Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.206.107
 
Tự bạch của một linh mục
Nguyễn Vĩnh Căn

Bản tính của tôi vốn ngỗ ngáo hay thẳng mực tàu đau lòng gỗ, nên chẳng mấy ai ưa. Tuy nhiên tôi cũng có được ít đứa bạn, kể cả vài Linh Mục cũng khá thân và chiều được cái tính càn rỡ, ưa lý sự cùn của tôi. Tiếng là bộc trực thẳng thắn, nhưng những chuyện như dưới đây, búa bổ vào chức Linh mục, thì ông cố nội tôi sống dậy cũng chẳng dám nữa là tôi. Bởi tôi chẳng dại chi đụng đến cái thiên chức đang được mọi người trọng vọng, kính nể. Và cái câu: “Lời của các cha là vàng ngọc” vẫn đang còn đang tiềm tàng trong mỗi người giáo dân xứ đạo miền quê, thì hệ luỵ của sự xúc phạm đó là rất khôn lường. Một án tử, loại ra khỏi cuộc chơi của giáo xứ là không tránh khỏi. Rồi râm vang cả làng nước: thằng nớ bêu rếu các cha, rối đạo.

 

Nhưng rồi một hôm, có Linh mục bạn thân đến nhờ tôi làm cái chuyện tày trời đó. Ngài nói: “Mi hay viết lách có chút văn vẻ, tao nhờ mi viết lại cái tự sự của cuộc đời tao”. Thấy tôi có vẻ ái ngại, cha liền trấn an: “Mi đừng lo, có chi tao bảo kê cho”. Thôi thì vâng lời Ngài mà viết, chứ chuyện tai bay vạ gió là khó tránh khỏi.

 

*

Chuyện kể rằng…

Tôi được thụ phong linh mục vào cái tuổi 38. Cái tuổi khá cứng cáp để bước vào đời. Không kể mấy năm làm cha phó xứ, thì gần 20 năm làm chủ chăn ở 5 giáo xứ; trông coi 5 GIÁO Xứ xây 6 nhà thờ, còn nhà xứ, phòng sinh hoạt, nhà trường, hoa viên, đường sá…thì không biết bao nhiêu mà kể. Rồi còn được nhận nhiều bằng khen của nhà nước về: Xây dựng các thôn văn hoá. Sáng kiến đưa nghề truyền thống về cho giáo dân có công ăn việc làm. Nâng cao trình độ văn hoá cho con em và khai sáng cho người giáo dân nhận thức được vấn đề sinh đẻ có trách nhiệm, để nuôi dạy tốt…

 

Có lẽ, với bảng thành tích như thế của một Linh mục, đã làm tôi cảm thấy ấm lòng để tự tin xen lẫn chút hãnh diện khi được các giáo dân ngưỡng mộ và trầm trồ: một ông cha linh hoạt và tận tình phục vụ giáo dân, thì xứ nào mà chẳng mơ được ước thấy một ông cha như thế!

 

Nhưng rồi lòng tự tin và chút kiêu hãnh về bảng thành tích đó, đã hoàn toàn sụp đổ. Mà khốn thay, sự sụp đổ đó lại không xuất phát nơi những người giáo dân ngoan đạo, mà lại nơi mấy thằng bạn đời ngông nghênh, ăn tục nói phét và khô khốc đạo nghĩa mới phiền cơ chứ!

 

