Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.816
 
Đồng vọng Đà Sơn
Văn Thành Lê

Cũng phải gần nửa thế kỷ rồi, tiếng trống khai hội mới có dịp làm xốn xang con tim của những người cao niên làng Đà Sơn. Xưa, tiếng trống đã mở ra một trong những trang đời tươi đẹp cho nam thanh nữ tú trong làng mà không ít người đã thành đôi thành lứa sau những cuộc thi thố tài năng ở những hội hè đình đám. Giờ đây, bên ngôi đình mới, tiếng trống vẫn chưa hề có tuổi, còn lớp người xưa thì đã lên lão cùng với ký ức một thời vang bóng về một làng quê nằm dưới chân núi Phước Tường.

Hư thực chuyện xưa

Đầu tháng ba âm lịch, về thăm Đà Sơn, nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, có dịp bắt chuyện với các cụ cao niên trong làng, bỗng tìm thấy ở nơi cách không xa quốc lộ 1A đầy náo động này những câu chuyện xưa được cất giấu như những vỉa quặng lịch sử - văn hóa trầm tích sau hơn 660 năm hình thành và phát triển của vùng đất được xem là cái nôi của cư dân đất Hóa Châu xưa và Đà Nẵng – Quảng Nam ngày nay.

Lần lại những trang chính sử, biết rằng năm 1306, khi vua Chiêm là Chế Mân dâng châu Ô, châu Rí làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân nhà Trần, biên giới phía Nam của Đại Việt đã kéo dài đến vùng đất ngày nay là Quảng Nam. Còn gia phả tộc Phan làng Đà Sơn thì chép rằng, 40 năm sau đó, năm 1346 (Thiệu Phong thứ 6, triều Trần Dụ Tông), Phò mã Phan Công Thiên cùng Công chúa Trần Ngọc Lãng (con gái vua Trần Thuận Tông) vâng lệnh vua vào cai quản 13 châu phía Nam đèo Hải Vân. Cùng đi còn có 3 vị các họ Nguyễn, Kiều, Đỗ, tất cả chọn vùng đất dưới chân núi Phước Tường để khai canh, khai cư, mở đầu công cuộc Nam tiến của các triều đại phong kiến sau đó.

Buổi đầu, vùng đất mới này được gọi là động Trà Na, kéo dài từ sông Cu Đê đến sông Cẩm Lệ ngày nay; về sau, mới đổi thành làng Đà Sơn. Các vị tiền nhân nơi này đã xây dựng tại đây một trung tâm kinh tế phồn thịnh, một căn cứ quân sự để ngăn ngừa tham vọng bành trướng của quân Mông Cổ thời đó muốn mượn đất Champa làm bàn đạp đánh Đại Việt. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tổ chức Hội làng Đà Sơn đưa ra những phát hiện ngoài thực địa để minh chứng điều này. Mới đây, khi đào móng xây mới lại chùa Tịnh Quang, công nhân đã phát hiện những sợi xích và mỏ neo rất lớn. Còn những mương, khe của Đà Sơn nguyên là những con sông đan xen với những rặng rừng già tạo thành căn cứ hải quân của nhà Trần, đủ sức ra khơi ngăn chặn tàu thuyền của quân địch.

Những câu chuyện đan xen giữa hư và thực đã góp phần làm nên một Đà Sơn lấp lánh vẻ đẹp của huyền thoại. Chuyện kể rằng, ngày nọ, trong lúc đang bắt ốc ở khe Mương Nhàn - nơi giáp ranh giữa Đà Sơn và Khánh Sơn ngày nay, một người phụ nữ chợt phát hiện ra một chiếc chuông ẩn dưới lớp bùn. Chuông được các cụ cất giấu để tránh sự trưng thu đúc súng đạn của triều Tây Sơn. Được tin báo, làng Khánh Sơn bèn cử tráng đinh đến khiêng về, nhưng không tài nào nhấc chuông lên nổi. Làng Đà Sơn láng giềng nghĩ rằng có khi đó là báu vật trời dành riêng cho làng mình cũng nên, liền cử người đi ngay. Đến nơi, các tráng đinh Đà Sơn thiết lễ giữa thinh không, nguyện nếu thỉnh được chuông sẽ lập chùa thờ phụng chu đáo. Lạ thay, lúc tất cả ghé vai vào đòn, chiếc chuông từ từ được nhấc lên khỏi lớp bùn dưới khe. Đi đến gần nhà thờ chư phái tộc, dây đứt, chuông rơi, dân làng cho rằng chuông tỏ ý muốn ở lại nơi này, bèn cho lập một ngôi chùa làng ngay tại đó để bốn mùa hương khói.

