Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.249
 
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo
Phạm Phù sa

Nói đến Văn hoá Quảng nam không thể không nhắc đến văn nghệ dân gian. Trong các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian xứ Quảng ngày xưa được ưa chuộng, nếu để chọn ra những món ăn đặc sản tinh thần không thể thiếu thì đó là diễn xướng bài chòi và Hò khoan đối đáp. Bài chòi trước đây chỉ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, nó hiếm hoi như vậy là vì mỗi lần tổ chức khá tốn kém, việc chuẩn bị cũng phải tỉ mẩn : tranh, tre, nứa, lá , kèo, cột làm chòi rồi bàn, ghế, cờ xí, vật dụng, trống phách, ban bệ cần có cho một "hội" bài chòi. Nói hội ở đây không phải là một "ván cờ", một lượt chơi, mà là một tổ chức. Nó "kép công " như vậy nhưng sau Tết rồi nếu có chủ ý giữ gìn bảo quản để lại tái sử dụng cho năm sau cũng không thể, vì tranh tre mục nát mối mọt cả. Mà đã là năm mới thì ai lại dùng đồ hư hỏng bao giờ? Xui xẻo đầu năm lắm! còn tổ chức tại một mái chợ, ngôi trường v.v...thì chẳng ra cái hội bài chòi. Còn Hội hò khoan thì khác hẳn.

 

Hò khoan là một loại hình "dân ca" sinh hoạt dân gian miền sông nước, là "lời ăn tiếng nói" của quần chúng lao động được trải nghiệm, thu nhận qua vốn sống hàng ngày mà biểu lộ ra, qua tài năng của các nghệ nhân được cải biến đi, nâng tầm lên thành vần điệu cho nghệ thuật hơn, làm phương tiện để trao đổi, bày tỏ, chuyển tải tâm tình giữa những cá thể, những tập thể với nhau trong cộng đồng. Ở Quảng Nam, gọi là hò khoan vì đây là một dạng hò "lơi". Các nghệ nhân lợi dụng câu hố ( À ơ... ơ...ớ....Khoan...ơ... hố hợi...là hò...khoan ) như một tiểu xảo, kéo dài ra để có thời gian mà tìm ý, lời đối đáp.Hố thường đồng xướng tập thể, hoặc một người xướng, tập thể hò xô theo để tạo thêm khí thế, cho nên người xưa có câu ví von rằng:

 

Gốc tre khéo nấu cũng ngon

Hò khoan hát dở, hố dòn cũng hay

 

Ông cha ta, trong cuộc hành trình về phương Nam đi mở đất đã "gánh theo tên đất, tên làng" và mang theo cả những câu hò trong huyết quản. Do đó, Hò khoan hiện diện từ Bắc chí Nam, đặc biệt rất phát triển ở dải đất miền Trung. Bây giờ chúng ta còn được nghe Hò khoan Quảng Bình, Lệ Thuỷ, tại những hội lễ làng bên sông Kiến Giang.Tại miền Trung, hò khoan có mặt ở khắp các tỉnh, mỗi tỉnh lại có cách thể hiện khác nhau. Khi vào đến miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long thì hò đối đáp có sắc thái êm ả, phóng khoáng hơn rất nhiều như ta nghe một điệu hò Đồng Tháp, đôi câu đối đáp huê tình...

 

Ở nông thôn ta trước đây, vào những dịp nông nhàn, tấn vụ ( trước khi xuống đồng vào vụ mới, nông dân làm lễ cúng Thần Nông, hoặc sau vụ thu hoạch mùa màng, lúa đầy bồ, cá tôm đầy bến ...) vào những đêm trăng sáng ,trai thanh, gái lịch rủ nhau ra sân đình làng hoặc bãi đất nơi bến sông rộng, thoáng để lập hội hát Hò khoan. Đó là những cuộc chơi "hoành tráng". Còn thường ngày khi lao động  trên đồng cạn,dưới đồng sâu đều có thể đối đáp cho vơi đi nhọc nhằn vất vả. Nhiều lúc cao hứng họ có thể hát đối đáp với nhau trên thuyền, giữa thuyền này với thuyền khác khi đang bồng bềnh trên sóng nước trữ tình. Một Hội Hò khoan không đòi hỏi chuẩn bị gì nhiều, tất cả vốn liếng là "ở trong ruột" , hừng tình là hát ở bất cứ đâu cho nên, hò khoan dễ tổ chức hơn.

