Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.489
 
Vườn chanh miệt biển-2
Kiệt Tấn

Tim tôi chấn động, linh tính lao chao, mắt chóa đom đóm, lòng bỗng hồi hộp dị kỳ. Không biết nói gì, không biết giải thích sao. Tôi thấy điều không ai thấy. Tôi nghe điều không ai nghe. Điều có thiệt mà hoàn toàn hoang tưởng. Tôi điên, tôi nổi điên trở lại ? Tôi nổi điên lần nữa ? Cơn điên đỏ lòm, thường trực, ngất ngất, lóa chóa hình ảnh vụt xẹt trong tâm trí theo tốc độ ánh sáng, không kịp chụp giữ, níu bắt. Tôi luồn các ngón tay lên đầu, cấu lấy tóc níu chặt, ghịt kéo, hai màng tang bừng bừng, muốn bật khóc...em !em !...em đã bớt điên hay có còn sống sót ?...Tôi mấp máy. Có cảm tưởng tim mình ngừng đập, đã chết

Kiệt ! Kiệt ! bạn làm sao vậy ? Bạn... bạn có sao không ?

 

Jacques nắm lấy vai tôi lắc lắc, bạn làm sao vậy? Tôi nhắm mắt hồi lâu, hoa đóm rớt xuống từ từ, đầu óc dần bớt choáng váng,tim rướn lên đập lại, dần dần đều trở lại, dần dần tỉnh giấc, hồi sinh.

 

 

Nước mắt ứa giọt ở khóe (không ai nhìn thấy), lắp bắp không! không sao... tôi không sao... không sao hết... Một con chim én vụt xẹt xuống vườn chanh.

Chiều tàn...

 

« ngày nào một giấc mơ

đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ

khi ánh trăng thành thơ nhẹ gió đưa

theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa... »

 

Vườn nàng năm nay trăng nở rộ hơn năm ngoái. Chanh cũng nở rộ, đong đưa những bóng vàng lườm thắp sáng dưới dòng nguyệt bạch. Tôi đứng dựa lưng vào thân dừa cao vút có tàng lá xòe cánh quạt trong khu vườn nhà nàng, lòng hân hoan hồi hộp như có hẹn với người yêu lần đầu. Cũng như đã nhiều lần tôi tình cờ bắt gặp nàng đang xòe cánh hồng đứng lim dim trong nắng, và lần nào tôi cũng có cảm tưởng như nàng đang đứng đợi tình nhân – nàng ăn mặc đẹp đẽ, tóc gội bồng mỹ miều, nhưng nàng chẳng chờ ai hết, nàng cũng chẳng chờ tôi, nàng cũng chẳng hẹn tôi. Tôi gọi nhỏ « Em điên » và nàng giật mình ngó tôi lúng túng như có điều gì muốn giấu che. Rồi mỉm cười buông rớt một tiếng ngọc vang chạm trên thủy tinh trong leo lẻo.

 

Tôi chờ nàng trở lại khung cửa sổ, tôi biết chắc chắn thế nào nàng cũng sẽ trở lại khung cửa sổ năm ngoái, dù nàng chẳng ước hẹn gì với tôi hết. Nhưng tôi linh tính. Đêm đã khuya muộn. Nhưng chắc chắn nàng sẽ ra đứng bên khung cửa mà vọng nguyệt. Mái lầu từ từ mọc dài ra và chậm rãi uốn lên cong vút. Từ ô vuông tối chợt vẳng ra tiếng hát, mới đầu ngập ngừng nghe không rõ, rồi sau đó rõ dần...

 

... « em mơ tiếng sáo dập dìu bên trăng

đêm đến u tối về đây thắp sao

dư âm tiếng hát vương buồn mắt nhung

em xin gió biếc ca ngợi mà suối tóc... »

 

Tôi nhận ra tiếng nàng. Tôi quên sao được giọng nàng lần cuối, ở nhà thương điên, nàng nói « Anh ! Em không muốn đi » rồi nhìn tôi mà rưng rưng nước mắt. Buổi chiều người ta chở nàng đi mất biệt, đến một nhà thương khác có máy chạy điện dành cho những người điên hơn, tôi ra băng đá ôm đầu ngồi khóc sướt mướt. Kể từ đó không ai đem nàng trả lại cho Thằng Người Gỗ nữa. Và kể từ đó tới nay, tôi cũng không ngớt đi hết nhầm lẫn này tới nhầm lẫn khác – cho đến bao giờ ? Tôi quên sao được cái giọng nói nhu mì đó. Nàng điên điên khùng khùng ăn nói đã vụng về, mà bây giờ nàng lại ca hát, tiếng ca lại vụng về hơn nữa, nhưng giọng nàng rất ngù ngờ ngộ nghĩnh, dễ thương như giọng con nít.

 

Nàng để cho tiếng ca nắm tay nàng dắt ra bên cửa sổ. Em điên xõa tóc bồng ra ngoài vườn chanh bụm vốc suối trăng ngà và mùi chanh chín rộ mà gội rửa  « ...buồn vương man mác theo lời gió theo lời thơ, trầm tư se sắc tơ lòng đắm theo đàn khóc ... ». Tôi bước xuống giường bệnh viện, để chân trần băng qua hành lang bước tới phòng nàng đối diện. Cửa phòng nàng mở hờ. Tôi đẩy cửa bước vào « ...bao nhiêu nước mắt chôn sầu đắng cho lời thơ, giờ nầy em hát câu chiều mơ... ». Tôi gọi nhỏ « Evelyne ! », nàng không nghe, vẫn tiếp tục vốc ánh nguyệt bạch xối lên mái tóc bồng – nỗi ám ảnh đã đánh lạc hướng cơn điên của tôi hồi ở bệnh viện. Tôi lại cất tiếng gọi nhỏ một mình  « Evelyne ! » Nàng chợt ngừng tay, ngửng đầu ngó lên vầng ngọc thỏ « ...đừng quên em nhé môi còn thắm duyên còn xanh, đèn trăng phô sắc như hoàng sáng như màu nắng... » Tôi lại gọi nhỏ. Nàng lại ngừng tay, vươn chiếc cổ dài thanh tú ra ngoài cửa sổ có ý lắng nghe. Tiếng con ve khàn đục trộn lẫn tiếng vạt sành trong sáng như nắng ngọc, bay lên ngọn dừa mất hút.

 

Tôi nín lặng bước đến gần hơn, rón rén. Dưới ánh trăng mờ mờ lọt vào căn phòng, tôi thấy nàng vói tay qua chiếc bàn thấp cạnh bên cầm chiếc gương hình bầu dục nạm vàng có cán và chiếc lược sừng ẩm đục rồi ngó vào gương mà bắt đầu chải gỡ tóc ướt. Bỗng tôi nghe một giọng hát nam giống hệt tiếng tôi, nhưng không biết của ai, vì tôi không mở miệng. “Bao giờ tôi về gần em, cùng đếm này trăng này sao! Chia nhé em! Trăng sao dâng ý thơ, mây bay khắp trời…”. Nàng ngừng lược, có vẻ như chú ý, rồi nghiêng mái tóc bồng qua phía bên kia, nửa gương mặt nàng lồ lộ ửng sáng, sáng hơn cả ánh trăng dịu dàng, và tiếp tục chải gỡ. Giọng nam thiết tha dìu dặt “…Cho anh giọt thắm đem về  nhớ nhung lời thơ, đường đời anh muốn em còn mơ…”

Chợt nàng dừng hẳn lược gỡ, day hết người lại ngó, nhận ra tôi, buông tiếng kêu mừng rỡ “Anh Kiệt!”