Bữa đó, một Linh mục Việt kiều về nước, rủ rê mấy thằng bạn một thời chung lớp, lên xứ tôi ăn nhậu hàn huyên tâm sự chuyện đời giông dài. Sau vài chung rượu, tán phét hết các chuyện thời sự trong ngoài nước, đến chuyện đạo bên trời Âu với nhiều Scandan của các Linh mục…Rồi chuyện thay ngôi đổi chủ của giáo hội Việt Nam. Và luôn miệng, tôi thông báo cho bọn bạn biết: “Thằng Nhân em thằng Lân, sắp thụ phong Linh mục”. Nghe thế, thằng Sơn Ba Rọi lên tiếng: “Nả, lại thêm một thằng mất dạy nữa rồi”. Tôi đớ người ra, tưởng như bị nghe lầm. Nhưng rồi hắn tiếp lời: “Anh quân ngạc nhiên lắm phải không? Khi lên làm Linh Mục rồi, các cha có còn nghe ai dạy dỗ nữa mô mà không mất dạy! Cha mẹ cũng nghiêng mình cúi chào “lạy cha” thì còn chi mà răn dạy nữa kia chứ! Mà có răn dạy, thì các cha có chịu nghe nữa không? Rồi xưng hùng xưng bá ở các giáo xứ; khi đó có còn vâng phục các Đấng bản quyền nữa chăng? Đến Toà Thánh Vatican mà còn phải đau đâu “kính nhi viễn chi” với các Linh mục đồng tính luyến ái, linh mục đòi hỏi huỷ bỏ độc thân…nữa là…”. Linh mục Việt kiều cười khẩy và hùa vô. Ngài có vẻ thích thú với những kiểu nói sống sượng đầy xúc phạm, và cho đó là chuyện bình thường. Đúng là Linh mục Tây có khác! Còn tôi thì như bị gáo nước lạnh dội vào làm bàng hoàng ngơ ngác. Nhưng rồi, tôi cũng ráng gượng nhẹ: “Thì tụi bây cũng vừa vừa với chứ! Mất gì mà không gọi một tiếng ông”. Tuấn đen cười nhăn nhở: “Đã mất dạy thì trong ngôn từ VN chỉ có “thằng mất dạy” chứ làm chi có “ông mất dạy”.

 

Rồi Trọng đỉu xía vô: “Ngày thụ phong, các Linh mục chưa kịp mặc áo Thiên chức với ba lời khấn: Khó nghèo, Thanh tịnh, Vâng lời thì đã vội mặc cho mình những thuộc tính tham sân si của con người trần tục: sĩ diện, bảo thủ, tự mãn, kiêu kỳ, bệnh thành tích….mất rồi”. Hắn dẫn chứng ra một danh sách dài các Linh mục, khi còn làm thầy thì xuề xoà, nhẹ nhàng, khiêm tốn, thân thương với bạn bè lắm, nhưng rồi khi lên chức cha thì lên mặt kiêu kỳ, hãnh tiến, bậc thứ, quan liêu….chẳng những với giáo dân mà còn với cả bạn bè nữa. Sự tự tôn đó, có lẽ, là do sự tôn kính quá đáng của các giáo dân, đã khiến cho các ngài được kích lên quá cao, để quên rằng, mình chỉ là tôi tớ phục vụ cho con chiên bổn đạo mà thôi.

 

Đó là lần đầu tiên trong hơn 20 năm làm Linh mục, tôi được nghe những lời chia sẽ hết sức tâm tình, và thấu đáo của bạn bè về Thiên chức Linh mục; nhưng nghe ra cũng thật nhức nhối. Những lời phản ánh này, lúc đầu nghe phản cảm đối với tôi lắm; bởi đời Linh mục của tôi chưa bao giờ được nghe ai nói sàm sở, thô nhám, và báng bổ về thiên chức Linh mục như thế cả. Mà cũng phải thôi, còn ai dám thổ lộ tâm tình chân thật hơn ngoài bạn bè. Giáo dân thì không dám hó hé chuyện sai trái của các Linh mục, vì sợ trù dập vạ tuyệt thông thì khốn! Các Linh mục thì xuê xoà với nhau, chứ dại chi vạch lá tìm sâu, mà đức hạnh chắc gì ai đã hơn ai? Còn các Đấng Bản Quyền thì xa xôi quá. Các Ngài làm sao biết hết ngọn ngành các chuyện tác oai tác quái của Linh mục ở các Giáo xứ. Giáo dân có viết thư phản ánh, Toà giám cũng lưỡng lự để tìm hiểu; Bởi nếu có sự thật như thế thì, Toà giám cũng ngại ngần để góp ý với các Linh mục đó. Vì đã từng có Linh mục toáng lên to chuyện, bất mãn Toà giám, rồi về trù dập giáo dân. Thành ra lợi bất cập hại, nên Toà giám cũng chỉ đánh cú lơ, rồi xin hai chữ bình yên mà thôi.

Và đúng là bị mất dạy thật rồi!

