Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.616
 
Nơi đầu sông Sré Pok
Văn Thành Lê

Từ Buôn Đôn, sông Sré Pok chảy ngược về hướng Tây qua Kampuchia, đổ xuống Biển Hồ rồi xuôi ra biển Đông qua cửa Cửu Long của Việt Nam. Đến nơi đầu sông này, khách sẽ nghe những câu chuyện kể nửa hư nửa thực nhuốm màu cổ tích giữa mông mênh núi rừng, sông suối...

Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột 42km về phía Tây Bắc, có những cánh rừng khộp trùng điệp, là quê hương của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Ê-đê, Gia Rai, M’Nông, đặc biệt là nơi cư trú của một bộ phận người Lào. Ngày trước, sau khi tiến hành xâm lược và bình định được vùng Tây Nguyên, đầu năm 1899, thực dân Pháp thành lập tỉnh Dak Lak tự trị, đặt lỵ sở tại Bản Đôn (gọi Bản Đôn, vì nơi đây có người Lào sinh sống), 5 năm sau mới chuyển về Buôn Ma Thuột. Bên cạnh các địa danh nổi tiếng như Vườn Quốc gia Yok Đôn, hồ Dak Min, rừng khộp Cư Min, Khu nhà mồ và Lăng mộ Vua săn voi Khunsunop, cầu treo vượt sông Sré Pok... Buôn Đôn còn làm du khách ngạc nhiên với ngôi nhà sàn cổ có niên đại hơn 1 thế kỷ nằm ẩn mình giữa những hàng cây bên bờ sông Sré Pok ở Bản Đôn.

Bun Đông là cháu ngoại đời thứ 6 (mẫu hệ) của Vua săn voi Khunsunop. Cụ ngoại anh 18 tuổi qua Việt Nam, 24 tuổi làm nghề săn bắt voi rừng, đến khi bắt được 18 con thì làm nhà. Ngôi nhà hoàn thành vào ngày 19-2-1885, sau hơn 16 tháng thi công. Để làm nhà, cụ ngoại anh phải huy động 18 con voi khai thác và kéo gỗ, 14 thợ lành nghề do một nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào là Tha Vi Vông Khăm Sao làm thợ cả, sử dụng 7,5m3 gỗ cà chít thành khí để đẽo 8.726 miếng “ngói” có quy cách trung bình 2x12x25cm. Cụ ngoại anh phải đổi hết 12 con voi có cặp ngà dài để trả toàn bộ công xây dựng nhà (Bun Đông cho biết hiện nay, mỗi con voi đực lớn giá khoảng 60-70 triệu đồng, chưa tính cặp ngà). Riêng lễ cúng mừng nhà mới, Bun Đông nghe nói đã hạ hết 22 con trâu.

Ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất Bản Đôn này được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ từ sàn nhà đến mái lợp theo kiến trúc chùa tháp của phong tục Lào – Thái, gồm 3 gian, 2 mái chóp nhọn, tạo nên nét kiến trúc độc đáo duy nhất ở Việt Nam. Năm 1929, sau một lần hỏa hoạn làm cháy các nhà chung quanh, ngôi nhà đã được di dời cách chỗ cũ 1 km. Năm 1954, cây me cạnh nhà bị đổ làm sập một gian bên trái, tiếp đến chiến tranh đã tước dần đi vẻ vững chãi của căn nhà cổ. Hiện nay, trong nhà cổ còn trưng bày nhiều hiện vật như bộ dụng cụ bắt và thuần dưỡng voi con bằng da trâu, tù và báo hiệu bắt được voi khi đến bìa rừng. Kỷ vật còn lại duy nhất của ông Tổ Khunsunop, người khai sinh ra nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn là một chiếc mâm đồng dùng để cúng voi nhà mỗi khi xuất quân đi bắt voi rừng và cúng voi con mới bắt về trong thủ tục nhập buôn, mâm được đưa từ Lào qua Việt Nam từ năm 1859. Ngoài ra, Ngao Tẹt Xạng – Tak Tôk M’Rok, có nghĩa là Kiếm hộ mệnh do vua Bảo Đại tặng cho Ama Pợ Pho Khăm Súc - cháu rể của Vua săn voi Khunsunop - khi ông tháp tùng cùng nhà vua đi săn ở khu rừng Mê Vạn (nay thuộc huyện Cư M’Gar). Đây là báu vật tượng trưng quyền lực vua ban khi Ama Pợ Pho Khăm Súc được phong là Tù trưởng Sắc tộc Cao nguyên với quyền lực cao nhất lúc bấy giờ. Năm 1942, trong một lần săn voi, gặp con voi quá dữ tợn quay lại tấn công, Ama buộc phải rút kiếm ra chiến đấu chống lại, chẳng may nhát kiếm chém vào ngà voi, làm mẻ mất 1/3 kiếm. Về sau, con trai út của Ama tặng kiếm lại cho nhà cổ.