 

Tôi chấp chới đến cạnh bên nàng bằng cách nào không rõ. Nàng đặt lược gương xuống trở lại bàn thấp ngó tôi bất động, miệng mỉm cười. Tôi cũng mừng quá đỗi, một chân quỳ bên cạnh ghế nàng ngồi, hai tay áp lên hai bàn tay nàng đặt suôn sẻ trên đùi nắm siết “Evelyne!”, lòng bồi hồi mê mẩn. Sau cơn xúc động bồng bột, tôi lên tiếng hỏi em chờ ai ở đây. Nàng đáp em đâu có chờ ai- y hệt những lần tôi chợt bắt gặp nàng đang xõa tóc điên gọi nắng. Thấy nàng có vẻ tươi tỉnh, tôi hỏi tiếp “Em đã hết điên chưa?”. Nàng chợt tiu nghỉu cúi đầu. Tôi lập lại câu hỏi lần nữa. Và nàng nín thinh đưa tay lên quẹt nước mắt.

 

Tôi hoảng hốt siết hai bàn tay nàng lắc lắc “ Họ đã làm gì em?”. Nàng nín thinh đưa mấy ngón tay muốt dài vén mấy sợi tóc mai ngắn mọc không đều ở hai bên màng tang. Tôi ngửng lên rồi cúi sát vén ngó hai bên: hai dấu nám. Hai dấu cháy nám của hai cực điện  người ta đã kẹp lên màng tang mà phóng điện vào óc nàng. Tôi nghe một tiếng hét thất thanh xé đứt ruột mình! Nước mắt tôi vọt ra, hình ảnh nàng ngồi đó chợt tan loãng nhòe nhoẹt. Nàng vói tay cầm lại chiếc gương bầu dục soi bóng mình vào đó rồi cũng khóc theo. Không biết bao lâu…

 

Khi đã dịu cơn khóc, tôi nắm tay nàng đứng dậy dắt ra bên cửa sổ, nàng đứng sát bên tôi, tóc nàng thoang thoảng mùi chanh hừng chín dịu dàng, hơi thở ấm áp hiền lành rộn rã. Tôi đưa một ngón tay chỉ lên vầng nguyệt bạch lên tiếng hỏi “Em nhìn thấy gì không?”, nàng ngửng lên ngó rồi đáp “Em nhìn thấy ngón tay anh”. Tôi giải thích cho nàng tích Phật dùng ngón tay chỉ trăng mà nói em hãy nhìn trăng chớ đừng nhìn ngón tay anh. Tôi lại chỉ vầng nguyệt bạch và hỏi lại lần nữa “Em nhìn thấy gì?”. Nàng ngó lên chăm chú hồi lâu rồi đáp “Em nhìn thấy ngón tay anh và mặt trăng”. Tôi nghiêm giọng “Em ngó một mình mặt trăng thôi không được sao?”. Nàng nhìn tôi, khe khẽ lắc đầu. Tôi nói,  gần như la lớn “em hãy ngó mặt trăng kia kìa!”. Nàng lắc đầu “Sao anh la em?” rồi bật khóc.

 

Tôi xoay hết người lại nắm lấy hai vai nàng lắc lắc “Everlyne! Everlyne!”. Tôi cúi mặt ngó xuống chợt thấy trên sàn nhà chỉ có bóng của một mình mình ngã trên mặt ván lót, tim vụt chấn dội rần rần như vấp trên một hòn máu đặc cứng thoắt chận nghẹt trong huyết mạch, hai màng nhĩ bị hơi ép lung bùng, linh tính lù mù chợt bừng dậy mở hoét mắt, bao nhiêu hoài niệm thương động, bao nhiêu tàng vọng ẩn ức, bao nhiêu hình ảnh tưởng đã mất biệt chợt văng bung ra khắp cùng bốn phía, trùng trùng lóe chớp. Tôi định lên tiếng hỏi nàng “Em đã chết thiệt rồi phải không?” nhưng hai môi tôi không còn cách gì mấp máy được nữa, hai bàn tay đặt trên vai nàng chợt cứng đơ, nặng nề tê điếng. Tôi nhắm mắt quán tâm để cố giằn cơn dao động, hơi thở dồn xuống quanh cuống rún, bụng lẩm nhẩm niệm chú:

 

“ Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa.

(...) Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt,

bất cấu bất tịnh (…) Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng…Yết đế!...”

 

Tôi hít thật sâu ba lần hơi thở vào trong cùng tận rún mình, như bào thai hô hấp trong bụng mẹ. Hai tay tôi cảm thấy nhẹ nhàng trở lại và xúc động lại được trên đôi vai mềm mại của nàng. Tôi từ từ mở mắt ra và hỏi nàng thì thầm “ Em chưa chết phải không?”. Nàng đưa những ngón tay mềm vuốt ve những sợi tóc mai giờ đã mọc dài thả xuống thùy mị trên hai màng tai lặng thinh cúi đầu ngó xuống bóng nàng và bóng tôi chập chùng đan khít, quấn quýt giữa dòng suối nguyệt trên sàn gỗ lót. Tôi cong một ngón tay đặt dưới cằm nàng nâng lên, trăng chênh chếch phía sau lưng nàng. Trong bóng tối lù mù, tôi ngỡ thấy nàng mỉm cười hiền hậu.

 

Tôi mấp máy “Em chưa…” định lặp lại câu hỏi khi nãy, nhưng chợt dừng ngang rồi bỏ lửng. Hai mí mắt nàng từ từ khép xuống giấu kín niềm bí mật dịu dàng phía sau, môi nàng mở hờ, có vẻ như chờ đợi. Tôi cúi xuống gần, thật gần, rồi thì thầm bên tai nàng “Anh sẽ dắt em đi coi hát bóng”. Mắt nàng vụt mở ra, bừng sáng long lanh. Nàng kêu khẽ “Ồ! Thiệt hả anh?”. Tôi mỉm cười gật đầu “coi tuồng Công chúa Da Lừa và Thằng Người Gỗ…”. “Thiệt hả anh?..”, “rồi anh sẽ mua cho em ly nước bạc hà xanh non màu thơ ấu và cây cà rem mùi dâu…”, một giọt nước mắt lăn tròn trên gò má nàng, tôi đưa ngón tay chỉ trăng khi nãy lên gò má mịn màng hứng lấy giọt thiêu thâu “…Nín, nín mất! anh thương!”. Nàng mừng rỡ vòng hai cánh tay ẻo lả  bấu lấy cổ tôi ghịt xuống, chiếc gương soi hình bầu dục sút khỏi tay nàng rớt xuống sàn gỗ.

“Soảng”

 

Mùa hè năm nay Ánh ít khi chịu theo tôi xuống bãi nên tôi thường phải dắt nàng đi ngoạn cảnh bù lại. Một buổi sáng nọ tôi đánh xe sang Cap Ferrat đưa nàng dạo chơi lòng vòng. Trên voi đất, đường mòn xinh xinh uốn bò loanh quanh, vài ngôi biệt thự đồ sộ đẹp đẽ mọc lên giữa những domaines minh mông mướt xanh vườn tược êm ả, nào thông, nào liễu, nào dương nào khuynh diệp cao ngất, bông giấy rực cành, chuối xanh xòe lá, có cả một gốc phượng vĩ cổ thụ trổ bông đỏ ối làm nhớ sân trường và những mùa hè học sinh một thuở quê hương thanh bình nào đó. Rạc rời vó ngựa quá quan, cờ treo ý cũ mây dàn mộng xưa…Mai sau trời đất thái bình, về lưng núi phượng  một minh túy ca…

 

Ghé chòi quán vệ đường mua hai cái xăng-uýt ăn qua loa, tôi đưa Ánh trở lại đầu Cap để viếng thăm Fondation Ephrussi de Rothschild. Đây là một tòa biệt thự đồ sộ do bà Bá Tước Ephrussi dựng lên hồi đầu thế kỉ 20 theo mô thức của  một cung điện kiểu Ýdành để tàng trữ những món đồ cổ mà bà bỏ công sưu tập suốt cả cuộc đời mình, một công trình đam mê thuộc loại đập cổ kính ra tìm lấy bóng xếp tàng y lại để đánh hơi. Những đồ mộc, bàn ghế, hòm tủ, đệm thảm, màn sáo, bình phong, đồ sứ, ly cốc, độc bình, đôn đẩu, gương lộng…từ Âu sang Á, từ Ý sang Tây, từ Tàu sang Nhật, đủ mọi thời đại, món nào cũng độc nhứt, vô giá.

