Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.117
123.229.012
 
Ông kĩ sư già và quí tử
Vinh Anh

Ông ở gần tôi. Cái tạng công chức của ông không lẫn vào đâu được. Chẳng hiểu sao, tôi rất thành kiến với mấy ông công chức nhà nước. Làm việc thì chẳng bằng ai, phải nói thật, hiệu suất công tác của công chức nước mình là thấp nhất thế giới. Đã có dịp tôi được nói chuyện với một cán bộ cấp rõ to của cái bộ chuyên quản lí công chức, ông ta công nhận tôi đúng và còn nói, con số đáng phải sa thải nhiều hơn con số tôi đã nói ra. Con số tôi nói rất khiêm tốn là ba mươi phần trăm.

 

Ông kĩ sư tuổi gần lục tuần, người phốp pháp, bệ vệ. Chính cái vẻ phốp pháp bệ vệ đó làm người ngoài khó gần. Cái dáng luôn tỏ ra ta đây quan trọng, không có ta mọi việc sẽ ngừng hoạt động, thế giới sẽ ngừng thở, trái đất sẽ ngừng quay. Cái quan trọng của ông toát ra bởi sự chậm chạp, nói được một câu, người trẻ như chúng tôi phải nói cả chục câu. Đi đứng chậm chạp, đi được một đoạn đường, người trẻ như chúng tôi phải đi được cả chục đoạn đường như vậy. Cái quan trọng nhất là làm việc chậm chạp, làm được một việc cỏn con, bọn trẻ như chúng tôi phủi tay một cái xong cả chục công việc như vậy. Nhưng được cái là ông ấy nhớ. Làm được cái việc cỏn con nào đó cho một ai đó là ông ấy nhớ, ông ấy hễ gặp là nhắc lại cái chuyện cỏn con đó. Có lẽ nhắc để cho cái người được công việc kia nhớ,  nhớ để đừng quên. Không có ông ấy là công việc không xong rồi. Mà đã không xong nghĩa là hỏng việc đấy. Đấy, tôi luôn hình dung các công chức của ta dưới cái dạng như thế, đồng cái dạng như thế.

 

Ông tốt nghiệp trường đại học vinh quang bậc nhất nước ta thời bấy giờ. Nghĩa là lâu rồi. Vào cái thời đó, mấy ai có được nhiều chữ nghĩa đâu. Tôi cảm thấy mỗi lần nghe ông nói chuyện, kiến thức của ông được đế quốc sài lang trang bị một nửa, có khi là nửa lớn, còn cái phần ông được chế độ mới trang bị cho là phần bé, nửa bé, thậm chí là không ra gì.  Nghĩa là cái vinh quang thuộc phần của đế quốc sài lang. Nhưng mà bằng kĩ sư ông nhận là do thời của ta cấp. Thời của đế quốc sài lang chắc gì ông đã vào được đại học mà có bằng, mà ra làm công chức. Và cứ theo cách suy luận của tôi, thì cái chậm chạp trong xử lí công việc của ông lại là do đế quốc sài lang tạo nên chứ có phải là do chế độ ta tạo nên đâu. Ây vậy mà không phải. Cứ như ông, cái hay là của đế quốc sài lang, cái dở là của ta. Phải gật gù khi nghe ông nói chuyện thì ông mới nói, nếu không, ông không thèm chấp cái bọn trẻ ranh chúng mày, và ông cao ngạo chậm chạp bỏ đi.

 

Ông kĩ sư lấy vợ muộn, vì vậy vợ ông trẻ, được cậu quí tử cũng còn bé tí. Khỏi phải nói là ông tự hào như thế nào về cậu quí tử. Người ta nói “cha già con cọc”. Nhưng quí tử của ông kĩ sư thì béo tốt và đẹp đẽ lắm. Quí tử đên tuổi đi học là được ông kèm cặp, dạy bảo. Tất nhiên là đầu óc non trẻ thì làm sao tiếp thu được những việc cao siêu, đặc biệt theo ông kĩ sư, ngày xưa là phải như thế này, thế này… Đấy, ngày xưa chúng tớ học như thế(nếu là nói chuyện với tôi); Đấy, ngày xưa bố học như thế (nếu là giảng dạy cho quí tử), chứ đâu có như bây giờ. Ông vừa nói vừa lắc đầu, ra cái vẻ chán ngán.

