Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.212.287
 
Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ và đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn
Đào Duy Hiệp

Mỗi bài thơ là một lâu đài ngôn ngữ “bí mật”, mỗi tập thơ của một nhà thơ là cấu trúc “câu” lớn ngân vang những “bí mật” mang dấu vết “ngữ pháp” tiếng lòng của riêng nhà thơ trong công cuộc khám phá bản chất của thế giới, cuộc đời. Trong hành trình đó, lao động thơ – cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ – là một cuộc du hành say mê và hứng thú nhất, nhưng cũng “tăm tối”, khổ nạn nhất của nhà thơ.

 

Nhưng, nếu đã khó hiểu, “tăm tối” như thế, thì thơ muốn nói gì qua các con chữ ú ớ, mộng mị của nó? Liệu sau khi ra khỏi bài thơ/tập thơ, người ta có hiểu thêm về thế giới, con người? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này cũng như chưa có ai định nghĩa cho thật rốt ráo: Thơ là gì? Chính sự lung linh, vẻ đẹp phù chú của ngôn từ thơ đã là một khám phá ra sự không thể khám phá của Cuộc sống, Thế giới, Tình yêu. Bởi, Thế giới là Vô cùng.

 

Mọi bài thơ tình, như Jacobson bảo, chỉ có một nội dung: “Anh yêu em”. Nhưng cấu trúc ngôn ngữ, nhịp điệu, “ngữ pháp” tiếng lòng của nhà thơ đã kiến tạo ra những “bí mật” khác nhau để nói lên cùng một nội dung đó. Đọc xong tuyển tập các bài thơ tình tuyệt mĩ của các nhà thơ thế giới, liệu ta có khám phá ra hết mọi nhẽ của Tình yêu? Cái “bất khả tri” trước tình yêu, là lí do tồn tại của tình yêu. Và do đó, của thơ.

 

*

 

Tập thơ tình và đột nhiên gió thổi([1]) của Mai Văn Phấn gồm 27 bài mang đến cho ta ngọn gió mơ hồ về tồn tại đó. (Mai Văn Phấn còn có những tập thơ khác nữa, mà gần như “song sinh” với tập thơ đang bàn là tập Hôm sau, nhưng nếu đưa vào xét trong cùng một bài viết rất dễ gây cảm giác “điểm sách”. Tôi để vào một dịp khác. Có lẽ lúc đó sẽ đọc theo kiểu “bổ dọc” hành trình thơ Mai Văn Phấn thì hay hơn).

 

Thơ Mai Văn Phấn mang định hướng thực nghiệm, thể hiện trách nhiệm, ý thức lao động nghệ thuật rất rõ. Có thể có người cho là “khô khan”, khó hiểu cũng được. Nhưng “đọc” ra được một phần nào sự khó hiểu đó của thơ, có nghĩa là ta đã đồng hành, đồng điệu cùng nhà thơ trên hành trình khám phá. Thơ là sự bộc bạch chiêm nghiệm, là bản “photo” chính xác nhất của tâm hồn người làm thơ. Đi vào thế giới thơ Mai Văn Phấn không thể giục giã, cũng không thể lười ngồi chờ những xúc cảm, những rung động dễ dãi vốn gắn với cách gieo vần réo rắt, du dương, hình ảnh, liên tưởng dễ lĩnh hội đã thành quán tính ở nhiều người đọc chúng ta. Thơ hiện đại ít phổ cập đến công chúng rộng rãi cũng một phần ở chỗ đó: giữa độc giả thơ hôm nay với văn bản thơ dường như chỉ còn một mối liên hệ “mệt mỏi” – nghĩa là độc giả cũng phải đồng hành cùng nhà thơ, sáng tạo cùng anh ta.

 

Thơ đương đại ở phương Tây, như tôi biết, vẫn gắn với hai khuyh hướng chính: vệt thơ siêu thực từ những năm 20 của thế kỉ trước (tất nhiên, đã được rẽ ra nhiều ngả thử nghiệm mới) và thơ tân-trữ tình thuộc về thường nhật (néo-lyrisme quotidien): loại thơ văn xuôi mà ở đó nhà thơ lắng lại, ẩn mình vào trong lạc thú của cái đời thường, hằng ngày để nói lên những suy tư triết học và siêu hình về cuộc sống vừa trần trụi vừa ảo mộng. Có lẽ thơ Mai Văn Phấn thuộc hai dạng này. Tôi tìm hiểu tập thơ và đột nhiên gió thổi ở hai cấp độ: 1. ngôn ngữ thơ; 2. hình ảnh thơ siêu thực.