 

Trong khi chờ đợi tốp người thăm viếng đợt trước đi ra, tôi dắt Ánh dạo chơi trong khu vườn bát ngát vây quanh cung điện phô bày nhiều loại kì hoa dị thảo của vùng nhiệt đới. Nàng trầm trồ, tôi ừ hử. Tôi dắt nàng đi dưới hàng cột chạm trổ trong cẩm thạch ửng hường đặc biệt của La Mã dựng quanh một hồ nước hình chữ nhật dài tăm tắp. Trong hồ vươn lên những cọng u du suông gầy lá bén, những bông sen hường lợt rộng mở cuối mùa bên cạnh những bông sún xòe lá to bản xanh láng, tháng ba trời hạn sen tàn, đêm nằm trải lá gan vàng đợi em…Ba cánh bao lơn của cung điện vươn ra bao bọc ba phía hồ nước, có lẽ nàng Ephrussi thường ra đứng tựa trên lan can nầy ngó xuống những bông hoa thanh khiết của Đông Phương khi những đóa sen vừa chớm nở đầu mùa hạ. Tôi bước lên nhà thủy tạ xây tròn ở cuối hồ, xung quanh có gộp đá, bốn cột tròn nhỏ vân vi mây trắng nổi trên nền cẩm thạch hường chống đỡ nóc chòi hoen rỉ đồng xanh, trên bục cao giữa chòi thiên thần Ái Tình bịt mắt giương cung chực bắn từ đời kiếp nào không biết mỏi. Ngó lên cánh bao lơn của cung điện ở cuối đầu kia hồ nước, tôi nhát thấy một mái tóc bạch kim vừa kịp xoay người trở gót đi lửng thửng vào trong lâu đài khuất bóng. Tôi dụi  mắt. Không lẽ? Đoán chừng là một mái tóc của một cô gái nào đó trong đám người thăm viếng ở tốp trước  chợt bước ra bao lơn đứng ngó xuống những cánh sen tàn cuối hạ.

 

Tới phiên tốp của tôi và Ánh ngược chiều tốp trước đi vào cung điện. Tôi để ý trong đám người đi ra loáng thoáng một hai mái tóc vàng dưới ánh sáng bất định ở từng trệt của ngôi biệt thự. Người đàn bà hướng dẫn bắt đầu chỉ trỏ giải thích. Những tấm thảm cũ kỹ sười rách vài nơi giăng mắc trên tường, bàn ghế chân bẻ cong, uốn chạm trổ đã xốc xếch, những tấm bình phong mạ vàng cẩn xà cừ đã bong nứt một hai chỗ. Ngày xưa, sau bình phong đó  nhiều cung nữ đã từng thay xiêm đổi áo, những Dương Quý Phi, những Đắc Kỷ, những Bao Tự? Tô Châu lớp lớp phù kiều, trăng đêm Dương Tử mây chiều  Giang Nam

 

Bước lên tầng trên. Lại những đồ cổ và đồ cổ. Một mùi ẩm mốc đời đời khiến tôi ớn lạnh, nhưng dù có muốn bỏ chạy cũng không được vì một nửa thân thể tôi đã chon dính cứng vào những kỷ vật đó. Như một rễ cây cây đang hóa thành chồn.Trong người ngầy ngật choáng váng như sắp lên cơn sốt. Quán tự tại Bồ Tát hành Thâm Bát Nhã Ba la mật đa(…) Thị cố trung vô sắc vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ  tỷ thiệt thân ý… Tim hồi hộp lạ lùng. Tôi làm một cố gắng vượt bực bứt rời khỏi đám đông nhắm hướng ánh sáng ở cuối hành lang đi tới. Tôi quẹo một hai lần gì đó. Xung quanh vắng lặng. Thấp thoáng bóng lan can đàng xa xa, từ nơi ấy có thể ngó lên trời xanh và ngó xuống mặt hồ. Tôi bước về hướng đó. Sắp tới…

 

Chợt nghe một tiếng động từ cửa buồng mở toang phía bên trái. Dừng lại nửa chừng liếc xéo. Một chiếc giường ngủ kê sát vách tường đối diện với cửa, bên trên rèm rộng lơ thơ rủ xuống lưng chừng. Bươc thêm vài bước tựa vai lên khung cửa ngó hẳn vào trong buồng. Một mái tóc bạch kim! Nàng ngồi đó, trên ghế thấp, lưng quay về phía tôi, tay đưa chiếc lược cán vàng lên chải gỡ suối tóc dài mượt bồng bềnh trước gương cao vút hình trái xoan trong leo lẻo, tay áo lụa trắng uốn éo dịu mềm như sương mỏng. Tôi  đứng chết trân tại chỗ, nhưng đồng thời cũng không còn đứng trong thời khắc hiện tại của thế kỉ này nữa. Tim đã ngừng đập. Một khắc, hai khắc, một mùa hạ, hai mùa hạ, hay triệu triệu mùa sen đã bừng nở những trái tim từ bi từ muôn vạn kiếp…

 

Sau lưng tôi, bỗng sàn nhà chợt kẽo kẹt rên khẽ và âm lên bước chân người xôn xao từ xa vọng lại. Rồi tiếng huyên náo của đám người viếng thăm tới gần. Nàng thoắt dừng tay lược trên mái tóc bạch kim, tha thướt quay đầu lại ngó tôi mỉm cười dịu dàng, đoạn khoan thai đứng dậy bước thẳng tới chiếc gương bầu dục cao vút đang phản dọi bóng mình và chầm chậm đi sâu vào đáy gương, từ từ xa dần rồi phụt biến.

 

Đám người sau lưng tôi cũng vừa kéo tới và dừng lại trước cửa buồng, ồn ào, láo nháo. Bà hướng dẫn lên tiếng giải thích: “ Đây là gian buồng của…” tên một người đàn bà hoặc một người con gái được xướng lên nhưng tôi không nhớ rõ. Trong lòng còn hoang mang chấn động cùng cực, trước mắt lóa chóa những chấm sáng chen lấn điệp trùng như sao vỡ. Mọi người lần lượt bước vào căn buồng. Một mình đứng lại ở hành lang, tôi quay gót đi thẳng ra bao lơn, tựa vào lan can ngó xuống hồ nước, cố gắng hít đầy không khí khoảng khoát ngoài vườn cho lòng bớt hồi hộp. Chợt giựt mình! Một bàn tay mềm mại níu lấy cánh tay tôi. Nàng ra đứng bên cạnh tôi hồi nào không rõ, lên tiếng hỏi: “Anh nhìn gì vậy?” Tôi lắc đầu nín thinh, không biết cách nào trả lời câu nàng hỏi. Trả lời bằng cách nào cũng sai cũng đúng, cũng thực cũng mộng, cũng xả cũng chấp, cũng  tỉnh cũng mê. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành… thức diện phục như thị.

