Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.179
 
Thằng bỏ làng
Nguyễn Chính

Hắn bị đẩy vào phòng giam số 10. Khi cánh cửa vừa đóng lại, Tư Lé đã đưa mắt  cho đàn em. Bốn, năm thằng sán đến, nhưng khựng ngay lại khi nhìn thấy hình đầu hổ to  tướng xăm trên ngực  hắn. Tư Lé cùng mấy đàn em vội quỳ mọp xuống van lạy :

- Chúng em không biết, xin anh Bảy  bỏ qua.

 

Hắn liếc nhìn chúng một lượt, mệt mỏi vứt  áo xuống sàn, rồi lăn ra, bất động. Hắn đúng là bảy Hổ, một tay anh chị khét tiếng. Tên cúng cơm của hắn là Hổ. Nhưng  để lấy lòng hắn, lũ đàn em vẫn nịnh hót, bợ đỡ, sun xoe gọi hắn là anh bảy Hổ. Nói là khét tiếng, nhưng chưa bao giờ  hắn giết ai, ức hiếp ai. Hắn khét tiếng vì  giỏi võ, với những chiêu phá vây, giải thoát rất quyết liệt cho đám đàn em đang bị nhà chức trách vây khốn. Khi ấy, dù đang đêm hay giữa ban ngày, hắn đều tả sung hữu đột, mặc kệ súng bắn chỉ thiên, súng bắn thẳng. Hắn vừa phi thân tránh đạn, vừa bất ngờ cùng một lúc làm cho mấy đối thủ phải sóng xoài.

 

Bảy Hổ chuyên nghề trộm cướp. Hắn là thằng tứ cố vô thân. Cái làng nơi hắn được sinh ra, mới nghe  tên đã  thấy phát sợ : làng Tiết. Có lẽ do gần quá nửa người làng  làm nghề sát sinh, cắt tiết gà, vịt, ngan, ngỗng, chọc tiết trâu, bò, lợn,  cả rắn và ba ba nữa, nên không biết từ bao giờ mới có cái tên gớm như vậy.  Còn cái sự giàu, nghèo của làng này cũng rất  thất thường, giàu đấy rồi lại nghèo đấy, cứ ngày tháng vần xoay, bất định. Lẽ đời, giàu nghèo  thường hay gắn cùng với sự hèn, sang. Đường sá, sân đình làng Tiết đều lát gạch Bát Tràng khang trang. Cổng làng bề thế uy nghi  thuộc hàng cổ nhất trong thiên hạ, hàng năm vẫn được tu bổ, khách lạ ghé thăm đều phải trầm trồ thán phục. Trống đình làng Tiết cũng thuộc hàng vô địch, mặt bưng bằng da trâu già, to như cái nong.  Vào dịp lễ hội, tiếng trống làng Tiết  vang xa đến mấy xã. Còn cái sự hèn thì, thôi rồi … ai nghĩ sao cũng được, tùy. Nhưng nói ra thì coi chừng, người làng Tiết sẽ khóa cái  miệng chó của  đứa nào dám hó hé lại ngay …

 

