Đôi khi, ta bất chợt nghe một câu hát, lòng bỗng dậy lên chút bùi ngùi, nhớ nhung về chốn cũ xa xôi. Đôi khi, ta bất chợt đọc một câu thơ, đầu óc mụ mị bỗng nhòe nhoẹt vết lăn trên đường. Và dường như thấp thoáng đâu đó, có những phút giây ta hối hả cùng bạn trong khói sóng mông lung và, những xao xác cô đơn đến vô cùng tận, một mình bên quán nhỏ dọc đường...
Thời trai trẻ, những tình cờ đến đi như chút gió cuối mùa hiu nhẹ buổi xế trưa, thì đâu có chi lạ lùng? Nay, đã qua tuổi “tri thiên mệnh” khá xa, lại vô cớ bồi hồi vì hình ảnh ẩn dụ trong một câu thơ; những lướt thướt âm thanh trong một bài hát, đã khiến chạnh lòng, thì có vẻ như ông già sáu mươi thuộc nhóm những ông già trắc nết?
Có thật vậy không?
Tôi không biết. Có điều “chiều nay sương khói lên khơi” khiến lòng quặn thắt, cồn cào một chút thương nhớ vu vơ, không hiện ra hình hài rõ nét. Rồi nữa:
Mưa
Đưa ta về ngồi lại
Trong quán nghèo năm cũ,
Trống không
(...)
Thưa chị có gì sao chị khóc
Ngoài trời mưa vẫn nhỏ rưng rưng.
Nhạc điệu hiu hắt trong Thuyền viễn xứ ngày nào của Phạm Duy cùng mấy câu xa vời lay lắt âm thanh những giọt mưa không rơi xuống đất Khi qua Chương Thiện của Trần Hoài Thư nghe đến nao lòng, đến hiu hắt như nửa khuya nghe khúc Dạ cổ hoài lang.
Tôi đọc Quán của Trần Hoài Thư với tâm trạng bất định đó. Đọc Quán trên dặm đường dài lang thang mang theo nỗi ưu uất, chán nãn. Đọc đi đọc lại trong quán bên đường chờ mưa tạnh, đọc trên căn gác nhỏ nhà bạn qua đêm, đọc ven cánh rừng chỉ còn những lùm bụi thấp, lúc chờ cơm trong quán nhỏ bên đường... Và, ngay cả trong giấc mơ!
Đọc mãi rồi chợt thấy như đang theo bước chân anh ta trở về vội vã sau những chuyến hành quân. Đó là những chuyến ra đi bất toàn của tuổi trẻ. Ra đi và trở về, rồi lại ra đi. Giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một đoạn ngắn, rất ngắn, trong những lần hành quân. Vội vã ra đi và vội vã trở về. Trở về để vội vã bên cốc cà phê, tìm chút hơi ấm quạnh quẽ, như thể đó là chốn bình yên. Nhân vật không hình hài kia tự đánh lừa mình, hay chính xác là tạm tách mình ra khỏi thế giới thực tại anh ta đang lăn cuồng chìm ngập để tìm chút cảm giác gần gũi trong đời sống bình thường chưa một ngày ôm trong tay một cách trọn vẹn. Có gì là ghê gớm, là cao xa với chỉ một cốc cà phê hay cô hàng nước bên bếp lửa? Cái khác hơn, điều anh ta khao khát hơn chính là chút hơi ấm, là đôi má au hồng đã bị chiến tranh giật khỏi tầm tay. Sự mất mát kia chính là nỗi cô đơn tận cùng, để phải kêu lên tha lỗi cho tôi, xin cuộc sống bình thường yên ả tha lỗi cho những xáo động mà thế hệ anh đang phái hứng chịu :
Thèm vô cùng, hơi ấm cốc cà phê
Thèm vô cùng. Cô hàng đôi má au hồng
Chụm nồi nước sôi bên bếp lửa
Tha lỗi cho tôi...
