Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.098
123.230.139
 
Những chiều thứ sáu trên chiếc xe buýt số 51
Nguyễn Thành Nhân

Alok là người bán hàng ở Lashmi Silks, một tiệm sari (trang phục của phụ nữ Ấn) tọa lạc tại một trong những quận mua bán sầm uất nhất của thành phố Bangalore. Những con đường cũ, vỉa hè lát đá ở đây khá hẹp; những phiến đá granit trơn trượt bên dưới bàn chân – chúng đã bị bào mòn nhẵn bởi vô số người qua lại mỗi ngày. Alok lê chân từ trạm xe buýt tới tiệm mỗi sáng và từ tiệm tới trạm xe buýt mỗi đêm, vừa đi vừa ngắm nghía đôi bàn chân của mình trên những phiến đá bằng phẳng. Anh đi trên con đường này nhiều đến nỗi có thể nhớ thứ tự của những phiến đá đó.

Suốt ngày, Alok trải những tấm sari ra để chào mời những người đàn bà to mồm, hay đòi hỏi. Với anh giọng của họ hệt như nhau, và anh nghĩ về họ như nghĩ về một người đàn bà duy nhất: Khách hàng.

“Cho tôi xem tấm sari đỏ,” Khách hàng nói. “Không, không phải tấm đỏ sẫm đó, tấm màu đỏ tươi với  váy thêu kim tuyến kia. Giờ thì cho tôi xem tấm màu tím, không, thật ra là tấm màu xanh da trời…”

            Những tấm sari gấp gọn ghẽ được chất đống trên những kệ hàng của cái cửa tiệm hình chữ nhật. Alok kéo chúng ra và trải chúng lên trên những chiếc bàn phủ laminate trắng với những cử động nhanh của cổ tay để Khách hàng có thể thấy chất vải và đường thêu bổ sung cho nhau mịn màng đến thế nào.

Alok đã làm việc ở đây từ năm mười hai tuổi, và dù bây giờ anh đã ba mươi mốt, Kumar Sahib, ông chủ của Lakshmi Silks vẫn gọi anh là “Nhóc,” hệt như ngày đầu tiên anh tới đây làm. Sahib luôn gọi người nhân viên bán hàng kia bằng tên của anh ta, thường đi kèm với một thán từ bực bội – “Ôi, Vivek!” hoặc “Vivek, mày là đồ con lừa!” nhưng Alok thì luôn là “Nhóc” đối với ông ta. Vivek thường hau háu nhìn những người phụ nữ đi mua sắm, nheo nheo và ngọ nguậy đôi lông mày về hướng họ, và hát khào khào trong cổ họng những khúc tình ca Bollywood trong lúc cho họ xem những tấm sari. Nhưng Alok thì vẫn rụt rè và tôn kính. Anh tránh né việc tiếp xúc ánh mắt với những người phụ nữ vào tiệm và hiếm khi ngước mắt khỏi những tấm sari.

Vài tháng trước, khi ba con hình nộm dùng để trưng bày ở cửa sổ được giao tới tiệm, Sahip đã yêu cầu Alok lắp ráp chúng lại.

“Cậu là một đứa trẻ biết vâng lời và lịch sự,” Sahip bảo, trong lúc Alok cố gắn những cặp giò quyến rũ vào những thân hình khêu gợi bằng nhựa dẻo, “nhưng ta đã từng e là khi cậu lớn hơn, ta sẽ gặp rắc rối với cậu hệt như với những nhân viên bán hàng trẻ tuổi khác – những tên mà ta đã sa thải vì cách cư xử của chúng thậm chí còn tệ hơn cả cái gã Vikek ngu xuẩn kia. May thay, điều này không xảy ra; cậu là nhân viên tốt nhất của ta, Nhóc ạ.”   

Alok lẩm bẩm bày tỏ sự biết ơn của mình và cố gắn đôi cánh tay của một hình nộm vào hai cái lỗ, với đôi bàn tay của nó chắp lại với nhau.

“Đó là lý do tại sao ta chọn cậu mặc đồ cho những con hình nộm,” Sahip bảo. “Cửa sổ trưng bày phải hấp dẫn đến mức không người phụ nữ nào đi qua tiệm có thể cưỡng lại việc bước vào.”

