Tết đang đến rất gần. Vậy là đón tết này, làng Ốc cũng đã kịp có cây cầu xi-măng cốt thép mấy chục nhịp, nối thông với thiên hạ. Sáng nay khánh thành, người đông nghịt. Lý trưởng Kiền (dân làng Ốc vẫn quen miệng gọi chủ tịch xã Độc Họ như vậy) đứng trên bục cao, đọc oang oang bài diễn văn chào mừng, lâu cả tiếng đồng hồ. Kiền nói, nào là, nào là … nhăng nhít đủ chuyện, nhưng tựu trung vẫn là nhờ công lao giời biển và sự quan tâm của… và của…vân vân… Mặt trời đã lên cao. Nắng vàng soi bóng cây cầu xuống mặt sông đỏ ngầu sau mùa lụt. Trương Luận áo đẫm mồ hôi, sốt ruột nhìn lên cái loa phóng thanh, rồi buột miệng văng tục :
- Nói đ… gì mà dai thế. Không có tiền của dân thì lấy con c… mà làm.
- Chú thì đến chết cũng không bỏ được cái thói ăn nói lốp bốp.
Trương Luận giật mình quay lại, thấy ông anh ruột Trương Biền đã đứng cạnh mình từ lúc nào.
- Bác cũng ra à. Nhưng mà nó nói dài, lại thối như cứt ấy. Xong cái dự án cầu này, chắc lũ chúng nó cũng ăn đậm.
- Chú khép bớt cái mỏ lại. Cứ oang oang, oang oang. Hồi vào hợp tác xã, chú đã phải ngồi tù mấy tháng, về cái tật nói năng bạt mạng mà vẫn không kinh à ?
Cuối cùng thì tiếng vỗ tay như sấm, cùng tiếng hò reo cuồng nhiệt cũng đã nổi lên, vang dậy cả một khúc sông. Tiếp theo là hồi còi dài chói tai, phát lệnh cắt băng, thông cầu …
Lão Biền đã định không ra, nhưng ngồi ở nhà nghe tiếng kèn, tiếng trống cùng tiếng hò reo cứ rộ lên từng đợt, lão cũng thấy xốn xang không đành được. Vốn tính kín đáo, vui buồn không ai biết, thế mà từ khi cây cầu mới làm xong phần móng, lão đã khấp khởi mừng. Dù bận rộn đến mấy, ngày nào lão cũng lướt qua một tý, lướt lại một tý, rồi lẩm bẩm tính xem cây cầu đã thi công được bao lâu rồi, cứ như cây cầu này là do nhà lão bỏ tiền ra làm vậy. Vậy mà chiều qua, lão vẫn còn làm ra vẻ tỉnh bơ, bảo mụ vợ và mấy đứa con rằng “ Nghe nói lễ khai trương cầu sáng mai làm to lắm, mẹ con mụ có hóng hớt thì ra sớm mà xem”.
Lão Biền là dân làng Ốc chính hiệu, nên đã biết cái giá của cuộc sống biệt lập với xung quanh, nhất là trong mùa mưa lũ, có năm mất đến mấy mạng người. Cụ cố tổ nhà lão chính là người khai sinh ra cái làng Ốc này. Chuyện rằng, cái thủa xa xôi ấy, con sông Hồng đoạn chảy qua đây rộng cả mấy cây số. Một ngày kia, bỗng có một đụn đất bồi nổi lên gần giữa sông. Đụn đất ấy cứ lớn dần, lớn dần. Những cây sậy tấp vào, rồi cứ thế mọc lan ra thành rừng, trở thành vương cuốc của lũ cò. Chúng sinh sôi con đàn, cháu đống, rồi kéo theo lũ cáo, lũ chuột và cả họ hàng nhà rắn về quần cư. Thế là, bãi đất nổi này trở thành nguồn lợi trời cho. Dân quanh vùng ở làng Bắc; làng Đông; làng Nam, rồi cả tận làng Tây cũng tranh nhau đến săn bắt. Xảy ra triền miên những vụ đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán, nhiều khi chết cả người. Chuyện cũng kể rằng, trong những trận huyết chiến ấy, vì ở gần bãi nổi nhất, người làng Bắc thường ỷ thế dân đông, làng lớn, để lấn át, nên chiếm phần thắng thế. Còn dân các làng Đông, làng Nam vì nhỏ bé đành chịu lép vế, thường phải chia thành những tốp dăm, bảy người để săn lén, cố giành lấy chút phần lộc của giời. Riêng người làng Tây, tuy võ nghệ có phần cao thủ hơn cả, nhưng ít dân, lại ở quá xa, nên thường phải bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Chuyện cũng còn lưu truyền rằng, vào cái thủa xa xôi ấy, trong một đêm trăng sáng, dân