Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.167
 
Vũ Đại làng ta
Nguyễn Chính

Sau lễ tổng kết, được nhận bằng tốt nghiệp loại ưu, kèm theo suất học bổng cao học Anh quốc, thằng Thú phóng như bay về nhà. Nhưng nó khựng lại, không dám ồn ào, khi thấy bố mẹ nó đang chăm chú xem phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Bố nó thì trầm ngâm, còn mẹ nó thỉnh thoảng lại buông một tiếng thở dài. Nó lấy làm lạ. Tưởng gì chứ chuyện Chí Phèo, Thị Nở thì nó đã được đọc, được học từ thời phổ thông. Thị Nở xấu xí, cặp bồ với cha Chí Phèo rạch mặt ăn vạ. Còn cái làng Vũ Đại thì rách nát, có cái lò gạch bỏ hoang, trộm cắp như rươi, suốt đêm chó cắn… Vậy mà sau bữa cơm thịnh soạn, mừng nó đã thành “Trạng nguyên”, tai thằng Thú lại ù đặc, nổ lục bục như có súng bắn, khi nghe bố nó bảo: “ Chúng ta chỉ là bố mẹ nuôi khi con còn đỏ hỏn. Làng Vũ Đại  mới chính là quê cha đất tổ của con đấy…”.

 

Mấy ngày liền thằng Thú như người mất hồn. Nhưng rồi nó cũng tĩnh lại. Đúng rồi, có lần làm hồ sơ nó đã thắc mắc, bố nó là kỹ sư kiến trúc, tên dài đến mấy chữ Nguyễn Bình Thiên Thăng, còn nó sao chỉ vẻn vẹn có hai chữ “Chí Thú”.  Tĩnh lại rồi thì nó lại khao khát về quê, khao khát từng ngày. Bố mẹ nuôi nó bảo, con người ta là vậy, không có nguồn có cội, cây có cao đến mấy cũng chỉ cho quả lép. Con không chê bố mẹ khó, chó không chê chủ nghèo, chẳng ai chọn được đấng sinh thành cho mình…

 

Giờ thì nó đã gần đến cổng làng. Nó đi như chạy. Xe đò từ Hà Nội về đây cũng chỉ vài trăm cây số. Vậy mà với nó, cái sự xa ngái lại phải tính bằng thời gian, dài  đến cả chục ngàn ngày…

 

Cổng làng Vũ Đại không như hình dung của thằng Thú. Cả cái làng Vũ Đại cũng khác xa trong truyện, trong phim. Đường làng rải nhựa, rộng có đến chục mét, xe máy chạy vù vù. Nhà ngói san sát, tua tủa cột ăngten thu hình. Gốc đa cổ thụ mấy trăm tuổi, buông rễ lòng thòng bên cạnh đình làng mới trùng tu. Sân đình lát gạch thẻ, to gấp mấy lần cái sân bóng rổ của Trường Bách khoa. Những cửa hàng lớn, nhỏ hai bên đường bán đủ thứ. Thằng Thú nghĩ, so với thiên hạ, cái làng Vũ Đại của nó cũng chỉ bằng cái lỗ mũi mà sầm uất, khang trang thế này. Lại còn cái chợ ở đầu làng nữa, hoành tráng, không phải phiên chính mà cũng đông đúc, chả kém gì chợ tỉnh…. Và, sau lũy tre cuối làng kia, là mênh mông đồng lúa đang xanh thì con gái.  Trống ngực đánh thình thình, thằng Thú bước thấp, bước cao đi về phía đó. Nó đi tìm cái lò gạch…

 

Nhưng thằng Thú thật sự hoang mang, vì  không thấy bóng dáng một cái lò gạch  nào cả. Trước mặt nó là xanh ngắt màu xanh của lúa, của ngô và những cánh cò chấp chới phía trời xa. Không nản lòng, nó quay về làng hỏi một lão già đang ngồi đan sọt.

- Anh hỏi lò gạch nào ? – Lão già hỏi lại nó.

- Thưa, cái lò gạch của cụ Nam Cao ạ.

