Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.135
123.227.777
 
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ
Trần Minh Thương

1. Khái niệm cười trong văn học

 

Tự điển Tiếng Việt định nghĩa cười (động từ): Nhích môi, hé miệng, nhe răng phát ra tiếng hay không để tỏ sự vui mừng hay một ý tứ gì [246; 2]

Từ điển thuật ngữ văn học đưa ra phạm trù cái hài. Phạm trù mĩ học phản ánh một hiện tượng phổ biến của thực tế đời sống vốn có khả năng tạo ra tiếng cười ở những cung bậc và sắc thái khác nhau.

Cái hài gắn với cái buồn cười, nhưng không phải cái buồn cười nào cũng trở thành cái hài. Cái hài bao hàm ý nghĩa xã hội gắn liền với sự khẳng định lý tưởng thẩm mỹ cao cả. [42; 4]. Ca dao Tây Nam Bộ xuất hiện nhiều tiếng cười độc đáo. Nó chính là cái hài như quan điểm của lý luận văn học.

 

2. Ca dao Tây Nam Bộ với việc miêu tả các tiếng cười

 

Theo Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Quốc Vượng (chủ biên), Nxb Giáo Dục, H. 2006, phần được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 4.000 km2, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số đảo (lớn nhất là đảo Phú Quốc) cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang.

Cũng như các vùng miền khác, theo bước chân người đi mở cõi thì lời ca, tiếng hát, điệu hò, điệu lý, … tất cả như hơi thở không thể thiếu được trong sinh hoạt của người bình dân. Và lẽ tất nhiên trong đó không thể thiếu tiếng cười

 

Chuồn đậu ngọn cau lơ

Anh cười bả lả, em ngờ duyên anh

 

Hãy khoan bàn đến nội dung và chức năng của tiếng cười, điều này chúng tôi sẽ bàn ở phần sau. Ở đây chúng tôi điểm qua các cách kết hợp của từ cười trong ca dao.

Như đã nói, cười là một động từ:

 

Nực cười con tạo trớ trênh

Chữ duyên chao chát, chữ tình lãng xao

 

Còn đây là sự kết hợp của động từ cười với một tính từ để khu biệt nghĩa:

 

+ Chiều chiều ra đứng vườn cà

Thấy em cười lạt anh biết đà hết duyên

+ Cóc nghiến răng còn động lòng trời

Cũng vì em có điệu cười mỉm chi

 

Cái cười lạt của câu trên đã phần nào giúp cho người trong cuộc và cả người nghe được câu ca ấy hiểu rõ được kết cục của một chuyện tình!

Cô gái có nụ cười mỉm chi ấy như đã tô đẹp vẻ sắc nước hương trời làm rúng động cả thiên nhiên, loài vật!

Cười được đặt sau danh từ:

 

Chẳng tham nhà ngói lung linh

Tham gì một nỗi anh xinh miệng cười

 

Bốn từ cuối là bốn từ loại khác nhau, tác giả dân gian khéo sắp đặt để có kết hợp hài hoà giữa đại từ nhân xưng (anh), tính từ (xinh) danh từ (miệng) và động (cười).

Cười kết hợp với các đại từ phiếm định:

 

Ngửa tay lấy tấm vàng mười

Quần bô áo vải ai cười mặc ai

 

Ai trong trường hợp này đều là những đối tượng không xác định!

Cười cũng có thể kết hợp với các hư từ:

 

Vô duyên chưa nói đã cười

Chưa đi đã chạy là người vô duyên

 

Xét về góc độ từ pháp chúng ta đã phần nào thấy được sự đa dạng của cái “cười”!

 

3. Giọng trào phúng trong ca dao Tây Nam Bộ

3.1 Những giới thuyết

 

Trào phúng là thuật ngữ văn học. Đây là một loại đặc biệt của sáng tác văn học và đồng thời cũng là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật trong đó các yếu tố của tiếng cười mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa trương, hài hước, … được sử dụng để chế nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng … những cái tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, độc ác trong xã hội [363; 4]

 

Từ điển thuật ngữ văn học còn xác định một nét nghĩa nữa trào phúng theo nghĩa từ nguyên là dùng lời lẽ bóng bẩy, kín đáo để cười nhạo, mỉa mai kẻ khác [363; 4]. Theo nghĩa hẹp hơn, chúng tôi nhận thấy trong văn học, đặc biệt là trong thơ ca dân gian cũng xuất hiện giọng điệu trào phúng.