làng Bắc đang bày cỗ thịt rắn, say xưa mừng thắng lợi, thì bỗng thấy từ trên trời cao, một ngôi sao đâm bổ xuống đầu. Quá sợ hãi, mọi người la hét chạy tán loạn. Nhưng thật hú hồn, gần đến mặt đất ngôi sao ấy lại tự vỡ tan ra thành hàng triệu, hàng triệu mảnh nhỏ, kèm theo một tiếng nổ long trời. Cả làng Bắc sợ chết ngất. Sáng ra, mọi người còn chưa hết kinh hoàng, thì một thằng nhỏ từ cánh đồng đầu làng chạy về. Tối qua nó sợ quá chạy ra, rồi ngủ thiếp luôn ở đó. Tay nó cầm một vật sáng loáng, vừa chạy vừa la : vàng ! vàng ! …
Người làng Bắc, sau một hồi nhìn nhau ngơ ngác, chợt hiểu ngay. Thì ra, những mảnh vỡ của ngôi sao tối qua chính là vàng. Cả làng Bắc trở nên đại náo loạn. Người ta lao vào nhau, quần thảo nhau, tranh cướp, cố giành giật bằng được những cục vàng. Khi tất cả trở lại bình thường, tưởng là dân làng Bắc phải hỷ hả lắm. Vậy mà họ lại gườm gườm nhìn nhau như kẻ thù. Chỉ vì kẻ được nhiều, người được ít, mà ganh ghét đánh lộn, chia rẽ, trấn lột, giết hại lẫn nhau, kéo dài hết ngày này đến ngày khác, khiến làng xóm không lúc nào yên. Đến tận khi, chú bé là người đầu tiên nhặt được vàng đã thành người lớn, mà những thù hận vì vàng vẫn chưa yên. Chán quá, chú ta liền bỏ làng, đưa vợ con ra bãi nổi, phá lau sậy, dựng nhà, khai hoang. Năm tháng qua đi, thấy chú làm ăn khá, dân các nơi cũng lần lượt kéo ra. Rồi cứ thế mà sinh con, đẻ cái, cứ thế mà thành xóm, thành làng. Chú bé ấy, chính là cụ cố tổ nhà lão Biền. Cái tên làng Ốc có lẽ cũng bắt đầu có từ ngày ấy. Vì về mùa cạn thì không nói làm gì, muốn sang bãi nổi chỉ cần lội bộ cũng qua được. Nhưng về mùa mưa thì tứ bề là mênh mông biển nước, bãi nổi này như một ốc đảo, cô lập với xung quanh.
Lão Biền ít học, nhưng lại là một “tri điền” ở làng Ốc. Lão thuộc tính nết từng cánh đồng, từng khu đất, mùa vụ nào trồng cây gì, nuôi con gì… lão đều thuộc nằm lòng, nói vanh vách. Hồi còn làm ăn kiểu hợp tác xã, có mấy kỹ sư nông nghiệp về chỉ đạo sản xuất , cậy có tý chữ học được, vênh vênh váo váo, làm cái gì hỏng cái đó, nên lão Biền chẳng coi ra gì. Lão vỗ ngực đầy tự hào : “ Đất làng Ốc thế này, người làng Ốc thế này, giời cho bờ xôi, ruộng mật, thiên thời, địa lợi thế này, mà nai lưng làm quanh năm vẫn đói vàng mắt. Làm thế, thì ngửi thế đ… nào được ”. Lắm lúc ngồi một mình trầm ngâm, nhớ lại những cái thời điên điên, khùng khùng đó, lão Biền thường phá lên cười, khiến vợ con cứ tưởng lão bị ngộ gió. Còn trong các dịp cỗ bàn của làng, của họ, có chút rượu cay, lão Biền cứ bô bô, lúc bổng lúc trầm như nhà hùng biện, thỉnh thoảng lại có mấy câu văng tục chêm vào. Lão hùng biện thế này : “ Hồi cải cách ruộng đất, làng Ốc mình đây chưa tới nghìn nóc nhà, ruộng chỉ dăm trăm mẫu, mà có tới mấy chục địa chủ. Lấy đ… đâu ra mà nhiều địa chủ thế. Xóm làng cứ loạn hết cả lên. Thù nhau, hận nhau, chẳng biết vì cơn cớ gì. Cha trách con, vợ oán chồng, anh em không thèm nhìn mặt nhau. Ăn thì một phần gạo cõng ba bốn phần sắn, đói nhe răng. No cơm, ấm cật thì mới dậm dật mọi nơi chứ. Cứ như vậy, thử hỏi cuộc sống sinh sôi, nảy nở thế đ… nào được. Cải cách như thế, khác đ… gì cách mẹ nó mất cái con c… Rồi lại còn cái họa hợp tác, hợp te, nữa chứ. Tùng đi, cắc về theo kẻng, theo trống. Ngàn đời cha ông thằng nông dân phải một nắng, hai sương, mới ra được hột thóc, chứ có theo giờ giấc như trại lính đ… đâu …”.