 

 

1. Ai cũng biết làm thơ là nói cái rung động của tâm hồn mình bằng ngôn ngữ đẹp, hay. Nhà thơ nói thơ trước hết là nói cái đẹp của ngôn ngữ: anh ta yêu tiếng nói của chính mình, luôn có ý thức làm đẹp ngôn ngữ của riêng mình. Cái bất cập và “đau thương”, buốt nghẹn làm nên bi kịch muôn đời của nhà thơ chính là cùng một sự vật, cùng một “con bài bắt buộc” (F. de Saussure) – tức ngôn ngữ của cha ông, tổ tiên để lại – anh ta phải “gọi tên” nó một cách khác. Đó là bi kịch của nhà thơ. Nó đòi hỏi anh ta phải có tài, nhưng nhất là phải lao động ngôn từ để tạo nên bút pháp, “thương hiệu” riêng. Nhiều người làm thơ nhưng không phải ai cũng là nhà thơ. Vương quốc của thơ không dung chứa quyền uy gia trưởng. Vương quốc Thơ tôn vinh chỉ người đẹp hoàn vũ chưa qua giải phẫu thẩm mĩ. Cái đẹp thật là trên hết. Mọi sự “be bờ đắp đập” (đạo văn) ở đây đều không được chấp nhận. Ngay cả cái đẹp “hoang dại”: một bông hoa mong manh bên dòng suối, một tia nắng muộn trên phiến đá rêu phong, một tiếng còi tàu trong đêm khuya vắng,... cũng có thể là thơ hay nếu nhà thơ “đánh thức” được nhiều người bằng ngôn ngữ thơ của riêng mình.

 

Đứng trước những “thực tại” nguyên lai đó, con mắt và tâm hồn của nhà thơ rung động, nhưng đưa cái rung động đó vào để thành thơ thì không phải ai cũng giống ai. Lí thuyết liên văn bản cho ta biết rằng mọi văn bản nghệ thuật ngôn từ mới xuất hiện đều đã có một văn bản được được viết ra từ trước đó. Nói thế không có nghĩa là người sau “copy” hay “đạo” văn của người đi trước. Nguyễn Du đã viết “đè” một cô Kiều Việt lục bát lên một cô Kiều Tàu văn xuôi bằng ngôn ngữ của riêng ông.

 

Nhưng khi nhà thơ viết đè một “phương ngữ” của cá nhân lên bản ngữ của cộng đồng thì anh ta đã lấy ngôn ngữ làm đối tượng thẩm mĩ: mỗi từ ngữ viết ra có một “bí mật” riêng xuất phát từ cõi lòng, tâm linh, vốn văn hóa, sự trải nghiệm, cái vô thức,… của nhà thơ. Lấy ngôn ngữ làm đối tượng trước hết và trên hết, nhà thơ nói để được “cái thú nghe lời mình nói”. Trong trò chơi ngôn ngữ đó, văn bản thơ không còn cho một nghĩa cố định, duy nhất đúng, mà còn có những nghĩa “tự sinh” trong quá trình đọc. Tôi hình dung rằng, nếu từ ngữ theo nghĩa từ điển là hình vuông, (“trăng” là trăng, “mưa” là mưa,…), vuông thành sắc cạnh; thì cũng những từ đó, trong thơ, chúng là hình tròn, mà chứa trong nó là hình vuông của nghĩa từ điển. Phần dư thừa của hình tròn đã mang nét nghĩa khác do được cộng sinh từ trường từ vựng, âm hưởng, giọng điệu, tiết tấu,… của bài thơ. (Thơ thực dụng, thơ tuyên truyền hoặc thơ rao hàng thì chỉ có một nghĩa, tạm gọi là “thơ vuông”).

 

*

 

Trong 27 bài của tập thơ, tôi phát hiện thấy động từ “mở” xuất hiện khá nhiều và chủ yếu ở thể chủ động. Những phân tích dưới đây phần nào tìm hiểu cái ý nghĩa ẩn sâu, cộng sinh của chúng trong sáng tạo của nhà thơ (tôi gạch chân):

 

“Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. / Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm” (Nghe em qua điện thoại): “Giọng… mở thông những cánh cửa” là âm thanh làm “mở” không gian.

 

“Mỗi cơ thể con người mở ra nhiều con mắt lạ,…. Nhắm mắt thấy em không rộn ràng như khi mở mắt” (Nhắm mắt): “mở” câu trên là khai thông thị giác tâm linh; còn “mở” câu sau “vuông” nghĩa.

