Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.616
 
Sợ
Ngô Nhật Lê

“Cứu… cứu… cứu…”

Tiếng kêu chấn động buổi trưa yên tĩnh của làng quê trung du bé nhỏ. Giật mình, những người già nhìn ra sân, tặc lưỡi.  Lũ trẻ láo nháo bổ ra đường, chỉ trỏ hò hét Lũ chó được dịp inh ỏi sủa. Hắn chạy, tóc tai rối, mặt mày lấm lét. Phía sau, một ả nạ dòng, tay cầm con dao to tướng, miệng quang quác chửi!

 

*

 

Cả cái xóm Trại này chẳng còn ai lạ gì gia đình ả. Thuở son sắc, ả cũng được coi là hoa khôi xóm. Lại biết hát hỏng dăm bài dân ca nên nhiều chàng để mắt tán tỉnh, nhưng bụt nhà không thiêng. Đơn vị hắn đóng quân gần đó. Quân với dân như cá với nước. Hắn cũng là tay văn nghệ, biết chơi đàn guitare nên chỉ gặp nhau trong vài buổi giao lưu với địa phương, cả hai đều bị ái tình sét nổ. Trai yêu bằng mắt, gái yêu bằng lổ tai. Hắn vừa cao ráo điển trai thêm giọng hát ngọt ngào nên không chỉ làm xiêu lòng mỗi ả. Bao nhiêu cô gái làng chèo kéo hắn . Biết thế nên từ đầu, ả  đã tìm cách xoắn xít hắn không rời gang tấc. Mặc người làng dòm ngó, ả luôn tìm dịp kề vai cọ má, chứng minh với tất cả rằng, hắn đã là người của mình.

 

Lúc đầu, hắn ngài ngại cái bạo dạn của ả, nhưng rồi không cưỡng lại được luồng hơi thở nóng rực thơm phức luôn kề sau gáy và lòng thì cứ lâng lâng khi ả thủ thỉ mất ngọt. . Nụ hôn của ả chủ động  dán lên mọi vùng cơ thể hắn, hoang dại, dạn dày kinh nghiệm.

- Chúng mình cưới nhau nhé!

Ở trên hắn, trong bóng tóc dài xõa xuống, ả nũng nịu nói . Trăng mười bốn mơ màng vùng ngực trần và mắt hắn mê dại đi.  

- Bố mẹ em đã đồng ý cho mảnh vườn với gian nhà ông bà đang ở nếu chúng mình lấy nhau. Ông bà sẽ dựng nhà mới. Rồi em sẽ sinh cho anh một cu con thật đẹp trai, đúc khuôn anh. Kham khổ,  chúng ta kề vai gánh vác. Em chỉ cần có anh Ông bà nội cũng gần, anh có thể thường xuyên thăm viếng chăm nom.

Hắn chỉ còn biết gật đầu.

Được sự nhất trí của đoàn thể, gia đình, ngày lành tháng tốt, hắn- ả nên duyên vợ chồng. Trước đám cưới, có người rỉ tai hắn:

- Này, nói có khi không phải với ông, nhưng ả có tính lẳng lơ, lại lắm lời. Đa ngôn thì loạn dâm, các cụ chả dạy thế là gì?

Hắn gạt phắt, cả suýt ẩu đả nếu tay kia không nhịn nói. Hừ, chúng mày ghen với ông thì bảo, con trâu buộc nào chả ghét trâu ăn?

 

Năm sau, ả sinh cho hắn một cậu con kháu khỉnh. Mọi người trong xóm Trại đến chúc mừng. Hắn lâng lâng hạnh phúc. Tròn vẹn như chuyện cổ tích. Mỗi lần đi làm đồng về, hắn sà ngay vào nựng nịu cái chim xinh xinh của thằng bé, gật gù:

-Có thế này mới là con của bố, nhỉ? Bố đổi vận thay đời là nhờ cả vào mày đấy.

-Hừ! Ở đấy mà mơ hão, đi nấu cơm đi, tôi đói rã rồi.

Hắn tiu nghỉu xuống bếp.