Những năm 40 thế kỷ trước, chùa bị thực dân Pháp đốt phá, về sau mới lập chùa mới, lấy tên là chùa Long Sơn cho đến bây giờ. Hiện nay, chiếc chuông xưa vẫn còn đặt ở chùa với hàng chữ Cảnh Hưng năm thứ 11, đây là niên hiệu vua Lê Hiển Tông (1740-1786), hơn 250 năm qua sớm chiều vang vọng thanh âm hoài cổ.

Thương tâm chuyện “Đình nát, làng tan”

Cũng như bao ngôi đình khác của những vùng đất mới trên đường mở cõi về phương Nam, đình Đà Sơn cũng một thời sơ khai được dựng tạm bằng tranh tre nứa lá. Chỉ đến khi được dựng khang trang hơn bằng tường gạch, mái ngói, đình mới được chính thức đi vào gia phả các họ tộc trong làng, đó là thế kỷ 17, dưới triều Lê Thần Tông (1619-1643), nhằm thờ phụng các đấng anh linh, những vị tướng giỏi, các bậc hiền tài đã có công dựng nước và giữ nước. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo mà lần trùng tu cuối cùng là vào năm Duy Tân thứ nhất, 1907, đình hẳn không còn giữ được nguyên trạng như ban đầu.  

Đến năm 1963, đình bị hư hoại trầm trọng, không còn đủ sức chống đỡ với thời gian. Lúc đó, do quá khó khăn, làng đã cho cắt bớt hai gian hai bên, biến ngôi đình uy nghi ngũ gian tứ vị xuống còn tam gian nhị vị. Chú biết không, theo ông bà mình thì “Vườn nới, đình thu” là điều tối kỵ trong phong thủy, biết rứa mà phải bấm bụng thu đình – cụ chánh bái Phan Văn Tá phân trần. Từ đó, một số chuyện không hay đã xảy ra trong làng lúc bấy giờ như các vị khoa bảng trong làng cứ vơi dần, việc học hành, đỗ đạt của con em không được như trước...

Đến năm 2005 thì đình đổ gần hết, chỉ còn những hàng cột đường kính gần 40cm kiên trì chống chọi với sức nặng của mái ngói. Tôi đã từng mục sở thị những chi tiết trang trí trên các đầu hồi rơi gần hết, trơ trụi những chiếc đĩa cổ sứt mẻ. Trong nhà kho, hai con mắt như thường thấy ở nhà cổ Hội An, một chiếc mõ lớn dùng trong lễ “tống ôn binh” ra ngoài biển đã gần hết chất gỗ. Về mặt tâm linh, người xưa bảo “đình nát, làng tan”, nhìn thấy đình mỗi ngày qua là lụi tàn thêm một chút, dân làng chỉ biết đau xót trong dạ, cuộc sống còn nghèo nên lực bất tòng tâm. Cái từ “nát”, theo lời các cụ, còn có thêm một nghĩa nữa, là không còn chỗ tụ họp để truyền lại cái hay, cái đẹp của cha ông cho con cháu.

