Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.232.541
 
Xuân đã già
Phạm Phù sa

Bầu trời cuối năm nặng trĩu, thấp như có thể nhìn thấy và đưa tay với tơí được. Từng khối mây ám khói trên đầu, gió lạnh rít từng cơn. Cả không gian như cái tủ lạnh khổng lồ, càng về đêm nhiệt độ càng xuống thấp, chưa bao giờ thời tiết lại lạ lùng như mấy năm nay.Các nhà khoa học nói rằng đó là hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu , hiệu ứng lồng kính chi chi đó.Mùa giáng sinh đã qua lâu rồi mà rét như càng ngày càng đậm hơn.Và mưa, mưa lất phất; thật là lãng mạn, ít ra là đối với một tâm hồn nghệ sĩ đầy cá tính như vị khách đặc biệt của chúng ta.

 

Đó là một người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần, ông ta là tác giả kiêm đạo diễn của hội nghệ sĩ sân khấu thành phố.Như là một lập trình đã được mặc định hàng mấy chục năm nay, đêm đêm, dù có biểu diễn hay không, cứ khoảng gần nửa khuya là ông thích một mình tản bộ ra phố. Đêm nay cũng không ngoại lệ. Một ngọn gió ngược hắt nước vào mặt, ông ta kéo cao cổ áo măng tô, để mặc cho mái tóc dài nhuốm sương lòa xòa bết nước. Mưa đã làm cho nó không còn bồng bềnh cố hữu nữa.

 

Năm nào cũng vậy, hễ vào dịp cuối năm là các đoàn nghệ thuật xôn xao dàn dựng chương trình diễn Tết, chỉ hơn một tháng nữa thôi là Tết Nguyên đán lại về. Lần này ông muốn tìm một hơi thở khác hơn cho vở diễn của mình trên sân khấu nhỏ xuân này. Với ông, kịch sân khấu xuân không nhất thiết bao giờ cũng rộn rã, tưng bừng, chọc cười vô bổ. Tại sao không là một số phận, một mảnh đời xuân trong cái sôi sục ngày xuân? Ý tưởng ấy đeo đuổi ông trong suốt nửa tháng nay, cả trong mỗi giấc ngủ. Miên man đuổi theo những tình tiết kịch bản, chỉ khi một chiếc xe máy vụt qua sát rạt, để lại hàng  tràng câu chửi thề thô lỗ của mấy gã choai choai mới làm ông sực tỉnh, chợt thấy mình đã đến trước một quán quen bên đường.

 

Chọn một chỗ ngồi kín đáo trong góc quán, phủi vội những hạt nước mưa, ông gọi một chai Rhum. Quán thưa thớt khách, dường như giờ này hầu hết những người đứng đắn đã về với tổ ấm của mình, hoặc giả vì trời quá lạnh ít người muốn ra đường nếu không có việc gì cần kíp. Trong những góc tối mờ, vài cặp tình nhân còn nán lại như muốn níu kéo thời gian đừng vội trôi đi .Ngoài kia, mấy ngọn đèn đường vàng vọt thả thứ ánh sáng mệt mỏi nhòa lẫn trong hơi nước càng buồn não ruột. Chốc chốc ánh đèn pha các loại xe trên đường quét loang loáng, xuyên qua các ô cửa vào chỗ vị khách đang ngồi, hòa trộn với ánh đèn màu trong quán biến nơi đây thành một sàn diễn nhỏ, làm ông liên tưởng đến một cảnh diễn trên sân khấu. Nơi đó là tình yêu, là cuộc

 

sống của ông. Mà ngay lúc này đây, mình đang là một diễn viên, một nhân vật chứ không hề là một đạo diễn.

Tiếng nhạc từ những chiếc loa trên tường phát ra giai điệu nhè nhẹ, bài “Đêm đông ” của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương :

" Chiều chưa đi màn đêm buông xuống......

Ôi ta nhớ nhung đường về xa xa..."

 

Sao mà hợp người, hợp cảnh quá, bất giác ông chợt nhớ câu nói cửa miệng của bao người "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ "ông nhớ mang máng như là của tác giả Truyện Kiều thì phải. Khỉ thật, cái ông Tố Như đi guốc trong ruột người ta!

