Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.085
123.233.168
 
Phóng sự ảnh
Thiện Phạm

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp gia đình họ - chỉ gồm ba người đàn ông, một ông nội, một con trai, một cháu nội trai – là họ giống nhau như đúc. Lúc đó, họ đang quây quần ăn cơm với nhau trên chiếc chiếu rách trải trước hiên nhà. Một khuôn mặt sao ra ba lần, rồi gắn lên ba cái mặt đàn ông, để nhìn thế giới và thế giới nhìn vào. Ta có cảm giác chỉ có một người ngồi đó rồi phân thân ra ba đoạn đời khác nhau. Người ấy - ông nội - quá khứ. Người ấy - ông bố - hiện tại. Người ấy - thằng bé con - tương lai.

 

Thằng bé con ngửng đầu lên nhìn khi tôi bước vào sân nhà. Đó là một cái sân bằng phẳng, nền cát núi mịn, rợp bóng của những bụi tầm vông um tùm. Nhưng người cất tiếng hỏi trước là ông nội, mặc dù ông chẳng nhìn ra sân, hình như ông nhìn trớt qua đầu tôi, phóng mắt lên ngọn núi xanh xanh trước nhà.

- Nhà có khách hả con? Ông cụ  hỏi vậy. Tôi nhìn vào mắt cụ và biết rằng cụ bị mù. Tôi chào cả nhà.

- Dạ chào bác, chào anh, chào cháu. Tôi là phóng viên báo…

Ông cụ khẽ gật, cười theo hướng mà ông nghe có tiếng tôi.

- Gặp bữa, chú ăn cơm luôn. Chú thứ mấy?

- Dạ, cháu thứ tư. Cụ cứ gọi thằng tư. Con còn nhỏ tuổi hơn anh đây…

- Chào hỏi vậy đủ rồi. Tí lấy chén bát cho chú con.

Tôi ngồi sà vào mâm cơm cho phải phép dù tôi đã ăn trên chợ xã tô hủ tiếu rồi. Lúc ấy, trời đã trưa. Nắng in những tấm vải bông bông trên sân cát mịn - bóng của những chiếc lá tầm vông. Những cơn gió thoảng đưa ngang. Những tấm vải bông ấy dập dờn trên sân trông vui mắt.

 

Anh con trai nói với tôi.

- Tôi nghe mấy anh trên xã giới thiệu về anh rồi. Anh là phóng viên báo X. Chà, anh định viết bài về lũ tắc kè núi vào tháng này thì… hơi căng đây. Mùa này khó khăn lắm mới gặp chúng.

- Không sao đâu anh. Anh có thể kể cho tôi nghe những kinh nghiệm săn bắt chúng, những giai thoại về chúng trong dân làng mình. Tôi tìm cách ghi lại vài tấm hình ngoài tự nhiên của chúng cũng được. Rồi nào là đặc tính “ông uống bà khen” của rượu tắc kè v.v…

- Cái đó thì nhiều. Mà thôi, anh ăn miếng cơm đi. Ăn với ve sầu chiên nè, cho biết mùi núi rừng.

Anh gắp cho tôi vài con ve chiên vàng. Giòn và thơm. Vị ngọt lan ra từng thớ thịt, từng lỗ chân lông. Ngon, ngon nổi da gà!

Anh con trai lắc đầu cười.

- Lần đầu anh không thấy ngon đâu. Ốc át anh nổi lên trên da là do anh vừa ăn vừa ớn ớn đó.

Cả ba người đàn ông cùng cười. Ông cụ nhai rau ráu con ve, gật gù.

- Thứ này ăn vô, bà cũng khen lắm đây!

- Là sao hả ông nội? Thằng bé ngửng cái đầu khét nắng, tóc ngọn vàng ươm lên chen vào.

- Là… là bà khen đó! Ông cụ ấp úng khó khăn. Thôi lo ăn cơm đi mày! Con nít hỏi tào lao không hà! Không trả lời được!

- Con biết chuyện đó rồi nội ơi. Ở tiệm net mấy đứa con coi hoài chớ gì!

- Trời đất! Cả ông nội và bố nó cùng kêu lên.

Tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi xanh ngút mắt trước nhà. Trên đó sẽ có những đêm săn tắc kè núi. Trên đó tôi sẽ ghi hình những thứ cần thiết cho bài báo của tôi. Và một ý nghĩ chen vô khi nghe thằng bé mười tuổi vừa nãy nói. Văn minh đã len về vùng đất hoang sơ, sạch sẽ này như thế đó. Những tiệm net, những game bạo lực và sex nữa. Văn minh đã về thật sao?

Dưới chân núi, những miếng ruộng bậc thang đang được bơm nước. Sắp vô vụ lúa mới. Vài miếng đất không trồng lúa thì thấp thoáng bóng người nhổ đậu nành, nhổ mì, Mấy chiếc xe bò bánh gỗ to đùng trang trí cho cảnh vật. Vài ngọn thốt nốt lơ thơ in lên trên nền trời xanh những bàn tay gai góc.