 

Chúng tôi ra khỏi mê cung của tòa lâu đài sơn màu đất nung hường sậm ngã tím. Tôi chóng mặt lờ đờ nên để cho Ánh lái xe rời CapFerrat. Bánh xe nghiến trên đường đá sỏi lạo xạo dẫn ra khỏi khuôn viên của tòa biệt thự đồ sộ. Gió từ lòng vịnh thốt lên xô đẩy cây lá trò chuyện lào xào, ngó lại khu vườn minh mông còn thấy những ngọn dừa rẻ quạt vươn lên cao vẫy ngoắc. Tôi ngồi co ro  trên ghế da băng trước, hai tay kẹp chặt giữa đùi, chờ đợi cơn điên sốt đang kéo về hành hạ. Tai ù ù hỗn loạn tiếng côn trùng kêu réo và vặn xoáy nhức nhối trên màng nhĩ. Nụ cười của La Joconde đuổi riết, ánh tóc bạch kim lù mù lẩn khuất chìm sâu trong đáy gương bạc để lại tàn vết của đám mây trắng đã bay ngang vòm trời trong suốt. Về tới nhà, mình mẩy phựt nóng dữ dội. Tôi uống hai viên thuốc giải nhiệt và hai viên thuốc nhức đầu rồi lên giường kéo chăn kín mít nằm hừng hực trong cơn điên sốt đỏ lòm, mê sảng, chết ngất…

 

Rào rào…rào rào… Tiếng mưa rơi ngoài vườn chanh đánh thức tôi dậy, mình nhớp nhoáng mồ hôi. Rào rào…rào rào… Nước tỏa trên cành lá dội lên  những âm hưởng run đều xoa dịu, an ủi. Lắng nghe. Không phải trời mưa, tiếng lá khua dời chỗ. Lăn người ngó ra vườn chanh xuyên qua mành lưới đan khít ở cửa sổ. Trời còn sáng những tia nước vọt lên cao trong nắng lấp lánh rơi xuống thành trận mưa kim cương rào rào. Ai đó đang tưới nước ngoài vườn chanh. Tôi xô chăn nhỏm dậy bước ra hành lang rắc đá vụn đến đứng dưới dạ bao lơn. Dì Gigi đầu quấn khăn, tay cầm ống cao su màu vàng chạy gân xanh lục day lại ngó tôi mỉm cười cất tiếng gọi. Tôi bước xuống vườn chanh tới bên cạnh Gigi dành ống cao su nói gì để tôi tưới nước dùm cho. Dì nhường ống nước cho tôi rồi ngồi xuống bên cạnh gộp đá đưa tay nhổ mấy chòm cỏ dại:

 

Loại cỏ hoang này bỏ quên  một mùa là mọc bít hết mấy gốc chanh.  Jacques thì lo nhấp đọt phía trên, dì thì lo nhổ cỏ phía dưới, vậy mà rồi quanh năm cứ có chuyện làm hoài

Tôi vốc nước ở ống cao su rửa mặt và uống một hơi thật dài cho đã cơn khát, người dịu sốt. Tôi hỏi:

Gì có sang viếng biệt thự Ephrussi bên Cap Ferrat chưa?

Dì ngửng lên tôi rồi ngó sang Cap lù mù sau màn hơi nước dưới Vịnh:

- Ờ dì có vô đó thăm viếng một hai lần, đã lâu lắm rồi. Trong biệt thự có trưng bày nhiều món đồ xưa và quý báu. Cháu biết chớ?

- Bữa nay cháu và Ánh cũng đã có vô thăm viếng một lần cho biết. Ngôi biệt thự sơn một màu hường rất kì lạ, dì có để ý không?

- Cũng lâu quá rồi nên dì không nhớ rõ. Nhưng có lẽ cháu nói đúng. Hình như sơn bằng nước vôi trộn bụi đá cẩm thạch La Mã nên mới có màu hường đặc biệt như vậy.

Tôi hướng vòi nước về phía khu biệt thự màu gạch nung cũ úa bên kia rào dậu, liếc ngó lên cửa sổ khép hờ. Có cảm tưởng như sau khe cửa có bóng gì lay động- như thể nắng cựa mình. Vòi nước giật thốt trên tay, tim chới với, lòng bỗng lại hồi hộp dị kì. Tôi nghiêng người hỏi Gigi:

-Hình như bá tước Ephrussi có mái tóc màu bạch kim, dì có biết không?

Dì ngước lên, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên:

-Dì không biết. Nhưng nghe nói bà Bá tước có dòng máu Ý Đại Lợi trong người, nếu mái tóc Ephrussi màu bạch kim thì  quả là một điều hiếm có vậy. Ờ, mà sao mấy bữa nay cháu cứ nói đến mái tóc bạch kim hoài vậy? Hết cô gái đánh đàn ở biệt thự bên kia bây giờ tới bà Bá tước chơi đồ cổ bên Cap Ferrat. (Dì lắc nhẹ đầu) cháu này thiệt lạ lung!

 

Tôi lạ lùng? Hay những nhân vật quanh tôi, trong thế giới của tôi, trong tâm thức của tôi vụt trở nên dị kỳ? Hay là bao nhiêu hoài niệm tàng ẩn từ đời kiếp nào trong tế bào não óc tôi giờ thoát bung xẹt trùng trùng thức giấc. Tôi còn đang hoang mang, Gigi nói tiếp:

- Mà cháu biết ai có mái tóc màu bạch kim hay không? (Tôi phân vân). Là dì đấy!

 

Vòi nước trên tay tôi rớt xuống đất. Gigi cũng dừng tay lại và ngó thẳng vào mắt tôi, không có vẻ gì giễu cợt.

- Tại dì cắt tóc ngắn cho hợp với tuổi mình nên cháu không để ý đó chớ. Hối xưa Jacques và nhiều người đàn ông khác mê mệt dì lúc dì còn trẻ đẹp  là cũng do bởi mái tóc bạch kim của dì hết đó cháu ơi. Cháu ngó kĩ đây này!

Gigi đưa tay gỡ vuông khăn quấn trên đầu mình. Tôi trố mắt định thần. Ánh bạc trên những lọn tóc cắt ngắn quả nhiên cũng đủ để cho tôi  hình dung được màu tóc bạch kim của Gigi hồi lúc dì còn xuân sắc. Cơn gió trốt từ Cap Ferrat vụt xoáy đến thổi phông mái tóc bạch kim xuân thời của người đàn bà đối diện trong trí tưởng lù mù của tôi.

Dưới thấp, đằng sau mái tóc lấp ánh rực rỡ gió cuồng, lòng vịnh bỗng phừng cơn nắng quái buổi chiều phựt cháy đỏ ối…

 

Ngày hôm sau, trong người còn bần thần, tôi không xuống bãi biển. Buổi trưa, tôi bắt ghế bố nằm dài lười biếng dưới dạ bao lơn, nửa trong mát nửa ngoài nắng. Lòng bận bịu không dứt. Điều đó cuối cùng cũng xảy ra thiệt rồi! Điều gì, tôi không rõ. Nhưng càng lúc trong thâm tâm mình, tôi lại linh tính điều đó dù cho thực sự đã xảy ra, vẫn chưa kết thúc. Còn đang chuẩn bị, chớm khởi, ngập ngừng chưa hết. Không ổn. Bức rức. Buổi trưa lặng ngắt. Nóng sốt. Lạnh lẽo. Ghê ớn.

Một tiếng xập xòe. Tôi nhướng mắt hí ngó. Một cánh chim sẻ đáp xuống dưới gốc chanh, nghiêng đầu ngó quanh, nhảy từng bước ngắn nhỏ tới mẩu bánh mì nằm bên cạnh gốc cây, kêu lên mấy tiếng giả bộ rồi chớp bay vù lên ngọn chanh nghe ngóng, đợi chờ động tĩnh. Lặng ngắt. Cánh sẻ lại chao mình xập xòe đáp xuống, đứng trên mẩu bánh mì, mổ cắn, kêu chim chíp, niểng đầu ngó hai bên, lại cúi xuống mổ, lại kêu chim chíp. Tôi cựa mình, cánh chim giựt mình  bay vù lên ngọn chanh.