 

Những đêm sau đó, tôi đã phải thao thức, trăn trở để soát xét lại hơn 20 năm làm Linh mục của đời tôi.

Những năm đầu tiên, khi tôi về làm Linh mục phó của GIÁO Xứ K…thì mọi việc đã không mấy xuôn sẽ, mặc dầu có cha chính chỉ vẽ và hướng dẫn tôi trong các công việc mục vụ. Đó là khi bắt tay vào làm việc với các đoàn thể trong giáo xứ, mới nẩy sinh ra nhiều việc đụng chạm, kể cả có khi cha con phải lên tiếng đôi co nhau.

 

Ngày ấy, lúc mới về, bầu nhiệt huyết trào dâng trong tôi, đã khiến tôi làm việc không biết mệt nhọc. Và hậu quả của sự hăng say đó là, sự ôm đồm nhiều việc, để cuối cùng chẳng việc gì ra việc gì. Sự ôm đồm đó xuất phát từ suy nghĩ: nhân sự một giáo xứ miền quê không đủ năng lực để cáng đáng. Đó là sai lầm đầu tiên khi đánh giá thấp trình độ của người giáo dân. Và giữa cái lý thuyết và thực hành không phải luôn đi song hành với nhau, đã dẫn đến những mâu thuẫn nội tại giữa cha và con. Và cuối cùng, là cách làm và suy nghĩ của mỗi GIÁO Xứ mỗi khác, nhưng lại đem đến những kết quả rất khả quan giống nhau.

 

Những thất bại đầu đời của một Linh mục trong các việc xây dựng: cấu trúc đoàn thể, các phong trào vui chơi học giáo lý, văn nghệ, và nâng cao trình độ văn hoá, đã cho tôi một bài học: phải biết lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của hết mọi người. Phải biết tin tưởng và tôn trọng các cộng sự viên của mình. Phải biết biến hoá và tuỳ nơi, tuỳ lúc, tuỳ lớp tuổi, tuỳ cộng đoàn, tuỳ giáo xứ mà hành xử khoan nhặt cho thích ứng. Và yếu tố thất bại buổi đầu đời đó, chắc chắn cũng do bởi sự: chủ quan, bảo thủ, hiếu thắng và tự mãn nơi tôi.

 

Khi tôi bắt đầu nhận làm cha chính cho một giáo xứ thì, mọi việc nhiêu khê hơn tôi tưởng. Tôi suýt sa chân làm hỏng cái ơn gọi thanh tịnh nơi một Linh mục. Khi tôi về GIÁO Xứ nọ, hầu như không có người phụ trách ca đoàn, tôi đã say sưa đem lòng nhiệt tình ra bao thầu hết việc tập hát ca đoàn. Một lần nọ, đã xẩy ra một tình huống hết sức dễ sa ngã. Thông thường thì việc tập bè hay tiểu khúc thường được chỉ định cho một vài giọng nữ ở những buổi chiều khác. Hôm đó, vì muốn cho ca viên nữ nghe băng, bản nhạc sắp tập, nên tôi cho tập hát ngay tại phòng riêng. Và ngẫu nhiên lại chỉ có một cô bé khá xinh xắn tập hát. Đang khi tập hát, cô bé bỗng ngã ra, ngất xỉu ngay trong phòng tôi. Tôi thật bối rối, và không biết xoay xở ra sao? Kêu bà bọ –người nấu ăn - hay ai khác thì không tiện, vì người ngoài sẽ dị nghi là ông cha này làm chi mà con bé bị ngất xỉu. Nhưng nếu để lâu mà cô bé chết trong phòng một Linh mục cũng tai tiếng, biết ăn nói làm sao đây? Thế là cuối cùng tôi phải liều đánh gió cho cô bé khắp cả thân người, như mẹ tôi đã từng đánh gió cho tôi hồi còn bé. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái dáng vóc đường cong tuyệt mỹ nơi thân thể một người phụ nữ. Trong khi tôi run rẫy để đánh gió cho cô bé thì, ý nghĩ chiếm hữu thể xác đang chạy rần rật trong dòng máu nóng của cơ thể tôi. Đó là cái cảm xúc nhục thể giữa người nam và người nữ đã làm cho đầu óc tôi tê cứng không còn đủ lý trí tỉnh táo để chống đỡ. Thật may, cô bé tỉnh lại rất mau đã cứu tôi khỏi một tình huống phạm tội rất cụ thể.