Đã thành nếp quen, chiều nay lão Biền lại ngồi trầm tư một mình. Rít xong hơi thuốc lào, trong tiếng kêu ròn tan của cái điếu cày kỷ niệm, do cụ thân sinh để lại từ hồi cải cách ruộng đất, lão Biền lại lim dim mắt, suy nghĩ miên man. Khi sửa sai, từ địa chủ kháng chiến, nhà lão Biền được hạ thành phần xuống còn trung nông. Qua được thời khốn nạn, tưởng sẽ được yên, nhưng nhà lão lại lâm vào cảnh họa vô đơn chí. Cụ thân sinh ra lão, sau những đợt bị đấu tố, làm nhục, lại cũng cả vì tiếc của nữa, mà phát bệnh. Cụ quyết không chịu uống thuốc. Con cháu quỳ khóc lạy van, cụ cũng mặc kệ. Trước khi nhắm mắt, cụ chỉ dặn con trưởng là lão Biền vẻn vẹn có mấy câu : “ Chưa yên đâu, còn lăng nhăng lắm. Anh, em chúng mày dù có chết cũng phải ráng mà giữ đất của tổ tiên”. Ghi nhớ lời cha, sau mấy năm làm lụng vất vả cật lực, nhờ tinh thông đồng đất, lại giỏi canh tác, nên vợ chồng lão và vợ chồng chú em, đã chuộc lại được gần hết số ruộng đất của nhà bị tịch thu hồi cải cách . Nhưng đến đận phong trào hợp tác hóa, lại phải cúng hết vào làm ăn tập thể, chỉ còn lại dăm sào đất thổ, vừa ở vừa làm vườn. Trước khi làm ăn kiểu hợp tác xã, dân làng Ốc này chẳng bao giờ đói. Ngay cả hồi bốn lăm (1945) , người làng Ốc vẫn cơm ngày hai bữa, đỏ lửa hai lần. Vào hợp tác xã rồi, mới qua vài vụ ra đồng theo tiếng kẻng, lão Biền đã thấy ngay là cách làm ấy nó phản động. Càng làm càng nghèo, càng đói rách. Nếu cứ làm tới nữa, chắc cả làng sẽ “tiến nhanh” , “tiến mạnh” xuống bần nông, xuống cố nông, rồi thành một lũ ăn mày. Mải nghĩ, lão không biết chú em ruột đã đến và ngồi vào bàn từ lúc nào :
- Chú Luận mới sang đấy à …
Bỗng cơn ho kéo đến, lão ho sù sụ một hồi, chảy cả nước mắt.
- Dạo này em thấy bác xuống sức lắm.
- Thì cũng đã ngoài sáu mươi, xuống lỗ đến nơi rồi còn gì.
- Con chó nhà bác đâu rồi, không thấy ?
- Chắc nó theo bà ấy với thằng út đi chơi đâu đó.
Lão Biền rất thương thằng em kém lão cả chục tuổi, tính nết bộc trực, thấy sao nói vậy, lấy vợ ra ở riêng mấy chục năm, mà vợ vẫn không biết đẻ. Bây giờ thì coi như tuyệt tự. Cả hai vợ chồng đều không thích xin con nuôi, nên cái gì cũng cúc cung cho ông anh cả. Nhất là từ khi vợ chồng lão Biền tòi ra được thằng cu Tít.