 

Con chim thốt sợ. Con chim sợ tôi. Sợ tôi mặc dù trong bụng tôi, tôi thành thật thương nó vô cùng. Thương nó như thương một chúng sanh đang đắm chìm trong mê muội, cũng như tôi. Bởi đâu nó là chim còn tôi là người, tôi làm sao biết được. Khởi từ bao cõi tàng thức vô minh, mê mờ, vọng chấp, nhiễm trược. Lúc nào khởi sự, tại sao khởi sự, tôi làm sao biết được. Nguyên thủy vốn tuyệt nhiên bất động. Bỗng chợt sai lệch một tiểu ly. Và rồi vũ trụ bùng nổ, hằng hà thế giới dấy động, đất trời chia cắt, vạn vật phát sinh, chúng sanh trùng trùng duyên khởi. Bởi đâu có sự sai lệch tiểu ly đó, tôi làm sao biết được. Chỉ biết bây giờ trụ hình nó là chim, còn tôi là người. Nó sợ và tôi cũng sợ. Cái sợ nằm sẵn trong tế bào, dính cứng trong mạch máu. Sợ chết, sợ sự đổi thay, sợ cái biến dịch, sợ cái bản ngã của mình bị tấn công, đập phá, thủ tiêu, biến mất. Cái ngã đó là thực ngã, là hư ngã, là thực danh, là giả danh? Vẫn biết vậy. Nhưng trong hiện tại vẫn sợ. Vẫn sợ dù biết rằng không có gì đáng sợ bằng sự sợ hãi. Sợ hãi cho tới lúc nào mới dứt? cho tới lúc không còn cựa quậy, không còn hơi thở? Rồi để lại vết tích gì giữa thiên hà vô lượng? Còn chi trong giả tướng, hay một vết chim bay…

 

Con chim se sẻ lại bay lên, lại sà xuống, lại cắn lại mổ lên mẩu bánh mì. Lần nào nhìn con chim se sẻ nhảy nhót tôi cũng không khỏi bồi hồi. Con chim đẹp đẽ hết sức. Đẹp đẽ không phải vì nó có bộ lông rực rỡ. Bộ lông nó hết sức giản dị, nâu xám trộn lẫn, vậy thôi. Nhưng nó đẹp tại vì tôi ngó nó đẹp. Biết nhìn thì con chim nào lại không phải là một con chim đẹp, bông hoa nào lại không phải là một bông hoa đẹp, ngọn cỏ nào lại không phải là ngọn cỏ đẹp? Mỗi vật trong trời đất, là một đẹp đẽ, một chiêm ngưỡng, một kỳ công, một nhiệm mầu.

 

Con chim se sẻ lại mổ, lại ngó chừng, lại kêu chim chíp, lại mổ, lại ngó chừng, lại sợ, lại dáo dác. Nhìn con chim nhỏ thưởng thức mẩu bánh mì và ham sống, tôi xúc động sa nước mắt. Trời ơi! Cuộc sống đối với nó giản dị, đẹp đẽ và đáng sống biết chừng nào! Còn tôi? Tôi với đầy đủ tứ chi, đầy đủ giác quan mà tưởng chừng như đã tật nguyền tự bao giờ. Tôi với bao cuộc dâu biển tang thương, bao cuộc chiến tranh dai dẳng, bao cuộc yêu thương đổ nát, bao mối tình si vô vọng, bao nhiêu mê lầm chất ngất, bao nỗi ám ảnh không rời, bao nhiêu hoài niệm thương động, bao trận điên khùng nhức nhối cắn xé thần kinh khiến tôi đã bao lần toan tự sát. Con chim nhở kia không ngừng ham sống. Còn tôi đây nhiều lần thèm chết. Tôi bật khóc, nước mắt nhễu giọt trên gò má. Khóc tủi thân. Hay khóc cho một tấm lòng hồn nhiên yêu đời, khóc cho một tấm tình thơ dại thiệt thà theo ngón đàn khờ khạo run khảy một đêm xưa đã cuốn theo bụi trăng hững hờ rã mất. Ngày xưa tôi đón em, nơi gác chuông chùa nọ, con chim nào qua đó, còn để dấu chân in…Mười năm giờ trở lại, tôi một mình gọi nhỏ, chim ơi biết tìm đâu?

 

Tôi sa nước mắt lặng lẽ. Con chim sẻ vẫn tiếp tục cắn mổ, tiếp tục ngó chừng, tiếp tục thưởng thức, tiếp tục lo sợ, tiếp tục ham sống. Vậy mà rồi nó vẫn phải chết,một ngày nào đó. Chết tự nhiên hay bị một con chim khác lớn hơn vồ mất. Từ muôn vạn kiếp biết bao sinh vật đã được tạo ra, ham sống, sợ chết, yêu đời, rồi cuối cùng bị hủy diệt đi hết sức thô bạo. Và cuộc sát sinh tiếp diễn cho tới bây giờ, không hề ngừng nghỉ một giây phút nào. Lỗi tự ai? Trong một thời điểm hạn hẹp, có thể chỉ tay vào ai đó mà buộc tội. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng có lẽ lỗi không tự ai hết – nhưng không phải vì vậy mà mọi người đều vô tội. Bởi lẽ từ ngữ tội lỗi tự nó không mang một ý nghĩa nào hết. Nó chỉ là một ý niệm phát sinh từ đầu óc nhị nguyên của con người. Trong vũ trụ hằng cữu, mọi vật vốn không tánh, không thiện, không ác.

 

Từ đâu phát nguồn sự sát sinh, tôi làm sao biết được. Chỉ biết trong cái cộng nghiệp hiện tại, trong trình độ tiến hóa hiện tại, chúng sanh chưa thể an hưởng một thế giới không có sát sinh được. Tuy nhiên, trong cái thế giới sát sinh của muôn loài, duy có một điểm dị thường: chỉ có con người là loài độc nhất đem tâm oán hận và tìm cách trả thù. Chỉ có con người là loài độc ác nhất rượt cắn đồng loại cho tới chết và tuyệt sát phe đối nghịch cho tới kỳ cùng. Giữa thú vật đồng loại, khi xảy ra xung đột, con thú yếu thế bỏ chạy và cuộc xung đột chấm dứt ở đó. Hầu hết như vậy.

 

Cái sát sinh của loài người là một hành động cố tình. Thường không cần thiết cho sự sinh tồn tức khắc của mình. Trái lại, cái sát sinh của muôn thú khác  nhau là một nhu cầu  tất yếu cho sự sinh tồn tức khắc, không do lòng oán hận thúc đẩy. Ngay cả đối với những cầm thú mang tiếng dữ dằn và xấu xa nhứt như sài lang, hổ báo, sát sinh gần như là một nghiệp chướng không cách nào tránh được. Con chim đại bàng ăn toàn thảo mộc thì con chim đại bàng phải chết . Con cá sấu ăn toàn rong bèo thì con cá sấu phải chết. Con sư tử ăn toàn hoa quả thì con sư tử phải chết. Đâu phải chỉ có con chim đại bàng, con cá sấu, con sư tử muốn ăn thịt. Không phải muốn hay không muốn, mà không thể không ăn thịt được. Nếu muốn ăn toàn thảo mộc thì đại bang, cá sấu, sư tử phải trở thành những động vật khác. Tuy nhiên, nhiều lần Ánh để ý và nói với tôi là đối với cây kiểng trong nhà, nàng có cảm tưởng hình như cây nào mình thương nhiều thì nó mọc khỏe mạnh hơn và tươi tốt hơn những cây khác. Vậy ai dám chắc đóa hoa vô thường nọ không biết hớn hở khi chớm nụ xuân thì và ngọn cỏ vô tình kia lại không hãi hung trước cái tử ly kề cận? Sát sinh vốn nó vẫn bàng bạc đây đó trong vũ trụ. Và phải chăng con người là cái kết quả trong thời khắc tiến hóa hiện đại của cái cộng nghiệp dữ dằn đó trên địa giới?

Nhiều lúc chứng kiến những cuộc thảm sát man rợ thường nhựt, tôi không khỏi phẫn nộ trước lòng điêu ngoa đê tiện của con người.

 

Ấy vậy mà khi nhìn một cô gái điên xõa tóc ngu ngơ hong nắng, tôi lại tin rằng sự thơ ngây còn có thể có được trên cõi đời nầy.

 

Nhiều lúc chứng kiến cuộc chạy đua bất kham đến cuộc thế chiến nguyên tử thứ ba, tôi không khỏi tuyệt vọng trước sự xuẩn ngốc cùng tột của con người.

Ấy vậy mà khi nhìn một chiếc lá non nhẹ run trong gió, tôi lại tin rằng hy vọng còn có thể nẩy lộc trên cõi đời nầy.