Anh con trai buột miệng:

- Mùa này thả vịt lội đồng, lượm lúa rớt đâu được nữa. Người ta phải đưa vịt lên ghe chuyển tới đồng xa, xuống miệt dưới, miệt Trà Vinh, Vĩnh Long, cách dây hàng trăm cây số…

- Ồ, anh cũng nuôi vịt thả đồng nữa sao?

- Không! Không, tui đâu có nuôi… Chồng của…

Ông cụ đột ngột ngừng đũa. Gần như ông cố nhìn chằm chằm qua anh con trai. Nội lực của tia nhìn không ánh sáng ấy khiến anh con trai cúi đầu. Anh liếc ra mấy con gà nòi đang úp bội gáy ót ót dưới gốc nhãn khi nghe ông cụ gằn giọng.

- Tao đã nói với mày nhiều lần về con nhỏ đó. Tao nói không êm đâu nghen. Mày léng phéng với nó có ngày thằng chồng nó dù hiền như cục đất cũng tính sổ mày. Tụi bây ngày càng lộ liễu. Tao mù nhưng tao vẫn thấy. Vậy là bà con quanh đây thấy hết. Nguy hiểm lắm nghe con! Trời ơi, đàn bà gì mà chồng lùa vịt đi đồng xa là tối lại tọt qua nhà trai, hú hí trong vườn liền…

- Tía! Anh gắt. Nhà có khách nghe tía.

Tôi cười giả lả. Tôi vỗ vỗ vai anh thành thật.

- Chuyện gia đình tôi không quan tâm đâu. Bác và anh cứ thoải mái. Tôi về đây theo anh leo núi tìm lũ tắc kè thôi mà…

Sau này tôi mới biết, vợ anh đã đi biền biệt, theo trai, từ hồi thằng bé mới đẻ. Nghe đồn chị mê kép cải lương. Một hôm có một đoàn hát về đây diễn mấy đêm. Đoàn hát đi mang theo cả má của thằng bé. Nhà không có đàn bà từ đó.

Anh con trai quay sang tôi.

- Thôi anh đi xa, chắc mệt. Tạm thời ra giếng nước tắm sơ sơ đi. Có chiếc võng giăng dưới gốc nhãn. Anh làm đỡ một giấc đi. Tối tui với anh sẽ lên núi. Đi nổi không đó?

- Nổi chớ anh.

Tôi nhìn ra cái võng đong đưa trong vườn nhà. Gần đó là cái giếng đúc bằng xi măng trên thành đá xanh tròn vành vạnh. Tôi bước về phía đó. Nước giếng trong xanh mát lạnh cứ như chảy từ đá núi trên kia xuống. Tôi rửa ráy sơ sài, uống một ngụm ngọt thanh. Những làn gió làm lao xao những bụi tầm vông. Đúng là khung cảnh thanh bình, tuyệt diệu!

 

Rồi tôi nằm lăn ra võng. Vài lần lắc lư cái võng kèm theo cái thấm mệt khi đã ngồi hơn hai trăm cây số trên xe đò về đây khiến tôi nhướng mắt lên không nổi. Căn nhà gỗ ba gian của ba người đàn ông cất trên nền đá xanh cao lắc qua, lắc lại vài lần trong mắt tôi, rồi chìm đắm cả vào cơn buồn ngủ. Hình như có vài chiếc lá tầm vông khô giòn, vài tiếng ve ra rả trên sườn núi, vài tiếng gà nòi gáy ót ót giữa trưa cũng chen nhau rơi vào giấc ngủ của tôi.

 

*

Các hình ảnh chụp cận cảnh con tắc kè cho thấy mặt mũi nó dữ dằn, như bộ mặt con khủng long thời tiền sử. Gai lưng nó tua tủa bén ngót dựng lên trên. Da có vảy lốm đốm nhiều màu sắc, sẵn sàng thay đổi màu theo thời tiết sáng, trưa, chiều, tối; hay thay đổi màu theo cảm nhận của chúng với kẻ địch, với độ hiểm nguy. Có khi nó nằm sờ sờ trên vách đá ngay trước mặt tôi mà tôi cũng không nhận ra, cứ ngỡ đám rong rêu mốc thích mốc lai, như những dấu chân của thời gian, của mưa nắng giẫm lên đá. Anh Toàn, người dẫn đường cho tôi, khều nhẹ vai tôi “nó đó!”, tôi mới nhìn ra. Có con bằng cườm tay người lớn, nằm ép mình trên khe đá. Có con nhỏ xíu như thằn lằn, bám lằng nhằng trên vách đá ẩm ướt và sẫm màu, thoạt nhìn cứ tưởng vết đá nứt. Có con ôm dài theo một nhánh cây rừng, ép sát vào đó như thể nhánh cây gồ lên một mắc cây. Có con nổi vân xuôi theo thân, nhùng nhằng bám trong đám dây leo rậm rì, khó có thể nói đâu là thân dây leo, đâu là thân tắc kè.