Các vị cao niên trăn trở từng đêm vì ước nguyện bao đời vẫn chưa thực hiện được. Cụ Phan Văn Ích bộc bạch, lứa tuổi các cụ như ngọn đèn trước gió, từng chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, từng nằm gai nếm mật để mong cho đất nước hòa bình. Nhưng mong ước gần gũi nhất là khao khát phục hồi ngôi đình xưa để có nơi kính ngưỡng vị Thành hoàng Bổn xứ, có nơi để dân làng sinh hoạt văn hóa, nhất là phục hồi một di tích lịch sử - văn hóa để nhắc nhở con cháu mai sau về cội nguồn, gốc tích của mình. 

Như một giọt nước tràn ly, cơn bão số 6 năm 2006 đã xô một cái làm đổ khuỵu ngôi đình già cỗi. Tan hoang một cõi, dân làng nào mà không cảm thấy tim mình như có gì nghèn nghẹn? Lúc đó, tuy cả làng lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn với hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ, và chừng đó hộ dân vẫn còn chịu cảnh màn trời chiếu đất, nhưng ai cũng sẵn lòng góp công, góp của để sớm khôi phục nơi được xem là thiêng liêng nhất của làng. Những hồ sơ, thủ tục khôi phục đình đã “được” cơn bão có tên là Xangsane chết người đó thúc giục nhanh hơn.

10 năm cho sự hồi sinh của một ngôi đình, tuy có chậm thật, nhưng muộn vẫn còn hơn không. 10 năm đủ cho một cái cây kết quả, nhưng lại dư thừa sự mỏi mòn đối với những người mà cuộc đời đã dần xế bóng: “Thấy được cái đình mới thì có nằm xuống cũng yên tâm”. Từ giữa năm 2007 trở đi, ngôi đình tọa lạc trên khu đất gần hai nghìn mét vuông ấy được khởi công trùng tu, trả lại những giá trị nhân văn cho một vùng đất. 5 tháng thi công với gần một tỷ đồng, kinh phí hoàn toàn do Trung ương và thành phố hỗ trợ, thật trong mơ cũng chẳng thấy.

Lại được dịp nổi đình nổi đám

Dầu ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Đối với dân làng Đà Sơn, mồng mười tháng ba âm lịch hằng năm, ngoài lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, còn là ngày con dân các họ tộc trong làng quy tụ về đình làng để dâng nén hương tưởng nhớ nước nguồn cây cội. Năm nay, dân làng Đà Sơn quay về đình làng với niềm vui “ba trong một”: Giỗ Tổ Hùng Vương, khánh thành đình và Lễ hội Thành hoàng Bổn xứ.

Giờ đây, ngước nhìn những lân, long, quy, phụng trên mái đình rực màu trong nắng, người dân ngậm ngùi nhớ lại một thời những linh vật trong truyền thuyết Á Đông này đã phải tạm lánh ở một nơi nào đó, chờ khi mái đình tươi lại màu ngói âm dương mới yên bình quay về xênh xang trong sắc áo mới. Những hội hè năm xưa một thời phải gác lại vì thăng trầm thời cuộc, vì đổ nát mái đình, nay đã có cơ hội hồi sinh từ trong lòng người ra đến ngoài đời thực. Từ khi đón Tết cổ truyền Mậu Tý, các họ tộc trong làng đã bàn nhau tổ chức một hội làng xứng tầm với ngôi đình mới sau những năm tháng khắc khoải đợi chờ.

Sau gần nửa thế kỷ, các cụ cao niên mới thấy lại cảnh rước sắc từ Nhà thờ 12 Chư phái tộc về đình. Tôi hòa mình cùng đoàn người rồng rắn đi qua đường làng, có cảm giác như một người dân Đà Sơn thực thụ. Tuy giờ đây đường đã được trải bê-tông hay thảm nhựa qua quá trình đô thị hóa nhưng cái đám rước của làng quê xưa này vẫn làm dấy lên trong lòng người những xúc cảm đầy tự tình quê hương, bản quán. Cầu an, Tế Thổ thần, Cúng Thành hoàng... giới trẻ thì làm sao mà biết hết ý nghĩa, cách bài trí lễ phẩm cũng như các bước tiến hành của từng nghi lễ. Chiếc mõ “tống ôn binh” trong các Lễ tế Thổ thần giờ chỉ còn là một hiện vật bên cạnh những hiện vật khác còn giữ được sau khi đình cũ bị hư hoại hoàn toàn. Âm thanh của mõ đã hoàn toàn lịm tắt, mà giờ cũng chẳng còn mấy ai quan tâm đến chuyện ngày trước người ta vừa gõ mõ, vừa rước những chiếc thuyền bằng thân chuối trên đó đặt các lễ phẩm ra đến mé sông rồi thả chúng trôi giạt ra biển, theo các cụ là để “tống ôn binh ra hải ngoại”.