 

Tại Quảng Nam, theo các bậc "cao niên trưởng thương" thì hồi ấy, ở địa phương nào cũng có Hội hò khoan, thậm chí một địa phương cũng có nhiều hội. Đó  là một tổ chức tự nguyện (như Câu lạc bộ bây giờ),quy tụ những "tài năng" ứng đối giỏi, có thể "xuất khẩu thành thơ" ngay, hát được mọi chủ đề, mọi tình huống, kiến thức rộng để không bị đối phương "bắt bí". Có khi nhiều nhóm trong một địa phương tổ chức đối đáp với nhau, lại lắm khi "con gà tức nhau tiếng gáy", các hội cách xa nhau dưới biển trên nguồn, nghe tiếng biết tên nhau cũng tìm đến thi thố hát hò. Có vị ê chề vì thua mưu hát xạo nên biệt xứ tha phương, lại cũng lắm khi vì khích bác nhau nặng nề nên xảy ra xô xát dẫn đến thương vong.

 

Tôi xin nêu lên đây một vài câu hát xạo do các nghệ nhân cao tuổi kể lại để chúng ta cùng tham khảo :

 

Nam : Ta muốn hôn má bậu mà chơi

Hoa kia còn phong nhuỵ Bướm lả lơi phỉ tình

 

Nữ : Má đâu có sẵn mà hôn chơi

Anh ra ngoài đồi bắt chó mà hôn

 

Nam: Trên sơn dưới thủy, bạn giữ kỹ làm gì

Tiền thân hậu phúc, kiếm chút ấu nhi mà bồng.

 

Nữ : Trên sơn dưới thủy, ta có giữ kỹ cũng ra đám đất bằng

Mai sau bạn có chết thì ra chỗ nớ lập cái lăng mà thờ!

 

Qua mẩu đối thoại trên ta có thể thấy người nam từ chỗ hát ghẹo, do  "tán tỉnh" thái quá, thiếu lịch lãm nên không được người nữ chấp thuận mà trả đũa thẳng thừng. Dường như chưa thoả, một nữ khác phụ hoạ thêm:

 

Nữ: Nghe đồn chàng khát nước thèm nghêu

Gặp chàng đây thiếp thử trao nghêu cho chàng cầm,

Cầm về bỏ vô ảng mà ngâm

Cho nước nó ra mà uống, nghêu cầm mà chơi!

 

Đến nước này thì người nam chẳng thể nhịn, vội đốp chát với miếng võ "gậy ông đập lưng ông " của bên nữ.

 

Nam: Bạn trao nghêu thì để ta cầm

Ta cầm về bỏ ảng ta ngâm

Nước ra đôi chén, ta cầm về cho nhạc gia

Ông uống rồi ông lại thở ra,

Khen cho thằng rể ở xa (mà) hiếu tình.

 

Đây chỉ là những câu hò chưa "nặng đô" lắm, nhiều câu còn "độc địa” hơn nhiều khiến người trong cuộc dễ "tăng huyết áp". Nếu trong Hội có người cao tay hơn, uy tín hơn ra tay "hát can, hát rước" để giải mối bất đồng và lái câu chuyện đi về phía khác thì mới không đổ vỡ, nếu không, cao trào đỉnh điểm sẽ càng lúc càng được đẩy cao thêm.

 

Hò khoan hát xạo là mảnh đất để các bên bộc lộ hết "vốn liếng" tài năng ứng đáp, gây thích thú cho người đi xem hội sau mỗi câu đối-đáp đốp chát đầy bất ngờ, nhưng dễ dẫn đến hát tục, hát ngạo...là một ngón đòn "độc", dễ gây mất hoà khí nên sau này bị dư luận phản đối, các hội hò khoan cũng ít ưa dùng, dần dần dẫn đến thất truyền.