- Kiểm lâm đâu cho bắt loại tắc kè này đâu anh. Thú quý hiếm mà! Họ nói phải bảo tồn bảo tàng gì đó. Không khéo nó tuyệt chủng hết. Toàn nói. Anh chộp lia lịa chúng dồn vô bao.

- Nó đem ra chợ bán được giá, nên dân đi bắt nhiều, phải không?

- Được giá quá đi chớ! Nhờ tính năng “ông uống bà khen đó”. Có tài cán như vậy nên nó mới bị bắt, bị giết. Con người cũng giống vậy, phải không anh tư? Có tài hoặc có sắc đều dễ chết, đúng không?

- Chắc vậy quá… Tôi chĩa ống kính vào những con tắc kè đang cố chạy thoát thân lên dốc đá cao hơn. Tôi chộp được hình ảnh đầu con tắc kè với những cái gai tua tủa dựng ngược như rẽ quạt “contre de soleil” với ánh mặt trời chiều dìu dịu. Ngày sắp tàn. Hứng thú với thành tích của mình, tôi buông câu trả lời với anh Toàn một cách bâng quơ như thế.

- Loại tắc kè này anh bắt sống bán có giá hơn làm khô ngâm rượu. Có điều kẹt nỗi mỗi khi chở bao tắc kè đi, chúng cắn nhau trong bao, hoặc rống lên “tắc… kè… tắc… kè”. Om sòm! Bịt miệng không được. Vậy nên trên xe ai cũng biết mình chở tắc kè! Ai cũng biết nên kiểm lâm cũng biết. Vậy là mình bị kiểm lâm hỏi thăm. Chì chài mất hết nhờ cái mỏ con tắc kè. Lấy dây chì khớp mỏ nó lại, đừng cho kêu thì hoặc nó chết, hoặc bán không có giá, chết sướng hơn. Thứ gì đâu mà! Hễ kêu lên là chết, chết vì cái miệng mà ham kêu quá trời.

 

Toàn là một tay có cựa trong nghề bắt tắc kè xứ núi này. Anh bắt được chúng giữa ban ngày! Ban ngày rất khó kiếm, khó bắt. Do yêu cầu của tôi phải chụp ảnh chúng nên anh dẫn tôi đi lên núi lúc chiều xuống. Rồi anh trổ ngón nghề luôn. Đa phần người dân vùng này bắt chúng về đêm. Đêm đêm, từng đàn tụ tập hứng sương, hứng gió. Dân đi bắt chúng dùng đèn, bình ắc-quy, pha cực sáng vào mắt chúng. Chúng “mê đèn” đứng sững, chết trân, không nhúc nhích. Những vòng tròn thắt bằng gân lá dừa, bằng dây nylon thả ra, móc vào cổ từng chú, rồi tóm từ từ trọn cả bầy. Khi ăn thịt tắc kè, hay khi ngâm rượu để uống, người ta thường chặt bớt đầu chúng. Lý do con mắt có độc chất. Và món ăn về chúng, khoái khẩu nhất, theo tôi, là món cháo tắc kè và ngon nhất là phần đuôi của nó. Thịt ngọt lạ lùng, ngọt đến mức nước bọt tứa ra không kịp, đau cứng hai bên quai hàm! Ông cụ cười cười bảo tôi. “Chú ăn thế này hai ngày sau mới thấy cái cảnh”. “Cảnh gì bác?”. “Cảnh nó bứt rứt trong người. Cảnh phải căng căng mà chạy kiếm đờn bà. Mà lạ lắm nghe chú. Lúc đó dòm tướng bà nào cũng ngộ, cũng tròn. Coi như con mắt mình nó bị hư, nó phản mình vậy. Dòm đờn bà là chịu!”

 

Tôi còn nhớ chòm râu lơ phơ của ông rung rung lên trong cái cười phơ phớ của người từng trải… Nhiều người chết vì cái miệng như con tắc kè này lắm nghe anh Toàn. Tôi cười cười.

Toàn gật gù. Tướng tá anh roi roi, chắc nịch. Trời hơi chuyển mưa, anh đã lo lẹ lẹ kiếm áo mặc vô. Sợ lạnh lắm! Tôi đã biết nhiều vị như thế. Nhưng cái khoản “giường chiếu” của họ thì khỏi chê. Ốm ốm mà dẻo dai lắm. Hèn gì… Cái cô gì có chồng vừa đi thả vịt đồng xa là đêm đêm chạy tọt qua vườn nhà anh kiếm anh liền. Cô gì nhỉ? Tôi hỏi khéo Toàn.