 

Sau lần đó, tôi nhớ lại bài giảng cấm phòng của một Linh mục: “Hãy tránh xa và đừng tạo cơ hội cho ngọn lửa tình dục trong con người bùng cháy, vì nó sẽ đốt cháy con người chúng ta trong truỵ lạc. Chớ có thách đố hay đùa giỡn với tình dục. Ai vướng vào sẽ khó dứt nổi, vì nó còn quỷ quyệt hơn cả con nghiện ma tuý”.

Đó là lần hú vía, để sau này tôi không thể lập lại sai phạm. Và một Linh mục khác đã cho tôi cái kinh nghiệm để tránh xa chước cám dỗ của dục tình: “Khi tiếp xúc phụ nữ, không bao giờ cho phép tiếp trong phòng riêng. Khi tiếp xúc với phụ nữ không nên nhìn trực diện vào người đó. Và khi tiếp chuyện phụ nữ nên có một người thứ ba làm việc quanh quẩn đâu đó - để cho bà bọ lau quét nhà, dọn dẹp, hay cho các chú sửa soạn lại phòng ốc… Khi thấy câu chuyện với người phụ nữ không cần thiết, thì ra hiệu cho bà bọ vào báo là cha có người cần gặp để tránh ngồi giông dài với người phụ nữ kia”. Bởi vì, tôi cũng đã thấy bài học đáng tiếc nơi một vài Linh mục, chỉ vì coi thường chủ quan và dễ dãi với phụ nữ để không kịp hối tiếc. Và cuộc đời tôi từ đó đến nay, luôn được cảnh báo và đề cao được ơn gọi thanh tịnh trong tâm hồn.

Nhưng rồi ơn gọi khó nghèo của một Linh mục là cái cớ để lũ bạn tôi diễu cợt. Tụi hắn bảo: “Các Linh mục khôn quá, khấn đức “khó nghèo”, hèn chi không thấy Linh mục nào nghèo, mà chỉ thấy Linh mục giàu có. Nào là vi tính lên mạng Pentum 4 đời mới cáo, Latop xách tay. TV, tủ lạnh, máy điều hoà, băng đĩa máy hát xập xình. Lên đời hết xe này đến xe kia, và thậm chí là còn có cả xế hộp. Chơi chim chóc, cây hoa cảnh, trông vào nhà xứ như một tiểu đế vương vậy. Rồi như mốt thời thượng, các Linh mục đua nhau kiếm cớ đi chữa bệnh hay chơi ở nước ngoài mang về ít ngàn đô nhẹ nhàng. Nói lên điều này tôi cũng hơi chột dạ, vì nếu không có trục trặc thì, có lẽ, tôi cũng đã có chuyến qua Mỹ năm ngoái.

 

Rồi thằng Minh đen đưa ra gương khó nghèo như cha Bân(đã chết), cha Lễ: “Người nhà sắm cho biết bao nhiêu nồi niêu xoong chảo…chăn gối mùng mền, chỉ mấy tháng sau là không còn gì trong nhà xứ nữa. Người nhà thấy thương tội nghiệp thì sắm lại biết bao lần, thế mà đồ đạc áo quần không cánh cứ bay đi. Nhưng rồi cũng chỉ là chia sẽ cho người nghèo khổ thì ai dám trách cứ kia chứ!”.

 

Ai thì tôi không biết, nhưng cha Bân tôi biết khá rõ. Có lần lên thăm cha đau nặng, lúc tỉnh dậy cha bảo: “May mình không chết! Nếu chết thì mất linh hồn rồi!”. Nghe vậy tôi hỏi Ngài: “Tội chi mà ghê gớm vậy cha!”. Cha bảo: “Tiền họ xin lễ mình tiêu hết rồi, không có mà chuyển lại cho cha khác”. Tôi hỏi tiếp: “Cha làm việc chi mà tiêu tốn vậy”. “Cho mấy người nghèo, chứ có ăn tiêu chi mô”. Tôi bỗng cảm động và thương cảm cho một người cha già sống khó nghèo và chân chất đến thế là cùng.