Alok thích cái ý tưởng này; anh thấy nó có tính thách thức. Anh tưởng tượng rằng, một ngày nào đó, cô gái trên xe buýt sẽ đi tới khu này để mua sắm, đôi giày của nàng sẽ trượt nhẹ một chút trên những phiến đá mòn nhẵn, và khi tới gần tiệm sari, những con hình nộm mà anh đã mặc quần áo sẽ thu hút nàng đi vào tiệm, và ở đó, nàng sẽ mỉm cười nhìn anh theo cung cách xinh đẹp, quen thuộc đó.

Mỗi tuần một lần, Alok đưa những con hình nộm từ trên cửa sổ xuống và mang chúng vào một phòng nhỏ ở phía sau tiệm. Ở đây, trước tiên anh cởi đồ chúng ra, rồi quấn chúng trong những tấm sari mới mà Kumar Sahip đã chọn ra. Vivek luôn luôn đi theo anh vào căn phòng nhỏ xíu này để chế giễu anh trong lúc anh làm việc đó, và thông lệ này khiến cho Alok bực mình kinh khủng. Khi những ngón tay của anh ấn lên cặp vú của những con hình nộm, và anh kéo tấm sari xuống dưới hông chúng, mạch máu trên đầu anh đập mạnh và đôi bàn tay anh run rẩy. Vivek ôm bụng cười ngặt nghẽo khi gã quan sát anh lúng túng với những tấm sari.

“Đây là con đường gần nhất để chú mày đến với một người đàn bà thật sự,” gã nói với Alok, “vì thế hãy tận hưởng đi, Cô gái nhỏ.”

Có lần, Alok đã mặc thử một tấm sari cho một quý bà lớn tuổi đến tiệm Lakshmi Silks mua đồ cho con gái bà ta ở Anh xem; kể từ đó, Vivek cứ gọi anh là “Cô gái nhỏ” miết. Quý bà lớn tuổi đó không giống như Khách hàng mà Alok từng biết và quen thuộc – sự thân thiện khác thường của bà làm cho anh luống cuống. Bà bảo anh rằng con gái của bà ở Luân Đôn, đang học lấy bằng tiến sĩ Văn chương Anh, và sẽ kết hôn với cậu bạn trai người Anh của cô vào tháng sau.

 “Tháng sau là một tháng đầy hứa hẹn cho những cuộc hôn lễ,” bà ta nói tiếp. “Con gái tôi có thể hiện đại, nhưng nó phải theo truyền thống trong những dịp long trọng.” Bà ta gật đầu khi nói câu này, và anh gật đầu đáp lại. Cuối cùng, bà ta nói, “Cho tôi xem những tấm sari đẹp nhất.”

Alok mang ra những tấm sari đắt nhất trong tiệm – những tấm lụa mịn màng thêu chỉ vàng và bạc và đính những loại đá quý. Vị phu nhân già chậm chạp kiểm tra chúng và chọn một tấm sari hồng có những họa tiết thêu bằng vàng.

“Nước da của con gái tôi giống nước da của cậu,” bà ta nói. “Cậu có thể quấn tấm sari này quanh người cậu để tôi có thể chắc chắn là trông nó sẽ hợp với con gái tôi không?”

Alok cảm thấy bối rối và hoảng hốt, và không thể nghĩ ra cách nào để từ chối bà ta. Anh quấn tấm sari quanh người, đôi mắt hướng về phía Vivek đang bận rộn với những người khách hàng ở phía bên kia tiệm; anh hy vọng gã sẽ không nhìn lại và trông thấy anh.  

“Tôi sẽ lấy nó,” cuối cùng vị phu nhân già nói.

Nhưng trong khi Alok nhanh chóng tháo tấm sari khỏi người mình, Vivek đã liếc mắt qua căn phòng về phía anh và nhếch mép cười.

“Cô gái nhỏ trông xinh xắn trong màu hồng ghê,” sau đó Vivek nói khi gã đi ngang qua anh  để ra ngoài hút thuốc.

Và bây giờ, mỗi khi  Kumar Sahip hỏi, “Nhóc đâu rồi?,” Vivek sẽ la lên với Alok, “Cô gái nhỏ! Sahip muốn gặp cậu!”

Vivek thường đóng cánh cửa của căn phòng nhỏ phía sau khi Alok đang mặc đồ cho mấy con hình nộm, và khóa nó lại từ phía ngoài.