- À, à hiểu rồi, hiểu rồi. Cái lò gạch bỏ hoang ấy tiêu rồi con ơi! Cái lò gạch ấy mà còn đến tận bây giờ thì chỉ có mà bỏ mẹ. Chuyện dài lắm, cơ hàn, cơ khổ lắm con ơi!

 

Thằng Thú bị hút ngay vào những câu chuyện ngày xưa, ngày nay, thời này, thời nọ của lão già đan sọt. Không ngờ ngót một thế kỷ qua, cái làng Vũ Đại bé bằng cái lỗ mũi này của nó, đã từng phải trải qua bao nhiêu là sóng gió, bão giông. Vì thiên nhiên cũng có, vì bị bọn này, bọn kia xúi dại cũng có. Cái làng có con sông Vàng chảy quanh, đồng xanh cánh cò mê mải, chiều chiều ngân nga tiếng chuông chùa… thanh bình yên ả là thế. Vậy mà có thời đói vàng con  mắt, quần áo người lớn trẻ con rách như tổ đỉa. Nhưng vẫn lạc quan tếu, bừng bừng sát khí, trống giong cờ mở như một lũ điên… Lão già đan sọt bỗng đột ngột hỏi :

- Mà anh tìm cái lò gạch hoang ấy làm gì? Cả cái làng này bây giờ đều xây bằng gạch  tuynen xịn, gạch đóng bằng tay, nung lò kiểu cũ, vứt!

- Vậy, thưa… ?

- Chỗ cái lò gạch hoang thời cụ Nam Cao, bây giờ là nhà máy gạch ở phía bên kia bờ sông. Xe các nơi về mua gạch, chở kìn kìn, dễ tìm lắm, sang sông là thấy ngay.

Đến nơi, đập ngay vào mắt thằng Thú là tấm biển to tướng, với dòng chữ rất kiểu cách: Doanh nghiệp tư nhân “ NHÀ MÁY GẠCH TUYNEN VŨ ĐẠI ”, có cả số điện thoại , số fax và địa chỉ  email. Đứng trước cổng bảo vệ, thằng Thú như gà mắc tóc. Nó lúng túng, không biết phải bắt đầu từ cái gì, bắt đầu từ ai. Thấy vậy, một người đàn ông sùm sụp trên đầu cái mũ cối, nai nịt gọn gàng ở phòng bảo vệ bước ra :

- Ê, có gì không chú em? Đến xin việc hả?

- Thưa bác, cháu muốn hỏi thăm…

- Hỏi gì, có giấy tờ không ?

 

Rồi vẫn cái mũ cối sùm sụp trên đầu, ông ta lật trước, lật sau cái chứng minh thư nhân dân của Thú. Chừng như đã yên tâm, ông ta ôn tồn bảo :

- Được rồi, muốn gì vào gặp giám đốc.

- Nhưng cháu chỉ muốn hỏi…

- Hỏi gì thì cũng chỉ giám đốc mới giả nhời được, nguyên tắc rồi, để tôi cho người dẫn chú em vào.

 

Trong căn phòng rộng, máy điều hòa mát lạnh, vị giám đốc dáng cao, gầy, khuôn mặt nhăn nhúm, nhưng đôi mắt vẫn toát lên vẻ láu lỉnh, tinh anh, nên rất khó đoán tuổi. Trong bộ comlê, cà vạt chỉnh tề, với cây batoong i-nốc sáng loáng trong tay, ông ta  đang đi đi, lại lại, có lẽ đang mải suy nghĩ chuyện gì đó. Chỉ ghế mời khách ngồi, ông ta nói ngay:

- Sắp quá trưa rồi, cậu cứ nói vắn tắt, học ngành gì , bằng cấp ra sao, quê quán, bố mẹ ở đâu, muốn xin vào bộ phận nào…

 