 

Giọng điệu nghệ thuật với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong việc cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học Phương Tây và văn học phương Đông. Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Quốc và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn.

 

Nhắc đến phong cách có nghĩa là chúng ta thừa nhận mỗi nhà văn có một giọng điệu riêng, đồng thời cũng từ đó ta khẳng định một thể loại được nhiều nhà văn chọn thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm thì cũng sẽ có giọng điệu chung - giọng điệu thể loại.

 

Song, vấn đề đặt ra ở đây là thơ ca dân gian nói riêng và văn học dân học dân gian nói chung có giọng điệu không? Theo chúng tôi, ca dao, như mọi thể thơ khác, nó cũng có giọng điệu. Không có giọng điệu thì hoá ra mọi lời lời thơ - lời nói đều như nhau sao? Tất nhiên, người ta có thể hiểu khái niệm giọng điệu theo những nghĩa rộng hẹp khác nhau. Lịch sử thơ ca chứng minh có sự tồn tại nhiều loại hình giọng điệu: giọng điệu thơ dân gian, giọng điệu thơ cổ điển, giọng điệu thơ hiện đại... Như vậy, vấn đề đặt ra không phải là hỏi ca dao có giọng điệu hay không mà hỏi giọng điệu trong ca dao có đặc thù gì?

 

Ít nhất, có thể nghĩ giọng điệu trong ca dao không mang đậm dấu ấn  cá nhân - cá thể. Điều này có thể giải thích được căn cứ vào tính tập thể, tính truyền miệng của ca dao. Giọng điệu ở đây chủ yếu gắn liền với tính loại hình của những nội dung cảm xúc hay sự việc được bày tỏ, miêu tả. Cảm xúc, sự việc khác nhau thì giọng điệu khác nhau. Có lẽ, sự khác biệt của giọng điệu ở từng bài ca dao chỉ dừng ở đó.

Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi khẳng định trong lĩnh vực văn học, trào phúng gắn liền với phạm trù mỹ học và cái hài với các cung bậc hài hước umua, châm biếm [363; 4]. Căn cứ vào nhận định ấy, và qua khảo sát từ thực tế chúng tôi nhận giọng điệu trào phúng của ca dao Tây Nam Bộ trải qua các cung bậc:

 

3.2. Giọng điệu trào phúng qua ca dao Tây Nam Bộ

3.2.1 Giọng bông đùa, hài hước

 

Đây là cung bậc “nhẹ” của tiếng cười. Người bình dân mệt sông nước tự trào, bông đùa, … dù là những sáng tác dân gian, nhưng yếu tố tự tình vẫn “đậm” dấu ấn. Trước hết ta gặp giọng điệu này ở những câu ca dao đùa vui, trào lộng với nội dung diễn tả những sự việc “lạ” trong cuộc sống hay sự “hớ hênh” của con người.

 

Một cô nàng thật thà cả tin đã giật mình “hú vía” vì kịp thời nhận ra “chân tướng” đối tượng:

 

May không chút nữa em lầm

Khoai lang khô xắt lát em tưởng sâm cao ly bên Tàu

 

Đây là hình ảnh của “nạn nhân”:

 

Cô kia cười cợt ghẹo trai

Cái miệng méo xẹo như quai chèo đò

Cười cợt một con người không đứng đắn, “ham vui” bằng một giọng hóm hỉnh:

Giữa trưa đói bụng thèm cơm

Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu, ...