Người  làng Tiết ai cũng biết  thằng Hổ là con của bà Mải. Tội nghiệp, bà bị câm  từ bé, sinh năm Mùi, nên cha mẹ  đặt tên là Mùi. Lớn lên, bà không đẹp nhưng to khỏe, lại hay lam hay làm. Việc gì bà cũng làm rất mê mải, không biết mệt, không kể gì trưa, tối , nắng, mưa nên người làng rất thương, mới gọi là cô Mải. Vậy mà hồi ấy, khi thấy cái bụng cô lùm lùm, không thể cãi vào đâu được nữa, người làng Tiết đã  quay ngoắt, gọi là con đĩ  Mải, rồi    con mụ Mải. Đó là vào mùa đông năm 1961, làng Tiết trống rong, cờ mở đón một đơn vị bộ đội về giúp dân làm thủy lợi. Không chỉ có nghề giết mổ, làng Tiết còn rất nổi tiếng với nghề trồng rau cần. Rau cần làng Tiết vừa giòn, vừa thơm, ăn một lần là nhớ mãi. Năm ấy được mùa. Ngày chủ nhật,  sợ cần già quá lứa, mấy anh bộ đội cũng phải  tranh thủ cắt rau giúp dân đưa lên chợ  tỉnh. Người giúp gia đình Mải là ông  cán bộ chỉ huy, hơn Mải có đến cả mười tuổi. Không biết ông ta quê ở đâu. Chỉ biết khi đơn vị của ông rút đi, thì cái bụng của Mải cũng lớn dần. Thấy cha mẹ, nhất là mấy ông chính quyền mặt hầm hầm quát mắng, gặng hỏi, Mải vừa van lạy, vừa lấy tay ra hiệu liên hồi, chỉ ngược, chỉ xuôi. Nhưng ai cũng hiểu, là chính cái thằng cha chỉ huy già ấy đã làm cho Mải ra nông nỗi này.  Không nói được, nhưng Mải thương cha mẹ lắm vì họ chỉ có một mình cô.  Còn cha, mẹ Mải, tuy  bề ngoài  phải làm mặt buồn, nhưng các cụ lại nghĩ là giời  có mắt,  nên mới cho Mải có mụn con để dựa dẫm về sau.

 

Thằng Hổ sinh vào năm Sửu, nhưng lại được ông ngoại nhất quyết  đặt tên là  Hổ. Ngoại nó bảo : “ Làm thân con trâu sẽ khốn khổ vì bị người ta bắt nạt. Đã là hổ thì còn ai mà dám ức hiếp thằng bé nữa…”.  Nhưng giữa đám trẻ trong làng, thằng Hổ như kẻ lạc loài, vì là đứa không bố, đứa con hoang. Thằng bé thường bị chúng hùa nhau bắt nạt, khi thì bươu đầu, khi thì tím mặt. Mỗi lần thấy thằng Hổ khóc chạy về, mẹ nó lại lồng lên dữ tợn, lao ra cổng, nhưng lũ trẻ đã chạy trốn hết. Ông ngoại nó  chỉ còn biết thở dài : “ Tổ cha cái phận nghèo, cái kiếp đơn côi”.

 

Từ còn ẵm ngửa, thằng Hổ chỉ  được giao tiếp với mẹ nó bằng sự âu yếm và tiếng cười. Nó cười, mẹ nó cười. Nó khóc, mẹ nó cũng khóc. Rồi mẹ nó cứ ời ợi, ừ ự , ru nó bằng thứ ngôn ngữ có lẽ chỉ có mình nó hiểu. Mà nó hiểu thật. Mắt nó lim dim,  ngoan ngoãn chìm dần vào giấc ngủ bình yên, trong mùi sữa  nồng thơm  và hơi ấm vòng tay của mẹ nó. Bù lại, nó được lớn dần lên trong những lời ru thân thương của bà ngoại, trong những câu chuyện cổ tích của ông ngoại. Nó là cục vàng của cả nhà. Ông bà ngoại thay nhau tập cho nó nói. Khi nó bi bô, nói được mấy tiếng đầu tiên : ma ma, ba bà… , mẹ nó và cả ông bà nó đều cùng òa khóc, mừng vui. Thằng Hổ ăn khỏe, lớn nhanh, mới  bốn tuổi nó đã thuộc hết mặt  các chữ cái ông ngoại nó dạy. Tạo hóa thật thần kỳ. Cũng ngay từ ba, bốn tuổi , thằng Hổ  đã  nói chuyện được với mẹ nó bằng cách ra hiệu. Nhìn cảnh mẹ, con nó  hồn nhiên nói chuyện với nhau, thấy thật thương.