 

Nhiều lúc chứng kiến những địa ngục tàn độc do con người dựng lên để đày đọa đồng loại, tôi không khỏi đứt ruột trước sự đau khổ cùng cực của con người.

Ấy vậy mà khi nhìn một con chim sẻ nhảy nhót tung tăng trong cỏ, tôi lại tin rằng hạnh phúc còn có thể có mặt trên cõi đời nầy.

 

Và một chút thơ ngây đó, một chút hy vọng đó, một chút hạnh phúc nhỏ nhoi đó cũng giúp cho tôi đủ sức chịu đựng những đau khổ ngất trời để mà ngoi lên sống sót.

Này chim se nhỏ kia ơi

Này em xõa tóc điên ơi!

Trên dấu em đi và vết chim bay trong giả tướng, phải chăng còn dùng dằng lại một chút hương tình thoang thoảng trong lòng anh bát ngát?

 

Ngày xưa em qua đây

Cho tình tôi chớm nở

Như chân chim muôn thuở

In mãi mực thềm rêu…

 

Về tới Paris trời sẩm tôi. Đã thấy dấu hiệu mùa thu, cái mùa được dân Paris và cả thế giới yêu thích, ca ngợi, cái mùa đã đi vào thơ và nhạc bằng những bước bâng khuâng, ngậm ngùi thương tiếc những mối tình rã rơi tan vỡ…les feuilles mortes se ramassent a là pelle, tu vois je n’ai pas óublié. Mais le vent les emprote dans la nuit froide de l’oubli…

 

Paris quên những đóa sen tàn cuối hạ để đi vào thu thực sự. Và tôi cũng muốn quên, quên mùa hè Villefranche, quên mùi chanh chín miệt biển, quên mái tóc bạch kim thoáng hiện trong lâu đài ẩm mốc Cap Ferrat, quên ngón đàn nương tử, quên mái lầu nguyệt bạch, quên nỗi quạnh hiu của đôi vợ chồng già. Thỉnh thoảng nhận được thuốc men của Gigi gởi giúp, vài lần điện thoại thăm viếng, mọi người vẫn khỏe mạnh, mọi người vẫn vậy, nhưng tôi linh tinh có điều gì đó không ổn. Điều gì?

 

Rồi vườn Luxembourg ẩm đục sương mù thả lá úa xuống những lối đi quen. Mùa thu âm thầm , bên vườn Lục Xâm, ngồi quen ghế đá, không em ôi buốt giá từ tâm….Rồi Paris xuống tóc quy y trong ngôi chùa Đông Tạ. Cây trơ cành đen, như đã chết, sương lạnh rùn mình. Mùa đông Paris, trời buốt ra đi, đợi em quán nhỏ, rưng rưng rượu đỏ tràn ly…

 

Mùa đông bước chậm vào cuối năm, cây Giáng Sinh trổ bóng đèn màu, trẻ con hớn hở. Sau lễ trẻ con, Paris ăn Tết. Paris ăn Tết dương lịch. Hôm nay là Xuân mai còn Xuân, rượu uống say rồi nhớ cố nhân. Thực phẩm ngon, quần áo đẹp, rượu choáng váng, foie gras, champagne, saumon, carviar, son phấn nhạc đèn, khiêu vũ. Trời lất phất mưa bụi. Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân, phơi phới mưa sa nhớ cố nhân. Ngày mồng một qua, mồng hai đi làm, mồng ba còn ngất ngưởng, vừa chớm…

 

Dì Gigi chết rồi!” Trời ơi! hồi nào? Đúng ngay đêm mồng một. Dì sang bồn tắm kiếm nước uống viên thuốc an thần, trợt té đứt gân máu ở đầu rồi chết luôn tại chỗ. Chị Huệ Chi điện thoại cho chúng tôi biết như vậy ngày mồng ba. Tôi chấn động Ánh bủn rủn.

 

Mọi người đinh ninh Jacques sẽ ra đi trước tiên. Chuyện thực sự xảy ra trái ngược điều đinh ninh. Ánh điện thoại cho Jacques để chia buốn. Ông bạn già có vẻ hốt hoảng. Nỗi bận tâm của Jacques bây giờ làm sao tìm được hết những món đồ quý mà  mà Gigi chôn dấu rải rác nhưng vì ra đi đột ngột không kịp trối lại. Và vấn đề thanh toán tài sản, giải quyết thừa kế. May có Liliane lui tới thường xuyên để nâng đỡ tinh thần ồn bạn già. Ánh cứ thúc giục tôi gọi điện thoại chia buồn. Không rõ tại sao tôi cứ né tránh chuyện chia buồn, đã nhiều dịp như vậy. Buồn? Chia buồn? Tôi thấy nó làm sao đó. Có lẽ tôi không biết buồn trước cái chết. Thế gian tiếu ngã bất tang thương, ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường. Buồn? Tôi không buồn. Bâng khuâng thì có. Chia buồn? Tôi bối rối, không biết phải nói gì, chẳng lẽ cử lải nhải hoài câu “ Tôi xin thành thật chia buồn?”

Nhưng rồi tôi cũng đã gọi điện thoại cho ông bạn già buổi tối hôm sau. Giọng Jacques trong ống nghe có vẻ cảm động bối rối. Ông nói nhân dịp Gigi mất, ông đã đọc lại và khám phá trọn vẹn trong một thoáng chớp( d’un coup) trọn vẹn cái thâm thúy trong Con đường Đoạn Luyến. Tôi không hỏi thêm, cũng không thấy cần phải bàn thêm hoặc nói thêm điều gì nữa hết, ngay cả an ủi. Rồi giọng Jacques trở nên lúng túng, xao xuyến, không muốn dây dưa. Cuộc nói chuyện giữa tôi và ông bạn già rất ngắn ngủi. Gác ống nói xong, tôi chợt lo sợ vẩn vơ, dù Jacques nói rằng khám phá trọn vẹn cái  thâm thúy của đoạn luyến. Lo sợ ông bạn già lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn, lại ngó trần nhà, lại nhơi đi nhơi lại những ý nghĩa cũ rích, lại tự hành hạ cân não, lại nhắm mắt tưởng tượng, rồi mở mắt ra ngó trần nhà trân trối.

 

Nhưng ngay tối hôm đó, trong bóng đêm, chính tôi đã tráo tráo nằm ngó trần nhà mà xao xuyến. Điều đó đã thực sự xảy ra rồi chăng? Gigi không còn nữa. Và điều đó đã kết thúc? Hết rồi. Chấm dứt. Hoàn toàn chấm dứt. Thôi cũng đã đành một vết chim bay trong giả tướng! Trách tay tạo hóa trêu ngươi, đem tranh luân lạc vẽ đời phù sinh.

 

Nhưng vết chim bay trong giả tướng, hằng thường vắng lặng, nghĩ cho cùng thì có gì đâu mà phải ngậm ngùi?

 

Sao vẫn muốn để lại chút gì đó trên trần thế? Để lại chút gì bây giờ? Sao để lại chút đó mà không để lại chút khác? Trong vũ trụ mọi vật vốn không tướng. Trong cái không đã bao hàm cái , trong cái đã tiềm tàng cái không. Cái không ở đây là hư không chớ không phải là hư vô, cái hư vô ngõ cụt, cái hư vô vực thẳm, cái hư vô không đáy, cái hư vô tuyệt lộ bất khả tái sinh hiện hữu của triết học phương Tây. Trước cái hư vô đó, con người chấp không rồi đâm ra kinh hoàng, từ kinh hoàng phát sinh bạo động. Bạo động để chứng minh “tôi hiện hữu”. Bạo động để chứng minh “tôi có mặt”. Bạo động với người khác, bạo động với thiên nhiên, bạo động với muôn loài, bạo động với Thượng Đế, bạo động vô cớ, chung quy cũng là bạo động với cái tâm của mình, bạo động với chính mình.