 

Trong Hò khoan đối đáp có nhiều công đoạn thể hiện như những tiểu đoạn, và một buổi hát đối đáp phải đi qua các công đoạn đó. Thường thì khi mới vào cuộc, hai bên chào hỏi giao đãi, mời mọc xã giao, đến khi "bén tiếng, quen hơi" thì bắt đầu "bắt chạn" để hát cùng, gọi là hát "kết", kết bạn, kết nghĩa, kết duyên...nhiều đôi trai gái phải lòng nhau qua ý lời trao gởi và nên nghĩa vợ chồng. Trong cuộc hát , lại có nhiều nội dung xen lẫn như hát đố, hát xạo, hát ghẹo, hát huê tình, nhân ngãi, sinh tử, hát ống, hát nhắn, hát trách, hát chờ...đến khi sắp tàn cuộc thì hát hẹn, hát xa để chia tay, giã bạn và hẹn nhau vào dịp khác. Sau đây là một số câu hát tiêu biểu:

 

Hát chào:

Gặp nhau một chút nên duyên

Xin mời bên đó cất lên giọng hò

Ở ngoài xa tôi nghe tiếng bạn hò

Cách sông tôi cũng lội, cách đò tôi cũng sang

Tới đây, tôi chào hết bạn vàng

Chào người thục nữ, chào nàng thuyền quyên

 

Nam : Gặp anh sao chẳng hỏi, chẳng chào

Hay là em đã có chốn sang giàu hơn anh ? (hát trách)

 

Nữ : Tối tăm em còn biết nút mà gài

Chừ đây biết quen hay lạ, biết ai mà chào?

 

Hát kết:

 

Tới đây anh lạ, em cũng lạ

Em bận áo hò cụt, anh bận áo đen dài

Anh nói với em huỷ huỷ hoài hoài

Biểu em đừng kết nghĩa với ai

Để còn kết nghĩa lâu dài với anh

Ai trắng như bông lòng tôi không chuộng

Thấy em đen dòn làm ruộng tôi thương

Biết rằng dạ có vấn vương

Để tôi cậy mối tìm đường sang thăm

Bướm đeo dưới bụng cây bần

Anh muốn vô kết nghĩa đá vàng được không ?

Em còn bán tín, bán nghi

Chưa đem vô dạ, chưa ghi vào lòng

 

Hát ghẹo:

 

Trứng vịt đổ lộn trứng gà

Thấy em má đỏ anh đà muốn hun ( hôn )

 

Muốn hun về nói với mẹ cha,

Tiền cheo, heo cưới tới nhà mà hun.

 

Nực cười con Kiến kiện con Rồng

Bạn xít ra cho khỏi kẻo chồng ta ghen

 

Cọp nằm kẽ đá mài răng

Mấy thằng chồng ghen vặt ông ăn cho rồi

 

Ai về nhắn với ông câu

Con cá ăn không giựt, để lâu mất mồi

 

Mất mồi này ta câu mồi khác

Cá biển nhiều xao xác thiếu chi ?

 

Hát nhân ngãi:

 

Cọp mà vật mấy ông thầy địa

Yêu mà nhai mấy thầy bói chọn ngày

Trớ trêu họ khéo đặt bày

Mình cứ thương cho hết dạ thì cao dày cũng phải nghe

 

Vợ chồng là nghĩa phu thê

Tay ấp má kề, sinh tử có nhau

Chẳng tham của sẵn anh đâu

Tham vì nhân nghĩa năm đầu ngón tay

Bao giờ cho đặng sum vầy?

Giao ca đôi mặt dạ này mới vui

 

Hát sinh tử:

 

"...Ngó vô trong cảnh gia đàng

Nhơn sầu cảnh dị, hoa tàn nhuỵ khô

Một mình quày quả ra vô

Bải nước trầu còn đố mẹ con đi mô không thấy về

Hay là em ly biệt phu thê

Em hẹn hò non nước, bỏ bê chốn dương trần..."