 

Khi ông bà ngoại thằng Hổ lần lượt qua đời, thì nó đã là đứa trẻ lên mười. Mới học lớp bốn, mà  dáng nó đã cao to , chững chạc . Nó học khá, lầm lỳ, ít nói, lại cục tính, táo tợn, nên từ lâu bọn trẻ làng Tiết đã không còn dám trêu chọc, bắt nạt nó nữa. Nó lớn lên cùng những mùa rau cần. Nó ra hiệu nói với mẹ nó là, từ nay việc gánh rau lên chợ cứ để nó làm. Mẹ nó ra hiệu lại với nó : “ Mẹ còn khỏe lắm, còn làm được, đừng lo.  Con phải cố mà học, để sau còn làm cán bộ như mấy ông ở ủy ban xã…”.

 

Đúng là mẹ thằng Hổ còn rất khỏe, tuổi mới ngoài  ba mươi. “Gái một con, trông mòn con mắt”. Một buổi chiều  đi học về, thằng Hổ lại thấy cái xe đạp Phượng Hoàng còn mới cứng, nhưng bùn đất lấm lem của ông Lý chủ tịch xã, dựng trước sân. Dạo này, không biết có việc gì mà  ông Lý  hay đến nhà nó lắm. Nó thắc mắc, hỏi. Mẹ nó ra dấu bảo với nó rằng : “ Không có chuyện gì đâu, chỉ là ông ấy thích đến thôi…”. Rồi mẹ nó cười cười. Có lẽ mẹ nó còn giấu nó chuyện gì đó.  Vừa thấy nó,  ông Lý  đã nói như ra lệnh : “ Thằng này mau cất sách, rồi lấy rẻ lau cho tao cái xe”. Thằng Hổ như không nghe thấy gì, nó  cất sách vở, rồi lẳng lặng bỏ ra sân. Chủ tịch xã Lý giận quá, quát : “ Thằng này láo”. Rồi ông ta  túm lấy tai nó véo mạnh, khiến nó đau quá hét lên. Thế là từ nhà trong, mẹ nó  như một con hổ lao ra, đâm bổ cả thân thể  to khỏe, rắn chắc của người đàn bà lực điền vào Lý chủ tịch, khiến ông ta ngã sấp xuống sân, gãy  mất mấy cái răng cửa, máu  chảy  bết đầy mặt …

 

Chủ tịch xã Lý góa vợ đã lâu. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Trai làng đi hết. Nhưng nhìn gia cảnh  một mẹ già  cùng năm  đứa con riêng  của  ông ta, đám đàn bà, con gái trong làng đều thấy ngại. Còn Mải thì  lại rất vô tư . Vô tư như  hàng ngày Mải vẫn phải một nắng hai sương, chẳng nghĩ gì đến so đo, tính toán hơn thiệt. Khi chủ tịch Lý đến nhà, mặc kệ ông ta  lấy tay ra hiệu, cứ xem  ánh mắt ông ta nhìn mình, là Mải hiểu ngay ông ta muốn gì.  Cái ông chỉ huy bộ đội ngày xưa cũng đã  nhìn Mải như thế. Mải đỏ mặt cười. Thấy Mải cười thiện cảm, chủ tịch xã Lý như mở cờ trong bụng. Ông ta nghĩ,  có lẽ  chỉ có người đàn bà đẫy đà, kém mình  chừng dăm tuổi, không đẹp, nhưng sức khỏe hơn người  này, mới gánh vác nổi gia cảnh nhà mình.  Trong làng, ngoài xã  không mấy ai ưa chủ tịch Lý , vì  ông ta hay cậy mình là người có vai vế, thường quen thói hách dịch. Nhưng Mải thì cứ hồn nhiên. Mải mặc kệ. Mải không biết.  Vậy mà chiều nay, Mải lại điên khùng dám làm việc tày đình này …

 

Thằng Hổ gào khóc thảm thiết, khi mẹ nó bị người ta trói  cả hai tay, hai chân  khiêng lên cái xe trâu, kéo ra trụ sở xã. Mẹ nó  cũng nước mắt ròng ròng, nhìn nó. Nhưng lát sau nó lại thấy mẹ nó lấy ngón tay bảo nó rằng, mẹ nó thương nó lắm, nhưng nó phải nín ngay, không được khóc. Nó liền im bặt, lững thững theo sau cái xe trâu. Dọc đường, thỉnh thoảng mẹ nó còn nhìn nó âu yếm và cười như chẳng có chuyện gì cả, khiến nó cũng phải miễn cưỡng cười theo.