 

Bình tâm để đoạn luyến? Đoạn luyến để dứt khổ, được chăng? Khi đối diện với cái khổ mà không có cách nào thủ tiêu được nó, người ta quay lại thủ tiêu mình, nguồn gốc mọi vọng chấp sinh ra đau khổ. Một cách nào đó, tự tử là vậy. Động lực nào khiến tôi ham sống và xui tôi bao lần thèm chết? Quá tuyệt vọng vì yêu đương, muốn nhảy xuống đại dương trầm mình, muốn nuốt bụm thuốc ngủ, muốn nhảy từ lầu cao, muốn nhào vô lòng băng tuyết biến thành tảng nước đá. Nhưng rồi động lực nào đã nắm tay tôi bắt nó bỏ ngụm thuốc ngủ trở lại ống trong những lần khủng hoảng tâm lý tuyệt cùng? Sợ chết, khiếp nhược, hy vọng,bản năng, ao ước, ảo vọng, chấp có, chấp không, mê muội, thức tỉnh… làm sao tôi biết được. Hay tại chưa thực sự muốn chết bởi vì còn thèm sống. Và chính bởi thèm sống mà không được nên muốn chết. Bắt đầu từ chỗ nào? Và bằng lối nào ra khỏi mê cung?.

 

Tôi chạnh nhớ con chim sẻ nhỏ trong vườn chanh miệt biển. Con chim sẻ buổi trưa vắng lặng xập xòe đáp xuống mẩu bánh mì, cắn mổ, ngó chừng, sợ chết và ham sống. Không giải thích, đừng giải thích. Chỉ ham sống ,vậy thôi. Quá đủ. Hình ảnh thơ ngây, hạnh phúc. Giờ đây con chim sẻ đã bay đi mất rồi, và tôi luyến tiếc. Như tôi đã từng luyến tiếc và khóc đứt ruột Em vịt vàng nhỏ của tôi đã bị xe nhà binh cán nát bấy một chiều cuối năm trên mặt lộ đá, hồi tôi vừa được sáu tuổi. Hồi đó tôi còn có xóm nhỏ, tôi còn có quê hương và tôi không biết oán hận. Bây giờ tôi biết oán hận và tôi không còn xóm nhỏ, không còn quê hương. Cái đáng còn thì tôi mất, cái đáng mất thì tôi còn. Trong bất cứ cuộc chia tay nào, tôi vẫn ao ước mình là kẻ ra đi chớ không phải là người ở lại, nhưng rốt cuộc tôi vẫn thường đóng vai người ở lại. Cũng như hồi ở bệnh viện tâm lý, người ta đã giựt Evelyne ra khỏi tay tôi để chở nàng tới một bệnh viện khác dành cho những người điên hơn. Tôi ra băng đá ngồi ôm đầu khóc sướt mướt. Kể từ đó, không ai đem trả nàng lại cho Thằng Người Gỗ nữa.

 

Cũng như bây giờ người ta đem Gigi ra khỏi vườn chanh. Rồi kể từ đó…

Kể từ đó tôi không ngớt mơ màng được mơ lại Giấc Mơ Vọng Nguyệt. Tôi mơ màng được trở lại vườn chanh lần nữa.

Dù chỉ một lần

 

“Anh như tiếng hát em như lời nguyền đẹp bao ước mơ

anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo muôn ý thơ

muốn nói với em đôi lời trìu mến

tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ…”

 

Dứt câu hát, tôi cầm miếng đồi mồi run khua lẳng tẳng trên dây đờn măng-đô-lin sợi kép. Lòng ngất ngây mê mẩn, rào rạt si tình, bồi hồi lãng mạn. Tôi ao ước nàng còn thao thức để nghe tiếng hát thiết tha và ngón đàn khờ khạo của tôi. Bên kia biệt thự màu gạch nung cũ úa hai cánh cửa sổ trên cao đã mở toang, sáng trăng lọt vào phẳng lặng.

 

Dứt tiếng đàn dạo lại, tôi định hát tiếp bỗng thấy bóng người thấp thoáng ở vườn chanh bên dưới. Tôi buông đàn hồi hộp đi xuống. Không thấy ai. Tôi đi băng qua vườn chanh bây giờ bỗng trở nên rộng minh mông. Cuối vườn, một bóng người đứng lẫn khuất dưới tàng chanh lớn lù mù om tối. Tôi đến gần hơn. Bóng người rời khỏi vòm chanh bước ra chỗ trăng sáng. Tôi giật mình kêu khẽ “ Kìa dì Gigi!”.

 

Người đàn bà ngó tôi mỉm cười hiền hậu tươi tắn. Đầu dì quấn khăn, mình mặc áo ngủ màu trăng sáng bằng chất tơ mềm. Tôi còn đang chấn động tần ngần thì người đàn bà đã đưa tay lên đầu gỡ chiếc khăn quấn. Tóc dì Gigi xòa ra, dài hơn và bồng hơn lần gặp gỡ sau cùng, sáng chói một màu bạch kim óng ánh. Tôi định cất tiếng hỏi thì dì đã đưa một ngón tay lên môi ra dấu bảo tôi im lặng. Đoạn dì đưa ngón tay chỉ lên tít cao trên nóc biệt thự bên kia rào dậu. Tôi ngó theo thấy vằng vặc một vừng trăng sáng. Nguyệt bạch!

 

Tôi ngó hồi lâu, chợt thấy ánh sáng động đậy ở khung cửa sổ mở toang, rồi bóng một người con gái xuất hiện. Tôi giật mình quay lại ngó: dì Gigi không còn đứng đó nữa! Nhưng người con gái đã ra đứng tựa bên kia cửa sổ. Tôi leo qua rào dậu và lần mò trong khu vườn chanh nhà nàng. Chanh chín rộ thơm phức. Rồi bằng cách nào không rõ, tôi chợt thấy mình đang đứng trong ngôi biệt thự màu gạch nung cũ úa, ngay đầu cầu thang dẫn vào phòng nàng. Tôi nghe tiếng hát đâu đó :

 

“hẹn em từ muôn kiếp trước

nhớ em mấy thuở bạc đầu

anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn

em để cung đàn

đưa anh về đâu…”

 

Tôi nhận ra tiếng của người hát. Tiếng hát của tôi. Tiếng hát của tôi hồi mười một tuổi. Tiếng hát tình si thuở ấu thời. Tim rộn ràng hồi hộp như mới lần đầu biết rung động vì con gái. Tôi bước hẳn vào phòng nàng.

 

Người thiếu nữ đang ngồi trên chiến ghế trường kỷ, áo lụa trắng tay rộng kết kim tuyến lấp lánh. Tóc nàng quấn cao có trâm cài hai bên, đầu trâm run nhẹ những hạt ngọc nhỏ màu trắng đục. Nàng ăn mặc như một cung nữ. Nàng có dáng dấp và điệu bộ của một cung nữ. Trước mặt nàng, trên chiếc bàn thấp chạm trổ bằng gỗ quý đen tuyền, một ấm trà và một chén ngọc dạ quang chói sáng long lanh, màu ngọc xanh trong veo phơn phớt ửng lộ. Trên mặt trà trong chén, lững lờ một vệt đen trông giống như chiếc hài nhỏ.

 

Nghe bước chân tôi tới gần, người cung nữ giật mình ngửng lên và vội vàng đưa tay áo lụa che ngang mặt. Tuy nhiên tôi cũng kịp bắt gặp trong ánh mắt nàng một cái nhìn rất quen thuộc – quen thuộc tới mức gần như âu yếm. Tôi nín lặng ngắm nàng, tim chùn theo nhịp thở, có cảm tưởng khoảng cách giữa tôi và nàng không hề có, không còn nữa. Không có thời gian, không có không gian, không có xiêm y, các mạch máu của tôi và nàng như đã giao tiếp. Nàng từ từ buông tay áo lụa che ngang mặt xuống. Cổ nàng thon dài trắng tinh, môi nàng cong hình trái tim mở hờ, mi mắt nàng bụp nhẹ mướt hiền như nhung. Tôi đã nhận ra nàng. Hoa! Hoa Bến Đò! Hoa người yêu đầu tiên của tôi lúc nàng mười lăm tuổi. Hoa người yêu mà trên môi nàng tôi đã hái nụ hôn đầu đời đêm hò hẹn trước hàng ba nhà nàng, ra về hễ nhắm mắt tôi thấy mình la dà bay bổng, kiểng đổ ngân nga trong đầu, đất trời choáng váng. Nụ hôn đầu đời, chỉ phớt nhẹ trên môi nàng, chỉ một lần, một lần thôi, mà vĩnh viễn. Tôi đã nhận được Hoa của tôi trong người cung nữ đó. Tôi chết lặng, lòng sung sướng quá đỗi, mọi lời nói đã lịm tắt trên môi mấp máy ngù ngờ.