Thằng Thú nói ngay mục đích của mình và chỉ xin giám đốc nhà máy khoảng mươi phút. Mặt vị giám đốc già nghệt ra khi nghe nó thủ thỉ. Ông ta gật gù nhìn nó từ đầu đến chân, thằng bé cao to, tuấn tú, dáng rất trí thức. Thật không ngờ, Chí Phèo-Thị Nở chúng nó lại còn có cả con nữa mới sướng chứ. Này! Mà tên cậu là… là Chí Thú  hả ? Hay, hay thật, đã, đã thật… ha … ha…

Rồi ông ta bốc điện thoại gọi đầu bếp của nhà máy lên, ghé vào tai anh ta nói gì đó.  Sau đó lại bốc điện thoại bấm tiếp, giọng sang sảng :

- Nói tổ trưởng bảo vệ và phụ trách tạp vụ lên phòng tôi ngay nhé.

 

Thằng Thú mặt tái mét, chưa kịp hiểu chuyện gì, thì đã thấy ông bảo vệ ban nãy, cùng một người đàn bà đã luống tuổi, cứng ngắc trong bộ đồ bảo hộ lao động, tướng đàn ông, khuôn mặt cũng đàn ông, có vẻ hơi  man man, nhưng trông rất hiền lành, chất phác,  bước vào:

- Thưa, cụ giám đốc cho gọi chúng tôi ạ?

- Đúng rồi! Vui, vui lắm! Ta gửi anh chàng kỹ sư bằng đỏ này về nghỉ nhà các người, phải chu đáo đấy nhé.

- Thưa cụ, phòng khách của nhà máy vẫn còn chỗ, sao không… ?

- Sao, giăng cái gì. Các người có nghe không thì bảo…

Còn lại một mình, lão giám đốc già tiếp tục chống batoong đi  đi, lại lại.  Miệng lẩm bẩm, lẩm bẩm. Cái đầu gật gù, gật gù… Có tiếng gõ cửa, người đầu bếp bước vào:

- Nhừ rồi! Thưa cụ giám đốc. Cháo trắng! Đúng như cụ dặn.

Nhưng mà anh phải nhớ cho nhiều hành vào, rồi mang ngay xuống nhà thằng Chí Phèo, bảo của cụ Bá gửi. Hì, hì… chúng nó nhận ra nhau ngay ấy mà.

 

Giờ thì giám đốc Bá Kiến ( Vâng! Đích thị là Bá Kiến) đã ngồi xuống ghế, hai tay chống batoong, đôi mắt lim dim, cái đầu gật gật : “Cái thằng Chí Phèo một thời đầu óc u mê, nghe xúi bậy mà thương tích đầy mình, cả đời mang sẹo. Còn con mẹ Thị Nở cứ bảo nó đần đần, man man, thấy bụng ễnh ra thì nghĩ đến cái lò gạch hoang, nhưng khi đẻ lại biết mang con cho tận Hà Nội. Hay! Khá! Bây giờ thì  nó khá, con nó khá, cả dòng giống nhà nó khá… bố thằng nào xúi  dại, bắt nạt được nữa… ”.

 

Bá Kiến mở toang cửa bước ra ngoài sân, vung batoong hít thở khí trời. Lũ ve cuối mùa từ rặng cây xà cừ cổ thụ cứ tấu mãi, tấu mãi cái bản nhạc cũ mèm, ran lên, ran lên từng đợt, nghe mà phát chán. Nhưng khó lắm rồi. Bọn ve sầu láu cá không dễ gì lại một lần nữa ru được làng Vũ Đại chìm vào giấc ngủ trưa…/.

 

Nha Trang 1- 4 - 2007

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 2126
Ngày đăng: 02.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tình kẻ xa xứ - Phan Bích Thủy
Bà già khòm - Mang Viên Long
Ngân phiếu trắng - Lâm Hà
Hành trình đêm giao thừa - Khải Nguyên
Đom đóm núi - Bạch Lê Quang
Những người muôn năm cũ - Đỗ Ngọc Thạch
Tình yêu lầu trên lầu dưới - Đỗ Mai Quyên
Nhân chứng - Phạm Thanh Phúc
Chúc ban mai tốt lành - Lê Trâm
Tĩnh vật - Khải Nguyên