Suốt nửa tiếng đồng hồ, người công an xã không tài nào lấy được khẩu cung của mẹ thằng Hổ. Mẹ nó  đã được cởi trói, cứ ú ớ, chỉ lung tung trên giời dưới đất, không ai hiểu gì cả. Người công an liền bảo nó :

- Mày có biết mẹ mày nói gì không ?

Thằng Hổ gật đầu. Nó bảo  với  người công an, mẹ nó khai rằng : “ ông chủ tịch xã  tự đến nhà tôi. Làm gì cũng được, nói gì cũng được. Nhưng không được dọa nạt con tôi, véo tai con tôi”. Người công an  liền nói :

- Véo tai một cái thì thấm tháp gì, ít nữa ông ấy là cha dượng mày, nếu mày còn láo ông ấy còn đánh mày nhừ đòn.

Nó chưa dịch lại hết lời người công an,  mắt mẹ nó đã long lên sòng sọc, đứng phắt dậy, chỉ vào nó, chỉ lên trời, rồi chỉ về phía nhà chủ tịch Lý. Người công an lại hỏi  :

- Mẹ mày nói gì thế ?

Nó dịch lại rằng, mẹ nó bảo mẹ nó chỉ ở với nó thôi. Ông Lý kia không thể là dượng nó.  Thề có giời, ai đụng đến nó, mẹ nó sẽ giết.

 

Cuối cùng thì mẹ nó cũng được tha về, khi trời đã sẩm tối. Mẹ nó vội  xốc nó lên lưng, cõng nó  chạy  thẳng về nhà. Về đến nhà  rồi, mẹ nó mới ôm  ghì nó vào lòng, khóc như mưa.

 

Làng Tiết có con sông Tề  nước trong xanh, hiền hòa chảy qua. Nhưng về mùa lũ , nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, mang theo bao nhiêu là cành cây, rều rác. Dân làng Tiết đã chuẩn bị sẵn thuyền, đua nhau đi vớt củi. Năm nay thằng Hổ đã lớn, không có thuyền, mẹ con nó  lấy mấy cây chuối  hột đóng  thành cái mảng. Vậy mà đống củi mẹ con nó vớt được cũng chẳng kém gì người ta.  Chạng vạng chiều, mưa càng nặng hạt. Nước lũ kéo về ngày một cao, réo ầm ầm. Những cành cây to tướng bị nước cuốn băng băng. Củi về nhiều quá, nhưng  mặt sông đã vắng  bóng thuyền, có lẽ  mọi người đã thấm mệt. Mẹ con thằng Hổ vẫn chưa chịu về. Mỗi lần vớt trượt một cành cây, thằng Hổ còn khoái chí cười sằng sặc… Bỗng cái mảng chuối bị xoay ngang. Dòng nước siết đột ngột đã làm cái mảng quay tròn, phút chốc các cây chuối  cũng bị bung ra. Thằng Hổ hét lên một tiếng rồi chìm ngỉm. Rất nhanh, mẹ nó đã ngụp xuống túm được nó đẩy lên khỏi mặt nước. Cũng rất nhanh, mẹ nó trườn người giữ được một cây chuối. Nhưng cây chuối  nhỏ chỉ  đủ  giữ cho hai mẹ con nó nổi dập dềnh. Thằng Hổ vừa sợ, vừa mệt. Nó thở hổn hển, ngửa mặt lên trời gào thét , kêu cứu. Còn  mẹ nó vẫn  cố sức ngụp lặn, xuôi theo dòng nước,  lái  cây chuối  hướng chéo về phía bờ sông …