“Tôi sẽ cho cậu chút riêng tư khi cậu chơi đùa với mấy con búp bê của cậu, Cô gái nhỏ ạ,” gã nói.

Khi Alok đang vuốt những nếp gấp của một tấm sari, anh có thể nghe tiếng cười của Vivek ở mé ngoài cánh cửa. Những con hình nộm nhìn anh đăm đăm, nét mặt mịn màng và bình thản, đôi môi đỏ mọng của chúng cong lên trong những nụ cười quyến rũ.

Vào mỗi ngày trong tuần trừ ngày thứ Sáu, Alok có một lịch hoạt động thường xuyên. Anh bắt chuyến xe buýt 7:30 mỗi sáng từ nhà tới tiệm. Trên đường từ trạm xe buýt tới tiệm Lakshmi Silks. Anh mua một xâu chuỗi hoa nhài nhỏ từ những người bán hoa ngồi cạnh đền Ganesh. Vào lúc 8:00, anh mở cửa tiệm và những cánh cửa sổ để không khí ban mai mát mẻ tràn vào; anh quét sàn và lau sạch những cái bàn đá trắng. Anh thắp một cây nhang tẩm bột đàn hương và cắm nó trước chân dung của nữ thần Lakshmi treo trên tường và thay xâu chuỗi hoa lài cũ trên tấm tranh bằng xâu chuỗi mới mua. Kumar Sahip tới tiệm đúng 8:30; ngay lập tức mở sổ cái ra và bắt đầu cân đối các tài khoản. Vivek thường lững thững đi vào sau 9:00, bất chấp những lời khiển trách thường xuyên của Sahip. Alok bận rộn với những người khách suốt ngày, trừ hai đợt nghỉ uống trà kéo dài 15 phút vào lúc 11 giờ sáng và 5 giờ chiều, và nửa giờ ăn trưa vào lúc 1:00. Mỗi tối, anh khóa cửa tiệm vào lúc 8:00.

Anh đón xe buýt trở về  nhà, nơi mẹ anh đang giữ nóng bữa tối cho anh và sẽ ngồi cạnh anh trong lúc anh ăn. Alok có thể đoán trước những điều bà sẽ nói. Đầu tiên, bà sẽ hỏi anh  ngày hôm ấy có tốt đẹp không, và luôn luôn anh đáp là rất tốt. Rồi bà kể cho anh nghe về một ngày của bà: Bà đã giặt giũ quần áo, chứng viêm khớp của bà đang trở nên tệ hơn, bà đã ra chợ mua rau quả, bà đã an ủi em bé hàng xóm bị đau bụng. Cuối cùng, bà sẽ cố trò chuyện với anh về việc lấy vợ. Một ngày nọ, bà rất quả quyết về chuyện này:

“Cháu của bà Swarna rất xinh đẹp. Mẹ có một tấm ảnh của cô ấy đây con ạ.  Thấy không? Cô ta đáng yêu quá phải không? Nước da thật là sáng! Hôm nọ cô ấy đã làm kẹo nhân đào lộn hột. Thật là một đầu bếp giỏi giang!”

Vào những hôm khác, khi chứng viêm khớp của bà quá tệ, hay khi một phụ nữ hàng xóm khác đã hỏi bà vì sao Alok vẫn còn là một anh chàng độc thân, sự nôn nóng của bà khiến bà trực tiếp hơn:

“Bây giờ Kumar Sahip đã trả công cho con khá rồi, con trai. Con có thể lo cho một người vợ và một đứa con – thậm chí có thể cả hai đứa con! Con không muốn mẹ được lên chức bà nội hay sao?”

Alok không đáp, và bà tiếp tục kèo nhèo cho tới khi mệt lả đi và nằm xuống tấm chiếu để ngủ. Sau khi ăn xong, Alok lên giường.

Những ngày thứ Sáu khá đặc biệt, và vào một giờ chiều những ngày thứ Sáu, Alok ăn trưa tại một tiệm ăn cách tiệm Lakshmi Silks mười phút đi bộ. Món ăn trưa đặc biệt ở đây là channa masala và thịt nướng, và đấy là những gì anh có. Anh lý luận, anh đáng được hưởng một bữa ăn đặc biệt trong một ngày đặc biệt. Sau khi ăn xong, anh rửa tay nhiều lần với xà bông hương chanh trong phòng vệ sinh tiệm ăn. Khi hài lòng thấy rằng đôi tay đã sạch sẽ thơm tho, anh dùng chiếc khăn tay lớn cẩn thận lau khô chúng.