Mái nhà lợp bằng “ngói” gỗ nên mùa hè thì co lại, mát rượi cả không gian; mùa mưa dãn nở ra, giữ ấm cho nhà. Đến Bản Đôn, khách như bị cuốn vào những chuyện kể như hư như thực từ Vua săn voi cho đến nét độc đáo của nhà cổ. Vì thế, không ít người - Tây có, ta có - mong muốn nghỉ lại một đêm ở ngôi nhà cổ này để có thể cảm nhận một điều gì đó giữa mông mênh núi rừng, sông suối. Sau khi cưỡi lên mình những chú voi đi loanh quanh một lát để lắc lư theo giai điệu bài hát “Những chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, khách có thể xuống bến sông để có thể phân biệt được cái cảm giác chòng chành khi cưỡi voi và lúc bơi thuyền độc mộc. Vượt qua dòng Sré Pok thơ mộng đến đảo Ai Nô bằng chiếc cầu treo dài hơn 200 mét, có cảm giác như lạc vào một chốn thiên thai nào đó. Nước tuôn mình dưới chân, cây che mát trên đầu, cầu treo chao nghiêng trên độ cao chóng mặt tạo nên một cảm giác thích thú xen lẫn sợ hãi.

Tối đến, khách có thể quây quần trên sàn nhà cổ, cùng thưởng thức hương vị rượu cần và những món ăn đặc sản của Bản Đôn. Sông Sré Pok cho ba loại cá quý là cá mõm trâu, cá sọc dưa và cá đuối nước ngọt, đều được liệt vào hàng đặc sản. Mõm trâu, gọi theo đồng bào dân tộc có vẻ hơi dân dã một chút, nhưng món canh chua nấu loại đặc sản này với một số lá rừng Buôn Đôn thì không chê vào đâu được. Có lẽ xuất phát từ “món ngon nhớ đời” của loài cá hiếm này mà người Kinh đã gọi nó một cách “quý tộc” là cá anh vũ. Nửa khuya, khi ánh trăng dòm nghiêng qua cửa sổ, hồi tưởng những gì mà cậu chủ nhỏ kể lại buổi chiều, khách có thể hình dung ra cảnh tượng cao cả, hoành tráng của những buổi săn voi giữa Tây Nguyên hùng vĩ. Vẳng trong tiếng sông, tiếng suối lảnh lót giữa đêm khuya, chừng như có tiếng tù và gọi khách ra bìa rừng đón voi mới về bản...

Sẽ là thiếu sót nếu kể về nhà cổ bên dòng sông Sré Pok mà không nói đến... rượu Ama Công. Ama Công là ông ngoại của Bun Đông, từng nổi tiếng là Dũng sĩ săn voi số 1 của Tây Nguyên. Từ năm 14 tuổi, cuộc sống của Ama Công đã gắn liền với núi rừng hoang dã bằng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi. Nếu cụ Tổ Khunsunop cả đời bắt được 444 con voi thì hậu duệ Ama Công cũng đạt được một con số đáng nể - 300 con voi. Tuy năm nay đã 93 tuổi, nhưng Ama Công vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Ngày trước, để thích nghi với môi trường thiên nhiên, tăng thêm sức lực cho những cuộc săn bắt voi rừng, ông đã tìm ra một loại thuốc từ một loại cây rừng có tên là Trơng hàng nghìn tuổi ở vùng Buôn Đôn. Lá Trơng cùng với một vài vị thảo dược khác được ông ngâm với rượu nếp theo phương pháp cổ truyền, trị được bệnh đau dây thần kinh, kém ăn, mất ngủ, rất hiệu quả đối với quý ông. Hương thơm dìu dịu của cây rừng, vị ngọt thanh thanh của thảo dược cùng với hơi cay nồng của men rượu nếp sẽ để lại cho khách một cảm giác say êm thật khó nguôi quên. Hiện nay, loại rượu thuốc có tên là Rượu Ama Công này được Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đưa vào một trong những đặc sản địa phương khi giới thiệu với khách. Riêng tại ngôi nhà cổ Bản Đôn (hiện do người con gái đầu của Ama Công là Mẹ Lĩnh  quản lý), rượu được giới thiệu như một gia sản của truyền thống họ tộc.

Di tích danh lam thắng cảnh Buôn Đôn kéo dài từ thác Bảy Nhánh đến xã Krông Ana. Các dân tộc anh em đã đóng góp vào truyền thống văn hóa - lịch sử của mảnh đất nơi đầu sông này bằng nét đặc trưng riêng của dân tộc mình. Riêng dân tộc Lào, họ tự hào có một vị Tổ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, một ngôi nhà cổ 120 năm tuổi. Một phi vật thể, một vật thể, cả hai đều góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc../.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 568)

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 3253
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê
Nửa nghìn năm trầm tích - Văn Thành Lê
Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều - Văn Thành Lê
Hoa cỏ dại - Nguyễn Chính