 

Khi người ta vớt được hai mẹ con thằng Hổ thì trời đã sáng . Mẹ nó nằm đó bất động. Còn nó  chỉ còn thở thoi thóp . Vậy là thằng Hổ mất mẹ  lúc nó chưa đầy mười hai tuổi.  Vốn đã lầm lỳ, nay lại càng lầm lỳ hơn. Nó bỏ học hẳn.  Hàng ngày, từ sáng sớm   đã thất thểu ra ngồi bên mộ mẹ, rồi lại thất thểu về nhà … Cứ thế, cho đến một ngày, người làng Tiết mới ngớ ra vì không  còn thấy bóng dáng thằng Hổ đâu nữa. Nó đã mất hút  trong cái bận rộn, tất tả, ngược xuôi của  người làng và trong mớ âm thanh ồn ào hỗn độn, lẫn trong tiếng kêu  eng éc  rợn người vào mỗi  gà gáy, của những con lợn bị chọc tiết …

 

*

Mười năm sau. Rồi lại mười năm sau nữa. Suốt thời gian chẳng ngắn, cũng chẳng dài của một kiếp người đó, thằng Hổ  đã bôn tẩu từ Bắc vào Nam, rồi lại từ Nam ra Bắc. Hai lần phải vào tù,  tổng cộng hơn một năm, vì tội trộm, cướp, đánh lộn. Nó đã trở thành thằng  đàn ông  tứ chiếng giang hồ. Nó đến chợ Mít  này cũng thật tình cờ. Vì ngủ quên khi tàu chạy qua Thành Nam,  đến ga Thanh Hóa nó bị người ta đuổi xuống. Đang chưa biết đi đâu, thì nó được một thằng đàn em gặp ở ga, rủ về đây. Hàng tháng, chợ Mít họp  phiên chính vào ngày ba , phiên phụ  vào ngày tám. Chợ Mít  là nơi mua bán chung của mấy xã, nên khá lớn. Các quầy hàng khô, hàng tạp hóa khá khang trang. Phía bên kia đường còn có  cả  một dãy các quán ăn, hiệu cắt tóc. Vào dịp lễ tết, phiên chính kéo dài cả ngày, đông đến năm, bảy trăm người. Gọi là chợ Mít, vì vào mùa từ tháng năm đến tháng bảy âm lịch, mít được bày bán la liệt, chất thành đống chờ bốc lên ô tô chở đi các nơi. Lâu nay, thằng Hổ cùng lũ đàn em chuyên chôm chỉa ở  những vùng đô hội, thành phố, thị xã , nên  khi thấy kiểu bán mua cả tin,  xuề xòa, lộn xộn nơi chợ quê, nó  rất khoái. Mới có mấy ngày nó đã xoáy được kha khá. Nhìn dáng cao to, ăn mặc tươm tất bề ngoài, khó mà biết  được nó hành nghề đạo trích. Vậy mà những việc làm của nó không qua nổi mắt Tảo, người đàn bà quét chợ.  Một buổi trưa, thằng Hổ đang  thiu thiu  nằm xoài trên ghế cho người thợ cắt tóc cạo mặt, thì Tảo xuất hiện, đợi sãn. Khi hắn vừa bước ra, đã  bị Tảo chặn ngay trước mặt :

- Này ! đi ngay nơi khác mà làm ăn nhé, ở đây là không xong với tôi đâu.

-   Cái gì ? Bà bảo cái gì ?  -  Hổ trừng mắt  nhìn người đàn bà có giọng nói  ồm ồm, nghe rất lạ tai, hỏi lại.

- Còn cái gì nữa, không qua được mắt đây đâu. Không đi, đừng có trách.

- Này …

Hổ sẩn cồ lên, định cho con mẹ này biết mặt, thì thằng đàn em từ trong quán ăn vội chạy ra kéo đi, năn nỉ :

- Thôi đại ca, đừng dây vào, nó là con mẹ quét chợ đấy.  Cái gì ở đây nó cũng biết cả . Lôi thôi với nó dách việc lắm.