 

 

Nhưng nổi bật hơn hết giọng điệu bông đùa hài hước gặp rất nhiều trong những câu dao với đề tài tình yêu đôi lứa:

 

Từ một sự chọc ghẹo “quá đà”:

Vú em nhu nhú chúm cau

Cho anh bóp cái có đau anh đền

 

Hay

Nước láng linh chảy ra Vàm Cú

Thấy em chèo cặp vú muốn hun

 

Một lời tỏ tình cũng đầy tiếng cười hơn là chủ đích thực của nó:

 

Thương em nên mới đi đêm

Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau

May đất mềm nên mới hổng đau

Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này

 

Đến lúc anh chàng tương tư, giọng điệu cũng bông lơn hết chỗ nói:

 

Vắng cơm ba bữa còn no


Vắng em một bữa giở giò không lên

Khẳng định sự chung thuỷ dù muôn ngàn trở lực:

Dao phay kề cổ, máu đổ không màng

Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông

 

Ngay những mộng mơ tơ tưởng cũng không kém phần hài hước:

 

+ Phòng loan trải chiếu rộng thình


Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình, em ơi!

+ Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa

Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều

 

Họ xa nhau vì bởi ông tơ, bà nguyệt thì những “đối tượng” ấy thành nạn nhân để họ trút giận:

 

Quất ông tơ cái trót

Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần

Biểu ông xe mối chỉ năm bảy lần, ổng không xe

 

Trong khi tan vỡ duyên tình giọng điệu kia cũng đem đến những nét khác biệt:

 

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt

Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây

Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy

Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô

 

Nó không như giọng tâm tình thường thấy ở những câu ca biểu hiện cung bậc này trong tình yêu:

 

Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài

Ai dè nước giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây

Trong cuộc sống vợ chồng, khi có sự bất hoà, giọng điệu hài hước cũng có mặt kịp thời:

Mù u ba lá mù u

Vợ chồng cãi lộn con cu giảng hoà

 

3.2.2. Giọng châm biếm, đả kích

 

Đả kích, châm biếm xét về mặt chức năng của ca dao hài hước nó sẽ ở một “cấp độ” cao hơn, nặng hơn. Nếu như giọng bông đùa, hài hước phần lớn thể hiện chức năng tự trào, để giải trí, thì châm biếm, đả kích hướng tới việc phên phán đối tượng với những thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống.

Cũng là lời tỏ tình, nhưng chúng ta hãy nghe đây lời đối đáp:

+ Anh có thương em thì cho em một đồng,

Để em mua gan công, mật cóc thuốc chồng em theo anh.

+ Nghe hò tao phát nổi xung

Dớt cho một phảng chết chung cho rồi!

 

Một lời tỏ tình với một cô gái đã có chồng đã là trái đạo lý. Song, khi nghe cô gái kia đáp lại chuyện “thuốc chồng”, người ngỏ lời hay đằng sau họ là nhân dân đã không thể dung thứ, đó là lời cảnh báo: bắt cho gian phu dâm phụ “chết chung!” âu cũng là điều tất yếu.

 

Trong tình duyên, tiếng cười “lãnh nhách” làm cho hai kẻ hai đường:

 

Tưởng đâu bến đã gặp thuyền

Nào hay em cười lãng nhách anh liền lui ghe

 

Chàng trai ý thức rằng không phải lúc nào tiếng cười cũng vui cửa vui nhà, có khi đó là điều tai hoạ:

 

Thà rằng chịu cảnh gông xiềng

Còn hơn có vợ cười vô duyên trong nhà

Đối với những con người không đứng đắn:

Con quạ nó núp vườn chồi

Thấy em đứng cười lỏn lẻn với ai

 

Chắc chắn đây là “đối tượng” không thể tin được, bởi sự gian dối, lọc lừa:

 

Quét nhà long mốt long hai

Cha mẹ đi vắng dẫn trai vô nhà

 

Đối với những con người “vượt rào” như vậy, dân gian không tiếc lời:

 

Chuối non vú ép chát ngầm

Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm

Khóc đêm mẹ lại mắng thêm

Vợ đâu tao cưới nửa đêm cho mày?

