Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.220.997
 
Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm)
Nguyễn Thị Hậu

(Tư liệu điền dã khảo cổ học)

 

Xóm làm bếp lò gốm thuộc làng Phú Định (quận 6) nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Luông, ven kênh Ruột Ngựa và đối diện với làng Hòa Lục có di tích lò gốm cổ Hưng Lợi nổi tiếng. Làng Phú Định  và Hòa Lục là hai làng cổ còn giữ nhiều nét cảnh quan tự nhiên, nằm trong phạm vi của xóm lò gốm xưa. Gọi là “xóm làm bếp lò”nhưng thực ra trong xóm chỉ còn 7-8 gia đình làm nghề này, thợ chính là người trong nhà và mướn thêm một số thợ phụ là bà con hàng xóm. Không như quá trình sản xuất những sản phẩm gốm hiện đại, việc sản xuất bếp lò gốm – còn gọi là “nắn ông lò”- thợ chính thường tự làm mọi khâu kỹ thuật cơ bản: xử lý nguyên liệu, tạo dáng và đốt lò nung. Thợ phụ chủ yếu là tạo miếng chắn lò hay vận chuyển sản phẩm vào- ra lò. Việc sản xuất theo từng mẻ lò, tức là làm hết một khối lượng nguyên liệu nhất định ra thành phẩm rồi mới làm tiếp mẻ sau. Tùy theo mức độ tiêu thụ (và thời tiết ) mà mỗi lò có 4-5 hay 8-9 người thợ.

 

1) Nguyên liệu : Nguyên liệu dùng “nắn ông lò” không cần loại đất thật tốt hay phải xử lý phức tạp. Tuy nhiên vẫn phải bào đảm yêu cầu cơ bản là chịu nhiệt cao do chức năng của sản phẩm. Khoảng hơn hai mươi năm trước, nguyên liệu làm bếp lò gốm được khai thác tại chỗ : mỗi khi nước ròng người ta lội ven kênh Ruột Ngựa, gạt lớp đất bùn dơ bẩn bên trên dày khoảng 0,5m là tới lớp sét xám đen, mịn dẻo dùng “nắn ông lò”  rất tốt. Nhưng hiện nay kênh Ruột Ngựa bị ô nhiễm nặng nề, lớp bùn bên trên ngày càng dày và thẩm thấu xuống làm lớp sét phía dưới không còn tinh chất. Vì vậy, nguyên liệu hiện nay được khai thác chủ yếu ở khu đất ruộng Cầu Bà Tàng ( quận 8), cách xa khoảng 8km, dùng ghe nhỏ chở theo kênh Ruột Ngựa mất khoảng 2 giờ. Mỗi ghe đất khoảng 5 – 6m3 chia cho 3 – 4 gia đình làm bếp lò.

 

Ngoài đất sét, nguyên liệu làm bếp lò gốm còn có than từ trấu hun thành. Một đống trấu khoảng 0,5m3 hun âm ỉ trong khoảng một ngày một đêm cho cháy thành than đen mịn (chưa thành tro).  Việc hun trấu phải có kinh nghiệm lựa vị trí đổ đống trấu và thời điểm hun trấu vào lúc lặng gió. Nếu gặp gió lớn trấu sẽ cháy thành tro màu trắng thì không thề sử dụng được, hoặc nếu trấu cháy chưa thành than thì trộn vào đất sét lại làm nứt bếp lò khi nung.

Đất sét ruộng mang về được ngâm trong nước từ 2 – 3 ngày làm tăng độ mịn dẻo và lắng bỏ những tạp chất. Sau đó trộn than trấu vào với tỉ lệ thường là 2/3 đất và 1/3 than trấu, hoặc tăng giảm chút ít tùy theo kinh nghiệm, thói quen của từng người thợ. Việc trộn than trấu vào đất sét là nguyên tắc bắt buộc để làm tăng độ chịu nhiệt của bếp lò khi nung và nhất là trong quá trình sử dụng sau này. Kỹ thuật pha trộn nguyên liệu rất đơn giản, người thợ dùng chân dẫm đạp liên tục, nhào cho đất sét và than trấu trộn đều thành một hỗn hợp mịn, mềm nhuyễn như bùn non là đạt yêu cầu. Sau đó vun gọn lại thành đống, dùng lá dừa nước đậy lên để giữ độ ẩm. Khối lượng nguyên liệu này được sử dụng chỉ trong khoảng 1 – 2 ngày, đủ để tạo ra một số lượng bếp lò đủ nung trong một mẻ, đồng thời nguyên liệu còn giữ được độ ẩm, độ mềm dẻo.

 

2)Tạo dáng : Đây là công đoạn chính được tiến hành theo trình tự nhất định. Thông thường thợ “nắn ông lò” tự hoàn chỉnh những sản phẩm của mình theo từng bước.