 

“Tờ lịch trên tường đang tự mở sang ngày” / “Bát canh nóng mở cửa phòng chật hẹp” (Mưa trong đất): “tự mở sang ngày”: hành động “tự mở” trỏ sự trôi chảy khách quan, vô tình của thời gian; còn ở câu sau là tác động của cái thường ngày, cụ thể, hướng ra thế giới.

 

“Miệng em hé lộ khu vườn yên tĩnh.” / “Trán em mở cánh đồng hoa vàng bất tận.” (Mưa trong đất): câu trên cho hình ảnh lạ, siêu thực, theo nguyên lí đặt cạnh nhau những vật thể xa nhau làm bật ra một thực tại mới, thường gây sửng sốt: “miệng em” = “khu vườn yên tĩnh”. Hình ảnh đẹp mà hữu lí trong chiều sâu xa của dục tính, bản năng. Giống câu: “Môi em mở những đồng cỏ xa xưa mướt xanh trong cơn mưa buổi sớm, nối liền bầu trời với mặt đất rộng.” hoặc “Trán em mở cánh đồng hoa vàng bất tận.”.

 

“Buổi sáng vào bàn làm việc. Mở sổ ghi những việc cần làm” / “Lồng vào nhau từng khuôn mặt / Lời vô nghĩa mở ra tưởng tượng” (Anh anh em em) thì “mở” ở câu đầu “vuông”; câu sau là sự mơ hồ của ngôn ngữ và của thơ.

 

Đặc biệt, trong bài Những bông hoa mùa thu, số lượng từ “mở” khá đông đúc: “Gió thổi dạt chú chim sâu vào bờ bụi, mở tung chiếc áo anh mang thành một cánh buồm” / “Em ken vào anh mịn màng cỏ mọc / giàn hoa leo vươn tay quấn quýt / giục đại dương mở miệng sông hồ” / “Computer mở trên mặt bàn rộng” / “Chỉ chiếc cặp em mang là hoàn toàn có thực. / Đến lúc nào em sẽ mở ra?” / “Môi em mở những đồng cỏ xa xưa mướt xanh trong cơn mưa buổi sớm, nối liền bầu trời với mặt đất rộng.”; “Khi bờ sông mở ra bất tận / từng đám lục bình nương lũ trôi về che kín mặt sông” (Những bông hoa mùa thu).

 

Hay ở một vài bài khác: “Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở” (Bài hát mùa màng); “Nơi đất trời gặp nhau / Mở những lạch nguồn tìm về biển cả.” (Giáng sinh); “Anh lặng yên nghe ngực mình / Rộng mở…” (Khai bút cùng cỏ); “chân tư­ờng mở cánh cửa thoát hiểm” (Để nhận ra anh);

 

Ta nhận thấy trong đó, có mấy trường hợp nghĩa “vuông”, như: “mở mắt”; “mở sổ ghi”; “mở những lạch nguồn”; “mở tung chiếc áo”; “em sẽ mở ra”, nhưng cũng không hoàn toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, còn có từ đồng vị “hé lộ”… đó là những “mở” vào siêu thực.

 

Trên đây, “mở” đã không còn mang nghĩa thường ngày nữa, mặc dù ngược với nó vẫn là “đóng”. Song, nếu ta thử “lắp” nghĩa ngược đó vào trong những trường hợp trên, thì sẽ thấy không còn “hữu lí” siêu thực nữa. Các động từ “mở” chủ động ở đây phần nào cho thấy tính tích cực, chủ động của chính nhà thơ: “Ta khai mở, tôn vinh nhau. Thành ngọn nến, nước sạch. Thành hoa tươi, hương thơm tế lễ tổ tông.” (Mưa trong đất).

 

Bên cạnh đó, các từ “mưa”, “nước” - một trong những nguyên tố tạo lập nên vũ trụ - cũng xuất hiện khá dày đặc trong tập thơ - đặc trưng “âm tính” trong thơ Mai Văn Phấn. Nếu có điều kiện phân tích cấu trúc các hình ảnh mà chúng xuất hiện thì chắc chắn sẽ phát hiện ra các vỉa tầng tâm linh sâu xa trong tâm thức sáng tạo của nhà thơ. Mai Văn Phấn “tuyên ngôn” thơ: “Không, ta vẫn còn giọng nói. Mỗi âm tiết lúc ấy hiện lên một sự thật. Sự thật hiển nhiên đảo lộn mọi quy ước phổ thông.” (Anh anh em em...). Sáng tạo ngôn từ gắn với sáng tạo hình ảnh thơ để làm “đảo lộn mọi quy ước phổ thông.”, tức là bẻ gãy thói quen quán tính trong cách nhìn và cách nghĩ về sự vật. Khi đã định làm như thế và tâm niệm như thế, nhà thơ đương nhiên không thể chịu được lối mòn. Và anh ta phải lao động ngôn từ, phải lao động hình ảnh thơ. 