Ngoài làm nông, nhà lão Biền còn có thêm nghề phụ là nghề đóng cối xay lúa. Hồi chưa có máy xay xát, gặp lúc nông nhàn, anh em nhà phó cối họ Trương rất đắt hàng, làm không hết việc. Cũng chỉ vì chuyện giữ đất của tổ tiên, mà anh em nhà Biền đã chịu vào hợp tác xã rồi, lại đòi ra. Ra xong, thấy bị o ép quá lại xin vào. Cứ vào vào, ra ra như vậy mãi, nên Biền quên cả chuyện lấy vợ. Biền cưới vợ cho chú em xong, lại lao vào việc lo giữ đất cát, lo chuyện mồ mà tổ tiên. Mãi ngoài ba mươi Biền mới lập gia đình. Khác với chú em, Biền lấy vợ xong, là vợ lão cứ sòn sòn năm một. Đứa đầu gái. Biền bắt vợ đẻ tiếp ngay. Lại gái. Lại đẻ tiếp ngay. Cứ thế liên tạch đến đứa thứ năm vẫn là thị mẹt. Biền mệt nhoài, đã nản chí. Vợ lão thở phào, tưởng đã được nghỉ luôn. Cô con út cũng đã gần năm tuổi. Nhưng khi nghe dân làng kích rằng, Biền phó cối, mà “cối” dở hạng bét, không “cối” ra nổi một đứa có con chim, thế là lão lại năn nỉ bà vợ lúc này đã ngoài bốn mươi xuân, cố vượt cạn thêm lần nữa, cho có nếp có tẻ và sau này còn có đứa chống gậy. Lão dẻo mỏ tán rằng “ đã có ngũ long công chúa, mà thêm được một quý tử nữa thì chỉ có nhất. Bà cố lên, tôi sẽ thưởng hẳn cho bà vài cái huân chương vì sự nghiệp …”. Vợ lão nghe bùi tai, tán thưởng ngay. Khỏi phải nói, khi thằng út vừa oe oe trên tay bà đỡ, là lão đã nhảy cẫng lên, sướng đến phát cuồng. Suốt mấy ngày, lão không còn kín như bưng mà huyên thuyên đủ chuyện, cái gì trong bụng cũng sổ toẹt ra hết. Nào là, nhà lão sẽ đóng hẳn một cái thuyền bằng gỗ sến, có gắn máy hẳn hoi, để đưa đón cậu ấm nhà mình đi học cấp II, rồi cấp III trong mọi thời tiết. Hồi ấy, làng Ốc mới chỉ có trường cấp I. Khi chuyển cấp, lũ trẻ phải sang sông học nhờ, mùa lụt nào cũng có đứa bị chết đuối. Nào là, khi học lên nữa, lão sẽ tìm cách gửi cậu quý tử lên học tận Hà Nội. Làng Ốc là đất ông cha, giàu đẹp, màu mỡ thật đấy, nhưng chữ nghĩa, khôn ngoan, bằng thế đ… nào được đất thủ đô. Chưa biết chừng, khoái lên, bố mày còn “chạy” cho thằng “chọi” một suất sang luôn cả Liên Xô… Có người trêu chọc hỏi lão “ Có một quý tử mà cho đi xa thế, tận Liên Xô, sao không sang Trung Quốc cho nó gần, núi liền núi, sông liền sông ?”. Lão Biền vội xua tay, văng tục, gạt phắt : “ Liền, liền cái con c… Ông là ông xin vái, xin vái. Nghe đâu bên ấy nó lại vừa mới cách, mới hóa văn, hay văn hóa, văn hiếc cái gì đó. Có thằng làm to như ông trời vẫn bị mang ra đấu tố. Cứ nghe thấy cách , cách là bố mày sợ lắm rồi. Sợ bỏ mẹ …”.
- Chú lại sang nói với tôi về cái chuyện đất cát của mấy đứa chứ gì ? Tôi đã biết rồi, biết rồi. Tôi xin chú. Bao nhiêu lần phải to tiếng với chú, tôi đâu nỡ. Nhưng mà chú cố chấp quá.
- Vì em thấy bác vẫn chưa biết. Vẫn còn bị mê hoặc bởi những thứ tầm phào. Nếu không tỉnh ra, bác sẽ lại sai lầm. Lần này nữa là hết đấy.
- Thì chú cứ nói toạc mẹ nó ra xem nào.