 

- Bước 1 : Quay : là thao tác tạo dáng cơ bản cho bếp lò bằng khuôn. Khuôn bếp lò làm bằng xi măng, hình chóp cụt, kích thước tùy theo sản phẩm, thường có 5 loại đánh số thứ tự từ 1 đến 5 theo kích thước nhỏ đến lớn. Khuôn đặt trên giá kê bằng gỗ cao khoảng 0,8 – 1m vừa tầm để người thợ làm việc ở tư thế đứng và đi vòng quanh khuôn. Khuôn để theo chiều đứng của bếp lò, người thợ bốc từng nắm lớp nguyên liệu có rắc thêm ít cát mịn để chống dính cho vào phía trong của khuôn, tạo đáy trước và trát dần lên thành khuôn. Mỗi lớp đất dày khoảng 1 – 1,5cm được người thợ dùng tay phải ấn vuốt liên tục cho ép chặt vào khuôn, động tác này được thực hiện khi người thợ đi lùi vòng quanh khuôn. Tiếp theo là một lớp đất nữa cho đến khi đạt độ dày cần thiết của thành bếp lò (từ 3 – 6cm). Sau khi dùng cả hai tay vuốt trong và mép miệng cho thật chặt, người thợ bê khuôn ra chỗ phơi, lật úp ( đáy lò lên trên) và nhấc khuôn ra để phơi sản phẩm. Thao tác quay lò được làm ngoài sân, cạnh nơi để nguyên liệu và xung quanh là chỗ trống để phơi sản phẩm mà không phải di chuyển nhiều. Nếu trời nắng phơi độ 2 ngày, trời mưa phơi trong nhà hoặc đậy liếp lá dừa nước thì phơi 3 hoặc 4 ngày. Những người thợ quay lò cùng làm cho đến hết nguyên liệu mới bắt tay sang bước kế tiếp.

 

- Bước 2 : Nắn gù : là thao tác tạo ra 3 giá kê trên thành miệng bếp lò, còn gọi là “nắn kiềng”. Người thợ ngồi ở một đầu ghế dài, đầu kia đặt thân bếp đã được phơi. Dùng tay nắm từng nắm đất đắp lên 3 vị trí cân xứng trên thành bếp và ấn vuốt cho dính chắc và bằng phẳng. Sau đó lại đem phơi cho giá kê khô ráo.

 

Ở hai bước quay và nắn gù, người thợ dùng tay là chủ yếu, tư thế đứng và đi lùi (quay) hoặc ngồi (nắn gù). Dụng cụ ngoài khuôn, giá kê và ghế dài, có thêm một thanh tre mỏng dài 20 – 25cm dùng để gạt đất để thành miệng lò và các giá kê bằng phẳng. Thanh tre này còn nhằm xóa đi dấu tay mà một số người thợ ít kinh nghiệm để lại khá rõ.

 

- Bước 3 : Cắt gọt : là thao tác tạo miệng lò, cửa lò và sửa sang sản phẩm, được người thợ tiến hành một cách tỉ mỉ và cẩn thận nhất. Tư thế làm việc vẫn như ở bước nắn gù nhưng có thêm sự hỗ trợ của công cụ chuyên dụng là dao cắt bằng sắt và bàn đập bằng gỗ. Tay phải người thợ cầm dao cắt dài và mỏng, lưỡi cong nhọn dần về mũi ( gần giống lưỡi liềm), nhát cắt nhanh gọn và đúng vị trí định trước. Tay trái người thợ vuốt nhanh những rẻo đất bị cắt rời, sau đó dùng bàn dập bằng gỗ - giống như chiếc bay gỗ của thợ hồ - vỗ mạnh vào chỗ vừa cắt cho bằng phẳng và chắc chắn. Thứ tự các bước cắt gọt là :

 

* Tạo dáng giá kê : dùng dao cắt khối đất đã đắp trên thành miệng lò thành khối vuông nhưng cạnh phía lòng bếp cắt thành hình mũi tên để thành bếp được tròn đều và thoáng.

 

* Tạo miệng lò : khoảng giữa hai giá kê ( bất kỳ) người thợ cắt một đoạn thành lò dài khoảng 8 – 10cm, cao 6cm. Sau khi cắt rời, miếng đất được chuốt láng và lắp vào vị trí cũ. Đây là miệng lò có thể tháo lắp khi đun nấu bằng than hoặc củi.

 

* Tạo cửa lò : sát đáy và cùng phía với miệng lò, người thợ cắt cửa lò thành một hình thang, kích thước tùy từng cỡ bếp. Đây là chỗ để cào than tro.