Sau đó anh đi tới trạm xe buýt, ngắm nghía đôi chân mình trên những phiến đá, và vì anh nôn nao mong chóng tới những giờ còn lại của buổi chiều, anh mỉm cười với những phiến đá mà anh nhận ra. Chiếc xe buýt số 51 thường tới trễ một chút, và điều này khiến cho Alok mất kiên nhẫn. Anh nhảy cẩng lên khi thấy nó tới gần, và nhanh nhẹn phóng lên nó. Chiếc xe không bao giờ đầy khách vào giờ này và hầu như anh luôn tìm được một chỗ ngồi bên cửa sổ. Anh ngồi xuống và lắng nghe tiếng máy rền rền, quan sát những đám mây trắng mềm mại. Chúng có những hình thù vui mắt: một con chó nhỏ với một cái đuôi cong, một ông béo đang khom lưng, một chùm bong bóng.

Ở một trạm dừng trước trạm Tagore Circle, Alok ngồi thẳng lên và ép mái tóc xuống. Trong vòng năm phút tới Tagore Circle, anh trở nên bồn chồn. Anh lo rằng có thể nàng không có ở đó, rằng nàng đã quyết định không bao giờ tới nữa. Anh nhìn ra cửa sổ một cách sợ hãi, tìm kiếm nàng giữa những người đang đứng chờ ở trạm xe buýt. Nhưng nàng luôn luôn ở đó. Nàng bước lên xe và đảo mắt nhìn quanh như thể tìm kiếm anh, nàng bước thẳng tới chỗ anh, ngồi xuống cạnh anh và ngay lập tức họ nắm chặt lấy tay nhau, một cách bí mật.

Alok không biết tên nàng, tuổi của nàng hay bất cứ điều gì về nàng. Anh đáp chuyến xe buýt này lần đầu khi anh chạy việc vặt cho Kumar Sahip vào một chiều thứ Sáu cách nay vài tháng. Hôm đó cô gái này đã ngồi cạnh anh và đã giữ bàn tay anh trong đôi tay mình. Cô nắm chặt tay anh, và dù anh thấy khó chịu, anh cũng rất xúc động và ngạc nhiên rằng một người phụ nữ xinh đẹp lại muốn nắm giữ tay anh.

Khi Alok quay về Lakshmi Silks muộn hơn chiều hôm đó, anh ngần ngừ hỏi Kumar Sahip rằng anh có thể nghỉ ăn trưa suốt ba giờ, từ một giờ tới bốn giờ, vào những ngày thứ Sáu hay không. 

“Tất nhiên,” Sahip nói, mỉm cười. Đó là lần đầu Alok hỏi ông ta về một điều gì đó.

Và mỗi thứ Sáu sau đó, Alok chắc chắn rằng anh lại đáp cùng một chiếc xe buýt của chiều hôm đó, và cô gái luôn luôn lên xe ở trạm Tagore Circle.

Nàng nhìn thẳng ra phía trước, không bao giờ nhìn anh. Thỉnh thoảng anh lại liếc nhìn nàng, cố ghi nhớ hình dáng đôi mắt nàng, sắc thái của nước da sẫm, mọi góc cạnh và đường cong trên gương mặt nàng. Có lần, anh nhìn xuống đôi tay đang nắm chặt nhau của họ và nhận ra rằng nàng đen hơn anh; anh biết mẹ anh sẽ không chấp thuận một cô dâu có màu da sẫm, và nhận ra rằng điều đó khiến anh mỉm cười. Những chiếc sari của cô gái luôn giản dị nhưng phù hợp, và Alok thích nghĩ tới những tấm sari mà anh sẽ mua từ Lakshmi Silk cho nàng nếu anh có đủ tiền. Anh cũng lưu ý tới cái cách nàng mặc những chiếc sari vào mỗi thứ Sáu – nàng có xếp nếp tà áo và đính nó vào áo choàng của nàng không, hoặc nàng có để cho lớp vải trùm lên cánh tay không, có quấn nó quanh lưng nàng như một tấm khăn choàng không – và khi anh mặc đồ cho mấy con hình nộm, anh bắt chước theo phong cách của nàng.