- Ông cụ không thấy đường lâu chưa anh?

- Hơn chục năm rồi. Bị cườm gì gì đó. Xuống tỉnh mổ, rồi đui luôn anh à.

- Ông cụ mù, sao biết… sao biết… cô bồ đã có chồng của anh… là đẹp? Tôi thắc mắc thiệt nghe anh, chứ không phải tò mò chuyện của anh và cô kia.

- Anh là người xứ khác lại đây. Có biết chuyện của tui với Thắm (tên cô gái) cũng nhằm nhò gì đâu. Ít bữa nữa anh cũng đi rồi. À phải, anh hỏi sao tía tui biết Thắm đẹp hả? Ông nghe mùi tỏa ra của người ta là ổng biết đẹp xấu.

- Thiệt hay chơi hả trời?

- Thiệt! Tôi gạt anh làm khỉ gì. Bữa nào anh chịu khó dắt ổng đi chợ. Ông khịt khịt mũi một chút là biết bà nào đẹp, bà nào xấu cho coi.

- Chà! Chà! Độc đáo quá anh Toàn nhỉ.

- Tía tui có một quá khứ lẫy lừng. Sáu bà vợ chứ ít đâu anh. Cỡ tui là út mít, con bà vợ thứ sáu! Lúc đó tía tui yếu rồi. Ổng sanh tui năm ổng sáu mươi tuổi đó!

- Hèn gì bây giờ ông cụ gần chín mươi tuổi mà anh gần ba mươi chớ gì.

- Tía tui là dân thương hồ, mua bán gỗ từ bên Miên, bên Lào, thả bè trôi về xứ này. Mỗi vùng ổng đi qua gần như ổng có một bà. Mà bà nào cũng ngộ hết nghe anh. Tía tui giàu lắm, lúc sinh thời. Sau này phe Lonnon đảo chánh ở Nam Vang, tía tui bỏ hết của cải chạy về xứ này rồi gặp má tui. Ý là vét nồi giũ ống rồi, hết xí quách rồi mà ổng còn đẻ tui ra đó.

- Nhưng làm sao ông cụ gặp được Thắm mà biết đẹp xấu? Hay anh làm ăn nhểu nhão ông cụ biết?

- Trời ơi, con đàn bà đã mê trai rồi thì nó còn kể số gì nữa. Chồng Thắm vừa lùa vịt lên ghe đi Vĩnh Long buổi sáng, buổi chiều nó đã bồng con qua nhà tui, dọn dọn, dẹp dẹp, như thể nó là con dâu nhà này vậy. Ờ, tui chưa kể cho anh. Con vợ tui lúc trước mê kép cải lương. Cái thằng đẹp trai, ca cổ lúc nào môi dưới cũng trề trề, chu mỏ bàn phà đó anh, thằng L.V. đó. Anh là nhà báo chắc biết nó. Vợ tui mê nó lắm. Chờ đoàn hát có thằng đó về đây là cuốn đồ theo nó luôn. Bỏ chồng. Bỏ con. Bỏ hết. Đàn bà đã mê trai rồi thì…

Tôi ừ ào cho qua. Tôi không muốn khơi gợi thêm những gì đau xót nơi anh.

Anh nói đều đều, mặc kệ tôi có nghe hay không, mặc kệ đỉnh núi muốn nhảy phóc vào bóng đêm đang ngập ngừng dưới đồng bằng.

- Tía tui nói cũng đúng. Trong chuyện trai gái, con đàn bà thấy ngon, thấy ngọt, thấy sướng bằng ba lần thằng đàn ông nên nó ghiền, nó mụ mị hơn ai hết. Cho nên đàn bà đã có ý ngoại tình thì gần như cả làng, cả xóm đều biết, bởi nó lộ ra trên khuôn mặt, lộ ra trong tướng đi, tướng đứng.

- Rồi chồng Thắm biết không?

- Tôi đồ chừng… biết! Có điều thằng đó nhu nhược. Tới đứa con nít xứ này cũng ăn hiếp được nó. Nó nuôi vịt thả đồng, bán trứng. Một ngày nó cũng kiếm vài trăm ngàn ngon ơ. Trứng nó đem bán, chủ vựa thu mua muốn đếm sao thì đếm. Nói một ngàn thì nó ừ một ngàn. Nói hai ngàn thì nó ừ hai.

- Nhỡ anh ta cũng có tay ngoài tay trong hay bồ bịch gì ở xứ khác nên không quan tâm tới cái sự lăng loàn của vợ…

- Thằng này không có vợ bé vợ mọn gì đâu. Thắm nói nó yếu xìu hà… Cổ chưa tới bến, chưa được gì thì anh chồng đã ngã vật ra, thở hào hển như lên cơn suyễn, mềm nhũn mềm nhão như cọng u du bị bẻ ngang đọt vậy!