Buông một tiếng, rớt xuống, rớt dài tuổi trẻ trong nỗi hoảng loạn vô cùng mà đáng ra, tuổi trẻ không phải cam chịu những đau đớn tủi nhục đến vậy; mà đáng ra cái thế giới nhiễu nhương, loạn cuồng kia phải lên tiếng xin lỗi tuổi trẻ của anh, của chúng ta đã phung phí trong cuộc chiến tranh tương tàn, phi nhân mới phải. Giả định như, tuổi thanh xuân không phải hứng chịu, đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tất, thì liệu chàng tuổi trẻ có kêu lên thản thốt, rằng:
...và một niềm tủi thân cô đơn
Khi người tôi yêu sợ thành góa phụ
Có một thời, trong văn chương đều đồng loạt kêu lên: phi lý, buồn nôn, nổi loạn... và được giải thích: đó là hội chứng làm dáng của đám trí thức nửa vời là bắt chước, nhai nhá lại những J.P. Sartre, A. Camus, F. Sagan... một thứ tư tưởng bi quan không đáng làm người. Đó là những cái nhìn lỗi phạm của người lớn đã an vị, nặng tính bảo thủ, ngun ngút đạo lý phong kiến cũ kỹ, mà nếu như họ cũng bị tung ra chiến trường cầm súng và bóp cò, nhìn thấy máu đổ, nhà cháy, tan hoang xơ xác những cánh đồng chết chóc, cảnh dân nghèo bồng bế chạy loạn, họ sẽ nghĩ gì?
Chỉ có tuổi trẻ sống và cam chịu mọi tai ương mới thấu đạt nghĩa lý bi thương một cách ngọt ngào những nổi loạn đắng cay trong suốt đời trai trẻ.
Rượu quí, mời nâng lên mà nốc
Đời này tuổi trẻ mà trăm năm
Tha lỗi khi ta gào hét
Là ta điên cuồng
Muốn nổ xác thân
Quá quắt. Khó chấp nhận. Không thể tha thứ. Giới đạo đức trưởng giả đã kêu toáng lên như vậy. Rượu quí là thứ mỹ tửu, đã vậy thì phải bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, cớ sao lại nâng lên mà nốc? Rượu mà nốc thì có khác chi đám bụi đời, loại giang hồ tứ chiến, thứ lang bạt bất cần đời!
Thế hệ Trần Hoài Thư là vậy đấy. Họ biết rất rõ điều họ làm và trách nhiệm với nó và ngay chính bản thân; cũng bỡi giản dị một điều: tuổi trẻ mà trăm năm? Đó là câu hỏi tra vấn hay tiếng kêu thầm kiến giải đời thanh xuân vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Không thể khác được. Cái tuổi trẻ dẫu chẳng ai muốn ngông nghênh kia cứ lăn tròn, lăn tròn theo ánh hỏa châu, tiếng đại bác cùng những đêm bụi bờ nằm kích trong màn đen dày đặc. Họ không thể nhàn hạ, không thể thong dong ngắm sao trời, nhẩn nha nhìn những giọt cà phê rơi trong đáy cốc mà lại nốc một cách hối hả.
Nốc cạn cà phê, ném tàn thuốc lá
Mau kịp khởi hành, để kịp giờ G.
... Nhà ai còn đèn, chào nhé ta đi...
... Gặp bạn giữa đường, chửi thề mấy tiếng
Pháo dội rền vang, tiếng nói mất còn...
Nhưng chất ngông nghênh khi nốc mới chỉ là những hành vi ý thức thứ cấp, do thói quen khách quan, không thể có cách hành xử khác hơn. Nhưng một khi chiến tranh ngày càng khốc liệt thì chất ngông nghênh cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Tội lỗi mấy đường ngả bảy ngả năm
Đái trước cửa lầu then cài kín cổng
Cột điện mấy hàng chong đèn lính khổ...
Đọc mấy câu này, tôi chợt nhớ truyện ngắn Bí đái của Kinh Dương Vương trên tập san Văn. Một truyện ngắn độc đáo. Nhưng khi KDV cho nhân vật giải thoát được cái chất lỏng kia ra thì nó cũng chỉ là những vận hành sinh học sau một thời gian dài bị rối loạn trật tự thông thường. Còn ở đây, những anh chàng tóc dài râu ria đứng đái trước cửa có cột điện mấy hàng chong đèn lính khổ rõ ràng sự đái có ý thức hẳn hoi. Tôi không nói đó là sự phản kháng tích cực hay tiêu cực của những người trong cuộc, là sự so kè về những bình an hay bất toàn, chỉ biết những người trốn trại về thành, ngực đỏ chiến thương kia chẳng khi nào có lấy một chút yên bình: thân xác đang ở phố, nhưng một phần của nó, hai tai vẫn phải dỏng lên và nghe xa xa vọng về những tràng nổ chậm. Cái lỗ tai ấy lại điều khiển não bộ, để sau đó phát ra những tín hiệu: chiến tranh còn dài hãy cố ăn chơi. Cái ngạo mạn, khinh bạc ấy có vẻ như thứ vũ khí tự vệ cuối cùng cho các chàng tuổi trẻ?