 

*

Giấc mơ đổi vận của hắn còn lâu mới đến. Ở nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, gánh nặng mưu sinh chẳng chừa ai. Hắn gồng mình bừa cày nuôi vợ con, nhưng cũng chỉ tạm bợ lấm láp qua ngày. Mùa màng thất bát, hắn chuyển qua đi buôn lặt nhặt. Dăm bó rau, vài bánh thuốc lào, bò lạc… hắn lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng, lọ mọ từ mờ sớm lên chợ huyện. Ăn uống kham khổ, công việc nặng nhọc theo ngày tháng vắt kiệt tinh lực trai trẻ, khiến hắn cũng mất dần phong độ đàn ông, mất cả tự tin của anh văn công đào hoa ngày cũ. Hắn cứ héo dần teo tóp nhưng vợ ngày lại phây phây, sừng sực thịt da của gái một con trong mòn con mắt.  Hắn không dám nhìn vào đôi mắt cứ lim dim đòi hỏi  và thấy mình có lỗi khi không thỏa mãn những con hứng tình của vợ,. Ả cũng đọc được đìều đó nên một hôm gọi hắn đến bảo:

- Tôi thấy ông thức khuya dậy sớm, con nó lại còn nhỏ khó ngủ, nhỡ ông hay nó ốm thì tội.  Ông dọn xuống bếp mà ở cho tiện, nhé!

Hắn thấy ả cũng có lý, thằng bé mà có gì, hắn cũng bất nhẫn. Vì tương lai con em chúng ta, dọn xuống bếp cũng chuyện thường tình. Thức thời mới là tuấn kiệt. Mà có khi xuống bếp lại thích, tự do ngủ không bị quấy rầy. Dạo này cái lưng cứ ê ẩm đau. Tình cảm vợ chồng thế là mai một dần. Một hôm mưa, hắn nghỉ cả ngày. Đêm nằm nghe tí tách rơi lành lạnh,  trống trải, hắn mò lên nhà, ả gạt phắt:

- Đi ngủ đi, mai chả ra đồng sớm là gì! Hôi như cú ấy!

Ả ôm đứa con nựng nựng, quay đi. Hắn lủi thủi xuống bếp. Lát sau lại quay lên, tỉ tê:

- Tắm lại rồi đấy, không tin ngửi mà xem, cho tí nhé! Nhé!

- Rãnh rỗi rửng mỡ à? Ả quát. Nghĩ sao, lại dịu giọng. Mai còn khối việc, gắng làm nốt, khi nào xong tôi cho! Và hắn thấy sung sướng được vợ cho,  được cái ân huệ lớn lao từ vợ. Tội nghiệp , hắn, cái thằng đầy tớ trong truyện cổ “ Cây tre trăm đốt” …

 

*

 

Năm ấy được mùa. Cả xóm Trại vui như Tết, đâu cũng ồn ĩ tiếng người cười nói. Vai gánh gánh lúa nặng trĩu, lưng muốn gãy sụm mà lòng hắn mở hội. Chả là, nhà thì khó, cộng cái tính tằn tiện cố hữu của nông dân, hắn thành kẻ bủn xỉn chắt bóp từ bao giờ.  Nhưng phen này tốt rồi, bán vài tạ thóc, mua cho thằng bé cái ô tô chạy pin mà hôm kia đi chợ huyện hắn thấy trong cửa hàng đồ chơi. Mua cả mét lụa tốt may cho vợ cưng một bộ cánh thật đẹp. Mặc vào, có khi ăn đứt mấy cô hoa hậu trên ti-vi ấy chứ!

 