- Nói vậy anh và Thắm không đề phòng mà được sao?

- Ừ, tại con đàn bà. Nó ghiền quá. Nó hay xé rào trước, bất kể xóm giềng. Toàn thở dài. Trời đất. Sao tối hù mau vầy nè trời. Thôi tui với anh xuống núi. Bữa nay chụp hình bộn rồi, phải không anh?

 

*

 

“Cá ngát là con cá ngon có tiếng, đem nấu chua với bần xanh ngon đến tưa lưỡi. Cá ngát thường nấp dưới những gốc cây lớn có hang, có hốc ven sông. Khi mình thả lưỡi câu xuống, câu nó thì được rồi, nhưng bắt nó thì khó lắm, vì nó ngậm miếng mồi, kéo dây câu chạy lùng tung lúng túng, như thể luồn sợi dây câu trong chùm rễ cây. Vậy rồi làm sao giựt dây câu lên mà bắt nó hả con? Giựt lên là đứt dây câu liền. Nó thoát. Đã hôn?”

 

Ông cụ nằm đưa võng hất hất ở hàng hiên. Đêm xuống. Ông kể giọng đều đều. Những câu chuyện đánh bắt vào cái thời cách đây nửa thế kỷ. Thằng Tí mặc quần xà lỏn, ngồi trên bậc thềm, lẳng lặng nghe ông nội kể chuyện xưa. Tai nó thì nghe, nhưng mắt nó lom lom ngó ra chòm cây sao trước nhà. Tay nó lăm lăm cái ná thun. Thỉnh thoảng nó bắn cái ná một phát. Viên sỏi bay chìm trong đám lá kêu lên lẹt rẹt. Bằng cách đó, đôi khi Tí hạ được một con dơi chó đang lạng quạng bay ngang. Tí nói bắn dơi khi nghe tiếng dơi đang bay ngang anh hùng hơn tìm vô hang dơi ngủ mà bắn. “Bắn người ta vào lúc người ta ngủ, người ta không đỡ được, hèn lắm chú ơi!”

- Vậy rồi phải câu cách nào để bắt được cá ngát hả ông nội?

- Người ta xắt khúc cá linh, bỏ vô hộp bịt kín, phơi nắng một buổi cho bốc mùi thum thủm. Mồi ngon của cá ngát đó con. Rồi luồn sợi dây câu qua ống sậy bọng ruột dài sọc vậy đó. Cá ngát đớp mồi, muốn lội lăng quăng để cột dây câu vào rễ cây cũng không được. Dây câu bây giờ thẳng băng như cây sậy! Rút dây câu, mỏ con cá ngát bị hút vô ống sậy. Ê mỏ! Không giãy giụa được. Đành chịu phép bị bắt. Mà con nhớ nghe Tí. Con chỉ câu vào lúc nước ròng trở lớn lên thôi nghe. Nước lớn câu không dính. Ròng cũng không!

Thằng Tí ậm ừ. Nó buông ná, bắn lẹt rẹt vô chòm lá. Chẳng nghe thấy con gì nặng nặng rơi xuống dất.

Tôi ghé tai thằng Tí hỏi nhỏ.

- Ở đây không có sông lớn, sông nhỏ gì hết. Xứ núi mà. Mình câu ở đâu Tí?

- Kệ, cứ để ông nội nói. Ổng đang nhớ quê ổng ở miệt Hồng Ngự bên kia sông Tiền Giang.

À ra vậy. Thằng Tí có vẻ người lớn ghê vậy ta!

- Sau Tết, nước sông Tiền trong xanh. Đó là mùa câu cá trắng, tức những loài cá mè vinh, cá he… Cá mè vinh thích ăn mồi là lá bí rợ. Lá xanh vậy mà nó khoái! Còn cá he thì thích hột bắp ngâm. Con phải ngâm cho nở, cho mềm. Cá trê vàng muốn ăn cho ngon phải chờ sau vụ lúa mùa. Cá trê không bắt ở sông mà phải bắt trên đồng, trên mương nước, ao tù. Mồi khoái khẩu của cá trê là chuột con. Con đào hang chuột trên đồng, bắt đám chuột con, loại còn đỏ hỏn, rồi nướng sơ chúng trên lửa. Thơm hết hồn luôn. Móc chuột nướng làm mồi câu…

 

Hình như ông cụ đang chìm dần trong giấc ngủ. Câu chữ của ông loạng choạng ngả nghiêng trong hơi ngáp dài. Có tiếng tắc kè điểm nhịp như song lang trong buổi đờn ca tài tử. Có tiếng cheng chét mơ hồ của bầy dơi chó đang bay vun vút trong vườn lá để đuổi theo những con muỗi, những con côn trùng có đôi cánh mỏng. Có tiếng tác của bầy nai trên núi vọng xuống. Có tiếng rền của những cơn mưa xa xa vọng lại. Ở đây vài ngày tôi mới để ý rằng, cơn buồn ngủ không đè lên mi mắt, mà ghì ghì vùng gáy, vùng vai người ta. Một cảm giác mỏi mê lan dài từ đó xuống.