 

Rồi Hoàng róm dẫn chứng gương một cha phó nọ: “Chỉ sắm một chiếc xe cúp 50 vừa đủ chạy, và chỉ chạy những lúc cần, còn bình thường thì cọc cạch chiếc xe đạp đi mục vụ giáo dân, khiến giáo dân ai cũng thương mến”. Và đúng như tụi nó nói: “Rao giảng lời Chúa rát họng, không bằng hành động sống đức khó nghèo trong đời thường”.

 

Có lẽ lời khấn thứ ba, về đức vâng lời tụi nó ít biết về quan hệ giữa Linh mục và Toà Giám Mục nên tụi nó đành bỏ qua. Và Linh mục Việt kiều đỡ lời là, Linh mục Hải ngoại thường hay vi phạm hơn, vì quyền tự do được tôn trọng, nên các Linh mục thường đi quá giới hạn hơn ở VN, với những đòi hỏi bỏ quy chế Linh mục độc thân…

Nhưng tôi lại nhận thấy nơi chính mình cũng đã có lần bất phục tùng bài sai Đấng Bản Quyền: với một lý do mà tôi tự nghĩ là rất chính đáng. Năm đó, tôi đang xây dở dang công trình nhà thờ, và mọi tài khoản kế hoạch đang nắm độc quyền trong tay, nên tôi xin phép được ở lại để hoàn thành công trình xây cất nhà thờ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mọi lý do cũng chỉ là sự bao biện cho sự bất phục tùng; bởi vì “Tiên vàn hãy phục tùng Đấng Bản Quyền”.

 

Nếu đức vâng lời tụi nó bỏ qua, thì trái lại việc điều hành giáo xứ (GX) tụi nó lên án gắt gao về sự độc đoán, chuyên quyền, bảo thủ và sự tự mãn nơi các LINH MụCQX. Hầu như các quyền hành điều phối tiền bạc, xây dựng các công trình đều tập trung vào đấng chủ chăn GIÁO Xứ. Về việc nay, thằng Đức Xê đưa ra những trường hợp cụ thể ở GIÁO Xứ nọ…là đã từng có những LINH MụCQX vẽ ra những công trình xây cất của GIÁO Xứ, mà chẳng hề đưa ra bàn bạc thảo luận với HĐGIÁO Xứ và giáo dân. Và HĐGIÁO Xứ chỉ biết có nhiệm vụ quyên tiền cho công trình tiến hành xây cất mà thôi. Và như thế, vô hình chung xem thường vai trò của HĐGIÁO Xứ, và đẩy HĐGIÁO Xứ vào vai trò đầy tớ trung thành để LINH MụCQX sai vặt.

 

Vai trò của HĐGIÁO Xứ vốn đã non kém, lại không có điều kiện để phát huy tinh thần tự chủ, thì làm sao trưởng thành được? Có lẽ, những phản ánh trên cũng có phần đúng, bởi lúc đó chưa có quy chế rõ ràng như ngày nay, mà nếu có, thì quyền lực cũng luôn nghiêng về các LINH MụCQX hơn là HĐGIÁO Xứ. Phần tôi, sống qua năm Ban HĐGIÁO Xứ khác nhau, tuy khá suôn sẽ, không có điều gì cha con phải lớn tiếng, nhưng những phản ánh trên cũng cho tôi nhiều suy nghĩ và trăn trở về những việc làm đã qua của một LINH MụCQX.

 