Vào đến sân, chưa kịp đặt gánh lúa xuống, nhà tối om, hắn định gọi ả nhưng sợ thằng bé bị phá giấc ngủ. Nhẹ nhàng hắn đặt gánh lúa xuống rồi vòng xuống bếp rửa tay chân. Bỗng nhiên nghe tiếng động, hắn bước lên nhà, sững sờ tưởng chừng hoa mắt khi thấy dưới bóng sáng mờ mờ, đôi nam nữ đang siết nhau hổn hển. Cái mông trắng ngần quen thuộc không ngừng nhấp nhổm và tiếng rên của đôi gian phu dâm phụ đập vào tai hắn như tiếng rú của loài voi xung trận. Dưới chân giường là một chiếc loa tay của thằng  alô xóm dưới. Hóa ra …Ông phải băm chúng mày ra làm trăm mảnh mới hả. Chân bước tới nhưng đầu óc bỗng choáng ngợp. Làm ra liệu xấu mặt ai? Lại tiếc đứt ruột cái mông trắng ngần tròn vo. Mình sẽ phải vò võ một mình nuôi con. Chân nặng như chì, hắn không nhích bước nổi. Hắn nuốt khan, quay lưng lại, lôi điếu cày rít liền mấy hơi dài. Roọc… roọc … Hơi giận không tan đi, cứ xoay tròn trong không gian mù mịt.

 

Nhà trên bỗng sột soạt.  Tiếng ả vọng xuống, không chút hốt hoảng:

- Đã về rồi đấy à? Xong chưa mà về sớm thế? … Gớm, lại không thèm trả lời nữa đấy! …

Mặc ả làu bàu lấp liếm, hắn gục đầu vào giữa hai đầu gối. Bếp tối om, đời hắn, đời người.  

Thằng bé nhảy chân sáo từ cổng vào, háo hức:

- Bố ơi, cho con một đồng mua lọ mực. Bà Tèo bảo, vụ này nhà ta được mùa lắm.

Nhìn thằng bé đang lay lay chân mình, hắn bỗng nổi xung, quát: 

- Mua loại hai hào thôi! Đồ phá gia chi tử! Chiều cho lắm rồi rửng mỡ!

“Bốp! Bốp!”. Hắn choáng vì cái mấy cái tát tay của vợ. Ả lại quát :

-Đồ bần tiện!

Hai tay huơ huơ, hắn líu lưỡi, hắn lắp bắp, (không biết từ bao giờ, đứng trước mặt ả, hắn bị nói lắp):

-Mình… mình… bình… bình… tĩnh…Có …đánh thì …đánh. Đừng …có …đánh …vào mặt!

Ả quay ngoắt, bế lấy thằng bé, dỗ dành:

- Ôi, ôi, cục vàng của mẹ, mai mẹ mua cho, trong nhà này mọi thứ là của mẹ, con muốn gì bảo mẹ nhé! Bố mày chả quyền gì đâu!

 

Mặt hắn dài thuỗn, trơ khấc. Hai mắt nhìn cắm vào khoảng tối. Im lặng. Bây giờ, hắn mới nghĩ ra.  Đúng là từ ngày sinh con, mọi việc đồng áng, nhà cửa đều một tay hắn làm. Riêng ả thì cứ nõn nà phây phây, làm nhiều ông rỏ dãi. Ả cũng dễ dãi nên nhà hắn, từ bao giờ, đã trở thành nơi thậm thụt của mấy cha dê xồm thèm của lạ. Chức sắc trong làng xã, vài tay có máu mặt, cả mấy tay cờ bạc cò con được ngày trúng mánh cũng ghé qua và hôm nay cả tên alô bần tiện…Hắn không biết, nếu biết còn tức vỡ mật ra, khi ả trâng tráo khoe với bà Tèo bán nước đầu xóm:

- Mẹ cha cái thằng N. chuột chù. Nó hứa xong cho em cân gạo. Sáng ra, đong được có ba bơ thòm thèm.

 

Bà Tèo méo miệng. Hắn làm về ngang qua, bà Tèo kéo vào thì thào thuật lại, còn dặn với, tôi nói với chú, chú đừng nói lại, tôi chả thích dây vào cô ấy đâu.

Lúc ấy, hắn điêu lắm, máu bốc lên mặt, quyết làm cho ra lẽ:

- Cô làm gì để làng xóm lời ong tiếng ve vào tai tôi vậy?

- Im ngay! Đứa nào nói bậy, bà xé mồm ra bây giờ. Còn mày, ả gầm lên, còn lèm bèm bà cũng chém. Nghe chửa?