- Ông nội ngủ rồi, chú à. Tí nói.

- Sao con thích nghe những câu chuyện bắt cá bắt tôm của ông nội?

- Vì nó vui vui. Nghe chơi cho ông nội được an ủi vậy mà. Gặp cha con hả chú, ổng lội xuống mương nước, xuyệt  điện một cái là cá nổi phình bụng cả một khúc mương. Nóc nái, lớn nhỏ gì chết ráo. Mình bắt sạch nhách, khỏi cần mồi, câu, lưới chi cho mệt.

- Sau này còn có cá nữa đâu cho mình bắt hả Tí?

- Hết rồi thì kiếm thứ khác mà ăn, lo gì hả chú? Trời sanh voi sanh cỏ mà chú.

- Ai dạy con kiểu đó hả Tí?

- Chú quê quá hà. Dân ở đây ai mà không nói vậy hả chú?

 

Dân ở đây ai không nói vậy! Trời sanh voi sanh cỏ. Vừa ăn vừa hủy diệt. Văn minh đã về đây thật rồi sao? Đột nhiên tôi nhớ đến những con tắc kè của tôi. Chúng đổi màu liên tục. Chúng tự thích nghi với môi trường. Chúng tồn tại. Tại sao tôi thích đứng ngoài cuộc nhân sinh để bình phẩm họ, phê phán họ? Chắc chắn loài người này sẽ tàn phá môi trường, tàn phá chính cuộc sống bình yên lý tưởng mà thiên nhiên đã giao cho họ. Nhưng chắc họ cũng sẽ thích nghi theo hướng khó khăn ngày càng chồng chất mà họ đã tạo ra. Chắc cũng sẽ thích nghi thôi. Trời sanh voi sanh cỏ. Có khi thằng Tí bé con kia cũng có lý. Biến cố rồi sẽ tới. Rồi sẽ có cách thích nghi. Thật nhé đời!

 

Đêm đã xuống rất sâu, càng xuống, càng lắng như thể đặc sệt lại. Đêm quyện trên mặt đất từng vệt đen đậm đặc. Ngước mắt nhìn từ dưới đất lên, cái tầng của đêm nhạt dần ra. Nhạt nhất là nơi những chòm sao, bụi sao vung vãi như những hạt kim cương lóng lánh trên bầu trời. Nhờ những hạt sao lóng lánh ấy, bóng núi tạc lên trên bầu trời một đường nhấp nhô đen kìn kịt. Giờ này toàn vẫn chưa về. Hầu như đêm nào cũng vậy, kể từ hôm tôi về nhà anh, anh và cô thắm vẫn hẹn nhau mãi đến giữa đêm. Tôi thấy hơi lo cho anh. Tôi lây nỗi lo của ông cụ anh. Cả làng cả xóm đều râm ran nói về mối quan hệ của cặp Toàn – Thắm này. Những câu nói bỏ lửng hoặc lảng sang chuyện khác khi tôi và Toàn bước vô một quán cà phê, một hàng cháo, một tiệm phở… tôi gặp ngày càng nhiều. Có những câu lông bông lơ lửng kiểu: “Dạo này gà trống hay gáy buổi trưa. Làng này chắc có gái chửa hoang”. Chúng tôi cứ nghe mãi. Toàn sượng mặt cười trừ đã nhiều lần.

 

Tôi đã gặp Thắm. Chẳng những gặp mà còn ghi hình được Thắm. Tấm ảnh tôi chụp Thắm bằng ống kính télé, theo tay trỏ của Toàn, trong đám đông đang reo hò sau sân chùa Miên. Hôm ấy là lễ hội đua bò. Khoảng đất ruộng sau sân chùa lấp xấp nước. Những con bò đá nước lên trên không gian thấp thoáng ánh cầu vồng của mặt trời rọi xuống buổi trưa. Qua ống ngắm télé, tôi chộp luôn khuôn mặt xinh xắn của Thắm dưới cái nón lá. Vài hạt nước bắn rơi dài bên góc trái bức ảnh. Cả sắc cầu vồng bé xíu cũng lọt vào khuôn hình. Mũi dọc dừa rất đẹp. Đôi mắt to và ướt. Hàm răng đều hạt bắp nổi hẳn lên trên quai nón lá màu tím. Một tấm ảnh đẹp cho một cái cười. Cái cười tươi tắn và lôi cuốn lạ. Cái cười làm những bắp chân săn chắc của Toàn phải rung rung lên khi leo núi trước mắt tôi. Sự lôi cuốn của nữ tính làm xiêu vẹo những bước chân của anh lực điền!