Trong thao tác cắt gọt, người thợ liên tục nhúng dao vào nước để giảm ma sát, đồng thời làm cho sản phẩm thêm láng bóng.

 

- Bước 4 : Làm miếng chắn lò : Công việc này thường do thợ phụ là phụ nữ làm riêng, thao tác đơn giản, nhẹ nhàng. Người thợ nặn đất thành những miếng tròn dẹt, dày khoảng 1 – 1,5cm, đường kính phù hợp với khoảng cách giữa ½ chiều cao thân lò. Miếng chắn lò nằm giữa miệng và cửa lò. Sau khi phơi cho ráo, dùng một ống trúc dài độ 10-15cm, đường kính 1- 1,5m đục những lỗ nhỏ trên miếng đất theo vòng tròn vào giữa tâm. Do quen tay nên người thợ làm nhanh tay, thậm chí không cần nhìn vào miếng đất mà những lỗ thủng vẫn cách đều nhau. Đất làm miếng chắn lò có thể dùng nguyên liệu mới trộn với đất dư thừa trong các bước trên để tiết kiệm. Miếng chắn lò dùng để gác than hoặc củi khi đun bếp, tro sẽ theo các lỗ nhỏ rơi xuống đáy lò và được cào ra ngoài qua cửa lò.

Đến đây hoàn tất công đoạn tạo dáng. Bếp lò được chồng úp từng cặp, miếng chắn lò để riêng, chờ xếp vào lò nung.

 

3) Quá trình nung:

- Nguyên liệu: các lò nung bếp lò gốm sử dụng trấu là nguyên liệu chính, cùng với củi điều (là những cây điều già cỗi bị chặt ở vùng trồng điều Bình Dương, Bình Phước).

 

- Cấu trúc lò nung: khá đơn giản, thể tích gọn nhỏ, thường được xây gần kênh Ruột Ngựa theo hướng bầu lửa về phía kênh. Lò nung cũng có bầu lửa, cửa hậu, ống khói, lòng lò, các vách lò nhưng không có nóc lò. Toàn bộ lò nung nằm trong một ngôi nhà rộng lớn hơn, trống trải và có mái tôn khá cao. Đây là nơi để phơi sản phẩm khi trời mưa, cũng là nơi để củi, trấu và sản phẩm sau khi nung.

 

- Lò nung bếp lò gốm thường có hình vuông hoặc gần vuông. Kích thước nhỏ nhất 2,5 x 2,5m, lớn nhất 4x5m, cao từ 1,5 – 2m. Bầu lò phía kênh Ruột Ngựa, tường đối diện có cửa hậu và ống khói, 2 vách hai bên được đắp khá dày. Lò xây bằng gạch lớn.

 

·   Bầu lửa: ở khoảng giữa vách lò, hình bán nguyệt, đường kính 0,5 – 0,8m, thấp hơn nền lò khoảng 0,5m. Trên bầu lửa là cửa lò rộng 0,5 – 0,8m, cao 0,6m. Bên trên cửa lò là giá kê bằng sắt đỡ một thùng phuy đựng trấu, trong có hai cây tre nhỏ dài, đầu bịt sắt để gạt trấu xuống.

·   Vách đối diện bầu lửa: có cửa hậu, kích thước 0,8 – 1m, dùng để đưa sản phẩm vào nung và lấy ra. Ống khói xây bằng gạch thẻ thành từng cột vuông 0,3 X 0,3m trong rỗng lòng, thường có 2 ống khói ở hai góc của vách hậu. Đối diện bầu lửa có một hố nhỏ sâu khoảng 0,5m, từ đó có 2 đường rãnh nhỏ sát chân vách hậu dẫn đến 2 ống khói. Đây chính là đường dẫn khói.

·   Xếp sản phẩm vào lò nung: sát nền lò là những hàng “chân lò”. Đó là những con kê hình dáng giống bếp lò nhưng không có giá kê và làm méo một bên để có thể áp xuống mặt đất. Chân lò xếp cách nhau 8-10 cm theo chiều ngược nhau. Các bếp lò xếp nghiêng trên chân lò và cũng ngược đầu nhau, giữa các bếp lò có các con kê đất, nhằm giảm sự va chạm làm méo hay nứt vỡ. Cứ chồng 4 hàng khắp lò lại phủ một lớp trấu, còn củi điều chẻ nhỏ xếp xen kẽ giữa các chồng bếp lò. Cứ thế bếp lò được xếp cao gần bằng vách lò. Các miếng chắn lò đã được đặt vào trong bếp trước khi chồng lò, để khi nung miếng chắn lò sẽ gắn chặt vào thành lò.