 

Lúc này đây càng thêm thấm thía .Cái không gian này, bài hát ấy như giấc thôi miên đưa ông về khung trời kỷ niệm một thời.

 

*

Ngày ấy...Quang là một chàng trai đầy sức sống và tài năng đang độ chín. Tốt nghiệp đại học sân khấu hệ chính quy, về công tác ở một tỉnh ven đô, trong một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh thuộc mẫu người "hướng nội", trong nghề đạo diễn, biên kịch cũng như ngoài đời, thích đi vào chiều sâu nội tâm nhân vật hơn là diễn hình thể . Đêm đêm anh muốn một mình thả bộ rong ruổi qua các ngõ phố để chiêm nghiệm sân khấu cuộc đời, rồi tìm một quán nhỏ tĩnh lặng để hệ thống những trải nghiệm, xâu kết thành tư liệu lưu trữ trong ngân hàng ký ức. Lâu dần cái sở thích ấy đã trở thành thông lệ, một thói quen đến nghiện ngập mà thiếu nó chưa biết đời anh sẽ nhạt nhẽo đến nhường nào. Và, trong một lần như thế , số phận đã đẩy đưa anh đến với nàng.

 

Nàng kém anh năm tuổi, là nhân viên của quán và cũng là diễn viên tài năng của đội kịch Nhà văn hoá địa phương. Đẹp mặn mà, ngoại hình cân đối, thông minh, lanh lợi, ăn nói có duyên. Chính vì thế, cho dù không đẹp lỗng lẫy, nhưng cô luôn là thỏi  nam châm đa cực hút mọi người về phía mình.

 

Lần gặp đầu tiên mãi khắc đậm trong anh một dấu ấn không thể xoá nhoà. Thoa, tên cô gái trong bộ complê bằng dạ đen quý phái, tấm khăn voan mầu mỡ gà choàng quanh cổ, vắt ngang, buông thõng qua vai kiêu sa và điệu nghệ. Suối tóc dài óng mượt buông xoã ngang vai. Cái "nền" ấy tôn lên vẻ đẹp sang trọng của làn da nõn nà. Anh không thể nào quên dáng đi nhẹ như lướt trên đệm cỏ đến bên bàn, một nụ môi khiêm tốn rực rỡ như thiên thần làm nóng ấm đêm đông. Từ phút giây định mệnh ấy, nàng đã trở thành nhân vật chính của kịch bản đời anh và trên sân khấu của đoàn. Được Quang quan tâm tạo điều kiện, sẵn có năng khiếu bẩm sinh, nàng thăng tiến rất nhanh. Trai gái tài sắc vẹn toàn , họ từng có một thiên đường hạnh phúc bên nhau trong tình yêu và hào quang nghề nghiệp. Quang vừa là người anh, người yêu, người thầy, người bạn , người đồng nghiệp; ngược lại, nàng là

 

nguồn động viên, nguồn cảm hứng vô tận cho anh chắp cánh. Tình yêu của họ đã khiến cho bao người ao ước, trầm trồ ngợi khen và cũng khiến không ít kẻ ganh ghét dèm pha. Anh thường nói đó là giai đoạn mà vườn xuân cuộc đời và nghệ thuật của anh rực rỡ đơm hoa. Cả nàng và anh đều biết, anh yêu nàng hoàn toàn không phải vì sự quyến rũ hình thức mà là quý trọng tài năng, sự thông mnh tháo vát, sáng tạo trong nghề diễn. Một lẽ  khác là sự cảm thông sâu sắc cú vấp ngã nặng nề của Thoa . Nó như một vết thương lòng khó có thể liền sẹo khi tuổi mới vào yêu. Anh hi vọng bằng tình yêu chân thành của mình sẽ xoá đi dĩ vãng đau buồn ấy như một danh nhân nào đó đã nói: "Khi tình yêu bị tổn thương, chỉ có tình yêu mới chữa khỏi".