 

Hắn cũng định vặc lại, nhưng rồi nhũn ra như con chi chi. Nghĩ thân phận mình chẳng qua chó nằm gậm chạn, nhà cửa thật ra là của người ta chứ cũng chẳng của mình. Cái nhu nhược thâm căn cố đế của anh nhà quê đã đè bẹp phản kháng của hắn. Biết thế, ngày trước đừng có cả tin.

 

Hứa hẹn nào cũng chỉ là lừa dối, mà hứa hẹn nào càng tốt đẹp , mức độ lừa dối càng cao.

Thấy hắn bị đánh, mấy cậu bạn xúi bẩy:

- Mày phải học võ để “chiến đấu” chứ. Trị nó một phen cho bỏ thói hoang đàng. Cứ thế mãi, hèn lắm! Nghe có lý, hắn bèn nhờ mấy cậu lính trẻ đóng quân gần đấy dạy cho vài thế. Thấy mấy tối hắn tập uỳnh uỵch dưới bếp, ả có vẻ dịu dàng hơn với hắn. Hắn khoái trí lắm. Bẵng đi hai tuần, mấy cậu lính đi công tác về thấy mặt hắn tím bầm, liền hỏi:

-Sao anh không giở võ bọn em dạy cho anh ra đối phó?

Hắn phân trần:

-Tao đã vít cổ con mẹ ấy xuống, toan gối cho một gối theo thế chúng mày dạy. Nhưng nghĩ lại, cái xe của tao nó sẽ đập nát, mà thân tao chắc gì còn nguyên vẹn?  Mấy chú lính ngao ngán lắc đầu, và hắn, quyết định bỏ nghề…dạy vợ.  

Một tối, xong việc nhà, hắn lân la ra quán bà Tèo, xin một chén chè loãng (khỏi tốn tiền), hút thuốc lào vặt. Hắn chỉ có một tẹo thời gian ấy cho riêng mình. Vê vê điếu thuốc, hắn nhét vào cái lõ điếu lên nước bóng loáng. Một tay cầm chiếc đóm tre ngâm cháy thật nỏ, đầu hắn ngả ra sau, “roọc roọc” phả khói, mắt lim dim khoan khoái. Hai tay run run, vung vẩy, ư ử hát mấy câu của một thời xưa cũ.

- Chú quặp, chú quặp. (Mọi người xóm Trại gọi hắn là chú Quặp, cái tên cha mẹ đặt hắn quên mất rồi). Lão chuột chù đang tòm tem cô ở nhà kìa!

Tiếng lũ trẻ cắt ngang cái sung sướng của hắn. Hắn bật dậy:

-Tao giết! …

 

Con sóng căm giận trào ra như trong mùa bão lũ. Mắt hắn long lên sòng sọc, mặt đỏ như gấc, trông thật đáng sợ. Hôm nay chắc có đổ máu. Quán nước bà Tèo được mệnh danh là đài phát thanh xóm Trại. Nhục! Giữa bàn dân thiên hạ chứ đâu phải chơi. Hắn rút phắt cây mác bà Tèo cài ở cửa, xăm xăm đi về nhà. Đến cổng, hắn thầm thì với lũ trẻ theo phía sau:

- Chúng mày đứng ở đây, đánh động là hỏng hết mọi việc đấy!

 

Bọn trẻ nín thở, trong nhà tối om. Hắn rón rén. Bỗng khựng lại. Bây giờ mà chém chết đôi gian, chắc hẳn phải đi tù. Thân ta sá gì, còn thằng bé biết giao cho ai? Có giao cho ông bà nội, nó cũng mồ côi mẹ. Không khéo có khi hỏng chuyện bỏ bu.

 

“Khụ khụ” . Hắn ho, tiếng ho vang ầm bóng tối nhờ nhợt. Hắn ho, như chưa được ho bao giờ. Hắn ôm bụng, gập người như thể cổ họng sắp đứt làm đôi. Hắn vờ lầm bầm, “Hừ, hừ …cái cổ họng chết tiệt!”, cố tình cho đám trẻ nghe. Mấy con chim ngủ trong vườn hoảng hốt bay qua hàng rào, đập cánh nhao nhác. Đèn trong nhà bật sáng, tiếng ả dõng dạc:

- Hút cho lắm vào. Đổ bệnh lại chỉ khổ gái già này.