 

 

Hát đố :

Trong Hò khoan đối đáp lắm khi các bên đưa ra một vế đối ít ai ngờ tới, nội dung câu đố thường không cao siêu nhưng mưu trí, gọi là "đố mẹo", hát đố cũng gây sự thích thú khi nội dung câu đố đã được"giải mã" hợp lý hợp tình.

 

Đối :

Bánh dẫu nhiều sao gọi là bánh ít (một loại bánh thường có ở Hội An )

Chuối con non sao gọi chuối già?  (tên cây chuối hột )

Nếu anh mà đối dặng mới thiệt là đáng khen

 

Đáp : Sao canh chua loét cũng kêu canh ngọt ( rau bồ ngót và lấy từ ý câu " cơm lành, canh ngọt" )

Cau cao nghệu sao gọi cau lùn? ( tên loại cau )

Thuyền quyên mà có hỏi nữa, anh hùng chẳng chịu thua!

 

Đố lái: Đây là đặc thù của xứ Quảng. Bên cạnh cái sự "cãi", nói lái cũng được người Quảng ưa dùng, không những thế, họ còn vận dụng đưa vào lời hát hết sức tài tình tài tình. Chỉnh vế, chính cả  ý tứ. ( chủ yếu là lái âm, lái ý nhưng cũng đôi khi rất chỉnh từ ). Nếu bảo rằng đây là một "nghệ thuật" cũng không ngoa

 

Đối: Con cá đối nằm trong cối đá

Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo

Anh mà đối đặng, dẫu nghèo em cũng ưng

 

Đáp: Con chim mỏ kiến đậu trên miếng cỏ

Con chim vàng lông đáp tại vồng lang

Anh đà đối đặng, anh e nàng vong ngôn

 

Đối: Con Cua, con Rồng xuôi ngược mấy con?

Em mô mà đối được ,anh mua chăn cho nằm

 

Đáp: Con cua, con rồng xuôi ngược có 4 con

Cua, Rồng nói ngược là con Công, con Rùa

Đáp được, đó chịu thua chưa ?

Lựa chăn mô đắp cho vừa thì mua.

 

Không chịu, người con trai lại trổ mòi lái xạo bắt từ ý câu đáp của nữ:

 

Anh hỏi lại em rằng sao người ta bảo là con Công gù?

Em mô đáp đặng anh đem võng dù anh đón đưa

 

Tại thành phố Hội An vào định kỳ đêm 14 âm lịch hàng tháng Tái hiện Đêm Phố cổ và vào những dịp lễ hội, trong các chương trình Phố đêm, hát Hò khoan là nội dung thường xuyên được thực hiện trên thuyền nơi bến Sông Hoài do các nghệ nhân Đội Hò khoan ứng đáp đảm trách. Thành phố cũng đã phát động Liên hoan Hát Hò khoan toàn thành hằng năm để phát hiện và nuôi dưỡng phong trào. Thật thú vị khi nghe lớp trẻ thể hiện Hát Hò khoan. Bên cạnh những lời hô hát cũ sưu tầm, các đội hò khoan đã có thêm những sáng tạo mới. Chúng ta hãy cùng hoà nhập với Sắc Xuân hò khoan trẻ qua đoạn đối đáp " Đố tục, giảng thanh "sau :

 

Nếu mà quả thiệt bạn rành

Thì trả lời cho rõ ngọn ngành cái nghề ni:

Xung quanh cỏ mọc xanh rì

Chuyện chi anh xăm xăm tới đó, chân quỳ , chân co

Mon men, hồi hộp tay mò

Đút vô xúc động ngẩn ngơ tâm thần

Rút ra , anh rút dần dần

Anh hể hả vui mừng vì có một con

(người đi mò cua)

 

Chị tôi cái bụng to phành

Miệng thì tí tẹo lại chành hai bên

Lúc nào cũng muốn được ăn

Xấu người mà tốt bụng, cứ hối chàng đút vô

Đút vô phải lắc ào ào

Đến khi no bụng bổ nhào nó ra

(Cái lồng binh đất)

 

Còn đây, câu đố của Nữ dành cho Nam, họ tiếp cận cái mới một cách tài tình ít ai ngờ tới.