20 năm làm việc trong các giáo xứ, hầu như tôi nắm hết quyền chấp chánh. Dĩ nhiên là các đề án công trình xây dựng giáo xứ của tôi luôn được đưa ra bàn thảo, nhưng hầu như tôi biết chắc là sẽ được các ban ngành dễ tính thông qua. Thực ra, những người giáo dân trình độ khó tính, hay soi mói lý sự, thì làm sao có thể nằm trong các thành phần tham dự. Và như thế, chẳng khác nào bản đề án được đưa ra hội thảo chỉ cho có lệ mà thôi. Đến bây giờ, tôi mới thấy mình đã lấn sân quá nhiều với HĐGIÁO Xứ. Lẽ ra, chức năng đó phải để HĐGIÁO Xứ và giáo dân tự quyết định, và vai trò của LINH MụCQX cũng chỉ là tham mưu, tư vấn mà thôi. Phải xác định rằng: LINH MụCQX luôn là một người khách, nay đây mai đó. Và vai trò của HĐGIÁO Xứ và  giáo dân mới chính là chủ sự. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận thấy: không phải việc gì suôn sẽ cũng làm cho người LINH MụC an tâm rằng, mình đã đi đúng hướng. Nhiệm vụ của LINH MụCQX là làm cho người giáo dân tự trưởng thành trên đôi chân của chính họ.

Và bệnh thành tích là điều làm tôi nhức nhối khi nghe tụi nó phê phán. Hầu như đó là tâm lý chung của các Linh mục khi về bất cứ GIÁO Xứ giàu hay nghèo chẳng cần biết. Chỉ biết là mình phải phấn đấu làm cho được nhiều hạng mục công trình GIÁO Xứ, thì mới thể hiện là một Linh mục tài năng tháo vát. Nhưng buồn thay, nỗi vất vả truân chuyên lại đè nặng trên đôi vai của người giáo dân, vốn đã còm cõi trong cái nhục nhằn nợ cơm áo gạo tiền thì, những công trình đó lại càng làm còm cõi người giáo dân hơn. Đành rằng, việc xây dựng nhà Chúa là điều tốt đẹp, ai cũng hằng mong muốn, nhưng là muốn trong điều kiện kinh tế cho phép, chứ không phải ngậm đắng nuốt cay đóng góp trong sự ép uổng.

 

Và rồi đôi khi, cũng có những động tác dân chủ biểu quyết cho phải cách, nhưng giữa đại hội như thế ai dám phát biểu ngược những điều LINH MụCQX đã quyết định. Chính tôi bây giờ nhớ lại lần đại hội của GIÁO Xứ nọ để làm nhà thờ, mà chính ra nhà thờ đó cũng chỉ mới xây dựng được chưa quá 40 năm, vẫn còn khá khang trang. Sau một lúc bàn thảo một số người đã đưa ra ý kiến: “Vì thời giá cà phê xuống trầm trọng, chưa phải là lúc thuận tiện để xây dựng nhà thờ mới”. Nhưng rồi, một số nhân lực chủ chốt của HĐGIÁO Xứ đã lái chuyện trở lại làm nhà thờ, với nhiều lý lẽ, thì giáo dân cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vậy. Và một cuộc ra mặt đối đầu như thế, làm sao thắng nổi những tính toan đã được sắp đặt sẵn cơ chứ!

Tụi nó đưa ra lời của LINH MụC Ngữ: “Làm nhà thờ mà giáo dân phải thắt lưng buộc bụng thì Linh mục nào mà chẳng làm được. Cái hay của một LINH MụCQX là tần tảo chạy chọt hết nơi này đến nơi kia, để kinh tài về cho GIÁO Xứ mới là giỏi”. Và chẳng lẽ giáo dân khổ ải để cho bảng thành tích LINH MụC thêm dài hay sao?

 

Có lẽ chuyện về LINH MụCQX sẽ còn là những câu chuyện rất dài. Ngay cả khi tôi còn làm thầy Sáu, tôi cũng đã thấy những điều chướng tai gai mắt của các Linh mục. Đã có những Linh mục giam xác chết ở ngoài không cho vào nhà thờ mất mấy tiếng, chỉ vì những hiềm khích nhỏ nhặt với người sống. Có những đôi tân hôn bị Linh mục hành không chịu làm lễ cưới hết năm này tháng nọ, đến Toà Giám cũng phải chịu bó tay để phải đứng ra làm lễ cưới ở Toà giám. Có Linh mục đã nóng giận để ra vạ tuyệt thông vô cớ một cụ già 80 tuổi, chỉ vì chuyện con gái lấy người ngoại đạo rồi dở dang chưa kịp học giáo lý hôn nhân, nhưng rồi khi đi khỏi xứ cũng không nhớ giải vạ, đến nỗi sau này, cụ già hoảng quá phải vào xin LINH MụCQX mới giải vạ để lo các phép khi gần chết.