 

Có khi cả “người lớn” cũng là “nạn nhân” cửa sự châm biếm:

 

Mẹ ơi con muốn lấy chồng

Con ơi mẹ cũng một lòng như con

Họ tự khuyên mình:

Cười người ngó lại sau vai

Xem mình trong sạch hơn ai mà cười

 

Và đây là những chân tướng bị tác giả dân gian lên án, phên phán, đả kích:

Một văn nhân nào đấy tự khoe là học đạo lý thánh hiền, nhưng cũng không thoát được dục vọng thường tình của con người:

 

Văn chương chữ nghĩa bề bề


Thần l.. ám ảnh mà mê mẫn đời

 

Một tay anh hùng làm ra dáng vẻ đạo mạo, trở thành tiếng cười đầy ẩn ý mỉa mai:

 

Dậm chân xuống đất cái đùng


Vỗ l ... cái phạch chào anh hùng đến đây!

Một thầy bói, chuyên sống bằng nghề ăn may nói mò:

Nực cười thầy bói trèo cau

Buồng thì không bẻ bẻ tàu quơ quơ

 

Hãy nghe giọng cười mà tác giả dân gian giễu cợt thầy:

 

Nhà bà có con chó đen

Người lạ nó sủa người quen nó mừng

Nhà bà có cái cối xay

Bốn chân dưới đất, ngõng quay lên trời

 

Và đây là những bài học, những lời cảnh báo ẩn chứa giọng điệu mà chúng tôi đề cập:

 

+ Rung rinh nước chảy qua đèo

Bà già tập tễnh mua heo cưới chồng

+ Mèo hoang thì chó cũng hoang
Một chàng ăn trộm gặp nàng nhổ môn

+ Có chồng thì mặc có chồng


Tôi đi ngủ dạo kiếm ít đồng mua rau!

+ Cầm chài mà vải bụi tre

Con gái mười bảy đi ve ông già!


+ Củ lang nấu lộn củ mì

Cháu lấy chồng dì kêu dượng bằng anh


+ Con gái chơi với con trai

Coi chừng cặp vú như hai sọ dừa

 

4. Cách thức thể hiện của những giọng điệu trào phúng:

 

4.1. Dùng cách nói phóng đại

Phong cách ngôn ngữ học gọi đây là biện pháp tu từ khoa trương, hay thậm xưng, tức là phương thức cường điệu một mức độ, một tính chất, một đặc điểm nào đó của sự vật, sự việc, con người:

 

+ Phải chi cắt ruột đừng đau


Để em cắt ruột em trao anh mang về!

+ Con gái mười bảy mười ba

Đêm nằm với mẹ, khóc la đòi chồng

Mẹ giận mẹ phát ngang hông:

”Đồ con chết chủ đòi chồng thâu đêm”!

 

Chúng ta vốn đã rất quen lối nói này ở ca dao Việt Nam:

 

Lỗ mũi mười tám cánh lông

Chồng thương chồng bảo tơ hồng trời cho

 

4.2. Nghệ thuật chơi chữ.

Hoàng Phê giải thích: “Chơi chữ là lợi dụng hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v.v, … trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước, …) trong lời nói. (Từ điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Giáo Dục. H. 1994).

 

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe”. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. (có thể xem đây là hình thức của nghệ thuật chơi chữ - người viết chú thêm). Các tác giả trong quyển từ điển này cho rằng: nhìn chung các lộng ngữ đều mang tính hài hước, thường được sử dụng trong văn thơ trào phúng (có thể xem đây là tác dụng của nghệ thuật chơi chữ - người viết chú thêm). [183; 4]

Như vậy, giọng điệu bông đùa, trào lộng không thể thiếu được biện pháp nghệ thuật này. Chơi chữ có rất nhiều dạng, ở đây chúng tôi chỉ điểm qua những hình thức cơ bản của chơi chữ mà thôi!

Dùng từ đồng âm:

 

+ Cu tôi vừa mới đâm lông


Cho mượn cái lồng nhốt đỡ vài đêm?


+ Cu tui ăn đậu ăn mè


Ăn chi của chị mà chị đè cu tui

 

Cu vừa chỉ con chim gáy, vừa dùng để ám chịu điều mà nhận vật trữ tình kia muốn nói. Lồng vừa là dụng cụ dùng để nhốt chim và lẽ tất nhiên câu ca nọ không dừng lại ở đó, nghĩa mà nó muốn hướng đến là nghĩa ẩn ở chiều sâu, buộc “đối phương” phải hiểu ...