Nhưng dòng đời vốn không bình lặng như mặt nước hồ thu. Cuộc sống bất ngờ mang nàng đến với anh, trao vào tay anh như trao một món quà vô giá thì nó cũng bất ngờ mang triều dâng bão nổi cuốn nàng đi như  bọt bèo tan biến mù khơi. Chú họa mi bé bỏng nhỏ xinh ngày ngày từng bay nhảy, líu lo trong vườn mộng đời anh chợt vút bay về phương trời xa thẳm. Như một sự sắp đặt của tạo hóa, đến rồi đi cũng vào những ngày cuối đông khi mùa Xuân nắng ấm sắp dâng tràn.

 

Vị khách đặc biệt gọi thêm một cốc lớn khi chai Rhum đã cạn đến giọt cuối cùng. Dường như men rượu không đủ sức sưởi ấm cái giá buốt về khuya và khó có thể làm tan chảy tảng băng trong lòng nên càng uống ông càng thấy lạnh.. Chiếc loa trên tường lại ngân lên giai điệu “Đêm đông”. Có lẽ đĩa nhạc đã hết và người phục vụ cho chạy lại từ đầu ? Quái lạ, ông thầm nghĩ , hay là mình say quá nên nghe nhầm ? Không, rõ ràng là bản nhạc ông ưa thích đang đều đều rã rích như cơn mưa ngoài kia chảy ngược vào hồn , ướt sũng, và đâu đó trong căn phòng có người nhâm nhẩm hát theo…

 

Ông đưa tay xem đồng hồ trong ánh lửa que diêm vừa mới bùng lên. Gớm, mới đó mà đã hơn 3 giờ làm tượng đá buồn nơi góc quán ! ông tự nhủ.

 

Vị khách ngước nhìn quanh, tuyệt không còn người khách nào ngoài ông. Đây đó, một vài ả nhân viên co ro trong lớp áo bông thời trang đắt tiền, mắt lơ đễnh bình thản dõi ra phía cửa, nơi phía sau quầng sáng là bóng đêm đen thẫm. Quán chưa có biểu biện đóng cửa, ông thầm nghĩ vậy và buột miệng khe khẽ hát theo như để xua đi cái không gian tĩnh mịch “thời gian như ngừng trong tê tái…” Mớ tóc đã khô nước, lại bồng bềnh, buông rũ, đung đưa theo cái đầu gục xuống, lắc lư trong điệu nhạc. Trong cơn mê dại tan hòa với âm nhạc, ông vẫn nghe thấy một giọng nữ đâu đó hòa theo, thánh thót bên tai như vừa đủ để ông nghe thấy. Một làn hơi ấm như nhiệt độ da người mềm ấm ôm trùm lấy bàn tay vị khách đang hờ hững giữ lấy ly rượu trên bàn. Theo quán tính, ông rụt tay lại. Thì ra cái hơi ấm ấy chính là từ đôi bàn tay một người phụ nữ đang ngồi phía đối diện, đôi bàn tay ấy cố giữ

 

lấy, không cho ông làm theo ý mình. Ông chưa kịp định thần nhìn kỹ việc gì đang xảy ra thì giọng nữ ấy lại vang lên rành rọt :

- Anh Quang ! anh đang nhớ về ngày ấy, có phải không ?

 

Vị khách mở to mắt nhìn, phút giây ông ngỡ như mình chưa hề uống rượu. Trước mặt ông, một người phụ nữ đã ngồi đó tự bao giờ.! Dưới ánh đèn qua hướng  nhìn trực diện, Thoa hiển hiện như vừa chui ra từ trong trí nhớ ông. Cô vẫn rực rỡ trong bộ complê đen quý phái, tấm voan màu mỡ gà quanh cổ, buông thõng qua vai, điệu nghệ và…đẹp như thiên thần ! Một bản sao của bóng hình ký ức,  hay người chết linh hiển hiện về? ngần ấy năm,liệu nàng có làm sao !!

- Thoa, Thoa có phải không? có thật Thoa không ? .Ông buột miệng.

- Thoa đây mà , anh Quang . Cánh chim lầm lỗi của anh đây ! -Nàng vừa nói vừa ôm chặt bàn tay ông như để tìm một sự đồng cảm. Vị khách không rút tay về, ông kéo nhẹ người phụ nữ về phía mình để kiểm chứng.

- Đúng rồi, là Thoa thật rồi. Không phải tôi say, cũng không phải mộng.