Đêm “văn hóa ẩm thực địa phương”, dân làng đổ xô đến các gian hàng khi chưa đến giờ khai mạc. Các cô, các chị trong làng có dịp khoe cái ngon, cái đẹp của những món ăn, thức uống dân gian được lưu truyền từ bao thế hệ trước. Dấu tích cơ cực của những ngày đầu khai phá vùng đất nằm dưới chân núi Phước Tường đã được lưu giữ qua một số loại bánh lạ chẳng nơi nào có được. Lâu nay, thường nghe nói đến bánh ít lá gai, thế mà ở Đà Sơn có một loại bánh ít làm bằng sắn - một loại cây lương thực chủ yếu ở những vùng đất nông nghiệp tưới bằng nước trời. Cũng từ củ sắn, dân làng đã “sáng chế” ra một loại bánh khác gọi là tu huýt, nhào nhuyễn bột sắn, dùng đũa ngoáy tròn vào bột thành hình cái tu huýt, nhúng vào nồi nước sôi một lát cho chín rồi ăn với nước mắm. Anh Nguyễn Xuân Phú, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội làng Đà Sơn bộc bạch: Thời cơ cực đã qua, giờ thì không ai dùng các loại bánh xưa ấy nữa, nhưng mỗi khi đến hội làng lại bày ra để giữ lấy cội nguồn.

Khai mạc hội làng, sau phần múa lân chào mừng, nam phụ lão ấu trong làng đổ xô về những nơi sắp sửa diễn ra các trò dân gian, nôn nao chờ đợi. Nếu cuộc thi “bịt mắt nấu cơm” đầy khói lửa là một thử thách với các đôi nam thanh nữ tú trong làng thì trò “bịt mắt bắt vịt” cũng diễn ra hào hứng không kém. Nhưng, gay cấn, hấp dẫn, hồi hộp nhất vẫn là trò “cạp bánh tráng trước gió”. Được anh con trai cõng trên vai, cô gái gắng sức dùng miệng cạp bánh tráng trong lúc gió đồng từng cơn thổi tung chiếc bánh được treo lủng lẳng trên sợi dây mảnh. Nổi đình nổi đám qua những trò dân gian là tiếng la hét, cỗ vũ của khán giả. Lâu thật lâu, dân làng mới có một ngày hội thật ra trò. Các nơi người ta đã tổ chức hội làng lâu rồi, mình mới lần đầu mà không vui thì còn ra thể thống gì – cụ Phan Văn Tá không giấu được niềm vui.

Giữa súng lục và đại bác

Hai đêm liền, tiếng trống tuồng lại có dịp nhặt khoan bên hiên đình. Ông Bảy Phùng từ làng Phước Lý, phường Hòa Minh, lặn lội lên ngồi vào một trong hai chiếc ghế dành cho người cầm chầu. Đêm đầu, đoàn tuồng hát vở “Người con hiếu thảo”, các cụ bảo: Được đó, sau mấy chục năm không hát, chừ mới hát lại mà cái tuồng có tên gọi như thế là tốt quá rồi, coi như con cháu dâng trọn niềm ngay thảo với tiên tổ. Còn ông Bảy Phùng thì thưởng chầu đến mỏi cả tay, ra chiều thích thú lắm. Ông nhớ lại cái thời thơ ấu, không đêm nào nghe tin Đà Sơn có hát tuồng, hồi đó gọi là hát bội, mà không băng đồng sang cho bằng được.