Nhưng anh đạo đức và đầu cơ chiến tranh lại lên tiếng “ăn chơi kiểu chi mà lọa rứa?”. Không “lọa” sao được khi những người rừng luôn phải di chuyển, luôn bị những mối nguy nan rình rập. Những lần ăn chơi chỉ là những phút giây hi hữu, ít ỏi. Và mỗi lần tạm buông cây súng là mỗi lần những anh chàng lính khổ lại được dịp và hối hả khám phá mọi điều mới mà không lạ ở chốn khói bom chưa bén tới, như cách nói của Đặng Tiến “khám phá trinh tiết mới”. Những chàng tóc dài râu ria của Trần Hoài Thư cũng đang khám phá trinh tiết mới với đôi mắt Tam Quan và nhiều địa danh khác. Có thể, với người khác, da trắng mắt xanh chỉ là mắt trắng da xanh tầm thường, nhưng những con người tóc dài râu ria vừa từ nơi lửa đạn trở về dẫu mắt cô nàng có hơi chột, da cô nàng có hơi đen nhẻm, xám ngắt thì vẫn tỏa ra những nét đẹp dịu dàng, bỡi đơn giản các anh chàng chưa hề nắm giữ ôm ấp ấp nó trong vòng tay, bỡi lính nhiều hơn dân:
Đôi mắt em xanh màu dừa xanh
..Ơi người Tam Quan, da em quá trắng...
...Quận lị tiêu điều lính nhiều hơn dân
Và đó cũng chỉ mới là cái nhìn trong những ngày gieo neo khốn khó, nhưng khi ở xứ người, một nơi chốn bình an thì ông cũng bật rung lên cùng một giọng điệu, cung bậc của kẻ luôn lạc loài, người xa lạ:
Ghé lại Dunki gọi cốc cà phê
Cô hàng mắt xanh nhìn ra ngoài cửa sổ...
Màu mắt xanh kia có gì là khác nhau và da em quá trắng, có chi là mẫu số chung cho những ngắm nhìn trong thoáng chốc, ẩn chứa trong những câu thơ mới thoạt nghe như khẩu ngữ. Khẩu ngữ mà bàng bạc chất thơ, quay quắt trong tâm thức của cô đơn, lạc lõng, khổ đau bất tận...
Nhấp theo từng hớp nhỏ héo hon
Của một người thua trận lưu vong...
Cứ một giọng điệu như vậy, Trần Hoài Thư thả mặc tâm trí trôi đi, giữa hiện tại là quá khứ và trong chốn quá khứ mịt mù khói sương kia là một hiện tại phi hiện tại, là một cuộc sống của mộng, tưởng, có không. Lúc ở Chinatown thì tưởng rằng Chợ Lớn, ngồi ở Ikea mộng về hai ngả, những Cần Thơ, Chương Thiện, Pleiku... trong những ngày rong ruổi biên khu... và đôi khi là những phút dừng chân ngắn ngủi.
Hỏi em, em xa xứ
Hỏi anh, anh xa nhà
Mời em vào quán vắng
Uống thêm màu mây xa...
Tính nhất quán trong Quán của Trần Hoài Thư chính là nỗi cô đơn, mất mát. Ở quê nhà trong thời kỳ đỏ lửa ông là kẻ cô đơn trong một thế hệ cô đơn. Rồi khi tạm trú xứ người, nỗi cô đơn càng bùng vỡ mạnh mẽ hơn, mất mát lớn hơn.
Em nơi nào, ở nơi nào nhỉ
Trời đã giêng rồi, em biết không
Tôi qua Nữu Ước ngày không độ
Gọi cốc cà phê, lạnh nỗi lòng
Lạnh thêm nỗi nhớ trùng trùng
Tìm đâu hương cũ giữa dòng viễn khơi.
31 bài thơ trong Quán, chính là quán đời của Trần Hoài Thư, chính là nỗi cô đơn của ông, là những mất mát năm tháng.
Quán là Trần Hoài Thư.
Trần Hoài Thư là Quán trong suốt hành trình tìm kiếm những bất toàn cho riêng mình./.
(Lập Đông Qúi Sửu 2009)
(*) Quán, Trần Hoài Thư – Thư Ấn Quán xb – Hoa Kỳ 2008