Thằng chuột chù đế thêm:

- Tội nghiệp!

Hàng xóm méo miệng. Có người len lén thở dài.

Vụ mùa xong, công việc vơi đi, hắn chợt thấy buồn, nhớ cha mẹ già, ở cách mấy chục cây số mà lâu rồi chưa về thăm. Hắn tỉ tê:

- Mình cho tôi về quê ba ngày thăm ông bà nhé!

- Ừ, cho gửi lời hỏi thăm. Nhưng nhớ lên đúng ngày đấy, còn bao nhiêu việc.

 

Hắn mừng rơn, tay chân luống cuống, không tin vào tai mình. Ả nhếch mép, phẩy tay đi vào nhà. Phải chăng hôm nay vợ hắn vui? Hắn vơ vội cái bị, trèo lên cái xe tàn tạ như hắn, dông thẳng.

Khốn nạn là, về nội hai hôm, hắn lăn ra ốm. Ông bà già phải chăm hắn. Nhìn hai người già lọ mọ nhóm bếp, bắc cháo rồi đem đến tận giường, hắn khụt khịt mũi. Lưng gai gai, hắn càng nghĩ càng giận. Giận mình nhu nhược, khiếp nhục con đàn bà lăng loàn, dâm đãng. Mấy lão trong xóm, suốt ngày tắm mình trong vũng rượu, bỏ bê việc nhà mà đố các bà dám nói một câu. Lẽ nào mình không làm được? Mình sợ cái gì chứ? Sợ cái gì? Không, chả sợ nữa, phải ngẩng cao đầu mà sống chứ? Mình phải dạy dỗ ả! Phải dạy cho ả biết phận làm đàn bà đái không qua ngọn cỏ . Cái đầu cứ lung nhúng hỗn loạn. Nhưng giả như nó ghét mình, rồi chả chăm con thì khổ. Nhưng mình cũng chăm con được mà. Thôi thì một sự nhịn chin sự lành. Nhưng nếu nó vẫn tiếp tục cởi đầu leo cổ mình thì sao? Đàn ông không thể cúi đầu chịu nhục ! Chỉ tội, chuyến này mình đi lâu quá, nó nhân cớ đấy mà nói thì khó đây…

 

*

 

Trên đường về nhà, hắn thấy con đường ngắn lại. Vệ đường, lan man những  khóm cúc dại trắng xóa một vùng.  Những con chim bé bé mà hắn chẳng biết tên nhảy lích chích trong lùm lùm cỏ, thỉnh thoảng đập cánh vút lên mây. Hắn  nhìn những mây trôi lười biếng. Xa xa, phía sau ngọn bàng một cụm mây trắng lớn, một nửa đã bắt đầu thẫm màu. Tâm trạng hắn cũng hốt nhiên sậm sụ, như bị rào lại bởi những dây kẽm gai rỉ sét khi nghĩ đến vợ .

Vừa vào đến cổng, hắn đã thấy ả đứng ở thềm nhà, một tay giấu sau lưng, mặt sưng sỉa.

- Thằng chết bầm, vác xác về làm gì?

Hắn nhờn nhợn, nghi ngại, giọng phân trần :

- Tôi ốm.. ốm, ông bà không … không… cho về.

Ả vung tay, một con dao to tướng bay về phía hắn. Hồn vía lên mây, hắn quẳng xe, quẳng bị, phóng thẳng ra cổng:

-          Cứu… cứu… cứu…/.

 

Phú Nhuận, 06.01.2010

 

Ngô Nhật Lê
Số lần đọc: 1995
Ngày đăng: 08.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điếu văn của người quét chợ - Đặng Văn Sinh
Cuội - Nguyễn Chính
Kén vợ kén chồng - Đỗ Ngọc Thạch
Cư dân của thành phố - Vinh Anh
Những cô bạn cũ - Phạm Hồng Danh
Say nắng - Khôi Vũ
Khúc lý chiều chiều - Nguyễn Minh Phúc
Thí điểm của tự do - Nguyễn Viện
Trầm - Ngô Nhân Đức
Đầu năm xuất hành : về quê - Đỗ Ngọc Thạch