Nàng cung nữ với bàn tay ngà dịu dàng cầm ấm trà lên rót vào chén ngọc dạ quang thánh thót. Chiếc hài nhỏ hiện lên rõ hơn, lộ ra hình dạng một chiếc thuyền lá. Nàng khoan thai đặt ấm trà lại bàn, tôi và nàng đều nín lặng. Từ trên thuyền chợt vẳng ra một điệu đàn măng-đô-lin run khua lẳng tẳng rồi một tiếng hát nho nhỏ cất lên – tiếng hát của tôi, của tôi ấu thời. của tôi khờ khạo hồi mười một tuổi mà đã si tình :

 

“dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung

đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé run

anh muốn thành mây nương nhờ làn gió

đưa anh đến cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng..”

 

Người cung nữ cúi xuống đưa hai ngón tay thon dài bốc nhẹ đứa nhỏ đặt lên lòng bàn tay mình – đầu mũi tôi thoang thoảng hương thơm của nguyệt quế nồng nàn gói trong trăm năm phím kiều diễm. Nàng cung nữ chăm chú nhìn chàng ca sĩ bé con. Đứa nhỏ tha thiết ôm cây đàn măng-đô-lin vào lòng và bật khóc, giọt lệ long lanh rớt xuống bàn tay ngọc đa tình. Nàng cung nữ chợt rùn mình rồi cả người nàng từ từ rã tan thành một vũng nước trong vắt… Cùng lúc, trên má tôi những giọt lệ nghẹn ngào cũng lăn xuống từ hồi nào không biết. Trước mắt tôi không còn gì nữa hết. Chỉ còn vũng nước trong suốt, đang bốc hơi thành bụi trăng mỏng lù mù.

 

Tôi đứng chết lặng như vậy không biết bao lâu. Chợt có tiếng hạc trong veo cất lên ngòai vườn chanh rồi tiếng vỗ cánh lướt qua khung cửa sổ. Tôi bước ra ngoáy cổ ngó theo. Trong vầng nguyệt bạch tròn sáng lung linh, bóng một con hạc thanh tú xòe đôi cánh rộng  màu bạch kim óng ánh đang giăng tay cùng nàng cung nữ thướt tha và chàng ca sĩ bé con tay cầm cây đàn từ từ bay về cung quảng. Những chấm đen xa dần, nhỏ dần, run khẽ rồi tan đi trong nguyệt huyễn mơ màng…

 

“tích nhân dĩ thừa hoàng lạc khứ

thử địa không dư hoàng hạc lâu

hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”

 

Chợt có tiếng lay động sau lưng. Tôi giật mình quay lại. Trong bóng tối hằng tịch của căn buồng còn thơm tho mùi nguyệt quế, chén ngọc bỗng cựa mình rực sáng chóa lòa rồi bùng vỡ như giấc mơ vọng nguyệt muôn đời giờ đã rã tan thành bụi trăng mơ mòng giả tướng

Gigi đã chết.

 

Nàng cung nữ trong giấc mơ Vọng Nguyệt của tôi đã tan thành vũng nước trước trong vắt. Người thiếu nữ tóc bạch kim bên Cap Ferrat cũng đã trở vào đáy gương phản dọi bóng mình. Chỉ còn lại tôi và nỗi thắt thỏm lo âu cho Jacques, người bạn già của mình, với những buổi trưa quạnh quẽ nằm trong bóng tối lơ láo ngó trần nhà trắng tinh giữa căn nhà trống vắng. Đợi chết? Đợi cơn sợ hãi thường trực? Hay đợi Gigi trở về một đêm trăng sáng?

 

Tôi sẽ trở lại Villefranche? Tôi sẽ trở lại vườn canh lần nữa? Không rõ. Tôi sẽ trở lại bên cửa sổ ngôi biệt thự màu gạch nung cũ úa? Tôi sẽ mơ lại giấc mơ có người con gái đợi chờ dưới ánh trăng bên mái lầu cong vút? Tôi làm sao biết được!

 

Đập vỡ giấc mơ vọng tuyệt bên vườn chanh miệt biển trở về cuộc sống thường nhựt trong căn nhà của mình ở ngoại ô Paris, những đêm trăng sáng tôi thường tắt đèn ra đứng tựa trán lên cửa kiếng nhà mình ở tầng mười lăm ngó xuống vườn cây ngã bóng dã dượi trên thảm cỏ công viên trống vắng mênh mông bên dưới. Tôi vặn lại nho nhỏ bài Mưa rơi, từng giọt nhạc dội vào lòng tôi bồi hồi như một tối nào bên vườn chanh trời chợt sa mưa ngùi thương lắc rắc…Bâng khuâng! Nghe tiếng tơ dịu dàng, nhìn lá úa theo hoa tàn, khóc than phút giây lìa tan…tim chùn bước nhịp nhàng theo điệu tango dìu dặt, tôi nghe lại tiếng đàn măng-đô-lin run khua lẳng tẳng và tôi khóc lặng lẽ. Lòng rạn nứt. Biết rằng điều đó đã thực sự xảy ra rồi, không còn cách nào hàn gắn được nữa.

 

Ánh ngồi lẩn khuất trong bóng tối nhìn tôi lo âu thở dài. Những lúc đó tôi không muốn ai nhìn thấy mình khóc. Tôi muốn chỉ có mình tôi. Và ánh trăng. Và tiếng ca bỏ quên lại từ đời kiếp nào trong một dĩ vãng mù xa biệt vụt:

 

Nghẹn ngào miền nhớ nhau

thương xót ai trăng sầu bên mái lầu

hay đớn đau vì câu chờ kiếp sau

trăng úa mầu lệ dâng ướt ngàn sao…

 

Kiếp sau. Có chăng một kiếp sau. Như đã từng có một kiếp trước hoang đường, một thuở sáo ngọc sầu trăng, canh khuya Trương Chi si tình chợt buông tiếng hát – hay mơ thấy mình buông tiếng hát khi ngỡ thấp thoáng trong mộng mị của mình hình bóng một cô gái yêu kiều bên mái lầu vọng nguyệt rồi bỗng chợt si tình

 

ngày nào một giấc mơ

đâu những đêm trăng mờ

ai ngóng chờ

 

Một giấc mơ. Phải chăng tất cả chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ vọng nguyệt. Đêm đêm vong nguyệt. Duyên khởi từ một kiếp xưa nguyệt ngủ mơ màng. Như giấc điệp mơ màng trong mộng mị trùng trùng của Con Bướm Trang Sinh bên vườn chanh miệt biển./.

 

Những ca khúc trong truyện này trích từ “Trở về bến mơ” của Ngọc Bích. “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý, “Mưa rơi”….

Kiệt Tấn
Số lần đọc: 2421
Ngày đăng: 22.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê
Nửa nghìn năm trầm tích - Văn Thành Lê
Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều - Văn Thành Lê
Hoa cỏ dại - Nguyễn Chính
Khúc tráng ca mù u - Văn Thành Lê
Ông Sáu Bia - Nguyễn Chính
“Thầy rắn” Lương Y NGUYỄN TIẾN HÒA - Phan Đức Nam
Cảm Bút từ Yên Phú Cổ Tự - Vũ Ngọc Tiến
Những cánh chuồn trên biển - Trần Kim Sơn