 

 

2. Như vừa nói, hình ảnh trong thơ Mai Văn Phấn, (đa số là thơ văn xuôi), hầu hết đều là siêu thực, mộng mị, nhưng đọc kĩ ta vẫn thấy chúng bám rất chắc trên cái nền luận lí, hữu thức. Điều đó cho thấy ý thức lao động thường trực của nhà thơ mong “khám phá” ra thế giới, cái phần chưa được tri giác của cuộc đời.

 

Thử tìm hiểu một vài kiểu hình ảnh trong thơ anh: “Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ...” (Nghe em qua điện thoại)

 

Do sự câu thúc của “rễ sâu” mà gọi ra phần đất đai linh thiêng ở vế sau; nhưng “rễ sâu” không vì thế mà không gợi hình ảnh sợi dây điện thoại cũng như tình cảm “sâu rễ” (có thể) rối rít của hai người yêu nhau. Câu thơ đã “mở” ra nhiều chiều tâm tư, suy tưởng và cả những liên tưởng thú vị. Câu “con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ...” có ba vế ứng với ba không gian “con sông”, “làng mạc”, “cánh đồng”. Nhưng chúng không còn “hiền lành” như ta vẫn hình dung xưa nay. Cả ba “vật thể” trên đều “quái gở” xét theo logic thông thường. Đứng trước “con sông chảy vào quang gánh” ta thấy lạ mà buồn, có cái gì đó hưu quạnh; đến “làng mạc phồn sinh tháp dựng” đã tấp nập, sang “cánh đồng tươi tốt trên xe cộ…” thì hình ảnh “ngược ngạo”, “quái đản”. Kí hiệu “cánh đồng” ở đây (không rõ có xa với chủ định sáng tạo của nhà thơ không?) khiến người đọc liên hệ đến ẩn dụ về sản vật, sự thu hoạch, vui tươi đã được diễn đạt bằng hình ảnh thơ, đẹp, lạ, và có chiều sâu suy tưởng. Nói về cấu trúc, vẫn ở bài thơ này, “tiếng em” được ví ở đầu bài là:

 

“Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy

Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy...”

thì ở cuối bài sẽ được “dội” lại đăng đối:

“Chỉ còn gợn sóng lan xa

Chỉ còn tan trong diệp lục

Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt

Chỉ còn bờ đá lung lay...”

 

Tất cả “chỉ còn” lại những “linh hồn” từ “xác” của các sự vật bên trên sau khi nghe em qua điện thoại dẫu tất cả đều chỉ là tưởng thượng. Âm thanh, giọng nói của “em” đã chồng chất những không gian, thời gian thành những hình ảnh lần lượt trôi qua trong ý thức của chủ thể trữ tình. Thơ, như Octavio Paz nói, là nghệ thuật của thời gian. Nhưng, cũng là nghệ thuật của không gian, trong đó có không gian văn hóa, không gian tâm linh, kinh nghiệm, không gian trải nghiệm của nhà thơ.

 

Một hình ảnh khác: “Vệt môi anh là con chim gõ kiến trên cây cổ thụ. Chiếc mỏ tí hon làm cây rừng thay lá, thân gỗ mục hồi sinh. Những tán xanh trùm lấp, rì rầm, vươn thẳng. Nhắm mắt anh nghe trong thân cây biết mặt trời đã mọc, những sóng từ phát sinh cơn địa chấn, và ngôi sao lơ đãng đổi ngôi. Thời tiết bốn mùa làm phồn sinh bản năng loài chim gõ kiến. Ngước lên cao. Lại cúi xuống thân cây thành tâm tụng niệm:

Tạ ơn mưa nguồn, chớp sáng, mây qua...

Tạ ơn sương sớm, đất đai, đêm tối... ” (Mưa trong đất)

 

Thơ văn xuôi nhưng vẫn có nhịp điệu do cấu trúc các câu và hình ảnh: từ thấp lên cao dần đến “mặt trời đã mọc”, “ngôi sao lơ đãng đổi ngôi”, sau đó lại trở về với mặt đất. Cả đoạn thơ và các hình ảnh được cấu trúc một cách có ý thức, ngập tràn thiên nhiên tươi sáng đan xen lời in nghiêng như kinh cầu nguyện. Đây là một hình ảnh tạm coi là dễ hiểu nhất trong thơ Mai Văn Phấn.