- Bác đã cho phép, thì em xin được nói thẳng. Khi gả con bé Xuân cho nhà họ Bành bên làng Bắc, nhà người ta xin ở rể, bác chấp nhận. Thôi thì cũng được. Gả đến con bé Hạ cũng là làng Bắc, cũng lại họ Bành, cũng lại xin ở rể, bác đồng ý tiếp. Rồi lần lượt đến cháu Thu, cháu Đông, thông gia vẫn là nhà họ Bành bên làng Bắc. Họ vẫn cái bài cũ là xin ở rể. Bác cũng bày trò họp gia đình, dòng họ, hỏi ý người này người kia, nhưng rồi cuối cùng bác vẫn gia trưởng, lấy quyền huynh thế phụ, để buộc cả nhà tuân theo ý của người ta. Quá tam đến bốn bận, thiên hạ người ta chửi nhà mình ngu, mắc phải bùa mê, ăn phải cháo lú, nên mới không biết nhà họ Bành nó dùng cái chiêu “ mía ngọt cả cụm”, “dùng con chị, dụ khị con em”, chẳng lẽ bác lại bỏ ngoài tai …
- Chú im đi ! Chú bảo ai ngu ?
Lão Biền mặt đỏ như gấc, đập mạnh tay xuống bàn làm ly nước đổ tung tóe, nhìn sang ông em, mặt cũng đang đỏ như mặt gà chọi. Sau một lát im lặng lão Biền hạ giọng, ra vẻ lõi đời :
- Chú biết một mà không biết hai. Nhà họ Bành nó giàu, nó mạnh, bao đời nay họ nhà nó đã làm bố cả cái làng Bắc bên ấy rồi. Con nhà mình gả bán vào đấy là an phận, mà mình cũng được yên thân, không phải lăn tăn gì sốt…
- Thì ra là thế. Lâu nay em cứ tưởng bác kinh nghiệm xương máu đầy mình, tính toán thâm hậu, nào ngờ thiển cận, nông choèn như đít cái chén hạt mít. Nên mới gả bán cho họ nhà nó, hết đứa này đến đứa khác. Thôi thì bác không nhận là bác ngu, bác dại, thì em xin khấu đầu với tổ tiên, với thiên hạ là em ngu, em dại vậy. Họ nhà chúng nó giàu, vậy mà cả bốn thằng con nhà chúng nó, đều xin ở rể bằng được. Năm sào đất của ông bà để lại, bác đã làm của hồi môn mất gần bốn sào, coi như biếu không cho chúng nó. Vậy mà …
- Thôi ! Chú im đi.
- Em không im. Hôm nay bác có đánh chết em cũng phải nói. Bác đã biết mộ cụ cố tổ nhà ta bị nứt làm hai chưa ?
Mặt lão Biền từ đỏ tía chuyển sang tái nhợt, lắp bắp hỏi lại ông em ruột :
- Chú nói sao, vừa trùng tu xong, đích thân tôi coi thợ, nứt thế quái nào được ?
- Sao với chả giăng cái gì. Bác đi mà hỏi thằng chồng con Đông, rể quý thứ tư của bác ấy.
*
Lão Biền mặt xanh như đít nhái, cắt không ra máu, phủ phục, lạy van như tế sao bên ngôi mộ của cụ cố tổ nhà mình. Lát sau, lão bật dậy, hai mắt đỏ ngầu, hầm hầm đi như chạy về nhà thằng rể thứ tư, quát toáng lên từ ngoài cổng :
- Thằng Thâm đâu, ra tao hỏi đây, ra ngay đây !
- Thưa thầy, nhà con đang bận ăn cỗ mừng có cầu mới ngoài ủy ban.
Lão Biền khựng lại một lúc, quay ra, nghĩ sao quay lại, quát lớn :
- Đông ! cỗ với chả bàn gì. Mày ra gọi ngay thằng Thâm về cho thầy.
- Thôi mà thầy. Giời đánh còn tránh miếng ăn. Có gì thầy cho con xin. Anh Thâm về con bảo sang gặp thầy ngay.
Lão Biền lại hầm hầm, cắm đầu đi ra khu đất đặt mộ cụ cố tổ nhà mình. Lão nhìn hàng cây đen, một thứ cây lâu năm vừa cho gỗ quý, vừa cho quả ăn, do thằng con rể trồng làm gianh giới thẳng tắp, áp sát vào ngôi mộ. Thân cây nào cũng đã to chừng hơn hai chét tay. Mộ cụ cố tổ nhà lão bị nứt, đích thị là do rễ của mấy cái cây đen chết tiệt này, chứ không phải tại cái hầm khí ga chứa phân heo ở mãi phía trong kia. Lão điên tiết quay về nhà, vừa đi vừa lầm bầm chửi thằng con rể : “ Tiên sư cái giống ngu, thiếu đ… gì thứ làm bờ rào mà phải trồng cây đen …”...