 

Những tưởng với trình độ của ông, cách giảng dạy của ông, quí tử của ông sẽ là một trong những tài năng của đất nước trong một ngày không xa. Chỉ có riêng tôi là không tin, ai không tin nữa thì khó mà biết, vì họ có nói thẳng tuột cái chuyện đó bao giờ đâu. Người mình là hay giữ ý lắm. Cứ khen đi, khen thì có chết ai bao giờ . Tôi không tin bởi một lẽ ông là công chức Nhà nước. Ông thấm cái cốt cách máu thịt của công chức mất rồi. Ông sẽ chỉ đào tạo được cái thằng bé con chuyên môn đi chê bai cái hiện nay và khen ngợi cái xưa kia. Khen cái ngày xưa hay, mà ngày xưa thì bây giờ mấy ai biết. Hoạ chăng có mấy ông nghiên cứu lịch sử. Nước ta là nước trẻ, dân số nước ta thuộc hàng trẻ nhất thế giới mà. Nhưng khốn nỗi, cậu quí tử không biết và cũng không thích cái ngày xưa của bố, nó không biết bố giỏi cái gì ngoài mấy câu tiếng Tây thỉnh thoảng bố lẩm bẩm  một mình rồi bố lại phải giải thích bằng tiếng Ta. Nó bảo với bố: “Bố chỉ được cái giỏi tiếng Tây, nói ra chả ai hiểu. Thế sao bố không nói tiếng Ta cho nó đơn giản. Cứ phức tạp hoá vấn đề”. Chuyện trò với bạn bè, nó khoe bố nó học từ ngày xưa, tiếng Tây rất giỏi, bây giờ nói chẳng ai hiểu, nói xong phải giải thích. Cũng hơi mất thì giờ một tí.

 

Cứ tưởng ông kĩ sư giỏi tiếng Tây lắm. Một hôm, tôi được một người bạn cho một lọ thuốc Tây chính hiệu,  mang từ Tây về. Tôi bập bõm đọc. Quí tử của ông sang chơi, tôi nhờ quí tử mang về bảo ông kĩ sư dịch hộ cái đơn thuốc đi kèm. Quí tử buông một câu xanh rờn: “Cái thứ tiếng Tây bố cháu nói chỉ có bố cháu hiểu thôi, cái này viết cho  mọi người là bố cháu chịu thua”. Vậy hóa ra là ông kĩ sư thời nửa Tây nửa Ta kia có bệnh “sĩ”. Cái khen, cái chê của ông xuất phát từ cái bệnh của công chức nhà ta. Ta đây cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi nhưng rồi thì cái gì cũng chịu.

 

Quí tử càng lớn càng rời xa quĩ đạo của bố. Ông kĩ sư mang thơ Đường ra giảng giải chữ nghĩa, nói cái hay cái đẹp của thơ Đường cho quí tử. Quí tử bảo bây giờ đọc thơ Đường có mà hâm. Đến thơ mới của những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử kia cũng còn bị coi là lạc hậu nữa là thơ phú cách đây cả chục thế kỉ. Có giỏi bây giờ là giỏi ở cái máy vi tính. Những người như bố thì có biết đâu là vi tính. Đấy, tốn bao nhiêu tiền cho những người như bố học vi tính rồi bỏ đi đấy. Quí tử chê bố không biết gì về vi tính, lại bỏ bao nhiêu tiền ra học mà chẳng áp dụng được gì hết.

 

Lại nữa, ông kĩ sư hay chê bai chất lượng công trình xây dựng của ta quá kém, cái thời xưa-nghĩa là thời Tây ấy, đường xá, cầu cống làm cả thế kỉ rồi, đi có việc gì đâu. Quí tử bảo, ngày xưa mấy ông Tây làm chủ yếu là để trâu đi, bò đi. Đường số Một hồi đó có mấy cái ôtô chạy. Bây giờ, nếu bố sang đường không cẩn thận là ôtô nó đè mất mạng. Đường như thế thì chóng hỏng là đúng thôi. Vậy thì ra, quí tử của ông kĩ sư chê bố, khen ta!

 

Thực ra quí tử của ông kĩ sư là đứa trẻ vô tư. Nó đâu hiểu mấy về cái sự đời. Bọn trẻ bây giờ nói không ngẫm nghĩ mấy, lại nói theo kiểu người lớn: “có lớn mà không có khôn”. Nhưng mà chúng nó nói thật. Nó nói cái sự đang diễn ra ngay trước mắt nó, có cái tốt, có cái xấu. Nhưng hình như cái xấu nhiều hơn, bọn nó học cái xấu nhanh hơn. Nói mà không đi đôi với làm thì có nhồi vào đầu nó, nó cũng chẳng nghe. Có đâu xa, giữa anh bộ đội và anh công an đấy, anh bộ đội được gọi là “bộ đội Cụ Hồ”, các tấm gương bộ đội chúng nó được học từ tấm bé, còn anh công an, chuyên được mang ra doạ đứa trẻ nào hay khóc nhè, không chịu ngủ, không chịu ăn…Thì tất nhiên phải vào đầu nó cái tốt, cái xấu chứ.