Thoa bằng xương bằng thịt, người con gái của ngày xưa; vẫn giọng nói ấy, bản nhạc ấy, cũng trong một quày bar nơi góc quán, vào một đêm đông…Trời ơi, sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thế ?!- Như đọc được suy nghĩ của ông, người phụ nữ phân bua:

 

- Không phải ngẫu nhiên đâu anh, mà là do em thiết kế. Quán này của em mà, em muốn tìm về lại khung trời nhỏ ngày xưa, và em biết sớm muộn gì rồi em cũng sẽ được gặp anh.

- Em về đây khi nào ? cùng với người ấy à? – Vị khách đưa mắt nhìn về cuối căn nhà, giật vội tay về.

- Không, vẫn một mình như khi ra đi. Em về đây đã hơn hai năm. Những lúc đoàn về đây lưu diễn, em vẫn nhìn thấy anh mỗi ngày kia đấy. Em vẫn cứ trốn chạy anh mà lại vẫn muốn có một lần gặp mặt.

Người khách buông tiếng thở dài, dõi nhìn ra cửa, phía ấy mưa đang mỗi lúc một dày hạt hơn.:- Để làm gì ? khi mùa Xuân đã ở phía sau lưng !.

 

Người phụ nữ xoay mặt ông ta lại đối diện với mình:- Anh Quang, em biết là mình không đáng được tha thứ, nhưng mong anh hãy hiểu cho em. Anh có biết vì sao em ra đi không ?

- Có biết, nhưng vẫn ngỡ ngàng và hụt hẫng.- Ông lại lãng đi cái nhìn như xoáy của Thoa.

-  Không , anh không thể nào biết , không một ai biết ngoài mỗi mình em. Em đã chọn cách ra đi khi nhận ra ảo giác đã lừa dối mình,

 

và em không thể tiếp tục lừa dối anh nữa. Những ngày tháng ấy, em đã lừa dối anh, anh có biết không ?

Vị khách cay đắng :- Thật vậy sao? !- Thoa điềm nhiên :- Em nhận ra anh chỉ là cái bóng của người trước, người mà em từng yêu, từng thù hận mà vẫn luôn yêu.

- Thế sao Thoa lại chấp nhận tôi ? Và tôi cũng biết rằng em cũng yêu tôi thật lòng. Nếu không, tại sao…

Người phụ nữ đứng lên, đi về mảng tường đối diện, đưa tay bật công tắc ngọn đèn trên vách , ánh sáng đủ soi rõ một bức tranh lớn được vẽ bằng bột màu, là bức chân dung bán thân một nam ca sĩ ,có mái tóc cột túm đuôi gà đang say sưa với cây đàn.- Tôi yêu anh chỉ vì anh quá giống người đần ông bội bạc ấy. Đấy, anh ta đấy, giống anh từ cái chất nghệ sĩ đến ngoại hình.

 

Vị khách thẩn thờ bước lại gần, ngỡ ngàng khi thấy đó chính là chân dung của mình, chỉ khác cái duôi gà túm tóc và cây đàn. Ông bỗng nghe cổ họng như có vật gì trồi lên, nghẹn đắng.- Trời ơi ! Em thật vô tâm. Em thật tàn ác ! nhưng …Không, tôi là tôi, tôi không là bản sao của ai cả.

- Em biết, nhưng khi nhận ra thì đã quá muộn. Và cũng vì vậy mà em không dám gặp lại anh.

- Tôi cay đắng vì bị biến thành người đóng thế. Thì ra, tôi chỉ giỏi trên sân khấu, còn ngoài đời Thoa giỏi hơn tôi. Tôi đã chẳng đạo diễn được kịch bản đời mình, còn Thoa, Thoa đã đạo diễn cả cuộc đời tôi còn gì!

- Không, Em cứ ngỡ rằng khi đã ở đỉnh cao danh vọng rồi em sẽ dễ dàng giành lại được anh ấy, nào ngờ…Chỉ khi bị phụ bạc lần thứ hai em mới hiểu ra. Thì ra chiếc bóng mới chính là người yêu thương mình nhất. Anh sống quá thực cả sân khấu lẫn ngoài đời. Sự thật thà đến khờ khạo đáng thương.

- Với tôi, nghệ thuật là cái đẹp. Làm nghệ thuật là phải hết lòng yêu cái đẹp. Trung thực cũng là một cái đẹp .

