi việc. Làng trên xóm dưới rộn ràng chuẩn bị lễ hội. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có cờ lớn của 13 tộc họ trong làng ngày đó. Cờ lớn cán bằng tre dài 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các con giống. Nào là tứ linh (lân, long, qui, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng, dần, nia... Để được chiếm giải trong lễ hội, các tộc họ có điều kiện thường thi nhau rước thợ mộc Kim Bồng về tiện các con giống bằng gỗ rất công phu. Mang trên mình nhiều thứ như vậy nên cờ lớn thường rất nặng, phải chọn các lực điền với đầy đủ nai nịt ngang lưng mới đủ sức cầm cờ.

Chuẩn bị đâu vào đó, chiều 29-3 âm lịch làm lễ dạo đồng. Đây là lúc con cháu sinh sống ở các nơi xa làng kéo về đông đủ. Mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng tỏ ý cầu cho được mùa. Người già cả ốm yếu không ra dự được, hỏi con cháu rằng ruộng nhà mình có mục đồng cầm cờ lội qua không. Nếu không, họ buồn buồn nói: rứa là năm ni ruộng mình thua mùa rồi.

Sáng ngày 30, chính thức diễn ra lễ rước. Trời chưa hửng sáng đã vang lên tiếng trống giục giã dân làng về dự lễ. Tất cả tề tựu trong sân đình Thần, còn được gọi là đình Mục đồng. Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái rồi cung thỉnh bài vị Thần Nông đặt vào kiệu. Kiệu rước được bài trí như kiệu rước Thần, cỡ 80x100 cm, nóc kiệu có 4 mái trang trí 4 giao lá, rèm kiệu được giăng hoa kết đèn rực rỡ, do 4 mục đồng cao như nhau khiêng. Xong đâu đó, đám rước lên đường. Dẫn đầu là đoàn cờ mục đồng rồi đến cờ 13 tộc họ. Dàn cổ nhạc cùng với chiêng trống, kiểng cổ vang động một góc trời. Mỗi nhà có trâu đều sắm sửa lễ phẩm, thường là một mâm xôi với hoa quả, có khi một con gà hay một đầu heo, cho người đội theo đám rước. Dân làng nối đuôi đi sau cùng. Nổi bật hơn hẳn giữa đoàn người rồng rắn là kiệu rước, uy nghi, trang trọng tiến về hướng cồn Thần. Trong âm thanh dậy trời của trống chiêng nhã nhạc, dưới ánh sáng bập bùng của các ngọn đuốc, đám rước tạo nên một bức tranh mộc mạc thanh bình trên đường làng còn mờ trong sương sớm.

Đến cồn, đám rước dừng lại. Kiệu Thần được đặt vào chỗ trân trọng nhất. Trùm Mục thay mặt cho giới mục đồng trong làng đứng ra làm lễ triệu thỉnh Thần. Khấn vái được một lát, Trùm Mục đưa tay ra hiệu. Kiểng cổ nổi lệnh báo tin : Thần đã giáng hạ. Chiêng trống rồi nhã nhạc nối nhau bày tỏ nỗi vui mừng. Khi đám rước im ắng trở lại, Trùm Mục dõng dạc xướng:

-Chúng mục đồng làng Phong Lệ ta!

-Dạ! (Tất cả đáp lại).

-Rước Thần Nông về làng Phong Lệ ta!

-Giá hạ! Giá hạ!

-Mừng cho tốt lúa tốt gieo. Võ thuận phong điều, mừng reo một tiếng!

-A...

Dứt tiếng reo, đoàn mục đồng cầm cờ theo sau Trùm Mục lúp xúp chạy quanh cồn theo những hình lượn tới lui rất đẹp. Lát sau, tất cả lại chỉnh đốn hàng ngũ chuẩn bị rước Thần về đình làng. Lượt về càng nghiêm trang hơn, bởi mọi người tin rằng đã có Thần ngự trên kiệu rước.

Bài vị Thần được đặt lên bàn thờ nơi hậu tẩm chính đình. Lễ phẩm lần lượt được bày khắp ba gian đình. Mục đồng đứng ra trực tiếp làm lễ tế. Các chức sắc trong làng nghiêm trang đứng thành hai hàng chứng minh buổi lễ.

Mặt trời lên khỏi ngọn tre là lễ cũng vừa xong. Mọi người lại quay về với cuộc sống nông gia đời thường, nhưng trong lòng đã dấy lên một niềm tin: năm nay sẽ có một vụ mùa bội thu./.

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2652
Ngày đăng: 20.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu
Chuyện thề nguyền qua câu hò của mẹ - Trần Hạ Tháp
Những khúc ca về tâm lực người nông dân trong giêng hai nghiệt ngã - Nguyễn Hoàn
Nhân lễ giỗ anh hùng Trương Định (20/8/1864 – 20/8/2008) : TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1858 – 1918) - Võ Phúc Châu
Vạn Ninh ,đất và người - Nguyễn Man Nhiên
Xe lôi miền tây –Nét đẹp cần lưu giữ - Lê Xuân
Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA (1) - Nguyễn Man Nhiên
Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA (2) - Nguyễn Man Nhiên