 

Tôi trở vào, soạn lại những tấm ảnh mình đã chụp được mấy ngày qua. Những con tắc kè ở đủ mọi tư thế, đủ mọi nguồn sáng. Ảnh của Thắm. Ảnh của ông cụ. Ảnh của thằng bé giương ná bắn chim. Cả ảnh ba người đang ngồi ăn cơm, ba người đàn ông trong ngôi nhà này, ba gương mặt giống nhau như đúc. Một tiềm thức đột ngột gióng lên trong tôi một tiếng động. Hình như trong dân gian, người ta kỵ chụp ảnh cả ba người đồng giới trong một bức ảnh. Người ta sợ một người trong đó sẽ ra đi. Xương sống tôi lành lạnh. Có thể là Toàn… Có thể là Toàn sẽ ra đi! Tôi nghe gió rào rạt trong bụi tầm vông. Trời lạnh thật. Gió từ trong núi thổi ra, không phải xương sống tôi lạnh vì linh cảm một cái gì đâu. Tôi tự an ủi mình vậy. Ngủ đi. Ngày mai lên đường về thành phố. Mình xong việc rồi. Lát khuya Toàn sẽ về thôi mà. Và tôi ngủ, khi cảm giác ghì ghì sau gáy đã lan hết toàn thân.

 

*

 

Tôi mơ màng đâu đến quãng hai ba giờ sáng gì đó thì bỗng tỉnh giấc. Đêm ấy trời rất tối. Nhưng vào quãng ấy, trời có được mảnh trăng như lưỡi liềm sét sẹt treo chếch trên đỉnh núi. Tôi nghe có tiếng xối nước ngoài giếng. Hi hí mắt trông ra thì… ôi chao! Một tòa thiên nhiên ngần trắng đang ngã người hứng trọn thùng nước chắc là mát lạnh rơi xuống. Tôi có cảm giác hơi lạ. Nước rơi chậm hơn thường khi. Nước bắn lên hai vú nõn  vung vẩy dưới ánh trăng. Mái tóc người đàn bà cuộn lên một búi sau gáy. Thắm ư? Toàn dẫn Thắm về vườn nhà và tắm…?

 

Tôi hơi xấu hổ, đành nhắm mắt lại. Tôi thực tình không muốn lạm vô đời Thắm của Toàn. Tuy vậy, tôi rạo rực thực sự. Giá như… Giá như tôi có thể chạy ra bờ giếng ấy để tắm chung với Thắm, kỳ cọ với Thắm và làm tình cùng Thắm, tôi sẽ làm ngay. Ông cụ nói đúng, sau bữa cháo tắc kè ngon ngọt kia chừng vài ngày, con người mình khác lắm… “bứt rứt trong người, căng căng chạy kiếm đờn bà. Lạ lắm nghe chú. Lúc đó dòm tướng bà nào cũng ngộ cũng tròn…”

 

Tuy vậy lúc đó ở trong nhà bốc lên cái mùi ngai ngái, hăng hăng kỳ lạ. bóng người đàn bà đang tắm mờ dần trong mắt tôi. Có lẽ lúc đó tôi đang xụi xuống, gục xuống trong tư thế một tay bíu lấy song cửa để trông ra, một tay quờ trong vùng bụng dưới. Lần sau này không phải cơn buồn ngủ trườn tới sau gáy. Có lẽ tôi gục xuống vì bị đánh thuốc mê.

 

*

 

Toàn đi thật. Toàn đi vĩnh viễn không về. Chồng Thắm, anh chàng nuôi vịt thả đồng, anh chàng “tới đứa con nít cũng ăn hiếp được”, đã dùng một con dao lê sét sẹt từ đầu súng AK đâm Toàn một phát, khi cả hai tình nhân đang say sưa trong cuộc mây mưa. Lưỡi lê sét xuyên ngọt, từ sau ra trước, lách qua những kẽ sườn xuyên qua phổi, qua tim, trổ ra dưới vú. Toàn chết gục trên bụng Thắm, khi cả hai còn trần truồng. Anh chàng bị vợ cắm sừng, sau khi rửa sạch nỗi đau của mình bằng cách đó, lặng lẽ lên công an xã đầu thú.

 

Sáng hôm sau, cái chợ xã nhỏ xíu ven núi tan hoang, xơ xác vì nhũng lời bàn tán. Vậy mà tôi và hai ông cháu lại là người hay tin sau cùng. Bởi lẽ chúng tôi ngủ như chết cho đến khi người dân trong vùng tới đập cửa báo tin.

 

Ông cụ, khi bị người ta vực dậy cho hay tin dữ, ông chết trân. Người ta dìu ông đi tới hiện trường, là cái nhà của Thắm. Nhưng vừa ra tới giếng nước, ông quày quả đòi trở vô nhà. Ông không đi nữa. Ông hỏi tôi.