Vào những hôm nào đó, đôi mắt của cô gái lấp lánh, và Alok nghĩ nàng còn trẻ, rất trẻ, có lẽ không tới hai mươi. Vào những hôm khác, những đường nét quanh miệng nàng khiến cho nàng trông già hơn. Alok tự hỏi không biết nàng đã lấy chồng hay chưa, và chồng nàng có trách nhiệm gì với những nét muộn phiền trên đôi môi của nàng chăng. Khi nghĩ tới đây, anh đau đớn vì sự ghen tuông và giận dữ. Anh hình dung ra chồng nàng – một người đàn ông độc ác vô ơn; Alok cảm thấy anh có thể chiến đấu vì nàng.

Cô gái luôn luôn xuống xe ở trạm Majectic Market; trên môi nàng thấp thoáng một nụ cười khi nàng bước dọc theo hành lang trong xe và bước xuống những bậc thang. Alok tiếp tục ngồi trong xe thêm hai trạm nữa, cho tới phố Vasanth. Anh tới tiệm bánh kẹo ở đó để mua một hộp kẹo nhân đào lộn hột cho mẹ mình. Anh lớn tiếng chào hỏi người bán bánh kẹo, và mỉm cười rạng rỡ với ông ta. Anh hỏi thăm gia đình của ông ta – anh biết người bán bánh kẹo có hai đứa con học trung học và một người vợ mắc bệnh suyễn mãn tính. Alok thảo luận về chính trị và crikê với ông ta bằng một giọng rõ ràng tự tin, và đưa ra những bình luận khôn ngoan, cũng như kể lại những câu chuyện vui. Anh tưởng tượng những gì người bán bánh kẹo có thể nói về anh với bạn bè và khách hàng của ông ta: cái anh chàng thông minh này tới tiệm của tôi mỗi chiều thứ Sáu để mua một hộp kẹo nhân đào lộn hột. Thật là một chàng trai thân thiện và thông minh!”  

Alok nhét hộp kẹo vào túi áo đồng phục rồi đón chuyến xe buýt kế tiếp tới tiệm sari.

Vivek thường đứng ở góc phố, vừa hút thuốc vừa chờ để trêu chọc anh.

“Hello, Cô gái nhỏ! Cuộc hẹn với Hoa hậu Ấn Độ thế nào rồi? Hay đó là Quý ông Ấn Độ?

Alok bước qua, đầu cúi xuống; anh che giấu giọng nói lớn, tự tin của mình, nhưng một nụ cười bí mật bên trong anh khiến lòng anh ấm áp. Bất cứ khi nào một trong những người phụ nữ vào tiệm để mua sari có một cổ tay thanh mảnh và nước da sẫm mịn màng như lụa, Alok cũng đều tự hỏi đó có phải là nàng hay không. Trong khoảnh khắc chậm rãi tuyệt vời đó, trước khi anh dám ngước mắt lên gương mặt của nàng và phát hiện ra rằng đó chỉ là một Khách hàng, anh cảm thấy không khí tràn vào lỗ mũi mình và nghe thấy tiếng tim đập trong tai, và anh hạnh phúc.

Nguyễn Thành Nhân dịch

Tác phẩm này đoạt giải nhì The storySouth 2008 Million Writers Award do tạp chí online StorySouth   (http://www.storysouth.com) tổ chức.

Về tác giả: Sruthi Thekkiam đang giảng dạy và hoàn thành học vị  tiến sĩ văn chương tại đại học Houston, Mỹ. Trước khi tới Mỹ, cô sống ở Banlagore, Ấn Độ.

 

 

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 2343
Ngày đăng: 24.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò chơi cuối - Bạch Lê Quang
Chuyện tình của thị mầu - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn bà cọp vồ - Dương Phượng Toại
Mùa chim bay đi - Lê Trâm
Phóng sự ảnh - Thiện Phạm
Môn đệ - nghịch tử - Nguyễn Chính
Cây khế vườn xưa - Minh Hương
Vòng xoay - Khôi Vũ
Xuân đã già - Phạm Phù sa
Làng nói trạng - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)