Sau khi chồng lò xong, cửa hậu được bịt lại bằng gạch và đắp đất cho kín. Kỹ thuật chồng lò đảm bảo tận dụng tối đa khoảng trống trong lòng lò bằng cách xếp bếp lò ngược nhau, đồng thời vẫn thông thoáng để lửa cháy đều, thoát khói tốt, đảm bảo sán phẩm chín đều.

- Nung: Lửa được đốt ở bầu lửa khoảng 2 -3 giờ, sau đó bắt đầu tiếp lửa bằng trấu ở cửa lò. Nung như vậy trong 1 ngày đêm. Khói thoát ra phía trên lò nung. Sang ngày thứ hai người ta dùng đất sét trộn phế phẩm đập nhỏ đắp nóc lò lên chồng sản phẩm trên cùng. Nóc đắp vòng cao và có một số lỗ thoát hơi để nóc khỏi nứt. Tiếp tục đốt trấu 1 ngày đêm nữa và bịt kín cửa lò, ủ tiếp trong 2 ngày. Như vậy để hoàn tất một mẻ nung mất 4 ngày

 

4)Thành phẩm: mỗi mẻ nung được khoảng 300- 400 bếp lò, tỷ lệ thành phẩm khoảng 95%. Số phế phẩm có thể được “hàn” lại nếu nứt nhẹ và bán với giá rẻ, còn lại được tận dụng đập nhỏ, trộn với đất bùn để đắp nắp lò hoặc vá lò. Sản phẩm đạt yêu cầu phải chín đều có màu gạch đỏ tươi, không nứt méo, chắc nặng, láng bóng. Lúc này bếp đã có thể sử dụng được ngay, nhưng gần đây, để tăng độ thẩm mỹ và chống thấm nước, bên ngoài bếp lò được bọc thêm lớp vỏ thiếc (tận dụng từ các thùng thiếc bỏ đi). Công đoạn này hiện được làm ở khu xóm Củi (quận 8).

 

Khoảng từ 1985 – 1986 trở về trước, sản phẩm của xóm lò bếp lò làng Phú Định tiêu thụ mạnh ở cả nội và ngoại thành TpHCM, ở một số tỉnh miền Đông và ra tận một số tỉnh Nam Trung Bộ. Nhưng hiện nay, cư dân nội thành Tp.HCM hầu như đã chuyển sang dùng bếp dầu, bếp ga nên bếp lò gốm chỉ còn tiêu thụ ở ngoại thành một ít. Phần lớn sản phẩm vẫn được bán ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Đà Lạt để làm bếp than vì chất đốt chủ yếu vùng này là than củi. Trong khi đó, ở miền Tây Nam Bộ đã phổ biến loại bếp cà ràng và bếp lò đắp cố định dùng trấu, trừ những gia đình sống trên ghe xuồng để buôn bán hay khai thác thủy sản. Điều này cho thấy điều kiện sống và chất đốt là yếu tố quan trọng để cư dân mỗi vùng sử dụng một loại bếp lò khác nhau.

 

Hiện nay, nghề làm bếp lò và xóm làm bếp lò ở làng Phú Định hầu như không còn nữa, do sản phẩm tiêu thụ ngày càng ít, và người làm nghề này do thu nhập thấp nên cũng lần lượt bỏ nghề. Nhưng chủ yếu là do khu vực này đã được đô thị hóa. Đường phố thay thế làng xóm, nhà cao tầng của lớp cư dân mới đã thay thế những ngôi nhà đơn sơ trước đây. Ghi nhận kết quả nhiều lần khảo sát  xóm làm bếp lò gốm làng Phú Định (1998 – 2002) chúng tôi muốn góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu nghề làm gốm đất nung nói riêng và các nghề thủ công nói chung, cũng là nhằm lưu lại những di sản văn hóa vật thể - phi vật thể độc đáo của vùng đất Tp.HCM./.

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 7137
Ngày đăng: 11.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Đồ gốm sứ ở cảng thị Ba vát Bến Tre - Trần Anh Dũng
Di Chỉ Khảo cổ học Giồng Nối (Bến Tre) - Trần Anh Dũng
Văn Hóa Sa Hùynh Nhìn từ Văn Hóa Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Cội Nguồn Văn Minh Ở Trung Quốc : Sự Khác Nhau Giữa Tài Liệu Khảo Cổ Và Cồ Sử Cùng Sự Giải Thích - Hà văn Thùy
Vài suy nghĩ về việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Văn hoá tiền sơ sử Bà rịa - Vũng tàu trong không gian tiền sử đông nam bộ - Phạm Quang Minh
Câu chuyện về khảo cổ học : Hoàng đế Ashoka đã sống lại như thế nào? - Nguyễn Đức Hiệp
Phát hiện ngôi mộ 1.700 tuổi tại miền bắc Peru - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)