Thằng cu Tít mừng rơn, chạy về báo tin với mẹ rằng, chị Nam nó đi thi hoa hậu đã lọt được vào vòng trung khảo. Chị Nam nó mới qua tuổi mười bảy mà cao và đẹp chẳng kém gì nữ tài tử Kimtahee trong phim Hàn Quốc, tính tình thùy mị, nết na lại học giỏi cả toán, cả văn, cả lịch sử và còn giỏi cả tiếng Anh nữa. Khi chị nó được tuyển vào danh sách đi thi hoa hậu, cả làng Ốc đều bảo, chị nó giành vương miện là cái chắc. Mẹ nó mừng ra mặt. Chỉ có lão Biền, bố nó là không đồng ý cho đi, khiến cả cái họ Trương nhà nó phải xúm vào nói mãi, bố nó mới chịu. Nó bảo “ U thấy chưa, nghe bố có phải uổng cho chị Nam nhà mình không”. Rồi nó lại chạy đi khoe búa xua khắp xóm.
Mụ vợ lão Biền dáng người cao lớn, có khuôn mặt phúc hậu, ít học, nhưng giỏi việc mùa màng, răm rắp sợ chồng một phép. Khi vừa mang bầu đứa thứ năm, đi soi ở bệnh viện, biết lại là con gái, bao nhiêu người khuyên hay là làm “kế hoạch” cho rồi, lão Biền cũng trù chừ, nhưng mụ dứt khoát giữ lại. Mụ bảo, giời đã cho, thì gái giai gì cũng được hết. Nhờ trời cả năm đứa con gái, đứa nào cũng cao ráo, cũng đẹp, cũng nết na giống mẹ.
Vừa thấy lão Biền bước vào sân, mụ vợ lão đã đon đả chạy ra, định báo tin vui, nhưng thấy mặt ông chồng hầm hầm đỏ gay, làm mụ bứ họng cụt hứng. Mụ bị nặng tai. Mỗi lần vợ chồng lão Biền nói với nhau cái gì , hàng xóm cứ tưởng là hai ông bà đang cãi lộn. Sau khi dỏng tai nghe thủng câu chuyện, mụ tròn mắt hỏi chồng :
- Thế hử, động mồ động mả là độc lắm đấy thầy em ạ. Thầy em tính sao, chẳng lẽ thằng Thâm nó lại trồng bờ rào cây đen lấn sang đất nhà ta ?
- Còn chẳng lẽ gì nữa. Nó lấn sang phải đến nửa mét, tính theo chiều dài đâu phải ít. Cái sổ đỏ tôi vùi trong bồ lúa, bà vào lấy ra đây xem nào.
Lục đục trong buồng một hồi, nghe lão Biền quát ỏm tỏi, giục rối rít, mụ vợ mới hớt hải chạy ra :
- Ối giời ơi, thầy em ơi ! chuột nó cắn rách hết rồi.
- Thôi chết bỏ mẹ. Đưa đây xem nào. Ôi giời ! Vẫn còn may, đ… mẹ lũ chó chuột, mới gặm mất của bố nó cái bìa.
Lão Biền lật đật đeo kính, mang cái sổ đỏ ra sân, lấy ngón tay rê rê theo đường kẻ giáp gianh hai khu đất. Rồi lão lẩm bẩm dằn từng tiếng :
- Mẹ cha nó, đông tây tứ cận thế này, thì nhầm lẫn thế đ… nào được. Này, bà đi gọi ngay vợ chồng thằng Thâm sang cho tôi, bảo nó mang cả cái sổ đỏ của nhà nó nữa.
Vừa thấy chỉ mình cô con gái thứ tư dẫn xác đến, lão Biền đã gầm lên :
- Thằng Thâm chết rồi à ? Về bảo nó sang ngay !
Vốn biết tính bố nóng nảy, cô con gái nhỏ nhẹ :
- Anh Thâm nhà con say quá nằm bẹp dí, không dậy nổi. Con nghe u con nói hết cả rồi. Sổ đỏ của nhà con đây. Bản vẽ trại heo giống, có dấu đỏ xác nhận của nhà con đây. Chỗ vẽ cái ô này là hầm khí ga…
- Vứt mẹ nó cái hầm khí ga nhà chị đi – lão Biền gắt.