 

Chuyện một Linh mục nọ lấy ca đoàn làm bức bình phong cho những chuyện dán díu tư tình với ca viên nữ…Chuyện trù dập người này, nâng đỡ người kia…Và tất cả những chuyện trên, hầu như không có gì xa lạ với người giáo dân. Có điều họ biết, nhưng không bao giờ dám nói ra. Và cũng chính vì thế mà Linh mục khá an tâm để không nhận ra cái sai phạm tày liếp của mình để có cơ hội sửa sai.

 

Chuyện sai phạm của các Linh mục ở các GIÁO Xứ là chuyện sai phạm muôn thủa của cô dâu về nhà chồng, quen việc nhà mạ (tu viện)lạ việc nhà chồng(GIÁO Xứ) là thế đấy. Chỉ khác là cô dâu nào có to gan thì cũng chỉ to tiếng cãi trả mẹ chồng, chứ không phải như các Linh mục đè đầu cỡi cổ bà gia( giáo dân).

 

Nhưng dầu gì đi nữa, Linh mục cũng chỉ là con người hết sức trần tục. Trong con người họ có đủ mọi chứng hư nết xấu và cảm tính đời thường: hỉ, nộ, ái, ố, như muôn người. Có lẽ người giáo dân đã đánh bóng và quá thần tượng về thiên chức Linh mục, để đẩy họ lên một tầm cao vượt hẳn trên mọi giáo dân, để rồi khi phạm sai lầm, người giáo dân hầu như không chịu chấp nhận.

 

Thân phận tầm thường của Linh mục chúng tôi bị đè nặng trên đôi vai còm cõi biết bao trọng trách nặng nề để làm máng thông ơn cho Chúa. Và Linh mục luôn là người làm dâu trăm họ giáo dân và cả cho ông bà gia phép tắc cao đạo là Chúa và Mẹ nữa, chứ có phải chuyện làm Linh mục sung sướng chi đâu mà sách hoạch cho tội các Ngài vậy.

Và nếu Linh mục có điều gì sai phạm, xin mọi người giáo dân hãy vào cha con trao đổi tâm tình và chỉ bảo nhau, hoặc viết thư nặc danh cho Linh mục. Đừng biết sai phạm của Linh mục mà lặng thinh, thì chính giáo dân cũng có lỗi khi để Linh mục chìm đắm trong tội lỗi mà không ra tay cứu vớt. Nhưng hơn hết là xin mọi người giáo dân hãy cầu nguyện cho họ được sống chu toàn thiên chức mà Chúa đã trao ban.

 

Để giải bày đôi chút tâm sự tự bạch về đời sống Linh mục, tôi xin trích đoạn, bài viết của Linh mục Aug Hoàng Đức Toàn viết thư giải đáp cho một người bạn đã hỏi: Ân hận vì đã làm Linh mục? Đăng trong kỷ yếu 50 năm Thánh Mẫu năm 2005.

 

“…..Giá hơn 30 năm trước đây, anh đặt câu hỏi này, hẳn tôi đã trả lời không cần nghĩ ngợi: “Không! Không bao giờ ân hận! Tôi sẽ rất hạnh phúc”

 

Ngày tôi được thụ phong, tôi cảm thấy như đời mình được chắp cánh. Thế rồi với năm tháng, những hình ảnh rất đẹp ban đầu đó, đã mờ dần và biến mất. Những thực tế của đời Linh mục như những viên đá cứng đã đụng mạnh vào đời tôi, làm tôi đau và dần dần tỉnh lại, kéo tôi ra khỏi giấc mơ tuổi trẻ.

Thực tế đầu tiên mà tôi thấy, đó là Linh mục, hay ai chăng nữa, cũng vẫn là con người, là nhân loại. Yếu tố nhân loại này mãnh liệt lắm và cũng rất dai dẳng, xen lấn vào mọi lãnh vực của đời Linh Mục: tình cảm, phán đoán, quyết định, hành động, xử trí…Trong chuyện tin người, dùng người, tiến cử người, thương ghét người trong giáo xứ, trong giáo phận ….nhân loại lắm! Cũng là chuyện có thật và không phải là hiếm thấy.