 

Cái tính khí khó chịu của ông kĩ sư là ông không chịu nghe ai hết. Đã đành là già thành ra khó tính. Bọn trẻ lại được thể “láo”: Không chấp! Quí tử chơi với bọn trẻ nên biết những điều chúng nói về bố mình. Cũng bực, muốn bênh nhưng lại chưa biết cách và cái chủ yếu là muốn bố mình thay đổi cách nhận xét, cách đánh giá sự việc, có cái nhìn thời đại hơn. Một lần quí tử hỏi bố:

- Người ngày xưa có dễ bảo không hả bố?

- Cái thằng bỗng đâu hỏi một câu kì lạ. Thời nào mà chẳng có người dễ bảo với người khó bảo.

- ý con là người ngày xưa hiền hơn.

- Hiền thì không biết, gọi là hiền hay là gì cho đúng cũng khó, nhưng mà con người nó chân chất. Nói ngày xưa nó nghiêm hơn. Dân đen làm cái gì cũng sợ người của Nhà nước. Một thằng “cu-lít” nó cai quản cả một phường, rộng như bây giờ, mà đâu vào đó. Bây giờ thì cả chục ông công an vẫn có đủ mọi thứ tệ nạn.

- Vậy là người dân ngày xưa chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh, cán bộ ngày xưa thì mẫn cán làm việc. Đúng không hả bố.

- Đúng. Công chức ngày xưa làm được việc lắm. Một người đi làm nuôi cả gia đình.

- Vậy bố là người của ngày xưa, hay người của ngày nay? Quí tử khoái trá thấy bố sắp mắc mưu- Con cứ cảm thấy cái tốt là của bố, cho dù là xưa hay nay, cái sai là của người khác, đúng không bố?

- Tao sai là sai thế nào. Là người chứ có phải là thánh đâu mà không sai.

- Bởi bố là công chức nhưng không nuôi nổi cả gia đình chỉ có ba người. Bố làm việc không bằng người ngày xưa, và bố cũng không hiền bởi bố hay chê. Chê người ngày nay làm việc kém, tức là bố đang chê bố.

- Bố là một cái đinh trong guồng máy hiện nay. Thời nay có cái gì sai là đều có sự tham dự của bố.

 

Bà vợ trẻ của ông kĩ sư đi chợ về, nghe thấy hai bố con nói chuyện. Chẳng hiểu mô tê gì ráo:

- Hai bố con ông xung khắc nhau quá lắm, chỉ giỏi “ní nuận”, ra ngoài đường mà “ní nuận”. Cứ ra bàn dân thiên hạ mà nói, giỏi thì có người nghe, chứ cứ toàn đóng cửa trong nhà “ní nuận” với tôi thì ăn nhằm gì…Bà vợ ông kĩ sư đang ấm ức vì cái chuyện đăng kí hộ khẩu, mua nhà cùng một chỗ, mà gia đình bên cạnh nó làm xong hộ khẩu ngon ơ, còn bà thì vẫn chưa đầy đủ thủ tục. Hôm vừa rồi có đại biểu “Hội đồng” về họp với dân, bà lại là thành phần không được triệu tập. Bà bảo hai bố con ra đường mà “ní nuận” là thế.

 

Ông kĩ sư được thể: “Đấy, bố nói có đúng không. Ngày xưa đâu có chuyện quản lí như thế này”.

- Vâng bố đúng. Bố đang là công chức của ngày nay, chứ có phải của ngày xưa đâu. Chỉ có công chức ngày nay mới làm ăn như vậy thôi. Quí tử không tham gia câu chuyện nữa, bỏ đi. Ông kĩ sư nói với bà vợ trẻ: Cái thằng thế mà có lí. Đúng là con hơn cha. Nhưng dù sao ngày xưa vẫn có nhiều điều đáng phải học. Và người già vẫn thấy mình đúng hơn./.

 

4/06/07

Vinh Anh
Số lần đọc: 2510
Ngày đăng: 17.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện của bà năm - Trần Minh Nguyệt
Đấu trường 100 - Đỗ Ngọc Thạch
Chùm hoa tím - Nguyễn Minh Phúc
Khách lạ của vườn xưa - Thiện Phạm
Tiền sạch - Khôi Vũ
Cộng! - Đỗ Thư
Hoa Không Mùa - Ngô Nhân Đức
Chờ bên sông mưa - Nguyễn Lập Em
Chuyện nhỏ trong chiến tranh - Trần Quang Vinh
Nghêu, Sò, Ốc, Hến - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)