 

Tôi không bao giờ phải ân hận vì sự trung thực của mình.

Vị khách nhếch môi cười gượng gạo, bước lại phía bàn của mình, ngửa cổ dốc cạn chỗ rượu còn lại, như đã quá quen thuộc giá cả, ông đặt tờ giấy bạc có mệnh giá đúng với Menu thực đơn lên bàn, đè chiếc ly rỗng lên trên , điềm nhiên cho 2 tay vào túi áo , một động thái sẵn sàng tiếp tục cuộc dạ hành trong cơn mưa. Thoa vội lướt đến , chắn ngang lối ra cửa, giọng tha thiết:

- Anh Quang, em đã sai và đáng bị nguyền rủa, vì vậy em muồn dành phần đời còn lại để bù đắp lỗi lầm, em yêu anh, Anh Quang, hãy cho em cái diễm phúc được yêu anh !

Vị khách bình thản lấy thuốc lá, xòe diêm châm lửa, ông rít một hơi dài, nhả lên không trung những vòng tròn nhỏ, nói qua hơi khói:

 

- Xin cảm ơm em một tình yêu muộn, nhưng rất tiếc, tôi đã có một tình yêu.- Ông chẫm rãi thả bước lại chiếc bàn gần nhất, nhón tay rút một  đóa hoa cẩm chướng màu tím than trong bình :

- Trong tôi từ ấy đến nay không hề là kẻ cô đơn mặc dù vẫn sống một mình. Với tôi, chỉ có mỗi một người con gái của lần gặp gỡ đầu tiên ấy theo tôi đến trọn đời. Người ấy cũng có tên Thoa. Chỉ có thể là Thoa của ngày ấy mà thôi.

 

Người nữ chủ quán nghẹn ngào, cô chợt nghe có cái gì đó cay đắng đến tái tê trào dâng, không gian như nhòe hẳn trong màn nước :

- Như vậy là…anh không thể tha thứ cho em ! Thì ra…Có những sai lầm không thể nào tha thứ được !

Vị khách tiến lại, trao cho người nữ chủ quán đóa hoa :- Hãy giữ cho mình một hình ảnh xuân đẹp nhất, một tình Xuân chơn chất. Còn nay, dẫu Xuân chưa đến nhưng…Xuân đã già !

 

Vị khách đặc biệt ấy xoay người bước ra khỏi quán, ông kéo cao cổ áo rảo bước trong cái lạnh cắt da. Phía trong quán, tiếng nhạc văng vẳng vọng ra , cồn dâng như sóng quyện níu bước chân

“Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương…Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà” .

Bóng ông bị nuốt chửng vào màn đêm và sau lưng ông, có một hòn vọng phu đóng băng nơi đầu ngõ.

 

*

Lẽ ra , chuyện đến đây đã kết thúc, nhưng sẽ là thiếu sót nếu tôi không thông tin đến độc giả một chi tiết liên quan đến kịch nghệ thú vị. Nghe đâu có một vở diễn của đoàn ông ta, (người khách đặc biệt ấy ) trên sân khấu xuân năm đó rất thành công, gây tiếng vang lớn , được khán giả đón nhận nhiệt tình dù rằng kịch bản ấy không có hồi kết. Và, có một nữ khán giả đặc biệt, đêm nào đoàn trình diễn vở kịch ấy , cô ta cũng lấy vé hai chỗ ngồi mặc dù bao giờ cũng chỉ có một mình, lặng lẽ nơi cuối khán phòng, và bao giờ cũng là người khách cuối cùng ra về sau đêm diễn./.

 

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 1931
Ngày đăng: 20.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng nói trạng - Đỗ Ngọc Thạch
Lão Biền Làng Ốc - Nguyễn Chính
Mùa Tết - Nguyễn Lệ Uyên
Người của thời gian - Lê Trâm
Ông kĩ sư già và quí tử - Vinh Anh
Đến chỗ bức tường buổi tối - Nguyễn Viện
Chuyện của bà năm - Trần Minh Nguyệt
Đấu trường 100 - Đỗ Ngọc Thạch
Chùm hoa tím - Nguyễn Minh Phúc
Khách lạ của vườn xưa - Thiện Phạm