- Tối qua chú có ngủ như chết không?

- Dạ có. Vào quãng hai ba giờ sáng, cháu thức giấc, nhìn ra giếng thấy có người tắm.

- Đàn bà? Tóc dài? Tướng đậm đậm?

- Ờ… ờ, chắc tóc dài. Vì lúc đó cô ấy búi lên một búi rất to sau đầu.

- Chú dẫn tôi ra phía sau bồ lúa. Vậy là con vợ thằng Toàn lẻn về trong đêm qua.

- Sao bác biết?

- Tôi nghe mùi của nó phảng phất ở đây. Chú dẫn tôi ra sau bồ lúa…

Sau bồ lúa có một hộc vuông, được đậy bằng tảng đá núi đã bị cạy tung lên. Ông già sờ sờ những nắm đất vung vãi. Ông nói như tiếng thở dài.

- Vậy là hai cái họa đổ xuống đầu tôi cùng lúc rồi chú ơi. Mấy lượng vàng tôi chôn ở đây để phòng thân khi thằng Toàn bị hại cũng tiêu luôn rồi. Con vợ theo trai của thằng Toàn nó…

 

Tôi hiểu ra tất cả. Người đàn bà táo tợn, vợ Toàn đêm qua đã lẻn về. Chính y thị đã đốt khói xông có thuốc mê cho những người trong nhà lịm xuống. Có lẽ y thị cũng đã mò vào chỗ tôi nằm, biết chắc là có Toàn ở nhà (vì thấy tôi đang nằm chỗ Toàn). Thực hiện xong việc xông khói, y thị ra khỏi nhà và tắm táp ngoài giếng đêm qua. Vậy mà tôi cứ ngỡ Thắm. Chính y thị mới biết vàng của ông cụ giấu ở đâu… Trời ơi, tai họa này có phần của tôi dự vào không đây? Sao tôi lại chụp ảnh ba người đàn ông trong một tấm ảnh hả trời?

 

Phen này, trời không sanh voi sanh cỏ đâu Tí ơi! Phen này, liệu hai ông cháu kia có thích nghi nổi với quãng đời còn lại, như những con tắc kè núi kia không? Một khuôn mặt sao ra ba lần, gắn lên ba cái mặt đàn ông. Ông nội - quá khứ. Bố - hiện tại. Con - tương lai. Chỉ cần hiện tại làm sai là tương lai điêu đứng.

 

*

 

Phóng sự ảnh của tôi bày trên bàn anh Tổng biên tập. Anh khen từng tấm, từng tấm một. Anh lẩm bẩm liên hồi “Sẽ cho đăng ngay. Sẽ cho đăng ngay…”. Anh ngạc nhiên trước vẻ mặt thẫn thờ, không hồn, không vía của tôi. “Cậu này quái lạ. Cậu làm tốt lắm sao mặt mày như đưa đám thế kia?”

 

Khi tờ báo đăng phóng sự ảnh, tôi hay tin ông cụ đã mất. Tôi hối hả quay về nơi ấy. Một cảnh tang thương lại diễn ra trong sân nhà ấy trong vòng mười ngày. Đám ma lặng lẽ. Tôi cố tìm thằng Tí nhưng không gặp. Có người nói nó bỏ nhà đi trước khi ông nội nó mất. Có thể mẹ nó rước nó đi chăng? Tôi quên không kể với các bạn ông cụ đã không báo với chính quyền vụ mất trộm vàng. Ông cụ bảo tôi: “Chắc phải chừa mẹ thằng Tí ra khỏi vụ lu bu này. May ra, sau này nó nghĩ lại, nó lo cho thằng Tí, con nó…”

 

Tôi thắp hương cho ông cụ. Tôi nghe gió núi thổi ra nhè nhẹ. Có tiếng tắc kè gõ nhịp trên ngọn cây sao. Tôi lôi tấm ảnh chụp ba ông cháu ra. Tôi xé vụn. Gió thổi mạnh thêm. Tôi tung những vụn ảnh lên trời. Gió cuốn những mảnh vụn ảnh, chấp chới như đàn bướm nho nhỏ, trăng trắng bay biến vào vườn lá./.

Thiện Phạm
Số lần đọc: 1774
Ngày đăng: 21.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây khế vườn xưa - Minh Hương
Vòng xoay - Khôi Vũ
Xuân đã già - Phạm Phù sa
Làng nói trạng - Đỗ Ngọc Thạch
Lão Biền Làng Ốc - Nguyễn Chính
Mùa Tết - Nguyễn Lệ Uyên
Người của thời gian - Lê Trâm
Ông kĩ sư già và quí tử - Vinh Anh
Đến chỗ bức tường buổi tối - Nguyễn Viện
Chuyện của bà năm - Trần Minh Nguyệt