 

Em khoe lớp áo xanh đỏ, tím vàng

Lớp vải căng căng nhìn thôi đã thú

Nhòn nhọn như bánh ú, tròn như quả cam

Ngày thì ít ham, đêm về mới thích

Mân mê ve vuốt chẳng nỡ mạnh tay

Sè sẹ mở dây, cưng như cưng trứng.

(Chiếc đèn lồng Phố Hội)

 

Các nghệ nhân nói rằng :Nghề hát hò khoan nó cũng có con ma" .Nhiều khi mãi mê đối đáp đến khi trời hừng đông mới chịu tan hội. Và như còn dùng dằng luyến tiếc, họ bùi ngùi chia tay và hẹn ngày tái ngộ.

 

Hát xa, hát hẹn:

Nát lòng đôi ngã phân ly

Bạn về xứ bạn, thiếp quy xứ mình

Chừ đây bóng nọ xa hình

Hội ni sơ ngộ, ta hẹn mình ngày sau

Biển trời non nước gặp nhau

Với điệu hò khoan lưu luyến biết bao nghĩa tình

 

Kiểng xa hồ, hồ khô kiểng héo

Lựu xa Đào, Lựu ngã, Đào nghiêng

Gặp nhau chưa đặng một phiên

Chừ đây cách mặt biết ai phiền hơn ai

Cứ trông rồi mốt, rồi mai

Thuyền kia, bến nọ láng lai tâm tình......

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, so với Bài chòi thì Hò khoan còn hoạt động rất nhiều nơi tại các miền quê nhưng những nghệ nhân giỏi giang ngày một vắng bóng mà không có lớp kế thừa xứng đáng là điều đáng để cho các nhà hoạch định chiến lược Văn hoá văn nghệ dân gian trăn trở. Một trong những lý do đó, theo một số nghệ nhân cao tuổi thì khả năng nhạy bén trong ứng đáp (kiến tại, bắt quờ...) của lớp hậu sinh kém dần, tính ganh đua cần có để thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh không cao.

 

Hơn nữa, lớp trẻ hiện nay có quá nhiều thú vui mới hiện đại hơn nên không còn thiết tha với hát hò khoan. Mặt khác, thiếu yếu tố hát xạo cũng làm cho tính hấp dẫn bị triệt tiêu. Bác Nguyễn Mại ở Điện Bàn (đã mất) và Bà Nguyễn thị Huệ ở Thanh Hà Hội An, những nghệ nhân từng tham gia thường xuyên tại Đội Hò khoan ứng đáp ở Hội An lý giải: "Nếu bảo hát xạo là phi văn hoá, không nên duy trì thì tại sao thơ bà Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương lại được ca tụng ? và nếu nó thô tục thì tại sao những câu hát xạo Quảng Nam lại "sống" và đã in trong sách phổ biến để làm gì?". Cũng là một câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng.

 

Ngày Xuân, trong không khí trời đất giao hoà, lòng người cũng rộn rã với Xuân Quê hương, đất nước. Dù không rộn ràng mở hội vào xuân như các hội Bài chòi, nhưng Hò khoan có một bẳn sắc riêng, một hương sắc xuân bốn mùa lan toả, một sức sống xuân qua những câu hò dân dã nhưng đầy chất trí tuệ, hóm hĩnh, vui tươi. Xứng đáng có chỗ đứng trang trọng và bền chặt trong lòng công chúng, trong văn hoá dân gian Quảng Nam và trong kho tàng tinh hoa của dân tộc ./.

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 2966
Ngày đăng: 12.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu
Chuyện thề nguyền qua câu hò của mẹ - Trần Hạ Tháp
Những khúc ca về tâm lực người nông dân trong giêng hai nghiệt ngã - Nguyễn Hoàn
Nhân lễ giỗ anh hùng Trương Định (20/8/1864 – 20/8/2008) : TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương - Võ Phúc Châu
Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1858 – 1918) - Võ Phúc Châu