- Ơ hay. Con xin thầy cứ bình tĩnh, thước tấc còn đó, thì anh Thâm nhà con trồng hàng cây đen lấn sang thế nào được.
- Thế mắt chị mù hay sao, mà không thấy mộ cụ cố tổ nhà mình bị rễ cây nó đâm sang, làm nứt toác ra rồi, hả ?
*
Không chỉ dân làng Ốc, mà tất cả dân các làng xung quanh đều xôn sao về chuyện tranh chấp đất đai, giữa lão Biền và thằng con rể. Chủ tịch xã Độc Họ, tức lý trưởng Kiền vốn không ưa gì anh em nhà lão Biền, đã lôi cái giấy đánh vi tính có chữ ký của lão Biền ra hòa giải :
- Giấy cho đất, có chữ ký đồng ý của ông to bằng cái mẹt đây này, nhìn kỹ đi. Đã chấp nhận rồi, nay lại đổi ý thì thối lắm, ai ngửi được.
Lão Biền ức quá văng tục, cãi :
- Chính cái lý cứt của anh nó mới thối. Mả cụ cố tổ nhà tôi nằm trên phần đất đó ngay từ thủa mới lập làng. Tôi có ngu hơn giống chó cũng không thể nhắm mắt, ký cho thằng Thâm phần đất ấy được.
Lý trưởng Kiền cũng không vừa, đốp luôn :
- Ngu như cái giống gì là quyền của ông. Đây cứ là theo giấy trắng, mực đen nhá. Không chịu thì cứ việc đưa nhau ra tòa thế giới, tòa sao Kim, sao Thổ mà kiện, nhá !
Suốt mấy buổi hòa giải, thằng con rể thứ tư người nhà họ Bành của lão Biền, chỉ rung đùi ngồi im không hề nói câu nào. Nó hết nhìn mấy thằng anh vừa là cọc trèo, vừa là ruột thịt cũng đang rung đùi ngồi im bên cạnh, lại nheo mắt thương hại nhìn ông nhạc đang gân cổ văng tục, cãi sùi cả bọt mép. Nó thầm cảm ơn cô vợ vừa đẹp, vừa ngây thơ. Thầm cảm ơn ông bố vợ, tưởng khôn ngoan mà lại quá cả tin, nghe nó đọc văn tự cho đất xong, là cứ thế thục mạng ký mấy tờ liền. Thầm cảm ơn cái máy vi tính, cái máy photo. Và, cuối cùng là phải cảm ơn thằng cha lý trưởng Kiền, nhận phong bì của nó xong là nhắm mắt xác nhận thục mạng …
*
Lão Biền nằm bẹp gí mấy ngày liền, chẳng màng gì đến ăn uống, nên người sút hẳn đi. Tin con gái út lọt vào trung khảo hoa hậu toàn quốc, cũng chẳng làm lão vui lên được. Lão càng nghĩ càng thấy đau hơn là bị hoạn, cay hơn là cắn phải ớt. Suy đi, tính lại chán ra rồi, lão bảo mụ vợ gọi ông em ruột đến. Sau khi ậm ừ, vòng vo một hồi, lão mới bảo :
- Chú Luận ạ ! Thôi thì tôi biết sai, biết dại, đắc tội với ông bà, tổ tiên rồi. Chuyện đã ra thế này, làm ầm lên, thiên hạ chê cười thì còn bịt tai giả điếc, kệ mẹ thiên hạ được. Nhưng, còn con cháu của mấy chi nữa trong tộc họ Trương sẽ ỉa vào mặt tôi, sẽ truất cái quyền trưởng tộc của nhà mình, thì chắc là tôi không sống nổi. Tôi như vậy, chú cũng chẳng sung sướng gì. Thôi thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà ém đi …
- Bác nói ém là ém thế nào ? Tôi là tôi tung hê hết, thông gia cái con c…, chả cần môi với răng đ… gì nữa.