 

Dưới đây là những hình ảnh siêu thực về tình yêu mà tôi thấy rất thú vị:

 

“Làm vòm cây tái tạo nên anh

Tóc em bóng râm cội rễ

Thân cây cao vút thẳng đứng

muốn bứt lên

trong chênh lệch những miền áp thấp

trong lay giật

muốn bứt lên trong hơi nóng cơ thể

đẩy từ lòng đất

từ cốt tủy ngủ sâu tụ khí

phù trợ những sinh linh

Gạn từ em

được chiết từ em

anh hiện hữu

và không hiện hữu.”

 

“Tóc em bóng râm cội rễ” đã lạ nhưng chưa ám ảnh, bắt đầu từ câu sau nó trở đi cho đến cuối đoạn là ám ảnh tính dục, hiện sinh, giật khục, “lay giật”, là sự sống được nói bằng thơ ở phần sâu xa nhất: Adam được sinh ra thêm một lần sau Chúa.

 

Những hình ảnh khác cũng “vô lí” như thế: “Anh lặng yên nghe ngực mình / Rộng mở… / Thành quả chuông run lên trong mưa / Gặp đèn trời khói bay, gió lạnh” (Khai bút cùng cỏ); “Muôn pháp là một, một đi về đâu. Ẩn hiện không gian một chiếc bình lớn. Ai đang về giữa hạt sương trong. Tiếng sấm sâu hút. Cánh hoa mong manh vươn tự do…” (Mưa trong đất); “Những ngôi sao đen trong lòng chảo ngực / anh rối bời nổ lách tách” (Những tiếng nổ nhỏ); hoặc “Gần em nghe trăng lên / ngồi trong quả chuông ánh sáng” (Những bông hoa mùa thu), v.v.

 

3. Lời kết: Với thơ, mỗi người có một cách tiếp cận vẻ đẹp, chiều sâu ý nghĩa, triết lí. Và không thể coi cách tiếp cận nào là độc sáng, triệt để. Những dòng viết bên trên chỉ coi là những “Lời quê góp nhặt dông dài” vào những sáng tạo rất khổ công, vất vả, song đầy hứng thú của nhà thơ.

 

Ngôn ngữ và hình ảnh thơ Mai Văn Phấn còn có thể viết nhiều hơn nữa, đào bới sâu hơn nữa mà ở đây, tôi nghĩ, mới chỉ là những gợi mở bước đầu. Ngôn ngữ thơ anh mang hồn cốt, phong cách rất riêng: hình như lặng lẽ mà quẫy cựa, khám phá với những tâm tình đôn hậu, sâu lắng. Hình ảnh lạ, đẹp từ những lao động ngôn ngữ đó mà thành. Trong cấu trúc của chúng, những hình ảnh của thơ anh thường chồng chất, xâm lấn, “đột kích” lẫn nhau giữa những không gian, thời gian thơ vô tận.

 

Thơ là tiếng nói của Vô cùng. Không ai, kể cả nhà thơ, có thể gọi ra hết ý nghĩa của chính thơ mình. Càng ngày tôi càng thấy thơ là loại hình nghệ thuật mang tính triết học thâm thúy nhất về Đời sống, Tình yêu, Con người, về Lao động và Yêu thương.

 

Cả về nỗi Cô đơn buồn bã và thẳm sâu trong mỗi chúng ta./.

 

Hànội, tháng 9 – 12 năm 2009

 



([1]) Mai Văn Phấn, và đột nhiên gió thổi, Nxb. Văn học, 2009.

Đào Duy Hiệp
Số lần đọc: 2576
Ngày đăng: 17.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiêu đình và tập truyện mộng du giữa ngày - Huỳnh Minh Tâm
Sẻ chia với Hạ Giang qua Lời chim non - Nguyễn Tam Phù Sa
Đọc lại Kỷ Vật cho em (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Tâm sự trái tim - Bùi Công Thuấn
Bàn tay ấm giọt sương đông - Lâm Xuân Vi
Gặp miền ký ức trong ra ngoài ngàn năm của Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Lang thang... Quán (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Đọc thơ Vũ Trọng Quang : Hôm qua Hôm nay Hôm sau - Khổng Ðức
Đọc NƠI TỐI TĂM của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương - một phát hiện mới, độc đáo. - Lâm Xuân Vi