Những người con Đà Sơn xa xứ rủ nhau về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, viếng tổ tiên, dự hội làng, xem hát tuồng... cảm thấy tình quê vẫn vẹn nguyên trong huyết quản. Kẻ xa người gần, tất cả đều chung công góp của làm lại sân đình, dựng tường rào cổng ngõ, xây lại miếu thờ Thần Nông, xây nhà trù... Có người đã ngoại bát tuần như bà quả phụ Phan Văn Kiểm, nhủ danh Bùi Nguyễn Thị Hồng Sâm đã phụng cúng một bộ lư đồng và một bức bình phòng trị giá hai mươi lăm triệu đồng. Có người đến từ xa như chị Lê Thị Thu Nga ở phường Nam Dương, quận Hải Châu, đã hiến cúng hai mươi mốt triệu đồng để làng trả các khoản bội chi trong xây dựng.

 Hôm đó, trong đình tràn ngập hương hoa, lễ phẩm, hoành phi, câu đối... của các làng bạn, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn, nhất là Chư phái tộc trong làng. Nửa thế kỷ qua, Đà Sơn mới có một ngày vui đến vậy. Khi chiêng trống cất lên, học trò lễ nghiêm trang đi từng bước bên các cụ chánh bái, bồi bái, dâng lên tiền nhân lòng tri ân tôn kính. Trong ánh nến lung linh, giữa nền nhạc bát âm dìu dặt, người xưa chừng như hiện diện đâu đây để chứng chiếu tấm lòng thơm thảo của con cháu. Giờ phút thiêng liêng này đánh dấu một sự kiện mà người dân Đà Sơn mòn mỏi trông chờ mấy chục năm mới thành hiện thực: Đình làng đã được đại trùng tu. Sự kiện trọng đại này ghi nhận giá trị lịch sử - văn hóa của một vùng đất mà Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) và UBND thành phố Đà Nẵng đã thể hiện qua việc hỗ trợ hoàn toàn kinh phí.

Chiều chiều nghe trống Đà Sơn/ Nghe chuông Trà Kiệu, nghe đờn Miếu Bông. Có thể những sắc phong xưa sẽ không còn trụ được với thời gian, nhưng những gì đã được chép trong dân gian thì vẫn mãi lưu chuyển một sức sống. Trong cái ngày quan trọng đó, cụ Phan Văn Ích đã chỉ ra những đặc điểm của làng Đà Sơn mà không phải nơi nào cũng có được: Đình làng không thờ Tiền hiền mà thờ Thành hoàng Bổn xứ; bốn vị Tiền hiền Phan, Nguyễn, Kiều, Đỗ đều được sắc phong của triều đình xưa; Đà Sơn là làng cổ nhất tính từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào, còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nhiều di tích lịch sử - văn hóa.

Về Đà Sơn, thăm đình làng, viếng mộ Phan Công Thiên, ghé chùa Long Sơn ngắm chiếc chuông có tuổi đời hơn 250 năm... quãng thời gian tính bằng thế kỷ chừng như bàng bạc đâu đó bên những di tích đã và chưa được xếp hạng, lặng lẽ lắng vào lòng người những trầm tích cổ xưa. Ra về, chợt bần thần khi nhớ đến phát ngôn nổi tiếng của Abutaliv, nhà thơ xứ Daghestand vùng Trung Á: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!”. Miền đất này như một vỉa quặng để ngõ, và không ai biết nó sẽ hứa hẹn những bất ngờ, lý thú gì, vì mọi việc hãy còn ở phía trước... /.

Lễ hội Thành hoàng làng Đà Sơn, 10-3 Mậu Tý.

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2209
Ngày đăng: 04.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê
Nửa nghìn năm trầm tích - Văn Thành Lê
Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều - Văn Thành Lê
Hoa cỏ dại - Nguyễn Chính
Khúc tráng ca mù u - Văn Thành Lê