- Thế à. Lúc quét chợ nó bịt khăn chỉ hở hai con mắt, nên tao đâu nhận ra. Hay là, mày thử  gặp nó vui vẻ xem, nó có chịu cùng chung chi với tụi mình không.

-  Được để em thử .

 

Mồ côi cha, mẹ từ nhỏ, Tảo đến ở với vợ chồng người chú họ sống bằng nghề quét chợ  ở đây đã mấy chục năm. Chú, thím Tảo  không có con. Do tuổi già, họ đã  lần lượt ra đi từ mấy năm trước, để lại cho Tảo căn nhà nhỏ sát ngay bên chợ và công việc tuy chẳng làm nên giàu có gì , nhưng  cũng  tạm  đủ sống.  Tảo khỏe mạnh, tính nết mạnh mẽ, nhưng nhân hậu. Cô có khuôn mặt bầu bầu, dễ coi , phải cái giọng nói  lại ồm ồm như đàn ông, nghe rất khó chịu. Tảo chất phác, hay giúp người, nên cư dân khu chợ Mít ai cũng thương. Họ bảo, không biết do cao số hay vì nghề ngỗng chẳng ra gì, mà qua tuổi ba mươi rồi con bé vẫn chưa được thằng nào ngó tới.

 

Nghe thằng đàn em của Hổ nói xong, Tảo trừng mắt, mắng như tát nước :

- Đồ điên, mấy người là đồ điên. Định ăn cắp đến hết đời luôn à. Đúng là rặt một thứ đồ điên, sức dài vai rộng không muốn làm chỉ thích ăn cắp. Lại còn rủ rê, ai thèm bạn với mấy người. Cậu nói lại với thằng cha đó, không xéo đi ngay, đừng có mà trách…

Sau mấy đêm liền trằn trọc, Hổ đếm lại số tiền còn  trong bọc, bảo  với thằng đàn em :

- Này ! mày cầm lấy một nửa rồi về quê Hải Phòng nhà mày, hoặc muốn đi đâu thì đi. Con mẹ ấy nói vậy, là nó sẽ không  chịu để  mình yên đâu. Tao chán ở tù lắm rồi.

- Còn đại ca ?

-  Mày cứ biến đi. Tao thì mày lo gì.

Nói vậy, nhưng khi thằng đàn em đi rồi, Hổ thấy trống trải vô cùng. Hắn cũng không biết  bây giờ  nên đi  đâu, về đâu, làm gì để được yên thân. Định ăn cắp đến hết đời luôn à ? Lời nói của người đàn bà quét chợ, mấy hôm nay cứ găm vào cái đầu tưởng đã chai lỳ của hắn, buốt nhói. Giữa trưa. Nắng như đổ lửa. Hắn tần ngần nhìn mấy đống quả mít to tướng, chất chềnh ềnh giữa chợ chưa kịp bốc đi, rồi nặng nề lê  từng  bước  về phía bến xe.

- Đứng lại đã !  - Tiếng quát bất ngờ của người đàn bà quét chợ đanh, gọn, nhưng chỉ vừa đủ để hắn nghe thấy.

-  Thì tôi đi đây rồi, bà còn muốn gì nữa. Này, vừa phải thôi, đừng có mà tưởng thằng này sợ nhá .

- Đừng đi, hãy ở lại.

- Cái gì ? ở lại  ?

- Ừ ! ở lại giúp tôi quét chợ. Bề bộn quá, tôi làm không xuể.