Lần đầu tiên thấy thằng em đứng dậy sẩn cồ, xưng tôi, văng tục cả với mình, nhưng lão Biền vẫn ôn tồn , nhỏ nhẹ :
- Chú cứ ngồi xuống nghe tôi nói hết đã. Đời tôi sắp tàn. Đời chú cũng không còn được mấy nả nữa đâu. Banh ra bây giờ là tộc họ nó truất phế, nó trát cứt vào mặt tôi, mặt chú đấy. Chú thì không con. Cả chi trưởng tộc nhà mình, chỉ còn nhìn vào một mình thằng cu Tít chưa vỡ bọng cứt, thì chúng nó lật, dễ như ngửa bàn tay, chưa chắc đã qua nổi kỳ giỗ tổ sang năm. Chú đã nghe ra chưa. Thôi thì tôi xin chú vậy.
- Thế bảc bảo ém nhẹm làm sao ?
Tưởng ông em ruột đã có vẻ xuôi theo, lão Biền liền lên giọng :
- Tất niên năm nay, mổ luôn hai con lợn một tạ, mời cả tộc họ Trương. Cứ nói là mấy chục năm rồi, nay nhà bác cả tổ chức đại tiệc cúng tổ, tạ lễ các cụ phù hộ cho con Nam nó vào được cái trung kết hoa hậu. Coi như lờ tịt chuyện đất cát đi. Có ai hỏi thì giải thích, là do nhầm lẫn nhỏ thôi, đã ổn cả rồi. Nếu hỏi nữa thì mắng át đi. Hỏi nữa, thì lấy gia pháp họ Trương ra mà trị…
- Thế còn thằng lý Kiền, nó cứ rêu rao bêu xấu mình, thì bịt được miệng nó à ?
- Thằng ấy thì khó gì. Khép cái mỏ chó của nó cũng chỉ mất cái phong bì vài triệu.
- Bác tưởng ém nhẹm dễ lắm à. Làng Ốc đã có cầu xi-măng hiện đại, bốn mùa thông với thiên hạ, có điện thoại, điện sáng, đâu còn như ngày xưa mà bưng bít, ém nhẹm. Bác nói, thì em buộc phải nghe, chứ trong họ chắc gì người ta chịu nghe ? Ngay đến việc sau này kén rể, gả chồng cho con cháu Nam, dù nó không là hoa hậu, thì bác cũng đâu có bắt nó phải nghe theo ý bác được…
- Bố nó mà nó không nghe thì chú bảo nó nghe ai, loạn à ?
- Bác đừng vội nóng. Bác dạy đúng nó nghe. Nhưng thời buổi này, nó không thể dễ dàng cả đời thí cái mạng của nó, cho kiểu tính toán của cá nhân bác, như lối bác đã nhắm mắt gật theo cái chiêu “mía ngọt cả cụm” của nhà họ Bành được …
Không để ông em ruột nói hết, lão Biền gầm lên :
- Thôi ! Chú không phải dạy khôn tôi. Chú không nghe theo tôi thì chú cút ngay !
- Cút thì cút.
*
Từ ngày có cây cầu, dân làng Ốc đua nhau mua xe máy. Lũ thanh niên mặt cứ câng câng, phóng xe bạt mạng, chằng mấy khi là không xảy ra va quệt, tai nạn. Suốt ngày, ô tô con, ô tô tải bóp còi bin bin. Đường sá thênh thang, các cửa hàng, cửa hiệu hiệu đua nhau mọc lên. Thằng cu Tít theo mẹ đi chợ. Mẹ nó mua bao nhiêu là đồ ăn. Chỉ còn mấy ngày nữa là tết. Tối nay, trên ti-vi có chương trình truyền hình trực tiếp chung khảo hoa hậu toàn quốc. Mẹ nó khấp khởi mừng, bụng vui như mở cờ, còn nó thì nhảy như sáo, liến thoắng luôn miệng. Nhưng về đến nhà, hai mẹ con nó đều ngớ ra, khi thấy lão Biền đang khóc tu tu như trẻ con, bên bàn thờ tổ tiên.
Thằng cu Tít mặt tái mét hỏi mẹ nó :
- Thầy bị sao thế hả u ?
Mẹ nó không nói gì, vội kéo theo nó xuống bếp. Đầu nó ong ong. Tai nó ù ù, nhưng vẫn nghe rõ tiếng khóc hu hu của lão Biền và tiếng còi xe hơi lanh lảnh vọng lại từ phía cây cầu hiện đại, xen lẫn tiếng kêu eng éc rợn người, của con lợn nhà hàng xóm đang bị chọc tiết. /.
Trại sáng tác Vũng Tàu
15/12/2008