Dùng từ đa nghĩa:

Cồng cộc bắt cá bầu eo


Chi chê tôi bé, tôi trèo chị coi

 

Cách nói lấp lửng “chê tôi bé” hay “cái gì” của tôi bé! Tác giả câu ca còn bạo dạn “đòi” trèo (gợi hành động ân ái), ... tất cả đã tạo nên sự hài hước mà không kém phần thú vị!

Lối lấp lửng này, ta còn gặp nhiều câu khác:

+ Ví ví von von

 

Anh cho một cái, cỏng con về nhà


+ Cô tú kẽo kẹt cậu cai


Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông

 

Cách chơi chữ ở đây là dùng từ tượng thanh chỉ cả hành động thực lẫn động tác của nam nữ lúc yêu đương!

Lối nói lái:

 

Tặng anh cái áo tôn là

Ban ngày mặc mát tối ra câu đề

Hai chữ cuối của mỗi dòng đều sử dụng cách nói lái.

 

4.3. Dùng yếu tố tục

Chuyện nói tục thiên về cái tục là chuyện của mọi dân tộc, trong đó có người Việt Nam. Nói tục nhằm vào một sự hạ giá. Song không nên quá cực đoan về sự hạ giá này. Nói tục để gây cười nhằm thoả mãn sự nghịch ngợm. Nói lái trong nghệ thuật chơi chữ cũng là một phần của nói tục. Thực tế của việc nói tục là dùng nhiều từ ngữ chỉ hoặc gợi sinh thực khí (của đàn bà nhiều hơn, có lẽ do văn hoá và tính cách đàn ông, nam giới nói tục nhiều hơn chăng?) hay cả hành động ân ái vợ chồng. Tất cả những yếu tố tục ấy tạo giọng điệu bông đùa, gây tiếng cười thoải mái:

+ L... này l... chẳng sợ ai


Sợ thằng say rượu đ... dai đau l...

+ Gió nam non thổi lòn hang chuột


Đ... em rồi, đ... nữa được không em?

+ Cô Ba, cô Bốn lấy chồng


Cô Năm ở lại giật
mồng tăng tăng


+ Xót lòng mẹ góa con côi


Kiếm ăn lần hồi l... lớn bằng mo


+ Dĩa bà
ng thang con tôm càng dựng đứng

Bởi gia cảnh anh nghèo nên c...  nứng nửa con

 

5. Vài kết luận

Cái cười, tiếng cười là một yếu tố, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Ca dao dân ca là tiếng lòng của người lao động, đương nhiên họ đem tiếng cười vào trong lời thơ điệu hò câu lý như một lẽ tất nhiên không phải bàn cãi.

 

Qua cái cười ấy, chúng ta hôm nay thấy được tâm hồn phúng khoáng, bông đùa, hay trào lộng vừa để tạo không khí thoải mái, vui vẻ, nhưng không dừng lại ở đó, nó còn ẩn chứa nhiều bài học răn đời, nhiều đối tượng bị đả kích giễu cợt, ... cốt làm cho cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.

 

Trí tuệ thể hiện những vần ca điệu hát ấy như những hạt ngọc sáng ngời, nó là sản phẩm của những tâm hồn “gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn”. Tìm trong văn học dân gian những kho tàng tri thức quý giá đó là một việc cần thiết cho những yêu và quý cội nguồn văn hoá dân tộc./.

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 9100
Ngày đăng: 21.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu
Chuyện thề nguyền qua câu hò của mẹ - Trần Hạ Tháp
Những khúc ca về tâm lực người nông dân trong giêng hai nghiệt ngã - Nguyễn Hoàn
Nhân lễ giỗ anh hùng Trương Định (20/8/1864 – 20/8/2008) : TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1858 – 1918) - Võ Phúc Châu
Vạn Ninh ,đất và người - Nguyễn Man Nhiên
Xe lôi miền tây –Nét đẹp cần lưu giữ - Lê Xuân
Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA (1) - Nguyễn Man Nhiên
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)