 

*

Dạo này chợ Mít được quét dọn rất nhanh. Hàng tôm, hàng cá, hàng thịt, hàng rau được xếp theo từng dãy. Những đống rác to tướng được được dọn đi ngay , không còn bốc  mùi khó  chịu. Hổ  hùng hục làm việc suốt ngày, tối đến cơm nước xong là ngáy khò khò, đánh thẳng một giấc đến sáng. Từ ngày bỏ làng ra đi, chưa lúc nào Hổ thấy thảnh thơi, dễ chịu như bây giờ. Người đàn bà quét chợ cho hắn ở gian nhà ngoài, nấu cơm cho hắn ăn, thỉnh thoảng còn   chủ động trò chuyện với hắn. Dân phố chợ thì vun vào. Họ bảo : “ Chúng mà thành vợ chồng thì cũng tốt chứ sao. Được vậy , con bé  Tảo cũng đỡ khổ…”.

 

Vậy mà Tảo và Hổ thành vợ chồng thật. Không cưới cheo gì, cứ tự nhiên như cây cỏ. Trong căn nhà nồng ấm hương vị gia đình, nhiều đêm Hổ thao thức nhớ về người mẹ  khốn khổ, về ông bà ngoại và về cái làng Tiết xa xôi, mà nước mắt  cứ ứa ra…

 

*

Chỉ còn hơn tháng nữa là tết âm lịch. Thấm thoát đã qua gần hai năm Hổ là cư dân chợ  Mít.  Chập tối. Đèn  đường mới vừa  bật sáng, Tảo đã bảo chồng đóng cửa. Thấy Hổ chưa hiểu, Tảo giục : “ Cứ đóng cẩn thận vào đi , rồi em cho xem cái này”. Hổ vào. Tảo kéo tay chồng đặt lên bụng mình, mắt lim dim nói  thật khẽ :

- Thấy chưa, hơn hai tháng rồi đấy. Thích không ?

- Ồ ! thật thế , thích lắm chứ.

Bỗng có tiếng gõ, rồi đấm cửa dồn dập. Hổ lật đật  chạy ra. Mấy người đàn ông mặc sắc phục công an, súng ống nai nịt, ập vào. Một người nghiêm giọng :

- Đứng im ! Bảy Hổ, anh bị bắt !

- Vì sao, tôi  vi phạm  cái gì ?

- Cách đây  hơn hai năm, tuy không là chủ mưu, nhưng anh có tham gia vụ cướp tiệm vàng ở  S… vậy có oan không ?

Hổ lặng đi trong giây lát, rồi gật đầu, đưa hai tay ra :

- Không oan, bắt đi !

Chiếc còng số 8 bấm lại. Hổ sót sa  nhìn vợ. Sau phút giây bàng hoàng, người đàn bà quét chợ cũng đau đớn nhìn chồng. Họ lặng lẽ nhìn nhau trong buốt nhói, chia xa, không một giọt nước mắt nào kịp nhỏ xuống…

 

*

Bây giờ thì hắn lại nằm đây. Quá tam ba bận. Thế là lần thứ ba hắn bị tống vào tù. Mờ sáng. Tiếng còi báo thức của trại giam  vừa ré lên, hắn đã  vội vục dậy, ghé sát mắt vào cái  cửa tò vò bé tý . Cuối đông, không  rét  đậm nhưng trời vẫn còn âm u .  Giờ này chắc Tảo đang lấy chổi vun rác thành từng đống. Hắn thấy thương vợ quá. Khi sinh con, chắc là Tảo sẽ phải lúng túng lắm. Nghĩ vậy, trong hắn bỗng trào dâng một tình cảm  thật khó tả. Bất giác hắn mỉm  cười, mong cho ngày tháng qua mau…/.

 

Nha Trang 01-2008

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 2257
Ngày đăng: 09.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sợ - Ngô Nhật Lê
Ngọc phật - Bạch Lê Quang
Điếu văn của người quét chợ - Đặng Văn Sinh
Cuội - Nguyễn Chính
Kén vợ kén chồng - Đỗ Ngọc Thạch
Cư dân của thành phố - Vinh Anh
Những cô bạn cũ - Phạm Hồng Danh
Say nắng - Khôi Vũ
Khúc lý chiều chiều - Nguyễn Minh Phúc
Thí điểm của tự do - Nguyễn Viện