 

Linh mục cũng là người như mọi người. Chúa chọn họ chẳng phải tại họ, cũng chẳng phải tại gia đình. Nhưng người giáo dân thường đòi hỏi Linh mục quá đáng. Họ đòi Linh mục của họ phải có đời sống thánh thiện phi thường “vô phương trách cứ”. Họ muốn gần như bắt linh mục của họ phải là những người, không những không được có tội, và ngay cả khuyết điểm cũng không!

 

Có lẽ, người ta đã lầm lẫn thiên chức Linh Mục và con người Linh mục. Hiểu theo nghĩa trừu tượng lý tưởng là như thế. Nhưng chức Linh mục đã mang lấy huyết nhục, để trở thành Linh mục, mang trên mình những yếu hèn của huyết nhục; Linh mục được chọn giữa người phàm, “Ex hominibus assumptus”. Đó là ý nghĩa hiện sinh của hai chữ Linh mục “Thánh Chức không làm thay đổi bản tính con người, không làm cho con người lãnh nhận Thánh Chức trở thành Thiên Sứ, trở thành Thánh Nhân”. Vì thế, Chức Linh mục quá to lớn so với tầm vóc bé nhỏ của con người. Quả thực, ngoài những trợ lực siêu nhiên, nếu không có những linh mục thân thiết, những giáo dân tin cậy, thì làm Linh mục, thực tình rất dễ là điều ân hận.

 

Khi Linh mục còn trẻ, còn khoẻ, còn làm được việc thì người ta hoan nghênh, người ta tiếp đón, người ta trong dụng. Nhưng khi đau ốm, về già thì chỉ là….hắt hiu cô quạnh.

 

Thư đã dài rồi, tôi ngừng lại trả lời anh hỏi: “Có ân hận không? Không, tôi không ân hận vì đã làm Linh mục. Một vài khoảng khắc chao đảo chẳng là bao, so với với quãng đường dài đã hơn một phần ba thế kỷ sống theo ơn gọi của riêng mình. Có ân hận chăng thì chỉ là ân hận về cách làm chưa tốt, còn vương vấn nhiều yếu tố nhân loại….Tôi hết lòng tạ ơn Chúa vì người đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Quả là “châu ngọc đựng bình sành”

 

Xin đừng ai bắt Linh mục phải sống ngang với tầm cao của thánh Thần, dù rằng chính Ngài cũng ước muốn như vậy”.

 

Có lẽ, cái câu : “Ngày thụ phong Linh mục là thêm một thằng mất dạy” của anh bạn tôi, nửa đùa nửa thật, nghe có vẽ bổ báng và xúc phạm thiên chức Linh mục, cũng chỉ là một sự thao thức mong muốn một cách cầu toàn về thiên chức Linh mục mà thôi.

Và những lời tự bạch trên đây đã phần nào giải bày cho mấy anh bạn tôi về Thiên chức Linh mục, để họ hiểu và thông cảm nhiều hơn cho Thiên Chức Linh mục chúng tôi.

 

Phần tôi, ngẫm đi nghĩ lại, vẫn thấy cái câu của anh bạn tôi, thật đúng vào trường hợp của riêng mình.

Quả thế, 20 năm qua, tôi chưa hề có ai dạy bảo chỉ vẽ cho tôi biết những việc làm sai trái để tôi có cơ hội sửa sai. Và hầu như tôi đã bị hư mất trong sự chủ quan của những lời xưng tụng, bốc khen, ninh nọt đã làm cho tôi yên ngủ trong niềm tự hào xen chút kiêu hãnh.

 

“Thêm một thằng mất dạy” là câu châm ngôn rất cần thiết để cảnh báo và để sửa mình cho tôi trong những năm tháng còn lại của đời Linh mục. Vì chính khi mình thấu đáo để biết mình đang bị “mất dạy”, thì cũng chính là khi mình đang “tự dạy dỗ lấy bản thân mình” vậy./.

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 6732
Ngày đăng: 21.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng Đakbla - Văn Thành Lê
Nơi đầu sông Sré Pok - Văn Thành Lê
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê
Nửa nghìn năm trầm tích - Văn Thành Lê
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)